Căn phòng riêng của Virginia Woolf được xuất bản
lần đầu năm 1929, trải qua thử thách của thời gian, đến nay vẫn được đánh giá
là một tác phẩm văn học có tầm ảnh hưởng lớn bởi cách và những vấn đề mà nó đặt
ra. Căn phòng riêng còn có giá trị to lớn ở chỗ, nó là quyển sách đặt nền móng
cho Nữ quyền luận trong hai lĩnh vực tư tưởng và phê bình văn học.
![]() |
Căn phòng riêng do nhà xuất bản Tri Thức ấn hành |
Quyển sách được hình thành dựa trên
hai bài thuyết trình của Virginia Woolf vào năm 1928 tại Newnham College, và
Girton College, là hai trường cao đẳng dành riêng cho phụ nữ, thuộc trường đại
học danh tiếng Cambridge, Anh.
Căn phòng riêng được tác giả sử
dụng bút pháp “dòng ý thức”, ở đó chỉ có tác giả nói lên cảm
xúc, suy nghĩ, quan điểm của mình về vấn đề muốn bàn tới. Câu văn thường dài
miên man như sóng trôi theo mạch cảm xúc tuôn dài. Đọc Căn phòng riêng, ban đầu
sẽ khiến độc giả cảm giác rợn ngợp, chưa quen thuộc nhưng khi đã quen với dòng
cảm xúc đó, được đẫm chìm trong nó, nó sẽ mang lại cho người đọc cảm giác mát
mẻ, ngọt ngào đến mê mẩn. Ngoài ra, quyển sách cũng có nhiều đoạn trần thuật,
miêu tả, độc thoại nội tâm như một quyển tiểu thuyết thông thường.
Mang hình thức là một tập tiểu
luận, với nhiều ý tưởng uyên bác, nhưng Căn phòng riêng không viết bằng thứ
ngôn ngữ hàn lâm khó hiểu, khô cứng lạnh lùng, mà bằng giọng văn sôi nổi chứa
đầy niềm tin vào những điều mình muốn chia sẻ với người đọc, nó là sự hòa trộn
giữa tiểu luận và sáng tác, giữa triết lí và tự thuật, giữa nghiêm túc và hài
hước. Virginia Woolf đã dốc tất cả tâm tư mình vào đó với tấm lòng chân thành.
Bà viết nó bằng cả khối óc và trái tim.
Đôi điều về Virginia Woolf
Adeline Virginia Stephen sinh
ngày 25/01/1882 tại London. Cha bà, Leslie Stephen, là một chính khách, nhà phê
bình văn học và có một người con riêng mắc bệnh loạn trí. Mẹ bà, Julia
Duckworth Stephen (tên thời con gái là Julia Jackson Duckworth) là một trong
những người tạo dựng nên nhà xuất bản Duckworth và có ba người con riêng.
Leslie và Julia cùng nhau có thêm bốn người con là Vanessa, Julian Thoby,
Virginia và Adrian. Gia đình đông con và giàu có, việc giáo dục cho những người
con trong gia đình được chú trọng, Virginia cùng các anh chị em được bố mẹ dạy
tại nhà chứ không đến trường. Năm 1895 mẹ bà qua đời, Virginia bị chấn động tâm
lý dữ dội sau mất mát này. Trong 10 năm tiếp theo, em gái cùng cha khác mẹ,
cha, và anh trai lần lượt qua đời; năm 1904, sau cái chết của người cha,
Virginia chịu thêm một cơn chấn động tâm lý, bà đã tự sát bằng cách nhảy qua
cửa sổ nhưng không thành. Những nỗi đau thương liên tiếp xảy ra đã khiến
Virginia bị trầm cảm, đó là mầm mống hoặc điểm bắt đầu của căn bệnh rối loạn
tâm lý lưỡng cực đã theo bà đến cuối đời.
Năm 1905, Vanessa, Thoby,
Virginia và Adrian chuyển tới Bloomsbury, London, họ mua một ngôi nhà và cùng
nhau sinh sống tại đây. Virginia xuất bản những tiểu luận đầu tiên và sau đó
trở thành người điểm sách thường xuyên cho tờ Times Literary Supplement. Bà
cũng giảng dạy tại các lớp học buổi tối dành cho công nhân. Thời gian này,
Virginia đã gặp gỡ, kết bạn với những người cùng tư tưởng, bao gồm Lytton
Strachey, Duncan Grant, Desmond MacCarthy, John Maynard, Keynes, E. M. Forster,
Roger Fry, Clive Bell, và Leonard Woolf. Các thành viên trong nhóm là những
nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại, một phong trào văn hóa hướng đến
việc phá vỡ các ranh giới của hiện thực, họ được biết đến với tên gọi Nhóm
Bloomsbury. Những đặc điểm của văn học hiện đại bao gồm việc sử dụng
bút pháp Dòng ý thức, hội thoại nội tâm, sự biến dạng của
thời gian, và sự thay đổi hoặc đa góc nhìn. Những đặc điểm này xuất hiện trong
tác phẩm của Ezra Pound, Gertrude Stein, James Joyce,… và Virginia Woolf. Dòng
ý thức là một thuật ngữ văn học chỉ một xu hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là
văn xuôi) khởi điểm từ đầu thế kỷ XX, tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, cảm
xúc và quan điểm của người viết.
Ngày 10/08/1912 Virginia
Stephen kết hôn với Leonard Woolf, từ đó tên gọi chính thức của bà là Virginia
Woolf. Sau đó, Virginia Woolf trải qua cơn chấn động tâm lý thứ ba kéo dài 3
năm. Năm 1917, vợ chồng bà mua lại một xưởng in và thành lập Nhà xuất bản
Hogarth Press. Nơi đây trở thành địa chỉ xuất bản các tác phẩm của T.S.Eliot,
Kathrine Mansfiel, Freud, Gorky và toàn bộ các tác phẩm của Wollf.
Ngày 28/03/1941, trong một cơn chấn động tâm lý, Virginia Woolf đã bỏ đầy đá vào túi và gieo mình xuống dòng sông Ouse, để lại thư tuyệt mệnh cho chồng và chị gái, kết thúc một cuộc đời đầy bi kịch. Cuộc đời Virginia Woolf đầy những cú twist nhưng bà đã vượt qua, vươn lên và bước chân vào hàng ngũ của những thiên tài.
Từ thập kỷ đầu của thế kỷ XX,
văn học hiện đại được hình thành và phát triển. Cho đến nay, Virginia Woolf,
cùng với James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka được coi là 4 “tượng đài” kỳ
vĩ của văn học hiện đại. Virginia Woolf được coi là một trong những nhà văn
hiện đại lừng danh nhất thế kỷ XX. Trong thời gian giữa hai Thế chiến, bà là
một nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống văn học tại London.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất
của Virginia Woolf là: Đêm và ngày (Night and Day, 1919), Căn phòng của
Jacob (Jacb’s Room, 1922), Bà Dalloway (Mrs. Dalloway, 1925), Đến ngọn hải đăng
(To the Lighthouse, 1927), Orlando (1928), Căn phòng riêng (A Room of One’s
Own, 1929), Những đợt sóng (The Waves, 1931), Ba đồng tiền vàng (Three Guineas,
1938).
Căn phòng riêng của Virginia Woolf
Virginia Woolf đã nghiên cứu
văn học, thư tịch và lịch sử, bà cũng nhắc lại về phong trào đấu tranh cho nữ
quyền vào cuối thế kỷ XIX và đi đến kết luận rằng: người phụ nữ phải chịu bất
công trên hầu hết mọi mặt của đời sống trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là một
kết luận mang tính công phá, bởi cho đến thời điểm Virginia Woolf viết Căn
phòng riêng, dù ở xã hội phương Tây, người phụ nữ vẫn bị xem thường, bị coi là
thứ yếu, vẫn bị trói buộc vào những định kiến. Đàn ông là người toàn quyền nắm
giữ vai trò định đoạt mọi thứ.
Virginia Woolf đã tập trung và
nhấn mạnh vào chủ đề: “phụ nữ và sáng tác văn học”. Theo ví von của
bà, phụ nữ đi theo nghiệp văn chương bị coi như: “con chó bông xù làm
trò mua vui trong gánh xiếc”, và nhận xét rằng:“bất cứ người phụ nữ nào
sinh ra với thiên tư hơn người ở thế kỷ XVI đều trở nên điên loạn, và cuối
cùng, phải tự kết liễu đời mình hoặc sống cô độc nốt quãng đời còn lại trong
túp lều bên ngoài thôn làng, nửa phù thủy, nửa pháp sư và bị người đời sợ hãi, nhạo
báng”. Đó là kết cục cay đắng của những phụ nữ có tài văn chương ở thời đại
đó. Thêm nữa, nấc thang giá trị trong văn học cũng được đánh giá qua lăng kính
giới tính: “Đây là cuốn sách quan trọng, nhà phê bình bảo thế, bởi nó
nói về chiến tranh. Còn đây là cuốn tầm phào bởi nó nói về cảm xúc của phụ nữ
trong phòng khách”.
Virginia Woolf đã nhận ra việc
viết văn của phụ nữ bị rơi vào hai hoàn cảnh. Một, là họ không đủ điều kiện vật
chất để viết, ngay cả với điều kiện tối thiểu nhất là có giấy và bút, bởi họ
không có khả năng kinh tế tự thân. Hai, là họ luôn bị quản thúc lẫn quấy rầy về
mặt tư tưởng như đang viết trong một “căn phòng chung”. Từ đó, bà đi đến luận
điểm nổi tiếng, và lặp đi lặp lại luận điểm này: “Phụ nữ muốn viết
văn, phải có tiền và một căn phòng riêng”.
Một điều làm cho Căn phòng
riêng trở thành kinh điển là cách tác giả đặt vấn đề, nó là tác phẩm đầu tiên
dám đặt vấn đề một cách thách thức, trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, và
nhất là văn học. Đó là, sự bình đẳng trong văn học, văn chương của phụ nữ có
khác với đàn ông không. Và nếu khác, thì sự khác đó có phải là hệ quả tất yếu
của đời sống kinh tế và xã hội của người phụ nữ? Những mảnh đất nào của phụ nữ
chưa được khai phá trong văn chương? Và có hay không những điều về phụ nữ mà
đàn ông không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thông qua văn chương?
Cơ sở cho Virginia Woolf đặt
vấn đề này là sự phân biệt giới tính trong văn học, sự phân biệt này đã giết
chết không biết bao nhiêu phụ nữ thiên tài. Virginia Woolf tưởng tượng ra một
nhân vật hư cấu tên là Judith Shakespeare, em gái của nhà văn lỗi lạc William
Shakespeare. Bà đã chỉ ra và phân tích một cách thuyết phục những trở lực hữu
hình lẫn vô hình, từ vật chất đến tinh thần, từ chủ quan đến khách quan mà một
người phụ nữ sẽ phải đối mặt trên hành trình trở thành người cầm bút thực thụ…
Judith cũng có tài năng thiên bẩm chẳng kém gì anh trai mình, nhưng cô bị gia
đình ngăn cản và xã hội dè bỉu khi bước vào sự nghiệp văn chương.
Virginia Woolf thật sự cho thấy
cái nhìn sâu sắc về vấn đề bất bình đẳng và định kiến giới - nguyên nhân chính
yếu cản trở việc người phụ nữ có thể viết văn thuận lợi như nam giới, đồng thời
cũng là nguyên nhân khiến cho văn học nữ chỉ có một vị trí vô cùng khiêm tốn
như vậy.
Những phân tích vừa chân thực,
vừa hài hước, vừa sâu sắc, vừa cay đắng của tác giả về vấn đề này không chỉ
khiến độc giả bị thuyết phục mà còn thức tỉnh người đọc, người nghe, nhất là nữ
giới về tình trạng tù túng, chật hẹp của chính giới mình khi đang cầm bút. Thế
nên, trong một bối cảnh như vậy, nếu Shakespeare có một người em gái tài năng,
cô sẽ chết mà còn chưa kịp viết một tác phẩm tầm cỡ nào như anh trai mình.
Đến đây, chúng ta thấy, ở một
góc độ nào đó, Virginia Woolf chỉ chú tâm tới thành phần thượng lưu trong xã
hội, và là một quan tâm trong văn học, không phải những giá trị xã hội phổ
quát. Câu nói: “…thiên tài như Shakespeare không sinh ra trong gia đình
lao động không được học hành, họ không thuộc tầng lớp tôi đòi” của bà
sẽ gây nhiều tranh cãi. Thế nhưng, Virginia Woolf bắm chặt lấy luận điểm của
mình. Thiên tài cần tự do, nó không thể nở hoa nếu bị ràng buộc bởi sợ hãi,
hiềm thù hay phụ thuộc vào kẻ khác.
Ngoài những khó khăn chủ quan
cản trở một phụ nữ viết văn, họ còn gặp một trở ngại to lớn khác, đó là, họ
không có một truyền thống văn học phái nữ. Sự thiếu vắng một lịch sử văn chương
của phái nữ, khiến họ bắt đầu viết như thể bước chân vào không trung, không có
nền tảng, không có bệ đỡ để họ nối bước. Mặc dù không thiếu phụ nữ có tài năng,
thiên tư xuất chúng, nhưng lại không có nhiều tác phẩm văn học tầm cỡ viết bởi
phụ nữ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy văn chương phái nam. Theo nhận định của Virginia
Woolf thì tâm hồn và trải nghiệm của phái nam không giống phái nữ, và bởi thế,
cần có một “bút pháp nữ” để định hình diện mạo văn chương nữ.
Phải chăng chính ngôn ngữ đã là rào cản, thứ ngôn ngữ viết bởi và cho những giá
trị phái nam chứ không phải phái nữ? Nếu thế thì cần phải sửa đổi văn chương
sao cho phù hợp với tiếng nói của phụ nữ và phản ánh được trải nghiệm chân thực
của họ. Phát hiện và đề xuất này của Virginia Woolf là một sự táo bạo đi trước
thời đại, bởi phải mất gần một thế kỷ sau đó, nữ quyền luận mới thâm nhập mạnh
vào những hình thức sáng tác tạo thanh, tạo hình,…, và văn học.
Khi xem xét về truyền thống văn
học của phái nữ, Virginia Woolf nhận ra sự khác biệt của những nhà văn nữ xuất
sắc là cách cư xử trong mối quan hệ giữa họ, và mối liên hệ giữa sự tồn tại của
họ với các thể chế của cuộc sống. Những điều này, theo Virginia Woolf, chi phối
sâu sắc đến sự thành công của tác phẩm. Tác phẩm của Jane Austen được coi là
không có chút cay đắng; không thù hận nào và thành công vượt trên cả năng lực
của người viết. Ngược lại, sự kìm kẹp của ý thức nữ quyền và khát vọng bình
đẳng đồng nghĩa với việc Charlotte Bronte, dù tài năng xuất chúng, đã không thể
hiện hết vẻ đẹp tiềm ẩn trong văn chương của mình. Nó được bà gọi là “cái tôi”
của các nhà văn. Virginia Woolf xem “cái tôi” của nhà văn là rào cản cho văn
chương. Virginia Woolf đòi hỏi người viết phải từ bỏ “cái tôi” của mình, phải
đạt tới mức độ vô ngã như một vị thánh (như Shakespeare hay Jane Austen đã làm)
thì mới vươn tới thành công. Virginia Woolf viết về Jane Austen như sau: “Người
đàn bà này (Jane Austen) sống vào khoảng năm 1800, nhưng trong văn chương của
bà không hề thấy sự thù ghét, không cay đắng, không sợ hãi, không chống đối,
không rao giảng. Đó là cách mà Shakespeare viết…”
Từ suy nghĩa về mối quan hệ
giữa phụ nữ và nam giới và các tác phẩm của phụ nữ trong bối cảnh của văn học
trong quá khứ, Virginia Woolf đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ
không được nhìn nhận, đánh giá, miêu tả và cảm nhận không phải qua con mắt của
đàn ông mà bởi chính phụ nữ? Và liệu sau đó, người phụ nữ sẽ là chính mình
nếu “cô ấy viết với tư cách là một người phụ nữ, nhưng là một người phụ
nữ đã quên rằng mình là một người phụ nữ, để các trang viết của cô ấy chứa đầy
sự tò mò về giới tính chỉ đến khi giới tính là tri thức của chính nó”. Tuy
nhiên, khi Virginia Woolf thừa nhận rằng phụ nữ không thích phụ nữ, điều đó đã
giúp giải thích sự bối rối của các nhà văn, nhà thơ nữ, khi họ không thể thoát
khỏi góc nhìn từ phía nam giới. Theo đó, nữ nhà văn đã không coi nam giới là
đối thủ. Theo Virginia Woolf, bình đẳng giới trong văn học cần những thay đổi
về nhận thức hơn là về thẩm mĩ. Cảm giác tội lỗi về giới nên được bỏ mặc trong
vô thức. Để đạt được điều này, Virginia Woolf chỉ ra rằng cần có hai giới tính
trong một cơ thể. Phần nam trong tâm trí phụ nữ phải được dung hòa với phần nữ.
Đó là vấn đề mà Coleridge gọi là “khối óc lưỡng tính” (bisexual minds). Chỉ khi
các nhà văn cân bằng được hai giới tính trong tâm trí, họ mới có thể có được sự
đồng điệu trong sáng tạo. Sai lầm của họ là đã nghĩ về giới tính của mình khi
đang viết. Vì vậy, nữ quyền không chỉ đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ mà còn
kêu gọi nữ văn sĩ viết “với tư cách là phụ nữ”. Do đó, có thể nói, Woolf thực
chất không kêu gọi đấu tranh cho quyền bình đẳng, không khu biệt về giới; nhà
văn coi trọng những giá trị mang tính vật chất và tìm kiếm cảm giác hòa hợp
trong tình người. Theo đó, nhà văn nữ cần được là chính mình trước khi đòi
quyền bình đẳng.
Từ việc phản ánh những câu
chuyện về cuộc sống và hành vi của con người liên quan đến sự viết, Virginia
Woolf đã bàn đến một vấn đề lớn hơn trong văn học, đó là tiểu thuyết và tiểu
thuyết của phụ nữ. Bà gợi ý: “nếu có ai đó nhắm mắt lại và nghĩ về toàn
bộ cuốn tiểu thuyết, có khả năng, đó là một tác phẩm thoạt nhìn như tấm gương
soi cuộc sống, cho dù tất yếu đã có vô số điều được đơn giản hóa và bị bóp méo”.
Virginia Woolf cũng giống như tất cả các nhà phê bình nữ quyền đều nhận ra rằng
phụ nữ sáng tác trong bối cảnh khó khăn hơn nam giới, hơn thế nữa, giá trị của
cuốn sách họ viết ra phụ thuộc và cách mà xã hội đánh giá là danh giá và cao
quý hay dung tục, tầm thường. Tuy nhiên, theo quan điểm của Virginia Woolf,
trong văn học, phụ nữ và nam giới đều bình đẳng. Phụ nữ không còn sáng tác tiểu
thuyết nhằm mục đích thoát khỏi nỗi đau và những kìm kẹp của chế độ gia trưởng.
Họ viết để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là bản chất sự kế thừa và
phát triển truyền thống trong văn học nữ.
“Căn phòng riêng” không chỉ là một nơi chốn
riêng tư, mà còn là một không gian văn hóa, không gian cảm xúc và nghệ thuật mà
ở nơi đó người phụ nữ được là mình, cho riêng mình, họ tự do thỏa sức sáng tạo.
Nó còn là một ẩn dụ cho sự tự do, nơi người phụ nữ sáng tác không phải vì người
khác, cho người khác, mà vì mình và cho mình, có một căn phòng riêng họ sẽ
không bị ai quấy rầy mà tập trung hoàn toàn vào tác phẩm nghệ thuật, đứa con
tinh thần của mình. Nhưng vì sao lại là tiền? Virginia Woolf diễn đạt vấn đề
trên bằng những đoạn văn hồi tưởng lại trải nghiệm của riêng mình. Đó là sự
thay đổi trong bà khi nhận được khoản tiền thừa kế từ người dì của mình là Mary
Beton, “năm trăm bảng mỗi năm, suốt đời”. Từ một mình, vì mưu sinh,
phải “chạy việc vặt cho mấy tờ báo”, “phải nịnh bợ luồn
cúi”, bà đã có được “sự giải thoát lớn nhất, sự tự do suy nghĩ về
mọi cái theo ý mình”. Vậy là chính sự thay đổi hoàn cảnh sống sẽ thay đổi ý
thức tự do của người phụ nữ, thay đổi cách nhìn của họ đối với cuộc đời. Không
phải tiền mang lại tài năng văn chương cho người phụ nữ, hay nó cũng mang lại,
nhưng chỉ theo cách gián tiếp mà thôi. Đó là chỉ khi người phụ nữ có thể nhìn,
cảm nhận và viết về cuộc sống bằng đôi mắt mẫn cảm và tinh tế của chính họ. Nhờ
có tiền mà con người ta có thể tự do, thoải mái làm điều mình thích hơn. Hay đó
chính là một lưu ý thâm trầm và sâu sắc của Virginia Woolf: con người cần tự do
để viết văn, nhưng văn chương đích thực chỉ đến từ trải nghiệm hiện thực của
chính con người.
“Căn phòng riêng” trong ý niệm
của tác giả không chỉ là không gian vật lý để tránh đi sự quấy rầy, dòm ngó của
người khác trong lúc viết. Đó còn là không gian tinh thần. Trong nhiều sự quấy
rầy, những ánh ảnh giới tính trong vô thức lẫn hữu thức sẽ ngăn tư tưởng của
phụ nữ có được sự tự do cao nhất. Virginia Woolf đã nhận thấy các nhà văn nữ
hay để những trải nghiệm giới chi phối và đánh mất đi giọng điệu trung tính. Nó
khiến người ta nhận ra đây là nhà văn nữ với lối viết rất nữ tính. Phải biết
vượt qua những rắc rối giới tính, người viết mới có thể đạt đến sự tư do trong
tư tưởng và phong cách viết. Nếu không, nữ giới sẽ chỉ luôn quanh quẩn với
những băn khoăn, bận tâm của giới mình, chỉ luôn tìm cách bộc lộ những hằn học,
phản kháng với hệ tư tưởng nam quyền và nam giới. Như thế, khả năng phụ nữ
không thể thi triển tuyệt đối tài năng của mình cho những vấn đề phi giới tính
để đạt được sự thành công trong sự viết là rất rõ ràng.
Việc tác giả đề xuất khi viết
văn, người viết dù là nam hay nữ, phải biết quên đi, biết vượt qua giới hạn của
mình không phải là một suy nghĩ quá khích hay cực đoan. Vượt qua giới tính
không đồng nghĩa với việc quên mình, vứt bỏ căn tính và cái tôi, mà là nỗ lực
đạt đến sự tự do trong tư tưởng. Và phụ nữ không nên ngồi đợi những điều kiện
thuận lợi ấy đến với mình, mà phải cố gắng để tự mình có được những điều mình
cần. Em gái của Shakespeare phải tự hồi sinh và phải sống khác đi cách cô đã
từng sống trước đó để có thể viết. Không phải viết như một Shakespeare, mà là
viết như một nhà văn.
Quan điểm của Virginia Woolf về chủ thể/nhà văn nữ
Trong Căn phòng riêng, một
trong những vấn đề được Virginia Woolf đặt ra là, đàn ông và phụ nữ
đều có những phẩm chất như nhau, nhưng trong điều kiện văn hóa và lịch sử của
xã hội truyền thống, phụ nữ không được phép trở nên giống Shakespeare. Họ bị
kìm kẹp giữa bủa vây những định kiến và không thể phát triển để trở thành thiên
tài. Vì vậy, họ sẽ mãi bị chôn vùi trong hai hố sâu: một do xã hội áp đặt, một
do chính phụ nữ tạo ra, như là nơi để tránh tác động của những định kiến vốn đã
phát triển qua hàng nghìn năm. Theo đó các nhà văn nữ chỉ có một con đường duy
nhất để được là chính mình, thoát khỏi khung ý thức xã hội, đó là: thông qua
trạng thái điên loạn hoặc cái chết, nếu không, họ sẽ biến thành phù thủy hoặc
pháp sư và sống cuộc sống của một người ngoại vi. Để giải quyết vấn đề này, chỉ
có hai cách khiến họ trở nên bất bình thường: trở nên thấp kém hơn, hoặc đứng
cao hơn xã hội. Nữ nhà văn đã đi theo cách thứ hai và cô đơn với vai trò vừa là
người mở đường vừa có thể là người cuối cùng trong hành trình đơn độc của mình.
Vì vậy, một mặt, Virginia Woolf mạnh dạn bước qua những định kiến để bước vào
“căn phòng riêng” của mình, mặt khác, bà lại e sợ cảnh buồn chán khi bị mắc kẹt
bên trong.
Cảm giác bị cầm tù của phụ nữ
là trở ngại lớn nhất; đó là một thử thách đối với họ khi đến với văn học nói
riêng và tìm lại cuộc đời của chính mình nói chung. Hành trình thoát ra khỏi
những ràng buộc này cũng đặt ra câu hỏi rằng nó sẽ mang lại những lợi ích gì
cho xã hội. Virginia Woolf chỉ ra sự đổi mới vai trò của phụ nữ chính là cam
kết quan trọng cho đổi mới của văn học và đời sống. Để đạt được những đổi mới
như vậy, Woolf đã trích dẫn các khái niệm cơ bản về phụ nữ của Samuel Butler và
La Bruyere, và cho rằng việc nhìn phụ nữ qua con mắt của đàn ông chỉ dẫn đến
những kết luận nhầm lẫn và hỗn loạn. Điều này có thể được giải thích là người
phụ nữ trong các tác phẩm của tác giả nam giới tồn tại hai mặt: cá tính và vô
cá tính. Để làm rõ điều này, Woolf chỉ ra rằng phụ nữ trong văn học và thơ ca
của nam giới tồn tại như những cái bóng, những khách thể đáng yêu (chữ Virginia
Woolf dùng trong tiểu luận là “objects” - những khách thể và cũng là những đồ
vật), và là nguồn cảm hứng chính cho các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, trong cuộc
sống thực, phụ nữ là nô lệ trong chính ngôi nhà của họ. Virginia Woolf cũng
phát hiện ra rằng sự tức giận khiến quan điểm của cả hai giới trở nên sai lầm,
và phụ nữ là nạn nhân của sự tức giận.
Đây có thể là lí do khiến các
lập luận sau này của Virginia Woolf không cố gắng chống lại quan điểm của nam
giới. Tác giả cũng nhận ra rằng các nhà văn nữ viết dựa trên phản ứng của giới
tính của họ, do đó, rất khó để họ thể hiện hết năng lực văn chương của mình. Họ
càng phản ứng với xã hội thì càng bị ảnh hưởng bởi nó. Vì vậy, định kiến luôn
thường trực trong đầu họ và buộc họ phải suy nghĩ về nó trước khi làm nghệ
thuật. Đây là cách thức điều chỉnh vô hình đối với các nhà văn nữ. Họ đang nhốt
mình vào một khuôn khổ xã hội ước định, tự vấn bản thân về những quan điểm đã
tấn công và khiến phụ nữ tổn thương, mặc dù đã có nỗ lực trong việc mở rộng tâm
hồn để tự do trong thế giới văn chương.
Vì vậy, Virginia Woolf đã bác
bỏ lập luận rằng thiên tài chỉ cần tập trung vào tư duy và năng lực cá nhân.
Dường như không ai nằm ngoài định kiến và định chế xã hội. Đó là lí do phụ nữ
thường viết văn với tư cách chủ thể là đàn ông để tránh nhận diện những điều
bất thường, mà biểu hiện đơn giản nhất là lấy những bút danh đàn ông như Emily
Bronte đã làm. Họ cũng coi việc viết lách như một cách để giải tỏa xu hướng tự
hủy hoại đối với bản thân. Tuy nhiên, điều này không thể tránh khỏi trong xã
hội đương thời như nơi Virginia Woolf đang sống, nơi phụ nữ bị coi là thấp kém
và nam giới được pháp luật bảo vệ trong việc thiết lập và kiến tạo luật pháp,
giáo dục, kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, Virginia Woolf đã chỉ ra
sâu sắc rằng việc đánh giá thấp phụ nữ thể hiện sự thiếu tự tin của đàn ông, và
lí do để nam giới phô diễn sức mạnh của mình là thực chất họ rất yếu đuối. Nếu
không có phụ nữ, cán cân cuộc sống sẽ bị thay đổi và không có gì gọi là cao
thượng và thấp kém, chiến thắng và thất bại. Sự khiêm tốn của phụ nữ tỉ lệ
thuận với niềm tự hào và sức mạnh mà đàn ông đạt được. Virginia Woolf quan niệm
rằng đàn ông sống bằng ảo tưởng đó.
Căn phòng riêng và những giá trị để lại
Đọc Căn phòng riêng, sẽ có
nhiều quan điểm, ý kiến, nhận xét bạn không hoàn toàn đồng tình với tác giả,
chẳng hạn: thiên tài như Shakespeare không thể sinh ra trong một gia
đình tôi đòi, thất học, lao động chân tay; hoặc phụ nữ viết văn
phải có tiền và một căn phòng riêng…, chúng ta cũng có thể thấy được cái
sôi nổi đầy cảm tính của Virginia Woolf, nhưng Virginia Woolf không hề khoan
nhượng hoặc chấp nhận ép mình để đi đến một ý định hòa giải, vo tròn nào. Qua
đó chúng ta thấy được ở Virginia Woolf một cá tính mạnh, có phần cực đoan,
nhưng bà chân thành với niềm tin của mình, xem nó như một thứ đức tin tôn giáo.
Căn phòng riêng, bởi tính chất
đặt vấn đề quan trọng, và với cái nhìn thấu đáo, tiến bộ, đi trước thời đại của
nó, đã được xem là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ
quyền luận trong văn học. Hơn nữa, nó được xem là một trong những cuốn sách
khơi nguồn cho phòng trào nữ quyền, vốn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có
sức lan tỏa rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hóa, khúc ngoặt nữ quyền
(feminist turn). Được manh nha từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại Anh và Mỹ,
nữ quyền luận dấy lên thành trào lưu gây được ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ bắt
đầu từ thập niên 60 thế kỷ XIX. Nó đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của phụ
nữ, đòi hỏi mở ra một không gian xã hội rộng lớn hơn để người phụ nữ được can
dự, định nghĩa lại về người phụ nữ, giải cấu trúc những biểu tượng định kiến về
phụ nữ vốn thống trị nhận thức xã hội… Có thể thấy những chủ đề quan trọng đó
của nữ quyền luận đều đã được Virginia Woolf gợi mở trong cuốn sách này. Căn
phòng riêng là lời kêu gọi giải phóng nữ giới khỏi những phận vị được định sẵn,
cởi thoát phụ nữ khỏi những định kiến giới, tạo cơ hội cho họ tham gia vào
những hoạt động đời sống như nam giới, sáng tạo nên giá trị văn hóa cho nhân
loại. Và quan trọng hơn hết, nhắc nhở và cổ vũ phụ nữ phải biết tìm kiếm sự tự
do: tự do tài chính, tự do học thuật, và tự do tư tưởng.
Ngày nay, việc phụ nữ sáng tác văn học đã không còn xa lạ. Những thành tựu văn chương mà phụ nữ tạo ra ngày một nhiều và to lớn hơn. Song hiện thực sáng tác của nữ giới vẫn chưa thể đạt đến sự tự do cao nhất khi những nhà văn nữ vẫn còn quanh quẩn với câu chuyện của giới mình. Nghĩa là, một “căn phòng riêng” đã dần được dựng xây lên, nhưng nó vẫn đang trong quá trình và chưa được hoàn thiện.
0 comments:
Post a Comment