(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các ngụy biện (fallacy) khác

Vậy là chúng ta đã đi đến phần cuối cùng của loạt bài về ngụy biện (fallacy). 50 loại ngụy biện là những hình thức ngụy biện phổ biến trong đời sống hàng ngày. Chúng ta tìm hiểu để tránh những lỗi ngụy biện này, để trở nên đúng đắn hơn, văn minh hơn. Tuy rằng chúng tôi chưa thể liệt kê hết các loại ngụy biện, nhưng hy vọng với những hình thức ngụy biện cơ bản này, đã đem tới cho độc giả những thông tin hữu ích.

Tránh lỗi ngụy biện để tranh luận văn minh hơn

42. Ngụy biện bằng chứng giai thoại (Anecdotal Evidence Fallacy)

Ngụy biện bằng chứng giai thoại là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện dùng lời nói mang tính giai thoại dựa trên trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân để khẳng định kết luận của mình hoặc bác bỏ của người khác. Đây là một lỗi ngụy biện rất phổ biến. Nó thường xảy ra khi người tranh luận thiếu kỹ năng, thiếu tính logic, hoặc là một sự cố tình với mục đích dành lợi thế trong tranh luận.

Trong kinh doanh, quảng cáo và marketing, ngụy biện bằng chứng giai thoại chính là lời chứng thực của các ngôi sao, người nổi tiếng cho một sản phẩm, dịch vụ nào đó.

Dạng logic điển hình cho lập luận này thường là:

1. Y xảy ra một lần khi X.

2. Vì vậy, Y sẽ xảy ra mỗi khi X.

Hoặc:

1. Người Y nói với tôi rằng anh ta đã nhìn thấy/ nghe thấy X.

2. Do đó, X đúng.

Ví dụ: “Ông nội tôi nghiện thuốc lá nặng cả đời nhưng ông sống đến 90 tuổi. Do đó, hút thuốc không có hại cho con người”.

Ở ví dụ này, quan điểm cho rằng một người sống đến già dù nghiện thuốc chỉ là bằng chứng mang tính giai thoại, và trên thực tế không chứng minh việc hút thuốc là vô hại. Chỉ có những bằng chứng thống kê và khoa học mới có thể cho chúng ta thấy bản chất của một vấn đề.

Ngụy biện bằng chứng giai thoại và ngụy biện khái quát hóa vội vàng giống nhau ở chỗ cả hai đều đưa đến luận rút ra từ những bằng chứng không đầy đủ. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa hai hình thức này là:

Ngụy biện khái quát hóa vội vàng: liên quan đến việc xem xét một cách cụ thể bằng chứng. Bằng chứng được đưa ra trước, sau đó từ bằng chứng đó để rút ra một kết luận sai.

Ngụy biện bằng giai thoại: là hình thức mà đã có sẵn một kết luận, một kết quả. Người ngụy biện sẽ chọn một bằng chứng để củng cố kết luận đó, bằng cách nhấn mạnh quá mức bằng chứng mang tính giai thoại phù hợp với quan điểm mà anh ta ủng hộ, và bỏ qua những bằng chứng có thể làm suy yếu lập luận đó.

43. Ngụy biện vin vào truyền thống

Là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện thay vì bàn đến tính logic của vấn đề đang nói, lại chỉ vin vào quan niệm rằng cái gì đã làm trong một thời gian dài, cái gì truyền thống, cổ xưa đều tốt, hoặc tốt hơn, có lý hơn. Từ đó, hạ thấp hoặc bác bỏ quan điểm có lý của người khác.

Loại ngụy biện này có dạng logic như sau:

1. X đã có, đã xảy ra từ lâu.

2. Do đó, X đúng hoặc tốt hơn.

Ngụy biện vin vào truyền thống là sai lầm vì nó chỉ dựa trên tính lịch sử, truyền thống mà không dựa vào bằng chứng thực tế. Bằng chứng duy nhất mà nó đưa ra chỉ đơn giản rằng đó đã hoặc đang là một thông lệ phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ điều này thôi thì chưa cung cấp đủ bằng chứng để đưa ra kết luận.

Thêm nữa, truyền thống, những điều đã làm trong một thời gian dài có rất nhiều sai sót, hoặc lạc hậu, cổ hủ.

Ví dụ: “Hôn nhân truyền thống không phải giữa những người cùng giới tính. Hợp pháp hoác hôn nhân đồng tính là một sai lầm”.

44. Ngụy biện vin vào cái mới (Appeal to Novelty)

Ngược lại với Ngụy biện vin vào truyền thống. Ngụy biện vin vào cái mới là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện thay vì bàn đến tính logic của vấn đề đang nói, lại chỉ vin vào quan điểm cho rằng cái gì gọi là “mới”, “tiên tiến”, “hiện đại”,…, một đề xuất, ý tưởng, tư tưởng, công việc hoặc xu hướng mới sẽ tốt hơn, chính xác hơn những gì đã có trước đó. Từ đó, hạ thấp hoặc bác bỏ quan điểm có lý của người khác.

Loại ngụy biện này có dạng logic như sau:

1. X đã có

2. Y mới có

3. Vì vậy, Y tốt hơn X.

Ngụy biện vin vào cái mới là một sai lầm vì nó chỉ dựa trên cái gọi là “mới” mà không dựa vào bằng chứng thực tế. Bằng chứng duy nhất mà nó đưa ra chỉ đơn giản rằng cái đó mới xuất hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ điều này thôi thì chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận.

Ngụy biện vin vào cái mới thường được sử dụng trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ, quảng cáo, marketing.

Ví dụ: “Sự ra đời của World wide web năm 1989 được coi là “mở ra” một kỷ nguyên mới cho các công ty khởi nghiệp dựa trên internet và công nghệ. Truyền thông và các nhà đầu tư đổ dồn vào các tông ty dotcom, tạo ra bong bóng dotcom và gây ra khủng hoảng trầm trọng cho nền kinh tế Mỹ”.

“Nếu bạn muốn giảm cân thì bạn cần tuân theo những xu hướng ăn kiêng mới nhất”

45. Ngụy biện vin vào tự nhiên (Appeal to Nature)

Đây là một hình thức ngụy biện khá thông dụng, ở đó người ngụy biện thay vì dùng lý lẽ logic, bằng chứng cụ thể cho vấn đề đang nói tới, lại vin vào “tự nhiên” với niềm tin rằng “tự nhiên” tốt hơn “không tự nhiên”.

Đây là một ngụy biện trong tranh luận. Vì, thứ nhất, rất khó xác định chất lượng của sự “tự nhiên” là như thế nào, “tự nhiên” nghĩa là gì?. Thứ hai, thực tế là thứ gì đó “tự nhiên” thì không hẳn là nó tốt hoặc tốt hơn thứ gì đó thay thế không tự nhiên hoặc ít tự nhiên hơn. Chẳng hạn, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ chung chung như “hóa chất” để chỉ những gì đó không tự nhiên. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa “hóa chất” và “tự nhiên” nhiều khi rất khó để xác định. Hơn nữa, có rất nhiều “hóa chất” xuất hiện tự nhiên, chẳng hạn như amoniac, và chúng ta sẽ không đó là “tự nhiên”.

Quan niệm về “tự nhiên” cũng không bất biến, nó thay đổi theo thời gian và tùy quan niệm của từng thời đại, từng nơi. Chẳng hạn, trong xã hội cũ, đã từng có ở nhiều nơi, việc kết  hôn giữa những người khác bộ tộc được coi là trái với tự nhiên. Ngày nay, ở nhiều nơi đã coi hôn nhân đồng giới là một việc bình thường. Thêm nữa, “tự nhiên” không nhất thiết là tốt, “không tự nhiên” không nhất thiết là xấu. Ô tô, máy bay là những thứ không tự nhiên, đi bộ là tự nhiên. Trên thế giới có rất nhiều thứ “hoàn toàn tự nhiên” và rất có hại cho con người như cocain, động đất, gió mùa, virut… Trong khi đó, những thứ “không tự nhiên” như aspirin, máy điều hòa nhịp tim, phẫu thuật,… là những thứ rất cần cho con người.

Do đó, để đánh giá một vấn đề, hoặc đưa ra một kết luận, chúng ta cần đưa ra những lập luận, bằng chứng logic, việc chỉ vin vào “tự nhiên” là một ngụy biện trong tranh luận.

Một hình thức khác của ngụy biện vin vào tự nhiên là người ngụy biện dựa vào sự tương đồng của vấn đề với một khía cạnh nào đó của thế giới tự nhiên, để từ đó đi đến kết luận rằng vấn đề đang nói là đương nhiên. Ví dụ: “Thế giới tự nhiên luôn luôn cạnh tranh nhau để sinh tồn. Kinh doanh cũng thế, chúng ta phải luôn luôn cạnh tranh, và phải dùng mọi cách để chiến thắng trong cạnh tranh”.

Trong một số trường hợp, ngụy biện vin vào tự nhiên đề cập đến cách thức những thứ được thực hiện bởi các động vật hoặc các nhóm người mà chúng ta coi là “nguyên thủy”, và tất cả những gì chúng ta thấy trong thế giới tự nhiên, và nếu làm khác đi là “phi tự nhiên”, là không đúng. Ví dụ: “Không có hai động vật cùng giới tính nào lại giao phối với nhau cả. Đồng tính luyến ái dĩ nhiên là trái với tự nhiên”.

46. Ngụy biện sức mạnh của đồng tiền (Argumentum Ad Crumenam)

Đây là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện dựa vào một niềm tin duy nhất là tiền. Với suy nghĩ rằng ai đó có nhiều tiền hơn nghĩa là họ thông minh hơn, chăm chỉ hơn, tốt hơn, đúng hơn…

Trong một thế giới lý tưởng, một người giỏi về một lĩnh vực cụ thể có thể biến kiến thức chuyên môn thành của cải vật chất. Và ở một mức độ nào đó, điều này đúng. Một thợ điện giỏi có thể sẽ kiếm tiền giỏi hơn một thợ điện kém. Tuy nhiên, một người giỏi trong lĩnh vực này có thể không giỏi trong những lĩnh vực khác. Và ngay cả khi nói về chuyên môn họ giỏi, không phải lúc nào họ cũng đúng. Ngay cả những người thông minh và hiểu biết cũng có thể mắc sai lầm.

Ví dụ:

“Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”

“Bạn thông minh như vậy tại sao lại không giàu có?”

“Cái này đắt nhất nên chắc chắn nó phải tốt nhất”

47. Ngụy biện dựa vào cái nghèo (Argumentum Ad Lazarum)

Ngụy biện dựa vào cái nghèo được đặt theo tên của Lazarus, người ăn xin đã được nhận phần thưởng ở thế giới bên kia trong một câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh Tân Ước. Đây là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện dựa vào niềm tin rằng ai đó nghèo hơn, có ít tiền hơn nghĩa là đúng hơn, hoặc tốt hơn, với ý niệm rằng tiền bạc làm hư hỏng con người. Các dạng nghịch đảo của những ngụy biện này (người nghèo là sai chứ không phải đúng) cũng rất phổ biến. Mặc dù hiếm gặp nhưng ngụy biện cho rằng có số tiền “trung bình” có thể được coi là một điều tốt cũng xảy ra.

Ví dụ:

“Tại sao bạn có thể vui vẻ đến thế? Bạn đủ nghèo rồi mà”

“Nghèo nhưng lương thiện”

“Chỉ khi bạn từ bỏ những phiền nhiễu của xã hội vật chất ngày nay, bạn mới có thể sống một cuộc đời trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn”

48. Ngụy biện lập luận đến cùng (Ad Nauseam)

Đây là một hình thức ngụy biện mà người ngụy biện cho rằng một lí lẽ, thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều lần, bất kể là nó đúng hay sai, thì đến một lúc nào đó, người nghe sẽ chấp nhận nó là đúng.

49. Ngụy biện anh cũng vậy (Tu quoque fallacy)

Đây là hình thức ngụy biện mà người ngụy biện thay vì bàn đến tính logic của vấn đề, lại đề cập đến các đặc tính có vẻ thiếu sót, chưa hoàn thiện của người đối thoại, để từ đó phủ định, bác bỏ ý kiến của anh ta.

Dạng ngụy biện này có dạng logic như sau:

1. Người A khẳng định kết luận X là đúng.

2. Người B khẳng định rằng hành động, lời nói của A ở hiện tại hoặc trong quá khứ không phù hợp, không đúng với X.

3. Do đó, X sai.

Ví dụ:

1. Người A: “Đèn đỏ rồi sao bạn còn đi?”

2. Người B: “Bạn cũng vượt đèn đỏ nhiều lần rồi đấy thôi!”

50. Ngụy biện thống kê (Statistical fallacy)

Ngụy biện thống kê là hình thức mà người ngụy biện lợi dụng các con số, thông tin thống kê sai, sai phương pháp thống kê, không đáng tin cậy để đánh vào tâm lý người nghe. Từ đó làm cơ sở để dành lợi thế cho luận điểm của họ hoặc đi đến một kết luận.

Các kiểu ngụy biện thống kê khá đa dạng, như người ngụy biện đưa ra một thống kê không rõ nguồn gốc, không có độ tin cậy, chưa được công bố và kiểm chứng về mặt khoa học. Hoặc người ngụy biện diễn đạt, bóp méo một kết quả thống kê có trước một cách chủ ý, thậm chí là bịa ra các số liệu thống kê để phục vụ cho lợi ích của người đó.

Theo số liệu thống kê thì người ngụy biện có thể “chứng minh” được rất nhiều điều. Người ta có thể biến hóa số liệu thống kê theo nhiều cách. Ví dụ: với hai con số 1 và 3, người ngụy biện có thể diễn đạt như: “khác nhau 2 điểm”, “cao gấp 3 lần”, hay “tăng 200%”. Người ta có thể dựa vào ý kiến đồng tính của 4 trong số 5 người để cho là “80% người được thăm dò”, hay thậm chí là “đa số”.

Các bài đăng cùng chủ đề:

Ngụy biện (fallacy) là gì? Các loại ngụy biện (Phần 1)

Nhóm ngụy biện (fallacy) thay đổi chủ đề (Phần 2)

Nhóm ngụy biện (fallacy) lợi dụng cảm tính và đám đông (Phần 3)

Nhóm ngụy biện (fallacy) làm lạc hướng vấn đề (Phần 4)

Nhóm ngụy biện (fallacy) quy nạp sai (Phần 5)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nguyên nhân giả (Phần 6)

Nhóm ngụy biện (fallacy) nhập nhằng (Phần 7)

Nhóm ngụy biện (fallacy) phạm trù sai (Phần 8)

Nhóm ngụy biện (fallacy) philogic (non sequitur) và nhầm lẫn trong tam đoạn luận (Phần 9)

Các ngụy biện (fallacy) khác (Phần 10)

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment