Nội dung bài diễn văn Pushkin của Dostoevsky

Diễn văn Pushkin là bài phát biểu tôn vinh đại thi hào Alexander Pushkin của Dostoevsky. Bài diễn văn được đọc vào ngày 20/06/1880, tại lễ khánh thành tượng đài Pushkin ở Moscow.

Bức tranh Dostoevsky của Glazunov (1983)

Đây được coi là thành tựu văn chương đỉnh cao trong những năm cuối đời của Dostoevsky. VnTimeless dịch từ tiếng Anh và xin đăng tải toàn bộ nội dung bài diễn văn này của ông, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một bài đăng khác nhằm làm rõ ý nghĩa, bối cảnh… của bài diễn văn này, link ở cuối bài.

Sau đây là nội dung bài diễn văn:

Gogol đã nhận xét rằng: “Pushkin là một hiện tượng phi thường và có lẽ là hiện tượng độc đáo nhất đại diện cho tinh thần Nga”. Tôi muốn bổ sung thêm rằng, “Pushkin là một hiện tượng mang tính tiên tri”. Quả thật, sự xuất hiện của Pushkin chắc chắn ẩn chứa một điều gì đó mang tính tiên tri không thể chối cãi đối với người Nga. Ông đã xuất hiện vào đúng buổi bình minh khi người Nga bắt đầu nhận thức thực sự về bản thân mình, vì phải mất cả một thế kỷ sau những cải cách của Peter Đại đế, ý thức đó mới thức tỉnh trong chúng ta. Sự xuất hiện của Pushkin như một ngọn đèn soi sáng con đường tăm tối của chúng ta. Theo nghĩa này, những tư tưởng, tinh thần hướng tới tương lai của Pushkin mang tính tiên tri.

Tôi chia các tác phẩm của nhà thơ vĩ đại thành ba thời kỳ. Hôm nay, tôi nói về Pushkin không phải với tư cách một nhà phê bình văn học, tôi tập trung vào các hoạt động sáng tác của ông chỉ để làm sáng tỏ quan điểm về ý nghĩa tiên tri của Pushkin đối với người Nga và ý nghĩa của “lời tiên tri” mà tôi muốn nói. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, các giai đoạn hoạt động của Pushkin dường như không bị phân biệt bởi những ranh giới rõ ràng. Ví dụ, phần mở đầu của tác phẩm Eugene Onegin, theo tôi, vẫn thuộc về thời kỳ đầu của nhà thơ, nhưng tác phẩm đó được hoàn thành vào thời kỳ thứ hai. Vào thời điểm đó, Pushkin đã tìm thấy những lý tưởng mà ông hằng mong ước ở quê hương, đã ghi nhớ và trân trọng chúng bằng tất cả tâm hồn mình.

Người ta nói rằng trong thời kỳ đầu, Pushkin đã sao chép cấu trúc, ý tứ… của các nhà thơ châu Âu như Parny, André Chénier, và trên hết là Byron. Không còn gì phải nghi ngờ, các nhà thơ châu Âu đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Pushkin và sự ảnh hưởng này kéo dài suốt cuộc đời của ông. Tuy nhiên, ngay cả những bài thơ đầu tiên, không đơn thuần chỉ là sự sao chép, vì trong đó đã thể hiện được sự độc đáo phi thường của một thiên tài. Nếu chỉ là sự sao chép đơn thuần, sẽ không bao giờ xuất hiện nỗi đau khổ tột độ và sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân như Pushkin đã thể hiện, chẳng hạn, trong The Gypsies, một tác phẩm mà tôi cho là hoàn toàn thuộc vào thời kỳ đầu của ông; nếu chỉ đơn thuần là sự sao chép, thì nó sẽ không ngập tràn sức mạnh, sự kịch tính và mãnh liệt như vậy. Nhân vật Aleko, anh hùng của The Gypsies, thể hiện một ý tưởng mạnh mẽ, sâu sắc, và thuần Nga. Sau này ý tưởng đó còn được thể hiện một cách đầy đủ, hài hòa và hoàn hảo hơn trong Engene Onegin. Ở đó, Aleko xuất hiện một lần nữa, không còn xuất hiện dưới ánh sáng huyền ảo và hữu hình nữa, mà mang một hình thức thực tế và hoàn toàn dễ hiểu.

Qua hình tượng Aleko, Pushkin đã khám phá và miêu tả thiên tài một kiểu người Nga, đó là người lang thang bất hạnh trên chính quê hương mình, một kiểu người Nga đau khổ nhất trong lịch sử. Kẻ lang thang bất hạnh đó bị nhổ bật gốc, bị cắt đứt khỏi chính đồng bào mình, trở thành kẻ xa lạ trên chính quê hương mình. Pushkin không chỉ mượn hình tượng này từ Byron. Đây là một kiểu người Nga trong thực tế, là một tất yếu lịch sử trong xã hội chúng ta, đã định cư lâu đời trên đất Nga, thiên tài của Pushkin đã nắm bắt và mô tả nó.

Những người Nga trôi dạt vô gia cư này vẫn đang lang thang và sẽ còn rất lâu nữa họ mới biến mất. Ngày nay, họ không còn đến các trại gypsy để tìm lý tưởng phổ quát của mình trong cuộc sống hoang dã của người gypsy nguyên thủy, họ không tìm kiếm nơi ẩn náu trong lòng thiên nhiên để thoát khỏi sự ồn ào của đời sống văn minh. Giờ đây, họ bị cuốn vào chủ nghĩa xã hội, thứ không tồn tại vào thời Aleko. Họ tiến bước với niềm tin mới vào một phương thức khác, và họ làm việc đó một cách nhiệt tình, tin tưởng, giống như Aleko, rằng bằng những nỗ lực hết mình, họ sẽ đạt được mục tiêu và tìm thấy hạnh phúc, không phải cho riêng họ mà cho toàn nhân loại. Quả thực, người Nga lang thang chỉ có thể tìm được sự bình yên cho riêng mình trong hạnh phúc của mọi người. Anh ta sẽ không hài lòng với bất cứ điều gì kém giá trị hơn. Tất nhiên, chủ nghĩa xã hội vẫn còn là một vấn đề lý thuyết, nhưng kiểu người Nga này đã xuất hiện vào một thời điểm lịch sử đã khác xưa. Tôi nhắc lại, kiểu người Nga này được sinh ra đúng một thế kỷ sau những cải cách của Peter Đại đế, những cuộc cải cách đã nhổ tận gốc rễ và cắt đứt tầng lớp trí thức khỏi nhân dân, rời xa sức mạnh của họ.

Vào thời Pushkin, đại đa số trí thức Nga sống, làm việc như bây giờ, họ hài lòng với vai trò công chức của mình, họ làm việc trong chính phủ, trong ngành đường sắt hoặc ngân hàng, hoặc họ kiếm tiền bằng bất cứ cách nào có thể, bận rộn tham gia vào các ngành khoa học, giảng dạy, và ngày nay mọi chuyện vẫn diễn ra như vậy. Tất cả những điều này diễn ra một cách đều đặn, nhàn nhã, ôn hòa, họ nhận lương, chơi bài, huýt sáo, không hề mong muốn đến các trại gypsy để tìm lý tưởng hoặc những nơi khác phù hợp hơn với thời đại đang sống. Nhiều người trong số họ chỉ đi xa hơn một chút, họ đóng vai những người theo chủ nghĩa tự do “pha chút Chủ nghĩa xã hội châu Âu”, mà chủ nghĩa xã hội được gán cho một đặc tính Nga hiền lành nào đó, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Điều gì sẽ xảy ra nếu một người vẫn chưa bị thôi thúc, trong khi một số người khác đã đến gần một cánh cửa có chốt và đập đầu vào đó một cách thô bạo? Số phận tương tự đang chờ đợi tất cả mọi người trừ khi họ tìm ra con đường cứu rỗi và khiêm tốn với mọi người. Có lẽ điều này sẽ không xảy ra với tất cả bọn họ. Có lẽ đó chỉ là số phận của những “người được chọn”. Hãy để những “người được chọn” là đủ, chỉ cần 1/10 số người bị cuốn vào chủ nghĩa xã hội, thì cũng đủ để ngăn cản tất cả những người còn lại tìm được bình yên.

Tất nhiên, Aleko không biết cách bày tỏ nỗi thống khổ của mình một cách chính xác. Với anh, mọi thứ vẫn còn trừu tượng theo một cách nào đó. Anh chỉ có thể phản ứng lại điều đó bằng một nỗi khao khát thiên nhiên, một mối hận thù với xã hội thượng lưu, anh có những khát vọng phổ quát, anh than thở về một sự thật mà ai đó đã đánh mất ở đâu đó và anh ta không bao giờ có thể tìm thấy nó. Tất cả những điều này có chút gì đó giống Rousseau. Tất nhiên, anh ta không thể nói sự thật này ở đâu, nó có thể lại xuất hiện ở đâu và bằng cách nào, và chính xác khi nào nó bị mất, nhưng anh ta thực sự đau khổ. Người đàn ông tuyệt vọng và thiếu kiên nhẫn này khao khát sự cứu rỗi, anh tin rằng sẽ tìm thấy nó ở những hiện tượng bên ngoài, và đó là cách nó phải như vậy. Sự thật dường như ở đâu đó bên ngoài, có lẽ ở một vùng đất châu Âu nào khác với các thể chế chính trị lịch sử vững chắc và đời sống xã hội có những truyền thống lâu đời.

Một người như vậy sẽ không bao giờ hiểu rằng sự thật trước hết nằm ở chính mình. Làm sao anh ấy có thể hiểu được điều này? Suốt một thế kỷ qua, anh ta không thể là chính mình trên mảnh đất của mình. Anh ấy đã quên mất cách làm việc. Anh ta không có văn hóa. Anh ấy đã lớn lên như một nữ sinh tu viện trong những bức tường kín. Anh ta đã hoàn thành những nhiệm vụ kỳ lạ không thể giải thích, những nhiệm vụ được xác định theo cấp bậc, vị trí của mình trên mười bốn bậc theo đó xã hội Nga phân chia (mười bốn bậc của bảng xếp hạng, xương sống của hệ thống phân cấp dịch vụ/xã hội chính thức của Nga- chú thích của người dịch).

Hiện tại anh ta chỉ là một ngọn cỏ bị cắt cụt, bật gốc và thổi bay trong gió. Anh ấy cảm nhận được điều này, và đau khổ vì nó, thường xuyên đau khổ một cách sâu sắc! Có điều gì khác biệt khi anh ta, một nhà quý tộc cha truyền con nối, rất có thể đã sở hữu nông nô, nhận thấy sự hấp dẫn trong cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, và anh ta quyết định tìm đến các trại gypsy, ở đó anh ta lãnh đạo một nhóm người gypsy, một người phụ nữ gypsy cho anh ta hy vọng thoát khỏi nỗi thống khổ của mình, và vì vậy, tin tưởng một cách ngu ngốc nhưng đầy say mê rằng, cô gái Zemphira này sẽ cứu rỗi anh, anh lao mình vào vòng tay cô. Anh nói: “Đây là lối thoát. Tôi tìm thấy hạnh phúc ở đây, trong lòng thiên nhiên, cách xa xã hội, giữa những người không có nền văn minh cũng như luật pháp!”. Và rồi những gì sẽ xảy ra? Lần đầu tiên tiếp xúc với bản chất nguyên thủy của thiên nhiên và những người này, anh ta không thể kiềm chế bản thân và để tay mình vấy máu. Người mơ mộng bất hạnh này không phù hợp trong một xã hội nguyên thủy, những người gypsy đã đuổi anh ta đi nhưng không hề có ý muốn trả thù, họ không hề có ác ý. Họ giản dị nhưng uy nghiêm, ông già tộc trưởng gypsy nói: “Hãy rời xa chúng tôi, ôi, kẻ kiêu ngạo! Chúng tôi chỉ là một cộng đồng hoang dã, không luật pháp. Chúng tôi không có dây buộc hay nút gai dầu”.

Đương nhiên, tất cả những điều này thật tuyệt vời, nhưng “người đàn ông kiêu hãnh” là có thật. Và Pushkin là người đầu tiên phát hiện và mô tả nó. Chúng ta không nên quên điều đó. Nếu có điều gì xảy ra trái ý mình, “kẻ kiêu ngạo” sẵn sàng hành hạ và trừng phạt tàn nhẫn những điều đó, hoặc, dễ dàng hơn, anh ta biết rằng mình thuộc một trong mười bốn bậc, anh ta sẽ viện dẫn (vì điều này thực sự đã xảy ra) luật pháp ra để tra tấn và trừng phạt cho sai lầm cá nhân.

Không, bài thơ đặc biệt này không phải là sự sao chép! Trong đó đã gợi ý câu trả lời của người Nga cho “câu hỏi đáng nguyền rủa”: “Hãy khiêm tốn đi, hỡi kẻ kiêu ngạo, và trên hết hãy đè bẹp niềm kiêu hãnh của mình. Hãy hạ mình xuống và trên hết là cống hiến hết mình cho công việc lao động lương thiện trên quê hương”. Câu trả lời này phù hợp với nhận thức về sự thật và trí tuệ của người dân. “Sự thật không nằm ở bên ngoài bạn mà ở bên trong. Bạn phải nhìn vào bên trong để tìm thấy chính mình, bạn phải khuất phục và kiểm soát bản thân, rồi bạn sẽ thấy được sự thật. Sự thật này không thể tìm thấy trong những thứ vật chất; nó không ở bên ngoài bạn, không phải ở một nơi nào đó ở nước ngoài, mà là trong những nỗ lực chân thành của chính bạn để giành quyền kiểm soát bản thân, chinh phục bản thân, và bạn sẽ trở nên tự do, tự do hơn những gì bạn từng mơ ước, và bạn sẽ bắt đầu một công việc vĩ đại và bạn sẽ làm cho người khác được tự do và bạn sẽ làm được. Hãy nhìn thấy hạnh phúc, vì cuộc sống của bạn sẽ trở nên viên mãn và cuối cùng bạn sẽ hiểu được con người của mình cũng như sự thật thiêng liêng. Bạn sẽ không tìm thấy sự hòa hợp phổ quát giữa những người gypsy, bạn sẽ không tìm thấy nó ở bất cứ đâu nếu bạn không xứng đáng với điều đó. Cay nghiệt, kiêu hãnh và khắt khe; bạn phải nhận ra rằng cuộc sống phải trả giá bằng một điều gì đó”. Câu trả lời này được gợi ý trong bài thơ Gypsies của Pushkin. Nó còn được thể hiện rõ ràng hơn trong Eugene Onegin, một bài thơ không kỳ ảo nhưng khá thực tế, một bài thơ trong đó cuộc sống Nga đích thực được thể hiện bằng một sức mạnh và một sự trọn vẹn chưa từng có trước Pushkin và kể từ đó không ai có thể sánh bằng.

Onegin đến từ Petersburg, tất nhiên là từ Petersburg. Điều này là hoàn toàn cần thiết đối với bài thơ, và Pushkin không thể bỏ qua nét hiện thực hết sức quan trọng đó trong cuộc đời người anh hùng của mình. Tôi sẽ nói lại lần nữa: Onegin cũng giống như Aleko, nhất là khi anh ấy khóc lên trong đau khổ:

“Tại sao, giống như ông thị trưởng ở Tula

Tôi có thể không nằm cứng đờ vì bệnh gút được không?”

Nhưng ở đầu bài thơ, anh ấy vẫn là một người đàn ông bình thường và là một phần của thế giới. Anh ta vẫn còn sống quá ít để có thể hoàn toàn thất vọng về cuộc sống. Tuy nhiên, anh ta vẫn bị “con quỷ cao quý của sự buồn chán thầm kín” ghé thăm và hành hạ.

Ở một nơi xa xôi, ngay giữa lòng đất mẹ, Onegin vẫn cảm thấy mình là một kẻ lưu vong. Anh ta không biết phải làm gì và bằng cách nào nhận thức được nhiệm vụ của chính mình; anh ấy cảm thấy như một vị khách trong chính ngôi nhà của mình. Đúng là anh ta yêu quê hương, nhưng anh ta không tin tưởng vào nó. Sau này, khi chán nản lang thang khắp quê hương và ở cả nước ngoài, anh, một người chắc chắn là thông minh và chân thành, lại càng cảm thấy xa lạ với chính mình và quê hương. Đúng là anh yêu nước Nga, quê hương của mình, nhưng anh không tin tưởng nó. Đương nhiên anh ấy đã nghe nói về những lý tưởng của dân tộc, nhưng anh ấy không tin vào chúng. Anh ta chỉ tin rằng, mình hoàn toàn không thể làm bất kỳ công việc nào trên quê hương của mình, và anh ta nhìn vào số ít những người cũng tin vào điều đó, với một nụ cười chế giễu buồn bã. Anh ta giết Lensky đơn giản vì tức giận, sự tức giận sinh ra từ khao khát một lý tưởng phổ quát- điều đó rất giống chúng ta, rất có thể xảy ra.

Tatyana thì khác. Cô ấy là một nhân vật mạnh mẽ, kiên định với lập trường của riêng mình. Cô ấy sâu sắc hơn Onegin và chắc chắn là khôn ngoan hơn anh ta. Nhờ vào bản năng cao quý của mình, cô cảm nhận được sự thật là gì và nó nằm ở đâu, như được thấy rõ ở cảnh cuối cùng trong bài thơ. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu Pushkin đặt tên bài thơ của mình là Tatyana chứ không phải Onegin, bởi vì không nghi ngờ gì nữa, cô ấy mới là người anh hùng thật sự. Cô ấy là kiểu người tích cực; cô ấy là thần tượng của phụ nữ Nga. Pushkin đã chọn cô ấy để thể hiện ý tưởng thực sự của bài thơ trong cảnh cuối cùng rất nổi tiếng, khi cô gặp Onegin lần cuối. Thậm chí có thể nói rằng không có người phụ nữ nào trong văn học Nga đẹp đẽ như vậy, có lẽ ngoại trừ nữ anh hùng Liza trong A Nest of Gentlefolk của Turgenev. Vì Onegin đã quen coi thường người khác nên anh không đánh giá cao Tatyana khi gặp cô lần đầu tiên. Anh không thể nhận ra sự trọn vẹn, hoàn hảo dưới vỏ bọc khiêm tốn của cô; và có lẽ anh thực sự coi cô ấy là người chỉ có những mầm mống của đạo đức.

Nhưng người chỉ có những mầm mống của đạo đức chính là Onegin. Anh ấy hoàn toàn không có khả năng đánh giá cao Tatyana. Liệu một người như anh ấy có thể hiểu được tâm hồn con người? Anh ấy là một người trừu tượng, một người mơ mộng không ngừng nghỉ. Anh ấy cũng không đánh giá cao Tatyana sau này ở Petersburg, khi cô ấy trở thành một quý bà. Mặc dù, Onegien nói với Tatyana rằng, anh ấy khao khát được gột rửa tâm hồn mình trong tất cả sự đáng yêu của cô ấy [bức thư của Onegin], nhưng đây chỉ là những lời nói suông. Tatyana đi qua cuộc đời Onegin mà không được anh công nhận và đánh giá cao. Đây chính là bi kịch tình yêu của họ.

Nhưng nếu trong lần đầu gặp cô ở làng. Giá như Childe Harold đã đến, hay thậm chí, bằng một phép màu nào đó, Lord Byron cũng có mặt khi đó. Nếu một trong số họ để ý đến nét duyên dáng, hoàn hảo ẩn sau sự nhút nhát, khiêm tốn của Tatyana, và họ chỉ cho Onegin biết thì anh ta sẽ bị mê hoặc ngay lập tức, vì đôi khi những kẻ khốn khổ trên thế giới như Onegin lại là những người sai lầm như vậy. Nhưng đây không phải những gì đã xảy ra. Thay vào đó, người tìm kiếm sự hòa hợp phổ quát này nói chuyện với cô như đọc một bài giảng và lên đường với Weltschmerz. Lên đường với nỗi đau của mình và đôi bàn tay vấy máu (trong cơn tức giận ngu ngốc, anh ta đã giết Lensky), anh đi lang thang khắp nước Nga mà không thực sự quan sát quê hương của mình. Tràn đầy sức lực và sự khỏe mạnh, anh kêu lên:

Tôi còn trẻ, và sức sống trong tôi mạnh mẽ

Thế nhưng điều gì đang chờ đợi tôi? Đau khổ, đau khổ, thống khổ!

Tatyana hiểu điều này. Trong những khổ thơ bất hủ, nhà thơ mô tả chuyến thăm của cô đến nhà Onegin, đến nhà của người đàn ông vẫn đang say mê cô. Những câu thơ này có vẻ đẹp và sự sâu sắc biết bao! Bây giờ cô ấy đang ở trong phòng làm việc của Onegin, xem những cuốn sách, đồ vật của anh ấy, cố gắng hiểu tâm hồn anh qua chúng, để tự trả lời câu hỏi của mình. Và cuối cùng, cô dừng lại, chìm sâu trong suy nghĩ, một nụ cười kỳ lạ nở trên môi, cô đã trả lời được câu hỏi của mình, cô thì thầm khe khẽ: “Có lẽ anh ta chỉ là một sự sao chép, một sự bắt chước?”. Vâng, cô phải thì thầm điều này. Cô đã hiểu anh. Sau đó, rất lâu sau đó ở Petersburg, khi họ gặp lại nhau, cô đã hiểu anh một cách sâu sắc. Nhân tiện, ai cho rằng tâm hồn của Tatyana đã bị vấy bẩn bởi cuộc sống thượng lưu, rằng địa vị xã hội cao quý và những quan niệm mới của cô là một phần khiến cô từ chối Onegin? Điều này không đúng. Không, cô vẫn là Tatyana, vẫn là Tatyana đồng nội như trước. Không. Cuộc sống thượng lưu không làm cô thay đổi. Ngược lại, cô bị giày vò bởi cuộc sống thượng lưu ở Petersburg. Cô bị nó làm cho kiệt sức và đau khổ. Cô ghét vị trí của mình như một quý bà trong xã hội, và bất kỳ ai nghĩ khác về cô, đều không hiểu những gì Pushkin muốn nói.

Hãy nhớ những gì cô ấy đã nói với Onegin khi họ gặp nhau lần cuối:

“Bây giờ tôi đã thuộc về người khác, và sẽ chung thủy suốt đời”

Tatyana nói ra những lời này với tư cách là một phụ nữ Nga, và đó là lý do tại sao cô ấy được tôn thờ. Cô ấy thể hiện sự thật của bài thơ. Tôi sẽ không nói một lời nào về niềm tin tôn giáo cũng như quan điểm của cô ấy về sự thiêng liêng của hôn nhân. Không, tôi sẽ không đi sâu vào những vấn đề này. Tại sao cô ấy lại từ chối và rời xa Onegin, mặc dù cô ấy đã từng nói yêu anh ta? Phải chăng vì là một phụ nữ Nga (trái ngược với một phụ nữ Địa Trung Hải hay Pháp), cô ấy không có khả năng làm những điều táo bạo như vậy, cởi bỏ xiềng xích, hy sinh của cải, địa vị và đức hạnh của mình? Không, người phụ nữ Nga sẽ táo bạo. Người phụ nữ Nga sẽ mạnh dạn theo đuổi điều mình tin tưởng và Tatyana đã chứng minh điều này. Nhưng cô ấy “đã được hứa hôn với người khác, và sẽ chung thủy suốt đời”.

Cô ấy sẽ chung thủy với ai và với điều gì? Có phải là với vị tướng già mà cô không hề yêu, người mà cô kết hôn chỉ vì “mẹ cô đã cầu xin cô bằng nước mắt và lời van xin”, và trong tâm hồn bị tổn thương, bị xúc phạm của cô chỉ có sự tuyệt vọng chứ không có hy vọng hay tia sáng nào cả? Đúng vậy, cô chung thủy với vị tướng đó, với chồng cô, với một người đàn ông trung thực yêu thương cô, tôn trọng và tự hào về cô. Mẹ cô “đã cầu xin” nhưng chỉ có cô và chỉ mình cô đồng ý, bản thân cô đã thề sẽ là người vợ chung thủy của ông. Cô kết hôn với ông trong sự tuyệt vọng. Nhưng giờ đây ông là chồng cô, và sự phản bội của cô (nếu cô khuất phục Onegine) sẽ chỉ phủ lên ông sự ô nhục, xấu hổ và nó sẽ giết chết ông. Ai có thể xây dựng hạnh phúc của mình trên sự bất hạnh của người khác? Hạnh phúc không chỉ nằm ở những thú vui của tình yêu, mà còn nằm ở sự hòa hợp cao nhất của tinh thần. Làm sao tinh thần có thể được xoa dịu nếu đằng sau nó là một hành động vô danh dự, tàn nhẫn, vô nhân đạo? Cô có nên bỏ chạy chỉ vì hạnh phúc của cô ở đó không? Đó sẽ là loại hạnh phúc gì khi dựa trên sự bất hạnh của người khác?

Hãy tưởng tượng bạn đang dựng lên một cung điện của số phận con người, với mục đích cuối cùng là làm cho con người hạnh phúc, mang lại cho họ sự bình yên. Và rồi hãy tưởng tượng vì mục đích đó, cần thiết và không thể tránh khỏi việc bạn phải sỉ nhục và hành hạ một người, chỉ một người duy nhất, người đó không phải là một người đặc biệt, thậm chí đó có thể là người bị cười nhạo, chắc chắn không phải là một Shakespeare mà chỉ là một ông già lương thiện đã kết hôn với một phụ nữ trẻ mà anh ta tin tưởng một cách say mê. Dù không hề biết tấm lòng của cô nhưng anh vẫn tôn trọng cô, tự hào về cô, anh ta hạnh phúc và bình yên. Tất cả những gì bạn  phải làm là sỉ nhục và hành hạ người đàn ông này, và bạn có thể dựng lên tòa lâu đài của mình trên những giọt nước mắt của ông ta! Với những điều kiện này bạn có đồng ý dựng lên cung điện đó không? Đó là câu hỏi. Và bạn có thể vui lòng, dù chỉ trong giây lát, rằng những người bạn đang muốn tạo hạnh phúc cho họ có đồng ý nhận sự hạnh phúc đó hay không, nếu họ biết nguồn gốc của nó là đau khổ. Họ có thể coi đó là nỗi đau khổ của một sinh vật tầm thường hay không? Và nếu họ chấp nhận hạnh phúc này, liệu họ có thể hạnh phúc mãi mãi không? Hãy nói cho tôi biết: liệu Tatyana có thể hành động khác không, với tâm hồn cao cả của mình, với trái tim từng trải qua nhiều đau khổ?

Không, một tâm hồn Nga thuần khiết quyết định như thế này: “Hãy để tôi, hãy để tôi một mình bị tước đoạt hạnh phúc, cho dù bất hạnh của tôi lớn hơn vô cùng so với nỗi bất hạnh của ông già này. Cuối cùng, đừng để ai, kể cả ông già này, biết và đánh giá cao sự hy sinh của tôi: Tôi sẽ không hạnh phúc khi phải hủy hoại người khác”.

Đây là bi kịch đã được hoàn tất, có những ranh giới không thể vượt qua. Tatyana đuổi Onegin đi. Và ai đó có thể hỏi: “Nhưng Onegin cũng không vui. Cô ấy cứu được một người nhưng lại hủy hoại người kia”. Nhưng đó lại là một câu hỏi khác, có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất trong bài thơ.

Ngẫu nhiên thay, câu hỏi tại sao Tatyana không bỏ đi với Onegin đã có một lịch sử lâu đời, ít nhất là trong nền văn học của chúng ta, vốn rất điển  hình đối với người Nga, một đặc điểm cực kỳ đặc biệt là câu trả lời về mặt đạo đức cho câu hỏi này vẫn bị nghi ngờ trong một thời gian dài, và đó là lý do vì sao tôi thảo luận về nó một cách dài dòng như vậy. Đây là những gì tôi nghĩ: “Ngay cả khi Tatyana được tự do, người chồng của cô ấy qua đời và cô ấy trở thành góa phụ, thì ngay cả khi đó cô ấy cũng sẽ không bỏ đi cùng Onegin”. Người ta cần hiểu tính cách thực sự của Onegin! Cô nhìn nhận con người thật của anh ta: một kẻ lang thang vĩnh viễn bất ngờ gặp một người phụ nữ mà anh ta từng khinh thường trong một bối cảnh mới đầy quyến rũ, bối cảnh anh không thể đạt tới. Bối cảnh mới này có lẽ là bản chất của vấn đề. Cô gái mà anh khinh thường giờ đây đã được cả xã hội tôn trọng. Vị thế xã hội vẫn là quyền lực tối cao đối với Onegin bất chấp những khát vọng chung của anh, và đó là lý do tại sao, anh choáng vàng, anh ném mình xuống chân cô. “Đây là lý tưởng của tôi”, anh kêu lên. “Đây là sự cứu rỗi của tôi, đây là lối thoát khỏi nỗi thống khổ của tôi. Khi đó tôi đã không gặp cô ấy, khi hạnh phúc đã ở thật gần”. Và cũng giống như trước, khi Aleko quay sang Zemphira, Onegin cũng quay sang Tatyana, tìm kiếm một giải pháp cho mọi vấn đề của anh ấy. Chắc chắn Tatyana nhận ra điều này, chắc chắc cô ấy đã nhìn thấy tâm can anh ấy từ lâu. Không còn nghi ngờ gì nữa, cô ấy biết rằng anh yêu hoàn cảnh, địa vị mới của cô chứ không phải yêu cô. Cô biết rằng anh yêu cô vì một điều gì đó khác, chứ không phải vì bản chất của cô, rằng người anh yêu không phải là cô, rằng có lẽ anh không yêu ai, không có khả năng yêu ai, mặc dù anh rất đau khổ. Đúng vậy, anh ấy yêu một ảo mộng và chính anh ấy cũng là một ảo mộng. Nếu cô đi theo anh, thì ngay ngày hôm sau anh ta có thể thay đổi và chế nhạo sự si mê của mình.

Onegin không bám rễ vào bất kì mảnh đất nào cả. Anh ấy giống như ngọn cỏ, bị gió cuốn đi. Tatyana không như vậy. Ngay cả trong lúc tuyệt vọng, trong ý thức đau đớn rằng cuộc đời mình đã bị hủy hoại, cô vẫn có một thứ gì đó vững chắc không thể lay chuyển để cô có thể hàn gắn tâm hồn mình. Đó là những kỷ niệm thời thơ ấu của cô, những kỷ niệm về quê hương, ngôi làng xa xôi của cô, nơi bắt đầu cuộc sống trong sáng và khiêm tốn của cô.

“Đây nghĩa trang yên tĩnh

Nơi người vú tội nghiệp của tôi đang yên nghỉ

Dưới cây thánh giá và nhành cây che bóng”

Ôi! Những ký ức và hình ảnh của quá khứ này là những thứ quý giá nhất đối với cô ấy khi đó, chỉ có những thứ này là dành cho cô ấy, nhưng chúng cứu rỗi tâm hồn cô ấy khỏi sự tuyệt vọng cuối cùng. Và đây không phải một, mà là rất nhiều, vì tình yêu quê hương của cô là một nền tảng vững chắc, nó không thể lung lay và bị phá hủy. Những tình cảm làng xóm quê hương đất nước này đã trở thành một điều thiêng liêng của cô ấy. Còn Onegine, anh ấy có gì và anh ấy là ai? Tatyana cảm thấy vô cùng thương xót, vô cùng thương hại Onegin nhưng cô không đi theo anh. Cô biết rằng cô có thể làm anh vui, khiến anh trong giây lát nghĩ rằng anh hạnh phúc, nhưng cô cũng biết rằng ngay ngày hôm sau anh sẽ chế nhạo niềm hạnh phúc này. Không, có những cá nhân sâu sắc và kiên quyết không để ô danh những gì họ cho là thiêng liêng, ngay cả khi họ tràn đầy lòng trắc ẩn. Không, Tatyana không bao giờ có thể đi theo Onegin.

Như vậy, trong Eugene Onegin, bài thơ bất hủ và vô song đó, Pushkin đã bộc lộ mình là một nhà văn vĩ đại của dân tộc, vĩ đại hơn bất kỳ nhà văn nào trước đó. Một cách chính xác và sâu sắc, ông đã định nghĩa được bản chất sâu xa nhất của xã hội thượng lưu chúng ta. Ông đã định nghĩa loại người Nga lang thang trong quá khứ và hiện tại. Ông là người đầu tiên nhìn thấu anh ta với sự tinh tế của một thiên tài, xác định được vận mệnh lịch sử và tầm quan trọng to lớn của anh ta trong tương lai. Đồng thời, ông cũng miêu tả vẻ đẹp không thể chối cãi của người phụ nữ Nga.

Pushkin không chỉ là nhà văn Nga đầu tiên miêu tả hai loại người này mà còn giới thiệu một loạt các kiểu người Nga tích cực, đẹp đẽ khác, rút ra từ nhân dân Nga, trong các tác phẩm khác cùng thời kỳ. Vẻ đẹp tối thượng của những kiểu người này nằm ở sự thật của họ, một sự thật không thể nghi ngờ, hữu hình đến mức không thể phủ nhận tầm quan trọng của họ. Họ đứng vững như những bức tượng điêu khắc. Một lần nữa, tôi nhắc lại rằng tôi nói không phải với tư cách một nhà phê bình văn học, và do đó tôi sẽ không trình bày ý tưởng cũng như thảo luận chi tiết về những tác phẩm vĩ đại này. Chẳng hạn, người ta sẽ phải dành cả một cuốn sách để chỉ ra tầm quan trọng, toàn bộ ý nghĩa của những tu sĩ và nhà biên niên sử người Nga ở Boris Godunov. Kiểu người Nga cao cả này, được Pushkin phát hiện trên đất Nga, được ông miêu tả, sự miêu tả như một tác phẩm điêu khắc, và giờ đây mãi mãi tạc vào lòng chúng ta hình ảnh khiêm nhường, cao cả và không thể hoài nghi. Đó là bằng chứng về tinh thần của dân tộc có thể tạo ra những nhân vật có vẻ đẹp trường tồn như vậy. Những kiểu người này giờ đây đã được chúng ta biết đến. Họ tồn tại và không thể bị hoài nghi, tranh cãi. Không thể nói rằng đó chỉ là bịa đặt, rằng đó chỉ là sự tưởng tượng, sự lý tưởng hóa của nhà thơ. Hãy tự mình nhìn vào nó và bạn sẽ đồng ý rằng nó tồn tại. Do đó, sức mạnh sống còn của tinh thần này tồn tại và nó có một sức mạnh vô biên. Trong mỗi tác phẩm của Pushkin, người ta cảm nhận được niềm tin vào tính cách Nga, niềm tin vào sức mạnh tinh thần của nước Nga, và ở đâu có niềm tin, ở đó có hy vọng, hy vọng lớn lao cho con người, đất nước Nga. Nhân dịp Nicholas I lên ngôi, nhà thơ đã nói:

“Với hy vọng về mọi điều tốt đẹp và vinh quang,

Tôi nhìn về phía trước, với quyết tâm và không hề sợ hãi”.

Điều này có thể áp dụng cho toàn bộ hoạt động sáng tạo của ông. Chưa bao giờ có nhà văn Nga nào gắn bó mật thiết với nhân dân mình như Pushkin. Chắc chắn, nhiều nhà văn của chúng ta là những người am hiểu nhân dân, đã viết về họ một cách chính xác bằng tài năng, kiến thức và tình yêu thương. Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh với Pushkin, thì chỉ có một hoặc nhiều nhất là hai người thực sự gần gũi với nhân dân. Còn lại, họ chỉ là những “quý ông” viết về con người ở tầng lớp dưới. Ngay cả những nhà văn tài năng nhất của chúng ta, ngay cả trong hai trường hợp ngoại lệ mà tôi vừa đề cập, đôi khi cũng tỏ ra kiêu kỳ, như thể họ đến từ một thế giới khác, từ một lối sống khác, và muốn nâng con người lên ngang tầm với nhà văn, và bằng cách đó, để làm cho họ hạnh phúc. Nhưng Pushkin thì khác, ông thực sự gắn kết với nhân dân, thực sự có một cái gì đó liên quan đến con người. Ông ấy thực sự cảm động và cởi mở với cả những cảm xúc đời thường nhất.

Tất cả những kho báu, tất cả những hiểu biết nghệ thuật sâu sắc mà nhà thơ vĩ đại của chúng ta để lại như một di sản. Di sản này soi đường, chỉ lối cho những nhà văn tương lai. Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng, nếu không có Pushkin thì những nhà văn sau ông đã không thể đạt được tài năng như thế. Ít nhất những nhà văn này sẽ không thể hiện được sức mạnh, sự rõ ràng như vậy cho dù họ có tài năng đến đâu. Tuy nhiên, đó không chỉ đơn thuần là vấn đề thơ văn hay sáng tạo nghệ thuật. Nếu không có Pushkin, niềm tin vào bản sắc Nga đặc biệt của chúng ta, niềm tin vào sức mạnh của chính mình, niềm tin vào sứ mệnh tương lai của nước Nga trong gia đình các quốc gia châu Âu sẽ không mạnh mẽ đến thế, không thể lay chuyển đến thế. Thành tựu vĩ đại này của Pushkin được thể hiện một cách đặc biệt nếu ta xem xét cái mà tôi gọi là thời kỳ hoạt động thứ ba của ông.

Tôi nhắc lại, những giai đoạn này không có ranh giới rõ ràng. Một số tác phẩm thực sự thuộc về thời kỳ thứ ba này có thể đã được viết vào thời kỳ đầu sự nghiệp của Pushkin. Có thể nói, Pushkin luôn là một tổng thể hoàn chỉnh, là một con người hoàn hảo mang trong mình mọi nguyên tắc của nó, và không tiếp nhận chúng từ bên ngoài. Những thứ bên ngoài chỉ đánh thức những gì đã thuộc về sâu thẳm tâm hồn ông. Các giai đoạn phát triển của Pushkin thực sự có thể được đánh dấu và xác định, mỗi giai đoạn đều có đặc điểm riêng và sự phát triển đều đặn từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Vì vậy, có thể coi thời kỳ thứ ba, thời kỳ cuối cùng, đã tạo ra những tác phẩm mà những ý tưởng phổ quát được phản ánh một cách nổi bật, trong đó quan niệm thi ca của các quốc gia khác được phản ánh và tài năng của họ được thể hiện lại. Một số trong số này xuất hiện sau cái chết của Pushkin. Và trong giai đoạn này, nhà thơ đã bộc lộ một điều gì đó gần như là kỳ diệu, chưa từng thấy hay nghe được ở bất kỳ đâu trong lịch sử nhân loại. Trong văn học châu Âu đã từng có những thiên tài vĩ đại, như Shakespeare, Cervantes, Schiller. Nhưng không ai trong số những thiên tài vĩ đại này có được sự đồng cảm mang tính toàn cầu như Pushkin. Năng lực này, năng lực ưu việt này, mà Pushkin chia sẻ với nhân dân Nga, là đặc điểm cơ bản của tính cách dân tộc Nga, điều này giải thích tại sao Pushkin là một nhà thơ có tính dân tộc. Ngay cả những nhà thơ vĩ đại nhất châu Âu cũng chưa bao giờ có thể thể hiện một cách mạnh mẽ và thiên tài tính cách của một dân tộc khác, thậm chí là một dân tộc láng giềng, nhập thể vào chính tâm hồn mình với tất cả nỗi thống khổ trong tiếng gọi của nó, như Pushkin đã làm được. Ngược lại, khi các nhà thơ châu Âu nói về các dân tộc khác, họ thường tái hiện chúng theo hình ảnh dân tộc mình, hiểu chúng theo cách riêng của mình. Chẳng hạn, những người Ý trong văn chương của Shakespeare không phải là người Ý, họ giống với người Anh hơn. Trong tất cả những nhà thơ vĩ đại trên thế giới, chỉ có Pushkin mới có khả năng tái sinh trọn vẹn tinh thần của người khác trong tinh thần của mình. Ví dụ: khi đọc lại Don Juan, nếu không có chữ ký của Pushkin, bạn sẽ cho rằng nó được viết bởi một người Tây Ban Nha.

Không, tôi có thể nói một cách tuyệt đối chắc chắn rằng chưa từng có nhà thơ nào như Pushkin, chưa nhà thơ nào có được sự đồng cảm sâu sắc và phổ quát rộng rãi đến vậy. Đó là khả năng tái sinh tinh thần của chính mình trong tinh thần của các dân tộc khác và làm điều đó một cách hoàn hảo đến kỳ diệu. Và với điều này, tôi xin nhắc lại, Pushkin là một hiện tượng chưa từng có trước đó, và theo tôi, là một hiện tượng mang tính tiên tri. Trong các tác phẩm thuộc thời kỳ thứ ba, sức mạnh đặc biệt của nước Nga và tính dân tộc trong thơ ông được thể hiện đầy đủ nhất; đó là một lời tiên tri, vì tính dân tộc trong sự phát triển sau này của nó, tinh thần dân tộc vì tương lai của chúng ta vốn tiềm ẩn trong hiện tại, và nó đã được thể hiện một cách tiên tri. Sức mạnh của bản sắc dân tộc Nga là gì nếu không phải khát vọng mang tính phổ quát và toàn nhân loại? Ngay khi Pushkin hoàn toàn trở thành một nhà thơ của dân tộc, ngay khi ông hình thành được mối liên hệ không thể nào tách rời với nhân dân Nga, ông đã trực giác được số phận vĩ đại của họ. Theo nghĩa này, ông là một nhà tiên tri.

Và thực tế những cải cách của Peter Đại đế có ý nghĩa gì đối với chúng ta, không chỉ cho tương lai mà còn trong quá khứ và hiện tại. Những cải cách này thực sự có ý nghĩa gì? Chắc chắn, đó không chỉ đơn giản là vấn đề trang phục, phong tục, và những phát minh khoa học của người châu Âu. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những gì đã xảy ra. Rất có thể ban đầu Peter khởi xướng những cải cách này vì lý do vị lợi thuần túy. Nhưng khi phát triển hơn nữa ý tưởng của mình, Peter chắc chắc đã tuân theo một bản năng tiềm ẩn nào đó, điều này đã dẫn lối cho ông hướng tới những mục tiêu cao đẹp hơn nhiều so với chủ nghĩa vị lợi hẹp hòi. Tương tự như vậy, người dân Nga không chấp nhận những cải cách trên tinh thần vị lợi. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ cảm nhận được những mục tiêu cao đẹp không thể so sánh được. Đương nhiên, họ chỉ dựa vào trực giác của mình; đó không phải là một nhận thức lý tính rõ ràng. Nhưng sau đó họ đã thực sự dấn thân vào xây dựng tình đoàn kết nhân văn mang tính rộng lớn. Không phải trên tinh thần thù địch (như người ta có thể mong đợi) mà trong tình bạn và tình yêu trọn vẹn, chúng ta đã đón nhận vào tâm hồn mình thiên tài của những đất nước khác. Chúng ta chấp nhận, tất cả đều bình đẳng và không phân biệt. Theo bản năng, chúng ta đã dung hòa những khác biệt và mâu thuẫn, và khi làm như vậy, chúng ta thể hiện sự sẵn sàng và khuynh hướng, đó là tham gia cùng tất cả các quốc gia vào một sự thống nhất chung và phổ quát của đại gia đình chủng tộc Aryan. Vâng, không nghi ngờ gì nữa, số phận của người Nga là toàn châu Âu và mang tính phổ quát, cho một vận mệnh chung. Trở thành một người Nga thật sự, một người Nga hoàn toàn, có nghĩa đơn giản là trở thành anh em của mọi người, trở thành một con người phổ quát.

Ồ, những mâu thuẫn giữa những người theo chủ nghĩa Slavo và phương Tây hóa là kết quả của một sự hiểu lầm khủng khiếp, mặc dù về mặt lịch sử, những mâu thuẫn này là không thể tránh khỏi. Đối với một người Nga chân chính, châu Âu và số phận của toàn bộ chủng tộc Aryan vĩ đại cũng thân thương như chính nước Nga, như chính số phận của quê hương mình, bởi vì vận mệnh của nước Nga mang tính phổ quát, chiến thắng không phải bằng gươm giáo mà bằng sức mạnh của tình anh em và khát vọng đoàn kết con người toàn nhân loại.

Nếu bạn đi sâu vào lịch sử của chúng ta kể từ cuộc cải cách của Peter Đại đế, bạn sẽ tìm thấy dấu vết của ý tưởng này. Trong mối quan hệ của chúng ta với các quốc gia châu Âu, thậm chí trong các chính sách của nhà nước. Chính sách của Nga đã đi theo một hướng nào đó trong suốt hai thế kỷ này, nếu không phải là một chính sách có lợi cho châu Âu - thậm chí còn có lợi cho châu Âu hơn là cho chính nước Nga? Chắc chắn điều này đã không xảy ra chỉ vì các chính khách của chúng ta thiếu năng lực.

Ôi, các dân tộc ở châu Âu hoàn toàn không biết họ yêu quý chúng ta đến thế nào! Sau này, tôi thực sự tin vào điều này, chúng ta - tất nhiên không phải chúng ta mà là những người Nga tương lai, con cháu chúng ta sau này - cho đến cuối cùng, tất cả sẽ hiểu rằng trở thành một người Nga thực sự có nghĩa là hòa giải một lần và mãi mãi những mâu thuẫn của châu Âu, để chỉ cho người châu Âu thấy cách họ làm như thế nào, tìm ra giải pháp cho sự khao khát của người châu Âu trong tâm hồn Nga đoàn kết toàn nhân loại, để ôm lấy tất cả đồng bào của chúng ta trong tinh thần anh em, và cuối cùng là mang lại sự hòa hợp chung vĩ đại mang tính phổ quát, sự hiệp thông anh em cho tất cả các quốc gia phù hợp với những lời dạy bảo theo luật phúc âm của Chúa Ki tô.

Tôi biết quá rõ rằng lời nói của tôi có vẻ quá cuồng nhiệt, cường điệu, và cả tuyệt vời. Dù vậy, tôi không hối hận vì đã thốt ra những điều đó. Chúng ta cần được nói ra, đặt biệt là bây giờ, trong lễ tôn vinh thiên tài Pushkin của chúng ta, khi chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà thơ vĩ đại của dân tộc, người đã thể hiện ý tưởng này một cách mạnh mẽ trong các tác phẩm của mình. Và tôi không nói điều gì mới, vì quan điểm này của Pushkin đã được nêu ra nhiều lần. Tuy nhiên, mọi người sẽ nói rằng tôi tự phụ. “Đây có thực sự là số phận của vùng đất khốn khổ và hoang sơ của chúng ta không? Có phải chúng ta thực sự được định sẵn để thốt ra những lời này cho toàn nhân loại hay không? Tôi đang nói về vinh quang kinh tế, vinh quang của thanh kiếm hay vinh quang của khoa học? Không, tôi chỉ nói về tình anh em giữa con người với nhau. Tôi nói rằng trái tim người Nga, có lẽ hơn trái tim của tất cả cá quốc gia khác, để mang lại sự đoàn kết anh em, sự bao dung của toàn thể nhân loại. Tôi thấy những dấu hiệu của nó trong lịch sử của chúng ta, trong những người con thiên tài của chúng ta, trong thiên tài nghệ thuật của Pushkin. Vùng đất này nghèo khổ, nhưng chính vùng đất nghèo khổ này, Chúa Ki tô đã đi qua với phước lành, trong trang phục của một nông nô. Và có lý do nào khiến lời nói cuối cùng của Ngài không được thể hiện trong chúng ta không? Chẳng phải chính Ngài đã sinh ra trong máng cỏ sao?

Tôi xin nhắc lại, ít nhất chúng ta có thể chỉ ra tính phổ quát và tính nhân văn trong thiên tài Pushkin. Suy cho cùng, tâm hồn Pushkin có thể chứa đựng những thiên tài, vùng đất các quốc gia khác như thể họ là của chính ông. Trong các tác phẩm của mình, ông đã bộc lộ niềm khao khát mang tính phổ quát của tinh thần Nga, một đặc điểm hướng tới tương lai của chúng ta. Nếu suy nghĩ của chúng ta là một giấc mơ, thì ít nhất ở Pushkin, giấc mơ đó có một nền tảng vững chắc. Nếu sống lâu hơn, có lẽ ông đã bộc lộ những hiện thân vĩ đại và bất tử của tâm hồn Nga, điều mà những người anh em châu Âu có thể hiểu được. Ông ấy sẽ kéo họ lại gần chúng ta hơn. Có lẽ ông ấy sẽ thành công trong việc giải thích cho họ toàn bộ sự thật về nguyện vọng của chúng ta! Họ sẽ hiểu chúng ta nhiều hơn bây giờ. Họ sẽ bắt đầu có cái nhìn sâu sắc về chúng ta và không còn nhìn chúng ta một cách đầy nghi ngờ và tự phụ như họ vẫn làm. Nếu Pushkin sống lâu hơn, có lẽ giữa chúng ta sẽ ít hiểu lầm hơn và ít tranh cãi hơn. Nhưng Chúa lại muốn khác. Pushkin qua đời khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Không nghi ngờ gì nữa, ông đã mang theo xuống mồ một bí mật lớn. Chúng ta có trách nhiệm tìm ra bí mật này mà không cần sự giúp đỡ của ông ấy.

Dương Tất Thắng dịch

Ý nghĩa bài diễn văn Pushkin của Dostoesky

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment