(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thủy thủ và bệnh Scorbut

Ngay từ thời cổ đại, bệnh Scorbut (Scurvy) hay được gọi là bệnh thiếu vitamin C, đã tàn phá các thủy thủ đoàn. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ thấy khó chịu và đau khớp. Lâu thêm, các triệu chứng ngày càng trở nên nặng hơn. Những thủy thủ mắc bệnh này sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, chảy máu lợi, răng lung lay và gãy rụng mất kiểm soát, tóc rụng, vết thương chậm lành, các vết thâm tím, lở loét sẽ lan rộng trên da, thêm vào đó là nguy cơ dễ bị nhiễm trùng. Về mặt tâm thần, người mắc bệnh dễ bị kích động hoặc rơi vào trầm cảm, có thể điên loạn. Cuối cùng, nạn nhân sẽ chết trong tình trạng suy kiệt về thể xác và tinh thần, rơi vào hôn mê và cuối cùng tử vong.

Bệnh Scorbut từng tàn phá các đoàn thủy thủ

Từ thế kỷ 15, con người khám phá, chinh phục các vùng đất mới và mở rộng thương mại bằng các cuộc hành trình xuyên đại dương ngày càng nhiều hơn. Người ta ước tính căn bệnh này đã giết chết hơn 2 triệu thủy thủ châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Trong những chuyến đi dài ngày, việc mất một nửa thủy thủ đoàn là chuyện thường thấy, trong nhiều hoàn cảnh cá biệt, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều. Vasco da Gama, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, đã mất 116 trong số 170 thủy thủ vì bệnh này trong chuyến hành trình đầu tiên đến Ấn Độ vào năm 1499.

Rất nhiều nỗ lực đã được tiến hành để tìm nguyên nhân và cách chữa trị “căn bệnh lạ” được coi là lời nguyền của biển cả này. Cuối cùng, người Anh đã thành công dù họ không hiểu vitamin C là gì (Vitamin C được phát hiện vào năm 1912 và phân lập vào năm 1928).

James Lind, một bác sĩ phẫu thuật của Hải quân Hoàng gia Anh, đã tiến hành thí nghiệm trên tàu Salisbury vào năm 1747. Sáu nhóm bệnh nhân Scorbut được chia thành từng cặp, ăn uống như nhau, chỉ khác biệt một trong sáu phương pháp điều trị. Mỗi cặp bệnh nhân được cho ăn hay uống thêm 1 loại: rượu táo, axit sulfuric pha loãng, dấm loãng; nước biển loãng, nước ép 1 loại rau, cuối cùng là hai quả cam và một quả chanh tươi. Kết luận cuối cùng: thứ gì đó trong nước cam và chanh đã giúp hạn chế cũng như điều trị bệnh ở mức cao nhất.

Vấn đề phức tạp tiếp theo phát sinh là bảo quản. Chỉ quả tươi mới dùng được. Cam chanh đem sấy hoặc phơi khô không còn tác dụng nữa (đến thế kỷ 20, người ta mới biết kẻ thù của vitamin C là ánh nắng, oxy và nhiệt độ).

Năm 1779, bác sĩ hải quân là Gilbert Blane sau rất nhiều thí nghiệm, phát hiện ra rằng thêm 10% rượu mạnh chưng cất vào nước chanh vắt sẽ giúp bảo quản nó gần như vô hạn mà không làm mất hiệu lực phòng và trị bệnh Scorbut. Đến năm 1795, tất cả thủy thủ Anh phải uống rượu rum pha với 21.3 g nước chanh hàng ngày, và điều đó giúp giảm mạnh thương vong (tỉ lệ chết bệnh chỉ là 110/7000 trong hạm đội Nelson năm 1804). Trong cả năm 1804, báo cáo hậu cần cho thấy 189.270 lít nước chanh vắt đã được cung cấp cho hải quân Anh.

Việc phát hiện ra trước tiên cách chữa trị bệnh Scorbut một phần giúp Hải quân Anh trở nên mạnh nhất ở thời kỳ này. Các nước châu Âu áp dụng phương pháp này sau Anh nên chịu nhiều thiệt hại trong các trận chiến, ví dụ ngay trước trận Trafalgar, hạm đội Tây Ban Nha có hơn 200-300 ca mắc Scorbut trên một số tàu chủ lực, làm giảm đáng kể lực lượng tham chiến.

Ngày nay, bệnh Scorbut không còn là một vấn đề quá nghiêm trọng đối với các thủy thủ tàu. Nhưng nó đã từng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những thất bại đối với những đoàn tàu, trong chiến tranh, thương mại, thám hiểm và cả những tên cướp biển.


VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment