(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Triệu đóa hồng: Một chuyện tình yêu anh họa sĩ

Triệu đóa hồng (Million of scarlet roses, Миллион алых роз) là một câu chuyện tình có thật, đi vào tiểu thuyết, rồi trở thành một bài hát kinh điển của Liên Xô. Chuyện rằng, có một chàng họa sĩ nghèo, chàng đem lòng yêu một nàng ca sĩ đến từ một đất nước xa xôi, vì biết nàng thích hoa hồng, chàng đã bán cả gia tài ít ỏi của mình chỉ để tặng nàng “một đại dương hoa hồng thắm”. Những tưởng được đền đáp bằng một kết quả có hậu, nàng ca sĩ trở về đất nước mình, còn lại chàng họa sĩ trong cảnh bần hàn với một mối tình đơn phương.

Ca sĩ Alla Pugacheva 

Đó là một chàng họa sĩ ít tên tuổi người Gruzia, tên là Niko Pirosmani, chàng có một cuộc sống nghèo khó, làm đủ nghề để kiếm sống và tự học vẽ. Còn nàng là Marguerite de Sevres, một ca sĩ đến từ thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp, nàng có vẻ đẹp của một tiểu thư đài các. Họ gặp nhau vào tháng 3 năm 1909, chính xác hơn, đó chỉ giây phút Pirosmani đắm chìm trước vẻ đẹp của Marguerite, còn nàng không có chút ý niệm nào về một gã đàn ông đã 47 tuổi đang nhìn mình mê mẩn giữa đám đông. Đó là lần Marguerite dừng chân tại Tiflis (tên gọi cũ của thủ đô Tbilisi, đất nước Gruzia), nhưng đó là lần dừng chân định mệnh của nàng, vì nó đã thay đổi cuộc đời, số phận của Pirosmani, làm nên một lần lóe sáng, dù ngắn ngủ, trong một cuộc đời vốn chẳng có nhiều điều để nói của ông.

Pirosmani đã yêu Marguerite ngay từ ánh mắt đầu tiên. Vẻ đẹp đài các cùng giọng hát thánh thót của nàng đã làm chàng mê mẩn. Nhưng giữa họ là những khoảng cách lớn, làm cho tình yêu của chàng dành cho nàng không thể trở thành một cái kết đẹp đẽ. Đến đây, câu chuyện giữa hai người xuất hiện nhiều dị bản. Có nhiều người tin rằng họ đã yêu nhau, nhưng tình yêu quá đam mê và cháy bỏng của chàng làm nàng sợ, và nàng đã tìm cách để chạy trốn khỏi tình yêu đó. Nhưng phần đông đều đồng ý, và có lẽ sự thật là thế, đây đơn thuần chỉ là một mối tình đơn phương, chàng họa sĩ đã ngỏ lời nhưng không được đáp lại. Nhưng khi trái tim đã trót đam mê, nó có thể dâng hiến tất cả cho người mình yêu.

Khi biết nàng rất thích hoa, đặc biệt là những bông hoa hồng. Với gia tài ít ỏi của mình, chàng đã đem bán tất cả, từ nhà cửa, tranh vẽ, dầu, cọ,… để lấy một khoản tiền đủ mua cả ngàn bông hồng tặng Marguerite, với hy vọng cuối cùng rằng nàng sẽ động lòng suy nghĩ lại. Một sáng tháng 3 năm 1909, góc phố Sololaki đối diện quảng trường công cộng, nơi Marguerite đang ở bỗng trở nên náo nhiệt một cách khác thường. Từng đoàn xe nối nhau xếp xuống cơ man hoa hồng. Cả một con đường, cả một quảng trường tràn ngập hoa. Mọi người tò mò ngạc nhiên, các thiếu nữ ôm ngực thảng thốt… Sau này, người dân chứng kiến cảnh tượng đó nhớ lại rằng, họ không biết tình yêu giữa hai người như thế nào, nhưng cảnh tượng đó giống như một câu chuyện trong cổ tích vậy. Hoa hồng có lẽ không chỉ được mua ở Tiflis mà ở khắp vùng xung quanh, cả một không gian đẫm mùi hương hoa hồng.

Nàng ca sĩ khi ấy đang ở trên tầng 2 của ngôi nhà, nghe thấy tiếng huyên náo bên ngoài, cô vén cửa nhìn ra và vô cùng ngạc nhiên khi dưới vòm cửa là một đại dương hồng thắm, dường như được trải dài ngút mắt. Từ phía xa, chàng họa sĩ đi đi lại lại trong dáng hình mảnh khảnh quá khổ. Anh chờ một phép màu giúp mình đến được với tình yêu.

Nàng ca sĩ cực kỳ xúc động. Niềm xúc động rất thật, nhưng đó chỉ là cảm xúc của khoảnh khắc. Nàng vẫn bước xuống với Pirosmani, ôm và dành tặng chàng một nụ hôn. Đó là nụ hôn duy nhất trong cuộc tình này.

Pirosmani

Không lâu sau đó, đoàn diễn trở về Paris. Những bông hồng đã tàn, người đã đi, mọi thứ lại trở về như lúc ban đầu, chỉ duy nhất trái tim Pirosmani không còn đập như xưa, bởi tình yêu đem dâng hiến không được đền đáp, và bởi “Ngôi nhà xinh anh đã bán, bằng dòng máu nóng trái tim mình”… Những gì còn sót lại là một bức tranh chàng họa sĩ vẽ nàng ca sĩ, nàng đang mặc váy trắng, tay trái đang cầm bó hoa hồng màu trắng. Không có màu màu đỏ thắm trong cuộc tình đó.

Bức ảnh Pirosmani vẽ Marguerite

Vậy đã kết thúc chưa? Mặc dù chưa được chứng thực, nhưng những ai tin vào một cái kết đẹp đẽ đều tin vào một câu chuyện, rằng nàng ca sĩ trở về Pháp đã yêu và lấy một người, người này sau trở thành Bộ trưởng Văn hóa Pháp. Sau này, khi trở lại Gruzia, Marguerite biết người từng mang tặng mình cả triệu đóa hồng đã qua đời vì bệnh tật, bà cảm động và nhờ những mối quan hệ để quyên tiền dựng tượng ông, rồi tổ chức một cuộc triển lãm tranh của ông tại Paris. Nếu đó là thật, mặc dù đã muộn, nó là một chút an ủi dành cho dòng máu nóng của con tim người họa sĩ.

Mối tình đơn phương đó sau này đã được kể lại trong câu chuyện Tấm vải sơn tầm thường của văn hào Konstantin Paustovsky vào năm 1960. Câu chuyện nằm trong quyển thứ 5 Về phương nam, thuộc tiểu thuyết Tiểu thuyết cuộc đời. Để rồi, từ câu chuyện này, hơn 20 năm sau, nhà thơ huyền thoại Andrey Andreyevich Vonznesensky đã viết thành lời trong ca khúc Triệu đóa hoa hồng đã trở thành kinh điển. Giai điệu của bài hát được sáng tác bởi Raimonds Pauls.

Đúng ra, vào thập niên 1970 trước đó, ca khúc này đã được sáng tác với phần lời hoàn toàn khác. Raimonds Pauls đã viết nhạc với tựa đề theo tiếng Latvia, tên của nó là Davaja Marina (Marinya- Nữ thần của số phận), và phần lời của Leons Briedis. Bài hát này ra mắt năm 1981 qua tiếng hát của Aija Kukule và Liga Kreicberga nhưng không thành công.

Năm 1982, nhà thơ Andrey Andreyevich bàn với nhạc sĩ Raymonds Pauls về một ý tưởng mới cho phần lời, lần này lấy theo câu chuyện của Paustovsky nói về cuộc tình đau khổ giữa chàng họa sĩ Pirosmani và nàng ca sĩ Marguerite. Rayonds đồng ý và sau đó Triệu đóa hoa hồng được hoàn thành.

Cả hai đồng ý bài hát này phải được Alla Pugacheva trình bày, khi đó đang là ca sĩ hàng đầu của Liên Xô. Lúc đầu Alla từ chối vì không thích, nhưng nhà thơ Andrey Andreyevich Voznesensky đã thuyết phục cô, rằng những vần thơ đẹp đẽ này được viết ra là để dành tặng cô. Lúc ấy Alla đã hát khá nhiều bài nổi tiếng của Raymonds Pauls, cuối cùng cô cũng đồng ý. Những gì còn lại đã được lịch sử gọi tên.

Bài hát này đã được “người đàn bà hát” Alla Pugacheva cất lên tiếng hát vào tháng 11/1982 và từ đó đến nay, Triệu đóa hoa hồng (Million of scarlet roses, Миллион алых роз) đã trở thành một bài hát đi cùng năm tháng, là một câu chuyện tình được rất nhiều người yêu thích.

Bài hát nhanh chóng trở thành hiện tượng, nổi tiếng khắp Liên Xô. Đài truyền hình Trung ương Liên Xô đã phải chiếu lại hàng nghìn lần theo yêu cầu của khán giả và trở thành ca khúc để đời của Raymonds Pauls. Bài hát được chuyển ngữ tại nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Anh, Trung Quốc, Việt Nam,… Tại Nhật Bản bài hát được yêu thích khắp nơi, được coi là biểu tượng của tình ca và Alla Pugacheva trở thành nữ ca sĩ Liên Xô được yêu thích nhất tại nơi đây.

Tại Việt Nam, sau hai năm ra đời, bài hát đã đến Việt Nam với phần lời được viết bởi Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên. Khi đó ông đang là du học sinh tại Liên Xô, khi thấy ca khúc này có giai điệu và phần lời quá đẹp, ông quyết định chuyển ngữ và đưa Ái Vân hát đầu tiên. Năm 1984, lần đầu tiên bài hát được trình bày tại Việt Nam qua tiếng hát ca sĩ Ái Vân. NSND Trung Kiên vẫn giữ nguyên phần lời gốc và ông đã chuyển ngữ rất thành công và rất đẹp. Sau gần 40 năm, ông vẫn đánh giá đây là một trong những ca khúc kinh điển của Liên Xô, và ông vẫn thích nhất tiếng hát Ái Vân, mặc dù đã có nhiều giọng hát thể hiện rất tốt bài này như Hồng Nhung, Nhã Phương…

Ngày 01/06/2010 nhà thơ Andrey Andreyevich Voznesensky qua đời. Trong lễ tang của ông, ca sĩ Alla Pugacheve đã nói: “Triệu bông hồng mà ông đã tặng sẽ không bao giờ héo úa trong tâm hồn tôi”. Và chắc chắn ca sĩ không phải là người duy nhất nói ra điều đó.

Trở lại với câu chuyện của hai người. Nàng ca sĩ Marguerite de Sevres trở về Paris, cuộc sống vẫn tiếp diễn như nó vốn vẫn thế trước kia. Chỉ còn chàng họa sĩ Pirosmani, giờ đây càng trở nên nghèo khó, đau khổ, và tàn tạ. Tất cả những gì chàng có đã đánh cược vào một khoảnh khắc đam mê cháy bỏng. Pirosmani sống phần còn lại của cuộc đời trong cảnh vô gia cư, nghèo khó và bệnh tật, chàng thường trú ngụ tại ga xe lửa Sadguri. Chàng vẽ tất cả những gì có thể và được yêu cầu để đổi lấy rượu và thức ăn. 9 năm sau cuộc gặp gỡ định mệnh đó, Pirosmani qua đời vào năm 1918, lúc đó chàng 56 tuổi. Chàng qua đời vì suy gan và suy dinh dưỡng. Đến gần cuối đời, những sáng tác của Pirosmani mới được nhắc đến trên báo chí. Sau khi qua đời, các tác phẩm của ông được đánh giá lại một cách công bằng, hiện 300 bức tranh của ông đã có một vị trí rất trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Gruzia. Hình ông cũng được in trang trọng trên tờ mệnh giá 1 lari của Gruzia (gần bằng 0,5 euro).

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment