Chiến binh cầu vồng kể về
một phần cuộc sống trên hòn đảo Belitong, Indonexia vào những năm 1980. Ở đó tồn
tại song song hai thế giới đối lập. Một thế giới của những người siêu giàu, tài
sản được tạo nên từ việc khai thác kim loại quý và bóc lột sức lao động của người
dân trên đảo. Những người siêu giàu đó sống trong Điền trang, nơi có những ngôi
nhà bề thế, đẹp đẽ, với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Chiến binh cầu vồng tập
trung kể về cuộc sống của những người ở thế giới thứ hai. Họ là những con người
bị bần cùng hóa, phải lao động nhọc nhằn với mức thù lao ít ỏi, thu nhập không
đủ đảm bảo cuộc sống ở mức bình thường. Trong số các con em của họ, có mười đứa
trẻ đã chiến đấu với nghèo đói và số phận để giành quyền đến trường. Chúng đến
trường với những mục đích khác nhau, nhưng lớn nhất là mong muốn thay đổi số phận,
giành lấy một tương lai sáng sủa hơn thế hệ cha ông của mình.
Chiến binh cầu vồng là một quyển sách đẹp
Ngôi trường của mười đứa
trẻ đó cũng thật đặc biệt, đó là ngôi trường Muhammadiyah, nơi chỉ có một lớp học,
với một thầy hiệu trưởng tên là Harfan và một cô giáo 15 tuổi trẻ măng tên là
Mus. Mười đứa trẻ tự gọi mình là những “Chiến
binh cầu vồng”, chúng cùng thầy Harfan và cô Mus oằn mình để chống lại quan
chức ngành giáo dục của tỉnh, những người luôn mong muốn xóa bỏ ngôi trường để
thành tích chung tốt hơn, và để chống lại những người siêu giàu từ Điền trang,
họ muốn xóa bỏ ngôi trường để khai thác kim loại trên mảnh đất đó.
Chiến binh cầu vồng là thực
trạng đầy nhức nhối về một nền giáo dục bị lu mờ trước chủ nghĩa thực dụng, bị
chi phối bởi đồng tiền và thành tích. Chiến binh cầu vồng là hồi ký về hành
trình thay đổi tư duy của việc đến trường, về sự đánh đổi giữa đi học và đi làm
để khỏa lấp ngay cái đói, cái nghèo, về những khó khăn và rủi ro để đến trường,
về cái nghiệt ngã của sự phân hóa giàu nghèo, đẳng cấp,…, và về những hạt mầm tốt
đẹp đã được ươm.
“Chúng
tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính
nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh,
những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa
thực dụng.”
Hạt mầm của nửa thế giới
Giữa những hoang tàn
trong cuộc sống này, vẫn luôn tồn tại những hạt mầm bắt đầu cho sự thay đổi.
Trong nửa thế giới nghèo đói của hòn đảo Belitong, mười đứa trẻ Chiến binh cầu
vồng là những người gieo hạt giống hy vọng, dệt ước mơ. Chúng dám hy vọng về một
con đường mới để thay đổi số phận. Con đường này, thế hệ cha ông của chúng chưa
dám đi, đó là cắp sách đến trường, học lấy con chữ, học lấy kiến thức, mặc dù
chúng phải vượt qua rất nhiều khó khăn và định kiến. Mỗi con người một tính
cách, một tài năng, họ đã tạo nên một khởi đầu thật khác cho hòn đảo, hòn đảo vốn
đã quen với sự nghèo túng và tư duy chấp nhận cuộc đời của một culi. Những đứa
con của những người công nhân, culi đó đã làm được những điều phi thường.
Điểm tựa cho khát vọng đó
của chúng là thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus. Hai người giáo viên bình
thường, nhưng họ là những sứ giả đã được phái đến để gieo mầm cho những sự thay
đổi đầu tiên. Họ đã dạy học bằng cả trái tim. Không chỉ là truyền đạt kiến thức,
mà đem cả một nền giáo dục đầy nhân văn đến cho hòn đảo nghèo khổ. Những con người
đã chiến đấu bằng cả tính mạng của mình cho một nền giáo dục công bằng, cho quyền
được đến trường của những đứa trẻ, cho niềm tin và khát khao chính đáng.
Tác phẩm đã rất thành
công khi khắc họa những nhân vật biểu tượng ấy, đi sâu vào lòng người, lặng lẽ
đi tìm những hạt ngọc ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì, nhưng lại đẹp đẽ và thắm đượm
tính nhân văn.
Hành trình của khát vọng
Chiến binh cầu vồng là một
bức tranh phản ánh hiện thực, và cái kết của nó thật buồn. Nhưng điều tác phẩm
hướng tới và truyền tải thật đẹp, nó lặng lẽ vén màn bóng đêm để vẽ lại cuộc
hành trình tuy gian nan, vất vả nhưng rất đẹp của thầy trò ngôi trường nghèo.
Nó không đơn thuần chỉ là
hành trình đi tìm cách đến trường của mười đứa trẻ, chiến đấu để đi học và giữ
ngôi trường, nó là hành trình của khát khao thoát khỏi sự ngu dốt đã kìm hãm những
con người nơi đây quá lâu. Trong trí óc của mỗi đứa trẻ, chúng mong muốn phá
tan định kiến xã hội, đập nát cái thế giới phân biệt giàu nghèo, xé toang cái
áp lực cơm áo gạo tiền. Và bình đẳng hơn trong việc tiếp cận các cơ hội.
Thầy cô và mười đứa trẻ
trong câu chuyện đều trân quý từng khoảnh khắc họ được đến trường. Trong sự thiếu
thốn, nghèo túng của ngôi trường, những đứa trẻ vẫn tìm thấy ước mơ của mình.
Trong áp lực của các thế lực, chúng vẫn tìm thấy và khẳng định giá trị của bản
thân mình.
Và bởi vậy cuốn sách đã kể
thật sống động về cuộc hành trình của niềm tin và khát vọng, dẫu cho cuối cùng
đã khép lại thật đau đớn, cũng đã kịp gieo những hạt mầm cho sự thay đổi.
Cái kết thật cuộc đời
Chiến binh cầu vồng là một
tác phẩm dễ đọc, nhưng nó đè nặng lên người đọc ở cái kết không vẹn tròn. Theo
cách này hay cách khác, những ước mơ của mười đứa trẻ đều bị dập tắt, hoặc có
thể là cay đắng, xót xa. Đó cũng là một điều mà chúng ta cần phải học, thế giới
này thật rộng lớn, nó đủ chỗ cho mọi điều, cả những điều mà chúng ta không mong
muốn nhất.
Đó chính là cuộc đời, là
cái kết của Chiến binh cầu vồng.
0 comments:
Post a Comment