(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thế hệ im lặng là gì? Đặc điểm của Silent Generation


Thế hệ im lặng (Silent Generation) cũng như các thế hệ khác trong lịch sử, được phân chia và đặt tên dựa trên những đặc điểm chung nhất mà họ có, đó cũng là một nhu cầu cần thiết cho các nghiên cứu của xã hội học. Từ đó, chúng ta có thể biết được những nét cơ bản của một thế hệ, họ kế thừa những gì từ thế hệ trước và để lại những di sản gì cho thế hệ sau.

Thế hệ im lặng là thế hệ có nhiều đau thương

Silent Generation- thế hệ im lặng là gì?

Như với tất cả các thế hệ khác, năm sinh của những người thuộc thế hệ im lặng không phải là con số thống nhất, nó tùy thuộc vào từng định nghĩa, nghiên cứu hay đánh giá. Tuy nhiên, hầu hết đều đồng ý rằng, Silent Generation là thế hệ những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1928 đến 1945, là lúc bắt đầu của cuộc Đại khủng hoảng và khi kết thúc chiến tranh thế giới lần 2. Thế hệ im lặng được gọi là Silent Generation, hay còn được gọi bởi những tên khác là Traditionalist Generation (Thế hệ tôn trọng truyền thống) hoặc “Radio Babies”.

Thuật ngữ “Silent Generation” xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1951 trên thời báo Time. Trong bài báo đó, Time đã nhận xét rằng đặc điểm đáng chú ý nhất của thế hệ này là “sự im lặng”. Trong bài báo có đoạn viết: “By comparison with the Flaming Youth of their fathers & mothers, today’s younger generation is a still, small flame”, tạm dịch là: “so với tuổi trẻ rực lửa của cha mẹ mình, thế hệ trẻ ngày nay chỉ như một ngọn lửa tĩnh lặng”.

Tên gọi “Silent Generation” ban đầu dành cho người Mỹ. Tuy nhiên, những hậu quả của Đại suy thoái, sự nổi dậy của chủ nghĩa Phát xít, chiến tranh thế giới lần 2, và những phong trào khác trong thời kỳ đó có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống trên phạm vi rộng lớn. Sự ảnh hưởng sâu rộng đó tạo nên một thế hệ có những nét tương đồng nhau, Silent Generation trở nên phổ biến và được dùng chung để gọi tên cho thế hệ im lặng ở khắp nơi.

Trong hoàn cảnh lịch sử đó, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên gặp rất nhiều khó khăn, họ phải đương đầu với thất nghiệp, với nạn đói, với sự sinh tồn, họ phải chiến đấu hoặc sinh ra trong chiến tranh... Điều đó đã tạo nên những suy nghĩ, và hành động đặc trưng của họ, tạo nên “sự im lặng” trong tính cách, ứng xử và lối sống của thế hệ này.

Thế hệ im lặng xuất hiện sau thế hệ vĩ đại nhất (Greatest Generation) và trước thế hệ Baby Boomrs. Cùng với thế hệ vĩ đại nhất, thế hệ im lặng đã sinh ra thế hệ Baby Boomers. Quy mô của thế hệ im lặng cũng nhỏ hơn so với các thế hệ khác do tỷ lệ sinh thấp, chết nhiều do sự khó khăn của đời sống, thiếu ăn, bệnh tật và chiến tranh.

Những sự kiện lịch sử ảnh hưởng đến thế hệ im lặng

Cuộc đại khủng hoảng 1929-1933

Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào “ngày thứ năm đen tối” năm 1929, cuộc Đại khủng hoảng đã bắt đầu tại Mỹ, gây ra một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng triệu người giàu có đột nhiên lâm vào cảnh túng quẫn, sản xuất bị đình trệ, tiêu dùng giảm mạnh. Cuộc khủng hoảng đã khiến 15 triệu người Mỹ mất việc làm, khoảng một nửa số ngân hàng đã sụp đổ. Những người còn việc làm bị cắt giảm lương mạnh. Thêm vào đó, thiên tai khắc nghiệt đã làm cho cuộc sống của người dân gặp vô cùng khó khăn, họ phải đứng trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết.

Hệ quả của cuộc đại khủng hoảng tác động sâu rộng đến hầu hết mọi nơi trên thế giới. Tạo ra một thế hệ im lặng, dạy họ ý nghĩa của sự sợ hãi, nhu cầu, sự tiết kiệm và khả năng sinh tồn, vượt qua cái đói, cái nghèo.

Chiến tranh thế giới lần 2

Cuộc Đại khủng hoảng vừa qua, những di chấn nặng nề của nó vẫn còn bao phủ lên đời sống thì một trong những cuộc chiến tranh tàn bạo nhất của xã hội loài người xảy ra. Chiến tranh Thế giới lần 2 xảy ra từ năm 1939 đến 1945, đi cùng với nó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát xít, sự xuất hiện của vũ khí hiện đại và vũ khí nguyên tử mang tính hủy diệt. Nhân loại nói chung và thế hệ im lặng nói riêng đối mặt với sự sống còn, đối mặt với sự mất mát của những người thân yêu, nỗi sợ hãi, tình trạng thiếu lương thực, tổn thất trong việc sản xuất ra của cải vật chất, sự thay đổi vai trò khi nam giới phải ra chiến trường còn phụ nữ phải đảm đương toàn bộ công việc hậu phương.

Chủ nghĩa McCarthy và Chiến tranh Lạnh

Năm 1950, Thượng nghĩ sĩ Joseph McCarthy đã lợi dụng phong trào chống Cộng sản để đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại các đối thủ chính trị và đặt câu hỏi về lòng trung thành của họ đối với nước Mỹ. Từ đó làm dấy lên chủ nghĩa McCarthy (McCarthysm) gieo rắc nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ lên cả những người bình thường nằm ngoài cuộc chơi chính trị. Một lần nữa, điều này lại khắc ghi vào thế hệ im lặng, và ảnh hưởng lên suy nghĩ, hành động của họ.

Thêm vào đó, Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1947, sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, với đại diện là Mỹ và Liên Xô đã gây ra cuộc chạy đua lôi kéo đồng minh và chạy đua vũ khí giữa các nước hai khối. Tình hình căng thẳng như mành treo trước gió, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Con người luôn sống trong cảnh lo ấp, phất phỏm.

Phong trào dân quyền

Mặc dù được gọi là thế hệ im lặng nhưng nhiều người trong số họ đã hoạt động rất tích cực trong những phong trào xã hội, phong trào dân quyền, ủng hộ bình đẳng xã hội và kêu gọi những sự thay đổi tích cực. Martin Luther King, sinh năm 1929, là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất lúc bấy giờ. Ngoài ra, Little Rock Nine, một nhóm gồm 9 học sinh người Mỹ gốc Phi sinh từ năm 1940 đến 1942, theo học tại Little Rock Central High School, đã đi đầu trong việc xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc trong trường học. Ảnh hưởng và nguồn cảm hứng của họ đã tác động đến suy nghĩ và hành động của thế hệ im lặng toàn thế giới.

Đó là những sự kiện lịch sử lớn tác động đến thế hệ im lặng trên bình diện toàn thế giới, không riêng gì nước Mỹ. Silent Generation của Mỹ còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự kiện Chiến tranh Triều Tiên, nó được gọi là “Cuộc chiến bị lãng quên” và những người lính đó đều thuộc thế hệ im lặng.

Đặc điểm của thế hệ im lặng

Tham vọng và tiết kiệm

Vì những khó khăn mà họ phải chịu đựng, thế hệ im lặng trở nên đầy tham vọng, họ tìm kiếm sự an toàn và có khát khao làm giàu. Cái đói và sự thiếu thốn trước đây đã khiến họ phải làm việc cật lực để nuôi sống bản thân, gia đình. Họ muốn đảm bảo mình không bao giờ phải chịu cảnh thiếu thốn nữa, và thấu hiểu rằng những đau khổ, mất mát, những sự kiện điên rồ nhất có thể xảy ra bất cứ khi nào. Họ hiểu điều đó và nỗ lực lao động, kiếm tiền và tiết kiệm.

Đề cao truyền thống, tôn kính thế hệ cha ông

Khác với thế hệ cha ông mình là thế hệ vĩ đại nhất, thế hệ im lặng ít khi nói về việc thay đổi hệ thống. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến tính ổn định của hệ thống, và nỗ lực hết sức trong khuôn khổ đó.

Họ tôn kính thế hệ cha ông mình, đề cao những giá trị mà thế hệ trước đã gây dựng. Họ có thế gắn bố với một công việc hoặc một tổ chức rất lâu, thậm chí có thể cống hiến cả đời.

Yêu nước và trung thành

Không chỉ đối với nghề nghiệp, thế hệ im lặng còn trung thành với những lý tưởng của tổ chức, lý tưởng tôn giáo, các mối quan hệ và gia đình. Họ đề cao tính ổn định, họ kiên định và đáng tin cậy.

Trải qua chiến tranh, nghèo đói, và những bất ổn chính trị xã hội, thế hệ im lặng học được cách tuân thủ. Họ đã làm những gì cần làm trong cuộc sống hàng ngày, đề cao lòng yêu nước. Sự tuân thủ, sự trung thành của họ xuất phát từ nhu cầu hòa bình, an ninh và ổn định của họ.

Đơn giản nhưng mạnh mẽ

Trải qua liên tiếp những biến cố của lịch sử, thế hệ im lặng đã học được sự đơn giản, cùng với đó là rèn luyện cho mình sự bản lĩnh, mạnh mẽ và một ý chí sắt đá.

Ý nghĩa

Thế hệ im lặng đóng vai trò quan trọng đối với lịch sử vì những đóng góp của họ trong thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng. Họ chịu ảnh hưởng lớn từ thế hệ vĩ đại nhất, thế hệ cha ông này đã ảnh hưởng rất mạnh đến Silent Generation ở các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, và thời trang. Những quan niệm của họ về thái độ làm việc, tinh thần công dân, tính khiêm nhường, tiết kiệm có tác dụng là cơ sở nền tảng cho các thế hệ sau noi theo và học tập. Về mặt kinh tế, họ được coi là một thế hệ thịnh vượng, nhờ tham vọng và sự chăm chỉ, đặc biệt là tinh thần bứt phá làm giàu sau giai đoạn khó khăn.

Trải qua khó khăn, thế hệ im lặng là thế hệ đối mặt với tình trạng mà say này chúng ta gọi là  “khủng hoảng tuổi trung niên” và họ cũng là thế hệ đánh dấu sự gia tăng của tỷ lệ ly hôn.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment