(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nhóm ngụy biện (fallacy) thay đổi chủ đề

Sau khi có khái niệm về ngụy biện (fallacy), chúng ta cùng nhau tìm hiểu về các loại ngụy biện, được chia thành từng nhóm nhỏ theo từng chủ đề. Trước tiên là nhóm nhóm ngụy biện thay đổi chủ đề, nhóm này bao gồm các loại ngụy biện sau: 

Tránh các lỗi ngụy biện để giao tiếp văn minh hơn

1. Ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem)

Ngụy biện tấn công cá nhân là hình thức ngụy biện thay vì bàn luận logic chủ đề đang được nói đến, người sử dụng hình thức ngụy biện này lại quay sang sỉ nhục, chửi rủa, lên án, đề cập, công kích các vấn đề cá nhân của người tranh luận để làm mất uy tín lời nói của người đó. Việc một người làm cái gì, không làm được cái gì không liên quan đến tính logic điều người đó đang tranh luận.

Đây là một hình thức ngụy biện rất phổ biến, thay vì tìm lý lẽ để nói đến vấn đề đang tranh luận, người mắc lỗi ngụy biện này trốn tránh luận điểm, tấn công vào những vấn đề cá nhân của người tranh luận để hạ thấp uy tín của họ. Ngụy biện tấn công cá nhân thường xuất hiện dưới công thức: Người A nói đến một chủ đề, người B không nói đến chủ đề đó mà nói đến những vấn đề cá nhân của người A, và làm cho người khác nghi ngờ luận điểm, lý lẽ của người A, mặc dù, có thể không có mối liên quan nào giữa luận điểm, lý lẽ của người A và những vấn đề cá nhân của người đó.

Ngụy biện tấn công cá nhân có thể tồn tại ở nhiều hình thức. Khi tranh luận, người B chỉ việc công kích vào các vấn đề cá nhân của người A. Ví dụ, câu nói: “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”. Việc người A làm được hay không làm được không dính dáng gì đến tính đúng sai, logic lời anh ta nói cả. Câu này mang tính hạ thấp người đối thoại, phạm ngụy biện tấn công cá nhân. Thêm ví dụ, như câu nói: “có làm được gì cho đất nước đâu mà đòi lên án”, “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”, “Cũng chỉ là anh hùng bàn phím”,… các cách nói này mang tính tấn công cá nhân, chê bai người đối thoại và không liên quan gì đến tính đúng sai, logic lời người A nói cả.

2. Ngụy biện lợi dụng quyền lực, lợi dụng người nổi tiếng (appeal to authority hoặc ad verecundia)

Ngụy biện này là hình thức ngụy biện khi một người dùng danh tiếng, uy tín,… hay quyền lực của người nổi tiếng, những người được nhiều người hâm mộ, tôn trọng để tìm sự ủng hộ, có lợi cho mình trong tranh luận thay vì tính logic của vấn đề. Ví dụ: “Xây tượng đài tốn kém, Bác sẽ không an lòng”.

Cũng có những trường hợp khác rơi vào ngụy biện này, như người nổi tiếng không có đủ uy tín trong lĩnh vực đang tranh luận, hoặc người phạm lỗi ngụy biện bóp méo lời nói của người nổi tiếng để làm lợi cho luận điểm của anh ta.

3. Ngụy biện lợi dụng nặc danh (appeal to anonymous authority)

Đây là hình thức ngụy biện khi một người trích dẫn nguồn thông tin không rõ ràng hay lời nói của một người có danh tính không rõ ràng (anonymous), vốn không thể kiểm chứng, không xác tín, để biện minh hay dẫn chứng cho luận điểm của người đó trong tranh luận.

Ngụy biện lợi dụng nặc danh được sử dụng khá thường xuyên trong báo chí và đời sống hàng ngày. Chúng ta thường bắt gặp nó ở dạng các từ như “một quan chứ Chính phủ cho hay”, “các nhà khoa học Mỹ cho rằng”, “nghe nói là”, “nghe đồn”, “nhiều người tin rằng”,…

4. Ngụy biện lợi dụng tác phong (appeal to appearance and manner)

Là hình thức ngụy biện khi người A thay vì bàn về logic của vấn đề được nói đến, lại lạm dụng tuổi tác, nghề nghiệp, chức vụ, tác phong, thành tích, danh xưng, một đặc tính nào đó… để nâng giá trị lời nói của mình, hạ thấp người B, hạ thấp luận điểm của người B và dành phần thắng cho mình. Đây là một hình thức ngụy biện rất phổ biến, đặc biệt trong những xã hội có văn hóa thứ bậc, mang tính áp đặt cao, như cha mẹ áp đặt con cái, người cao tuổi áp đặt người thấp tuổi, thầy cô áp đặt học sinh. Và, ngụy biện lợi dụng tác phong đôi khi là một biến thể của ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem). 

Ví dụ:

Người A: Không khí thật ô nhiễm, cả khoảng trời phía trước cứ lờ mờ hạt bụi.

Người B: Không phải đâu, tôi là chuyên gia môi trường, tôi biết hơn bạn.

5. Ngụy biện cá trích (red herring fallacy)

Là hình thức ngụy biện khi một người đưa vào những phát biểu không liên quan gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng, hay làm dừng cuộc tranh luận.

Ví dụ:

Người A: Hai bố con anh ấy đi cổ vũ bóng đá, sự cuồng nhiệt trên khán đài dẫn đến xô xát, chen lấn.

Người B: Thật là một ông bố vô trách nhiệm, lại dẫn con mình vào một chỗ như thế?

Ở đây, người B thay vì bàn về logic của việc đi cổ vũ bóng đá và sự cuồng nhiệt trên khán đài lại đi tìm cách hạ nhục ông bố vốn là nạn nhân của sự cuồng nhiệt này.

6. Ngụy biện luận điệu ngược ngạo hay Ngụy biện nghĩa vụ chứng minh (burden of proof)

Ngụy biện nghĩa vụ chứng minh- một số tài liệu gọi là ngụy biện luận điệu ngược ngạo (burden of proof) là cách ngụy biện của người A, khi người A chuyển gánh nặng chứng minh hay tìm bằng chứng trong lời mình nói cho người B, trong khi việc chứng minh là nghĩa vụ của anh ta. Ngụy biện nghĩa vụ chứng minh là biểu hiện đuối lý của người A. Ta gặp nó khá thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, và đôi lúc nó biến thành lỗi tư duy khá ngô nghê của nhiều người mà họ không hề hay biết.

Xem ví dụ qua đoạn trích một cuộc đối thoại:

- A: Có một thống kê trên toàn cầu cho rằng: hơn 93% số người dậy sớm là những người thành công.

- B: Con số 93% ở đâu ra? Tôi nghi ngờ con số này.

- A: Nếu anh nghi ngờ, anh hãy chứng minh con số tôi đưa ra là sai.

Trong ví dụ này, người A đưa ra con số 93%, nghĩa vụ chứng minh hay đưa ra bằng chứng về tính đúng đắn của con số 93% là của người A, chứ không phải người B.

Chúng ta đã tìm hiểu các hình thức ngụy biện trong nhóm ngụy biện thay đổi chủ đề. Mời bạn đọc tìm hiểu về khái niệm ngụy biện và các hình thức ngụy biện khác:

Ngụy biện (fallacy) là gì? Các loại ngụy biện (Phần 1)

Nhóm ngụy biện (fallacy) thay đổi chủ đề (Phần 2)

Nhóm ngụy biện (fallacy) lợi dụng cảm tính và đám đông (Phần 3)

Nhóm ngụy biện (fallacy) làm lạc hướng vấn đề (Phần 4)

Nhóm ngụy biện (fallacy) quy nạp sai (Phần 5)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nguyên nhân giả (Phần 6)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nhập nhằng (Phần 7)

Nhóm ngụy biện (fallacy) phạm trù sai (Phần 8)

Nhóm ngụy biện (fallacy) philogic (non sequitur) và nhầm lẫn trong tam đoạn luận (Phần 9)

Các ngụy biện (fallacy) khác (Phần 10)

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment