(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ý nghĩa và cái kết của Inception

Inception có nghĩa là sự bắt đầu, sự khởi nguyên, nhưng sự bắt đầu chỉ đem lại hạnh phúc khi nó dựa trên điều gì là sự thật quan trọng đối với chúng ta. Khởi đầu cho những day dứt của Cobb, khởi đầu cho những quan niệm sai lầm về hạnh phúc của Mal là ở trong tầng viễn thức. Trong quá khứ, khi hai người rơi vào viễn thức, Mal đã tìm thấy ở đó một nguồn hạnh phúc cô chưa từng có trong thực tại, cô đã tự lừa dối mình, hoặc cô bị nhầm lẫn giữa giấc mơ và thực tại. Cô xây dựng hạnh phúc của mình dựa trên điều dối trá, và cô dùng những điều dối trá để củng cố niềm tin đó của mình. Mal tự lừa dối rằng cuộc đời cô đang sống trong viễn thức là thật, cô làm totem của mình ngừng quay và chôn dấu nó vào một nơi sâu thẳm.

Cái kết của Inception để lại nhiều biện giải khác nhau

Để đưa Mal trở lại thực tại, Cobb đã cấy vào đầu Mal ý niệm: “thế giới cô đang sống là giả, chỉ có cái chết mới giải phóng cô khỏi cuộc sống đó”, và làm cho totem của Mal quay mãi như ban đầu. Khi hai người trở lại thực tại sau cú huých dưới bánh tàu chạy, ý niệm về một thế giới giả dối cứ lớn dần trong Mal, cô vẫn nhầm lẫn giữa thực tại và giấc mơ. Để cũng cố niềm tin đó của mình, cô tìm đến cái chết và lừa dối Cobb, đưa anh thành kẻ tình nghi giết vợ để buộc phải theo mình. Nhưng cuối cùng, cô thất bại.

Cobb luôn day dứt về sai lầm của mình, khi anh đã cấy vào đầu Mal một ý niệm không dựa trên điều thật sự quan trọng đối với Mal. Cho đến những cảnh quay cuối cùng, Cobb mới biết cách vượt qua những day dứt đó để tận hưởng hạnh phúc của mình.

Sai lầm đối với Mal cũng giúp Cobb thành công trong phi vụ Fischer. Anh đã cấy vào đầu Fischer một ý niệm khác cách anh đã làm với Mal, ý niệm đó là điều thật sự quan trọng đối với Fischer. Có thể cha của Fischer không được tốt đẹp như ý niệm đã gieo, nhưng cuối cùng, điều quan trọng nhất là mối tình cảm cha con đã được hàn gắn, người ở lại có thể tìm thấy được một hạnh phúc, không sống trong những hoài nghi, dằn vặt nữa. Cũng như Cobb, cho đến những giây cuối cùng của bộ phim, dù là mơ hay thật, anh mới rũ bỏ được những day dứt của mình để đón lấy hạnh phúc.

Mal là nhân vật chất chứa những ẩn ức trong quá trình đi tìm hạnh phúc. Nhưng cô cũng là nhân vật để Inception gieo vào lòng người xem những câu hỏi mang tính triết học về thực tại và tinh thần, vật chất và ý thức.

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xung quanh cái kết của Inception, trong đó có hai giả thuyết gây tranh luận, Cobb vẫn còn ở trong giấc mơ, hay anh đã tỉnh dậy và trở về với thực tại.

Kết thúc của Inception là chủ ý của Nolan, bắt chúng ta phải suy nghĩ và đặt câu hỏi về bản chất của thực tại. Vào năm 2015, trong một buổi lễ khai giảng tại đại học Princeton, Nolan cuối cùng cũng đã trả lời về cái kết của Inception. Đó vẫn là một câu trả lời mở, một dạng quan điểm hơn là một lời khẳng định: “Theo cách mà kết thúc bộ phim đã chỉ ra, Dom Cobb đã quay lại với hai đứa con của mình, anh ta đã ở trong thực tại chủ quan của bản thân mình. Cobb không thực sự quan tâm đến điều gì nữa, cuộc sống là ở giây phút hiện tại: “Tất cả các cấp độ của thực tại đều có giá trị”. Điều đó có nghĩa rằng, không quan trọng thực tế của chúng ta đang đứng để nhìn vào Cobb là như thế nào. Cuộc đời của Cobb không thuộc về cuộc đời của ai cả, nó thuộc về bản thân anh ta. Điều quan trọng là Cobb đã hạnh phúc trong thực tại của bản thân anh ta, anh ta có toàn quyền thiết kế chính thực tại cho mình.

Nolan đã nhìn cái kết trên thế giới quan của Cobb, của người trong cuộc, chứ không phải ở góc nhìn của ông, của người phán xét, hay của khán giả. Nolan nói tiếp: “Tôi cảm thấy rằng, qua thời gian, chúng ta bắt đầu nhìn thực tại của mình một cách nghèo nàn hơn so với giấc mơ của ta. Tôi muốn chứng minh cho các bạn thấy rằng, những giấc mơ của chúng ta, những thiện thực thực tế, những điều rút ra được mà chúng ta tâm đắc, yêu thích, và mọi thứ trong thế giới xung quanh chúng ta mới chính là những thành tố của thực tại. Theo truyền thống thì những bài phát biểu như này, trước những sinh viên trẻ tuổi, mọi người sẽ nói đại loại rằng: “hãy theo đuổi giấc mơ”. Nhưng tôi không muốn nói với các bạn điều đó, tôi muốn các bạn hãy theo đuổi thực tại”.

Nolan đã dùng cái kết của Inception để giải thích cho một quan niệm sống về sự độc lập của mỗi cá nhân, nơi thực tế của mỗi người mới thực sự quan trọng đối với bản thân người đó chứ không phải bởi bất kỳ người nào khác. Đối với người xem, Cobb đang mơ hay đang ở thực tại không thực sự quan trọng nữa. Vấn đề nằm ở mỗi cá nhân chúng ta, chúng ta hiểu được thực tại của mình đến đâu, và tạo ra được những khát vọng, những giấc mơ nằm trong tầm tay và theo đuổi nó, chứ không chạy theo những giấc mơ viễn vông, không mơ mộng về một hiện thực của người khác.

Sự lên tiếng của Nolan sau 5 năm bộ phim công chiếu không hẳn là một lời lý giải, nó mang đến nhiều ý nghĩa hơn là sự khẳng định. Ở đây không có đúng, có sai, cuộc sống thật rộng lớn, nó đủ chỗ cho mọi điều, kể cả những điều khó tin nhất, cuộc sống có nhiều góc nhìn, có nhiều màu sắc, mọi góc nhìn đều chứa đựng sự chủ quan cá nhân.

Có lẽ, chính bản thân Cobb cũng đã khác, suốt cả phim, anh là người luôn day dứt về lỗi lầm của mình, về sự phân định hiện thực và giấc mơ. Đến cảnh quay cuối cùng, anh mới bước qua được mê lộ của lòng mình, anh đã hạnh phúc. Anh đã không chăm chăm nhìn vào totem của mình nữa. Nó trở nên vô nghĩa với hiện thực khách quan mà anh đang có, nếu anh không nắm lấy, chẳng phải anh đang bỏ rơi hiện thực của chính mình sao?

Còn nếu muốn tìm đến một câu trả lời cụ thể hơn về cái kết, chúng ta có thể để ý đến các tình tiết sau:

- Khi Cobb gặp lại ông già Saito trong viễn thức. Saito nhớ con totem của Cobb, họ nói chuyện với nhau và nhớ ra có một thế giới thực. Họ nói sẽ quay lại để lại cùng nhau trẻ trung, để giữ giao kèo và Saito đưa tay ra với khẩu súng.

- Cảnh cuối phim, các con của Cobb tuy quần áo giống như trước, nhưng giày của bọn trẻ lại khác. Trông chúng đã lớn hơn, thực tế là có một cặp trẻ em thủ vai phân cảnh cuối này và một cặp khác thủ vai những cảnh trước đó, đây có lẽ cũng là dụng ý của Nolan để giúp người xem khẳng định về cái kết trong thực tại. Và là lần đầu tiên khán giả nhìn thấy được mặt chúng. Trong điển ảnh, việc một nhân vật bị giấu mặt là ám chỉ nhân vật phản diện, kẻ xấu, chưa phát triển hết nội tâm,…, hoặc không có thật.

Đến đây, chắc mỗi người sẽ có lời khẳng định cho cái kết của Inception. Tôi mới nhớ lời thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi ngắm mặt trời lặn, ta tin chắc là mình đang thấy mặt trời thật. Nhưng khoa học chứng minh rằng mặt trời mà ta đang ngắm là hình ảnh của mặt trời trước đó tám phút. Tia sáng mặt trời phải mất tám phút để đi từ mặt trời đến trái đất. Khi nhìn một ngôi sao, chúng ta cứ tưởng rằng ngôi sao còn đó, nhưng thật ra ngôi sao có thể đã biến mất hàng triệu năm về trước. Vì vậy, không nên tin chắc vào tri giác của mình”.

Theo một cách nào đó, Inception tự nó là một mê cung, được thiết kế để cấy một ý tưởng đơn giản vào đầu khán giả: “hiện thực chỉ là một khái niệm tương đối”.

Đọc thêm: Giải thích nội dung Inception

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment