(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cuộc đời Oppenheimer-cha đẻ bom nguyên tử

Có lẽ, một trong những phát minh đáng sợ nhất mà con người từng tạo ra là vũ khí nguyên tử. Oppenheimer, cha đẻ của nó đã khiếp sợ chính phát minh của mình, sau khi chứng kiến những gì thứ vũ khí này gây ra ở Hiroshima và Nagasaki. Bom hạt nhân đã hủy hoại cuộc đời của chính người cha đẻ, dù theo cách này hay cách khác. Hơn nữa, nó đã làm thay đổi mãi mãi dòng chảy của lịch sử nhân loại.

Julius Robert Oppenheimer

“Chúng tôi biết thế giới sẽ không bao giờ như cũ được nữa. Có người cười, có người khóc, nhưng hầu hết chúng tôi đều im lặng. Lúc ấy tôi chợt nhớ lại một câu từ Bhagavad Gita, một cuốn Kinh Hindu. Vishnu đang cố thuyết phục vị vương tử làm điều mình cần làm; và để thuyết phục anh ta, thần biến thành hình dạng ngàn tay, và nói rằng “Giờ ta đã trở thành Tử thần, kẻ hủy diệt các thế giới”. Tôi cho là tất thảy mọi người ở đó đều nghĩ vậy”.

Oppenheimer đã nói như vậy vào năm 1965, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, khi ông được hỏi về suy nghĩ của ông lúc vụ thử bom hạt nhân thành công.

Oppenheimer, cha đẻ của bom hạt nhân là người như thế nào, và duyên nợ giữa ông với phát minh đáng sợ của mình ra sao?

Xuất thân và học vấn

Robert Oppenheimer, tên đầy đủ là Julius Robert Oppenheimer, sinh ngày 22/04/1904 tại New York, mất ngày 18/02/1967 tại Princeton, Mỹ. Robert Oppenheimer sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Đức, gia đình ông di cư sang Mỹ từ năm 1888. Cha ông là Julius, chuyên nhập khẩu và buôn bán vải sợi tại thành phố New York. Ông Julius đến Mỹ với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ tài năng và sự chăm chỉ đã trở nên giàu có. Mẹ ông là bà Ella, một họa sĩ gốc Baltimore. Từ năm 1912, gia đình Robert Oppenheimer sống tại một căn hộ trên tầng 11, thuộc một tòa nhà ở số 155, phố Riverside Drive, Manhattan. Oppenheimer có một người em trai tên Frank, sau này cũng trở thành một nhà vật lý.

Bố mẹ ông là những người có học thức, coi trọng việc giáo dục, gia đình lại có điều kiện nên Oppenheimer được chú trọng giáo dục từ nhỏ và toàn diện. Khi đến tuổi tới trường, ban đầu Oppenheimer học tại trường dự bị Alcuin. Năm 1911 thì chuyển đến Trường Xã hội văn hóa đạo đức. Oppenheimer là một học sinh đặc biệt thông minh, có nhiều tài năng và thể hiện sự quan tâm ở nhiều môn học khác nhau. Trong đó, Oppenheimer quan tâm nhiều đến văn học, ngôn ngữ Anh, Pháp, và đặc biệt yêu thích khoáng vật học. Trong vòng 1 năm đã hoàn thành chương trình của cả lớp 3 và lớp 4, đến lớp 8 thì nhảy lớp ở giữa năm khi chương trình học mới đi được một nửa. Vào những năm cuối trung học, Robert Oppenheimer bắt đầu để ý và đam mê hóa học.

Năm 1922, ở tuổi 18, Oppenheimer vào học tại Harvard chuyên ngành hóa học, ông nhập học muộn một năm do phải chữa bệnh rồi đi tĩnh dưỡng tại New Mexico, ông bị viêm loét đại tràng khi đang khảo sát khoáng vật trong chuyến đi nghỉ hè của gia đình tại Jachymov (Tiệp Khắc). Ông bù đắp cho việc nhập học muộn bằng cách học mỗi kỳ 6 khóa trình. Ngay trong năm đầu tiên ông đã được nhận dự thính sau đại học về vật lý dựa trên kết quả học tập, nghĩa là ông không phải trải qua các khóa học cơ bản và có thể học luôn các khóa chuyên sâu. Ông cũng xuất sắc hoàn thành các khóa học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, lịch sử, triết học, toán học, ngoài ra ông còn sáng tác thơ và nghiên cứu triết học Phương Đông. Từ một khóa học về nhiệt động lực do nhà vật lý nổi tiếng Percy Bridgman giảng, Robert Oppenheimer bắt đầu yêu thích và bị lĩnh vực vật lý thực nghiệm cuốn hút. Robert Oppenheimer tốt nghiệp loại ưu chỉ sau 3 năm.

Học tập và nghiên cứu tại Châu Âu

Tốt nghiệp Harvard, Oppenheimer  đi tàu sang Anh tiếp tục học tập và nghiên cứu tại Châu Âu. Năm 1924, Robert Oppenheimer được nhận vào Christ’s College, một trường thuộc hệ thống đại học Cambridge. Sau đó, ông viết thư cho Ernest Rutherford xin được làm việc tại phòng thí nghiệm Cavendish. Bridgman cũng viết thư giới thiệu Robert Oppenheimer cho Rutherford, đồng thời cũng nói rằng Robert Oppenheimer khá vụng về trong phòng thí nghiệm. Rutherford nhận thư và không quá ấn tượng, nhưng Robert Oppenheimer vẫn đến Cambridge với hy vọng rằng sẽ nhận được một vị trí khác. Cuối cùng, nhà vật lý học nổi tiếng người Anh là J.J Thompson đồng ý nhận Robert Oppenheimer, với điều kiện ông phải hoàn thành khóa đào tạo thực nghiệm cơ bản trước. Tuy nhiên, Robert Oppenheimer lại có mối quan hệ cực kỳ tệ với người phụ trách đào tạo ông là Patrick Blackett, người chỉ hơn ông vài tuổi. Mọi chuyện nghiêm trọng đến mức sau này, Francis Fergusson, một người bạn của Oppenheimer  kể rằng, Oppenheimer từng tẩm hóa chất độc vào táo rồi để trên bàn của Patrick, nhưng rất may không ai ăn phải.

Robert Oppenheimer nghiện thuốc lá nặng, hay có thói quen bỏ ăn khi tập trung cao độ, thường xuyên bị trầm uất, và có khuynh hướng tự hủy bản thân. Điều này khiến bạn bè và người thân cho rằng ông có vấn đề thực sự nghiêm trọng về mặt tâm lý. Thế nhưng bản thân Robert Oppenheimer cũng không quan tâm tới những vấn đề của mình. Ông cũng không có nhiều bạn bè, ông từng nói với em trai mình rằng: “Anh cần vật lý hơn là bạn bè”.

Năm 1926, Robert Oppenheimer rời Cambrige để đến nghiên cứu tại đại học Gottingen bởi lời mời của Max Born, một nhà vật lý và toán học nổi tiếng người Đức. Gottingen được xem là một trong những trung tâm hàng đầu về vật lý lý thuyết trên thế giới lúc bấy giờ. Cũng tại đây, Robert Oppenheimer đã gặp và kết bạn với những người sau này rất thành công và nổi tiếng như Werner Heisenberg, Pascual Jordan, Wolfgang Pauli, Paul Dirac, Enrico Fernu và Edward Teller. Ở Gottingen, Robert Oppenheimer tiếp tục thể hiện được tài năng của mình, thậm chí nhiều lúc ông còn hăng hái thái quá trong các buổi thảo luận. “Phương pháp Born- Oppenheimer” do ông và Max Born phát triển là một đóng góp quan trọng cho lý thuyết lượng tử, đây vẫn là công trình được trích dẫn và úng dụng nhiều nhất của ông. Năm 1927, Sau khoảng 1 năm ở đây, Robert Oppenheimer nhận bằng tiến sĩ khi mới 23 tuổi, dưới sự hướng dẫn của Max Born. Trong thời gian ở đây, Robert Oppenheimer cũng đã công bố nhiều bài báo có đóng góp quan trọng cho lĩnh vực cơ học lượng tử. Tháng 09/1927 Oppenheimer  trở về Mỹ chính thức bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Sự nghiệp tại Mỹ

Sau khi trở về Mỹ, Robert Oppenheimer nhận được học bổng nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ tại Caltech (Viện công nghệ California) vào tháng 9/1927. Tuy nhiên, thầy cũ của Robert Oppenheimer là Bridgman cũng muốn ông tới Harvard làm việc, cuối cùng các bên thỏa thuận để ông làm việc ở cả hai nơi. Robert Oppenheimer sẽ ở Harvard trong năm 1927, và đến năm 1928 sẽ chuyển đến Caltech. Mùa thu năm 1928, Robert Oppenheimer có dịp thăm viện nghiên cứu tại đại học Leiden, Hà Lan của Paul Ehrenfest, một nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Áo. Sau đó ông tiếp tục đến Viện công nghệ liên bang Thụy Sĩ Tại Zurich để làm việc với một nhà vật lý người Áo khác là Wolfgang Pauli về các lĩnh vực thuộc cơ học lượng tử và phổ liên tục. Quãng thời gian ngắn đó đã góp thêm phần khiến tên tuổi và tài năng của Robert Oppenheimer lan rộng hơn nữa, giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của ông.

Trở lại Mỹ, Robert Oppenheimer đồng ý trở thành phó giáo sư tại Đại học California, Berkeley, đồng thời vẫn tiếp tục giảng dạy ở Caltech. Tại Berkeley, Robert Oppenheimer đạt được nhiều thành công và trở thành thần tượng của phần lớn sinh viên. Nhiều sinh viên và đồng nghiệp ngưỡng mộ sự uyên bác và hiểu biết rộng của ông. Robert Oppenheimer có xu hướng cực kỳ nồng nhiệt và sôi nổi trong những buổi thảo luận, nhưng lại tỏ ra lạnh lùng và khó gần ở những chốn đông người. Chính vì vậy, nhiều người có ấn tượng Robert Oppenheimer là một thiên tài lạnh lùng và khắc kỷ, tính cách khá dị thường cộng với những vấn đề vốn có về tinh thần của Robert Oppenheimer cũng khiến không ít người có ác cảm với ông.

Oppenheimer

Robert Oppenheimer đạt được những thành công nhanh chóng trong sự nghiệp, năm 1936 ông đã thăng lên học hàm giáo sư chính thức với mức lương 3.300 USD/năm (tương đương 70.900 USD vào năm 2023). Trong lĩnh vực nghiên cứu, Robert Oppenheimer cũng đạt được nhiều thành tựu ở nhiều mảng khác nhau. Ông đã có những khám phá quan trọng về thiên văn học lý thuyết, đặc biệt là về thuyết tương đối tổng quát và lý thuyết hạt nhân, vật lý hạt nhân, phổ học và lý thuyết trường lượng tử, mở rộng lý thuyết này vào điện động lực học lượng tử.

Trong những năm 1920, các vấn đề lượng tử và thuyết tương đối bắt đầu thu hút sự chú ý của giới khoa học. Phát hiện khối lượng có liên hệ với năng lượng và vật chất có thể tồn tại ở dạng sóng lẫn dạng hạt mở ra rất nhiều lối đi, tuy vẫn còn mù mờ, nhưng nó mới lạ, hấp dẫn. Trong xu hướng đó, các nghiên cứu ban đầu của Oppenheimer chú trọng vào quá trình chuyển hóa năng lượng của các hạt hạ nguyên tử như electron, position, và tia vũ trụ. Ông cũng khám phá được nhiều điều mới mẻ về các sao nơ-tron và lỗ đen. Bởi chủ đề thuyết lượng tử khi ấy vẫn còn mới mẻ, vị trí giảng viên cho ông cơ hội hiếm có để dành cả sự nghiệp khám phá, phát triển lý thuyết ấy. Ông còn chịu trách nhiệm đào tạo cả một thế hệ các nhà vật lý Mỹ học hỏi từ khả năng lãnh đạo và tính độc lập trong suy nghĩ của ông.

Một trong những điểm đặc biệt của Robert Oppenheimer là ông quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực, không đơn thuần bó buộc trong khoa học. Ông còn sáng tác thơ, nghiên cứu triết học, thần học. Năm 1933, Oppenheimer học tiếng Phạn và sau đó đọc cuốn kinh Bhagavad Gita bằng tiếng Phạn, ông coi đây là một trong những cuốn sách góp phần hình thành triết lý nhân sinh của mình.

Tuy nhiên, trong lúc sự nghiệp của Robert Oppenheimer tiếp tục phát triển, thì cả thế giới bắt đầu chìm vào vòng xoáy bom đạn của Chiến tranh thế giới lần 2. Và cũng chính từ cuộc chiến này, mà cuộc đời Robert Oppenheimer đã rẽ sang một hướng khác. Tất cả bắt đầu khi ông tham gia vào dự án nổi tiếng bậc nhất cuộc đời mình, dự án Manhattan.

Dự án Manhattan

Vào thời điểm chiến tranh thế giới lần 2 sắp nổ ra, Albert Einstein đã ký vào bức thư do Leo Szilard viết gửi cho tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt, bức thư bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ Đức Quốc xã có thể đang nghiên cứu phát triển “một loại bom mới cực kỳ nguy hiểm” nhờ các phát hiện khoa học về phản ứng phân hạch uranium, bức thư cũng khuyến cáo nước Mỹ nên có hành động đối phó. Robert Oppenheimer cũng tán đồng với những lo ngại này của Einstein và Szilard, ông tin rằng nếu thực sự Đức Quốc xã thành công, chắc chắn Hitler sẽ không ngần ngại sử dụng nó.

Bức thư của Szilard 

Đây chính là bức thư đã thúc đẩy sự ra đời của Dự án Manhattan tuyệt mật năm 1942, dự án mà Oppenheimer được đặt vào trung tâm, khi đó đã trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực của mình.

Khi cậu thanh niên Robert Oppenheimer tốt nghiệp đại học và theo đuổi chuyên ngành vật lý lý thuyết vào những năm 1920, Einstein đã là một tên tuổi lẫy lừng, đã đoạt giải Nobel vật lý và là một nhân vật quan trọng trong giới khoa học nhờ Thuyết tương đối rộng (1915) và các nghiên cứu khác.

Khi Oppenheimer được đặt vào trung tâm của dự án Manhattan, Einstein lúc đó 64 tuổi, không được đưa vào dự án vì tư tưởng cánh tả của ông và những quan niệm khác biệt về lý thuyết vật lý giữa ông và Oppenheimer.

Einstein và Oppenheimer

Như chúng ta đã biết, cho đến cuối cuộc chiến, dự án chế tạo vũ khí hạt nhân của Đức Quốc xã đã không thành công. Nhưng vào thời điểm lịch sử đó, rõ ràng không ai có thể đoán được điều gì có thể xảy ra. Dưới góc nhìn chính trị, nước Mỹ phải gấp rút tham gia vào cuộc chạy đua này.

Ngày 09/10/1941, trước khi Mỹ chính thức tham chiến vào chiến tranh thế giới lần 2, tổng thống Roosevelt đã phê chuẩn một chương trình khẩn cấp phát triển bom hạt nhân. Tháng 06/1942, dự án Manhattan được thành lập với mục đích này. Trung tướng Leslie Groves được bổ nhiệm làm chỉ huy dự án Manhattan, và Robert Oppenheimer được chỉ định làm người tạo lập và đứng đầu phòng thí nghiệm.

Robert Oppenheimer và Groves quyết định rằng để đảm bảo an ninh và sự bí mật, họ cần đặt phòng thí nghiệm tại một địa điểm hẻo lánh. Robert Oppenheimer cuối cùng đề xuất việc thiết lập phòng thí nghiệm tại Los Alamos, New Mexico. Dự án Manhattan được dự trù kinh phí 6000 USD (khoảng 115.000 USD vào thời điểm năm 2023) và vài trăm người tham gia, tuy nhiên quy mô của nó đã mở rộng lên rất nhiều lần so với ước tính ban đầu. Cho đến năm 1945, số người tham gia vào dự án Manhattan đã lên tới con số 6000 người, và Washington đã tiêu tốn ít nhất 2 tỷ đô cho dự án (khoảng 33,3 tỷ đô la vào năm 2023), những con số khổng lồ, để nói lên tầm vóc của dự án.

Oppenheimer và Groves với công tác chuẩn bị thiết lập phòng thí nghiệm

Trong năm 1943, các nỗ lực phát triển của dự  án chủ yếu hướng vào một vũ khí phân hạch dạng súng dùng plutonium có mật danh “Thin Man”. Những nghiên cứu ban đầu về tính chất của plutonium sử dụng plutonium-239 sinh ra từ cyclotron, vốn hết sức tinh khiết nhưng chỉ có thể chế tạo những lượng rất nhỏ. Khi Los Alamos nhận được những mẫu plutonium, họ nhận ra một vấn đề: plutonium từ lò phản ứng có nồng độ plutonium-240 cao hơn, khiến cho nó không dùng làm thiết kế dạng súng được. Tháng 7/1944, Robert Oppenheimer bỏ thiết kế dạng súng để chuyển sang vũ khí dạng nổ và hướng đi này cho thấy nhiều triển vọng. Robert Oppenheimer quyết định dốc toàn lực tập trung vào việc thiết kế vũ khí dạng nổ. Sau nhiều nỗ lực, thiết bị sử dụng phương pháp nổ phức tạp hơn và có tên “Christy” được hoàn thành và phê duyệt ngày 28/02/1945.

Dự án Manhattan

Vụ thử Trinity

Hai ngày trước vụ thử Trinity, Oppenheimer bày tỏ những niềm hy vọng và lo sợ của mình trong một đoạn trích từ Bhagavad Gita:

"Ở trận chiến, trong rừng sâu, trên những vách núi,

Trên biển cả đen tối vĩ đại, giữa rừng tên đao,

Trong giấc ngủ, trong nỗi băn khoăn, trong thẳm sâu nhục nhã,

Những việc tốt đẹp một người từng làm bảo vệ anh ta".

Ngày 16/07/1945, Robert Oppenheimer cùng các thành viên dự án Manhattan tiến hành thử loại vũ khí hạt nhân mới tại sa mạc Jornada del Muerto, cách New Mexico khoảng 56km về phía đông nam. Robert Oppenheimer đặt tên cho vụ thử này là “Trinity”, cái tên được ông lấy cảm hứng từ bài Thánh Ca số 14 của John Donne. Vụ thử Trinity đã tạo ra vụ nổ có sức công phá 20 kiloton (tương đương 20.000 tấn TNT). Ngay khi quả bom phát nổ, chớp sáng lóa xuất hiện rồi một tiếng nổ long trời vang lên, khiến các nhân chứng tưởng rằng họ đang chứng kiến một trận động đất dữ dội. Vụ thử tạo nên một đám mây hình nấm khổng lồ với chiều cao lên tới 12.000m. Sóng xung kích có thể đo được ở cách vụ thử 160km. Thậm chí ở cách xa vụ thử gần 300km, cửa kính nhà vẫn bị vỡ, hoặc nghe thấy âm thanh dội lại. Robert Oppenheimer sau này nói lại rằng khi chứng kiến vụ nổ, ông có liên tưởng đến một dòng thơ trong Bhagavad Gita: “Nếu ánh sáng của ngàn thái dương bùng lên một lúc trên bầu trời, nó sẽ giống như sự huy hoàng của đấng vĩ đại”.

Vụ thử Trinity

Với tất cả những người chứng kiến uy lực khủng khiếp của quả bom nguyên tử, có lẽ họ thật sự cảm thấy giống như câu trích dẫn của Robert Oppenheimer trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 1965: “Giờ ta đã trở thành tử thần, kẻ hủy duyệt các thế giới”.

Hình ảnh vụ thử Trinity

Nhân loại chưa từng sở hữu thứ vũ khí nào có uy lực khủng khiếp và đáng sợ hơn. Bỗng chốc, họ nắm trong tay thứ có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại. Quân đội Mỹ giờ chính thức có trong tay thứ vũ khí mạnh nhất thế giới. Rất nhanh chóng, họ muốn đem thứ vũ khí này vào sử dụng ngay. Ngày 17/07/1945, giữa cuộc họp của lãnh đạo phe Đồng minh tại Potsdam, Đức, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman nhận được tờ giấy có dòng chữ: “Đứa bé đã chào đời”, ám chỉ vụ thử Trinity của họ đã thành công. Gần 1 tháng sau đó, thế giới lần đầu tiên chứng kiến sức tàn phá kinh hoàng của bom nguyên tử.

Mặc dù về cơ bản, Nhật Bản đã thua trên chiến trường. Ngày 06/08/1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Người ta ước tính khoảng 140 ngàn người đã chết ngay lập tức vì vụ nổ, và hàng chục, hàng trăm ngàn người khác chết dần vì nhiễm phóng xạ trong những năm tháng sau đó. 3 ngày sau, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” được thả xuống Nagasaki, khiến 74 ngàn  người chết. 6 ngày sau khi Nagasaki bị đánh bom, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, và chiến tranh thế giới lần 2 chấm dứt.

Robert Oppenheimer bày tỏ cảm giác tội lỗi về phát minh của mình. Ông nói rằng bom nguyên tử đã “cho thấy sự tàn nhẫn, vô nhân tính và độc ác của chiến tranh hiện đại”. Ông đi tới Washington ngày 17/08, đưa tận tay một lá thư tới Bộ trưởng chiến tranh Henry Stimson bày tỏ sự bất mãn của ông cũng như mong muốn cấm thứ vũ khí này. Tháng 10/1945, Robert Oppenheimer được gặp tổng thống Harry Truman. Buổi gặp diễn ra nhanh chóng và căng thẳng, Robert Oppenheimer rất quyết liệt và nói rằng “bàn tay tôi vấy máu”, Truman nổi giận và chấm dứt cuộc gặp. Truman thậm chí còn nói rằng “Tôi không muốn nhìn thấy thằng chó đẻ đó trong văn phòng này thêm một lần nào nữa”. Tuy vậy, vì thành tích lãnh đạo ở Los Alamos, Oppenheimer được nhận Huân chương công trạng (danh dự dân sự cao nhất Mỹ) từ Truman năm 1946.

Có một thời gian sau Chiến tranh thế giới lần 2, Robert Oppenheimer lại có những phát biểu khẳng định rằng ông không có trách nhiệm gì với tấn thảm kịch xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki. Robert Oppenheimer thừa nhận rằng ông cùng các cộng sự đã góp phần tạo nên những thay đổi trong lịch sử nhân loại, nhưng việc sử dụng chúng thế nào là trách nhiệm của chính phủ, không phải là các nhà khoa học. Dù vậy, Robert Oppenheimer và nhiều khoa học đương thời cũng tin rằng thế giới phải có hành động nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân, và Liên hợp quốc cần ban hành một chương trình để ngăn chặn các cường quốc bước vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Sau chiến tranh và giai đoạn cuối đời

Sau khi chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc, Robert Oppenheimer trở về Caltech, nhưng sớm nhận ra bản thân không còn tâm trí để giảng dạy. Quãng thời gian này, ông quay lại tiếp tục nghiên cứu vật lý lý thuyết, và xuất bản một số bài báo có giá trị, đồng thời giúp đỡ nhiều nhà khoa học khác trong công việc nghiên cứu của họ.

Oppenheimer trên giảng đường

Tuy nhiên, thời gian này cũng là lúc xuất hiện những vấn đề phức tạp giữa Robert Oppenheimer với chính phủ Mỹ, chủ yếu là do việc ông gần gũi với một số thành viên của Đảng cộng sản. Oppenheimer  bị FBI theo dõi từ đầu những năm 1940, nhà riêng, văn phòng, điện thoại bị gắn thiết bị thu âm, bị nghe lén, thư từ bị giám sát. Ông cũng phải ra điều trần trước chính phủ một số lần.

Trước kia, Oppenheimer là một người hầu như không quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị. Vào những năm 1930, khi Adolf Hitler ngày càng nổi lên cũng là lúc Oppenheimer ngày càng quan tâm đến chính trị. Năm 1931, mẹ Oppenheimer  mất, và ông trở nên thân thiết với cha mình hơn. Năm 1936, ông ủng hộ phe cộng hòa trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, đây chính là lúc ông gặp những người theo lý tưởng cộng sản. Năm 1937, cha Oppenheimer qua đời để lại 392.602 USD (tương đương 8,3 triệu USD thời điểm hiện tại, năm 2023) cho ông và em trai Frank. Oppenheimer  ngay lập tức viết một chúc thư để lại gia sản của mình cho đại học California làm học bổng cho nghiên cứu sinh. Như nhiều tri thức trẻ những năm 1930, ông ủng hộ những cải cách xã hội mà sau này bị quy mang hơi hướng cộng sản. Ông hiến tặng tiền cho các nỗ lực cải cách mà về sau bị coi là cánh tả.

Đến năm 1947, ông nhận lời trở thành Viện trưởng của Viện nghiên cứu cao cấp ở Princeton, New Jersey, nơi ông làm việc đến gần lúc qua đời. Ông trở thành chủ tịch Ban cố vấn chung cho Ủy ban năng lượng nguyên tử trong cùng năm và tại vị cho đến năm 1952. Năm 1949, Ủy ban này lên tiếng cực lực phản đối bom hydro, từ đó lộ lên các cáo buộc Oppenheimer theo phe cộng sản.

Ngày 21/12/1953, thời điểm chiến tranh lạnh bắt đầu nhen nhóm, chủ tịch ủy ban năng lượng nguyên tử Lewis Strauss, vốn có hiềm khích cá nhân với Oppenheimer, nói riêng với ông rằng quyền miễn trừ an ninh của ông đã bị ngưng, ông bị cáo buộc từng thông đồng với cộng sản trong quá khứ, không chịu chỉ đích danh các đặc vụ Xô Viết, trì hoãn công tác chế tạo bom hydro, và khuyên ông từ chức chủ tịch hội đồng tư vấn chung của ủy ban. Tuy nhiên ông chọn không từ chức mà yêu cầu một buổi điều trần. Có nhiều nhà khoa học và thành viên trong chính phủ, quân đội đã đứng ra làm chứng bảo vệ cho ông. Tuy nhiên, do sự không nhất quán trong lời khai và những hành vi thiếu cân nhắc của ông khi điều trần. Phiên điều trần quyết định Oppenheimer vô tội nhưng đình chỉ hoạt động nghiên cứu nguyên tử của ông, giải trừ ông khỏi Ủy ban năng lượng nguyên tử, cấm ông tiếp cận các bí mật quân sự. Hiệp hội khoa học Mỹ biểu tình ủng hộ Oppenheimer trước buổi điều trần. Ông trở thành biểu tượng nhà khoa học chân chính: một người miệt mài tìm lời giải cho các vấn đề đạo đức xoay quanh các khám phá khoa học mới, đồng thời là nạn nhân của một đợt thanh trừng. Trong những năm cuối đời, Oppenheimer dành thời gian nghiên cứu về mối quan hệ giữa khoa học và xã hội.

Năm 2014, hơn 60 năm sau phiên điều trần đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Oppenheimer, tài liệu xoay quanh vụ việc được công bố. Phần lớn nội dung phiên điều trần đã được công chúng biết rõ, song nhiều tài liệu mới được công bố cho thấy Oppenheimer đã trung thành với tổ quốc mình như thế nào. Những thông tin mới này chứng minh cho nhận định rằng “cha đẻ bom nguyên tử” là một nhân tài đã sớm bị hạ bệ bởi lòng đố kỵ trong công việc và bởi làn sóng thanh trừng cộng sản lúc đó.

Không còn tham gia vào công việc liên quan đến chính phủ, Robert Oppenheimer quay về với việc giảng dạy, nghiên cứu. Robert Oppenheimer cũng tham gia với nhiều khoa học và học giả khác như Albert Einstein, Bertrand Russell, Joseph Rotblat thành lập viện hàn lâm khoa học nghệ thuật thế giới. Ông thường xuyên đi Châu Âu và Nhật Bản để thuyết trình về lịch sử khoa học, vai trò của khoa học trong xã hội. Tháng 9/1957, Pháp trao tặng ông Bắc đẩu bội tinh, và ngày 03/05/1962, ông được bầu chọn làm thành viên ngoại quốc của Hội hoàng gia Anh.

Năm 1963, Oppenheimer đã được tổng thống F.Kennedy lựa chọn cho giải thưởng Enrico Fermi. Tháng 12 cùng năm, sau khi Kennedy bị ám sát, người kế nhiệm là tổng thống Lyndon B.Johnson đã trao tặng Oppenheimer giải thưởng này nhằm vinh danh các khám phá trong lĩnh vực vật lý, một hành động nhằm mục đích phục hồi danh dự cho ông sau những rắc rối giữa chính phủ và Oppenheimer trong quá khứ.

Vào cuối năm 1965, bác sĩ phát hiện Robert Oppenheimer bị ung thư vòm họng. Ông phải trải qua các cuộc phẫu thuật, hóa trị, và xạ trị nhưng đều không thành công. Robert Oppenheimer rơi vào hôn mê ngày 15/02/1967 và qua đời tại nhà riêng ở Princeton, New Jersey 3 ngày sau đó, hưởng thọ 62 tuổi. Buổi mặc niệm được tổ chức tại Hội trường Alexander tại Đại học Princeton một tuần sau đó, với sự có mặt của hơn 600 người là cộng sự trong giới khoa học, chính trị và quân đội. Thi hài Robert Oppenheimer được hỏa táng và tro của ông được thả xuống biển.

Di sản

Robert Oppenheimer là một con người tài năng, một nhà khoa học xuất chúng trong thời đại của ông. Ông có nhiều đóng góp cho các ngành khoa học hiện đại, đặc biệt là lý thuyết vật lý hiện đại. Thế nhưng đến mãi sau này, thứ nhiều người nhớ đến nhất khi nói đến Robert Oppenheimer vẫn là việc ông là người phụ trách dự án Manhattan, là cha đẻ bom nguyên tử, là người đã thay đổi lịch sử nhân loại mãi mãi. Với nhiều người, Robert Oppenheimer là ví dụ tiêu biểu cho sự ngây thơ của những nhà khoa học khi nghĩ rằng mình có thể kiểm soát cách chính phủ sử dụng phát minh của họ. Ở mặt khác, ông cũng là ví dụ tiêu biểu cho sự khó khăn và phức tạp trong những vấn đề liên quan đến trách nhiệm đạo đức của nhà khoa học trong thế giới thời đại hạt nhân. Thế nhưng cuối cùng, bản chất của Robert Oppenheimer vẫn là một nhà khoa học, ông được học trò, đồng nghiệp, các nhà khoa học nhớ đến như một nhà nghiên cứu xuất chúng, một người thầy tận tâm, nhà sáng lập vật lý lý thuyết hiện đại của Mỹ. Robert Oppenheimer chưa bao giờ đạt giải Nobel (ông được đề cử giải Nobel vật lý 3 lần vào các năm 1945, 1951 và 1967 nhưng không đoạt giải), nhưng những đóng góp của ông với khoa học hiện đại là không thể phủ nhận. Và đóng góp nổi tiếng nhất của ông, bom nguyên tử, là thứ đã thay đổi dòng chảy lịch sử mãi mãi. Robert Oppenheimer đã và sẽ luôn được nhớ tới là cha đẻ của vũ khí hạt nhân. Cuộc đời sau này của ông bị chính thứ mình góp phần tạo ra chi phối. Có lẽ đó là lời nguyền, là cái giá phải trả, khi Oppenheimer đã được chọn để gọi tên: “người tạo ra thứ vũ khí của tử thần”.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment