Cảm nhận phim Trăng nơi đáy giếng (2008)

Trăng nơi đáy giếng là một bộ phim mang đậm chất thơ của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Bộ phim dẫn dắt người xem vào câu chuyện đầy nuối tiếc về cô giáo Hạnh, một người phụ nữ dịu dàng và bao dung nhân hậu. Hạnh coi người chồng ở vị thế tôn thờ, chăm lo từ những thứ nhỏ nhặt hàng ngày đến cả việc sẵn sàng hy sinh những điều thiêng liêng lớn lao để anh có một cuộc sống trọn vẹn. Nhưng tất cả những điều cao cả đó không được đền đáp, cuối cùng cô đánh mất mình trong những ảo vọng về tình yêu và cuộc sống. Khi mọi thứ dần vỡ vụn, người xem nhận ra Hạnh chỉ như ánh trăng nơi đáy giếng, đẹp đẽ, lung linh nhưng mong manh, cô độc, và không bao giờ có thể chạm tới được. Ánh trăng đó, chỉ thấy bóng mà không bao giờ thấy hình, chỉ có hư mà không có thực.

Hồng Ánh trong phim Trăng nơi đáy giếng

Lấy bối cảnh xứ Huế trầm mặc và cổ kính, Trăng nơi đáy giếng là những khung hình mang đậm chất thơ theo tinh thần Á Đông. Ngôi nhà vườn của Hạnh và Phương được gọi là nhà rường - một nét kiến trúc đặc trưng của Huế, bối cảnh này đã góp phần làm nổi bật tính cách người phụ nữ xưa nơi Hạnh và tôn lên chủ đề của bộ phim. Huế cũng là nơi có những tập tục tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo đa dạng và phong phú. Do đó, Huế là một không gian cực kỳ phù hợp cho ý đồ của bộ phim, giúp người xem cảm nhận thật hơn, sâu hơn nội dung mà bộ phim muốn truyền tải. Đạo diễn của Trăng nơi đấy giếng cũng từng chia sẻ rằng, phải là Huế chứ không thể là nơi nào khác tại Việt Nam, để chọn làm bối cảnh của bộ phim.

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn không chủ ý xây dựng bức tranh văn hóa mang tính đại diện cho một vùng đất hay tính cách chung của người Huế, mà thông qua câu chuyện có phần dị biệt về tình yêu và đức tin của Hạnh, nêu lên một lắt cắt về thân phận người phụ nữ trong vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời. Hạnh là một đại diện cho thế hệ những người phụ nữ xưa, sống trong xã hội vẫn còn in đậm tư tưởng nho giáo, họ bị giam cầm bởi những định kiến, đứng bên lằn ranh các luồng tư tưởng, lối sống hiện đại đang thâm nhập và hình thành trong đời sống. Bộ phim đã thành công khi lấy số phận của một nhân vật để nói lên vấn đề phổ quát của xã hội Việt Nam.

Khi đi qua nửa cuộc đời, khi những ảo tưởng về tình yêu trong Hạnh hoàn toàn sụp đổ, khi nhận ra người chồng mà mình thờ phụng chỉ là một người đàn ông ích kỷ, tầm thường. Cô đi tìm đức tin, sự cứu rỗi cho mình ở một lối rẽ khác, nhưng có điều, kết cục của thế giới tâm linh mà cô đắm chìm vào càng tối tăm, ảo tưởng hơn. Rũ bỏ ảo ảnh này để đến với một ảo ảnh khác tồi tệ hơn là thân phận của rất nhiều phụ nữ, khi họ vẫn bị trói mình vào những định kiến nặng nề của hệ tư tưởng cũ.

Hạnh hy sinh tất cả cho chồng, cho gia đình vì đơn giản, đó là hệ giá trị, là niềm hạnh phúc của cô. Việc tận tình chăm lo cho gia đình, cho người mình yêu thương là giá trị cao đẹp có tính phổ quát từ ngàn xưa. Chỉ có điều, sự hy sinh đó ở mức độ nào lại khác nhau ở từng thời đại. Bi kịch của Hạnh là ở chỗ, cô mang trong mình những giá trị cao đẹp của hệ tư tưởng cũ, nhưng sống trong thời đại lằn răn của những đổi thay.

Bộ phim khép lại bằng hình ảnh Hạnh đóng các cánh cửa của ngôi nhà, sống tách biệt với thế giới bên ngoài, lui vào chăm sóc vườn hoa nở rộ, trong những tiếng thơ đầy mong ước, dù lòng vụn vỡ, buồn thương. Khung cảnh Hạnh đóng hàng loạt cánh cửa nhà rường, lui vào sự cứu rỗi tâm linh nhuốm màu mê tín cực đoan của mình hẳn đem lại nhiều xót xa, day dứt cho mỗi người xem.

Sự chuyển biến tâm lý của nhân vật Hạnh trong bộ phim được khắc họa một cách tinh tế và vô cùng thuyết phục qua diễn xuất tài năng của diễn viên Hồng Ánh, có thể nói đây là vai diễn rất phù hợp với sở trường và thế mạnh của nữ diễn viên này, Hạnh đã trở thành vai diễn để đời và giúp diễn viên Hồng Ánh gặt hái nhiều giải thưởng cá nhân.

Trăng nơi đáy giếng được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn người Huế Trần Thuỳ Mai. Đạo diễn bộ phim vừa bám sát nguyên tác, vừa tìm tòi và có những sáng tạo trong bộ phim, đặc biệt là ở phần cuối khi Hạnh đi tìm sự cứu rỗi về mặt tâm linh.

Trăng nơi đáy giếng là một câu chuyện để lại nhiều suy ngẫm cho người xem, giàu sức gợi với nhiều ẩn dụ, nhưng đạo diễn đã cố tình kể chuyện bằng cách triệt tiêu các kịch tính. Mạch phim chậm, mọi việc trong phim diễn ra tuyến tính, nhẹ nhàng, không có nhiều tình tiết đẩy phim lên cao trào, với nhiều hình ảnh có sức gợi hơn là kể. Tuy nhiên, người xem vẫn thấy và cảm nhận được những xung đột, những cơn sóng ngầm ẩn mình dưới mặt biển tưởng chừng phẳng lặng kia. Trăng nơi đáy giếng thoát khỏi khuôn mẫu thường thấy của những bộ phim mô tả bi kịch và sự giải thoát của người phụ nữ - kể cả dù có hơi hướng cực đoan và dị biệt. Nếu chúng ta đã quen với những bộ phim giàu kịch tính, có nhiều nút thắt -  mở thì khi xem Trăng nơi đáy giếng, chúng ta phải nhẹ nhàng lắng mình xuống một chút để cảm nhận. Và khi nhận ra những cơn sóng ngầm bên dưới vỏ bọc hiền hòa của mạch phim, chúng ta càng thấy khâm phục hơn cách xử lý khéo léo, tài tình của đạo diễn bộ phim. Sự dụng công và những tìm tòi về mặt ngôn ngữ điện ảnh, cùng với những suy tưởng và cái nhìn mang đậm dấu ấn chủ quan của Nguyễn Vinh Sơn, càng làm bộ phim đến gần hơn với cấp độ một bộ phim tác giả (auteur) trong dòng điện ảnh nghệ thuật ở Việt Nam.

Nguyễn Vinh Sơn là một đạo diễn tài năng nhưng sự nghiệp điện ảnh của ông khá khiêm tốn. Phim đầu tay của ông là phim điện ảnh Tuổi thơ dữ dội (1988), phim đã dành giải Phim thiếu nhi hay nhất tại liên hoan phim Việt nam năm 1990. Sau đó đến thời hoàng kim của điện ảnh thị trường, và do không được ưu ái làm những bộ phim bao cấp kinh phí, ông mưu sinh bằng cách làm phim giải trí cho các đơn vị tư nhân, hai bộ phim giải trí ông đã làm khá tử tế là Người hiệp sỹ cuối cùngCảnh sát hình sự. Năm 1994 ông được nhà nước duyệt kinh phí làm phim điện ảnh Mảnh đất tình người, sau đó nguồn kinh phí bị cắt xén, không đủ tiền quay bằng phim nhựa phải chuyển qua thực hiện bằng băng từ, không thể hiện được những dụng ý nghệ thuật của ông. Vài năm sau, Nguyễn Vinh Sơn thực hiện bộ phim Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Dương Thu Hương. Bộ phim đang quay dở thì bắt buộc phải dừng vì vấn đề chính trị của nhà văn. Năm 1997 ông làm phim truyền hình dài tập Đất phương nam và trở thành một bộ phim kinh điển. Hơn 10 năm sau, ông được nhà nước duyệt một mức kinh phí hạn hẹp, cộng thêm sự hỗ trợ từ một số quỹ của Pháp để làm bộ phim điện ảnh Trăng nơi đáy giếng, bộ phim cũng trở thành một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt nam. Ông còn ấp ủ nhiều dự án, một phim về Hà Nội, một phim về vua Hàm Nghi do ông tự viết kịch bản và những chuyển thể Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng tất cả đều chưa có cơ hội để thực hiện.

Nguyễn Vinh Sơn thừa nhận rằng, ông chịu ảnh hưởng từ đạo diễn Ozu - bậc thiền sư của điện ảnh Nhật, trong phong cách kể chuyện triệt tiêu kịch tính và những xung đột trong các mối quan hệ. Quả vậy, Trăng nơi đáy giếng có lối kể chuyện nhẹ nhàng, từ tốn, đôi lúc gây khó chịu cho những khán giả chờ đợi một bước ngoạt, một sự bung phá gây chấn động về cảm xúc. Ngay từ đầu, đạo diễn chọn phong cách kể chuyện gián tiếp với cái nhìn của một người thứ ba qua ống kính quan sát từ bên ngoài. Trăng nơi đáy giếng sử dụng rất nhiều cú máy dài, có phân đoạn dài tới tận 3 phút mới cắt cảnh. Chia sẻ về việc này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói rằng, với những cú máy dài, ông muốn diễn viên không chỉ là "diễn" nữa, họ phải tạm quên đi bản thân mình mà sống đời sống của nhân vật. Ngoài ra, cú máy dài còn góp phần lột tả tính cách của nhân vật cô Hạnh: một người phụ nữ tỉ mỉ, chu đáo trong mỗi cử chỉ, hành động. Nhịp phim vì thế cũng chậm rãi đúng như đạo diễn mong muốn.

Sử dụng nhiều cú máy dài, góc máy trung và toàn cảnh là chủ yếu, hạn chế cận cảnh và đặc tả. Đạo diễn cũng chú trọng đến những cú máy cầm tay di chuyển theo chuyển động của nhân vật, nhiều cú máy lia ngang hoặc được quay trong bối cảnh hẹp, thể hiện sự bức bối, tù đọng của nhân vật. Ở những bối cảnh nội, đặc biệt là ngôi nhà rường của Hạnh, máy quay thường đặt bên ngoài, xuyên qua những ô cửa sổ nhỏ vào bên trong ngôi nhà nhiều bóng tối, nơi trú ẩn an toàn của người phụ nữ đã hoàn toàn bỏ lại cuộc sống bên ngoài để tìm niềm vui ở thế giới tâm linh bên trong ngôi nhà cô. Cho dù hiếm góc máy cận cảnh, Hồng Ánh đã lột tả được nỗi lòng của một người phụ nữ với trái tim tan vỡ.

Trăng nơi đáy giếng có một điều mà nhiều người cho là đáng tiếc, đó là giọng nói của nhân vật Hạnh. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn không lồng tiếng cho nhân vật này mà thu trực tiếp từ giọng nói của diễn viên. Hồng Ánh không phải người Huế và giọng của cô là giọng nói của người miền Nam. Khi vào vai Hạnh, Hồng Ánh có đề nghị với đạo diễn tập nói giọng Huế nhưng ông từ chối vì không đủ thời gian để học. Hơn nữa, muốn nói đúng thì phải là người Huế, nếu giả giọng Huế mà có chỗ sai xót thì còn đáng trách hơn. Thời gian hạn hẹp khi thực hiện bộ phim khiến ê kíp không thể chuẩn bị các khâu được hoàn hảo, việc sử dụng diễn viên lồng tiếng cũng đã được đạo diễn xem xét nhưng giải pháp này không khả thi trong bối cảnh cụ thể của đoàn làm phim. Bản thân Hồng Ánh cũng thích tham gia những phim điện ảnh thu tiếng trực tiếp. Điện ảnh là cả phần nhìn lẫn phần nghe, những cảm xúc biểu hiện qua giọng nói khi sự việc trực tiếp diễn ra, rất khó để thể hiện lại một cách thật nhất như nó đã từng.

Trong tác phẩm văn học của Trần Thùy Mai, không có chi tiết Hạnh làm thơ, nhưng đạo diễn đã thêm chi tiết ấy vào phim, vì với ông, làm phim về Huế phải có một nhà thơ. Trong 2 nhân vật chính ở Huế, không ai biết làm thơ thì thật tiếc. Xứ Huế là xứ của thơ, có những bài thơ đạo diễn ưng, liên hệ với tác giả để xin phép đưa vào phim nhưng bị từ chối, vậy là cuối cùng ông phải dùng thơ của Thảo Phương.

Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta

Nơi chỉ có em và anh trong đó

Nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ

Để ta nghe lòng mình khi cơn gió thoảng qua

 

Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta

Nơi bóng lá xanh rập rờn nắng gió

Nơi anh cùng em bình yên trên thảm cỏ

Xa cách cuộc đời

 

Em chỉ kiếm một mảnh vườn riêng thôi

Bởi cuộc đời không thật

Và tình yêu - tình yêu không ân hận

Để ta nhớ nơi ghi dấu ấn cho tâm hồn

Khi chiều về cây lá cũng bâng khuâng

Trăng nơi đáy giếng đã giành được giải Cánh diều bạc, biên kịch xuất sắc nhất, thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại giải Cánh Diều lần thứ 7 năm 2009; giành giải bông sen bạc tại liên hoan phim Việt Nam năm 2009. Hồng Ánh vai Hạnh đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Dubai 2008, tại giải Cánh diều vàng năm 2009, và tại liên hoan phim Việt nam tại Pháp năm 2014.

Trăng nơi đáy giếng là một bộ phim hết sức đáng xem của điện ảnh Việt Nam, đem đến cho người xem nhiều ý nghĩa, nhiều cảm nhận về tính đa nghĩa lẫn nghệ thuật của bộ phim. Thể hiện nền văn hoá, số phận của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại cùng bản sắc Huế trong lằn ranh giữa các hệ tư tưởng cũ mới. Trăng nơi đáy giếng là một trong số những bộ phim hay nhất mà nền điện ảnh Việt nam đã làm ra.

VnTimeless

Cảm ơn bạn đã ghé thăm website!
    Comment

0 comments:

Post a Comment