Anna Karenina là một tác phẩm vĩ đại của đại văn hào Tolstoy, có rất nhiều
điều để nói về cuốn tiểu thuyết này. Trước tiên, trong phạm vi bài viết,
VnTimeless lần theo nội dung của tác phẩm, phân tích những vấn đề đơn giản trên
bề nổi của Anna Karenina. Từ đó, trước tiên để chúng ta hiểu hơn về nội dung,
và sau đó sẽ đi sâu hơn vào những ý nghĩa của tác phẩm này.
![]() |
Tác phẩm Anna Karenina |
Tolstoy mở đầu tác phẩm
Anna Karenina bằng một câu nói đã trở nên nổi tiếng: “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống
nhau, những gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo cách riêng của mình”. Tác giả bắt đầu làm rõ câu nói của mình bằng
cách kể chi tiết về cuộc sống của gia đình Stiva Oblonsky, một quý tộc có vị
trí ở Moscow. Vợ của Stiva là Dolly, người phụ nữ có vai trò tương đương trong
hệ thống giai cấp Nga, cô tập trung cuộc sống của mình vào việc nuôi dạy con
cái và chăm sóc chồng. Nhưng việc Stiva không chung thủy đã phá vỡ cuộc sống
hòa thuận của gia đình và khiến Dolly suy sụp tinh thần. Đối với Stiva, cuộc sống
hôn nhân chỉ có giá trị thứ yếu, mối quan tâm chính của anh là các hoạt động xã
hội và những thú vui bên ngoài. Qua đó, chúng ta mường tượng được ý đồ của
Tolstoy, ông muốn người đọc thấy rằng đàn ông và phụ nữ trong xã hội này hướng
đến các mục tiêu giá trị khác nhau. Sự vụng trộm của Stiva với nữ gia sư người
Pháp khiến những giá trị khác biệt này nổi bật rõ ràng.
Trong những chương mở đầu
tác phẩm, Tolstoy đã thiết lập một mô hình để tạo ra tất cả các chủ đề tiếp
theo của Anna Karenina. Mối tình vụng trộm của Stiva là lời giới thiệu cho cuộc
tình của Anna với Vronsky, cuộc hôn nhân của Stiva đóng vai trò so sánh với cuộc
hôn nhân hạnh phúc của Levin sau này. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cá nhân thông qua
các mối quan hệ và thông qua các chi tiết của cuộc sống bình thường bắt đầu - mặc
dù khiêm tốn - trong các mô tả về cuộc sống gia đình Stiva.
Levin bước vào cuốn tiểu
thuyết với sự giản đơn, bộc trực thẳng thắn và có một niềm tin mãnh liệt. Chúng
ta ngay lập tức nhận ra rằng, Levin có niềm tin ở nỗ lực cải cách nông thôn, không
mặn mà với cuộc sống thành thị và có một tình yêu mãnh liệt dành cho Kitty.
Tính cách của Levin được khái quát rõ hơn qua sự so sánh với Koznyshev và
Nicolai. Cuộc nói chuyện giữa Levin và Stiva khi họ dùng bữa tập trung vào các
chủ đề khác của tiểu thuyết mà Tolstoy nêu lên sau này, đặc biệt là xung đột giữa
chế độ một vợ một chồng và tự do tình dục, bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình. Đồng
thời cũng cho người đọc thấy sự bối rối của Levin, sự không nhất quán giữa lý
tưởng và hành vi cá nhân - vấn đề mà Levin và cả Tolstoy đã phải vật lộn để vượt qua.
Mặc dù Kitty đã sẵn sàng
bước vào tình yêu, cô vẫn chưa đủ trưởng thành để đưa ra quyết định đúng đắn. Kitty
tràn ngập hạnh phúc trước lời cầu hôn của Levin nhưng cô không hiểu tại sao. Và khi Vronsky bước
vào cuốn tiểu thuyết, niềm vui của Kitty khi thấy Vronsky xuất hiện càng làm rõ hơn sự lấn
át của cảm xúc so với lý trí trong cô.
Mẹ của Kitty suy nghĩ về
sự đơn giản của việc mai mối khi bà còn là một cô gái, Tolstoy đã khái quát lịch
sử gia đình thông qua biện pháp nghệ thuật đặc trưng của cuốn sách là "độc thoại nội tâm". Qua đó cũng
hé lộ chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết, đó là vấn đề hôn nhân trong xã hội hiện
đại.
Chúng ta lần đầu biết đến
Anna Karenina trong Chương 1, cô đến Moscow để hàn gắn cuộc hôn nhân bên bờ tan
vỡ của gia đình Stiva – anh trai cô. Trớ trêu thay, thứ tan vỡ sau này lại
chính là cuộc hôn nhân của Anna Karenina. Nhà ga xe lửa, bối cảnh cuộc gặp gỡ đầu
tiên của Anna với Vronsky, trở thành một biểu tượng cho các ý tưởng về sự khởi
đầu và kết thúc. Cô rùng mình trước sự kiện xảy ra như một điềm xấu. Khi đặt
chân xuống Moscow, Anna bước vào một thế giới xa lạ và bắt đầu viết nên số phận
của chính
mình.
Điều nổi bật ở Anna là sự
hấp dẫn và quyến rũ. Cô có niềm đam mê mãnh liệt, bản chất và những nội tại thầm
kím trong cô tràn ngập một điều gì đó, nó tự bộc lộ ra ngoài mà không cần thông
qua những ý muốn của cô. Một dụng ý khác của Tolstoy là cố tình viết để người đọc
chú ý đến sự chênh lệch trong hoàn cảnh của Anna và Vronsky. Khi Anna nói với
Vronsky rằng cô và mẹ anh đã nói về những đứa con trai của họ trong suốt chuyến
đi, Tolstoy đã cố tình làm cho Anna lớn hơn Vronsky cả một thế hệ. Sự khác biệt
"tuổi tác" này nhấn mạnh sự giả dối và vô ích của mối tình trong
tương lai giữa hai người. Việc so sánh Seriozha với Vronsky cũng báo trước tình
thế lưỡng nan của Anna sau này, khi cô phải lựa chọn giữa đứa con và người yêu
của mình.
Anna được mọi người trong
gia đình Stiva yêu mến. Cô thu hút những đứa trẻ, giành được sự tin tưởng của
Dolly. Kitty ngưỡng mộ Anna vì những phẩm chất biểu thị địa vị quý tộc và sự
trưởng thành. Phẩm chất khiến mọi người yêu mến Anna chính là sự tự nhiên và
chiều sâu cảm xúc. Cô giao tiếp với mọi người bằng sự tự nhiên xuất phát từ
trái tim, không phải bằng các quy tắc, nguyên tắc cứng nhắc trong xã hội. Nhưng
sự quyến rũ của Anna cũng chứa đựng điều gì đó "ma quỷ và kỳ lạ".
Kitty nhận thấy điều này trong buổi dạ hội khi Anna nhìn cô, mỉm cười với
"mí mắt sụp xuống". Những phẩm chất khiến cho Anna trở nên cao quý,
cũng dễ đưa cô vào những đam mê bất tận không đường về.
Trong những chương đầu
tiên, cuốn tiểu thuyết bước đầu cho thấy nét tinh tế của tính cách cá nhân và
các mối quan hệ. Một số thủ pháp tự sự đã được nhà văn sử dụng. Tolstoy cũng vô
cùng khéo léo trong việc xử lý những căng thẳng về mặt tâm lý của các nhân vật.
Levin trở về quê nhà và
thấy thân thuộc trong bản chất thực sự của mình. Ngôi nhà, mảnh đất, những người
nông dân đại diện cho nguồn gốc và nguồn sống của mình. Niềm hạnh phúc mà Levin
có được khi trở về điền trang sau nỗi buồn ở Moscow tạo nên sự tương phản mạnh
mẽ với cuộc sống thành thị và báo trước sự cứu rỗi mà Levin tìm thấy ở cuối cuốn
tiểu thuyết. Sự tương phản đó bước đầu nhấn mạnh tính hai mặt trong chủ đề,
ngày càng được mở rộng trong các phần tiếp theo của cuốn sách: Anna và Vronsky trong
môi trường xã hội của cuộc sống thành thị, Levin và Kitty trong cuộc sống tự
nhiên của vùng nông thôn.
Hành trình Anna Karenina trở
về nhà tượng trưng cho sự trốn chạy cảm xúc của cô với Vronsky. Tuy nhiên, nỗ lực
này trở nên vô nghĩa bởi sự có mặt của Vronsky trên cùng chuyến tàu. Trận bão
tuyết mà họ gặp phải là ẩn dụ cho trạng thái bão táp trong cảm xúc của hai người.
Anna trở về nhà, bất mãn một cách khác lạ với vẻ ngoài và cách cư xử của chồng,
cùng sự thất vọng nhẹ khi lần đầu nhìn thấy con trai. Bắt đầu từ đây, nhận thức
của cô về cuộc sống quen thuộc đã thay đổi dưới ảnh hưởng của niềm đam mê mà cô
vẫn chưa thức tỉnh.
Karenin với sự buồn tẻ, rập
khuôn, nhàm chán, đối lập hoàn toàn với sự hoạt bát và tràn đầy nhựa sống của
Anna. Từ khi Anna gặp Vronsky, ngọn lửa hôn nhân của gia đình Karenin dường như
đã tắt trong lòng Anna, nó ẩn giấu ở một nơi nào đó rất xa. Sau đó, Vronsky
quay lại với những thói quen quen thuộc của mình, cũng giống như Dolly, Levin
và Anna đã quay lại "điểm xuất phát" của họ sau khi trải qua những cảm
xúc hay nỗi buồn của riêng mình.
Phần I kết thúc bằng một cuộc
chia tay, khi Vronsky đi tạo dựng những mối quan hệ giúp anh gần Anna hơn. Tuy
nhiên, chuyến đi này đã làm số phận Vronsky thay đổi hoàn toàn, anh rời xa cuộc
sống cũ đầy triển vọng để bắt đầu một cuộc sống mới, với một mối tình mãnh liệt
vượt ngoài tầm kiểm soát.
Lần đầu tiên Kitty bướt vào
con đường trưởng thành đã thất bại, phô bày sự non nớt và khiến cô nhận về những
tổn thương. Sự non nớt trong lựa chọn của cô phản ánh ảnh hưởng từ mẹ mình, cô
thiếu sự hiểu biết để quá trình ra quyết định đúng đắn hơn. Những tổn thương của
Kitty làm đảo lộn ý thức về bổn phận của mẹ cô. Bên cạnh việc đề cập đến sự
khác nhau giữa các thế hệ, Tolstoy cho thấy rằng, những phán đoán dựa trên các
nguyên tắc xã hội hơn là các giá trị cảm xúc sẽ dẫn đến những sai lầm.
Niềm đam mê của Anna được
đánh thức, nó đã thay đổi suy nghĩa và cách giao tiếp xã hội của cô. Cô tránh
xa những nơi mà cô cho là đạo đức giả. Thay đổi đột ngột này phản ánh nhận thức
của cô về sự lừa dối của chính bản thân mình. Sự lừa dối này mang tính hai mặt.
Thứ nhất, Anna hoài nghi sự tồn tại không trọn vẹn về mặt cảm xúc của mình,
trong tư cách người vợ chung thủy của người đàn ông mà cô không còn yêu, cô cho
rằng về cơ bản đó đều là đạo đức giả. Thứ hai, ngoại tình rõ ràng là lừa dối, đó
là một vấn đề đạo đức đã được xã hội định nghĩa. Tuy nhiên, ngoại tình là cách
duy nhất để Anna có thể chuộc lại cuộc hôn nhân sai lầm của mình, qua tình yêu
với Vronsky, cô mới có thể có được một tình yêu trọn vẹn về mặt cảm xúc. Xung đột
này là cơ sở cho bi kịch của Anna. Đối với Anna, các quy ước xã hội là tầm thường
so với các giá trị cảm xúc, và tình cảm của cô dành cho Karenin chỉ là tầm thường
so với niềm đam mê mà cô dành cho Vronsky.
Anna Karenina bước vào cuộc
tình với Vronsky, với hành động này, cô phá vỡ một trong những quy ước xã hội mạnh
mẽ nhất và không còn nhận được sự bảo vệ từ nó. Cô không còn ai ngoài "đồng
phạm" của mình. Địa vị của Vronsky không bị ảnh hưởng nhiều bằng Anna, và
anh theo đuổi cuộc chinh phục của mình với những ý định phù phiếm hơn. Tuy
nhiên, tình yêu của anh dành cho Anna là sâu sắc - sâu sắc hơn anh có thể nhận
ra.
Chúng ta hiểu sâu hơn về
cách sống của Levin với tư cách một chủ đất. Anh không thích Ryabinin, một kẻ đầu
cơ đất đai, và tức giận vì Stiva bán rẻ khu rừng. Levin không hài lòng do nó
mâu thuẫn với các giá trị cơ bản của anh. Sự mất giá của tài sản qua giao dịch
bằng tiền thay vì giá trị, là sự mất giá của các nguồn lực, các truyền thống
mang tính gốc rễ. Ham muốn lợi nhuận của Stiva vô tình trở thành công cụ làm
suy yếu nguồn sức mạnh của nước Nga. Trong khi đó, lẽ ra sự tồn tại của
"giới quý tộc" phải bảo vệ được các giá trị cơ bản của đời sống quốc
gia. Nếu những người nông dân lừa đảo chủ đất để lấy tài sản, thì ít nhất đất
đai cũng thuộc về những người xứng đáng, vì đó là nguồn sống chính của họ.
Ryabinin đại diện cho sự thất bại khi trật tự cũ thay đổi, không coi trọng bất
kỳ giá trị nào ngoài tiền mặt và lợi ích vật chất, lợi dụng sự hỗn loạn và
nghèo đói để đầu cơ làm giàu. Vronsky giống như Ryabinin, không cam kết với các
truyền thống cơ bản và những giá trị sâu sắc, sự nghiệp của họ phát triển theo
xu hướng bề nổi của xã hội và chính trị, không đóng góp giá trị nào để ổn định
và làm sâu sắc bản thân cũng như những người xung quanh.
Thông qua các quan điểm của
Levin, Tolstoy nêu ra một hệ thống chung tạo nên triết lý của ông. Con người phải
cam kết với các giá trị mang tính sâu sắc để duy trì tính nhân văn của họ. Nếu
không có nguồn sức mạnh bên trong, cuộc sống của một cá nhân trở nên vô nghĩa
và phù phiếm, có thể hủy hoại cuộc sống của người khác bên cạnh việc làm chệch
hướng cuộc sống của chính mình.
Anna báo tin có thai đúng
lúc Vronsky sắp chiến thắng tại cuộc đua ngựa vượt rào. Cả tin mang thai và cuộc
đua ngựa đều là thử thách mà Vronsky phải vượt qua. Cả hai thử thách này đều là
cuộc đối đầu với số phận. Mối quan hệ gần gũi giữa người cưỡi và ngựa cũng giống
như mối quan hệ của Vronsky với Anna. Tình yêu của họ giống như cuộc đua vượt
rào, đi theo một lộ trình đầy chướng ngại vật mà cả hai phải vượt qua cho đến
khi giành chiến thắng, đó là cuộc đua chống lại các luật lệ của đạo đức.
Toàn bộ bản thể của con
ngựa Frou-Frou tồn tại là để đua, còn Anna là để yêu. Con ngựa chết khi hoàn
thành mục đích tồn tại của mình, như báo trước số phận sau này của Anna.
Vronsky không có cam kết nào với cuộc đua và con ngựa của mình. Mặc dù anh yêu
Frou-Frou khi họ đang chạy, tình yêu này chủ yếu phục vụ cho niềm đam mê, về cơ
bản là phù phiếm và để nuông chiều bản thân. Phép loại suy này cũng đúng cho mối
tình của anh. Mặc dù tình yêu của Vronsky là mãnh liệt, anh không có nhiều cam
kết với Anna như cô làm với anh. Việc thiếu cam kết khiến Vronsky không còn
trân trọng khi mối quan hệ của họ đi vào những khúc quanh trắc trở; khi con ngựa
loạng choạng Vronsky đã đá nó, giống như sau này anh đã thờ ơ với Anna.
Mặc dù Vronsky có tài cưỡi
ngựa, Frou-Frou cần một người cưỡi ngựa có đầy đủ phẩm chất hơn. Vào lúc quan trọng nhất, Vronsky mắc vào một sai
lầm vì anh không đủ phẩm chất. Anna là một người phụ nữ nhạy cảm, dễ phản ứng, đòi
hỏi tình yêu mãnh liệt từ người yêu mình, và Vronsky không đủ phẩm chất để đáp ứng
những yêu cầu đó. Sự thiếu sót này đã đẩy cô đến bờ vực của sự hủy diệt.
Bi kịch của cuộc đua vượt
rào, cũng như bi kịch tình yêu của họ, không phải do tài cưỡi ngựa hay việc Vronsky không đáp ứng hết các nhu cầu của
Anna. Mà nguyên nhân sâu xa, đó là một bi kịch đạo đức, tiềm ẩn trong cuộc sống
con người, xảy ra bất cứ khi nào một người đối mặt với thử thách. Trong những
thời khắc đó, con người cần một bản chất tốt đẹp mang tính tự nhiên, nó chính
là thứ xác định số phận của mỗi người.
Karenin lao mình vào công
việc, cố gắng thoát khỏi những suy nghĩ về Anna. Trong cuộc đua ngựa, Karenin
thấy mình không chỉ ở bên lề đường đua mà còn phải chứng kiến sự thân mật giữa
Anna và Vronsky. Họ làm điều đó một cách trơ trẽn và không hề có ý muốn giấu giếm.
Anna thú nhận sự thật
với Karenin, ngoài việc giải thoát bản thân khỏi sự lừa dối chưa được nói ra,
còn nhằm mục đích hủy hoại người chồng của mình.
Chuyến nghỉ dưỡng của
Kitty tại Đức giúp cô trưởng thành hơn. Khoảng thời gian để suy nghĩ và thanh lọc
này giúp cô nhận thấy sự viên mãn thông qua hôn nhân và cuộc sống gia đình. Tolstoy
mô tả Varenka như một hình mẫu lý tưởng của Kitty. Khi Kitty cố gắng sống một
cuộc sống "có tâm hồn" như Varenka, Kitty học được rằng cô không thể
phủ nhận bản chất của chính mình.
Tolstoy mô tả về Levin và
Koznyshev, bên cạnh việc xác định sự khác biệt giữa hai anh em, lập luận của họ
đại diện cho ý nghĩa mà mỗi người đi tìm. Levin tìm "chìa khóa của cuộc sống"
trước tiên ở khoa học, sau đó là triết học, và cuối cùng là sống một "cuộc
sống tự nhiên". Sự trống rỗng của Koznyshev có nguồn gốc từ những toan
tính về mặt lý trí, trong khi "sự cứu rỗi" của Levin có nguồn gốc từ
những cam kết về mặt cảm xúc,
tinh thần.
"Chủ nghĩa duy vật"
của Levin dựa trên quan điểm về tầm quan trọng của nhu cầu cá nhân. Chẳng hạn,
giáo dục không có ý nghĩa gì đối với Levin trừ khi nó thúc đẩy sự phát triển cảm
xúc của con người và giúp nâng cao nhận thức về các mục tiêu cơ bản của cuộc sống.
Đối với Levin, nông dân không cần giáo dục vì họ hiểu mối quan hệ cơ bản giữa
cá nhân và mục đích sống của họ. Đối với Koznyshev, giáo dục quan trọng và phải
được áp dụng phổ biến, qua giáo dục con người mới được trang bị trí tuệ để hiểu
các vấn đề phức tạp của một xã hội hiện đại.
Cũng như Kitty phát hiện
ra cô không thể không trung thực với bản chất bên trong con người mình, Levin
nhận ra rằng anh phải tìm ra số phận của chính anh, trên nền tảng của bản chất
tâm hồn anh. Bất chấp việc con người dễ cảm thấy hài lòng khi đang có một cuộc
sống thoải mái. Levin thấy trước tiên phải tìm ra sự thật và ý nghĩa trong bản
chất đã định sẵn của mình. Trước khi nhận ra và cam kết trong việc đi tìm ý
nghĩa, Levin phải vật lộn với cuộc sống hiện tại của mình và tìm ra những giá
trị cơ bản của nó. Do đó, ở cấp độ cá nhân, Tolstoy cho thấy Levin đã đấu tranh
như thế nào để đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, trong ranh giới của bản chất tự
nhiên của riêng mình.
Tính cách của Karenin và
Vronsky tiếp tục được Tolstoy khắc họa, họ đều đi đến bế tắc trong mối quan hệ với Anna. Cho đến khi xảy ra một
điểm thắt – mở, tình hình vẫn sẽ giữ nguyên. Vronsky là một nhân vật tiêu biểu
của giới quý tộc quân sự. Nền tảng của anh được xã hội quy định theo vai trò và
chức năng của một quân nhân, nền tảng này quyết định các "quy tắc ứng xử"
của anh. Vronsky cho rằng một cuộc đấu tay đôi sẽ giải quyết được vấn đề danh dự,
nhưng đó chỉ là danh dự của riêng anh chứ không làm mất đi nỗi ô nhục mà Anna chịu đựng. Bây giờ,
hoàn cảnh và tương lai của Anna đòi hỏi
anh phải chịu trách nhiệm, nhưng anh vẫn chưa biết phải làm sao với trách nhiệm
này, và Vronsky chỉ dừng lại ở đó.
Karenin được mô tả như một
đại diện của chế độ quan liêu, tiếp cận các vấn đề gia đình và công việc theo
cùng một cách. Những xung lực của con người đã ăn sâu vào anh. Các nguyên tắc
tôn giáo của anh chỉ là một tập hợp các quy tắc được thể chế hóa. Karenin thỏa
hiệp với các vấn đề tình cảm,
mục đích cao nhất là bảo toàn danh dự của mình.
Như lời người anh
Koznyshev, kế hoạch canh tác của Levin là một "hành động dựa trên lợi ích
vật chất", nhằm mục đích sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai và
lao động sẵn có để nông dân cũng như chủ đất có thể thu được lợi nhuận. Levin ghét
sự lãng phí, tin rằng các cải cách dài hạn và các mục tiêu cơ bản của cuộc sống
đều dựa trên những cân nhắc duy vật. Mong muốn cải cách nông nghiệp của Levin thể
hiện tinh thần làm việc chăm chỉ, và thể hiện việc tìm kiếm ý nghĩa thông qua
cam kết về mặt cảm xúc hơn là lý trí. Levin nghi ngờ bản thân cũng mắc phải lỗi
lầm tương tự Nicolai, sợ rằng mong muốn cải cách của mình chỉ để tránh một vấn
đề sâu xa hơn nào đó, “vấn đề sâu xa hơn” đó chính là cái chết. Cái chết của Nicolai
đã buộc Levin phải đối mặt với vấn đề này và anh đã suy nghĩ và đấu tranh vì
nó.
Chủ nghĩa duy vật của
Levin bắt nguồn từ sự gắn bó với thực tại nhục dục. Bản chất mãnh liệt của
Levin thúc đẩy anh tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua những hành động hàng
ngày của cá tính con người. Mong muốn của Levin về hôn nhân và gia đình cũng dựa
trên cuộc tìm kiếm này. Tình yêu, hôn nhân và đứa con tương lai là điều cần thiết
cho sự tự hoàn thiện với tư cách một con người, nó như một sự gắn kết sâu sắc
hơn với thế giới hiện tại. Nhưng cái chết không nằm trong kế hoạch đi tìm ý
nghĩa của Levin, khi thực tế bắt anh phải nghĩ về nó, anh đã nỗ lực để đối mặt và
nó trở thành một cuộc đấu tranh đưa anh đi qua phần còn lại của cuốn tiểu thuyết.
Câu chuyện về Levin và
Anna được trình bày song song và có một sự tương phản rõ rệt. Cuộc sống của
Levin mãn quyện qua tình yêu và cuộc hôn nhân với Kitty, chúng ta thấy sự chuyển
biến trong tâm lý của anh qua những lần đấu tranh nội tâm và đi tìm ý nghĩa cuộc
sống. Levin vượt qua cuộc đấu tranh nội tâm khi nghĩ về cái chết. Còn Anna liên
tiếp bước vào những giông tố, như ngầm báo một cái kết bi kịch đang đến gần.
Anna bước vào một cuộc khủng
hoảng trên giường bệnh, cơn bệnh này phần nào đảo ngược tình cảm cũng như vai trò của những người liên quan.
Từ thời điểm này, chúng ta thấy mối tình của cô với Vronsky dần dần phai nhạt, và
nó cũng có những tác động tương ứng đối với người tình và người chồng của cô. Khi
Vronsky và Karenin đổi vai trong cuộc khủng hoảng này, cảm xúc của cả hai người
đã đạt đến
mức chưa từng trải qua trước đây. Vronsky vươn đến đỉnh cao của tình yêu nhưng
thấy mình bị sỉ nhục và hạ thấp phẩm giá. Karenin được tôn vinh và những
"quy tắc ứng xử" của Vronsky không đưa ra giải pháp nào cho cuộc khủng
hoảng hiện tại. Cuộc sống của anh dựa trên các giá trị để duy trì cái tôi của
mình. Tolstoy cho chúng ta thấy rằng Vronsky là một con người cứng nhắc, anh
không thể duy trì chiều sâu cảm xúc của tình yêu mà Anna đòi hỏi ở anh.
Đối với Karenin, cuộc khủng
hoảng trên giường bệnh của Anna như chất xúc tác giải phóng những cảm xúc ẩn chứa
về tình yêu và lòng vị tha - những cảm xúc mà anh đã dành cả đời để cố gắng kìm
nén. Sự giải phóng này xuất phát từ việc anh bỗng nhiên khám phá ra tình yêu phổ
quát và chân lý của "đưa má bên kia", một nguyên lý cơ bản trong Kitô
giáo. Không còn chống lại cái ác, Karenin đã chiến thắng cái ác trong cuộc đối
đầu này.
Với một chút mỉa mai,
Tolstoy cũng đưa Anna trở về cái sâu sắc của tâm hồn khi cô gần chết. Trong cơn
sốt, "bản ngã thực sự" của Anna cầu xin sự tha thứ khi cô ấy nhìn chồng
mình với ánh mắt trìu mến. Tuy nhiên khi khỏe mạnh trở lại, người Anna chọn vẫn
là Vronsky. Sự quay quắt này phần nào giống với phong cách của Dostoevsky, khoảnh
khắc cận kề cái chết làm sáng tỏ sự thật của cuộc sống, còn khi khỏe mạnh bình
thường, người ta lại sống trong những ảo tưởng hư vô.
Nhận thức về sự sống
trong cái chết này tạo nên cao trào của cuốn tiểu thuyết, các nhân vật chính nhận
thức được sự thật từ tột cùng cảm xúc của họ. Hận thù và lừa dối không còn tồn
tại khi đối mặt với cái chết, họ đã sống một khoảnh khắc ngây thơ thuần khiết.
Tuy nhiên, từ thời điểm Anna hồi phục, các nhân vật trong tình huống đều đi vào
sự sụp đổ của riêng mình. Karenin mặc dù đã được phong tước, thấy rằng Anna
không thể yêu anh. Vronsky tiếp tục theo đuổi mối tình bất hạnh, trong khi Anna
lại bước tới số phận đã định sẵn cho mình. Đến đây, Tolstoy đã chính thức đưa
các nhân vật của mình vào những ngã rẽ. Con đường của Levin hướng tới ánh sáng
và tình yêu, còn con đường của Anna đi đến bế tắc và bi kịch.
Trải qua một loạt những
nghi lễ, Levin bước sang giai đoạn mới của cuộc đời. Anh hạnh phúc vì cảm giác
tự do - không phải kiểu tự do ích kỷ, kiểu tự do về mặt lý trí như Koznyshev - mà là sự tự do xuất
phát từ sự thỏa mãn về mặt cảm xúc trong mối quan hệ với Kitty. Những nghi ngờ
vào phút cuối của Levin, cảm xúc lẫn lộn của Kitty khi mong đợi cuộc sống mới của
mình, sự lúng túng của họ trong một số phần của nghi lễ nhà thờ, là những điều
chỉnh nhỏ báo trước những điều chỉnh lớn mà cả Kitty và Levin đều trải qua
trong giai đoạn đầu tiên của cuộc sống bên nhau.
Mặc dù kỳ nghỉ của Anna rất
hạnh phúc, cô vẫn ám ảnh bởi những ký ức cũng như bất an về tương lai. Sự bất
an này được thể hiện qua cách Anna và Vronsky cẩn thận lựa chọn nhóm bạn của họ,
vì bản chất của Vronsky phụ thuộc vào xã hội để hoàn thiện bản thân. Mặc dù đã
dũng cảm kìm nén sự hối tiếc về quá khứ, những cảm xúc của Vronsky vẫn ẩn chứa
trong cuộc tìm kiếm không ngừng về một tiếng gọi vượt ra ngoài những đòi hỏi của
tình yêu. Sự phù phiếm trong những tìm kiếm này, một lần nữa nhấn mạnh sự phù
phiếm trong tình yêu của anh. Tolstoy ẩn dụ rằng, Vronsky và Anna có thể hạnh
phúc và bình yên nếu tránh xa những áp lực của xã hội thành thị. Nhưng thử
thách cho mối quan hệ của họ vẫn chưa thực sự đến khi họ trở về và cố gắng giải
quyết những vướng mắc với quá khứ mà họ đã bỏ lại ở Petersburg.
Trong hơn hai trăm
chương, chỉ có chương nói về khoảng thời gian cuối cùng của Nicolais có tiêu đề.
Chương này có tên là "Cái chết", cái chết có ý nghĩa to lớn đối với
Tolstoy, qua hình ảnh nhân vật Nicolais trong tiểu thuyết, nhà văn tái hiện lại
cái chết của chính anh trai mình. Khoảnh khắc này cũng có ý nghĩa to lớn đối với
Levin, anh khám phá một cách sâu sắc những bí ẩn của sự tồn tại, khám phá này
không thể đạt được thông qua lý trí. Chỉ có trải nghiệm cảm xúc mới có thể mang
đến những công cụ để chấp nhận sự thật về cái chết. Trong khi Levin chưa biết
phải làm gì lúc đối mặt với cái chết, thì Kitty đã có thể xử lý tình huống như
một bản năng sẵn có. Levin kinh ngạc trước khả năng tự có của vợ mình trong việc
đối mặt với bệnh tật và cái chết. Khi nào Levin vẫn chỉ dựa vào lý trí để giải
quyết mọi vấn đề của cuộc sống, khi đó anh vẫn chưa tự hoàn thiện được bản thân
mình. Mặt khác, Kitty hoàn thành số phận con người của mình vì cô không có định
hướng lý trí, những bản năng cảm xúc trong cô lớn hơn và nó đã giúp cô trong tình huống này.
Anna đến thăm con trai,
chuyến thăm đau lòng này ảnh hưởng đến cô theo cùng cách mà cái chết của Nicolais
ảnh hưởng đến Levin: cả hai đều bám chặt hơn vào tình yêu và cuộc sống của họ
sau khi trải qua mất mát. Được củng cố trong tình yêu của mình theo mức đau khổ
mà cô đã trả cho nó, Anna bảo vệ quyền được hạnh phúc của mình chống lại chính
xã hội đã phản đối nó. Cô lại tự tin xuất hiện trước đám đông, xã hội lên án
Anna ở chính nơi xã hội phù phiếm, phô trương và ngập tràn ảo tưởng nhất.
Anna trách móc Vronsky vì
anh không đủ chiều sâu tâm hồn để hiểu được nỗi đau của cô khi từ bỏ Seriozha.
Anna cảm thấy nỗi đau này phần nào nguôi ngoai nếu Vronsky tự hào khi cô công
khai mối quan hệ. Thay vào đó, cũng giống như Karenin, Vronsky bối rối khi Anna
cố tình không tuân theo các phép tắc lịch sự trong xã giao của tầng lớp quý tộc,
chỉ nghĩ đến việc che đậy và xóa đi nỗi ô nhục của mình. Khoảnh khắc bất đồng này
cho thấy những hạn chế của Vronsky. Trước lời công khai đầy tự hào của Anna về
tình yêu cô dành cho anh, anh mất đi sự tôn trọng dành cho cô. Anh thậm chí còn
hối hận vì bị thu hút bởi vẻ đẹp của cô, như thể sự quyến rũ là nguyên nhân gây
ra bối rối này.
Như vậy, Tolstoy cho thấy
sự khác biệt mang tính quyết định giữa Vronsky và Anna. Đối với Vronsky, tình
yêu không thể vô điều kiện, mà tình yêu phụ thuộc vào môi trường của nó và những
điều kiện cụ thể. Trong khi đó đối với Anna, tình yêu là trên hết và mọi thứ
khác chỉ là thứ yếu. Đây là một ví dụ khác về “bản chất tự nhiên”, khái niệm
này định hình nên cốt lõi của con người. Tuy nhiên, khi Anna và Vronsky bị cô lập
khỏi xã hội Petersburg, cuộc sống của họ vẫn diễn
ra suôn sẻ và sự cân bằng đang suy yếu trong mối quan hệ của họ được phục hồi dần dần.
Tolstoy ngụ ý rằng lý trí
dẫn đến sự vô sinh ích kỷ. Cách tiếp cận lý trí của Koznyshev đối với cuộc sống
và lòng mộ đạo trừu tượng của Varenka ngăn cản họ hiểu về mối quan hệ sâu sắc
giữa con người. Khi những cá nhân chối bỏ đam mê này chấp nhận số phận cô đơn của
mình, Tolstoy so sánh sự tồn tại một cách trống rỗng của họ với tình yêu bằng
xương bằng thịt của Kitty và Levin, hơn nữa, họ làm phong phú thêm cuộc sống bằng
ý nghĩa và sự tự hoàn thiện. Sự nhấn mạnh ở đây là "cuộc sống tự
nhiên", nơi người ta sống, yêu và sinh con đẻ cái, trái ngược với "cuộc
sống phi tự nhiên" nơi người ta sống theo các nguyên tắc trừu tượng.
Tolstoy nói đi nói lại rằng con người tự nhiên nắm bắt cuộc sống thông qua tất
cả các thực tế của nó và sau đó có thể hiểu được cái chết.
Vassenka vừa mới ở nhà
Anna và Vronsky, đã mang sự ngây thơ và vụng về khi đến ở nhà Levin và Kitty. Mối
quan hệ giữa Anna và Vronsky đã làm ô uế sự trong sạch của ngôi nhà Levin,
Vassenka trở thành "con sâu trong vườn địa đàng". Đôi vợ chồng son
Levin và Kitty đặc biệt nhạy cảm với ranh giới mong manh giữa hôn nhân hợp pháp
và hôn nhân ngoài giá thú khi chủ đề này được gợi lên trong ngôi nhà của họ. Sự
cáu kỉnh của họ không chỉ cho thấy chiều sâu và sự sâu sắc trong tình yêu của họ,
mà còn cho thấy những tiềm ẩn có thể đến trong khi họ đang quá hạnh phúc bên
nhau. Điều đó ẩn dụ rằng tình yêu và hôn nhân là quá phù du và tế nhị để dựa
vào đó mà sống. Điều này ám chỉ trước khoảnh khắc Levin tìm thấy niềm an ủi tối
cao trong tôn giáo hơn là trong hạnh phúc nhục dục và vật chất đời thường.
Mặc dù tình huống này có
thể đơn giản, dù vô tình hay cố ý thì Tolstoy đã sử dụng nó như một phương tiện
để nêu lên quan điểm về hành vi hôn nhân. Sau này, đặc biệt trong tác phẩm The Kreutzer Sonata (Bản sonata Kreutzer),
Tolstoy khẳng định lập trường cực đoan rằng quan hệ tình dục giữa nam và nữ về
cơ bản là xấu xa.
Sự so sánh giữa Dolly và
Anna cho thấy quan điểm của Tolstoy, một người phụ nữ tìm thấy hạnh phúc và nguồn
thỏa mãn của mình thông qua việc nuôi dạy con cái. Dolly thấy cuộc sống thường
ngày với người chồng vô tình của mình vẫn tốt hơn cuộc sống phù phiếm của Anna.
Còn Anna cho rằng Vronsky sẽ chán cô nếu cô chỉ sinh con đẻ cái và chăm sóc
quán xuyến gia đình như Dolly. Dù theo cách nào, Vronsky vẫn cảm thấy sự tự do
của mình bị hạn chế. Mong muốn chỉ chịu trách nhiệm với chính mình, không phải
với Anna, phản ánh sự vô trách nhiệm cơ bản của Vronsky.
Dưới con mắt của Levin, tiến
trình bầu cử được coi là phù phiếm. Điều này nhấn mạnh quan điểm vô chính phủ của
Tolstoy, ông cho rằng con người phải tìm kiếm ý nghĩa cá nhân trước tiên.
Sự đồng cảm của Levin
dành cho Anna thể hiện bản chất tương đồng của họ, mỗi người đều tìm kiếm một ý
nghĩa sống sâu sắc hơn, vượt lên khỏi những ý nghĩa của đời sống thường nhật.
Tolstoy dường như ngụ ý rằng họ có thể trở thành người yêu của nhau trong những
hoàn cảnh khác. Nhưng sau sự giao thoa ngắn ngủi này trong cốt truyện song song
của họ, Levin và Anna tiếp tục đi theo những con đường khác nhau. Con đường của
cô kết thúc bằng cái chết trong khi Levin tìm ra ý nghĩa tối cao trong cuộc đời
của mình.
Khi Anna chuẩn bị đi đến
cái kết đầy bi kịch, trong đoạn độc thoại nội tâm dài của mình, giống như Tolstoy
đã nói đến trong tác phẩm My Confessions
(Lời thú tội), Anna kết luận rằng: "Chỉ
có thể sống khi cuộc sống làm chúng ta say". Tolstoy viết: "ngay khi chúng ta tỉnh táo trở lại,
chúng ta thấy rằng tất cả chỉ là ảo tưởng, một ảo tưởng ngu ngốc".
Tình yêu là men say của cuộc sống, khi Anna thấy tình yêu của mình biến thành hận
thù, cuộc sống của cô trở thành một "ảo tưởng ngu ngốc" và cái chết
là giải pháp duy nhất và cuối cùng. Giống như Anna đã từng bất chấp tất cả để
yêu, giờ đây cô chấp nhận tìm đến cái chết, hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hành
động của mình, việc Anna tự tử là lời khẳng định về cam kết sâu sắc của cô đối
với cuộc sống. Cái chết là sự thật cuối cùng trong cuộc đời của cô.
Trong cơn sốt Slavơ đầy cảm
xúc, nước Nga đã tham gia vào cuộc chiến tranh Serbia chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tolstoy là một người theo chủ nghĩa hòa bình và ông đã làm suy yếu chủ nghĩa
anh hùng của Vronsky. Vì vậy, chúng ta thấy hành động của Vronsky là một sự đầu hàng khác trước những xung lực về cơ
bản là phù phiếm, cho thấy hạn chế trong bản chất con người Vronsky. Vronsky
tuyệt vọng tìm kiếm một điều gì đó để lấp đầy khoảng trống sau cái chết của
Anna. Levin đối đầu với cái chết và khám phá ra những bí ẩn trong số phận con
người. Nhưng Vronsky thì trốn chạy, thất bại và chìm sâu vào trong tuyệt vọng.
Việc dũng cảm đối đầu với cái chết của Anna là cách duy nhất để cứu rỗi nhưng
anh đã trốn chạy nó. Ở một mức độ nào đó, Tolstoy đã thể
hiện quan điểm chống lại cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra vào tháng 4
năm 1877, lúc này ông đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình. Quan điểm này
không được đồng tình vào thời điểm đó, nhà xuất bản đã từ chối bản thảo mặc dù Tolstoy
đã sửa lại hai lần.
Mặc dù Anna Karenina kết
thúc bằng sự cứu rỗi của Levin, Tolstoy đã để lại nhiều câu hỏi chưa được giải
đáp, các nhân vật vẫn phải đối mặt với những vấn đề chưa được giải quyết.
Vronsky bắt đầu quá trình chuộc tội mà kết cục vẫn chưa chắc chắn, Karenin vẫn
là một người chồng bị cắm sừng đáng thương, và Levin, mới được truyền cảm hứng
từ tình yêu của Chúa, mới bắt đầu cho một hành trình dài và đầy khó khăn.
0 comments:
Post a Comment