Cộng đồng và cá thể- Albert Einstein

Cộng đồng và cá thể thể hiện quan điểm riêng của Albert Einstein, là một bài viết trong một  quyển sách được xuất bản lần đầu năm 1931 tại Đức. Năm 1955, sách được tái bản tại Mỹ có bổ sung thêm nhiều bài viết mới. Từ đó đến nay, nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần, trở thành một trong những cuốn sách "kinh điển" để người đọc qua đó có thể tìm hiểu, nghiên cứu về con người và cội nguồn tư tưởng của nhà khoa học Albert Einstein. VnTimless xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Albert Einstein.

Albert Einstein

Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy đàn. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tư duy của chúng ta sẽ rất hạn chế- chỉ tương đương với những động vật cao cấp; vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta phải mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người. Một cá thể bị bỏ rơi một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng tượng được. Vậy nên, căn cước và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết.

Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác. Tùy theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu. Thoạt nhìn thì có vẻ là, chỉ duy những phẩm chất xã hội của một con người mới là chuẩn mực cho những đánh giá về anh ta.

Nhưng một quan niệm như vậy thật ra là không đúng. Dễ nhận thấy rằng, trải qua bao nhiêu thế hệ, tất cả tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ: người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu mới hơi nước...

Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.

Vâng, một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội. Có nhiều điểm đúng khi nói rằng, nền văn hóa Hy-Âu-Mỹ nói chung, đặc biệt là cao trào văn hóa thời Phục hưng ở Ý- thời chấm dứt đêm trường trung cổ ở châu Âu- đã đặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và sự tách bạch một cách tương đối giữa cá nhân với cộng đồng.

Bây giờ, hãy nhìn vào thời đại chúng ta đang sống! Cộng đồng được nhìn nhận ra sao, còn cá thể thì thế nào? So với thời trước, mật độ dân số ở các nước văn minh hiện quá cao; châu Âu hôm nay chứa một lượng người lớn gấp ba lần cách đây một trăm năm. Nhưng tỉ lệ những người có tư chất thủ lĩnh lại giảm sút. Ở một chừng mực nhất định, tổ chức đã thay thế thủ lĩnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, song cũng đã có thể cảm thấy điều tương tự trong khoa học.

Đặc biệt nhạy cảm, sự thiếu hụt cá tính trong lĩnh vực nghệ thuật đang lộ rõ. Hội họa và âm nhạc xuống cấp trông thấy và đang đánh mất ghê gớm sự cộng hưởng trong công chúng. Trong chính trị, không chỉ thiếu người cầm lái mà sự độc lập tinh thần cũng như ý thức về lẽ phải của dân chúng cũng giảm sút khủng khiếp. Chế độ dân chủ nghị trường, chế độc vốn lấy sự độc lập nói trên làm điều kiện tiên quyết, đang bị chao đảo ở nhiều nơi; các chế độ độc tài xuất hiện và được dung dưỡng, bởi ý thức về danh dự và quyền cá nhân không còn đủ mạnh nữa. Chỉ trong hai tuần, vì báo chí, đám đông mù quáng ở một quốc gia nào đó có thể bị làm cho giận dữ và kích động đến nỗi những người đàn ông sẵn sàng khoác áo lính để đi giết người và bị giết vì những mục đích chẳng lấy gì cao quý của những thế lực nào đó. Nghĩa vụ quân sự với tôi là dấu hiệu nhục nhã nhất về sự thiếu hụt phẩm giá cá nhân, sự thiếu hụt mà vì nó, nhân loại văn minh của chúng ta đang quằn quại. Chẳng thế mà không thiếu những nhà tiên tri, những kẻ dự báo ngày tàn của nền văn minh chúng ta đang đến gần. Tôi không thuộc số những kẻ bi quan này; tôi tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đây tôi muốn biện giải cho lòng tin ấy một cách ngắn gọn:

Theo ý kiến của tôi, những biểu hiện suy tàn hiện nay bắt nguồn từ chỗ: sự phát triển về kinh tế và kỹ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề. Nhưng mặt khác, kỹ thuật phát triển lại giúp cá nhân ngày càng phải lao động ít hơn mà vẫn thỏa mãn được các nhu cầu chung. Việc phân công lao động có kế hoạch đang ngày càng trở nên một đòi hỏi cấp thiết, và việc phân công này sẽ mang lại sự đảm bảo về vật chất cho từng cá thể. Sự đảm bảo này, cũng như sức lực và thời gian dư ra của các cá thể, sẽ là một lợi thế cho sự phát triển nhân cách. Cộng đồng nhờ thế sẽ khỏe mạnh trở lại, và chúng ta hãy hy vọng rằng, các sử gia tương lai sẽ nhìn những biểu hiện bệnh tật của thời đại chúng ta như chứng cảm cúm của trẻ con, chứng cảm cúm của một nhân loại đang vươn mình lên cao- mà tất cả chẳng qua cũng do tốc độ chuyển đổi quá nhanh mà ra.

Đọc thêm: Albert Einstein nói về giáo dục

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment