Lev Nikolayevich Tolstoy và Fyodor Mikhailovich Dostoevsky là hai nhà văn vĩ đại, không chỉ riêng của nước Nga mà còn của nền văn học thế giới. Họ sống cùng một thời đại, Dostoevsky nhiều hơn Tolstoy bảy tuổi và mất trước 30 năm, nhưng những tác phẩm đỉnh cao của cả hai người khổng lồ này đều ra đời trong khoảng thời gian 40 năm, từ 1840 đến 1880, đây chính là thời kỳ mang tính quyết định trong quá trình “thay đổi hình dạng” của nước Nga, và đây cũng được xem là “kỷ nguyên vàng” của nền văn học Nga. Lev Tolstoy và Dostoevsky chưa từng thật sự gặp nhau, và hai thiên tài này dường như đối lập nhau về mọi khía cạnh. Họ không chỉ đại diện cho hai gương mặt hoàn toàn khác biệt của nước Nga, mà hoàn cảnh, lối sống, tư tưởng, và những hoạt động nghệ thuật của họ cũng hoàn toàn trái ngược nhau.
Lev Nikolayevich Tolstoy |
Lev Tolstoy và Dostoevsky với độc giả Việt nam
So với Lev Tolstoy, trên con đường đến với đời sống tinh thần của bạn đọc Việt nam, Dostoevsky không gặp may mắn. Vào những năm 1929-1930, một bản dịch tác phẩm Phục sinh của Tostoy đã được đăng dần lên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Người dịch tác phẩm ấy chính là Giáo sư Đào Duy Anh, khi ấy mới ngoài 20 tuổi. Một vài năm sau, tại nhà bán đấu giá hàng cũ ở phố Hàng Trống, Vũ Ngọc Phan đã mua được một bó sách cũ gồm mười cuốn, giá hạ từ 5 đồng xuống còn 2 đồng. Trong bó sách ấy, có hai quyển còn nguyên giá trị, còn lại toàn là sách vứt đi. Hai quyển đó chính là trọn bộ tác phẩm Anna Karenina của Tolstoy, sách tiếng Pháp. Vũ Ngọc Phan đã đọc ngấu nghiến tác phẩm trong hai ngày, sau đó đọc lại lần hai trong vòng 10 ngày. Thấy rằng đây là một kiệt tác, Vũ Ngọc Phan đã dịch tác phẩm này và đăng lên Tạp chí Pháp Việt ở Hà Nội và báo Tràng An ở Huế, đó là năm 1937. Năm 1940, ông đưa nhà xuất bản Đời nay in, năm 1944 bộ sách ra đời với hai tập, nhưng bộ sách không đến với độc giả trọn vẹn vì Vũ Ngọc Phan không đưa quyển ba (quyển cuối) cho nhà xuất bản Đời nay. 1961 Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy đã được bán rộng rãi. Tiếp đó đến Anna Karenina bản dịch lại, rồi Phục sinh, Câu chuyện Sevastopol… Những tài liệu nghiên cứu, giới thiệu về Tolstoy cũng sớm được phổ biến một cách rộng rãi.
Năm 1956, nhân 75 năm ngày mất của Dostoevsky, Hội đồng hòa bình thế giới mới đưa ông vào danh sách các nhà văn được kỉ niệm. Cùng thời gian đó, tác phẩm Tội ác và hình phạt của Dostoevsky đã được dịch ở Nhà xuất bản Văn học, nhưng chưa được in ra. Các sách giáo khoa, tài liệu về lịch sử Văn học Nga… viết về Dostoevsky một cách rất sơ sài và nặng về phê phán.
Không kể các bản dịch được thực hiện ở Sài Gòn trước 1975, và một số được mang ra Hà Nội sau năm 1975, thì chính thức đến năm 1983, Dostoevsky mới đến với bạn đọc Hà nội qua tác phẩm Tội ác và hình phạt (Phạm Vĩnh Cư giới thiệu, Cao Xuân Hạo dịch). Sau đó, năm 1988, Anh em nhà Karamazov củaDostoevsky đến với bạn đọc qua bản dịch của Phạm Mạnh Hùng. Anh em nhà Karamazov có 3 tập, tập I in 10.000 cuốn, tập II chỉ còn 3.000 cuốn, và tập III chỉ là 1000 cuốn.
Đối với độc giả Việt Nam những năm trước, Dostoevsky được coi là phi chính thống. Nhưng vì mang màu sắc huyền thoại, Dostoevsky lại được một số ít nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, và càng hấp dẫn họ hơn.
Tolstoy và Dostoevsky: sự trái ngược của hai thiên tài
Khi nói về Tolstoy và Dostoevsky, sẽ thú vị hơn nhiều khi xem xét hai thiên tài này ở những điểm khác biệt nhau.
Lev Tolstoy sinh ra trong giới thượng lưu giàu có, là một bá tước, một điền chủ nhàn nhã. Là người cuối đời có những thay đổi to lớn về mặt tư tưởng, đã rũ bỏ những trói buộc của của cải vật chất, trở thành người rao giảng cho niền tin Cơ đốc giáo khổ hạnh, khắc kỷ, một người yêu chuộng hòa bình và ủng hộ cải cách nông nô.
Còn Dostoevsky xuất thân là một sinh viên nghèo, một người từng đã bị kết án treo cổ vì chống lại Sa hoàng, cả cuộc đời phải trả giá cho những cam kết bồng bột của tuổi trẻ, những cam kết ràng buộc với chủ nghĩa xã hội. Là người sau khi ra tù đã bảo vệ nhiệt thành cho Chính thống giáo và là một kẻ “phản động”, căm ghét cách mạng, căm ghét trào lưu chủ nghĩa xã hội không tưởng và sau này là chủ nghĩa cộng sản.
Tolstoy là người đã chung sống hơn 40 năm và có tới 13 người con với cùng một người phụ nữ, nhưng cuối cùng lại từ bỏ tất cả, chối bỏ hôn nhân, từ bỏ gia đình, từ bỏ những chung đụng xác thịt. Bản xô nát ở Kreutzer, tác phẩm cuối cùng viết trước khi chết, trên hành trình chạy trốn gia đình và người thân, là tác phẩm mỏng nhất nhưng lại cay nghiệt nhất mà Tolstoy từng viết ra để phê phán phụ nữ.
Còn Dostoevsky đã trải qua những mối tình đầy giông bão, rồi sau đó trở thành một người cha đầy yêu thương của gia đình. Dostoevsky kết hôn với Anna Grigorievna Snitkina, một phụ nữ kém ông 25 tuổi, và là người thư ký ông đã thuê ngồi ghi chép lại những gì ông đọc, trong thời gian ông sáng tác tác phẩm “Con bạc”, tác phẩm phải hoàn thành trong thời gian 26 ngày để có thể trả những món nợ từ thói nghiện cờ bạc của ông.
Tolstoy thích những lễ hội mùa màng, những buổi đi săn, thích lao động chân tay và yêu mến những người nông dân. Còn Dostoevsky đắm mình trong màn sương mù của những đô thị hiện đại, thế giới của những kẻ say xỉn, tội phạm và những cô gái điếm.
Hai người khổng lồ này, họ không hẳn coi trọng và đánh giá về nhau một cách công bằng, nhưng vẫn không ngừng quan sát, nghiên cứu về nhau. Khi còn sống, những uất ức về một sự bất bình đẳng trong địa vị luôn sục sôi tuôn trào trong những lời nhận xét của Dostoevsky về Tolstoy, nhà văn đàn em kém ông 7 tuổi. Dostoevsky luôn phàn nàn rằng Tolstoy luôn được trả công, được đãi ngộ cao hơn ông. Ông bi coi thường, bị rẻ rúm bởi ông là nhà văn phải sống bằng lao động, phải sống bằng ngòi bút của mình. Dostoevsky cũng cho rằng, khi sáng tác, Tolstoy chưa bao giờ phải nếm trải những điều kiện sống bi đát như mình. Rất nhiều lần, bị các chủ nợ xiết cổ, ông đã phải bán trước các tác phẩm của mình khi nó vẫn chưa được viết xong, thậm chí là ngay cả khi chúng còn chưa được viết ra, chính vì thế ông luôn phải vội vã viết và hoàn thành tác phẩm nhanh nhất có thể. Trong khi đó, Tolstoy viết rất chậm rãi, khoan thai, đôi khi ngừng hẳn viết lách để chăm lo cho ngôi trường mà ông đã dựng nên hay tập trung vào việc quản lý tài sản của mình. Thế nhưng Tolstoy vẫn luôn được các nhà xuất bản săn đón và công chúng nồng nhiệt chào đón mỗi khi ra mắt tác phẩm. Các nhà xuất bản trả cho các tác phẩm của Dostoevsky 250 rúp một trang, nhiều khi còn bớt lên, bớt xuống. Trong khi đó sẵn sàng trả cho Anna Karenina của Tolstoi 500 rúp một trang.
Cuộc sống thật trớ trêu, Dostoevsky đã ra đi quá sớm để có thể tận mắt chứng kiến đoạn cuối trong hành trình cuộc đời của Tolstoy, chứng kiến những chuyển biến nội tâm ngày càng triệt để của nhà văn vĩ đại này: khước từ tiền bạc và tài sản, khước từ gia đình và người thân, rời khỏi nhà như một kẻ nghèo khó, sống vất vưởng và chết tại một nhà ga heo hút trên đất nước Nga mênh mông.
Sự oán hận của Dostoevsky chắc chắn đã làm cho những lời kết án, những lời chỉ trích gay gắt của ông trở nên thiên lệch và bất công. Khi tác phẩm Anna Karenina ra mắt (1875), Dostoevsky đã nói: “…Vẫn là những biên niên sử của một gia đình quý tộc”, trong con mắt của Dostoevsky, Tolstoy chẳng viết thêm được gì mới sau tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình”. Nhận xét này của Dostoievski hiển nhiên là sai lệch bởi Anna Karenina đã đề cập đến một chủ đề gai góc, nóng bỏng: sự chung sống trong một xã hội Nga đang trải qua một thời kỳ đầy biến động, trong hôn nhân, gia đình, mối quan hệ khó khăn giữa những người nông dân và những lãnh chúa, những nhà quý tộc. Cùng thời gian đó, Dostoevsky đang viết cuốn Đầu xanh tuổi trẻ, cũng giống như tác phẩm Anh em nhà Karamazov được xuất bản sau này, cuốn sách đề cập đến sự tồn tại của một kiểu gia đình mới, những “gia đình tình cờ”, một điềm báo trước sự tan rã của xã hội Nga. Đối với Dostoevsky, Tolstoy chỉ đơn thuần là một nhà sử học chứ không phải là một tiểu thuyết gia, những xã hội mà ông mô tả trong các tác phẩm của mình đã không còn tồn tại. Tuy nhiên Dostoevsky cũng thừa nhận rằng Anna Karenina “là một vết bỏng nhức nhối của thời đại”, nhưng phát biểu này, thật ra cũng chỉ là cách bày tỏ sự phản đối dữ dội của Dostoevsky với những quan điểm chính trị mà Tolstoy trình bày trong tác phẩm, đặc biệt là với chủ nghĩa chống quân phiệt ngày càng tăng ở Tolstoy.
Về phía Tolstoy, người ta cũng nhận thấy không ít những suy nghĩ tiêu cực của ông đối với Dostoevsky. Khi Dostoevsky qua đời vào năm 1881, lần đầu tiên Tolstoy công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình: “khi ông mất, tôi đã nhận ra rằng tôi cần đến ông xiết bao, rằng ông rất gần gũi và cũng rất quý giá đối với tôi”. Tolstoy cũng khẳng định rằng ông không bao giờ coi Dostoevsky như là một đối thủ, “Tôi không bao giờ có ý định so sánh mình với ông ấy- không bao giờ”. Nhưng ngay sau đó Tolstoy lại ném ra những phán xét đầy cay nghiệt: “Người ta đã tôn sùng như một nhà tiên tri, đã phong thánh cho một kẻ đã gục ngã trong giai đoạn gay cấn nhất của cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Những cuốn sách này có thể gây xúc động, có thể rất hấp dẫn...nhưng người ta không thể đặt lên bệ để thờ, lấy ra làm tấm gương cho hậu thế một kẻ hiếu chiến, chỉ thích gây hấn”. Mối ác cảm này , theo thời gian càng ngày chỉ càng tăng thêm. Nếu như cuốn “Anh em nhà Karamazov” cũng như tập tiểu luận của Montaigne là những cuốn sách cuối cùng còn ở lại bên cạnh Tolstoi vào giây phú ông lìa đời trong căn nhà nhỏ của ông trưởng ga Astapovo thì những tuyên bố cuối cùng của Tolstoy (ngay trước khi chết) về Dostoevsky vẫn không hề dịu bớt đi những sắc thái gay gắt: “Tôi không thể vượt quá được mối ác cảm với những thứ phản-văn-học này, khối mâu thuẫn này, cách xử lý rất giả tạo với những chủ đề quan trọng, thậm chí là nghiêm trọng hàng đầu này”. Những gì mà Tolstoy đánh giá cao ở Dostoevsky, đó là những tác phẩm hồi trẻ của ông , những tác phẩm mà nội dung xã hội của chúng đã gây những ấn tượng rất mạnh mẽ như “Ghi chép từ Ngôi nhà chết” (1862) hay “Những kẻ tủi nhục” (1961).
Fyodor Mikhailovich Dostoevsky |
Nhân sinh quan hoàn toàn khác nhau
Bề ngoài thì những tác phẩm của họ không có vẻ gì là một sự phản hồi, một sự đáp lại những thách thức, một câu trả lời trực tiếp cho những vấn đề đặt ra trong những tác phẩm của người kia. Tuy nhiên khi lùi ra xa, nhìn mọi thứ trong toàn cảnh của nó thì các tác phẩm và hành trình của cả hai người, dường như là để trả lời cho những câu hỏi giống nhau: văn học và cuộc sống, đức tin và hành động chính trị. Tolstoy, ngay từ năm 1859 đã mở trường học cho nông dân của điền trang Iasnaia Poliana, ông cũng dành nhiều tâm trí để nghĩ về giáo dục, càng ngày ông càng nghiêng về thái độ phủ nhận vai trò của văn học và nghệ thuật nói chung bởi ông cho rằng chúng hoàn toàn vô ích đối với nhân dân (những dự cảm trước về những lý thuyết văn học nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa xuất hiện về sau này?). Trong tác phẩm “Lời thú tội” rất nổi tiếng của mình, Tolstoy đã đi đến chỗ lên án chính những hoạt động văn học của mình: “Tôi nhận ra rằng, những việc tôi đã làm không có gì là cao quý và cũng chẳng khác biệt gì mấy với những cô gái chân trần nhảy múa, quấn lấy nhau trong một vở ba lê nào đó”. Về cuối đời Tolstoy chỉ viết những câu chuyện cổ tích hay thần thoại cho thiếu nhi, nhưng bản năng một nhà văn lớn đã ép buộc (hay thôi thúc?) ông ngồi viết ra một cuốn “tiểu thuyết vĩ đại” cuối cùng, đó là cuốn “Phục Sinh” (1899), một cuốn tiểu thuyết mang tính giáo huấn nhưng không hề kém phần lãng mạn. Một số người thì xem rằng tác phẩm này như là một lời đáp trả cuốn “Ghi chép từ Ngôi nhà chết” của Dostoevsky.
Hoàn toàn trái ngược với Tolstoy, Dostoevsky là người bảo vệ nhiệt thành cho vai trò của văn học. Bằng hư cấu, đặc biệt là trong tiểu thuyết, tất cả mọi quan điểm có cơ may được cọ sát, đối đầu nhau. Ở đó mọi câu hỏi bức thiết, mọi vấn đề nóng bỏng của xã hội đều có thể đề cập đến. Tất cả mọi người, đặc biệt là giới trí thức sẽ luôn cần đến văn học trong toàn bộ những chiều kích phức tạp của nó.
Chắc chắn rằng cuộc đối đầu giữa Dostoevsky và Tolstoy, hai người khổng lồ của nước Nga sẽ dữ dội và khốc liệt nhất là ở trên bình diện ý thức hệ (nó sẽ còn kéo dài và mức độ gay gắt sẽ ngày một tăng cao hơn nữa nếu như Dostoevsky không ra đi quá sớm). Cái gọi là chủ nghĩa Tolstoy, đó là việc hòa trộn giữa khuynh hướng quay về với cội nguồn của đức tin, của Mặc khải với chủ nghĩa khổ hạnh, chủ nghĩa Tolstoy muốn phá vỡ hệ thống tôn giáo chính thống đang tồn tại, phá vỡ mọi thang bậc. Tất cả những điều đó đã gây phẫn nộ cho Dostoevsky, người mà cho đến tận cuối đời, vẫn không ngừng bảo vệ cho Chính Thống Giáo Nga, coi đó là bản sắc, thậm chí là sự cứu rỗi của nước Nga. Hơn thế nữa, sau khi từ chốn ngục tù trở về, Dostoevsky bằng những lời chỉ trích quyết liệt, đã quất những ngọn roi tàn nhẫn vào những điều mà ông gọi là “không tưởng cách mạng”, về những tín điều độc ác nhân danh chủ nghĩa xã hội, nhân danh tự do. Trong tác phẩm “Lũ người quỷ ám”, ông lên án những thành viên cách mạng theo trào lưu “hư vô chủ nghĩa”. Những luận điểm này khiến Dostoevsky bị ghẻ lạnh và bị tẩy chay suốt một thời gian dài dưới chế độ Xô Viết.
Về phần mình, Tolstoy đã nhiệt thành ủng hộ cuộc cách mạng Nga 1905, chính điều này khiến ông đã được suy tôn (bằng một sự ngộ nhận, cách hiểu sai lệch hay một biện pháp tuyên truyền?), và theo lời của Lê nin, Tolstoy là “tấm gương phản chiếu của cuộc cách mạng Nga”
Dostoevsky cho đến tận lúc chết, cũng chỉ biết đến một nhà văn qúy tộc Tolstoy, một nhà văn địa chủ đầy mâu thuẫn, một nhà văn được tôn sùng và ngưỡng mộ của đông đảo người dân Nga. Dostoevsky chưa hề được chứng kiến một nhà văn xã hội chủ nghĩa Tolstoy. Nhưng trong bài báo Bàn về tác phẩm Anna Kerenina, khi đề cập đến những người đang day dứt với những đặc quyền mà mình được hưởng, những người đang trong hành trình “về với nhân dân”, bằng cách diễn đạt “thời thượng” lúc đó, Dostoevsky đã khuyến nghị: “Nếu bạn cản thấy thật kinh khủng khi chỉ sống để “ăn, uống, đi săn mà không phải làm gì cả”, nếu thực sự bạn cảm thấy xót xa cho những người nghèo khổ, một tầng lớp dân cư đông đảo, vậy thì hãy trao cho họ tài sản của bạn, hy sinh bản thân vì lợi ích chung, xắn tay áo lên lao động, đổ mồ hôi vì lợi ích chung”. Nhưng ngay lập tức tác giả của “Anh em nhà Karamazov” đã dội tiếp luôn một xô nước lạnh “nhưng cũng đừng bắt chước những kẻ mơ mộng viển vông, những người ngay lập tức túm lấy một chiếc xe cút kít và hô to: “tôi không phải là lãnh chúa, tôi muốn làm việc như một muzhik”. Xe cút kit ở đây thật ra cũng chỉ là một đồng phục, một thứ đồng phục tệ hại”.
Dostoevsky đã không có cơ hội để biết rằng, 25 năm sau đó, người mơ ước trở thành một muzhik đã túm lấy một chiếc xe cút kít và từ bỏ gia đình, điền trang, tài sản để đón nhận cái chết trong cô độc tại một nhà ga Astapovo xa xôi nào đó, nhưng cho đến lúc chết , ông vẫn cứ là “bá tước Lev Tolstoy”.
Thật kì lạ, họ chưa từng gặp nhau
Tolstoy và Dostoevsky sống cùng thời, là những nhà văn lớn, những tác phẩm xuất sắc nhất của mỗi người đều được sáng tác trong cùng một khoảng thời gian. Nhưng họ vẫn chưa từng gặp nhau.
Năm 1885, Tolstoy đến Petersburg làm quen với giới văn sĩ nơi đây, quê hương của Dostoevsky, bối cảnh trong phần lớn tác phẩm của ông. Khi này Tolstoy là một nhà văn trẻ được mến mộ, còn Dostoevsky đang trong thời kỳ phát vãng lưu đày 4 năm ở Siberia sau án tử hụt.
Khi Chiến tranh và hòa bình ra mắt, Dostoevsky cực kỳ ấn tượng với nó và đã tìm cách gặp gỡ Tolstoy. Năm 1878, cả hai tham dự một buổi thuyết giảng của triết gia Vladimir Soloviev (tác phẩm Siêu lý tình yêu của ông rất nổi tiếng với bạn đọc Việt Nam), nhưng không gặp được nhau. Về sự kiện này, có giai thoại kể lại rằng Dostoevsky đã chủ động tìm gặp Tolstoy sau buổi giảng, nhưng Tolstoy đã bỏ về trước khi bài thuyết giảng kết thúc. Hai năm sau, Dostoevsky đến Moscow nhân dịp khánh thành một tượng đài Pushkin. Ông định đến thăm Tolstoy ở trang viên Yasnaya Polyana, nhưng khi này Tolstoy đã bắt đầu chán ghét cuộc sống xã hội và lui về ở ẩn trong điền trang. Ngày 20/06/1880, Dostoevsky đọc một diễn văn nổi tiếng về Pushkin làm người nghe kinh ngạc vì chiều sâu và sức nặng của nó. Mọi nhà văn tên tuổi thời kỳ đó đều có mặt, trừ Tolstoy.
Tuy nhiên, cũng năm đó Tolstoy đọc được Bút ký từ nhà chết của Dostoevsky. Ấn tượng của ông mạnh mẽ tới mức, trong một lá thư gửi nhà phê bình Nikolai Strakhov, ông gọi tác phẩm là “cuốn sách xuất sắc nhất trong những áng văn mới, hơn cả Pushkin”.
Một năm sau, năm 1881, Dostoevsky qua đời. Chính Anna Snitkina là người được Tolstoy thú nhận niềm tiếc nuối vì chưa từng được gặp Dostoevsky.
0 comments:
Post a Comment