Trong đời sống hàng ngày, có những cuộc thảo luận, nói chuyện, trình bày ý kiến, hay bài viết chúng ta thấy rất hay, lôi cuốn, thấu đáo và chặt chẽ. Đó là những cảm nhận cảm tính hoặc dựa trên một nền tảng kiến thức, thế giới quan, hệ quy chiếu mà chúng ta có để phân tích. Nhưng có thể nó không hay như ta nghĩ thế, chúng ta không biết được “nó không hay” vì nền tảng kiến thức, thế giới quan, hệ quy chiếu chúng ta hình thành qua quá trình học tập, thu thập kiến thức, trải nghiệm sống chưa đủ. Một trong số những cái chưa đủ đó là kiến thức về ngụy biện (fallacy).
Tránh lỗi ngụy biện để tranh luận văn minh |
Vậy ngụy biện (fallacy) là gì? Ngụy biện là các cách lập luận sai, vi phạm các quy tắc logic trong suy luận. Mục đích là để giành phần thắng trong đối thoại, trong tranh luận, từ đó có thể thay đổi bản chất của sự việc, biến sai thành đúng, đúng thành sai.
Lỗi ngụy biện là một lỗi phổ biến, từ những người bình thường đến những người có bằng cấp, chuyên môn. Chúng ta thường bị ngấm lỗi ngụy biện một cách vô hình, từ từ và lâu dài, nó đến từ nhiều nguồn như bắt chước cách nói chuyện của người khác, mà gần gũi nhất là những người trong gia đình, từ tâm lý ích kỷ, bất chấp tất cả để giành phần thắng, từ việc không trang bị những kiến thức về ngụy biện, hay như bị ngấm một cách vô hình từ những video, postcard, những bài báo mạng có vẻ đúng đắn, hấp dẫn nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều lỗi ngụy biện.
Khi bị ngấm lỗi ngụy biện (fallacy), nó làm chúng ta có một lối tư duy, suy nghĩ và phân tích vấn đề sai lệch, theo lối mòn, nhìn nhận sự vật, hiện tượng không phải ở bản chất của nó, nó biến chúng ta thành một con người kém văn minh. Ngụy biện không phải là một đánh giá đúng sai cảm tính, mà trái lại, nó là những suy luận lý tính, dựa trên những kiến thức được nghiên cứu, tập hợp nhằm giúp con người thảo luận, nói chuyện, và trình bày văn bản một cách khoa học, đúng bản chất vấn đề, và nâng cao khả năng phản biện.
Từ nhiều thế kỷ qua, triết học phương Tây đã cố gắng để phân biệt thế nào là ngụy biện, thế nào là logic. Nhà triết học Plato là người đầu tiên đưa ra những ví dụ về ngụy biện. Sau đó, học trò của ông, nhà triết học Aristotle là người đầu tiên liệt kê và phân loại các hình thức ngụy biện. Bắt đầu bằng Plato và Aristotle, tiếp đó đã có nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, Arthur Schopenhauer… cũng có nhiều cống hiến quan trong cho kiến thức về ngụy biện.
Về cơ bản, việc phát hiện lỗi ngụy biện không quá khó khăn. Nhưng cũng có nhiều hình thức ngụy biện núp dưới vỏ bọc “khoa học” không dễ nhận ra. Do đó, một điều quan trọng trong tranh luận là cần biết phát hiện và nhận dạng những hình thức ngụy biện; và quan trọng hơn là hiểu tại sao chúng lại sai.
Có tất cả khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện. Các loại ngụy biện có thể phân loại thành nhiều nhóm khác nhau, chúng ta cùng nhau lần lượt tìm hiểu các loại ngụy biện trong các nhóm như sau:
Ngụy biện (fallacy) là gì? Các loại ngụy biện (Phần 1)
Nhóm ngụy biện (fallacy) thay đổi chủ đề (Phần 2)
Nhóm ngụy biện (fallacy) lợi dụng cảm tính và đám đông (Phần 3)
Nhóm ngụy biện (fallacy) làm lạc hướng vấn đề (Phần 4)
Nhóm ngụy biện (fallacy) quy nạp sai (Phần 5)
Nhóm ngụy biện (fallacy) nguyên nhân giả (Phần 6)
Nhóm ngụy biện (fallacy) nhập nhằng (Phần 7)
Nhóm ngụy biện (fallacy) phạm trù sai (Phần 8)
Nhóm ngụy biện (fallacy) philogic (non sequitur) và nhầm lẫn trong tam đoạn luận (Phần 9)
0 comments:
Post a Comment