(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Khúc mùa thu- Phú Quang

Khúc mùa thu là một trong những bài hát hay nhất của nhạc sĩ Phú Quang, bài hát được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hồng Thanh Quang viết tặng Lê Dung. Bài hát là lời tự sự của một người đàn ông về tình yêu và “đàn bà”, nhưng thể hiện bài hát thành công nhất lại là một phụ nữ, đó chính là ca sĩ Lê Dung.

Nhạc sĩ Phú Quang

Khúc mùa thu

Khúc mùa thu mở đầu bằng một khúc nhạc du dương, êm đềm, nhẹ nhàng như một buổi sớm mùa thu. Nhưng rồi tiếng piano dồn dập vang lên, tiếng nhạc trầm bổng lên xuống trong một đoạn ngắn. Như qua những êm đềm và những thăng trầm, đổ vỡ, người đàn ông lúc này tự vấn mình:

Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa

Sao thương ai ở mãi cung hằng

Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế

Đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng

Giọng hát Lê Dung rõ ràng, mạch lạc, nhấn nhả có chủ ý từng câu, từng chữ. Làm cho người nghe hình dung được sự đĩnh đạc của người đàn ông, ngay cả khi đang nói về sự mất mát, đau thương của mình. 

Đầu tiên là một sự thừa nhận, thừa nhận rằng ta không còn trẻ nữa. Nhưng để nói về hiện thực đó, người đàn ông này lại thêm vào đầu câu nói hai từ “vẫn biết”; thành ra, anh ta thừa nhận điều tiếp theo, anh ta đành bất lực trong việc rũ bỏ cuộc tình này. Vì ngay đến bản thân mình cũng không thể hiểu nổi, vì sao lại mãi thương yêu người “đàn bà” đó, tình yêu đó; người “đàn bà” đó đẹp như chị Hằng trong cổ tích, nhìn thấy được đấy nhưng xa quá, không sao chạm tới được và không sao hiểu được. Và, giống như trong bài hát Đêm thấy ta là thác đổ, Trịnh Công Sơn đã viết: “vì em đã mang lời khấn nhỏ”, tình yêu đó như một lời khấn, như một lời nguyện, lời nguyện đó như cành nguyệt quế tượng trưng cho chiến thắng, nó chiến thắng khối óc của người đàn ông, làm cho anh ta không quên được cuộc tình này, không quên được người “đàn bà” này, mặc dù biết là mình đã tới giữa mùa trăng, đã không còn trẻ nữa.

Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc

Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em

Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc

Còn điều chi em mải miết đi tìm?

Nhạc sĩ Phú Quang lặp lại hai từ “đã yêu” như thêm nhấn mạnh về tình yêu của người đàn ông. Đó là một tình yêu đầy say mê, tôn thờ và dâng hiến. Tình yêu đó, giống như một thứ tôn giáo nào đó, mà kẻ đang yêu này là một tín đồ cuồng tín, sùng đạo.

Vậy đã dâng hiến cho tình yêu đến thế thì em còn mải miết đi tìm điều gì? Đây là một câu hỏi của người đàn ông, cũng có thể là một lời trách cứ. Còn “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” là một hình tượng mà những người yêu thích âm nhạc Phú Quang vẫn đi tìm và cố hiểu nó trong những năm tháng qua. Đó có thể là hình ảnh về một người đàn bà có mái tóc đen huyền, dài và dày, hơn nữa, đó là người đàn bà có nhiều tâm sự thầm kín, có những khát khao u uẩn như màn đêm khiến người yêu cô dù đã rất cố gắng cũng không thể hiểu thấu. Đêm đến, khi trở lại với con người thật của mình, yên tĩnh đối mặt với những tâm sự, khao khát bên mái tóc xõa, màn tóc và màn đêm hòa vào với nhau.

Tôi đã đến cùng em và tôi biết

Em cũng là như mọi người thôi

Nhưng chưa hết cuộc yêu tôi đã hiểu

Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người

Còn điều chi em mải miết đi tìm là một câu hỏi, cũng có thể là một lời trách, vì người đàn ông giờ đây đã biết, em cũng chỉ bình thường như bao người con gái khác thôi, và tình yêu giữa hai người cũng chỉ là một “cuộc” yêu bình thường, bình thường như bao thứ khác mà người đời quen gọi là tình yêu thôi. Nhưng ngay cả cái bình thường đó cũng đủ như một lời nguyện, ám ảnh người đàn ông trọn một kiếp người.

Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá

Bầu trời lặng yên cũng đã vỡ rồi

Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp

Khi thanh âm cũng bất lực như lời

Giờ đây, ngay cả nếu em không còn bình thường như mọi người nữa, em trở nên cao cả hơn, cao đẹp hơn, em thành một thứ tượng đá để tôn thờ, thì sự bình yên trong tôi cũng đã đổ vỡ rồi, sự đổ vỡ đó to lớn như bầu trời, khoảng trống mênh mông này ai có thể lấp đây?

Nhà thơ thì tin rằng mình có thể dùng lời thơ để diễn tả nỗi mênh mông đó, nhạc sỹ thì tin rằng mình có thể dùng thanh âm để diễn tả nỗi mênh mông đó. Nhưng đứng trước đổ vỡ này, cả nhà thơ và nhạc sĩ đều bất lực trước khoảng trống mênh mông mà em để lại.

Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy

Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời

Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc

Em tìm gì khi thất vọng về tôi

Vậy là mùa thu mãi mãi không còn như cũ nữa, mùa thu đã trở thành “quầng” thu, đã trở thành mùa của khúc hát ngợi ca sự cô đơn, trống vắng. Lần trước, người đàn ông chỉ hỏi “còn điều chi em mải miết đi tìm”. Nhưng lần này, cũng là một câu hỏi, nhưng hoặc là đau đớn hơn nhiều, hoặc là hiên ngang hơn nhiều: “Em tìm gì khi thất vọng về tôi”

Phú Quang và Hồng Thanh Quang

Hồng Thanh Quang và tình yêu với Lê Dung

Như lời nhà thơ Hồng Thanh Quang đã nói: “Lần đầu gặp Lê Dung, tôi không có khái niệm gì giọng hát của cô ấy. Tôi mới 28 tuổi, ngây thơ khủng khiếp, hầu như không biết gì về phụ nữ. Dung tuổi 40, người đàn bà ở độ mãn khai. Lê Dung gây ấn tượng với tôi không phải giọng hát, mà như là cậu bé mới lớn bị một người đàn bà hấp dẫn khủng khiếp về giới tính. Rồi chúng tôi cuốn vào nhau không cưỡng được, gắn bó với nhau rồi, tôi xót xa cho những vất vả đa đoan mà Dung phải chịu. Tôi nghĩ tình yêu của mình như một phần thưởng của số phận để bù đắp cho Dung, câu thơ “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em…” là hoàn toàn có thực”.

Vậy là có rất nhiều sự khác biệt giữa hai người. Lê Dung ở tuổi 40 đã từng trải, thành công trọn vẹn trong sự nghiệp, một giọng ca lớn hàng đầu, có vị trí trang trọng trong nền opera Việt Nam, được đào tạo tại học viện Tchaikovsky (Nga), là nghệ sĩ tiên phong của nền âm nhạc cổ điển Việt Nam cả về trình diễn và giảng dạy, là nền tự hào của nền âm nhạc Việt Nam với giọng soprano và đã có một đời chồng. Còn Hồng Thanh Quang mới vào đời, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Nga, về Việt Nam bước chân vào nghề báo, đang trên con đường thành danh trong nghề văn và nghề báo.

Vậy mà tình yêu đã đến với họ, tự nhiên và vô tư mặc những lời ngăn cản, cấm đoán và dèm pha từ xung quanh.

Cũng theo lời nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Dung đánh thức những câu thơ hay nhất trong tôi, sự xả thân và quá đỗi nồng nàn. Đó là một giai đoạn sống mà tôi luôn biết ơn, ngay cả sự đổ vỡ với Dung cũng đáng để tôi nâng niu. Tình yêu với Lê Dung là số phận, như thể tôi đã sống để chuẩn bị, để đợi gặp và yêu cô ấy. Tôi đi xe đạp Phượng Hoàng đứt phanh, đi Nga về chỉ mang theo sách, Dung thì sống rất nghệ sĩ, tiêu đến đồng xu cuối cùng. Chúng tôi rất chật vật về cơm áo, cưới nhau chỉ có 100 USD của Dung, sống cầu bơ cầu bớt, phải ở nhờ. Chúng tôi bị quá nhiều ngăn cấm, tứ bề người ta bài xích, phá đám. Bị dồn đuổi, đạp qua dư luận, bất chấp mọi thứ nên tôi mới có những câu thơ bi phẫn thế. Dần dần, cuộc sống chúng tôi mới ổn định, khi ổn định cao nhất thì tan vỡ.”

Họ còn nghĩ sau chia tay, giữa chúng tôi sẽ là oán hận. Nhưng bạn bè và người thân chúng tôi đều nhìn thấy đó là giai đoạn đẹp đẽ nhất cuộc đời Dung, đó cũng là giai đoạn tôi trưởng thành, viết được nhiều bài thơ hay nhất. Trong tình yêu ấy, tôi hoàn toàn theo bản năng. Tôi yêu và lấy Dung vì thấy mình cần phải làm như thế. Mọi thứ dẫn đến hôn nhân tan vỡ cũng là tất yếu, đó là đoạn đời chúng tôi bắt buộc phải trải qua- không thể khác. Nhìn lại, tôi vẫn thấy việc đã yêu Dung và xa Dung có nhiều đau đớn, nhưng tôi không có gì phải hổ thẹn, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống tôi đều cố gắng sống đúng mình nhất, đàng hoàng nhất. Chúng tôi không oán trách nhau, chúng tôi trung thực nhất với chính mình.”

NSND Lê Dung

Phú Quang và Khúc mùa thu

Theo lời nhạc sĩ Phú Quang: “Cho tới giờ, Khúc mùa thu vẫn là bài hát được công chúng yêu cầu hát lại trong các đêm nhạc của tôi. Tôi đọc bài thơ Khúc mùa thu của Hồng Thanh Quang, thấy xúc động và đồng cảm, nên đã quyết định phổ nhạc. Bài hát được viết đúng thời điểm Quang và Dung đang ở thời kỳ mật ngọt, tôi dành tặng ca khúc này cho tình yêu của hai người. Khi viết, tôi “đo ni đóng giày” cho giọng hát Lê Dung, đó là lý do khiến Lê Dung hát Khúc mùa thu luôn cảm động và lộng lẫy. Sau này, có nhiều ca sĩ hát lại Khúc mùa thu, nhưng không ai hát được như cô ấy.

Khi Hồng Thanh Quang là Lê Dung đang say đắm nhất, tôi đã có linh cảm tình yêu của họ chắc chắn sẽ tan vỡ. Chỉ bởi tôi thấy họ yêu nhau quá, mọi điều của người yêu trong mắt họ đều lung linh, thánh thiện, tình yêu ấy đẹp đến mức không có thật, đến mức nếu nó tồn tại lâu dài ở giữa cuộc đời này thì sẽ là điều phi lý”.

Lời bài thơ Khúc mùa thu (Hồng Thanh Quang)

Đã biết ta giờ không trẻ nữa

Sao thương ai ở mãi cung Hằng

Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế

Chẳng chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng


Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc

Tôi đã quyên mình chỉ để nghĩ về em

Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc

Có điều chi em mải miết đi tìm?


Tôi đã đến cùng em và tôi biết

Em cũng là như mọi người thôi

Nhưng chưa hết cuộc yêu tôi đã hiểu

Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người


Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá

Bầu lặng yên cũng đã vỡ rồi

Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp

Khi thanh âm cũng bất lực như lời


Sẽ chỉ còn quầng Thu thuở ấy

Mãi cô đơn vằng vặc giữa trời

Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc

Em tìm gì khi thất vọng về tôi?

Khúc mùa thu là bài thơ mà Hồng Thanh Quang viết tặng Lê Dung năm 1994, bài thơ được người bạn chung của hai người, nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment