Năm 1957, cuốn
tiểu thuyết Atlas Shrugged (tựa tiếng Việt là Atlas vươn mình) của Ayn Rand được
xuất bản, với đề tài là “vai trò của trí
tuệ trong sự tồn tại của con người”, tác giả đã đưa ra những quan niệm mới
mẻ về giá trị của tiền bạc.
Tiền bạc có thật sự là nguồn gốc của mọi tội lỗi? |
Theo đó, ham mê tiền bạc không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi. "Sự ham mê tiền bạc tức là nhận thức được rằng tiền được làm ra nhờ năng lực của con người và là phương tiện để đổi lấy những gì xứng đáng nhất"... Tiền bạc chính là thước đo giá trị của trí tuệ, năng lực, nhận thức và đạo đức của mỗi con người và của cả xã hội, là nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp khi người ta nhận thức đúng đắng về giá trị của nó.
Nếu tiền bạc
không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi thì nguồn gốc của đồng tiền là gì? Tiền
là một công cụ trao đổi, là biểu hiện vật chất của nguyên tắc giao dịch thương
mại của con người. Trong đó, người ta trả giá cho giá trị họ nhận được. Nó
không phải là công cụ của những người ăn mày đi xin ăn bằng những giọt nước mắt,
cũng không phải vũ khí của kẻ cướp dùng vũ lực để chiếm đoạt của cải, mà chỉ có
những người biết lao động mới có khả năng làm ra đồng tiền. Bạn nhận những đồng
tiền trả công cho công sức nỗ lực của mình vì biết rằng, bạn có thể dùng nó để
đổi lấy sản phẩm do nỗ lực của người khác làm ra.
Đồng tiền tồn tại
trong chân lý rằng mọi người có quyền sở hữu lao động và trí tuệ của bản thân họ.
Nó không cho phép một sức mạnh nào có thể đại diện cho sức lao động của bản
thân họ, trừ khi đó là sự tự nguyện của một người bán đi sức lao động của mình
để nhận về tiền công. Đồng tiền chỉ cho phép những giao dịch đảm bảo lợi ích của
hai bên trên cơ sở tự nguyện. Đồng tiền đòi hỏi bạn phải nhận ra rằng con người
làm việc để được nhận lợi ích chứ không phải chịu thiệt hại, để có lợi nhuận chứ
không phải mất mát; rằng đồng tiền không phải là trâu ngựa để mang trên vai những
nỗi khổ cực của bạn; rằng bạn phải đem lại cho nó giá trị chứ không phải thương
tổn: rằng sự ràng buộc giữa người với người là sự trao đổi hàng hóa chứ không
phải những khổ đau. Khi đó, khả năng lao động của một người sẽ là những gì mà
anh ta được hưởng. Đó là những quy tắc sống mà công cụ biểu hiện của nó là đồng
tiền.
Nhưng tiền chỉ là công cụ. Nó có thể
đưa bạn đi bất cứ nơi nào bạn muốn nhưng nó không đi thay bạn. Nó giúp bạn thỏa
mãn những nhu cầu của mình, nhưng không đem lại cho bạn những nhu cầu đó. Tiền
bạc không thể mua được hạnh phúc cho con người khi họ không hề biết hạnh phúc
là gì, không thể đem lại những quy tắc về giá trị có giá trị, và cũng không đem
lại mục đích khi anh ta không biết mình muốn gì. Đồng tiền không thể mua trí
thông minh cho kẻ ngốc, mang lại sự thán phục cho kẻ hèn yếu, sự kính trọng cho
kẻ bất tài. Những người muốn mua trí tuệ của những người tài giỏi hơn mình bằng
tiền chứ không phải bằng lý trí thì cuối cùng cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự
kém cỏi của chính họ mà thôi.
Bản án một người
đưa ra cho nguồn sống của mình thì cũng là lời tuyên án cho cuộc sống anh ta. Nếu
cái nguồn sống ấy bị vấy bẩn thì anh ta đã tự làm hại cuộc sống của chính mình.
Nếu bạn kiếm tiền bằng những việc làm không chính đáng, bằng việc thỏa mãn những
thói hư tật xấu hay sự dốt nát của người khác, bằng việc tiếp tay cho kẻ xấu, bằng
việc hạ thấp nhân phẩm, bằng việc làm những điều bạn coi thường với hy vọng nhận
được nhiều hơn khả năng của mình, thì đồng tiền bạn kiếm được đó chẳng đem lại
chút vinh quang nào. Những thứ bạn mua bằng đồng tiền đó không phải là phần thưởng
mà là nỗi ô nhục, không phải là chiến lợi phẩm mà sự hổ thẹn. Khi đó bạn sẽ thấy
rằng đồng tiền quả là tội lỗi bởi nó không giữ lại cho bạn lòng tự trọng, không
cho phép bạn thích thú với những hành vi xấu xa của chính mình.
Bạn cho rằng
lòng ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi ư? Ham mê một thứ đồng nghĩa
với việc bạn phải am hiểu về nó và biết bản chất của nó là gì. Ham mê tiền bạc
tức là nhận thức được rằng nó được làm ra nhờ năng lực của con người và là
phương tiện phương tiện trao đổi lấy những sản phẩm xứng đáng nhất. Chỉ có những
người bán rẻ tâm hồn mình mới là kẻ lớn giọng nói rằng họ căm ghét đồng tiền vì
anh ta có lí do để nói thế. Những người yêu tiền bạc sẵn sàng làm việc để có tiền
và tin chắc rằng họ xứng đáng với những đồng tiền đó. Đồng tiền đòi hỏi rất cao
về phẩm giá nếu con người muốn kiếm tiền và giữ được nó. Những người không có
lòng can đảm, tự hào hay tự trọng; những người không cảm nhận được mặt tốt đẹp
trong quyền lợi của anh ta đối với đồng tiền; những người không sẵn lòng bảo vệ
đồng tiền mình làm ra như chính mạng sống của mình; những người cảm thấy có lỗi
bởi sự giàu có của mình; tất cả họ sẽ chẳng sung túc được bao lâu hoặc họ không
tự tin, tự hào một cách mạnh mẽ nhất và chính đáng về khối tài sản của họ.
Đồng tiền là thước
đo đạo đức của một xã hội. Khi thương mại được thực hiện không qua thỏa thuận
mà nhờ sự cưỡng ép, khi để được sản xuất bạn phải xin phép một kẻ không hề lao
động, khi tiền chảy vào túi những người buôn bán những ân huệ thay cho hàng
hóa, khi người ta trở nên giàu có nhờ vào quyền lực hay tiền hối lộ hơn là lao
động, khi luật pháp lại đi bảo vệ những kẻ như thế chứ không phải là bạn, khi dối
trá được tôn vinh còn thành thật bị trừng phạt; bạn sẽ thấy rằng xã hội đó đã đến
hồi lụn bại. Đồng tiền cao quý đến nỗi nó không thể chung sống cùng súng đạn
hay bạo lực. Nó không cho phép một xã hội tồn tại dựa vào một nửa là của cải kiếm
được còn nửa kia là sự cướp bóc. Khi trong xã hội xuất hiện những kẻ phá hoại,
chúng sẽ bắt đầu từ đồng tiền bởi đồng tiền là công cụ bảo vệ cho con người và
cơ sở tồn tại của đạo đức.
Nếu bạn vẫn chưa
khám phá ra đồng tiền là nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp thì bạn sẽ phải đi đến
chỗ tự hủy hoại mình. Khi đồng tiền không còn là phương tiện lưu thông, giao dịch
giữa người với người, nó sẽ trở thành công cụ. Xương máu, đòn roi, súng đạn hay
đồng tiền- anh chỉ được chọn một và hãy nhanh lên bởi chẳng còn nhiều thời gian
cho anh.
0 comments:
Post a Comment