(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Do thái, Jerusalem và Israel (Phần 1)

Jerusalem:

Trong bánh xe của thời gian, Jerusalem đã từng là trung tâm của thế giới. Nơi đây là điểm giao nhau của ba lục địa Á, Âu, Phi. 

Những nền văn minh sớm nhất được biết đến đều hình thành bên cạnh các dòng sông‎. Đó là các nền văn minh khu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia), Lưỡng Hà tức là nằm giữa các con sông, ở đây là hai con sông Tigris và Euphrates, có thể kể tên các nền văn minh khu vực Lưỡng Hà như Sumer, Akkad, Assyria, Babylon, Palmyra,…, Ai Cập bên dòng sông Nile, Trung Hoa bên dòng Hoàng Hà, Ấn Độ bên các dòng sông Ấn, Hằng... Lúc bình minh của nền văn minh loài người, khu vực nơi giao nhau của ba lục địa này chính là nơi sản sinh những di sản đầu tiên và to lớn cho loài người. Mảnh đất này, là nơi ra đời nhiều nhất, với mật độ dày nhất, những nền văn minh lớn được hậu thế gọi tên.‎ Và ở đó, những tôn giáo lớn nhất cũng được ra đời.

Thánh đường đá

Ở đó, thật khó tưởng tượng, không biết rằng đó chỉ là  sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của một đấng tối cao, hầu như tất cả những câu chuyện tôn giáo linh thiêng nhất, bi ai nhất về ba tôn giáo độc thần lớn nhất, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, và Hồi Giáo, đều diễn ra ở đây, ở Jerusalem.

‎Kể từ khi lịch sử được ghi chép lại, Jerusalem đã 2 lần bị thiêu rụi hoàn toàn, 23 lần bị bao vây, 52 lần bị tấn công, và 44 lần bị trao qua tay các chính quyền đô hộ khác nhau. Ở hầu hết mọi góc nhìn tại Jerusalem, đều có thể nhìn thấy những tháp chuông nhà thờ Thiên Chúa với hình cây thánh giá, xen lẫn những vòng cung trăng lưỡi liềm trên đỉnh các thánh đường Hồi giáo, và dưới thấp một chút là các mái vòm hình trứng của thánh đường Do Thái giáo. Ở Jerusalem, mỗi hòn đá là một câu chuyện kinh thánh, mỗi người dân là một tín đồ sẵn lòng tử vì đạo, mỗi ngọn gió tràn qua cũng có mùi thánh thần, một lời nói bâng quơ cũng có thể trở thành điều tiên tri chờ ngày ứng nghiệm.

Đền thờ thiêng, bức tường than khóc, tảng đá nền:

Khi vương quốc Israel cổ được hình thành, Jerusalem là trái tim của đất nước này. Ở đó, họ đã hai lần xây dựng Đền thờ thiêng hùng vĩ, nơi cất giữ bản "10 điều răn của Thượng Đế". Và cả hai lần đều bị phá hủy, thiêu rụi bởi các đế quốc xâm chiếm. Tất cả những gì còn lại của chốn linh thiêng nhất này đối với tôn giáo Do Thái là một đoạn nhỏ của bức tường khổng lồ, bức tường vốn chỉ xây bao quanh để bảo vệ cho Đền Thờ Thiêng và một phần của Tảng Đá Nền. Từ đó, người Do Thái ở Jerusalem, và người Do Thái xa xứ trở về, cứ mỗi chiều thứ 7 lại tập trung dưới chân bức tường vừa đọc Kinh Cựu Ước, vừa dập đầu than khóc. Người ta gọi đó là bức tường than khóc.

Tảng đá nền (Foundation Stone) là nơi Thượng Đế bắt đầu công việc tạo dựng nên Trái Đất, nơi Người vun đất nặn nên Adam, và nơi đây cũng là nơi Người thử lòng sùng đạo của Abraham (tổ phụ của cả ba tôn giáo độc thần trên).

Con đường sầu thương:

Sau khi Do Thái Giáo ra đời được khoảng 1000 năm, Jerusalem khi đó đang bị La Mã đô hộ. Một người Do Thái trẻ tuổi tên là Jesus đã tạo ra một tôn giáo mới, đó là Thiên Chúa Giáo, nối thêm Kinh Tân Ước vào Kinh Cựu Ước của người Do Thái. Jesus đã tụ hợp được hàng trăm người lại để nghe ông nói chuyện, ngay chính tại Đền Thờ Thiêng khi đó chưa bị thiêu hủy. Sau khoảng một tuần nói chuyện tại Jerusalem, do những điều Jesus đề cập ảnh hưởng đến lợi ích của tầng lớp cai trị, Jesus bị chính quyền La Mã đóng đinh thập giá.

Con đường sầu thương (Via Dolorosa) đánh dấu 600m của máu và đau đớn, 14 điểm dừng kể lại tấn bi kịch được cho là cao quý nhất trong lịch sử tôn giáo độc thần. Đó là con đường Jesus vác cây thập giá lết qua và ngã gục 3 lần vì đòn roi tra tấn, là nơi Jesus gặp mẹ mình quỵ ngã trước mặt đứa con rứt ruột đẻ ra đang chuẩn bị bước vào cõi chết bằng những chiếc đinh đóng phập qua xương bàn tay găm vào cây thập giá. Cuối con đường sầu thương là thánh đường Sepulchre (thánh đường Lăng Mộ), là nơi cây thập giá được dựng lên, Jesus bị đóng đinh, hạ xuống chôn cất, và 3 ngày sau Phục sinh.

Thánh đường đá và thánh đường viễn xứ

Khi Do Thái Giáo ra đời được khoảng 1600 năm, Thiên Chúa Giáo được khoảng 600 năm, thì tôn giáo độc thần thứ 3 ra đời từ lòng sa mạc của bán đảo Ả Rập. Cách Jerusalem khoảng 1500km, Muhammad bắt đầu truyền bá một tôn giáo có tên là Islam (chúng ta gọi là Hồi giáo, có lẽ là do cách phiên âm từ tiếng Hán, dùng để chỉ tộc người Hồi ở Trung Quốc tin theo một tôn giáo “lạ”, tôn giáo đó chính là Islam). Theo Kinh Quran của Hồi Giáo, một ngày Muhammad được Thượng Đế đưa lên thăm Thiên Đường. Chuyến bay từ Mecca lên Thiên Đường có điểm dừng tại một thánh đường ở "nơi xa nhất", tiếng Ả Rập dịch là Al-Aqsa (Viễn Xứ). Tín đồ Hồi Giáo tin rằng, nơi xa nhất đó chính là Jerusalem, Muhammad đã cầu nguyện ở thánh đường Viễn Xứ tại Jerusalem và cất cánh lên Thiên Đường từ chính Tảng Đá Nền ngay cạnh thánh đường Viễn Xứ trong khu Đền Thờ Thiêng của người Do Thái. Ngay lập tức, chính quyền Hồi giáo, khi đó đang thống trị Jerusalem cho xây một thánh đường Hồi giáo lộng lẫy gọi là Thánh Đường Đá (Dom of the rock), người Hồi Giáo coi Thánh Đường Đá là một trong những chốn linh thiêng nhất. Nhưng oái ăm thay, Thánh Đường Đá được xây trên nền cũ của Đền thờ thiêng đã bị phá hủy, là nơi tột cùng linh thiêng của người Do Thái, là nơi người Thiên Chúa Giáo coi như chốn giao nhau giữa trời và đất, là nơi Thượng Đế vun đất nặn nên con người đầu tiên, là nơi cả tín đồ Do Thái lẫn Thiên Chúa tin rằng ông tổ của họ Abraham đã đặt con trai mình trên Tảng Đá Nền, và sẵn sàng cầm dao cắt cổ đứa con ruột thịt của mình khi Thượng Đế yêu cầu.

Trong không gian 0,9 km2 đó của Jerusalem, chứa đựng những điều linh thiêng nhất của ba tôn giáo độc thần lớn nhất, nhưng chúng lại chồng chéo lên nhau, ba người anh em cùng một tổ phụ, cũng là ba kẻ thù lớn nhất của nhau.

Khởi đầu từ những niềm tin tôn giáo, những truyền thuyết, đức tin, hòa lẫn với những điều thực tế diễn ra mà lịch sử đưa lại. Thù hằn giữa ba người anh em ngày càng lớn lên, chồng chất thêm. Jerusalem, mang tính biểu tượng cho cả ba tôn giáo, đức tin, và cả những sự kiện, những chứng nhân lịch sử, có thật, của cả ba tôn giáo, đều xảy ra trên mảnh đất này.

Tổ phụ:

Tại phía bắc của khu vực Lưỡng Hà (Metropotamia), trên thảo nguyên bát ngát của xứ Ur, có một người đàn ông du mục tên là Abraham. Một buổi sáng mùa thu năm 1812 TCN, Abraham bật tỉnh sau một giấc mơ, ông mơ đã gặp Thượng Đế. Thượng Đế có những giao kèo về đức tin và nghi lễ đối với ông, đổi lại Người hứa dành cho ông miền đất Canaan- nơi sẽ thuộc về ông đời đời và ông sẽ trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc. Đó chính là “Miền đất hứa” mà hậu thế nhắc tới.

Lòng Abraham đầy đức tin, trái tim đầy nhiệt huyết. Ngay hôm đó, ông cùng cả gia đình, và bộ lạc của mình, bắt đầu một hành trình xa xăm tiến về Miền Đất Hứa. Lịch sử của dân tộc Do Thái khởi đầu từ câu chuyện về Abraham như thế. Ông đến Vùng Đất Hứa, phát triển thành một thị tộc, rồi một bộ tộc, và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc, đó chính là dân tộc Do Thái. Sự khởi đầu này, cuộc hành trình này của ông sau này được đưa vào Kinh Thánh Do Thái gọi là Kinh Cựu Ước và trở thành cảm hứng của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất, bao trùm toàn bộ lịch sử nhân loại là Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo.

(Thời kỳ này tương đương với thời kỳ Nhà Hạ của Trung Quốc, còn Việt Nam chưa có lịch sử, thuộc Kỷ Hồng Bàng)

Vùng đất hứa:

Canaan là dải đất ven biển Địa Trung Hải (bao gồm Palestine, Israel và Syria ngày nay) là khu vực giao nhau, là cửa ngõ của các nền văn minh, kết nối ba lục địa Á, Âu, Phi. Khi loài người bắt đầu hình thành nên các nền văn minh, khu vực này là nơi các nền văn minh, các Đế quốc lần lượt ra đời và lớn mạnh, mật độ dày nhất, và nhiều nhất so với bất cứ nơi đâu. Vùng đất Canaan trở thành địa điểm chiến lược, một hành lang nằm giữa biển và sa mạc, cung cấp cho các nhà buôn, và các đạo quân chinh phục một con đường độc nhất xuyên giữa các quốc gia rộng lớn và hùng mạnh xung quanh. Canaan trở thành lời quyền cho các dân tộc sống ở đó, bao gồm cả người Do Thái.

Abraham đến đây, sống cạnh các dân tộc khác, và đưa dân tộc mình ngày càng lớn mạnh. Sau khi ông qua đời, trách nhiệm lãnh đạo lần lượt được truyền lại cho các con cháu ông. Bắt đầu từ Abraham, truyền cho con là Isaac, truyền cho cháu là Jacob , và từ Jacob (được đổi tên thành Israel) sản sinh mười hai người con, là mười hai bộ tộc của người Do Thái. Tất cả họ đều được coi là “tổ phụ”, là tổ tiên của dân tộc Do Thái (Giống như 18 Vua Hùng của Việt Nam)

Sở dĩ Jacob đổi tên thành Israel vì một đêm Jacob nằm mơ vật lộn với hình bóng của Thượng Đế, rồi Thượng Đế đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là “kẻ chiến đấu với Thượng Đế”. Kể từ đó, người Do Thái được gọi là Bner Yisrael- “Son of Israel” (Những người con của Israel).

Jacob có 12 người con trai, lần lượt trở thành tổ tiên của 12 bộ tộc Israel. Trong 12 bộ tộc này, bộ tộc được các độc giả hiện đại biết đến nhiều nhất là bộ tộc Judah (Tên gọi Do Thái trong tiếng Việt xuất hiện có lẽ là do phiên âm tiếng Hán của từ Judah)

Moses:

Sau khi Abraham mất khoảng 100 năm, vùng đất Canaan rơi vào cảnh mất mùa đói kém liên miên. Người lãnh đạo bộ tộc lúc này là Jacob đã dẫn toàn bộ tiến về vùng sông Nile màu mỡ của Ai Cập. Chuyến đi tưởng chỉ một thời gian ngắn, qua vài vụ mùa rồi về, nhưng người Do Thái đã mất 400 năm tại Ai Cập.

Đến Ai Cập, từ số lượng ít ỏi ban đầu, họ phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh, trở thành một mối lo ngại, cái gai trong mắt các Pharaoh, họ bị các Pharaoh biến thành nô lệ và bị đàn áp dã man.

Một nhân vật mới nổi lên, đó chính là Moses- một con người mà lịch sử vẫn có nhiều tranh cãi. Moses đã dẫn dắt người Do Thái tháo chạy khỏi Ai Cập. Cuộc hành trình đầy gian nan, họ phải vượt Biển Đỏ, rồi bị lạc trong sa mạc tới 40 năm, cuối cùng cũng trở được về vùng đất Canaan.

40 năm lưu lạc trong sa mạc, thông qua Moses, Thượng Đế đã truyền Mười Điều Răn và Lề Luật cho dân Do Thái tại núi thiên Sinai. 

(Thời đại này tương đương với thời kỳ nhà Thương bên Trung Quốc, là đế chế Shang. Ở Việt Nam vẫn là thời kỳ chưa có sử, gọi là Kỷ Hồng Bàng).

Palestine:

Vào khoảng năm 1175 TCN, một nhóm người mới xuất hiện tại Canaan, làm đảo lộn trật tự sắc tộc vốn mong manh của vùng đất này. Nhóm người này đến từ đảo Crete (Hy Lạp), người từ đảo Crete mạnh mẽ, thiện chiến, trở thành kẻ thù của nhiều tộc người khác do chiếm được đất đai, thậm chí gây hấn cả với Pharaoh Ai Cập. Họ được người Israel gọi là Peleshet (tiếng Anh là Philistines), có nghĩa là những "người di cư và chiếm đóng" tiền thân của người Palestine sau này. Cái tên Palestine lần đầu được nhắc đến bởi một nhà sử học Hy Lạp. Cộng đồng người Philistines dần lớn mạnh thông qua các cuộc xâm chiếm vào đất đai, lãnh thổ của các bộ tộc Do Thái và bộ tộc khác.

Với sự đe dọa ngày càng lớn của kẻ thù, và cần ngày càng lớn hơn các cuộc giao tranh chống lại kẻ thù, bài bản, chính quy hơn, người Do Thái nhận thấy cần phải có một chính quyền trung ương dưới sự cai trị của một vị vua và quân đội. Thế là Saul trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Thống nhất Israel. Triều đại của ông, được cho là đã đánh dấu sự chuyển đổi từ từ một bộ lạc sang xã hội phong kiến. Tiếp theo là David – con rể Saul, và sau đó là Solomon, con trai của David. Jerusalem là trái tim của Vương quốc Israel cổ.

Do thái, Jerusalem và Israel (Phần 2)

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
Comment

1 comments: