Dâng hương là một nghi thức trang trọng, một tập quán tâm linh của nhiều
dân tộc trên thế giới, đặc biệt là đối với người Phương Đông. Đối với người Việt
Nam, nén hương đã đi vào đời sống tâm linh như một nét đẹp tín ngưỡng truyền thống,
gần gũi và thiêng liêng.
Nén hương là một nét đẹp tâm linh
Trong tâm
thức người phương Đông, khi nén hương được dâng lên, cũng là lúc hai thế giới
hữu hình và vô hình được kết nối với nhau một cách tôn kính và linh thiêng. Đó
cũng là lúc con người rũ bỏ những hiện thực và bản ngã trần thế để nhìn lại bản
thân, nhắc nhở và hướng tới những điều tốt đẹp, cao cả và sâu sắc hơn.
Dâng hương là gì?
Dâng theo
tiếng Anh là offering, có nghĩa là hành động đưa lên một cách tôn trọng, cung
kính. Còn hương có nghĩa là mùi thơm, hương trong dâng hương thông thường là dùng
một vật đốt lên để dâng các đáng linh thiêng, nó cũng được gọi là nhang hoặc
trầm, tiếng Anh là Incense. Từ incense có nguồn gốc từ tiếng Latin, và động từ
incendere có nghĩa là thắp cháy lên.
Nén hương trong tâm linh người Việt nam
Người Việt
nam có một nét văn hóa đặc biệt là thờ cúng tổ tiên. Trong những ngày giỗ chạp,
lễ tết, ngày rằm, mùng một, những ngày hiếu hỉ, những ngày trọng đại,... chúng
ta thường mua vài nén hương để dâng lên ông bà, tổ tiên mình. Nén hương được
thắp lên thì chúng ta cảm thấy ấm lòng, được kết nối và giữ gìn truyền thống
“uống nước nhớ nguồn”. Lúc này, nén hương không còn là thứ hàng bình thường, mà
nó trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người Việt. Cùng với
những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần làm nên một vẻ đẹp
tinh thần mang giá trị bản sắc của Việt nam.
Mùi hương
trầm là mùi quen thuộc của người Á Đông. Trong phong tục tập quán của rất nhiều
dân tộc phương Đông, từ trai đến gái, từ những người cao tuổi đến những đứa trẻ
chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc dâng hương; nén hương là phương tiện để họ
thể hiện lòng thành. Đây hoàn toàn không phải là hành động mê tín dị đoan, mà
la một nét đẹp văn hóa mang tính biểu trưng tồn tại từ rất lâu đời.
Lịch sử của hình thức dâng hương
Theo lịch
sử ghi lại, việc đốt nhang, dâng hương đã có từ lâu đời, xuất hiện khoảng năm
3700 trước công nguyên. Nghi thức này bắt đầu từ Ấn Độ, đến năm 618 sau công
nguyên, một vị Tăng đời nhà Tần đem hương trầm qua Trung Quốc, từ đó hình thức
đốt nhang, dâng hương được phổ biến rộng rãi, và đạt đến cực thịnh vào thời nhà
Minh, sau đó nghi thức này dần được phổ biến ở các nước láng giềng và lan rộng
ra. Có thể nói, Nhật Bản là một trong số những nước mà việc đốt hương phổ biến
nhất, ngoài ra họ còn có nhiều cách đốt hương khác, trong đó cách thức quen
thuộc nhất là nén trầm hình tròn đầu nhọn vào thế kỷ 17, ngày nay Nhật Bản vẫn
còn dùng cách này. Tại các nước ngoài phương Đông, nhiều tài liệu cho thấy việc
đốt nhang đã có từ thời sơ khai. Trong các đền thờ của những nền văn minh Ai
Cập cổ đại đã có rất nhiều hình ảnh hoặc hình chạm trên tường, trên đá mô tả
lại nghi thức này.
Nghi thức
đốt nhang, dâng hương tồn tại đến tận ngày nay, và đã trở thành một nghi thức
tâm linh trong nhiều dịp, dùng để cúng ông bà tổ tiên, hay những vị thần trong
những văn hóa truyền thống của các dân tộc khác nhau.
Lợi ích và tác dụng của nén hương
Một trong
những khám phá quan trọng nhất của con người là tìm ra lửa, khi con người tìm
ra lửa họ đã phát hiện ra một điều lạ lùng, đó là khi ngọn lửa cháy lên sẽ tỏa
ra mùi thơm đặc biệt tùy theo vật dùng để đốt là gì. Từ đó, họ sẽ dùng lửa, một
thứ giúp con người bước qua thời kỳ mông muội, để dâng lên các vị thần những
hương thơm như một lời cảm tạ đã đem lửa đến cho loài người. Cũng từ đó, khi
đốt nén hương là khi không khí thanh tịnh, tôn kính, ấp áp và trang nghiêm xuất
hiện. Ngoài ra, dần dần con người cũng đã biết dùng hương để trị bệnh cho cơ
thể và cả bệnh tâm lý.
Thông
thường, người ta thắp nhang là để khẩn thiết cúi đầu mang tấm lòng thành kính,
chân thành của mình quyện theo làn khói thơm hướng về cõi thiêng liêng, trong
kinh Phật có bài kệ:
Nguyện đem
lòng thành kính, gởi theo đám mây hương.
Phảng phất
khắp mười phương. Cúng dường ngôi Tam Bảo...
Khi thắp nhang thường thắp mấy nén?
Theo quan niệm
của người Việt, chúng ta thường chọn số nhang lẻ khi dâng hương. Theo quan niệm
của nhà Phật, số nhang lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng hơn.
Con số 3
thì nhiều quan niệm khác nhau, đó có thể là:
Tam bảo
(Phật – Pháp - Tăng)
Tam giới
(Dục giới - Sắc giới - Vô sắc
giới)
Tam thời
(Quá khứ - Hiện tại - Vị lai)
Tâm vô lậu
học (Giới - Định - Tuệ)
Ngoài ra,
nén hương còn có một ý nghĩa đặc biệt, đó là thắp nhang để nhớ đến sự vô
thường. Để nhắc bản thân về sự giả tạm, lúc nén hương tắt cháy cũng tượng trưng
cho đời người tắt cháy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương. Tàn
tro của hương nhắc nhở chúng ta đừng để thời gian trôi qua uổng phí.
Ý nghĩa của việc dâng hương
Trong nghi
lễ Phật giáo, hương là một trong sáu lễ vật dâng cùng, gồm có: hương, hoa,
đăng, trà, quả, thực (nhang, hoa, đèn, trà, trái cây, thức ăn). Tuy nhiên,
nhiều người không hiểu rõ về ý nghĩa sâu xa của việc cúng Phật nên bày biện đủ
thức ăn, đồ uống. Theo quan niệm nhà Phật, lòng thành thể hiện qua làn khói
hương nghi ngút, không cần cỗ bàn yến tiệc linh đình. Vì đúng ý nghĩa của sự
Cúng Phật chỉ cần dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là
đủ. Phật không phải ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm
của tất cả con người. Ngoài những nén hương dùng ngọn lửa nóng để đốt cháy lên,
chúng ta còn có thể dùng đức tin của mình thắp lên những nén Tâm hướng - tức là
hương từ trong tâm. Bởi vậy mới có năm thứ hương dùng để cúng dường chư Phật:
giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến
hương.
Không chỉ
Phật giáo, mà nhiều tôn giáo khác cũng dùng hương trong các nghi thức, các ngày
lễ của mình. Người Thiên Chúa giáo xông hương trong các thánh lễ, trước bàn
thờ, trước cuốn Kinh Thánh, mình Thánh, rượu Thánh và cả linh cửu của người đã
mất... Những tôn giáo khác như Ấn Độ giáo thì lại dùng hương để thư giãn và tập
trung hơi thở lúc ngồi Thiền. Trong khi đó, đạo Wiccanism dùng hương để trở về
với sức sống thiên nhiên, để cảm thông với các vị nữ thần như Aphrodite. Theo
đạo Khổng, khói hương tượng trưng cho đại trượng phu, chỉ bay lên chứ không bao
giờ rơi xuống.
Hương không
có màu sắc nhưng luôn thơm ngát, như câu “Tự tại trong hành xử, như chim giữa
hư không, tìm dấu chân không thấy”. Như mùi hương vô sắc phảng phất thơm lừng,
bậc tĩnh lặng sống tự tại giữa đời, đem lại an lạc và lợi ích cho đời nhưng
không lưu lại một dấu tích danh sách nào trên bia ký. Rời khỏi cuộc đời, có
chăng chỉ là một khoảng không gian ngát hương: mùi hương của loại hương bay
ngược chiều gió.
Một điều
chúng ta cần phải ghi nhớ là mỗi lần dâng hương lên các vị tôn kính: không
những chúng ta dâng hương bằng tấm lòng thành kính của mình, mà còn phải có
chánh niệm. Nên cắm từng nén hương với hai tay và cắm cho ngay thẳng, tượng
trưng cho tấm lòng ngay thẳng, mặc cho bão táp phong ba không hề dời đổi, giữ
nguyên phong cách của người quân tử, tấm lòng trong sạch để lưu lại tiếng thơm
với đời, để hương thơm tỏa khắp muôn nơi.
0 comments:
Post a Comment