Kawabata Yasunari và vẻ đẹp bi cảm

Kawabata Yasunari là một đại văn hào của nền văn học hiện đại Nhật Bản. Là người có đóng góp to lớn, với kỳ tích mở cánh cửa tâm hồn người Nhật Bản vốn kín đáo ra thế giới. Ông còn có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền văn học hiện đại Nhật Bản, bởi nhà văn đã biết mở hồn đón lấy những xu thế, luồng gió mới của thời đại.

Song, Kawabata Yasunari, như một cổ thụ cây cao bóng cả, càng vươn lên cao thì càng cần phải cắm rễ sâu vào lòng đất. Trong sâu thẳm tâm hồn, Kawabata Yasunari vẫn là nhà văn đại diện tiêu biểu cho truyền thống tôn thờ cái đẹp và mỹ cảm tinh tế của người Nhật. Ông đã thấm đẫm trong dòng suối duy tình duy mỹ của đất mẹ để sáng tạo nên những tác phẩm là hiện thân của vẻ đẹp Nhật Bản. Trong những tác phẩm của Kawabata Yasunari, người đọc luôn nhận thấy tiếng vọng âm thầm của những vẻ đẹp Nhật, như vẻ đẹp của tà áo kimono, của trà đạo, sự cao quý của nữ tính, vẻ đẹp của anh đào mùa xuân, của sương mờ buổi sáng hay của tuyết trắng lấp lánh lúc đông về. Tác phẩm của Kawabata Yasunari đã thực sự trở thành chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây.

Kawabata Yasunari

Kawabata Yasunari sinh ngày 11/06/1899 tại một ngôi làng nhỏ gần Osaka- thành phố công nghiệp sầm uất của Nhật Bản. Cha ông là một thầy thuốc nhưng yêu thích nghệ thuật, mẹ ông nội trợ trong gia đình. Từ thuở ấu thơ, Kawabata đã mang trong lòng nỗi buồn đau của một đứa trẻ sớm chịu cảnh mất mát người thân. Năm lên ba tuổi, cha ông mất vì bệnh lao phổi. Một năm sau, mẹ ông cũng mắc bệnh rồi qua đời. Bốn tuổi, Kawabata Yasunari quấn vành khăn trắng theo chị gái về sống với ông bà ngoại, không bao lâu người chị ốm nặng rồi mất. Tiếp đó, người bà cũng ra đi mãi mãi. Mười lăm tuổi, cùng với cái chết của người ông ngoại, Kawabata thực sự đơn độc trên đường đời. Sự bơ vơ, nỗi ưu phiền đã len lỏi vào cả những trang viết của ông và để lại dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm đầu tay Nhật ký tuổi mười sáu. Ở tuổi đôi mươi, Kawabata đánh mất người con gái mà ông yêu tha thiết. Ông đã cùng nàng hứa hôn nhưng khi mọi việc đã chuẩn bị xong, nàng bất ngờ từ hôn không một lời giải thích, khiến cho nỗi cô đơn vốn hiện hữu trong lòng ông càng trở nên khắc khoải. Sau những mất mát không gì bù đắp nổi của đất nước trong trận động đất lịch sử xảy ra tại Kanto vào tháng 9/1923 và thất bại thảm hại của quân đội Nhật trong Thế chiến 2, Kawabata thực sự rảo bước trên văn đàn như một lữ khách u buồn, phong kín vết thương tâm hồn bằng việc mải mê tìm kiếm cái đẹp trong quá khứ. Trong thiên tùy bút Đời tôi như một nhà văn, ông thừa nhận: “Tôi không bao giờ trút bỏ được cái ám ảnh rằng mình là kẻ lang thang đeo nặng nỗi ưu sầu… Kể từ sau chiến tranh, tôi chỉ ca hát về nỗi buồn của Nhật Bản”. Và điệu nhạc u buồn vẫn tiếp tục ru ông trong suốt những năm tháng cô đơn của tuổi già. Cho đến ngày định mệnh, 16/04/1972, Kawabata Yasunari tự sát bằng khí đốt trong một căn nhà nhỏ trên bãi biển ở Kamakura, mang theo niềm u uẩn từ thở thiếu thời. Ông không để lại thư tuyệt mệnh, và vì ông đã từng phản đối mạnh mẽ việc tự sát, cái chết của ông trở thành một bí ẩn lớn. Nhiều người đi tìm nguyên nhân và họ tự hỏi phải chăng Kawabata đã ngầm báo trước cái chết của mình trong Tiếng rền của núi: “Tốt nhất là hãy từ bỏ cõi trần này khi mọi người còn yêu mến và kính trọng ta”.

Với hành trang là nỗi buồn đau của một con người lớn lên trong bóng đen của số phận, Kawabata bước chân vào con đường văn học. Từ năm mười ba tuổi, ông đã bắt đầu say mê văn học cổ điển Nhật Bản và chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi cái đẹp và “nỗi buồn triền miên trong tâm hồn người Nhật”. Ông đắm mình trong cảm thức hoài cổ bằng cách sưu tầm và chép thơ haiku của Matsuo Basho, tìm đọc Truyện Genji của Murasaki Shikibu, Sách gối đầu của Sei Shonagon và các tác phẩm văn học cổ điển khác. Trong đó, kiệt tác Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu đậm đến cảm hứng sáng tác của nhà văn. Chính Kawabata đã từng khẳng định sự ảnh hưởng này trong “Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản”- bài diễn văn ông đọc tại lễ trao giải Nobel văn học năm 1968: “Genji monogatari là đỉnh cao văn xuôi Nhật tất cả mọi thời đại. Cho đến nay vẫn chưa có gì sánh ngang nó… Thuở nhỏ, tôi không giỏi tiếng Nhật cổ lắm, nhưng dù sao tôi cũng đã đọc văn của Heian, và tôi rất thích tác phẩm này”. Nhà nghiên cứu người Nga, viện sĩ N.T.Fedorenko trong bài tùy bút Kawabata- Con mắt nhìn thấu cái đẹp cũng khẳng định lại một lần nữa khi đến thăm nhà văn tại xứ hoa anh đào, rằng: “Đối với Kawabata, một trong những nguồn cổ vũ và tác động mạnh mẽ nhất đến việc hình thảnh nên khuynh hướng thẩm mỹ của ông là tác phẩm văn học cổ điển trứ danh của Nhật bản, Genji monogatari- cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới”.

Lên trung học, Kawabata thích trầm tư mặc tưởng, ít giao du, chỉ cặm cụi với đống sách vở mượn được trong thư viện. Ông thích đọc các tác phẩm văn học của các nước Bắc Âu và các nhà văn Nhật Bản thuộc phái Bạch hoa- văn phái chủ trương tôn trọng cá tính và đứng trên lập trường chủ nghĩa nhân đạo để nói lên nỗi bất hạnh của người trí thức trong xã hội hiện đại bằng một lối viết gọi là “Watakushi Shosetsu” (tiểu thuyết về tôi hay tiểu thuyết tự truyện). Kawabata cũng đồng thời chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng nghệ thuật và cách viết của các nhà văn thuộc phái Tân tự trào- văn phái chủ trương phản ánh mâu thuẫn của xã hội, dùng lý trí phân tích, mổ xẻ thế giới nội tâm đầy phức tạp, bí ẩn của con người. Năm 21 tuổi, Kawabata trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Tokyo, đây là khoảng thời gian ông say xưa tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng phương Tây, đặc biệt là các sáng tác của Marcel Proust, James Joyce, Anton Chekhov, Lev Tolstoy… Học đến năm thứ hai, Kawabata cùng bạn bè thành lập ra tạp chí Trào lưu mới. Truyện ngắn đầu tiên Lễ chiêu hồn của ông được đăng trên tạp chí này. Năm thứ ba, ông tham gia Ban biên tập tạp chí Văn nghệ xuân thu, chuyên viết các bài giới thiệu và phê bình văn học. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm song các bài phê bình của ông đã thể hiện rõ thái độ đúng đắn và khách quan cần có trong phê bình. Kawabata Yasunari luôn độ lượng với mọi người và không tham gia bất cứ một cuộc bút chiến nào. Năm 25 tuổi, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với đề tài Tiểu thuyết Nhật Bản. Sau đó, ông cùng nhà văn Yokomitsu thành lập tạp chí Văn nghệ thời đại- cơ quan ngôn luận của trường phái Tân cảm giác- nhằm thực hiện một cuộc cách mạng đối đầu với làn sóng văn học cách mạng đương thời. Từ năm 1925, ông chuyên tâm sáng tác văn học, và bắt đầu được công nhận từ truyện ngắn Vũ nữ xứ Izu xuất bản năm 1926. Năm 1948, ông được bầu làm Chủ tịch hội văn bút Nhật Bản. Với sự nghiệp sáng tác đồ sộ và có giá trị to lớn, đặc biệt với bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô, năm 1968 Kawabata Yasunari được Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng giải thưởng Nobel văn học với lời khen ngợi: “vì nghệ thuật viết văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao, thể hiện được bản chất của cách tư duy Nhật Bản”.

Kawabata Yasunari đã từng nói: “Bị lôi cuốn bởi những trào lưu phương Tây, đôi lúc tôi cũng thử lấy đó làm mẫu. Nhưng về gốc rễ, tôi vẫn là người phương Đông và không bao giờ từ bỏ con đường ấy”. Từ những sáng tác ban đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa đa đa, tư tưởng của S.Freud, Marcel Proust, James Joyce…, ông đã quay về với truyền thống yêu cái đẹp trong văn học dân tộc và trở thành người cữu rỗi cái đẹp, kết tinh trong tác phẩm của mình tư duy thẩm mỹ và vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc. Trăn trở đi tìm, nâng niu trân trọng và phát huy giá trị vĩnh hằng của cái đẹp Nhật bản truyền thống. Các tác phẩm của Kawabata Yasunari luôn có xu hướng biểu hiện cái đẹp trong một cảm thức mất mát và suy tàn, vì thế chúng luôn ẩn chứa một nỗi buồn, một niềm bi cảm khôn nguôi. 

Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển đã đánh giá: “Ông là người tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uất của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”. Nỗi buồn trong các tác phẩm của Kawabata Yasunari được thai nghén trước hết từ chính số phận của tác giả. Hơn nữa, nó được kết tinh từ truyền thống văn hóa- văn học Nhật Bản: mono no aware (bi cảm). Khởi nguồn từ cõi tình mênh mông của kiệt tác Truyện Genji, băng qua nhiều thế kỷ của tanka và haiku, nỗi buồn thương cho sự hữu hạn của cái đẹp lại được Kawabata Yasunari thể hiện. Đến lượt mình, nhà văn đã làm “phục sinh linh hồn cái đẹp mà Murasaki của nghìn năm trước đã thể hiện thần tình”. 

Mono no aware (gọi tắt là aware) là một trong bốn khái niệm cơ bản của mỹ học Nhật Bản, hàm chứa trong đó quan niệm của người Nhật về cái đẹp. Aware là một trực giác thẩm mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, gợi tả cái đẹp phù du chóng tàn với một nỗi buồn phảng phất khi chúng tàn phai. Đối với người Nhật, sự sơi rụng hay tàn héo của một bông hoa đẹp hơn khi chúng ở trạng thái bung nở, một âm thanh mơ hồ hay hơn khi nó rõ ràng, vầng trăng bị mây che khuất đi một phần quyến rũ hơn một vầng trăng tròn đầy viên mãn. Họ đánh giá cao những gì ở trạng thái ban sơ, tinh khôi, không tồn tại lâu dài và không thể chạm tới. Căng mọng, rực rỡ hiến mình hết thảy chỉ trong vài ngày rồi lả tả cuốn theo sóng hồ, hoa anh đào chính là một ví dụ hoàn hảo cho cái đẹp trong quan niệm của người Nhật, cái đẹp mong manh thấm đượm cảm thức vô thường của Phật giáo. Nhưng, aware không chỉ là một đặc trưng cơ bản của mỹ học, thật chất nó là một khái niệm quan trọng trong văn hóa của người Nhật.

Bên cạnh sự kế thừa và tiếp nối truyền thống, nỗi buồn trong tiểu thuyết của Kawabata Yasunari còn là những thanh âm khắc khoải vang lên trong một thời đại mà cái đẹp đang dần bị hoen ố, bởi nỗi buồn ấy còn được hun đúc từ chính thực trạng tang thương của Nhật Bản đương thời: những đổ vỡ tinh thần của người Nhật khi văn minh phương Tây xói mòn văn hóa truyền thống một cách dữ dội, những đổ nát của đất nước sau trận động đất lịch sử ở Kanto và thất bại sau Thế chiến 2. Vì thế, những bi cảm trong các tác phẩm của Kawabata Yasunari, không chỉ là nguồn mạch của truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm, mà còn có cả những hiện thực đầy biến động của đất nước và con người Nhật Bản trong những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Trong tác phẩm của Kawabata Yasunari có vẻ đẹp mang hình hài của cái đẹp thực sự, một vẻ đẹp quyến rũ bởi sự tao nhã, thanh cao, bởi nỗi buồn dịu dàng, sự cảm thương trước sự vật. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm Kawabata Yasunari có sự phân cực giữa không gian thực tại và hư ảo, giữa không gian nguyên sơ với không gian ô uế. Nhân vật trong tác phẩm thường thực hiện hành trình dịch chuyển từ không gian đô thị hỗ tạp đến không gian nguyên sơ thanh sạch, từ không gian thực tại tới không gian hư ảo của giấc mơ, của những miền kí ức tuổi trẻ xa xưa như một sự trở về với bản thể trong sáng. Hành trình đó góp phần tô đậm thêm chủ đề đi tìm cái đẹp trong sáng tác của Kawabata. Trong các tác phẩm của mình, Kawabata luôn sử dụng tương phản như một thủ pháp nhằm biểu hiện cái đẹp và khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, yếu tố kỳ ảo trong các tác phẩm của Kawabata Yasunari mang đậm dấu ấn hiện đại, chịu ảnh hưởng của phương Tây, đó là cái kỳ ảo nhẹ nhàng và thường nhật.

Hành trình đi tìm cái đẹp và lời cảnh báo về nguy cơ diệt vong của nó chính là đóng góp lớn của Kawabata Yasunari. Con đường của nhà văn đi đến giải Nobel không phải là sự kết hợp sống sít giữa tính dân tộc và hiện đại mà là tìm vẻ đẹp hiện đại từ trong truyền thống dân tộc và thể hiện nó với một màu sắc mới, kết hợp với những giá trị của phương Đông lẫn phương Tây.

Kawabata Yasunari trên hành trình dệt nên những mĩ cảm của mình đã để lại nhiều tác phẩm giá trị sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản. Và, Kawabata Yasunari cũng làm người đọc biết thêm về cái đẹp. Rất có thể, chúng ta sẽ làm cho khái niệm về cái đẹp của mình trở nên sâu sắc hơn sau khi biết đến Kawabata Yasunari.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
Comment

1 comments: