Mùa hè năm 1865,
ngay sau khi bắt đầu viết tác phẩm Tội ác
và trừng phạt (Crime and Punishment), Fyodor Mikhailovich Dostoevsky đang sống
những ngày dài lo âu, buồn bã, ông đã trở nên khánh kiệt, người vợ đầu Maria
Dmitrievna Isayeva mất vào năm 1864; sau đó ông gặp Apollinari Suslova, một phụ
nữ tự do và háo danh, trẻ hơn ông 20 tuổi. Họ sống với nhau một năm và vừa chia
tay nhau vĩnh viễn, nhà văn lại thường xuyên bị chứng động kinh hành hạ. Sau đó
không lâu, người anh trai qua đời, vốn đã nợ nần chồng chất vì nghiện cờ bạc, Dostoevsky
lại tự dồn mình vào tình thế khó khăn hơn khi gánh khoản nợ của người anh trai.
Các chủ nợ nhanh chóng đến tìm nhà văn, dọa tống ông vào tù. Mười năm trước,
Dostoevsky đã thoát khỏi án tử hình và bị lưu đày bốn năm tại Siberia, viễn cảnh
bị ngồi tù là nỗi kinh hoàng không muốn trải qua một lần nữa đối với nhà văn.
Dostoevsky |
Trong cơn tuyệt
vọng, Dostoevsky đồng ý bán cho Fyodor Stellovsky quyền xuất bản tất cả những
tác phẩm đã sáng tác của mình để nhận về 3.000 rúp (tương đương khoảng 80.000
đô la theo thời giá hiện nay). Dostoevsky cũng phải viết xong và bàn giao cho
Stellovsky một cuốn tiểu thuyết mới dài ít nhất 12 tay sách, tức khoảng 175
trang sách thông thường, 250 trang của khổ sách bỏ túi thường thấy, hoặc 75.000
chữ. Cuốn sách phải được bàn giao trước ngày 13 tháng 11 năm 1866. Nếu không
đúng hạn, Dostoevsky sẽ mất mọi quyền đối với các tác phẩm của mình trong vòng 9
năm và quyền này sẽ được chuyển giao cho Stellovsky.
Sau khi ký hợp đồng,
Dostoevsky phát hiện ra rằng chính nhà xuất bản của mình và Stellovsky đã cấu kết
với nhau, họ đã mua các giấy nợ của anh trai mình với giá rẻ mạt, dùng người dọa
nạt để đi đến thỏa thuận trong hợp đồng. Tức giận nhưng không có cách nào cứu
vãn, Dostoevsky đành bắt đầu thực hiện những điều khoản trong hợp đồng. Lúc
này, nhà văn đang quá đắm chìm trong việc hoàn thành tác phẩm Tội ác và trừng
phạt, tác phẩm được đăng tải từng kỳ trên báo Rusky Vetnik. Cuốn tiểu thuyết
sau này có tên là Con bạc (The Gambler) mà ông hứa với Stellovsky vẫn chưa viết
được chữ nào. Đến tháng 10/1886, Dostoevsky giật mình khi nghĩ ông phải viết cuốn
tiểu thuyết này trong vòng bốn tuần.
Ngày 15/10/1866,
ông gọi điện cho Pavel Matreyev Ich Olkhin, một người bạn dạy tốc ký để tìm người
học trò giỏi nhất của ông ta. Không chút do dự, vị giáo sư này đã giới thiệu một
phụ nữ trẻ tên là Anna Grigorievna Snitkina.
Anna Grigorievna
Snitkina sinh ngày 30 tháng 8 năm 1846 tại Saint Peterburg, lúc ấy 20 tuổi.
Cha cô là Grigouivanovich Snitkin, một viên chức chính phủ, mẹ cô là Anna
Nikolayevna, bà là người Thụy Điển gốc Phần Lan. Bước đầu vào đời Anna quyết định theo
học ngành sư phạm, không may cho cô, giữa lúc ấy thì cha cô lâm trọng bệnh, và
qua đời. Cái chết của cha đã làm gia đình cô suy sụp, trước hoàn cảnh khó khăn ấy,
Anna phải tìm kế mưu sinh. Cô đăng ký theo học ngành tốc ký với hy vọng có thể độc lập về tài chính bằng chính sức lao động của
mình, cô đã rất vui mừng trước lời đề nghị này. Dostoevsky là tác giả yêu thích
của người cha vừa qua đời của cô, và cô đã lớn lên bằng cách đọc các tác phẩm của
ông. Ý nghĩ không chỉ gặp mà còn được làm việc với nhà văn khiến cô hồ hởi đồng
ý ngay lập tức.
Ngày hôm sau, một
buổi sáng mùa đông giá lạnh ở Saint Peterburg, nơi góc đường Malaya
Meschanskaya và Stolyrany, trong một khu chung cư khiêm tốn, nơi Dostoevsky
đang sống cùng đứa cháu của người vợ đã mất và bà nhũ mẫu trung thành. Anna, với
trang phục giản dị, khuôn mặt trái xoan dịu hiền, đôi mắt sáng trong xanh có mặt
tại nhà Dostoevsky lúc 11 giờ 30, đúng như lời dặn của Dostoevsky, “không sớm hơn và không muộn hơn”. Nhà
văn mất tập trung và cáu kỉnh, đã hỏi Anna một loạt câu hỏi về quá trình đào tạo
và khả năng của cô. Mặc dù trả lời từng câu hỏi một cách nghiêm túc và khô
khan, đúng tinh thần như một cuộc phỏng vấn, nhưng bằng một cách nào đó, càng
trò chuyện Dostoevsky lại càng mềm lòng và trở nên dịu dàng hơn với Anna. Đến đầu
giờ chiều, họ đã bắt đầu ngay vào việc viết cuốn tiểu thuyết. Dostoevsky thai
nghén cuốn tiểu thuyết này từ khi còn sống với Maria, nội dung được hình thành
qua mối tình thứ hai với Apollinariya, và nó được khai sinh khi Anna xuất hiện.
Dostoevsky đọc, Anna viết tốc ký, sau đó cô chép lại hoàn chỉnh vào ban đêm,
sáng hôm sau ông duyệt lại kết quả ngày hôm trước và lại tiếp tục đọc cho Anna
tốc ký, công việc của hai người cứ như thế tiếp diễn.
Trong 25 ngày tiếp
theo, Anna đến nhà Dostoevsky vào buổi trưa và ở lại đến bốn giờ chiều. Buổi
làm việc của họ được xen kẽ bằng những khoảng nghỉ ngắn để uống trà và trò chuyện.
Càng ngày, Dostoevsky càng dịu dàng và nồng nhiệt hơn với Anna, cuối cùng
Dostoevsky gọi cô bằng cái tên trìu mến yêu thích của mình, “golubchik”, có
nghĩa là “con chim bồ câu nhỏ”. Ông
trân trọng sự nghiêm túc của cô, sức mạnh đồng cảm phi thường của cô, tinh thần
trong sáng của cô đã xua tan ngay cả những tâm trạng đen tối nhất của ông và
nâng ông ra khỏi những suy nghĩ ám ảnh. Ông thấy mình bị thu hút bởi sự nhạy
bén, mẫn cảm, khả năng quán xuyến công việc và trên hết là lòng tốt của cô.
Không những Anna kính yêu, tôn trọng ông, cô còn quan tâm đến cái ăn cái mặc,
giấc ngủ và những sinh hoạt hàng ngày của ông. Đã từ lâu ông không có sự chăm
sóc chân thật từ một người phụ nữ, người cuối cùng cho ông sự chăm sóc ấy là mẹ
ông, chứ không phải người vợ đã mất hay người tình đã chia tay. Cả hai người phụ
nữ này đều không hiểu nổi ông, họ không giúp gì được ông trong việc sáng tác,
trái lại họ chỉ quấy rầy ông. Còn với Anna, cô cảm động trước lòng tốt của ông,
sự tôn trọng của ông dành cho cô, cách ông thực sự quan tâm đến ý kiến của cô
và cách ông đối xử với cô như một người thân hơn là một cộng sự, một người làm
thuê. Nhưng cả hai đều không biết rằng tình cảm và sự trân trọng sâu sắc lẫn
nhau này chính là nền tảng của một tình yêu huyền thoại.
Dần dần Anna
không còn ngại ngùng với tình cảm của ông nữa, cô bắt đầu hỏi về quá khứ đời
ông, giúp ông những việc khác trong nhà. Tình cảnh cô độc, lo lắng, nghèo túng
mà Dostoevsky đang sống gây cho cô nhiều cảm xúc về đời sống của một nhà văn.
Trong cuốn hồi
ký của mình, Anna kể lại một cuộc trao đổi diễn ra trong một buổi uống trà của
họ:
“Mỗi ngày trò chuyện với tôi, Dostoevsky đều
như một người bạn, anh ấy đã kể lại những điều không vui trong quá khứ. Tôi
không khỏi cảm động sâu sắc trước những lời kể của anh ấy, về những khó khăn mà
anh ấy chưa bao giờ tự mình thoát ra được, và thực sự là không thể thoát ra.
Fyodor
Mikhailovich luôn nói về tình trạng khó khăn của mình một cách rất tự
nhiên. Tuy nhiên, những câu chuyện của anh buồn bã đến mức có lần không kiềm chế
được, tôi đã hỏi: “Tại sao? Fyodor
Mikhailovich, anh chỉ nhớ đến những khoảng thời gian bất hạnh thôi sao?
Thay vào đó, hãy kể cho em nghe anh đã hạnh phúc như thế nào?”
Hạnh phúc? Nhưng anh vẫn chưa có được hạnh
phúc nào cả. Ít nhất, đó không phải là thứ hạnh phúc mà anh vẫn luôn mơ ước.
Anh vẫn đang chờ đợi nó”.
Cả hai đều không
biết rằng họ đang có mặt trong niềm hạnh phúc đó vào đúng thời điểm đó. Một hôm
Anna thấy ông không được vui, cô dịu dàng hỏi:
“Sao anh không tìm kiếm một người vợ, để tìm
hạnh phúc trong đời sống gia đình”.
“Vậy em nghĩ anh còn có thể lấy vợ nữa sao?”
anh ấy hỏi. “Ai có thể bằng lòng lấy
anh đây? Còn anh! Anh sẽ chọn một người vợ như thế nào đây? Một người thông
minh hay nhân hậu”
“Tất nhiên là một người thông minh”.
“Ồ, không… nếu được lựa chọn, anh sẽ chọn
người nhân hậu, người ấy sẽ yêu anh và đối xử tốt với anh”
Sau đó anh ấy hỏi
tôi sao chưa lấy chồng, tôi trả lời rằng có hai người cầu hôn, cả hai đều là những
người tốt và tôi rất tôn trọng họ, nhưng tôi không yêu họ, và tôi muốn kết hôn
vì tình yêu.
“Đúng! Vì tình yêu, nhất định thế”, anh
nhiệt tình tán thành. “Chỉ tôn trọng thôi
thì chưa đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc!”.
Lần đọc- viết cuối
cùng của họ diễn ra vào ngày 10/11/1866. Với sự giúp đỡ của Anna, Fyodor Mikhailovich đã làm được điều kỳ diệu, ông đã
hoàn thành toàn bộ tác phẩm trong 26 ngày, một sự thực trước nay chưa từng có
trong thế giới văn chương, tuy nhiên ông hiểu rằng, nếu không có lòng tận tụy của
Anna chắc chắn ông không thể làm được điều này. Ông bắt tay cô, trả cho cô 50
rúp mà họ đã thỏa thuận- khoảng 1.500 USD theo tỷ giá ngày nay, và cảm ơn cô nồng
nhiệt.
Bản thảo được nộp cho Stellovski với tựa đề Ruletenburg (Thành phố rulet), nhưng ông được yêu cầu phải đổi tên sách thành “một cái gì đó, nghe có vẻ Nga hơn”. Từ đó tác phẩm có tên là The Gambler (Con bạc). Con bạc là tác phẩm nói về một người Nga có thiên tư ném đời mình vào trong những cuộc đỏ đen may rủi. Dostoevsky thường tự vấn bao giờ một người Nga sẽ xuất hiện trong văn chương? Đó là lý do ông viết nên tác phẩm này và cũng là ý tưởng cho tác phẩm tiếp theo với tên Gã khờ (The Idiot).
Ngày hôm sau,
sinh nhật lần thứ 45 của Dostoevsky, ông quyết định tổ chức một bữa tối tại một
nhà hàng để ăn mừng cả hai sự kiện. Dostoevsky đã mời Anna. Đó là lần đầu tiên
Anna ăn tối tại một nhà hàng. Khi niềm hân hoan vì công việc đã tắt, Dostoevsky
chợt nhận ra rằng sự cộng tác của ông với Anna đã trở thành ánh sáng của cuộc đời
ông và ông đau buồn trước viễn cảnh sẽ không bao giờ được gặp lại cô nữa. Anna
cũng thấy mình ủ rũ và buồn bã, sự phấn chấn thường thấy của cô bị đè nặng bởi
sự vắng của Dostoevsky. Cô kể lại:
“Tôi đã quá quen với sự vội vã trong công việc,
những cuộc gặp gỡ vui vẻ và những cuộc trò chuyện sôi nổi với Dostoevsky, chúng
đã trở thành một điều cần thiết đối với tôi. Khi trở lại với những hoạt động
thường nhật trước đây, tôi đều mất đi hứng thú, dường như chúng đã trở nên trống
rỗng và vô nghĩa đối với tôi”
Ngày 20 tháng 11
năm 1886, đúng mười ngày sau khi hoàn thành tác phẩm Con bạc. Dostoevsky hỏi
Anna liệu cô có thể giúp ông hoàn thành tác phẩm Tội ác và Trừng phạt hay
không? Cô đồng ý và ông mời cô đến nhà, đón cô với tâm trạng phấn khích lạ thường.
Họ đi đến phòng làm việc của ông, nơi đây ông sẽ cầu hôn cô một cách cảm động
và chân thành.
Dostoevsky nói với
Anna rằng ông muốn xin ý kiến của cô về cuốn tiểu thuyết mới mà ông đang viết.
Nhưng khi ông kể cho cô nghe cốt truyện, rõ ràng nhân vật chính trong tác phẩm
là hình ảnh của chính ông, một nghệ sĩ cùng tuổi với nhà văn, đang gặp nhiều
khó khăn, đã sống qua một tuổi thơ khắc nghiệt, và nhiều mất mát, bị hành hạ bởi
căn bệnh nan y, một người đàn ông “ảm đạm, đa nghi, có trái tim nhân hậu, nhưng
không có khả năng bày tỏ tình cảm của mình; có lẽ là một nghệ sĩ và một người
tài năng, nhưng lại là một kẻ thất bại, chưa một lần nào trong đời thành công
trong việc thể hiện ý tưởng của mình theo những hình thức mà anh ta mơ ước, và
là người không ngừng dằn bặt bản thân vì điều đó”. Nhưng nỗi đau khổ lớn nhất của
nhân vật chính là anh đã yêu một cô gái trẻ một cách tuyệt vọng, một nhân vật
tên Anya, người mà anh cảm thấy không xứng đáng; một cô gái dịu dàng, duyên
dáng, khôn ngoan và hoạt bát mà anh sợ rằng mình chẳng có gì để xứng đáng với
cô ấy.
Sau đó Anna mới
nhận ra rằng Dostoevsky đã yêu cô và ông sợ hãi sự khước từ của cô đến mức ông
phải cảm nhận được phản ứng của cô từ đằng sau bỏ bọc của một tiểu thuyết hư cấu.
“Có hợp lý không?”, Dostoevsky hỏi cô, rằng
“nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết
được cho là sẽ yêu người nghệ sĩ có nhiều khiếm khuyết đó?”. Cô kể lại lời
của nhà văn:
“Người đàn ông già nua, bệnh tật, nợ nần chồng
chất này có thể mang lại điều gì cho một cô gái trẻ, đầy sức sống và hoạt bát, hồ
hởi? Chẳng phải tình yêu của cô dành cho anh sẽ làm cô phải hy sinh khủng khiếp
sao? Và sau đó, liệu cô có phải cay đắng hối hận vì đã gắn kết cuộc đời mình với
anh? Và nói chung, liệu một cô gái trẻ có tuổi tác và tính cách khác nhau như vậy
có thể yêu người nghệ sĩ này không? Đó không phải là sai lầm về mặt tâm lý sao?
Đó chính là điều tôi muốn hỏi ý kiến của cô, Anna Grigorievna”.
“Nếu cô ấy có lòng tốt thì yêu một người như
vậy không phải là chuyện hy sinh đối với cô ấy. Lòng tốt không sợ hãi bệnh tật
hay nghèo khổ, người ta thường lấy nhau vì dáng vẻ bề ngoài, vì của cải phù phiếm,
nhưng như vậy đâu phải là tình yêu. Nếu Anya yêu người nghệ sĩ ấy, nàng sẽ hạnh
phúc và không bao giờ hối tiếc cho quyết định của mình”.
Tôi đã nói chuyện
hoàn toàn chân thành. Fyodor Mikhailovich nhìn tôi đầy phấn khích. “Và cô thực sự tin rằng cô ấy có thể yêu anh
ấy một cách chân thành suốt đời?”.
Anh im lặng, như
đang do dự. “Hãy đặt mình vào vị trí của
cô ấy một lát”, anh nói với giọng run run. “Hãy tưởng tượng rằng nghệ sĩ này là tôi; rằng tôi đã thú nhận tình yêu
của tôi với cô và yêu cầu cô làm vợ tôi. Nói cho tôi biết, cô sẽ trả lời thế
nào?”.
Khuôn mặt anh bộc
lộ sự bối rối sâu sắc, thể hiện một nỗi dằn vặt trong lòng, tôi liền hiểu ra rằng
đây không phải là một cuộc bàn luận văn chương bình thường, tôi sẽ giáng vào
lòng cao thượng và tự trọng của anh một tai họa ghê gớm nếu tôi từ chối. Tôi
nhìn vào khuôn mặt đầy bối rối của anh ấy, khuôn mặt đã trở nên thân thương với
tôi và nói: “Em sẽ trả lời rằng em yêu
anh và sẽ yêu anh suốt cuộc đời”.
Tôi sẽ không cố
gắng truyền đạt lại những lời dịu dàng và yêu thương mà anh ấy đã nói với tôi
khi đó; chúng rất thiêng liêng đối với tôi. Tôi choáng váng, gần như bị nghiền
nát bởi hạnh phúc bao la của mình và hồi lâu tôi không thể tin được.
Dostoevsky và Anna |
Anna chấp nhận
tìm hạnh phúc trong đau khổ của đời ông. Cô biết ông từng mang bản án tử hình,
trở về từ địa ngục Siberia, hiện vẫn bị mật vụ thường xuyên theo dõi, lệnh theo
dõi đến năm 1875 mới hết hiệu lực. Mặc dù là một nhà văn tài năng, nhưng đời sống
của ông nghèo túng, bếp bênh, nợ nần chồng chất, bất hạnh nhất là ông mắc chứng
động kinh không phương cứu chữa. Nhưng như Anna đã nói “lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hay nghèo khổ”, quả thực, thời gian
làm việc với Dostoevsky cô đã thầm yêu ông.
Về phần Dostoevsky,
ông hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng để có một mái ấm gia đình. Nhìn từng nét
biểu lộ trên khuôn mặt yêu kiều của Anna, chăm chú nghe từng lời cô nói, ông hiểu
rằng cô yêu ông bằng lòng chân thành. Sau này Dostoevsky kể lại: “Khi tôi kết thúc câu chuyện, tôi thấy Anna
tỏ lòng yêu tôi thật chân thành, mặc dù cô ấy chưa bao giờ thể hiện điều đó;
còn phần tôi, tôi càng yêu thương cô ấy hơn nữa. Ngày anh tôi mất, cuộc đời đè
lên tôi những gánh nặng khủng khiếp, vậy mà tôi lại dám cầu hôn. Khi ấy Anna mới
20, còn tôi đã 45 tuổi, đó là một sự chênh lệch tuổi tác ghê gớm, nhưng dần dần
tôi tin chắc rằng Anna sẽ hạnh phúc, vì cô ấy có một trái tim cuồng nhiệt của
tình yêu”.
Tuy nhiên, để tiến
tới hôn nhân họ phải vượt qua những cản trở từ cả hai phía gia đình. Với gia
đình Dostoevsky; Pasha, cháu trai của người vợ đầu; Emilia, vợ của người anh
trai và con cái của bà đều phản đối kịch liệt; họ biết rằng sau cuộc hôn nhân,
họ sẽ không còn nương tựa, dựa vào những đồng tiền của Dostoevsky kiếm được.Về
phía gia đình Anna, tất cả đều không đồng ý để Anna lấy Dostoevsky. Nếu không
vì tình yêu, họ khó lòng vượt qua được những cấm cản này. Nhiều năm sau con gái
Anna hỏi mẹ: “Sao mẹ yêu được người mà tuổi
đời bằng tuổi ông ngoại vậy mẹ?”. Anna mỉm cười trả lời con “Nhưng cha con tính tình trẻ trung lắm, nếu
con biết cha con thế nào!... Cha con rất thích cười đùa, nhiệt tình, vui vẻ và
nhạy cảm hơn cả lớp trẻ đương thời, những thanh niên tập thói quen đeo kính
trông nghiêm nghị như những vị giáo sư ấy”.
Cuộc hôn nhân
đem đến sự ngọt ngào, mối tình mới nở như mùa xuân phơi phới những mầm non đẹp
đẽ. Nhưng những người bà con trong gia đình Dostoevsky như đám mây mờ che lấp
đi niềm vui của họ. Emilia và Pasha thường xuyên xúc phạm Anna, họ vẫn bám lấy
Dostoevsky, những đồng tiền ông kiếm được cứ dần dần đi vào túi của họ. Anna bất
lực không thể làm gì được, cô biết rằng Dostoevsky không thể chối từ trước những
người họ hàng này, ngay cả những nhu cầu thiết yếu của riêng ông, ông cũng
không màng nghĩ tới. Cô không muốn tình cảnh này kéo dài, giờ cô đã có nhiệm vụ
thiêng liêng của một người làm vợ, còn đối với những người bà con kia, tuy tìm
cách bòn rút tiền bạc, họ chỉ xem ông là hiện thân của những thất bại triền
miên, tù đày, bệnh tật, và nợ nần. Riêng Anna biết rằng “Dostoevsky chỉ có con đường duy nhất là sáng tạo”, sứ mệnh của ông
là đem linh hồn thắp sáng cho cuộc đời. Đau khổ, tù đày, nghèo túng trở thành
chất liệu, nội tâm ông là ngọn núi lửa đang âm ỉ dưới khổ nạn, những gì ông đã
thể hiện, sáng tạo ra là những bước chân trên con đường của một thiên tài. Năm
1839, khi Dostoevsky còn là một thanh niên 18 tuổi, ông đã viết một bức thư gửi
anh trai mình, cho thấy ông đã biết được lý tưởng của cuộc đời mình là gì: “Con người là một hiện thể huyền bí cần phải
được kiến giải, nếu anh sống trọn đời để kiến giải điều ấy thì đừng nói anh đã
hoang phí cuộc đời, em đang dấn thân để giải thích sự huyền bí này, vì em muốn
được làm người”.
Dostoevsky đã chọn
lựa định mệnh của mình, sống đến tận cùng, đưa đẩy mình chuyện trò với cái chết,
dũng cảm bay giữa địa ngục và văn chương, là suối nguồn phản chiếu nội tâm của
ông qua cuộc đời để khai phóng sự huyền bí của con người, từ tội ác học, nhân bản
học cho đến cõi siêu hình.
Trước khi họ cưới
nhau, một buổi sáng tháng 9, giữa mùa đông giá lạnh, Dostoevsky mặc chiếc áo
phong phanh đến gặp Anna giữa trời mưa tuyết, ông run cầm cập, cảm thấy cái lạnh
của mùa đông buốt xương da, đến nhà Anna ông không thốt ra lời. Anna vội vàng
rót cho ông hai chén trà nóng, bưng tiếp hai ly rượu hồ đào, uống xong ông mới
tỉnh người lại. Anna hỏi ông áo rét đâu sao không mặc? Giọng cô đầy trách móc hờn
giận, không giấu được ông mới thành thật rằng, “Pasha và Emilia cần gấp một số tiền nên đã xin ông mang chiếc áo đi cầm”,
nghe xong Anna ràn rụa nước mắt.
“Thế này làm sao anh sống nổi với mùa đông?”
Dostoevsky sung
sướt vuốt tóc cô:
“Bây giờ anh mới hiểu em yêu anh chừng nào!
Em không thể khóc như thế này nếu anh không được em yêu!”
Từ hôm đó Anna
tìm đủ cách để bảo vệ cuộc sống của ông và đó là cuộc đấu tranh không dễ dàng.
Cô nói với ông phải cưới nhau sớm, chắc chắn trước tổ ấm mới dựng xây, những
người bà con sẽ buông tha cho ông, nhưng lấy tiền đâu để tổ chức lễ cưới bây giờ?
Cả Anna lẫn Dostoevsky đều không đủ tiền tổ chức ngày vui thiêng liêng của họ.
Cuối cùng ông quyết định đi Moscow gặp M.M.Katkow, ông chủ tờ báo Rusky Vestnik
để xin ứng trước số tiền của tác phẩm Gã
khờ ông sẽ viết.
Hai bức thư ông
viết cho người vợ chưa cưới từ Moscow có những dòng cảm xúc về lòng chung thủy
của Anna và tương lai tổ ấm của họ như sau: “Anh
tưởng nhớ em, nhớ bóng hình em từng giờ, từng phút. Vâng! Anna! Anh yêu em vô
cùng, hôn em một triệu lần… Năm mới và mùa hạnh phúc mới đang đến gần, cầu
phúc cho tình yêu của chúng ta… cho thiên thần của anh… Anh sẽ làm việc với cả
sức lực, tất cả đều vì em, vì lòng chân thành của em, lòng chân thành vô bờ
không thay đổi, anh tin em và nhắc lại tương lai của anh với em, Anna, người bạn
vĩnh cửu của anh, ngày cưới của chúng ta đã quyết định rồi, chúng ta phải có tiền
và lấy nhau ngay lúc có thể, anh yêu em biết bao! Yêu em vô cùng, điều ấy làm
anh sung sướng quá! Với người vợ như em hỏi sao anh không hạnh phúc chứ? Yêu
em, Anna, anh yêu em mãi mãi”.
Dostoevsky và
Anna kết hôn vào ngày 15/02/1867, hôn lễ của họ được cử hành tại nhà thờ Thánh
Ba Ngôi Izmalovo, đó là ngày Dostoevsky ghi khắc vào tâm khảm mình, ngày
15/02/1854 ông trở về từ địa ngục Siberia, “Tự
do! Tự do! Ôi! Cuộc đời mới, sự hồi sinh từ cõi chết! Và ngày ấy! Anna Grigorievna,
đây là cuộc đời mới, là tất cả tương lai, hy vọng, chân thành, hạnh phúc và huyền
diệu của đời anh”. Dostoevsky hưng
phấn giới thiệu Anna tới tất cả bạn bè, bà con dòng họ: “Nàng là người của tình yêu, người kỳ diệu, người có trái tim bằng
vàng”. Họ đã yêu nhau say đắm cho đến khi Dostoevsky qua đời mười bốn năm
sau đó. Mặc dù họ phải chịu đựng khó khăn về tài chính và cũng gặp những bi kịch
to lớn, bao gồm cả cái chết của hai trong số 4 đứa con họ, họ vẫn động viên
nhau bằng tình yêu. Trong 59 năm sống trên đời, thời kỳ hứa hôn với Anna là những
tháng ngày đẹp nhất cuộc đời Dostoevsky, trái tim cuồng nhiệt tuổi trẻ của cô
đã hồi sinh cõi lòng băng giá của ông. Anna đã hoàn toàn biến đổi con người
ông, cô đem đến cho ông nhiều cảm xúc mới, nhiều ý tưởng mới, gánh vác gia đình
thoát khỏi nợ nần và giúp ông trở thành một con người tốt đẹp hơn.
Mười năm trước
đây, trong đêm tân hôn với người vợ đầu, Dostoevsky đã lên cơn động kinh làm cô
dâu hoảng sợ, đó là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc hôn nhân này không
hạnh phúc, và cũng là nguyên nhân cho sự tan vỡ của những mối tình của ông. Và
giờ đây, trong đêm tân hôn với Anna, cơn động kinh của ông lại đến hành hạ hai
người. Nhìn ông quằn quại trong đau đớn, Anna không chút sợ hãi nào, trái lại
cô còn chăm sóc yêu thương ông hơn nữa, mặc dù đó là lần đầu tiên cô chứng kiến
một người trong cơn động kinh. Sau này cô kể lại: “Giữa lúc ấy tôi không hề hoảng sợ, dù đó là lần đầu tiên tôi thấy cơn
động kinh tấn công một người, tôi vội ôm lấy đôi vai Fyodor, dùng sức đặt anh ấy
nằm trên divan, nhưng khủng khiếp quá! Thân thể chồng tôi vật vã lìa khỏi chiếc
ghế mà tôi không đủ sức giữ lại… Tôi đành để Fyodor nằm trượt xuống sàn nhà rồi
quỳ người xuống hết sức ghì anh ấy vào chân tôi… Dần dần cơn co giật hạ bớt, Fyodor
bắt đầu tỉnh táo lại. Nhưng một giờ sau cơn động kinh lại đến, tôi lo âu biết
bao, nó vẫn dữ dội như thế, khủng khiếp như thế, khoảng hai giờ sau chồng tôi mới
tỉnh lại, anh ấy kêu lên thật đau đớn, đó là chứng bệnh thật ghê gớm. Ôi! Một
đêm kinh hoàng biết bao! Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến Fyodor chịu đựng cơn đau của căn bệnh ấy, nghe những tiếng kêu la rên rỉ không dứt, nhìn
khuôn mặt hổn hển thờ thẫn, đôi mắt điên dại của anh và tôi hoàn toàn không hiểu nổi
những lời ngắt quãng thều thào, tôi đau lòng nghĩ rằng người chồng thương yêu của
tôi sắp hóa điên, ý nghĩ này ám ảnh tôi ghê gớm”.
Anna lấy
Dostoevsky khi tuổi đời còn rất trẻ, cái tuổi chưa đủ chín chắn để đối đầu với
bão tố của đời người. Chứng kiến căn bệnh của ông trong đêm tân hôn là một mất
mát lớn lao cho hạnh phúc của cô, nhưng bối cảnh cuộc sống hiện tại còn đe dọa
họ hơn nữa. Những người bà con giờ đây trở thái độ thân thiện với Anna, họ
quanh quẩn bên cô suốt từ sáng tới chiều. Cuộc sống riêng tư của đôi vợ chồng bị
ảnh hưởng, họ bị mất tự do và những công sức làm việc của Dostoevsky cùng Anna dần
dần biến thành những nhu cầu đòi hỏi của những người bà con này. Cuối cùng, họ
quyết định phải xây dựng hạnh phúc ở một vùng đất khác, họ phải rời Saint Peterburg ồn
ào, rời khỏi những nỗi phiền hà, rời khỏi những khuôn mặt chủ nợ thỉnh thoảng
xuất hiện trước cửa nhà. Họ quyết định sẽ đến châu Âu.
Hai vợ chồng
cùng nhau đi Moscow để điều đình với Katkov một khoản tiền ứng trước nữa, chủ
bút Rusky Vestnik đồng ý trao cho họ 1000 rúp khác. Anna vui mừng quá đỗi, cô
đã thân mật hơn mức bình thường khi trò chuyện với một người trẻ tuổi ở nhà chị
cô. Dostoevsky từng đau khổ vì hình ảnh Vergurov, người giáo sư trẻ tuổi trong
lòng Suslova. Hai người phụ nữ trước không che giấu mong muốn ngoại tình của họ
khi đang sống với ông. Nhưng khi ấy Dostoevsky không tỏ thái độ ghen tuông, ông
chỉ âm thầm chịu đựng, hơn nữa, ông còn tìm cách vỗ về họ nữa. Còn với Anna,
thái độ của ông lại khác hẳn, ông giận dữ ghen tuông làm Anna phải ôm mặt
khóc, nước mắt trong trắng cũng như tấm lòng của cô làm ông thấy rõ sự phi lý của
mình. Ông hối hận, dằn vặt suốt đêm khiến Anna phải trìu mến an ủi lại ông.
Chuyện rắc rối ấy không phải là bóng mây che bớt niềm vui của Anna, trái lại,
điều ấy chứng tỏ Dostoevsky yêu cô khôn cùng và điều sung sướng là họ đang có
tiền để thực hiện mong muốn của mình. Những ngày ở Moscow, trong khách sạn
Dusso, đôi vợ chồng như mới thật sự hưởng tuần trăng mật của mình.
Kế hoạch ra nước
ngoài của họ bị những người trong gia đình phản đối kịch liệt, họ đòi hỏi nếu
muốn ra đi thì phải để lại cho họ một số tiền trả dần cho các chủ nợ, thế là
trong số tiền ấy Dostoevsky phải trích bớt 400 rup, ông buồn bã sợ chuyến đi của
mình sẽ không thành. Nhưng Anna đã quyết tâm, cô thu góp những gì mình có, từ đồ
đạc, quần áo, vàng bạc để đem đi bán và cầm cố. Ngày 14/04/1867, họ rời quê
hương.
Mười tháng sau từ
ngày rời xa quê hương, Anna sinh con gái đầu lòng, ông đặt tên con gái là
Sonya, là tên của nhân vật nữ trong tác phẩm Tội ác và Trừng phạt, giờ phút
nhìn con cười khóc trong vòng tay của hai vợ chồng là giờ phút thiêng liêng nhất
đối với Dostoevsky, ông sống trong cảm xúc và ý tưởng về một thế giới mới, thế
giới hơn nửa đời người ông mới chạm đến được, bàn tay vụng về của Dostoevsky
trong sự sắp xếp cuộc sống bỗng dưng trở nên khéo léo trong tình yêu thương đối
với vợ con. Ông làm đủ mọi việc chăm sóc con, từ quấn tã, hát ru, ẩm nựng đùa
vui. Từ ngày có con, Dostoevsky không rời tổ ấm một lúc nào cả, ông thấy trái
tim và linh hồn mình quyện lẫn trong hơi thở của Anna và bé gái.
Khi Sonya được 3
tháng tuổi, vào tháng 5/1868, cháu đã vĩnh viễn ra đi. Dostoevsky ôm lấy thân
xác giá lạnh của con gái khóc ngất, tiếng khóc của ông là nỗi tuyệt vọng khôn
cùng, suốt ngày ông chìm trong đau đớn, cuộc sống của ông khoảng thời gian ấy
chìm trong tuyệt vọng. Chính Anna là người tìm cách an ủi chồng, nhưng
Dostoevsky vẫn không nguôi được. “Không!
Không một thế giới hài hòa nào có thể thay thế được sự mất mát lớn lao này,
không một thiên đường nào trong đời chuyển vị được trái tim của người cha bị cướp
mất đứa con đầu lòng”. Anna nhớ lại “Fyodor
yêu cháu hơn bất cứ thứ gì trên đời này, anh thường nói rằng, anh chưa bao giờ sung
sướng như vậy khi có Sonya, nỗi tiếc thương của anh ấy nhiều hơn những gì tôi
tưởng, trên đời tôi chưa bao giờ thấy một người cha tuyệt vọng như vậy khi mất
đứa con của mình và anh chỉ nguôi ngoai đi khi chúng tôi có đứa con thứ hai”.
Ngày 4/9/1869 bé
gái thứ hai chào đời, vợ chồng đặt tên con là Lioubov (nghĩa là tình yêu), ánh
sáng lại chan hòa trong gia đình, Dostoevsky yêu quý con vô bờ, ngày đêm không
rời khỏi con, niềm vui sướng của ông được thể hiện ngay cả khi ông viết thư cho
nhà phê bình N.N. Strakhov: “A! Tại sao
anh không lấy vợ? Tại sao anh không có con? Hỡi! Anh bạn Nicolai Nikolayevich,
tôi thề với anh rằng ¾ hạnh phúc trên đời này nằm trong tình thương yêu con, những
gì còn lại chỉ là ¼”.
Tình yêu của Dostoevsky và Anna là bản giao hưởng của hạnh phúc và niềm tin, thời gian của họ là phương tiện để đi đến cái vô cùng của nhau, trong lúc thế hệ đương thời chưa đánh giá hết tài năng của Dostoevsky, Anna luôn tin chồng mình tài giỏi hơn cả trí tuệ thời đại cô đang sống, hạnh phúc lớn nhất của cô là từng phút, từng giờ được chiêm ngưỡng ánh sáng kỳ lạ của “Mặt trời Dostoevsky”. Trong bức thư gửi cho Anna ngày 17/05/1867, Dostoevsky thú thật: “Chúa đã ban em cho anh, chúa đã để không một suối nguồn nào trong em bị hoang phí, ngược lại, nó sẽ nở hoa rực rỡ kỳ diệu. Chúa đã ban em cho anh, sự kỳ diệu này sẽ giúp anh rửa sạch mọi tội lỗi qua lòng em… anh sẽ ngợi ca em trước mặt Chúa như một con người toàn thiện”. Sau này Liuobov viết về cha mình: “Cha tôi rất quan tâm đến đời sống tinh thần của mẹ tôi, ông thường dẫn mẹ tôi đi thăm viện bảo tàng, chỉ cho bà những bức tranh đẹp, những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng và tìm cách đánh thức trong tâm hồn trẻ trung của bà tình yêu với mọi cái lớn lao, trong lành và cao quý”.
Dostoevsky rất
yêu âm nhạc và hội họa, đặc biệt là những bản giao hưởng của Beethoven, tranh của
Raphael và Claude Lorraine. Ông thường thả hồn vào thế giới âm thanh của
Beethoven, ngắm tranh của các họa sĩ phương Tây, tất cả đam mê của ông dần dần
hiện ra trong các tác phẩm đầy chất khám phá và thấu thị. Suốt cuộc đời Anna
nghĩ về ông như về một trẻ thơ mầu nhiệm và cô đã yêu Dostoevsky như yêu trẻ
thơ mầu nhiệm ấy, không bao giờ cô để cho ông thoáng ý nghĩ thất vọng về mình.
Trong bức thư gửi về cho mẹ của Anna, Dostoevsky đã viết: “Anna yêu con, trên đời chưa bao giờ con hạnh phúc như vậy khi được sống
với nàng, nàng thật dễ thương, rộng lượng, thông minh, nàng tin yêu con và đã kết
hợp với đời con khắn khít đến nỗi với tình yêu của nàng, nếu con lìa xa nàng chắc
con không sống nổi”.
Ngay những ngày
tháng khó khăn, bi đát nhất trong cuộc sống, Anna vẫn luôn lạc quan yêu đời,
ông thấy nàng không bao giờ biểu lộ nét ưu tư, lo lắng hoặc phiền trách. Về phần
Dostoevsky, nhiều khi trong túi chỉ còn mấy đồng, ông cũng mua cho Anna khi thì
vài bông hoa, khi thì vài cái bánh ngọt để uống trà. Anna nhận những món quà
nho nhỏ ấy xúc động như ông đã mang tới cho cô cả một vườn hoa hay cả một tiệm
bánh bằng tình yêu của ông.
Những năm ở nước
ngoài không bạn bè, không người thân họ hàng, chỉ có cái nghèo cận kề với họ,
lúc đầu Dostoevsky sợ rằng sự cô đơn mà ông cần để sáng tạo sẽ là nỗi buồn đối
với Anna, nhưng Anna luôn luôn nhắc lại rằng: “Hạnh phúc biết bao là những ngày tháng bình yên ấy”.
Trước ngày rời
khỏi nước Nga, họ dự tính chỉ ở nước ngoài một thời gian ngắn, nhưng bốn năm đã
trôi qua. Thời gian ấy, những gì trong cuộc sống đã hiện ra với họ như câu trả
lời của sự thực, sự thực về tình yêu của họ không thể sống thiếu nhau, sự thực
về đời sống lạnh lùng của họ ở nước ngoài, sự thực về những cuộc phiêu lưu xuống
mấy tầng địa ngục trên “bàn con quay” đã cho ông khám phá ra toàn bộ máu me sa
đọa của những người đánh đu trên hố thẳm đỏ đen. Ngay cả khi mới sang châu Âu
vài tháng, Dostoevsky đã nướng hết 100 đồng tiền vàng vào ngày 16/07/1867 bằng
thú cờ bạc, ông phải về thú nhận với Anna, vợ ông đã gỡ hoa tai, trâm cài đầu mà
ông tặng vào ngày cưới để ông tiếp tục cuộc chơi. Ông ôm lấy vợ xúc động, hôn
tay Anna nói rằng: “Trên đời không có người
phụ nữ nào bao dung như em” rồi ông lại lao ra cửa như một cơn lốc, ba giờ
sau ông cháy túi trở về, nhìn Anna ông ôm mặt đau khổ òa khóc. Sau đó, ông vơ
vét được ít tiền rồi lại tìm tới xới cờ bạc đốt hết, về nhà Anna đưa cho ông
chiếc áo lông quý giá mẹ cô đã cho trước khi đi, cô đưa luôn cả nhẫn cưới của mình, ông
mang tất cả tới tiệm cầm đồ. Chiều tối trở về nhà, ông phơi phới cầm bó hồng trên tay
tặng Anna, lần này ông đã thắng, chuộc lại chiếc áo, hai chiếc nhẫn cưới và còn
dư 180 francs. Nhưng đến ngày 24/7, tất cả tài sản trong nhà đã ra đi, Anna đã
ghi vào nhật ký: “Quả thực giờ đây chúng
tôi chẳng còn gì để sống”.
Hai vợ chồng phải
rời bỏ khách sạn tìm thuê căn gác xép trên một lò rèn, suốt ngày phải chịu đựng
tiếng đe, tiếng búa kêu chan chát giữa lúc Anna đang mang bầu, còn Dostoevsky
thì quay cuồng với cơn động kinh. Vào thế cùng cực, Anna phải viết thư về nhà để
xin ít tiền, tìm cách rời khỏi cái lò rèn đó.
Bốn năm sống ở
nhiều nơi tại châu Âu, cả Dostoevsky lẫn Anna đều mong mỏi trở về quê hương,
trong bức thư gửi Maikov, Anna than thở: “Ở
đây khổ sở biết bao! Tôi đã quá mệt mỏi vì cuộc sống đổi dời từ nơi này đến nơi
khác, không có một nơi nào ổn định, khi nào tôi được trở về quê nhà chắc tôi sẽ
không cho phép mình rời nước Nga lần nữa, nhưng ngày hồi hương của chúng tôi chỉ
là giấc mơ, ai biết lúc nào sẽ thành sự thực, ngày ấy hẳn các chủ nợ sẽ bắt
Fyodor vào tù, giá như họ đồng ý để tôi ngồi tù thay anh ấy, tôi sẽ không ở đây
thêm một phút nào nữa, tất cả hy vọng của chúng tôi đều trông mong vào Fyodor,
nhưng gần đây sức khỏe anh ấy xấu quá, anh thường lên cơn động kinh và bị nhức
đầu dữ dội, tuy nhiên chúng tôi sống rất hạnh phúc và hòa hợp, tôi thấy mình sẽ
là người sung sướng nhất đời nếu không có lòng mong nhớ nước Nga vời vợi thế
này. Hãy viết thư thường xuyên anh nhé! Anh biết không! Khi nhận được thư từ
quê nhà, khi đọc thư anh, lòng chúng tôi như đến được đời sống nơi ấy”. Từ
Geneve, Dostoevsky viết thư cho Maikov: “Không
được sống ở quê nhà thật đau khổ, tôi cần nước Nga cho cảm hứng sáng tác của mình”.
Cuộc sống ở châu
Âu không còn gì quyến rũ họ nữa, ngày đêm ước mơ hồi hương càng trở nên mãnh liệt,
nhưng hoàn cảnh của họ chưa cho phép, họ mới sinh con, tiền bạc không có, và
bao điều rối rắm buộc chân họ lại, rồi các chủ nợ ở quê nhà luôn lăm le. Trong
tình trạng như thế, Dostoevsky đã than thở rằng: “Xa nước Nga quá lâu, dường như sức sáng tạo của anh đang cạn dần đi”.
Thế là Anna lại
tìm đủ mọi cách để trở về ngay, như cách cô đã xoay sở để quyết tâm ra đi. Trước ngày chuẩn bị hồi hương, Dostoevsky
nhận được một bức thư gửi từ Nga, thư báo cho biết khi ông đặt chân về nước
Nga, sẽ ngay lập tức bị cảnh sát tra hỏi và khám xét hành lý, vì ông bị tình
nghi có dính líu đến tổ chức cách mạng. Thế là tại Dresden năm 1871, ông đã đốt
bản thảo Người chồng muôn thủa, Gã khờ, và phần đầu của tác phẩm Lũ người quỷ ám. Nếu hồi ấy vợ ông là
người phụ nữ khác, kho tàng văn học thế giới đã mất đi những tác phẩm vĩ đại ấy,
nhưng Anna là người đầu tiên tin tưởng vào ánh sáng tài năng của Dostoevsky, cô
đã quyết tâm gìn giữ đến cùng, ngoài những bản thảo cô còn chép riêng một bản
khác và đã bí mật đem qua biên giới sau khi cô để ông trở về trước, về đến
Saint Peterburg việc đầu tiên cô làm là nhờ mẹ cô giữ hộ những tác phẩm ấy.
Giấc mơ hồi của
họ đã trở thành sự thực, Saint Peterburg thuở ban đầu như sống lại trong lòng họ,
nhưng nếu thời gian càng làm cho tình nghĩa vợ chồng gắn bó hơn thì cuộc sống
nơi nào cũng có tai ách săn đuổi họ. Sau ngày về, Dostoevsky nói với Anna:
“Tốt lắm Anna ạ! Chúng ta đã sống bốn năm hạnh
phúc ở nước ngoài, mặc dù đôi khi có lắm nỗi truân chuyên, còn Saint Peterburg
sẽ cho chúng ta những gì đây? Anh thấy nhiều nỗi lo âu, khó khăn đang chờ chúng ta khi đặt
chân trở về”.
Anna đáp chồng: “Vấn đề chính là giấc mơ bao lâu của chúng
ta đã trở thành sự thật”.
28/04/1871, sau
nhiều năm đắm chìm trong cờ bạc đỏ đen, đến một ngày đã chín, ông tỉnh ngộ trước
bản chất sa đọa của con người, cũng như sự phi lý của những kẻ tìm lối thoát cuộc
sống trong may rủi đỏ đen, ông viết thư cho Anna như một lời chứng thực của sự
tỉnh ngộ này: “Một việc lớn lao đã diễn
ra trong anh, thói ngông nghênh tởm lợm từng dày vò anh mười năm qua đã biến mất.
Từ mười năm nay, không! Đúng hơn là từ ngày anh trai mất đi, khi anh phải è cổ
để gánh lấy nợ nần, anh đã mơ ước kiếm tiền, anh đã làm điều mơ ước đó một cách
say mê mù quáng, bây giờ tất cả đã chấm dứt”. Sau bức thư ấy, Dostoevsky
hoàn toàn đoạn tuyệt với cờ bạc, đỏ đen.
Ngày 16/06/1871
Anna sinh đứa con trai duy nhất của vợ chồng bà tại Saint Peterburg. Những ngày mới trở về, Anna hy vọng bán căn nhà mẹ
bà cho làm của hồi môn để trả dần nợ cho Dostoevsky. Nhưng thời gian họ rời bỏ
quê hương, người quản lý lợi dụng sự vắng mặt đã âm mưu đem bán đấu giá, thế là
hy vọng trả nợ tiêu tan, trong khi cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào
việc bán tác phẩm “Lũ người quỷ ám” đang được đăng tải từng kỳ trên tờ báo
Rushy Vestnik. Các chủ nợ xâu xé, dọa nạt đưa Dostoevsky vào tù. Anna mới sinh,
cô đã một mình chống đỡ để bảo vệ ông tới cùng, vì hơn ai hết, cô hiểu rằng có
một hạt kim cương vô giá đang kết tinh trong nội tâm chồng mình, cô quyết không
để bi kịch nào ảnh hưởng đến giờ phút sáng tạo của ông. Cuối cùng, ngày khai
sinh đứa con tinh thần bất tử mà ông đã đề tặng Anna cũng đến, đó là tác phẩm
vĩ đại Anh em nhà Karamazov (The Brothers
Karamazov).
Năm 1872, gia
đình họ gặp nhiều tai ương, con gái Lioubov bị ngã gãy tay, người chị ruột của
Anna mất khi mới 30 tuổi, mẹ Anna bị bệnh nặng, bản thân Anna bị viêm họng, rồi
tiến triển xấu đến nỗi bác sĩ tiên lượng về cái chết. Trước những hoạn nạn, mới
thêm thấy về sức chịu đựng, ý chí và lòng hy sinh của cô. Trong nhật ký của Dostoevsky
viết năm 1876 ông ca ngợi hình ảnh dũng cảm của phụ nữ Nga qua tấm gương sáng của
vợ mình: “Cuối cùng tôi muốn nói hình ảnh
khác nữa về người phụ nữ Nga, tôi nói rằng phụ nữ Nga là một trong những hy vọng
lớn nhất, một trong những ước mơ trẻ trung nhất của chúng ta, sự hồi sinh của
người phụ nữ Nga trong hai mươi năm qua thật không thể tranh cãi được, hy vọng
của người phụ nữ đã vươn lên hòa chan vào sự trong sáng, không sợ hãi, ngay từ
bước đầu điều ấy đã thể hiện lòng cao quý… người phụ nữ đã quả quyết nói lên ước
mong của mình muốn tham dự vào cuộc đấu tranh chung và thực tế họ đang làm như
vậy, không phải vì lòng vị kỷ nhưng bằng tâm tình hiến dâng…”.
Tất cả những tác phẩm của Dostoevsky viết sau ngày gặp Anna, những nhân vật phụ nữ đáng yêu trong đó đều ít nhiều mang bóng dáng, tính tình, phẩm cách của Anna. Thật vậy, mười bốn năm làm vợ Dostoevsky, Anna đã chứng tỏ cô là người vợ phi thường của đại văn hào Dostoevsky, cô quên đi bản thân mình, vui trong niềm vui chồng con, hiến dâng cho sự sáng tạo của Dostoevsky là mục đích đời cô, lo lắng mọi việc trong nhà, một mình chống đỡ biết bao tai ương để giữ bình yên cho ông. Niềm vui lớn nhất của cô là sự sáng tạo của Dostoevsky, mỗi lần ông viết xong một tác phẩm, cô sung sướng như vừa đón một đứa con chào đời. Năm 1876, từ Eims ông viết thư về cho Anna: “Em là người phụ nữ phi thường, tuyệt vời nhất trong tất cả những người phụ nữ, chính em, em không ngờ được năng lực của em đâu! Không những em gánh vác hết mọi việc nhà, công việc của anh, mà còn tất cả công việc của chúng ta nữa. Ví như em là nữ hoàng của một vương quốc, anh thề với em rằng, em sẽ trị vì tốt đẹp hơn bất cứ vị vua nào khác. Quả thật em thông minh, quán xuyến, độ lượng và đủ năng lực tổ chức như vậy…”.
Năm 1878, gia
đình chịu đựng thêm một mất mát đớn đau nữa, đứa con út mất khi mới 3 tuổi sau
một cơn động kinh, năm ấy Dostoevsky đang viết tác phẩm Anh em nhà Karamazov. Tình yêu của người cha thật vô cùng, trái tim
ông quặn thắt lại, cũng như cái chết của Sonya trước đây, niềm nhớ thương con
làm ông luôn ủ rủ, ông không thể nào viết tiếp tác phẩm đang còn dở dang. Trong
những ngày tháng bất hạnh đó, lại chính Anna, một lần nữa nén nỗi đau của mình
để giúp ông nguôi ngoai, cô nhờ người bạn trẻ, nhà triết học Vladinuz Soloyez
khuyên ông đến thăm vị linh mục nổi tiếng đạo hạnh và linh thánh ở tu viện
Optina. Sau khi trở về, Dostoevsky thấy lòng mình yên ổn và tiếp tục sáng tác với
một sinh lực mới.
Anna và hai người con |
Anh em nhà
Karamazov được Dostoevsky bắt đầu viết khi về sống ở Staraya Rusa, một thị trấn
nhỏ gần Novgorod, nơi có những dòng suối khoáng tốt cho sức khỏe của gia đình, ông rất thích ở đây, không khí trong lành, yên tĩnh, gia đình ông sống trong căn
nhà của người anh Anna, dù không phải sở hữu nhưng về đây gia đình ông thoát được
cảnh phải thuê nhà rồi chuyển nhà liên tục ở Saint Peterburg. Suốt cuộc đời
sáng tạo, đêm đối với ông là ánh sáng, khi cả nhà bắt đầu yên giấc là lúc ông
làm việc, là lúc ông đưa những khám phá về bí ẩn của con người, của cuộc đời
vào những trang sách.
Tháng 6/1880, Dostoevsky
thực hiện xong ước nguyện của đời mình, trả sạch nợ nần, lòng yên ổn với tuổi đời
cánh hạc và đọc bài diễn văn tưởng niệm Pushkin ở Moscow, con sơn ca yêu quý tự
do mà thời trẻ ông ngưỡng vọng, suốt đời ông vẫn giữ tình cảm ấy. Bài diễn văn
của ông là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác, đẹp như lời ca thiên nga, ông đã
tâm huyết viết nên bài ca suốt đời ông mong muốn.
Sau này Lioubov
nhớ lại: “Cha tôi hy vọng sẽ tiếp tục điều
trị vào tháng 9, nhưng rồi ông bỏ ý định ra nước ngoài, vì ông đang thỏa nguyện
với cảm xúc chiến thắng trong ngày ấy, ông nghĩ ông còn đủ sức để sống thêm nhiều năm nữa, khỏi phải đi Eims chữa bệnh làm gì. Ôi! Ông đâu có biết cơ thể, xương cốt ông đã
suy kiệt đến chừng nào, ý chí sắt đá của dòng tư tưởng bùng cháy trong tim ông
cho ông sức sống tràn đầy để vượt qua sự thực của thân xác, nhưng thực tế ông
đã yếu lắm rồi…”.
Dostoevsky biết
sức mình chứ! Ông thừa hiểu căn bệnh khí phế thũng có thể tiến triển rất nhanh
và nguy kịch, Anna còn hiểu điều ấy rõ hơn, nhưng cô không ngờ ngày cuối cùng của
đời ông đến nhanh như vậy. Có lẽ nếu ông không thao thức nhiều đêm để viết bài
diễn văn tâm huyết đó thì ông vẫn còn nhiều thời gian hơn nữa trên cõi đời.
Đêm 25 rạng sáng
ngày 26/01/1881, khi ông xê dịch kệ sách để tìm cây bút bị rơi, bỗng ông gập
người ôm lấy ngực ho dữ dội, vài tia máu vươn theo nước dãi chảy ra miệng. Hôm
sau ông cãi cọ dữ dội với người chị V.M.Ivanove về chuyện chia gia tài, thế là
tình trạng bệnh càng trầm trọng. Sáng ngày 28/01/1881 ông đánh thức Anna dậy,
ông khàn giọng nói:
“Anna! Em biết không? Anh đã nằm thao thức
ba tiếng đồng hồ, bây giờ anh biết rõ rằng đúng ngày này anh sẽ ra đi”.
Anna ôm lấy ông
nghẹ ngào, quả quyết rằng ông sẽ sống, nhưng Dostoevsky ngắt ngang lời cô:
“Không! Em ạ! Anh biết mình sẽ ra đi ngày hôm nay, hãy thắp đèn lên Anna, lấy cho anh cuốn Gospel".
Đó là cuốn Tân Ước mà ba mươi năm trước những người bạn ở nhóm tháng
chạp đã cho ông ở Tobolsk, trên đường đi đày tới địa ngục Siberia, trước giờ
phút lâm chung ông muốn bàn tay mình lật những tờ kinh và đọc chúng.
Sáng hôm đó ông giở cuốn Gospel ra nhưng ông không đủ sức để đọc, Anna nức
nở gạt nước mắt đọc cho ông nghe, ông tỉnh táo nói với cô:
“Hãy nhớ rằng, Anna, anh mãi mãi yêu em say
đắm và không bao giờ làm em thất vọng về tình yêu đó”.
Ông gọi con cái
đến bên giường dặn dò chúng phải sống thế nào sau khi ông mất, bảo chúng phải
yêu thương mẹ thế nào, phải yêu sự chân thật, yêu lao động, phải yêu người
nghèo và luôn luôn tìm cách giúp đỡ họ.
Anna không rời
khỏi chồng một phút, cô muốn đem sự sống của mình chan hòa vào hơi thở của ông
nhưng không thể, Dostoevsky cần lấy tay cô rưng rưng:
“Em thương yêu! Làm sao anh bỏ em… cho đành…
với người vợ nghèo thế này!... với cuộc sống giờ đây biết bao khó khăn em phải
gánh vác một mình…”.
Mặt trời của
Anna vĩnh viễn lặn tắt năm cô vừa tròn 35 tuổi, nhưng đối với cô hạnh phúc
riêng tư từ đây đã chấm dứt, cuộc sống trước mắt chỉ còn lòng tưởng nhớ, trong
nhật ký cô viết về những ngày vĩnh biệt ấy như sau: “Có điều duy nhất tôi biết rõ rằng, cuộc sống bao nhiêu hạnh phúc vô
cùng ấy đã hết, từ đây tôi mãi mãi là người lẻ bóng, tôi đã yêu thương chồng cuồng
nhiệt như vậy, tận tụy như vậy, đã thể hiện hết tình yêu, tình bạn, lòng kính
trọng với con người tài năng lớn lao này. Trước sự mất mát này thật không có gì
bù đắp nổi, trong những giờ phút đau thương của sự thật, tôi thấy mình khó sống
nổi sau cái chết của chồng tôi, trái tim tôi sắp vỡ tan hoặc rồi đây sẽ hóa
điên… Tôi đã mất đi con người toàn diện nhất trần đời. Người là niềm vui, niềm
kiêu hãnh, hạnh phúc của đời tôi. Ôi! Mặt trời của tôi, ôi! Thần thánh của tôi”.
Đám tang của Dostoevsky
là một sự kiện lịch sử lớn thời bấy giờ, khi ánh sáng vầng dương đã tắt con người
mới vội vã níu lấy hoàng hôn, gần 30.000 người đi sau quan tài Dostoevsky, có
những người đeo gông, quàng xích lên mình để tưởng nhớ cuộc đọa đày của văn hào
trong ngục tù Siberia, họ đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng ở tu viện Alexandre
Newsky trong niềm tiếc thương. Với Anna, mùa xuân còn lại đã chấm
dứt, trước linh cửu Dostoevsky cô đã thề nguyền sẽ ở vậy trọn đời để phụng thờ
ông, sau này nhiều người hỏi cô sao không đi bước nữa khi tuổi xuân đang tràn
trề nhựa sống, Anna tỏ ý nổi giận nói rằng:
“Điều ấy đối với
tôi là một sự phạm thánh”, rồi cô bông đùa, “Sau Dostoevsky tôi có thể lấy ai
bây giờ? Tolstoy ư?”. Quả thực, thời đại ấy, tại nước Nga chỉ có Tolstoy và Dostoevsky
là hai tượng đài bất tử của nền văn học thế giới.
Anna tiếp tục
tìm hạnh phúc trong tinh thần Dostoevsky. Cô đứng ra xuất bản
toàn bộ các tác phẩm của chồng đến bảy lần. Năm 1883, cô mở ở Staraya Rusa một
trường học miễn phí mang tên Dostoevsky cho trẻ em nghèo và xây dựng viện
bảo tàng của văn hào tại căn nhà họ ở thị trấn trước đây. Tập hồi ký của cô và
thư từ của Dostoevsky lần lượt được công khai, Dostoevsky hiện lên là một con
người chân thật đến tận cùng, một người chồng đằm thắm, giản dị và độ lượng.
Ngoài ra Anna còn xuất bản tập tiểu sử đầu tiên về Dostoevsky, viết lời chú giải
về những tác phẩm của ông. Sách vở bản thảo của ông được Anna xây dựng thành
thư viện và thường có những buổi họp, họp báo nói chuyện, hồi tưởng về nhà văn,
cô còn mở cạnh viện bảo tàng lịch sử Moscow một phòng đặc biệt về Dostoevsky.
Công việc sau cùng của Anna là xuất bản tác phẩm chỉ dẫn thư tịch về những tác
phẩm của ông và những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến cuộc đời sáng tác của Dostoevsky.
Trong lời bạt
cho cuốn hồi ký của mình, Anna đã nói về tình yêu mà Dostoevsky dành cho cô như sau:
“Trong suốt cuộc đời, tôi luôn cảm thấy có một
điều gì đó bí ẩn, rằng người chồng tốt của tôi không chỉ yêu thương và tôn trọng
tôi như nhiều người chồng yêu thương và tôn trọng vợ họ, mà Dostoevsky còn gần
như tôn thờ tôi, như thể tôi là một sinh vật đặc biệt nào đó được tạo ra chỉ
dành cho anh ấy. Điều này không chỉ đúng vào thời điểm bắt đầu cuộc hôn nhân,
nó còn đúng trong suốt những năm tháng còn lại, cho đến khi anh ấy qua đời.
Trong khi thực tế, tôi không nổi bật về nhan sắc, chẳng có tài năng gì đặc biệt,
và cũng không sở hữu một trí tuệ hơn người. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều
đó, tôi vẫn nhận được sự tôn trọng sâu sắc, gần như là sự tôn thờ của con người
tài năng, thông tuệ đó”.
Điều bí ẩn này
đã được sáng tỏ phần nào khi tôi đọc bức thư của VV Rozanov gửi Strakhov, bức thư đề
ngày 5 tháng 1 năm 1890, nói về cuốn sách Những cuộc lưu đầy văn học của ông. Hãy để tôi trích dẫn:
“Không ai, kể cả một “người bạn”, có thể khiến
chúng ta tốt hơn. Nhưng thật là một niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời khi gặp
được một người bạn hoàn toàn khác mình,
người ấy luôn giữ là chính mình và không cố gắng tìm mọi cách để làm
ta hài lòng, chiều lòng ta trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Cũng không cố gắng để khôn khéo, để bóng gió xa xôi mà luôn luôn thành thật, chân thành. Tình bạn nằm ở sự mâu thuẫn
chứ không ở sự đồng thuận! Quả thực, Chúa đã ban cho tôi Strakhov làm người thầy
và người bạn, tình cảm của tôi dành cho anh luôn là một bức tường vững chắc
mà tôi cảm thấy mình luôn có thể dựa vào”.
Anna nói tiếp, “Trên thực tế, tôi và chồng là những người
có quan điểm hoàn toàn khác nhau. Nhưng chúng tôi luôn là chính mình, không hề to
tiếng hay nịnh nọt nhau một cách quá đà, không ai trong chúng tôi cố gắng can
thiệp vào tâm hồn của người kia. Và bằng cách này, người chồng tốt của tôi và
tôi, cả hai chúng tôi, đều cảm thấy tinh thần mình được tự do.
Fyodor Mikhailovich, người đã suy ngẫm rất
nhiều trong nỗi cô độc về những vấn đề sâu sắc nhất của trái tim con người, chắc
chắn đánh giá cao việc tôi không can thiệp vào đời sống tinh thần và trí tuệ của
ông. Và vì vậy đôi khi anh ấy nói với tôi: “Em là người phụ nữ duy nhất hiểu
anh”. Đó là điều anh ấy coi trọng hơn hết. Anh ấy coi tôi như một tảng đá mà
anh ấy cảm thấy mình có thể dựa vào, hay đúng hơn là để nghỉ ngơi.
Tôi tin rằng chính điều này giải thích sự
tin tưởng đáng kinh ngạc mà Dostoevsky dành cho tôi trong mọi hành động, mặc dù
chưa bao giờ tôi làm gì vượt quá giới hạn của những điều bình thường. Chính những
thái độ này đã giúp cả hai chúng tôi có thể sống mười bốn năm cuộc đời
hôn nhân của mình, trong niềm hạnh phúc lớn nhất có thể có được đối với một con
người trên trần thế”.
Anna đã thực hiện
trọn vẹn lời phát nguyện của cô trước linh hồn Dostoevsky, nửa cuộc đời còn lại
cô thủy chung với ông. Những năm về già ước mơ duy nhất mà cô thường dặn dò con
cháu là được vĩnh viễn nằm cạnh Dostoevsky, nhưng cũng như lúc bà đến với ông,
lúc chết đi cũng phải trải qua gian truân mới có thể về được bên nhau.
Chân dung Dostoevsky của Vasily Perov, 1871 |
Mùa hè năm 1917,
Anna đi dự một lễ kỷ niệm ở phía nam thì bị ngả bệnh, trong lúc đó quân Đức chiếm
đống Crimée nên không thể đưa bà trở về Pretrograd được. Những ngày cuối cùng của
bà ở Yalta, đến hơi thở cuối cùng Anna vẫn nhắc đến Dostoevsky, con người duy
nhất chỉ cho bà thấy đâu là thiên đường, đâu là địa ngục. Anna mất tại Yalta
ngày 09/06/1918, bà là một biểu tượng cho người vợ, người mẹ Nga vĩ đại, bà đã
trở về với Dostoevsky trong cõi vĩnh hằng.
Ngày 09/06/1968,
trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của Anna Grigouyevna Dostoievskaya, cháu nội
Andei đã thực hiện lời nguyện của bà, chuyển hài cốt bà về an táng tại tu viện
Alexandre Newsky, bên cạnh chồng. Sau lưng hai ngôi mộ là tượng đài người mẹ Nga
mãi mãi bao dung, gìn giữ giấc ngủ nghìn thu của họ. Và tình yêu kỳ diệu của Dostoevsky-
Anna mãi mãi là một trong những mối tình đẹp nhất trong lịch sử nhân loại.
0 comments:
Post a Comment