Ý nghĩa bài diễn văn Pushkin của Dostoevsky

Bài diễn văn này được trình bày vào ngày 20/06/1880 tại cuộc họp thứ hai của Hội những người yêu thích văn học Nga, nhân dịp khánh thành tượng đài Pushkin tại Moscow. Bài diễn văn đã khơi dậy những phản ứng cuồng nhiệt từ khán giả, dường như chưa từng có trong lịch sử diễn thuyết công khai ở Nga. Nhờ bài phát biểu của Dostoevsky, một góc nhìn mới về tác phẩm và con người của Pushkin được nêu lên, nhiều suy nghĩ về mục đích và số phận của người dân Nga được nhà văn vĩ đại này đặt ra, và đã được khắc sâu trong văn hóa và bản sắc dân tộc Nga trong một thời gian dài. Đây được coi là thành tựu đỉnh cao trong những năm cuối đời của ông và đưa ông lên hàng ngũ của một nhà tiên tri đồng thời củng cố thêm vị thế của ông như là nhà văn Nga đương đại vĩ đại nhất.

Một bức ảnh Dostoevsky được render lại

Điều gì đã xảy ra vào ngày Dostoevsky đọc bài diễn văn bất hủ này?. “Ông bước lên sân khấu, ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh, đôi mắt sáng trên khuôn mặt nhợt nhạt của mình, nhưng đầy phấn khích, giọng nói ngày càng mạnh mẽ hơn và vang lên với một sức mạnh đặc biệt, cử chỉ ngày càng tràn đầy năng lượng và uy quyền. Ngay từ đầu bài phát biểu, đã có một mối liên hệ tinh thần giữa ông và những người nghe, ý thức và cảm giác về mối liên hệ tinh thần này là điều Dostoevsky luôn cảm nhận được, ông kiêu hãnh dang rộng đôi tay của mình. Khi ông nói xong, có một khoảnh khắc im lặng, và sau đó, giống như một cơn lũ tràn về. Tiếng vỗ tay, tiếng ghế va vào nhau, tiếng la hét làm rung chuyển hội trường. Nhiều người khóc, quay sang những người xa lạ bên cạnh để chào hỏi và nói chuyện, có những người đã ngất xỉu vì sự phấn khích. Hầu hết mọi người đều ở trong trạng thái như vậy, dường như họ sẽ đi theo ngay nếu diễn giả gọi họ, đến bất cứ nơi nào!”. Đây là cách một luật sư nổi tiếng người Nga, Anatoly Feodorovich Koni, miêu tả lại về bài phát biểu của Dostoevsky, một đánh giá có ý nghĩa bởi vì bản thân ông cũng là một nhà hùng biện tài ba.

Tại sao, bằng phương tiện, cách truyền tải như thế nào mà tác giả của bài phát biểu lại đạt được hiệu ứng lớn như vậy, một hiệu ứng gây ra bất ngờ cho chính tác giả: “…tôi đã quá sốc và kiệt sức đến nỗi bản thân tôi đã gần như ngất đi”, Dostoevsky đã viết như vậy vào ngày 30/06/1880 trong một lá thư gửi cho S.A.Tolstoy.

Nhưng đây không phải là câu hỏi duy nhất liên quan đến hiện tượng này qua bài diễn văn Pushkin của Dostoevsky. Nghịch lý của bài diễn văn này nằm ở chỗ, nó tạo ra những phản ứng tích cực, cuồng nhiệt của những người trực tiếp nghe. Nhưng sự cuồng nhiệt này đã được thay thế bằng những lời chỉ trích tiêu cực, chua cay và gay gắt trên báo chí sau đó. Làm thế nào để giải thích được mâu thuẫn này?

Ở đây, trước hết là sự khác nhau về sự tiếp nhận. Một đằng là sự nhận thức trực tiếp lời nói bằng tai trong màn diễn thuyết sâu sắc của tác giả, cộng với sự cộng hưởng từ đám đông. Một đằng là sự tiếp nhận bằng cách đọc lại những văn bản (có chủ đích như một bài luận) trên các trang báo. Sự khác biệt chính giữa nhận thức thính giác và thị giác là người nghe bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự xúc động mà người diễn thuyết và đám đông đem lại, điều này không thể có bằng cách đọc qua các trang báo.

Và, những người có mặt đã nghe và “lắng nghe” điều gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu trạng thái tinh thần của người dân khi đó, để hiểu và theo dõi những chuyển động tâm lý của người nghe. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần phải hiểu rộng hơn về tình hình chính trị và tâm trạng của nhân dân trong giai đoạn lịch sử đó của nước Nga, bởi vì, như I.Volgin đã nói, “Bài diễn văn  của Dostoevsky không thể hiểu được nếu tách biệt nó khỏi những hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra nó. Hơn nữa, việc loại bỏ văn bản của bài phát biểu khỏi bối cảnh thực tế của nó đã “bóp méo” chính văn bản đó”.

Vào những năm 70-80 của thế kỷ XIX, nước Nga đang trong một giai đoạn khủng hoảng chính trị trầm trọng, các cuộc đấu tranh cách mạng, khủng bố gia tăng: những nỗ lực của Vera Zasulich nhằm ám sát đại tá Fyodor Trepov, thống đốc St.Petersburg; ngày 04/08/1878 một vụ ám sát khác nhằm vào trung tướng Mezentsev, người đứng đầu Cục III; ngày 05/02/1880 một vụ nổ xảy ra tại tầng hầm của Cung điện Mùa đông, nơi diễn ra bữa tối ngoại giao của Alexander II với Hoàng tử Hesse; một nỗ lực ám sát người đứng đầu Ủy ban hành chính tối cao MT Loris Melikov vào ngày 20/02/1980…v.v. Sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong xã hội và yêu cầu cải thiện tình hình thực tế buộc giới trí thức Nga phải tìm ra con đường, lý tưởng, và xác định được vị trí lịch sử của mình. Không chấp nhận chính sách của những người theo chủ nghĩa dân túy, giới trí thức đã cố gắng tìm ra những cách khác để giải quyết các vấn đề của nước Nga. Trong đó nổi bật hai trường phái, những người theo tinh thần của chủ nghĩa phương Tây (như S.M. Solovyov, K.D. Kavelin, I.V. Vernadsky, I.S. Turgenev…), và những người theo chủ nghĩa Slavo (như I.S. Aksakov, F.M. Dostoevsky…). Bước sang năm 1880, cuộc đối đầu giữa nhà nước và những người cách mạng đã lắng xuống do chính sách hòa giải, tự do của bá tước M.T. Loris Melikov, người được bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban hành chính tối cao. “Sự tan băng” này đã dẫn đến việc Bộ trưởng giáo dục công cộng, mang tinh thần bảo thủ, D.A. Tolstoy, bị sa thải, các hoạt động kiểm duyệt được nới lỏng và suy yếu, báo chí phát triển chưa từng có, những căng thẳng xã hội giảm dần, chấm dứt tình trạng khủng bố có tổ chức. Chính phủ đã giao cho tầng lớp trí thức một vai trò đặc biệt, đó là thực hiện các cải cách và phát triển văn hóa dân tộc.

Bên cạnh bầu không khí lạc quan và những thay đổi tích cực này, những căng thẳng trong xã hội Nga vẫn tồn tại và dễ bùng phát. Lúc này, bất cứ một hoạt động nào có ý nghĩa gắn kết sự đoàn kết toàn dân đều mang lại những thay đổi tích cực. Trong hoàn cảnh đó, tượng đài Puskin được khánh thành. Khi tiếng chuông ngân lên, tấm vải phủ rơi xuống. Như các tờ báo đã viết, mọi người “phát điên vì hạnh phúc”. “Có bao nhiêu cái bắt tay, bao nhiêu nụ hôn chân thành tốt đẹp đã được trao đi giữa mọi người, đôi khi là những người xa lạ với nhau”. Những cảm xúc tuôn trào như vậy, kèm theo đó là những bữa tiệc, những cuộc họp, buổi hòa nhạc của Hội những người yêu thích văn học Nga, và hầu hết những tràng pháo tay, như một sự ngầm hiểu, là dành cho S. Turgenev, được ngầm coi là “người thừa kế trực tiếp và xứng đáng của Pushkin”.

Mọi người đều tin rằng bài phát biểu của Turgenev tại cuộc họp đầu tiên của Hội những người yêu thích văn học Nga sẽ là một sự kiện quan trọng, có tầm ảnh hưởng nhất của lễ kỷ niệm Pushkin. Nhưng bài phát biểu của ông không thỏa mãn được niềm hy vọng của người nghe, ông không chỉ phủ nhận Pushkin quyền được ngang hàng với những thiên tài của thế giới, mà còn phủ nhận danh hiệu “nhà thơ của nhân dân, của dân tộc”.

Bài phát biểu của Turgenev đã nêu được những lý do toàn diện, được cân nhắc kỹ lưỡng cho việc dựng tượng đài Pushkin, đồng thời giải thích lý do tại sao hầu như tất cả trí thức Nga, những người con ưu tú, đại diện của đất nước, của chính phủ, giới khoa học và văn học nghệ thuật đã có mặt tại Moscow để tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn dành cho Pushkin. Đó là một bài diễn văn công phu, tao nhã, giản dị và khiêm tốn của nhà thơ. Toàn bộ bài phát biểu của Turgennev thấm đẫm lòng tôn kính sâu sắc đối với Pushkin, nhưng không đáp ứng được mong muốn chung là được nghe một đánh giá thuyết phục về tầm quan trọng của nhà thơ hoặc một tuyên bố chính trị quan trọng. Diễn văn của Turgenev không trở thành điểm nhấn của chương trình như mong đợi. Vì vậy, một sự thỏa mãn cảm xúc với số đông người tham dự đã không xảy ra. Thất bại của Turgenev nằm ở chỗ, bài phát biểu của ông hướng nhiều đến tâm trí hơn là cảm xúc của đám đông.

Ngày 20/06/1880 đã trở thành ngày chiến thắng của Dostoevsky. Đối với những người đã nghe bài diễn văn nổi tiếng của ông vào ngày hôm đó, tất nhiên, họ đã hình dung rõ ràng sức mạnh và ảnh hưởng to lớn mà lời nói của một con người có thể đem tới, khi nó được nói ra với sự chân thành và một nhiệt huyết. Ngày hôm trước, khi Turgenev đọc bài diễn văn của mình, chắc chắn nó cũng không kém phần chân thành và nhiệt huyết, nhưng ông lại không tạo ra được hiệu ứng như Dostoevsky đã làm được. Vậy bằng cách nào mà Dostoevsky có thể chinh phục và tập hợp những trái tim người nghe trong ngày đó?.

Điều này chắc chắn không phải do cách đọc. Hôm đó, Dostoevsky khoác lên mình một chiếc áo đuôi tôm, trông giống như một chiếc áo được treo trên móc hơn là mặc lên người; chiếc áo sơ mi nhăn nhúm; chiếc cà vạt trắng thắt sơ sài, trông như sắp bị bung ra. Ông đọc bài diễn văn theo cách rất bình thường, ông ấy nói đơn giản, chính xác như thể đang nói chuyện với những người quen biết. Tất cả đều rất đơn giản và rõ ràng, giản dị và không cầu kỳ.

Rõ ràng, điều quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt nằm ở nội dung của bài diễn văn. Nó đã phù hợp với đối tượng người nghe như thể người đọc đã nghiên cứu rất kỹ thành phần khán giả là những ai, và bài diễn văn được viết dành cho họ.

Lời mở đầu bài diễn văn là một sự khẳng định, khẳng định tính duy nhất, và hơn thế nữa còn mang tính huyền bí, tính đại diện, hướng đến điều rộng lớn là tinh thần Nga và đó chính xác là những gì công chúng muốn nghe nhất.

Sau khi đặt luận đề về lời tiên tri của Pushkin, Dostoevsky giới thiệu một khái niệm quan trọng, đó là “người lang thang bất hạnh”, kiểu người đã được Pushkin tìm thấy và mô tả lại qua hình ảnh của Aleko. Và rồi Dostoevsky liên hệ với thực tế hiện tại, nhận ra ở những người xã hội chủ nghĩa mới mang những nét đặc trưng của Aleko.

Một cách diễn giải mới như vậy về hình ảnh đặc trưng của một kiểu người Nga không thể không thu hút người nghe, vấn đề lời nói được chuyển từ phạm vi văn học sang phạm vi xã hội- lịch sử. Tác giả nêu lên rằng, những người con cháu của Aleko phấn đấu đạt được mục tiêu và hạnh phúc, không chỉ của riêng mình mà còn cho thế giới. Sau lời nói này, rất đông người nghe cảm thấy trong mình cần hướng tới những lý tưởng cao cả và có lẽ đã bị cuốn vào sự tự vấn bản thân. Dostoevsky trước hết đã giành được sự đồng cảm của người nghe, khiến họ tham gia vào một chí hướng tập thể.

Tiếp theo, Dostoevsky tiến hành phân tích một kẻ lang thang khác của Pushkin là Onegin, và nhờ vào cách diễn giải đặc biệt về hình ảnh này, về tội ác, tư tưởng, tính cách của Onegin, một bộ phận người nghe bắt đầu nghi ngờ loại “người lang thang” này. Lúc này, số đông người nghe hoàn toàn bị cuốn theo lời nói của tác giả, bởi vì đối với họ, lời nói này không còn là về Pushkin nữa mà là về chính họ.

Tiếp theo, bằng hình ảnh nhân vật Tatyana, trong tiềm thức của người nghe, ranh giới giữa số phận của một nhân vật văn học, với hình ảnh khái quát về người phụ nữ Nga và cuộc sống của chính cô ấy cuối cùng đã bị xóa nhòa. Dostoevsky.  Đã chinh phục hoàn toàn những khán giả nữ đang nghe ông nói. Không phải vô cớ mà vào cuối buổi phát biểu, một nhóm phụ nữ trẻ chạy lên sân khấu và trao cho Dostoevsky vòng nguyệt quế có dòng chữ: “Dành tặng người phụ nữ Nga, người mà ông đã nói rất nhiều điều tốt đẹp”. Trong phần diễn thuyết về Tatyana, họ chỉ nghe thấy lời khen ngợi dành cho phụ nữ Nga, nói cách khác, dành cho chính họ, chứ không phải dành cho một kiểu phụ nữ Nga cụ thể nào.

Khi tất cả những người có mặt trong hội trường đều cảm thấy mình là những “kẻ lang thang xa lạ” như Onegine, hay chỉ là “những phôi thai của đạo đức”, bị đánh giá thấp với một “tâm hồn bị xúc phạm, bị tổn thương” như Tatyana. Dostoevsky gần như đánh mất lòng tin của tất cả những Onegine mới xuất hiện, khi nhận ra “có quá nhiều sự phục tùng về mặt tinh thần trong những kẻ lang thang trên thế giới này”. Nhưng tiếp theo, khi ông gọi cùng một kiểu người Nga là “người tìm kiếm sự hòa hợp của thế giới”, ông dường như đã hòa giải với công chúng và khôi phục lại sự cân bằng đáng tin cậy.

Vì vậy, phần lớn công chúng đã gắn bó với ý kiến của diễn giả và sẵn sàng để đáp lại lời kêu gọi của ông. Chỉ còn lại một thính giả hoài nghi trong hội trường. Người đàn ông này là Sergeevich Turgenev, một đối thủ tư tưởng và đối thủ văn học của Dostoevsky. Nhưng vào ngày hôm đó, kẻ thù đã bị khuất phục trước nhiệt huyết chung. Vào cuối bài phát biểu, ông thậm chí còn vội vã ôm Dostoevsky và nói: “Ông là một thiên tài, ông còn hơn cả một thiên tài”. Đúng vậy, một thời gian sau, đánh giá của ông về bài phát biểu đã thay đổi một cách cơ bản. Trong một lá thư gửi Stasyulevich, ông viết: “Đây là một bài phát biểu rất thông minh, xuất sắc và xảo quyệt, với tất cả niềm đam mê, bài phát biểu hoàn toàn dựa trên sự dối trá, nhưng sự dối trá cực kỳ dễ chịu đối với lòng tự hào của người Nga… rõ ràng là công chúng đã bị mê hoặc bởi những lời khen ngợi này; đúng vậy, và bài phát biểu thực sự tuyệt vời về mặt vẻ đẹp và sự khéo léo”. Và sau đó, trong cuộc trò chuyện với V.V. Stasov, ông thừa nhận ông ghê tởm bài phát biểu của Dostoevsky, bài phát biểu khiến hàng ngàn người phát điên cùng chúng tôi.

Làm thế nào Dostoevsky thành công vào ngày 20/06 trong việc đảm bảo sự công nhận của Turgenev? Chỉ là trong bài phát biểu có một lời nói nồng nhiệt, chân thành, dễ chịu ngay cả đối với lòng kiêu hãnh của ông. Dostoevsky đã đưa ra một phép so sánh giữa Tatyana và nữ anh hùng trong tác phẩm của Turgenev. Trong đó đã đề cao nhân vật của Turgenev là hình ảnh nữ anh hùng vĩ đại nhất của văn học Nga.

Vì vậy, trước khi Dostoevsky đi đến điểm then chốt trong bài phát biểu của mình, khán giả đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ông, sẵn sàng đáp lại bất kỳ lời kêu gọi nào của ông. Nhưng trước khi chuyển sang luận đề chính của bài phát biểu, tác giả bài phát biểu đã phác thảo hệ thống xây dựng hình ảnh cho tác phẩm của chính mình: 1) Pushkin là nhà văn vĩ đại, sánh ngang, thậm chí là vượt qua những nhà văn vĩ đại nhất trên thế giới. Pushkin là nhà văn của dân tộc, của nhân dân. 2) Kiểu người Nga lang thang cho đến ngày nay vẫn tồn tại và sẽ còn tồn tại lâu dài. 3) Vẻ đẹp của người phụ nữ Nga. Trong động thái như vậy, người nói như thể đã kéo người nghe ra khỏi sự tự vấn và đưa họ trở lại chủ đề thảo luận ban đầu- Pushkin và tác phẩm của ông. Tiếp theo, chuyển sang đặc điểm của giai đoạn thứ ba, ông đưa ra luận đề mới: Trong mỗi tác phẩm của Pushkin, người ta cảm nhận được niềm tin vào tính cách Nga, niềm tin vào sức mạnh tinh thần của nước Nga, và ở đâu có niềm tin, ở đó có hy vọng, hy vọng lớn lao cho con người, đất nước Nga. Bây giờ, nỗi thống khổ đang thịnh hành là nỗi thống khổ yêu nước. Trong bối cảnh đó, dễ nhất là thực hiện ý tưởng về bản sắc dân tộc và sự vượt trội của người dân Nga: “Và trong giai đoạn này, nhà thơ đã bộc lộ một điều gì đó gần như là kỳ diệu, chưa từng thấy hay nghe được ở bất kỳ đâu trong lịch sử nhân loại”. Nếu vào ngày hôm trước, Turgenev phủ nhận Pushkin là một thiên tài của thế giới, thì hôm nay Dostoevsky đặt nhà thơ Nga lên trên Shakespeare, Cervantes, Schiller, những người không có “sự đồng cảm mang tính toàn cầu”. Trong khả năng “tái sinh” vào các quốc gia khác của Pushkin. Dostoevsky đã nhìn thấy “sức mạnh của tinh thần dân tộc Nga”, bản chất của nó nằm ở “nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu cuối cùng của mình, hướng tới tính phổ quát và tính toàn nhân loại”. Chính vì hiểu và diễn đạt những khát vọng cơ bản của dân tộc mình mà Pushkin, theo ý kiến của tác giả bài phát biểu, có thể được gọi là một nhà văn của dân tộc. Luận đề mới này dễ dàng được chấp nhận bởi những người theo chủ nghĩa Slavo. Nhưng bộ phận những người theo chủ nghĩa tự do phưng Tây vẫn còn do dự.

Để xóa bỏ những do dự cuối cùng, Dostoevsky diễn giải các hoạt động của Peter Đại đế, thần tượng chính của tất cả những người theo chủ nghĩa phương Tây, như một chính sách hướng tới “sự thống nhất cho toàn thể nhân loại”: “Nhưng khi phát triển hơn nữa ý tưởng của mình, Peter chắc chắc đã tuân theo một bản năng tiềm ẩn nào đó, điều này đã dẫn lối cho ông hướng tới những mục tiêu cao đẹp hơn nhiều so với chủ nghĩa vị lợi hẹp hòi”. Sau một diễn giải như vậy, không ai nghi ngờ rằng “những mâu thuẫn giữa những người theo chủ nghĩa Slavo và phương Tây hóa là kết quả của một sự hiểu lầm khủng khiếp, mặc dù về mặt lịch sử, những mâu thuẫn này là không thể tránh khỏi”. Những nghi ngờ cuối cùng đã bị xua tan, mọi người trong hội trường đều cảm thấy mình “hoàn toàn là người Nga”, “anh em của tất cả mọi người”. Và điều này rất dễ chịu đối với sự phù phiếm của người Nga (Turgenev đã đúng về điều này).

Trong phần cuối, một điều nữa được thêm vào cảm xúc tự hào, tình yêu phổ quát. Chỉ đến cuối bài phát biểu của mình, Dostoevsky mới cho phép mình chuyển sang ý tưởng sâu sắc nhất của mình, ý tưởng về sự hiệp thông anh em cho tất cả các quốc gia phù hợp với những lời dạy bảo theo luật phúc âm của Chúa Ki tô”. Trong bầu không khí nhiệt huyết đã lên đến đỉnh điểm, suy nghĩ này đem đến phản ứng ấm áp trong tâm hồn của tất cả những người nghe, làm tăng thêm cường độ cảm xúc: “Pushkin qua đời khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Không nghi ngờ gì nữa, ông đã mang theo xuống mồ một bí mật lớn. Chúng ta có trách nhiệm tìm ra bí mật này mà không cần sự giúp đỡ của ông ấy”. Đây là cách Dostoevsky kết thúc bài phát biểu tuyệt vời của mình, người nghe như những người tham gia vào một bí ẩn lớn, ý nghĩa của nó, trên thực tế, là họ không cần phải đi tìm, mà chỉ cần được nhà hùng biện dẫn dắt, diễn giải. Với câu cuối cùng của bài phát biểu, Dostoevsky không muốn hay mong đợi điều đó, đã nâng mình trong mắt công chúng lên hàng ngũ của một nhà tiên tri, như Pushkin.

Bài phát biểu đã kết thúc. Đã đến lúc chấm dứt những cảm xúc tuôn trào. Niềm vui cuồng nhiệt, những phản ứng quá khích mang tính tập thể, những say sưa với lòng kiêu hãnh, tình yêu và lòng tự ái. Dostoevsky cũng đã bị lừa dối khi ông coi phản ứng dữ dội của công chúng là một sự chấp nhận, một chiến thắng hoàn toàn về ý tưởng trong bài phát biểu của ông. Nhiều ý tưởng trong bài diễn văn của ông đã được lắng nghe và chấp nhận theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, vì, như Dostoevsky đã viết cho vợ vào buổi tối cùng ngày, “họ ngắt lời anh một cách dứt khoát ở mỗi trang, và đôi khi ở cả mỗi cụm từ bằng những tràng vỗ tay như sấm”.

Hóa ra ấn tượng tuyệt vời mà bài phát biểu tạo ra thực chất lại dựa trên một sự hiểu lầm, một chứng loạn thần tập thể, một sự say mê nhất thời. Nhiều yếu tố kích hoạt đồng thời đã tạo ra một hiệu ứng không thể đoán trước. Tách khỏi bối cảnh của ngày lễ, không có giọng nói của tác giả, với ngữ điệu và giọng điệu thay đổi, bài phát biểu của Dostoevsky trên báo lại gây ra một cơn bão khác, nhưng mang tính chất hoàn toàn trái ngược.

Thực tế bài diễn văn là kết quả của tất cả những ý tưởng của Dostoevsky được thể hiện trong nhật ký của nhà văn, đã được nói đến nhiều hơn một lần. Tất cả các thành phần của bài diễn văn có thể được coi là các yếu tố liên kết của một cấu trúc tượng trưng duy nhất, trong đó các khái niệm như Pushkin, Tatyana, người Nga, kẻ lang thang, tất cả mọi người… không chỉ có chức năng công khai trực tiếp, mà còn có ý nghĩa nghệ thuật bổ sung.

Chúng ta hãy chuyển sang văn bản và cố gắng xác định và liên hệ lại các khái niệm chính của lời nói. Trong phần giới thiệu, liên quan đến con người và tác phẩm của Pushkin, hầu hết các khái niệm được giới thiệu: lời tiên tri, tinh thần Nga, chỉ dẫn, quê hương, tâm hồn. Đây là những khái niệm gắn liền với cực dương của không gian nghệ thuật của lời nói. Hơn nữa, các phạm trù tiêu cực được giới thiệu, ban đầu liên quan đến Aleko, sau đó là Onegine và rộng hơn là đối với kiểu người lang thang, một người trừu tượng, kiêu hãnh, đau khổ, Chúng đối lập với các phạm trù có trật tự khác, được đưa vào văn bản liên quan đến ý tưởng về chân lý của nhân dân và người mang nó - Tatyana: đức tin và chân lý, sự khiêm nhường, làm việc trên chính quê hương mình, sự hy sinh. Khi quay lại với Pushkin, Dostoevsky không còn coi ông là tác giả của những kiểu mẫu được tạo ra một cách xuất sắc của giới trí thức Nga, mà là người mang ý tưởng về sự đồng thuận cuối cùng của anh em tất cả các quốc gia tuân theo luật phúc âm của chúa Ki tô, như với một con người toàn diện. Để làm được điều này, ông sử dụng một số khái niệm chính, một số trong đó đã được sử dụng ở dạng đã sửa đổi ở phần đầu bài phát biểu: sự thật, niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, tính duy nhất, tính phổ quát, khát vọng anh em, luật phúc âm của Chúa Ki tô.

Do đó, trong bài phát biểu của Dostoevsky, một hệ thống phân cấp các hình ảnh nghệ thuật được xây dựng, thể hiện một số loại người Nga nhất định và tương quan với một hoặc một nhóm khái niệm chính của bài phát biểu. Hơn nữa, cả Pushkin và các anh hùng của ông đều ở cùng một hàng. Hệ thống này là một nấc thang tiến hóa đạo đức của một người Nga, nơi để di chuyển từ bước này sang bước khác, một người cần phát triển một số phẩm chất trong chính mình.

Toàn bộ bài phát biểu của Dostoevsky là một dấu hiệu của con đường cứu rỗi của sự tự hoàn thiện về mặt đạo đức và là lời kêu gọi gửi đến giới trí thức Nga trong giai đoạn quan trọng của lịch sử Nga, vượt qua lòng kiêu hãnh, sự lười biếng của họ và hòa mình vào đức tin và chân lý của nhân dân. Nó đủ hiệu quả và phù hợp trong tình hình chính trị xã hội hiện tại.

Khi tách biệt bài diễn văn khỏi toàn bộ chương trình, nhiều ý nghĩa bị bóp méo, giọng điệu bị thay đổi, cấu trúc của bài diễn văn sụp đổ. Ví như lời kêu gọi “hãy khiêm nhường, kẻ kiêu ngạo”, đã làm cho nhiều người trong số những người phản đối tác giả phẫn nộ hoặc cố vin vào đó để công kích bài diễn văn.

Thực tế, khái niệm về sự khiêm nhường là chìa khóa cho thế giới quan của Dostoevsky, xuất phát từ tất cả các tác phẩm của ông. Đối với nhà văn, khái niệm này rộng hơn và sâu sắc hơn nhiều so với việc chỉ hòa giải với thực tế, không kiêu hãnh, sẵn sàng tuân theo ý muốn của người khác. Sự khiêm nhường của ông là sự khiêm nhường của những tham vọng ủng hộ chân lý phúc âm, đây là cuộc sống theo luật lệ của tình yêu, theo luật của chúa Ki tô, và vì người bảo vệ duy nhất của chân lý phúc âm, theo Dostoevsky, là những người Chính thống giáo Nga. Cách trình bày này không phù hợp với giới trí thức có tư tưởng tự do với các lý tưởng về văn hóa và tiến bộ phương Tây, cũng không phù hợp với những người Slavo về chế độ chuyên quyền và thể chế quyền lực của họ. Bài phát biểu đã phải chịu sự bác bỏ và diễn giải sai lệch.

Những đối thủ tư tưởng của Dostoevsky không thể tha thứ cho nhà văn vì chiến thắng công khai của ông, và vì thực tế nhiều người trong số họ đã tôn vinh ông như “một nhà tiên tri, một thiên tài, một vị thánh” ngay sau bài diễn văn. Bây giờ, họ như thể đi tìm cách để tự biện minh cho mình. Nếu việc tỉnh táo sau cơn phấn khích khiến những người phản đối Dostoevsky cay đắng, thì tác giả của bài phát biểu cũng có một nhận thức cay đắng rằng, ông một lần nữa không được hiểu và không được chấp nhận. Một loạt các ấn phẩm cay độc, ác ý, những lời lăng mạ cá nhân đổ lên Dostoevsky, ảnh hưởng xấu không chỉ đến tình trạng tâm lý mà còn cả thể chất của ông. Sự quấy rối của báo chí đã rút ngắn cuộc đời của nhà văn, chỉ hơn 6 tháng sau, nhà văn vĩ đại của nước Nga và thế giới đã qua đời.

Nhưng những gì Dostoevsky nói về Pushkin hóa ra cũng đúng với chính ông, vì đó là số phận của các nhà tiên tri ở Nga; và chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng: “Dostoevsky qua đời khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Không nghi ngờ gì nữa, ông đã mang theo xuống mồ một bí mật lớn. Chúng ta có trách nhiệm tìm ra bí mật này mà không cần sự giúp đỡ của ông ấy”.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment