Suy tưởng là một cuốn sách được
viết bởi hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từ cách đây 2000 năm, nó là tập hợp những
suy tưởng, suy nghĩ, chiêm nghiệm, cảm nhận không theo trật tự, rời rạc, ngẫu
nhiên. Do đó, ta có thể đọc nó không cần theo thứ tự. Dù ta mở bất kỳ trang viết
nào, ta cũng có thể tìm thấy được một giá trị, một lời răn dạy nào đó cho chính
mình, vì khắp quyển sách được viết từ sự thông thái, trải nghiệm và sự thấu hiểu
cuộc đời.
Sách Suy tưởng |
Những dòng tự răn của Marcus
Aurelius, bằng một cách kỳ diệu nào đó vẫn tồn tại và được bảo tồn. Nó đã được
đề cập vào thế kỷ IV bởi nhà hùng biện Themistius và trong Historia Augusta và
rồi không ai nhắc đến nó nữa, cho đến thế kỷ X nó lại xuất hiện khi giáo sĩ
Arethas sao chép nó trong một lá thư gửi cho một người bạn.
Bản sao của Arethas có thể xem là
bản thảo của Suy tưởng, được cho là một trong những cuốn sách đã được giải cứu
từ thư viện Constantinople năm 1453 sau công nguyên, khi thành phố này rơi vào
tay đế chế Ottoman. Cuốn sách đã được mang về phía tây, nơi nó được sao chép và
năm 1559, phiên bản in đầu tiên của tác phẩm đã được ra đời. Suy tưởng từ lâu
đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới, nó là quyển
sách yêu thích của vua Fredrich II của nước Phổ, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton
đã đọc mỗi năm một lần cuốn sách này.
Marcus Aurelius là một trong năm
vị hiền vua của đế chế La Mã, ông là người theo chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism),
được ngưỡng mộ bởi lòng nhân đức, tận tâm, được nhân dân yên quý, và giản dị.
Ông được coi là một “triết gia”, hay “thánh đế” như phương Đông thường gọi, nhưng
bản thân Marcus Aurelius không tự nhận mình là một triết gia. Marcus Aurelius
Antoninus Augustus sinh ngày 26/04/121, mất ngày 17/03/180. Ông sinh ra trong một
gia đình hết sức danh giá, năm ông ra đời cũng là năm ông nội ông giữ chức Chấp
chính quan nhiệm kì thứ hai, chức vụ cao nhất về lí thuyết ở La Mã, mặc dù lúc
đó tầm quan trọng của chức vụ này chỉ có tính hình thức. Và ông nội ông đã nuôi
dạy ông, vì cha mất khi ông còn rất nhỏ. Ông trị vị từ năm 161 đến khi mất, từng
là quan Chấp chính của đế quốc La Mã vào năm 140. Từ thuở thiếu thời Marcus
Aurelius đã được học về triết học. Sau này, ông được minh quân Antoninus Pius
chọn làm con nuôi để kế thừa ngai vàng. Sau khi Antoninus qua đời, ông là đồng
Hoàng đế với Lucius Verus từ năm 161 cho đến khi Lucius mất năm 169. Về cuối đời,
ông đồng trị vì với Hoàng đế Commodus- con trai của ông, cho đến khi ông mất.
Ông là vị Hoàng đế thứ 16 của La Mã (tính cả 4 vị vua trị vì ngắn ngủi trong
Năm Tứ đế), là vị Hoàng đế cuối cùng trong thời đại Ngũ hiền đế, và cũng được
xem là một trong những nhà hiền triết kiệt xuất của chủ nghĩa khắc kỷ. Cuốn Suy
tưởng của ông được coi là một trong những tác phẩm triết học vĩ đại nhất, là
nguồn gốc quan trọng giúp thế giới hiện đại hiểu triết học khắc kỷ thời cổ đại.
Tác phẩm Suy tưởng của Marcus
Aurelius là tập hợp những đúc kết, chiêm nghiệm, quan sát của ông về tự nhiên,
con người, hành vi của con người và những quy luật của cuộc sống. Ông viết lại
những điều này không phải với mục đích xuất bản. Nội dung của cuốn sách không
theo một hệ thống suy luận hay triển khai văn bản nhất định nào mà là những
dòng, những đoạn văn rời rạc, được viết lại như những chiêm nghiệm, đúc kết, những
lời “tự răn” mình. Nó đã được người đời lưu trữ và đặt tên là Meditations.
Meditations là một cái tên dễ gây hiểu lầm, đánh lạc hướng, tạo ra một âm vang
giả hiệu và thẩm quyền sắp đặt ngẫu nhiên các ghi chép rời rạc thành cuốn sách.
Trong bản thảo tiếng Hy Lạp đã bị thất lạc sử dụng cho lần xuất bản đầu tiên, bản
thân nó bị nhiều thế hệ tách ra khỏi bản gốc của Marcus Aurelius- tác phẩm có
tên Tặng chính ông (Eis heauton). Cái
tên ấy chắc cũng giống như Meditations (Suy tưởng), không phải là tên gốc, mặc
dù ít ra nó còn mô tả chính xác hơn về tác phẩm.
Thật ra, có vẻ như bản thân Marcus
Aurelius không đặt một cái tên nào cho tác phẩm, vì ngay từ đầu ông không nghĩ
nó là một chỉnh thể có hệ thống. Nó cũng được viết ra không phải để công bố rộng
rãi, bản thân ông cũng không mong chờ có một ai đó ngoài ông đọc nó.
Meditations có nghĩa là suy tưởng,
chiêm nghiệm theo cách hiểu của thời La Mã cổ đại. Còn theo cách tiếp cận hiện
đại ngày nay thì Meditations có nghĩa là “thiền định”. Trong Suy tưởng, ta có
thể nhận thấy nhiều chi tiết Marcus Aurelius mô tả sự thiền, quán chiếu thân thể
hay suy nghĩ, và những quan điểm về cái chết.
Khi đọc Suy tưởng, ta có thể nhận
thấy được Marcus Aurelius đã noi gương, học tập những vị hiền triết tiền bối
trong tầm nhìn về mối quan hệ giữa triết học và chính trị. Bản thân hành động tự
uốn nắn bản thân đã thể hiện ý chí hòa mình vào triết học và mang triết học để
làm lợi cho người dân. Tất nhiên, “triết học” ở đây không được định nghĩa theo
lối hiện đại là một bộ môn nghiên cứu những vấn đề cơ bản của con người và thế
giới theo một hệ thống suy luận nhất định. “Triết học” mà Marcus Aurelius đã thể
hiện là “tình yêu với trí tuệ”. “Chỉ bằng sự tiếp cận tri thức và thông hiểu những
quy luật của tự nhiên, một ông vua mới xứng đáng là một người trị vì”.
Suy tưởng chứa đựng nội dung giúp
người đọc hình dung được bối cảnh lịch sử hay nhận ra được những nhân vật ảnh
hưởng đến nhân cách, cách sống, cách tư duy của tác giả. Dù theo chủ nghĩa khắc
kỷ nhưng không phải tất cả những nội dung trong tác phẩm đều bị tác động bởi
nó. Mong muốn đi sâu vào nội tâm và tìm cách hiểu chính bản thân mình của
Marcus Aurelius đã phản ánh đặc điểm bức tranh thời kỳ tri thức thịnh trị của nền
văn hóa Hy Lạp cổ. Tức là khi sinh ra dưới thời kỳ này, ít nhiều họ cũng mang
hơi hướng đào sâu vào nội tâm hay vươn mình tìm kiếm ánh sách của trí tuệ.
Dù Suy tưởng tập hợp những suy
nghĩ, chiêm nghiệm không theo hệ thống nào, nhưng ta cũng có thể tổng kết được
những điều quan tâm, tâm đắc của Marcus Aurelius. Đó là việc trải nghiệm tính
thần thánh, những quy luật tự nhiên và làm điều đúng đắn của một con người. Cuốn
sách như một sự dẫn dắt, kim chỉ nam, lời răn của Marcus Aurelius. Ông luôn hướng
bản thân tới những giá trị tinh thần cao quý nhất mà một người có thể vươn tới
và đạt được. Bên cạnh đó, ông tin rằng mọi sự đã được tự nhiên sắp đặt hoàn hảo
và tốt cho tất cả, những bất hạnh của con người chỉ xảy ra khị họ tách mình ra
khỏi tự nhiên hay chống lại dòng chảy của tự nhiên.
Từ “logos” được dùng nhiều trong
Suy tưởng, logos được hiểu là “Ngôi lời” trong Thiên chúa giáo. Trong Suy tưởng,
chúng ta có thể hiểu từ này là “tự nhiên”, là “đạo”.
Chủ nghĩa khắc kỷ nhiều khi bị hiểu
nhầm thành sự nghiêm khắc, áp chế hay thiếu hụt cảm xúc. Nhưng qua Suy tưởng,
chúng ta có thể thấy được Marcus Aurelius đã diễn đạt những phần tinh hoa nhất
của chủ nghĩa khắc kỷ là khả năng sống thuận theo tự nhiên, sự biết đủ trong đời
sống hay việc sử dụng con mắt trong sáng để quan sát thế giới như đúng nó là. Bằng
cách tiếp cận như vậy, một người có thể đón nhận được vẻ đẹp thuần khiết của đời
sống (bao gồm cả những cảm xúc) và chữa trị mọi nỗi thống khổ trong tâm hồn. Marcus
Aurelius không chỉ chắt lọc những tinh hoa của chủ nghĩa khắc kỷ, ông cũng chắt
lọc những tinh hoa của cả các trường phái đối thủ.
Suy tưởng cũng chứa nhiều quan niệm
gần với Đạo Phật, nội dung của nó đề cập khá nhiều về cái chết, sự tận diệt của
thế giới có điều kiện hay chính là tính vô thường của vạn vật, về sức mạnh của
việc an trú vào giây phút hiện tại, hay mối tương giao thần thánh giữa cái chết
và sự tỉnh thức của con người. Thậm chí, Marcus Aurelius cũng cho rằng cuộc đời
là một giấc mơ và sự thức tỉnh trong hiện tại là khả năng duy nhất mang một kẻ
đến bản chất thực của người đó và giúp người đó hòa nhập với sự bình an nội
tâm, chẳng khác gì ý tưởng trong những kiệt tác điện ảnh The Matrix hay
Inception.
Ngày tháng biên soạn Suy tưởng được
ghi là những năm 170, thập niên cuối cùng của cuộc đời Marcus. Đây là một thời
kỳ đen tối và căng thẳng đối với ông. Trong vòng 10 năm từ năm 169 đến 179 ông
đã phải đối phó với những cuộc chiến liên miên ở biên giới, cuộc nổi loạn sớm
thất bại của Cassius, cái chết của người đồng nhiệm Verus, và cái chết của
Faustina- vợ ông. Mặc dù khó đoán được cái thế kỷ hỗn loạn sau khi ông chết,
ông có lẽ đã biết rằng Commodus, con trai và người kế vị ông, không phải là người
trị vì mà ông hy vọng. Chính trong những hoàn cảnh như vậy, việc Marcus
Aurelius tìm an ủi trong triết học là điều tự nhiên. Để hiểu Suy tưởng trong bối
cảnh của nó, chúng ta không chỉ cần làm quen với thuyết Khắc kỷ, mà còn phải hiểu
vai trò của triết học trong đời sống thời cổ đại.
Ngày nay, triết học là một môn học
hàn lâm. Đối với Marcus Aurelius và những người cùng thời, triết học có rất nhiều
điều khác so với quan niệm hiện nay của chúng ta về triết học. Triết học cổ đại
chắc chắn có phương diện hàn lâm của nó, nhưng triết học còn có một phương diện
khác thực tế hơn. Nó không chỉ là những chủ đề để viết và biện luận, mà nó còn
là cái được người ta mong đợi cung cấp một “bản đồ án cho cuộc sống”, một bộ
quy tắc sống mà người ta sống theo nó. Đây là một nhu cầu mà tôn giáo thời cổ đại
không đáp ứng được. Tôn giáo thời cổ đại có đặc quyền về lễ nghi và giáo thuyết,
nhưng nó ít cung cấp những hướng dẫn về luân lí và đạo đức. Đó chính là những
gì mà triết học phải làm vào thời kỳ đó.
Trong nhiều dòng viết ta thấy
Marcus yếu về logic. Quan tâm của ông đến bản chất của thế giới vật lý giới hạn
trong sự tương ứng của nó với những vấn đề nhân sinh. Những câu mà Marcus
Aurelius cố gắng trả lời chủ yếu là những câu hỏi siêu hình học và đạo đức: tại
sao chúng ta có mặt trên đời này? Chúng ta nên sống cuộc đời chúng ta như thế
nào? Làm sao chúng ta có thể chắc rằng những gì chúng ta đã làm là đúng? Làm
sao cho chúng ta thoát khỏi những căng thẳng và áp lực của cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta có thể đương đầu với khổ đau và bất hạnh như thế nào? Làm sao sống được
với các ý niệm rằng một ngày kia chúng ta không còn nữa?
Việc tóm tắt những câu trả lời của
Marcus Aurelius là vô nghĩa, ảnh hưởng của Suy tưởng phần nào đến từ việc ông
trả lời những câu hỏi này một cách trong sáng và kiên định, dựa trên thuyết về
ba kỷ luật, đó là kỷ luật của nhận thức, kỷ luật của hành động, và kỷ luật của
ý chí.
Việc dịch thuật từ ngôn ngữ Hy Lạp
cổ sang tiếng Anh, sau đó từ tiếng Anh sang tiếng Việt không làm khác đi những
cốt lõi giá trị của Suy tưởng. Những ý tứ, giá trị Marcus Aurelius để lại sau
hàng nghìn năm vẫn nguyên giá trị.
0 comments:
Post a Comment