Cơn sốt vàng California Gold Rush được bắt đầu bằng việc phát hiện ra những hạt vàng ở thung lũng Sacramento vào đầu năm 1848 và được cho là một trong những sự kiện quan trọng nhất định hình nên lịch sử nước Mỹ trong nửa đầu thế kỷ XIX. Khi tin tức về sự phát hiện ra vàng được lan truyền, hàng nghìn người đã di chuyển đến San Francisco, California và vùng lân cận bằng đường thủy và đường bộ. Trước năm 1848, dân số của California không tính người Da Đỏ chưa đến 1.000 người, vào cuối năm 1849, con số đã là khoảng 100.000 người. Có khoảng hơn 750.000 pound vàng đã được khai thác, tổng số kim loại quý trị giá 2 tỷ đô la đã được khai thác từ khu vực này trong suốt thời kỳ Cơn sốt vàng. Thời kỳ Gold Rush lên đến đỉnh điểm vào năm 1852, sau đó cơn sốt này hạ nhiệt dần và trở thành một phần của lịch sử.
![]() |
Cơn sốt vàng California Gold Rush |
Khám phá tại Sutter’s Mill
Vào ngày 24 tháng 1 năm 1848,
James Wilson Marshall, một thợ mộc quê gốc ở New Jersey, đã tìm thấy những mảnh
vàng trên sông American, chân dãy núi Sierra Nevada, thuộc Shutter’s Mill gần
Coloma, California. Vào thời điểm đó, Marshall đang xây dựng một xưởng cưa sử dụng
nước trong quá trình vận hành, xưởng cưa này thuộc sở hữu của John Sutter, một
công dân Thụy Sĩ gốc Đức và là người sáng lập thuộc địa Nueva Helvetia (Thụy Sĩ
mới, nơi sau này trở thành thành phố Sacramento). Như Marshall kể lại sau này,
về khám phá lịch sử của mình: "Nó khiến trái tim tôi đập thình thịch, vì
tôi chắc chắn rằng đó là vàng".
Trước đó, California là vùng đất
thuộc Mexico. Vài ngày sau phát hiện ra vàng của Marshall tại Sutter’s Mill, hiệp
ước Guadalupe Hidalgo đã được ký kết, chiến tranh Mexico-Mỹ kết thúc và Mexico
nhượng lại vùng đất California cho Mỹ. Vào thời điểm đó, dân số của vùng đất
này bao gồm 6.500 người California (người gốc Tây Ban Nha hoặc Mexico); 700 người
nước ngoài (chủ yếu là người Mỹ); và 150.000 người Da Đỏ bản địa (số người Da Đỏ
bản địa đã giảm đi một nửa kể từ khi những người định cư Tây Ban Nha đến vào
năm 1769).
![]() |
Mỏ vàng tại California |
Làn sóng người đến California tìm vàng
Việc phát hiện ra vàng đã được Marshall và Sutter cố gắng giữ kín, nhưng cuối cùng thông tin vẫn bị rò rỉ ra ngoài. Ban đầu, người dân ở San Francisco không tin những thông tin đồn thổi này, nhưng khi thủ kho Sam Brannan đi qua thị trấn và để lộ một lọ vàng lấy được từ Sutter’s Creek, một cơn điên cuồng bắt đầu kéo đến. Vào giữa tháng 6, khoảng 3/4 số đàn ông ở San Francisco đã rời nhà cửa để đến các lán trại tại những mỏ vàng và số lượng thợ khai thác trong khu vực này đã lên tới 4.000 người vào tháng 8.
Khi các thông tin về vàng đã trở
nên rõ ràng, và được lan truyền ngày càng xa. Những người di cư đầu tiên đến từ
các vùng đất có thể di chuyển bằng thuyền, chẳng hạn như Oregen, quần đảo
Sandwich (nay là Hawaii), Mexico, Chile,
Peru. Sau đó, từ Mexico và quần đảo Hawaii, từ Nam và Trung Mỹ, từ Úc và New
Zealand; từ Đông Nam Trung Quốc đến Phương Tây và Đông Âu, dòng người đổ về thủ
phủ vàng, tạo nên một hiện tượng di dân độc nhất vô nhị trong lịch sử.
“Dân 49” (forty niners) đến California
Những người tìm vàng đầu tiên được
gọi là “dân 49” (forty niners, ý chỉ diễn ra vào năm 1849). Trong suốt năm
1849, người dân trên khắp nước Mỹ (chủ yếu là nam giới) đã vay tiền, bán tài sản,
dùng tiền tiết kiệm cả đời để thực hiện chuyến hành trình gian khổ đến
California. Để theo đuổi sự giàu có mà họ không bao giờ mơ ước trước kia, họ đã
rời bỏ gia đình và quê hương của mình. Những người phụ nữ bị bỏ lại đảm nhận những
trách nhiệm mới như gánh vác gia đình, đồng áng, kinh doanh và chăm sóc con cái
một mình. Hàng nghìn thợ khai thác vàng, được gọi là “dân 49”, đã đi bộ qua những
ngọn núi hoặc đường biển, đi thuyền đến Panama hoặc vòng qua Mũi Sừng (Cape
Horn), điểm cực nam của Nam Mỹ để tìm đến California.
Vào cuối năm đó, dân số không phải
là người Da Đỏ bản địa của California được ước tính là 100.000, (so với 20.000
vào cuối năm 1848 và khoảng 800 vào tháng 3 năm 1848). Để đáp ứng nhu cầu của “dân
49”, các thị trấn khai thác vàng đã mọc lên khắp nơi trong khu vực, với đầy đủ đường
xá, nhà thờ, trường học, các cửa hàng, tiệm ăn, nhà chứa và các hoạt động khác
tìm cách kiếm tiền từ Cơn sốt vàng. Sự đông đúc của các lán trại và thị trấn
khai thác mỏ ngày càng trở nên hỗn loạn hơn, cướp bóc tràn lan, cờ bạc, mại dâm
và bạo lực diễn ra công khai và không thể kiểm soát. Ở mặt khác, San Francisco,
California đã nhanh chóng phát triển và trở thành đô thị trung tâm của biên giới
mới.
Cơn sốt vàng đã thúc đẩy việc
California trở thành tiểu bang thứ 31 của Mỹ. Cuối năm 1849, California nộp đơn
xin gia nhập liên bang với hiến pháp cấm chế độ nô lệ, đã gây ra một cuộc khủng
hoảng trong Quốc hội giữa những người ủng hộ chế độ nô lệ và các chính trị gia
chống chế độ nô lệ. Theo Thỏa hiệp năm 1850, do Thượng nghị sĩ Henry Clay của
bang Kentucky đề xuất, California được phép trở thành một tiểu bang tự do,
trong khi các lãnh thổ của Utah và New Mexico bị bỏ ngỏ để tự quyết định vấn đề
này.
Các mỏ vàng ở California sau cơn sốt
Sau năm 1850, vàng bề mặt ở
California phần lớn đã bị khai thác hết, ngay cả khi dòng người vẫn tiếp tục đổ
về. Khai thác mỏ luôn là công việc khó khăn và nguy hiểm, để trở nên giàu có
đòi hỏi sự may mắn cũng như kỹ năng, kỹ thuật khai thác hiệu quả. Hơn nữa, mức
khai thác được trung bình hàng ngày đối với một thợ mỏ độc lập làm việc với cuốc
và xẻng đã giảm mạnh so với năm 1848. Khi vàng ngày càng trở nên khó tiếp cận
hơn, sự phát triển của công nghiệp khai thác đã khiến các thợ mỏ chuyển từ tự
khai thác thủ công sang thành công nhân của các công ty. Kỹ thuật khai thác thủy
lực được áp dụng vào năm 1853, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty nhưng
đã phá hủy môi trường và phần lớn cảnh quan của khu vực.
Mặc dù hoạt động khai thác vàng
tiếp tục diễn ra trong suốt những năm 1850, nhưng nó đã đạt đến đỉnh cao vào
năm 1852, khi khoảng 81 triệu đô la được rút khỏi mặt đất trong một năm. Sau
năm đó, tổng doanh thu giảm dần, chững lại còn khoảng 45 triệu đô la mỗi năm
cho đến năm 1857. Tuy nhiên, sau làn sóng khai thác vàng, nhiều người vẫn tiếp
tục định cư ở California và đến cuối thập kỷ, dân số của bang là 380.000 người.
Các bài báo về Cơn sốt vàng thời điểm đó |
Các bài báo về Cơn sốt vàng thời điểm đó |
Di sản của thời kỳ Gold Rush
Kích thích kinh tế thế giới
Việc khám phá ra vàng tại Sutter’s
Mill vào tháng 1/1848 là một bước ngoặt trong lịch sử toàn cầu. Cơn sốt vàng đã
làm thay đổi nhanh chóng các công nghệ truyền thống và góp phần mở
rộng tầm với của Đế chế Mỹ và Anh. Nó cũng là hình mẫu để tạo ra nhiều cơn sốt vàng tương tự tại
nhiều nước trên khắp thế giới.
Điện tín, tàu hơi nước, và đường
sắt phát triển như vũ bão sau thời kỳ Gold Rush, các cảng nhỏ trở thành các đô thị quốc tế lớn
cho hàng hóa và người di cư (như Melbourne và San Francisco) và nhiều thị trấn nhỏ
trở thành thành phố lớn ngay lập tức (như San Francisco, Johannesburg, Denver và Boise). Sự
phát triển này được đi kèm với dòng lưu chuyển hàng hóa và con người khổng lồ
chưa từng có tiền lệ.
Cơn sốt vàng đã góp phần kích
thích các nền kinh tế trên khắp thế giới. Các nông dân ở Chile, Úc, và Hawaii
đã tìm kiếm được một thị trường mới với nhu cầu khổng lồ để cung cấp các sản phẩm
nông nghiệp của họ; các hàng hóa sản xuất tại Anh có nhu cầu tiêu thụ cao; quần
áo và thậm chí là nhà làm sẵn từ Trung Quốc cũng được đưa đến các mỏ vàng.
Dòng (tiền) vàng lớn thu được từ
việc bán hàng đến California của các quốc gia trên đã làm tăng thu nhập và kích
thích đầu tư, tạo công ăn việc làm trên khắp thế giới. Chỉ trong vòng vài năm
sau khi kết thúc cơn sốt vàng, năm 1863, lễ động thổ cho chi nhánh phía tây của
đường sắt xuyên lục địa đầu tiên (First Transcontinental Railroad) đã được tổ
chức ở Sacramento, chi phí một phần từ lợi nhuận của cơn sốt vàng Gold Rush. Tuyến đường sắt này được hoàn thành khoảng 6 năm sau đó, đã
kết nối California với miền trung và đông Mỹ, rút ngắn thời gian đi lại từ vài
tuần hoặc thậm chí vài tháng xuống còn vài ngày so với trước đó.
Tác động tiêu cực
Các phương pháp khai thác mới và
sự bùng nổ dân số chưa từng có của cơn sốt vàng ở California đã làm thay đổi
vĩnh viễn cảnh quan và môi trường của California. Các con đập được tạo ra để
cung cấp nước cho các khu mỏ đã làm thay đổi dòng chảy của các con sông, nông
nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng, trong khi trầm tích từ các mỏ làm tắc nghẽn những
con sông khác. Chất thải từ hoạt động khai thác làm biến đổi môi trường. Ngành
công nghiệp khai thác gỗ được sinh ra từ nhu cầu xây dựng các kênh đào rộng lớn,
nhà cửa, lán trại, công trình và các lò hơi cung cấp thức ăn cho các mỏ khai
thác, dẫn đến nạn phá rừng.
Làn sóng di cư, sự tập hợp quá
đông đúc một cách bất thường, nhanh chóng, nhiều con người với nhiều nền văn
hóa khác nhau tàn phá nặng nề môi trường, các cộng đồng bản địa và các cộng đồng định cư
khác. Môi trường tự nhiên, đời sống vật chất, văn hóa, xã hội bị thay đổi một
cách nhanh chóng và tiêu cực.
Cái giá phải trả về con người và
môi trường của Cơn sốt vàng là rất lớn. Các thổ dân châu Mỹ, vốn sống phụ thuộc
vào săn bắn, hái lượm, nông nghiệp, đã trở thành những nạn nhân của nạn đói khi
mà cuội, sỏi, bùn, và các chất hóa học từ hoạt động thăm dò, khai thác vàng đã
giết các loài cá và phá hủy môi trường sống.
Sự biến động quá lớn về dân số cũng gây ra sự biến mất của các loài thú khi các lán trại và các khu định cư được xây dựng khắp nơi. Sau đó là việc mở rộng canh tác nông trại để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho các lán trại. Người dân bản địa bị chiếm đất, đất nông nghiệp không thể tiếp tục canh tác, gây ra sự thù hằn, bạo lực.
Di sản của cơn sốt vàng
Cơn sốt vàng Gold Rush là một sự kiện không thể bị lãng quên của vùng đất California, nhờ nó California đã nhanh chóng có một chỗ đứng trong bản đồ nước Mĩ. California trở thành nơi cho những người khởi nghiệp với cụm từ quen thuộc “California Dream (giấc mơ California)”. Nhà sử học H.W.Brands cho rằng, di sản của Cơn sốt vàng Gold Rush, giấc mơ California đã lan rộng ra toàn nước Mĩ, và ở nhiều khía cạnh khác nhau: “Giấc mơ Mỹ xa xưa… là giấc mơ của những người Puritan (Người Thanh giáo), của “Richard Nghèo”, của Benjamin Franklin…, của những người đàn ông và đàn bà muốn tích lũy từng chút tài sản hết năm này qua năm khác. Giấc mơ mới là giấc mơ làm giàu nhanh chóng trong nháy mắt bằng sự táo bạo và vận may. Giấc mơ vàng này… đã trở thành một phần nổi bật của tâm lý Mỹ”.
Các thế hệ nhập cư tiếp theo được thu hút từ “giấc mơ
California”. Những người làm nông, khoan dầu, sản xuất phim, sản xuất máy bay,
cơn sốt dot-com,…, đã từng có thời kỳ bùng nổ hoạt động tại California trong
vài thập kỷ sau Cơn sốt vàng Gold Rush.
Lịch sử văn học về Cơn sốt vàng
Gold Rush được phản ánh qua các tác phẩm:
- Mark Twain, The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County
- Bret Harte, A Millionaire of Rough and Ready
- Joaquin, Miller Life Amongst the Modocs
- Và một số tác phẩm khác.
Một số di sản hiện đại của Cơn sốt
vàng California Gold Rush:
- Khẩu hiệu của bang California là “Eureka”: tôi đã tìm ra nó.
- Những hình ảnh về Cơn sốt vàng trên con dấu của bang California
- Tên gọi khác của bang này: The Golden State.
- Cầu Golden Gate (Cổng Vàng) ở San Francisco, California
- Khẩu hiệu "American Dream (Giấc mơ Mỹ)"
Lịch sử đã có những sự kiện thật kỳ lạ xảy ra. Cơn sốt vàng Goldrush là một trong số đó.
ReplyDelete