Nhóm ngụy biện (fallacy) lợi dụng cảm tính và đám đông

VnTimeless đã đăng bài: Ngụy biện là gì? Các loại ngụy biện, và Nhóm ngụy biện lợi thay đổi chủ đề (link các bài đăng ở cuối bài viết). Tiếp theo chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu về các loại ngụy biện trong nhóm ngụy biện lợi dụng cảm tính và đám đông:

Tranh luận văn minh là không ngụy biện

7. Ngụy biện dụng bạo lực (ad baculum hoặc appeal to force)

Ngụy biện dụng bạo lực là hình thức ngụy biện mà kẻ tranh luận thay vì nói đến logic, lý lẽ đàng hoàng thì lại dùng hình thức đe dọa, vũ lực, ám chỉ đến những điều không hay xảy ra với người đối thoại để làm họ lo sợ, và từ đó phải chấp nhận quan điểm của anh ta một cách bị ép buộc. Loại ngụy biện này thường được những người có quyền lực, giới chính khách dùng. Nó cũng rất hay được sử dụng trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em, trong môi trường có những mối quan hệ bất bình đẳng như giữa sếp với nhân viên, thủ trưởng với cấp dưới. Người dùng hình thức ngụy biện này thường là những người lạm dụng quyền lực, thiếu kiên nhẫn, thiếu thời gian hoặc đôi khi là do sự đuối lý, chỉ muốn đe dọa, dùng bạo lực để giành lấy “quyền lợi” một cách nhanh chóng. Sự đe dọa này không chỉ đến từ những người phát biểu, mà có thể đến từ một người khác, hoặc một thế lực siêu hình nào đó.

Ví dụ:

A: Thưa sếp, tháng này em làm thêm 2 ngày cuối tuần mà sao không được tính lương?

B: Đôi khi bắt buộc phải làm thêm để đảm bảo tiến độ công việc, và không được tính lương. Em phải chấp nhận làm, hoặc có thể nghỉ việc tìm một nơi làm việc khác.

Hoặc:

Những ai không tin vào Kinh thánh sẽ bị thiêu cháy dưới đáy địa ngục.

Một người văn minh cần tuyệt đối tránh dùng đe dọa để giành phần thắng cho mình khi tranh luận, vì xét đến cùng, đe dọa là thể hiện sự đuối lý của lời lẽ, của lẽ phải. Nếu chúng ta gặp phải người sử dụng ngụy biện bạo lực với mình, thì tùy từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể để đưa ra cách đối phó khác nhau. Đáp trả lại trực diện là một giải pháp, nhưng điều này đôi khi có thể dẫn tới việc làm tình huống xấu thêm, cả hai bên mất kiểm soát, hoặc chí ít là làm chúng ta thiệt thòi nếu kẻ ngụy biện kia là sếp, cấp trên (những người có quyền lực). Ngoài ra, im lặng và dừng tranh luận cũng là một cách ứng xử có thể phù hợp trong nhiều trường hợp.

8. Ngụy biện (fallacy) lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam hay appeal to pity)

Đây là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện thay vì đưa ra các lý lẽ logic về nội dung đang nói đến thì lại dùng các từ ngữ mang tính cảm tính, gây cảm giác thương hại, động lòng trắc ẩn của người đối thoại, người nghe về người, sự vật, sự việc có liên quan. Từ đó đẩy vấn đề đang tranh luận theo một hướng khác như mong muốn của anh ta.

Ví dụ:

A: Ông P lúc còn sống là một người tham nhũng rất nhiều tiền và tài sản.

B: Đó chỉ là quá khứ, bạn không thấy xấu hổ khi không để cho người chết được yên ah?

Ở ví dụ trên, thay vì bàn đến logic của vấn đề, B lại đánh vào cảm giác, tâm lý thương hại, lòng trắc ẩn của A để dành phần lợi cho luận điểm của mình. B đưa cái chết của ông P vào đế đánh vào tâm lý người đối thoại, gợi lòng trắc ẩn của họ.

9. Ngụy biện lợi dụng hậu quả (ad consequentiam)

Đây là hình thức ngụy biện thường được biểu hiện qua cách kết luận bắt cầu: “A có liên quan, hàm ý B, B là sự thật, vậy A là sự thật”.

10. Ngụy biện lợi dụng cảm xúc (Appeal to emotion)

Là hình thức ngụy biện thay vì dùng các yếu tố logic để thuyết phục người đối diện về nội dung đang nói tới, người ngụy biện sẽ dùng các câu chữ mang tính cảm tính cao, hay gắn một giá trị, đạo đức vào một đề nghị hay câu phát biểu nhằm đánh vào tâm lý, cảm xúc của người đối thoại, để từ đó, họ chấp nhận luận điểm (thiếu tính logic) của kẻ ngụy biện.

Ví dụ:

Giúp dân tiêu thụ dưa hấu là yêu nước.

Trong ví dụ trên, do thiếu tính logic trong việc thuyết phục dân tiêu thụ dưa hấu, nên người nói cài hai chữ “yêu nước” vào nhằm đánh vào tâm lý, cảm xúc của người đối thoại.

11. Ngụy biện (fallacy) lợi dụng đám đông (ad numerum hoặc appeal to the people)

Đây là loại ngụy biện mà người ngụy biện thay vì dùng tính logic của nội dung, sự việc đang được nói đến thì lại vin vào sự ủng hộ của đám đông để cho rằng luận điểm của anh ta là đúng.

Ví dụ:

1400 tỷ để xây dựng tượng đài nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào Tây Bắc với Bác Hồ.

Người ngụy biện trong ví dụ này đã dùng đám đông “nhân dân Tây Bắc” (một cách nói bừa thiếu chứng cứ) để biện hộ thiếu logic cho việc xây tượng đài 1400 tỷ.

Chúng ta đã tìm hiểu các hình thức ngụy biện trong nhóm ngụy biện lợi dụng cảm tính và đám đông. Mời bạn đọc tìm hiểu về khái niệm ngụy biện và các hình thức ngụy biện khác:

Ngụy biện (fallacy) là gì? Các loại ngụy biện (Phần 1)

Nhóm ngụy biện (fallacy) thay đổi chủ đề (Phần 2)

Nhóm ngụy biện (fallacy) lợi dụng cảm tính và đám đông (Phần 3)

Nhóm ngụy biện (fallacy) làm lạc hướng vấn đề (Phần 4)

Nhóm ngụy biện (fallacy) quy nạp sai (Phần 5)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nguyên nhân giả (Phần 6)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nhập nhằng (Phần 7)

Nhóm ngụy biện (fallacy) phạm trù sai (Phần 8)

Nhóm ngụy biện (fallacy) philogic (non sequitur) và nhầm lẫn trong tam đoạn luận (Phần 9)

Các ngụy biện (fallacy) khác (Phần 10)

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment