(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trích đoạn hay sách Suy tưởng Marcus Aurelius

Sau bài reviewsách suy tưởng của Marcus Aurelius, kính mời độc giả quan tâm đọc một số trích đoạn hay trong quyển sách này:

- Đừng có lúc nào cũng nói (hay viết) với mọi người rằng “tôi rất bận” trừ phi tôi thật sự bận. Tương tự, đừng luôn luôn dìm tôi ngập trong các trách nhiệm của tôi đối với người xung quanh tôi vì cái “sức ép của công việc ấy”.

Sách suy tưởng của một nhà xuất bản nước ngoài

- Những việc bên ngoài làm sao nhãng bạn ư? Thế thì kiếm thời gian để học một cái gì xứng đáng: đừng để cho bản thân bạn bị kéo đi mọi hướng. Nhưng chắc chắn bạn phải cảnh giác với những loại nhầm lẫn khác. Những con người cần mẫn lao động cả đời nhưng không có mục đích nào để hướng mọi tư tưởng hay động lực của mình vào đó thì uổng phí cả đời.

- Đừng bận tâm đến những gì diễn ra trong tâm người khác. Chẳng ai nên vướng vào phiền toái như vậy. Nhưng nếu bạn không dõi theo những gì tâm trí bạn đang làm, làm sao bạn tránh khỏi bất hạnh?

- Đừng bao giờ quên những điều này:

Bản chất của tự nhiên

Bản chất của tôi

Tôi liên hệ với thế giới như thế nào

Tôi đã tạo ra tương quan nào với nó.

Rằng tôi là một bộ phận của tự nhiên và không ai có thể ngăn cản tôi nói và làm hài hòa với nó. Luôn luôn là như thế.

- So sánh các tội lỗi (các cách phạm tội) Theophrastus nói rằng kẻ phạm tội do ý muốn thì tồi tệ hơn kẻ phạm tội do giận dữ: đó là một triết lí đúng. Kẻ giận dữ dường như quay lưng lại với lí trí do đau đớn hay bấn loạn. Nhưng kẻ do dục vọng thúc đẩy, bị khoái lạc sai khiến, dường như bê tha, thiếu đàng hoàng trong tội lỗi của hắn. Theophrastus đã đúng, và có tính triết lí, khi nói rằng tội phạm do khoái lạc đáng chê trách nghiêm khắc hơn tội phạm do nỗi đau. Người giận dữ thường là nạn nhân của sự sai trái, bị nỗi đau khích động thành giận dữ. Người kia tự mình lao vào điều sai trái, do dục vọng thôi thúc.

- Không gì thảm hại hơn những người cứ chạy vòng quanh “đào bới vào những gì nằm bên dưới” và điều tra thăm dò sâu vào linh hồn của những người xung quanh họ, mà không bao giờ nhận ra rằng tất cả những gì bạn cần làm là chăm chú vào cái sức mạnh bên trong bạn, và tôn thờ nó một cách chân thành. Tôn thờ nó là giữ cho nó khỏi bị vấy bẩn bởi những nhiễu loạn và trở nên vô mục đích và bất mãn với tự nhiên, với thần thánh và với con người. Cái gì có tính thần thánh thì xứng đáng để chúng ta thương yêu vì nó giống với chúng ta. Và đôi khi cả thương hại nữa, vì nó không có khả năng phân biệt tốt xấu – một chứng mù màu khủng khiếp khác nào không thể phân biệt được màu đen với màu trắng.

- Cho dù anh có sống thêm 3.000 năm nữa, hay gấp 10 lần số đó, thì hãy nhớ: anh không thể mất một đời sống nào khác hơn cái đời mà anh đang sống đây, hay là sống một đời nào khác hơn cái đời mà anh đang mất. Cái dài nhất thì cũng bằng cái ngắn nhất. Hiện tại là như nhau với tất cả mọi người, và nên biết rõ rằng là tất cả những gì bị mất chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vì anh không thể mất quá khứ hay tương lai, làm sao anh có thể mất cái mà anh không có?

Hãy nhớ hai điều:

Mọi vật luôn là chính nó, nó cứ mãi lặp lại, cho dù anh thấy một vật lặp lại 100 năm hay 200 năm, hay một khoảng thời gian vô tận thì cũng thế.

Người sống lâu nhất và người chết non cùng mất một thứ như nhau. Tất cả những gì y có thể từ bỏ là hiện tại, vì đó là cái duy nhất y có, và y không thể mất cái gì mà y không có.

- “Tất cả mọi vật chỉ là một ấn tượng”- nhà khuyển nho Monimus nói. Và câu trả lời rõ ràng là đủ. Nhưng quan niệm này là hữu ích, nếu anh hiểu nó bằng cái gì xứng đáng với nó.

- Không bao giờ coi một sự vật là có lợi cho anh nếu nó khiến anh phản bội sự thật, hoặc mất cảm giác xấu hổ, hoặc khiến anh thể hiện lòng căm thù, nghi ngờ, ác tâm, đạo đức giả, hay thèm muốn nững thứ được làm ra một cách lén lút gian xảo. Nếu anh có thể cho trí tuệ của anh, tinh thần dẫn lỗi của anh, và lòng tôn kính của anh đối với quyền năng củ nó một đặc quyền, thì anh có thể thoát khỏi bi kịch, khỏi nghiến răng và kêu gào. Anh sẽ không cần phải sống cô đơn, cũng không cần phải sống với số đông người. Trên hết, anh sẽ thoát khỏi sợ hãi và thèm muốn. Và chừng nào mà thân thể anh chứa cái linh hồn cư ngụ trong đó, thì nó khiến anh không một phút âu lo. Nếu đến lúc anh phải đi, thì hãy sẵn lòng ra đi, như anh phải thực hiện một việc gì đó cần được làm với ân sủng và danh dự. Và trong suốt cuộc đời anh, hãy tập trung vào điều này: để cho đầu óc của anh trong một trạng thái đúng đắn – trạng thái của đầu óc công dân, có lí trí.

- Không quy lụy cũng không hống hách. Không khúm núm cũng không khinh bạc. Không bào chữa cũng không lẩn tránh.

- Hãy tôn trọng cái khả năng kiểm soát suy nghĩ của anh. Đó là tất cả những gì bảo vệ trí óc của anh khỏi những nhận thức sai lầm, ngộ nhận, sai với bản chất của anh và của tất cả những con người có lí trí. Nó làm cho anh có thể trở nên thâm trầm, sâu sắc, thuowgn yêu những người khác, và phục tùng thần thánh.

- Hãy quên đi mọi thứ khác. Chỉ giữ lại điều này, và nhớ: mỗi chúng ta chỉ sống ngay lúc này, một khoảnh khắc ngắn ngủi. Phần còn lại đã được sống rồi, hay không thể thấy nữa. Tuổi thọ chúng ta sống rất nhỏ, nhỏ như góc của trái đất nơi chúng ta sống. Thậm chí nhỏ như danh tiếng lớn nhất, truyền từ miệng nọ sang miệng kia bởi những nhân vật…

- Một sự vật đẹp đẽ, chúng đẹp và đủ tự bản thận chúng. Khen ngợi là từ bên ngoài. Đối tượng của lời khen vẫn nguyên như cũ: không tốt hơn không xấu hơn. Tôi nghĩ điều này cũng đúng cho ngay cả những vật “đẹp” trong đời thường – những đồ vật, những tác phẩm nghệ thuật.

Những cái đẹp thật sự có cần thêm gì không? Cũng như những gì thật sự là công bằng, sự thật, lòng tốt, khiêm nhường, không cần thêm gì. Bằng cách khen ngợi, chúng có tốt thêm lên không? Hay là bị hủy hoại bởi sự khinh bỉ? Một viên ngọc có bị xấu đi không, nếu không ai chiêm ngưỡng nó? Hay vàng, hay ngà, hay áo tía? Những đàn lia, những con dao, những đóa hoa, những bụi cây?

- Với thế giới: sự hài hòa của mi là của ta. Bất kì thời gian nào mi chọn đều là đúng lúc. Không sớm, không muộn.

Với thiên nhiên: những cuộc chuyển mùa của mi mang đến cho ta những mùa thu như trái chín. Tất cả từ mi sinh ra, tồn tại trong mi, trở về với mi.

- Luôn luôn ý thức rằng mọi thứ sinh ra từ sự thay đổi. Hãy biết rằng không có gì mà tự nhiên thích hơn là thay đổi những gì đang tồn tại và tạo thêm những thứ khác như thế. Tất cả những gì đang tồn tại đều là hạt giống của những gì sinh ra từ nó. Anh tưởng những hạt giống chỉ sinh ra trẻ con và cây cối thôi sao? Hãy nghĩ sâu hơn.

- Một linh hồn mỏng manh cõng theo một xác chết- Epictetus.

- Thời gian là một dòng sông, một dòng chảy mãnh liệt của các sự kiện, chảy lướt và bị mang đi qua chúng ta, rồi một dòng khác chảy đến và chảy đi.

- Giống như tảng đá sóng đập liên hồi mãi mãi. Nó đứng bất động trơ trơ trước biển réo gào quanh nó.

- Đi con đường ngắn nhất: con đường mà tự nhiên đã vạch ra: nói và làm một cách lành mạnh nhất. Hãy làm thế, và thoát khỏi mọi khổ đau và căng thẳng, khỏi mọi toan tính và kì vọng.

- Nếu một lời nói hay hành động là thích hợp thì nó thích hợp với anh. Đừng bối rối vì những bình luận của người khác. Nếu nói hay làm nó là đúng, thì nó đáng để anh nói và làm.

- Có những người làm ơn cho ai luôn luôn tìm những cơ hội để được nhắc nhở. Một số người thì không, nhưng vẫn luôn ý thức về nó- coi nó như một món nợ. Những người khác không hề làm thế. Họ giống như cây nho cho quả nhưng chẳng bao giờ cần cái gì đáp lại.

Một con ngựa khi kết thúc cuộc đua…

Một con chó săn khi đã xong cuộc săn…

Một con ong khi mật đã vào nơi cất trữ…

Một người sau khi giúp đỡ những người khác.

Họ chẳng ồn ào về việc đó. Họ chỉ tiếp tục làm việc khác, như cây nho tiếp tục ra quả cho mùa sau…

- Để ý xem mọi vật trôi qua và biến mất nhanh như thế nào – những gì mới lúc này đây, đã qua đi. Cuộc sống trôi qua chúng ta như một dòng sông, cái “là gì” nằm trong dòng chảy viên miễn, cái “tại sao” có hàng ngàn biến thể. Không cái gì ổn định, ngay cả cái đang ở đây lúc này. Cái vô cùng của quá khứ và tương lai há hoác trước mắt chúng ta, một ké nứt sâu không đáy.

Vậy chỉ những anh ngốc mới thấy mình quan trọng, hay đau khổ. Hay phẫn nộ. Làm như những chuyện gây bực tức cho chúng ta cứ còn mãi.

- Hãy nhớ:

Vật chất: phần của anh trong nó nhỏ mọn làm sao.

Thời gian: phần của anh ngắn ngủi và lướt nhanh thế nào.

Số phận: vai trò của anh trong nó bé bỏng làm sao.

- Người khác làm ta tổn thương ư? Đó là vấn đề của họ. Tính cách và hành động của họ không phải của ta. Điều gì được làm cho ta là do tự nhiên sắp đặt. Điều ta ta làm là do ta.

- Trí tuệ là người cai quản linh hồn. Nó nên giữ yên không bị rung chuyển bởi những rung động của xác thịt – dù êm dịu hay mãnh liệt. Không bị trộn lẫn vào, mà rào ngăn riêng nó ra khỏi những cảm giác, giữ chúng ở nguyên chỗ của chúng. Đừng cố cưỡng lại những cảm giác khi chúng tìm cách len vào suy nghĩ của anh, thông qua mối quan hệ đồng tình giữa trí tuệ và thể xác. Cảm giác là tự nhiên. Nhưng đừng để trí óc bắt đầu dùng lí lẽ mà bảo nó “tốt” hay “xấu”.

- Chẳng bao lâu anh sẽ thành tro cốt. May lắm thì còn lại một cái tên, mà nó cũng chỉ là một âm thanh, một tiếng vọng. Mọi thứ mà ta muốn trong cuộc đời này là hư ảo, tầm thường và nhạt nhẽo. Những con chó cắn nhau. Trẻ con cãi nhau, cười đấy rồi khóc đấy. Niềm tin, liêm sỉ, công bằng, sự thật – biến khỏi mặt đất và chỉ có thể tìm thấy trên trời. Tại sao anh còn ở đây? Những cảm giác của chúng ta chuyển biến và bất ổn, cảm giác của chúng ta mờ nhạt và dễ dàng lừa dối, bản thân linh hồn là máu nấu sôi, danh tiếng trong thế giới này là vô giá trị.

- Tôi đã có thời là người may mắn nhưng rồi một lúc nào đó vận may bỏ tôi đi.

Nhưng vận may thật sự là cái anh làm ra cho mình. Vận may: tính cách tốt, ý định tốt, hành động tốt.

- Chỉ cần anh làm đúng. Những chuyện còn lại không thành vấn đề.

Lạnh hay nóng

Mệt mỏi hay thoải mái

Bị khinh bỉ hay được tôn vinh

Đang hấp hối… hay bận rộn với những công chuyện khác.

Bởi vì chết cũng là một việc được giao phó cho chúng ta trong cuộc sống. Và đây nữa: “làm việc cần làm”.

- Nhìn sâu vào bên trong. Đừng để bản chất thậ hay giá trị thật của bất cứ cái gì vuột khỏi tầm nhìn của anh.

- Cách trả thù tốt nhất là đừng làm giống nó.

- Muôn vật là do tự nhiên mang đến, chứ không phải do cái gì ở ngoài nó, hay ở trong nó, hay tách rời nó. Chỉ có như thế mới có niềm vui và thanh thản.

- Khi không tránh khỏi bị chấn động bởi các hoàn cảnh, hãy lập tức quay về với bản thân mình, và đừng để mất nhịp điệu chừng nào anh còn giữ được. Anh sẽ nắm bắt tốt hơn sự hài hòa nếu anh luôn trở về với nó.

- Với những cái mà anh không kiểm soát được, anh gọi chúng là “xấu” hoặc “tốt”. Và như vậy tất nhiên khi cái “xấu” xảy ra hay cái “tốt” không xảy ra, anh trách ông trời và cảm thấy căm ghét những người có trách nhiệm- hoặc những người mà anh cho là có trách nhiệm. Phần lớn những hành vi tồi của chúng ta bắt nguồn từ cố gắng áp dụng những tiêu chí này. Nếu chúng ta hạn định “tốt” và “xấu” trong hành động của chính chúng ta, thì chúng ta sẽ không oán trách ông trời, và không đối xử với người khác như kẻ thù.

- Sợ thay đổi ư? Nhưng có cái gì có thể tồn tại mà không thay đổi? Còn có gì gần gũi với tâm của Tự nhiên hơn thế? Anh có thể tắm nước nóng mà không đun nước lên không? Có thể ăn thức ăn chưa qua chế biến không? Có sự sống nào trong nó không có gì biến đổi hay không? Anh không thấy à?

- Nỗi sợ duy nhất của tôi là sợ làm cái gì đó trái với bản tính con người- việc làm sai, cách làm sai, thời điểm sai.

- Tự nhiên lấy vật chất làm thành con ngựa. Giống như nhà điêu khắc dùng sáp. Và sau đó làm cho tan chảy ra, rồi lấy chất liệu ấy làm một cái cây. Rồi làm một con người. Rồi làm một cái gì khác nữa.

Mỗi cái tồn tại một thời gian ngắn ngủi.

Hợp lại với nhau, hay tách lìa nhau, đều chẳng có gì mang hại.

- Chẳng mấy chốc, tự nhiên là cái chi phối muôn vật sẽ thay đổi mọi thứ mà anh nhìn thấy và sử dụng chúng làm vật liệu để tạo nên cái khác, hết lần này đến lần khác. Nhờ thế mà thế giới liên tục được đổi mới.

- Khi người ta làm anh tổn thương, anh hãy tự hỏi họ nghĩ gì về chuyện đó lợi hay hại. Nếu anh hiểu được điều đó, anh sẽ thông cảm và không còn oán hận họ nữa. Cảm nghĩ của anh về thiện hay ác có thể giống như cảm nghĩ của họ, hay gần với nó, trường hợp nào anh cũng phải tha thứ cho họ. Hay cảm nghĩ của anh về thiện hay ác có thể khác với cảm nghĩ của họ. Dù thế nào thì họ cũng đã lầm lạc và đáng để anh thương. Điều ấy có khó lắm không?

- Đối xử với những thứ mà anh không có như chúng không hề tồn tại. Nhìn những gì anh có, những thứ anh quý nhất, và nghĩ xem anh sẽ khao khát thèm muốn chúng bao nhiêu nếu anh không có chúng. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng thỏa mãn đến mức đánh giá chúng cao quá mức: anh sẽ hoảng loạn khi mất chúng.

- Tự mâu thuẫn: những đòi hỏi của trí óc và được thỏa mãn bằng việc làm những việc nên làm, và bằng sự thanh thản nó mang lại cho chúng ta.

- Hướng suy nghĩ của anh tới những điều người ta nói. Tập trung trí óc vào những điều đang xảy ra và vào cái làm cho nó xảy ra.

- Những gì chết không biến mất. Nó còn lại ở đây trên thế giới này, biến đổi, tan rã, như những bộ phận của thế giới, và của anh. Chúng lần lượt bị biến đổi- và không hề than vãn.

- Những gì con người trải nghiệm là một phần kinh nghiệm của loài người. Kinh nghiệm của con bò là một phần kinh nghiệm của loài bò, cũng như kinh nghiệm của cây nho thuộc về giống nho, kinh nghiệm của hòn đá là những gì đúng với hòn đá.

Không có điều gì xảy ra là bất thường và phi tự nhiên, và phàn nàn là vô nghĩa. Tự nhiên không bắt chúng ta chịu đựng những gì không thể chịu đựng được.

- Ý chí của người khác độc lập với ý chí của tôi như hơi thở hay thân thể của người ấy độc lập với hơi thở hay thân thể của tôi. Chúng ta có thể sống vì người khác, nhưng ý chí của chúng ta thống trị địa hạt riêng của nó. Nếu không thì cái hại họ có thể gây hại cho tôi. Đó không phải ý định của Thượng Đế- để cho hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào người khác.

- Con người tồn tại vì người khác. Anh có thể chỉ dẫn cho họ, hay chịu đựng họ.

- Đừng khinh thường cái chết, mà hãy chào đón nó. Cả nó nữa, cũng là một trong những sự vật mà tự nhiên cần đến. Giống như tuổi trẻ và tuổi già. Giống như lớn lên và trưởng thành. Giống như một bộ răng mới, một bộ râu mới, sợi tóc bạc đầu tiên. Giống như làm tình, mang thai và sinh đẻ. Giống như tất cả những thay đổi khác về thể chất ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, cái chết của chúng ta cũng không khác…

- Hôm nay tôi thoát khỏi lo âu. Nếu không, tôi vứt bỏ chúng, bởi vì chúng ở trong tôi, trong nhận thức của chính tôi- Không ở ngoài.

- Một hòn đá được ném lên không trung. Khi bay lên nó không được gì, rớt xuống nó không mất gì.

- Khi anh gặp phải sự nhục mạ, căm hờn của một ai đó… hãy nhìn vào tâm hồn hắn. Đi sâu vào bên trong hắn. Nhìn xem hắn thuộc loại người gì. Anh sẽ thấy anh không cần phải cố gắng căng thẳng để tác động lại hắn đâu. Nhưng anh nên mong cho hắn khá lên. Hắn là người bà con gần gũi nhất của anh. Các vị thần phù hộ cho hắn đúng như họ phù hộ cho anh- bằng những dầu hiệu, những giấc chiêm bao và mọi cách khác- để hắn có những thứ hắn muốn.

- Khi anh đụng đầu với sự vô sỉ của kẻ khác, hãy tự hỏi anh câu này: liệu có thể có một thế giới trong đó không có sự vô sỉ không?

- Có một điểm hữu ích khác anh cần để tâm: Tự nhiên cho chúng ta những phẩm chất nào để đối chọi với những khuyết điểm ấy? Lòng tốt của chúng ta giống như một thứ thuốc giải độc đối với sự xấu xa đê tiện. Và những phẩm chất khác để cân bằng với những sai hỏng khác.

- Có người khinh thường tôi.

Đó là vấn đề của họ.

Vấn đề của tôi là: không nói hay làm cái gì đáng bị coi thường.

Có người ghét tôi. Đó là vấn đề của họ.

Vấn đề của tôi là: kiên nhẫn và vui vẻ với tất cả mọi người, kể cả họ. Sẵn sàng chỉ cho họ thấy  sai lầm của họ. Không hằn học, hoặc tỏ ra thiếu kiềm chế, mà một cách thành thật và ngay thẳng…

Chừng nào anh làm cái gì phù hợp với bản chất của anh, và chấp nhận cái gì mà bản chất của thế giới lưu giữ, chừng nào mà anh làm việc vì lợi ích của người khác, bằng bất kì phương tiện nào hay bằng mọi phương tiện- thì có cái gì có thể hại anh.

- Họ nịnh nhau vì họ khinh nhau, và cái khát vọng thống trị nhau làm cho họ khom lưng và lúng túng.

- Chúng ta cần nắm được nghệ thuật bằng lòng. Chúng ta cần tập trung chú ý vào những động cơ của chúng ta, bảo đảm chúng không quá đáng, sao cho chúng có lợi cho những người khác, sao cho chúng xứng đáng với chúng ta. Chúng ta cần gạt bỏ dục vọng dưới mọi hình thức và không cố tránh những gì vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta.

- Có một chuyện không ngừng làm tôi ngạc nhiên: tất cả chúng ta đều yêu bản thân mình hơn người khác, nhưng quan tâm đến ý kiến của người khác hơn ý kiến của bản thân mình. Nếu một vị thần xuất hiện trước chúng ta – hay ngay cả một người thông minh – và cấm chúng ta che giấu những ý nghĩ của mình và buộc chúng ta khi tưởng tượng điều gì phải lập tức nói to nó ra, thì chúng ta sẽ thoải mái bày tỏ ý nghĩ của mình. Chúng ta coi trọng ý kiến của người khác- thay vì của chúng ta – như vậy đấy.

- Thực hiện ngay cả những gì không thể.

Bàn tay trái vô dụng với hầu hết mọi việc, vì nó ít thực hành. Nhưng nó cầm dây cương tốt hơn bàn tay phải. Nhờ thực hành.

- Sẽ đến lúc anh chẳng còn là ai, chẳng còn ở đâu nữa. Giống như tất cả mọi vật anh trông thấy bây giờ. Giống như tất cả mọi người lúc này đang sống.

Mọi vật đều có số phận phải thay đổi, phải biến hóa, phải biến mất. Để cho các vật mới có thể sinh ra.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment