(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nhóm ngụy biện (fallacy) nhập nhằng

Nhóm ngụy biện nhập nhằng hay mập mờ (ambiguity fallacy) bao gồm các loại ngụy biện cho những trường hợp, khi người ngụy biện dùng các từ ngữ, câu chữ, cách diễn đạt không rõ nghĩa, nhập nhằng, mập mờ, hoặc mơ hồ để từ đó làm tiền đề cho kết luận hay luận điểm (nhiều khả năng sai trái) của người đó.

Ambiguity fallacy rất phổ biến trong đời sống

Nhóm ngụy biện nhập nhằng rất thông dụng trong đời sống, ở các cấp độ khác nhau và rất nhiều lĩnh vực. Nhóm ngụy biện này nhiều khi có tác dụng đánh tráo khái niệm và tinh vi, khó phát hiện. Người dùng ngụy biện này cũng có thể thoái thác trách nhiệm nếu bị phát hiện.

Trong tiếng Việt, các đại từ nhân xưng như “bạn”, “họ”, “chúng ta”, “chúng tôi”,…; hay các từ chỉ số đông, chỉ tập thể như “nhân dân”, “khách hàng”…; hay các thuật ngữ mang tính chất chính trị như “tổ quốc”, “nhà nước”, “đất nước”… rất dễ bị lợi dụng để mập mờ, đánh tráo khái niệm.

32. Lí lẽ mập mờ

Dùng những từ, câu chữ và lí lẽ mơ hồ, tối nghĩa hoặc có nhiều nghĩa là một hình thức ngụy biện, nhất là khi một chữ hay câu phát biểu được dùng với hai (hay nhiều hơn hai) ý nghĩa khác nhau. Ví dụ: Một thông báo được đưa ra: “Có gần 70% mẫu trong số 150 mẫu nước mắm được kiểm tra có hàm lượng asen vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của Bộ Y tế”

Thông báo này sẽ làm người dùng nước mắm hoang mang. Người đưa ra thông báo không nói rõ đây là Asen gì, là asen hữu cơ hay vô cơ, chính là một thủ thuật ngụy biện. Asen vô cơ có độc cho người dùng, nhưng asen hữu cơ thì vô hại và nó có sẵn trong hải sản tự nhiên và nước mắm truyền thống. Ở đây, người ngụy biện đã mập mờ, cắt gọn thuật ngữ asen, không nói rõ nó là hữu cơ hay vô cơ, để cuối cùng kết luận nước mắm truyền thống không an toàn.

33. Chơi chữ (Amphiboly)

Từ Amphiboly có nguồn gốc từ từ Ampho trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “gấp đôi” hoặc “ở cả hai bên”

Đây là hình thức ngụy biện dựa vào những giả thuyết mơ hồ, nhập nhằng, do sự bất cẩn trong cách nói hay cách viết sai cấu trúc ngữ pháp hoặc sử dụng những từ, những câu có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Việc chơi chữ hoặc cấu trúc ngữ pháp mơ hồ là khá phổ biến. Tuy nhiên, bản thân một cấu trúc mơ hồ hoặc chơi chữ không phải là ngụy biện. Nó trở thành ngụy biện Amphiboly khi một kết luận sai được rút ra từ đó. Cũng cần cẩn thận để không nhầm lẫn giữa ngụy biện Amphiboly và khiếu hài hước. Ví dụ: “Tin vào Thượng đế sẽ lấp đi khoảng trống tinh thần” là một câu nói ngụy biện, vì “lấp đi khoảng trống tinh thần” là một điều trừu tượng, ai muốn hiểu theo cách nào thì hiểu.

Hoặc phát biểu: “Tôi phản đối các loại thuế làm chậm tăng trưởng kinh tế. Vậy chính xác thì người này đang cố nói điều gì? Có phải người này phản đối tất cả các loại thuế vì chúng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế? Hay thay vào đó, người này chỉ quan tâm đến những loại thuế có tác động làm chậm tăng trưởng kinh tế? Một số người sẽ nhìn thấy cái này, và một số người sẽ thấy cái kia, tùy thuộc vào định kiến, quan điểm và hiểu biết của họ.

34. Trọng âm (Accent)

Đây là một hình thức ngụy biện bằng cách thay đổi ý nghĩa của một câu văn hoặc lời nói qua việc nhấn mạnh vào một từ nào đó trong câu hoặc một âm tiết nào đó trong từ.

Ngụy biện trọng âm là một trong ngụy biện được mô tả đầu tiên bởi Aristotle, triết gia đầu tiên phân loại và mô tả một cách có hệ thống các lỗi ngụy biện. Loại ngụy biện này hay gặp trong tiếng Hy Lạp bản địa của Aristotle hơn là trong tiếng Anh, và đặc biệt là tiếng Việt.

Trong tiếng Hy Lạp, trọng âm rất quan trọng đối với nghĩa vì có rất nhiều từ có thể có nhiều cách phát âm và nghĩa khác nhau. Do đó, người ngụy biện có thể lợi dụng điều này để tạo ra nhiều nghĩa khác nhau từ một câu nói, câu văn. Tuy nhiên, trong tiếng Việt điều này rất hiếm gặp.

Các bài đăng cùng chủ đề:

Ngụy biện (fallacy) là gì? Các loại ngụy biện (Phần 1)

Nhóm ngụy biện (fallacy) thay đổi chủ đề (Phần 2)

Nhóm ngụy biện (fallacy) lợi dụng cảm tính và đám đông (Phần 3)

Nhóm ngụy biện (fallacy) làm lạc hướng vấn đề (Phần 4)

Nhóm ngụy biện (fallacy) quy nạp sai (Phần 5)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nguyên nhân giả (Phần 6)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nhập nhằng (Phần 7)

Nhóm ngụy biện (fallacy) phạm trù sai (Phần 8)

Nhóm ngụy biện (fallacy) philogic (non sequitur) và nhầm lẫn trong tam đoạn luận (Phần 9)

Các ngụy biện (fallacy) khác (Phần 10)

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment