(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cúc Đậu: đề cử Oscar và khởi đầu cho sự thăng trầm

Cúc Đậu (Ju Dou) là một bộ phim kinh điển của đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu. Ban đầu, nó có tên là Tiếng Rên, sau đó được đổi thành Cúc Đậu, là tên của nhân vật nữ chính trong phim. Bộ phim kể về bi kịch của một gia đình trong những năm 1920 tại Trung Quốc. Trong một xã hội đầy những hủ tục và định kiến, người phụ nữ mang tên Cúc Đậu phải vật lộn với số phận, xuôi theo những bi kịch nghiệt ngã mà bản thân và cuộc đời đưa đẩy.

Cúc Đậu và Dương Thiên Thanh

Bộ phim không nói về những con người có tâm hồn cao đẹp, không xưng tụng cách con người vượt qua những nghiệt ngã của số phận, không ca ngợi tình yêu đẹp đẽ hay mối quan hệ giữa người với người một cách đầy nhân văn. Ở Cúc Đậu, với 3 nhân vật chính và một đứa trẻ lớn dần theo năm tháng, chỉ có những con người với góc khuất tăm tối trong tâm hồn mình trước dục vọng, bản ngã, định kiến, và sự đưa đẩy của hoàn cảnh đến những khúc quanh của cuộc đời.

Dương Kim San là ông chủ của một xưởng nhuộm vải, đã mua Cúc Đậu về làm vợ và để sinh cho ông một đứa con. Ông bị bất lực và vô sinh. Dường như, để khỏa lấp đi thiếu sót chứa đầy tính định kiến đó ở xã hội đương thời, hàng đêm ông hành hạ Cúc Đậu, đánh đập, bạo dâm cô như một cách chứng minh sự mạnh mẽ, đàn ông của mình. Làm thuê cho ông trong xưởng nhuộm là người cháu nuôi Dương Thiên Thanh do Lý Bảo Điền đóng, một anh chàng nhút nhát, rụt rè.

Cuộc sống ngục tù cùng những ham muốn nhục cảm bị kìm nén khiến Cúc Đậu chủ động quyến rũ người cháu. Họ đã cùng nhau có những màn ái ân vụng trộm đầy mãnh liệt. Định kiến của xã hội khiến Cúc Đậu và Dương Thiên Thanh không thể đến với nhau một cách đàng hoàng ngay cả khi Dương Kim San đã chết.

Phim có ít lời thoại, bối cảnh phim phần lớn được diễn ra trong một xưởng nhuộm vải. Tuy vậy, Cúc Đậu là một trong những bộ phim cực kỳ tinh tế trong việc mô tả các cảnh tình dục. Củng Lợi trong vai Cúc Đậu, đã phát huy tối đa ưu thế hình thể của mình ở những cảnh quay thể hiện sự lẳng lơ, khêu gợi, cũng như những cảnh làm tình. Cảnh Cúc Đậu và Dương Thiên Thanh ái ân bên bể nhuộm vải là một cảnh quay đẹp, kín đáo nhưng rất gợi tình theo đúng tinh thần Á Đông. Trong cảnh quay ân ái này, thông qua tiếng động, màu sắc, mồ hôi và nước, hình thể của Cũng Lợi không lộ nhiều da thịt trước ống quay, nhưng vẻ gợi cảm toát lên qua ánh mắt, thần thái, dáng nằm đầy tự do, buông lơi khi bên cạnh Dương Thiên Thanh sẽ tạo cảm hứng mạnh mẽ, và cho khán giả thấy những ẩn ức bị kìm nén khi được giải phóng sẽ như thế nào. Sau đó là cảnh Cúc Đậu nhờ Dương Thiên Thanh giúp cô hút sữa. Cô sinh con xong và ngực căng tức sữa. Tất cả chỉ thông qua lời nói, nhưng cử chỉ và hành động của Củng Lợi tạo hiệu quả rất cao cho cảnh quay này.

Rồi đứa trẻ lớn dần theo năm tháng, những cuộc ái ân của hai người ngày càng khó khăn hơn, họ lén lút ra ngoài, lúc thì ở ngoài đồng, lúc trong lò gạch cũ, lúc thì trong kho giếng cạn. Diễn xuất của Củng Lợi và Lý Bảo Điền tạo cho khán giả cảm giác lén lút ngột ngạt đến nghẹt thở, nhưng kèm với đó là sự thấu hiểu, cảm thông với bi kịch của cả hai người.

Các cảnh làm tình trong phim diễn ra trong không gian hạ cấp dần từ cao xuống thấp. Khi càng ở trên cao, hai người càng mất tự do thì khi xuống dưới, trong căn hầm tối, thấp, họ hạnh phúc bên nhau như chưa bao giờ được thế. Gần cuối phim, cả hai quấn lấy nhau trong một căn hầm, nơi thiếu dưỡng khí nhưng mang đến cho họ sự thăng hoa và tự do tột cùng, khiến họ không còn màng đến cả cái chết.

Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Fu-Xi Fu-Xi của Lưu Hằng. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh kéo dài từ 1920-1970. Nhưng Trương Nghệ Mưu cho rằng, chủ đề của bộ phim rất nhạy cảm, nếu kéo dài sang xã hội đương đại Trung Quốc sẽ không qua được kiểm duyệt, nên vị đạo diễn đã quyết định cho Cúc Đậu gói gọn chỉ trong thập niên 1920.

Thay đổi quan trọng nhất của vị đạo diễn so với cốt truyện là ông đã biến bối cảnh của câu chuyện diễn ra chủ yếu trong một xưởng nhuộm vải. Qua đó, Trương Nghệ Mưu có thể dễ dàng “chơi với màu sắc” như trong hầu hết các tác phẩm khác của mình. Màu sắc của những súc vải và thuốc nhuộm… đã góp phần kích thích thị giác, khơi gợi cảm xúc nơi khán giả. Sau thành công cùng Trương Nghệ Mưu ở bộ phim Cao Lương Đỏ trước đó, nhà quay phim Cố Trương Vệ tiếp tục được vị đạo diễn mời hợp tác quay, chịu trách nhiệm tạo nên một bức tranh ánh sáng và màu sắc độc đáo ở Cúc Đậu.

Bộ phim ít nhân vật, ít lời thoại, nặng về diễn xuất nội tâm phức tạp, Trương Nghệ Mưu đã mời Dương Phượng Lương về cùng làm đạo diễn, đó là một người bạn thân của Trương, Dương đã tốt nghiệp Khoa Diễn xuất của Học viện Kịch nghệ Thượng Hải vào năm 1982. Công việc của Dương là giải thích cảnh quay và giao tiếp gần gũi với các diễn viên. Trương Nghệ Mưu đứng sang một bên quan sát rồi sau đó hiệu chỉnh lại, điều chỉnh này giữ cho ông được bình tĩnh và sáng suốt.

Đoàn làm phim chọn một ngôi nhà ở huyện Di, thuộc tỉnh An Huy với phong cách đặc thù, bố cục quen thuộc của địa phương vào thời kỳ đó và cải tạo nó thành một xưởng nhuộm. Trước khi bấm máy, Củng Lợi phải đi thực tế ở nông thôn Nam Anh hơn một tháng. Lúc đó, thành công đầu tiên trên trường quốc tế với bộ phim Cao Lương Đỏ trước đó đã khiến Trương Nghệ Mưu nối tiếng khắp đất nước. Khi ông quay Cúc Đậu, nhân dân trong vùng huyện Di, An Huy tấp nập đến xem, thậm chí những thanh niên hâm mộ đạo diễn đã đua nhau cạo trọc đầu giống như vị đạo diễn yêu quý của mình.

Khi quá trình quay phim đang diễn ra. Ngày 06/04/1989 sự kiện Thiên An Môn xảy ra tại Bắc Kinh làm rúng động thế giới. Tình hình chính trị trở nên hết sức căng thẳng. Khi đó, đoàn làm phim Cúc Đậu đang ở miền quê và biết về thông tin đó qua TV. Họ phải tạm dừng việc thực hiện bộ phim và giải tán ê kíp. Sau sự kiện khoảng 2, 3 tháng, khi tình hình lắng xuống, đoàn làm phim phải tổ chức lại ê kíp và tiếp tục các công việc của mình.

Trước đó, khi thực hiện bộ phim Cao Lương Đỏ, Trương Nghệ Mưu có mức kinh phí rất eo hẹp, ông phải thực hiện bằng những máy quay cũ kỹ, và dùng phim kém chất lượng để ghi hình. Sau thành công của Cao Lương Đỏ, và khi bắt thực hiện Cúc Đậu, Trương Nghệ Mưu được giới thiệu với Yasuyoshi Tokuma, một nhà đầu tư người Nhật Bản rất hâm mộ bộ phim Cao Lương Đỏ. Tokuma đồng ý bỏ vốn sản xuất, tiền đầu tư của Tokuma đã giúp vị đạo diễn thỏa mãn ước mơ quay một bộ phim mới với máy móc, trang thiết bị tốt hơn, âm thanh đồng bộ, quá trình hậu kỳ được làm hoàn toàn tại Nhật Bản. Công ty của Tokuma không quan tâm lắm đến chuyện bộ phim sẽ đoạt giải thưởng hay thu về được nhiều tiền. Họ chỉ muốn Trương Nghệ Mưu có thể làm một phim hay. Ở Trung Quốc khi đó, tất cả những bộ phim hợp tác với nước ngoài đều phải thông qua China Film Corporation.

Với cách tiếp cận, kể câu chuyện đi ngược lại truyền thống, “phản Nho Giáo” (Anti Confucian) trong một đất nước có tinh thần Nho Giáo hàng nghìn năm, những khó khăn về kiểm duyệt đã bắt đầu xuất hiện. Những ý kiến phê phán được lên tiếng và chính quyền Trung Quốc bắt đầu e ngại về chủ đề của bộ phim. Lúc này, Cúc Đậu có khả năng bị hạn chế về sự tự do sáng tạo và kinh phí bị cắt giảm khoảng 1/3 so với cam kết ban đầu sau sự căng thẳng chính trị từ sự kiện Thiên An Môn. Tuy nhiên, thật may mắn, để làm giảm những chỉ trích chính trị, Trung Quốc muốn quảng bá với thế giới một chính sách tự do kinh tế, và hợp đồng đã được ký kết từ trước đó, nên bộ phim đã không bị dừng lại và vẫn tiếp tục được thực hiện.

Cuối cùng đoàn làm phim cũng hoàn tất Cúc Đậu. Bộ phim được đưa về chiếu thử tại Bắc Kinh, được đánh giá là sáng tạo và hoàn chỉnh hơn hẳn Cao Lương Đỏ. Diễn xuất của các diễn viên được đánh giá cao. Đặc biệt, sự thể hiện của Củng Lợi đã tiến bộ một cách vượt bậc. Nhưng nội dung đã bị phê phán kịch liệt, bộ phim đã khắc họa một cách tàn nhẫn những hủ tục trong đời sống xã hội ở Trung Quốc. Cúc Đậu chính thức bị cấm chiếu.

Trước đó, bộ phim đã được cử làm đại diện để tham dự liên hoan phim Cannes. Nhưng vì sự kiện Thiên An Môn, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Phương Tây trở nên căng thẳng, bộ phim bị chính quyền cấm chiếu, nên Trung Quốc không thiết tha gửi phim đi. Nhưng người Nhật, những người bỏ tiền đầu tư làm ra bộ phim, trong cố gắng của họ, đã nhất định đòi đưa Cúc Đậu tới Cannes.

Tại liên hoan phim Cannes lần thứ 43 (Tháng 09/1990), Cúc Đậu bị xếp lịch chiếu vào ngày cuối cùng. Đoàn Trung Quốc cảm nhận rõ ý đồ lạnh nhạt, hờ hững của liên hoan phim nhằm phản ứng lại sự kiện Thiên An Môn. Nhưng khán giả và ban giám khảo lại rất yêu thích bộ phim, mặc dù có sự phân biệt đối xử, bộ phim vẫn được trao giải thưởng Luis Bunuel và đề cử Cành cọ vàng.

Cùng năm 1990, Cúc Đậu liên tiếp đạt giải cao nhất tại 3 liên hoan phim quốc tế: Valladolid (Tây Ban Nha), Na Uy và Chicago. Song sự kiện chấn động nhất là Cúc Đậu trở thành bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được đề cử Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất, dù phe bảo thủ Trung Quốc đã hai lần cố gắng tước bỏ tư cách đại diện Trung Quốc của Cúc Đậu tại Oscar. Đêm Oscar năm ấy, không có mặt Trương Nghệ Mưu lẫn Củng Lợi.

Cúc Đậu bị cấm chiếu ở Trung Quốc, nhưng rất thành công trên trường quốc tế, đã mở đầu cho những bước thăng trầm trong sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu. Liên tiếp những bộ phim sau này của Trương đều bị giám sắt chặt chẽ. Ông có nhiều bộ phim bị cấm chiếu tại Trung Quốc nhưng lại dành được nhiều lời khen ngợi, thành công trên trường quốc tế, như các bộ phim Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Phải sống. Các lệnh cấm này hiện đã được gỡ bỏ.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment