Trong lịch sử,
có rất nhiều tên tuổi khổng lồ đã được ghi danh và có một vị trí trong ngôi đền
thiêng của nhân loại. Nhưng số người đạt đến đỉnh cao ngoạn mục của thiên tài
và sáng tạo như Ludwig van Beethoven thì không nhiều.
Ludwig van Beethoven |
Đến năm 1812, ở tuổi 41, Beethoven đã hoàn thành những tham vọng thời kỳ đầu của mình. Ông đã gánh vác trọng trách lịch sử một cách trọn vẹn nhất có thể, kế tục Haydn và Mozart, trở thành tác giả khí nhạc được ca ngợi nhất ở châu Âu, và trong vòng hai mươi năm đã biến đổi ngôn ngữ âm nhạc thời đại mình.
Năm 1812 nổi lên
như một giai đoạn khó khăn khác, có lẽ là rắc rối nhất sau cuộc khủng hoảng năm
1802. Cũng trong năm 1812 này, Beethoven đã viết hai bức thư nổi tiếng trong một
thời gian ngắn; cùng với chúc thư Heiligenstadt xuất hiện năm 1815, bức thứ
riêng tiết lộ trước những tổn thương tâm lý do bệnh điếc và quyết tâm kiên trì
vượt qua của ông. Đó là 3 bức thư rất nổi tiếng của Beethoven để lại cho hậu thế
và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Vào ngày 06/07/1812,
trong khi đang ở khu suối nước khoáng Teplitz thuộc Bohemia, ông đã viết một lá
thư bi thương gửi một phụ nữ vô danh mà lịch sử đặt tên là “Immortal Beloved”
(Người yêu bất tử). Sau đó, vào ngày 17/07/1812, ông đã viết một bức thư khác gửi
“Emilie M. tại H.” (H có thể là Hamburg). Cô bé Emilie M. là một đứa trẻ 8 tuổi
chơi đàn piano, đã thêu một cuốn sổ bỏ túi rồi gửi tặng Beethoven làm quà cùng
đôi dòng tỏ lòng ngưỡng mộ. Dù không quen biết, Beethoven đã hồi âm như sau:
Emilie thân mến,
người bạn yêu quý của ta!
Ta đã chậm trễ
trả lời thư của cháu. Một đồng công việc và bệnh tật triền miên có thể biện
minh cho ta. Việc ta đang ở đây để phục hồi sức khỏe đã chứng minh cho lý do của
ta. Đừng tước đoạt vòng quyệt quế của Handel, Haydn và Mozart. Họ có quyền đội
vòng quyệt quế của mình, còn ta thì chưa có cái quyền ấy.
Cuốn sổ nhỏ cháu
gửi tặng sẽ được trân quý cùng các vật lưu niệm mà nhiều người khác đã bày tỏ
lòng quý trọng với ta, nhưng ta còn rất xa mới xứng đáng với chúng.
Hãy kiên trì,
không chỉ rèn luyện nghệ thuật của mình mà còn phải gắng sức tìm hiểu ý nghĩa
bên trong của nó; nghệ thuật xứng đáng với nỗ lực này. Bởi chỉ có nghệ thuật và
khoa học mới có thể nâng con người lên ngang tầm với các vị thần. Emilie thân mến,
nếu có khi nào cháu ao ước điều gì thì đừng ngần ngại viết thư cho ta. Nghệ sĩ
đích thực thì không ngạo mạn. Thật không may, anh ta thấy rằng nghệ thuật không
có giới hạn. Anh ta có một nhận thức mơ hồ về mức độ đạt được mục tiêu của
mình, và trong khi những người khác có thể ngưỡng mộ anh ta thì anh ta than vãn
rằng mình chưa đạt tới điểm mà thiên tài giỏi hơn đã soi đường cho anh ta như một
mặt trời xa. Có lẽ ta nên đến thăm cháu cùng gia đình hơn là đến thăm nhiều người
giàu có đã tự để lộ sự nghèo nàn bên trong họ. Nếu có khi nào ta đến H. ta sẽ
nghé thăm cháu và gia đình. Ta không biết có gì hơn được niềm vui sướng được liệt
vào danh sách những người bạn tốt hơn trong số bạn bè của ai đó. Nơi nào ta tìm
thấy điều đó thì đó là nhà của ta.
Nếu cháu muốn viết
thư cho ta, Emilie thân, hãy cứ gửi thẳng đến Teplitz, ta sẽ ở đây thêm 4 tuần
nữa. Hoặc hãy gửi nó đến Vienna. Như thế nào cũng được. Hãy xem ta là bạn cháu
và bạn của gia đình cháu.
Ludwig van
Beethoven
Không lá thư nào từ Beethoven gửi cho bất kỳ ai lại quảng đại, sâu sắc, khiêm nhường hơn lá thư này. Giọng điệu của ông là của một người thầy nhân từ mà cũng hết mức nồng nhiệt. Ông xin lỗi vì chậm hồi âm và viết về sức khỏe không tốt của mình, giờ đây là cho một đứa trẻ, như thể đang kêu gọi sự cảm thông cho tình trạng sức khỏe thể chất vẫn mãi bếp bênh (giống như trong nhiều bức thư khác, Beethoven hay nói đến vấn đề sức khỏe không tốt của mình, như một lời giải thích, cũng có thể như một sự ám ảnh về những vấn đề sức khỏe dai dẳng của mình). Trước sự tỏ lòng tôn kính của Emilie khi so sánh ông với Handel, Haydn, Mozart, Beethoven nhẹ nhàng đính chính và khiêm tốn đề xuất rằng ông vẫn chưa xứng đáng với sự ngưỡng mộ rộng rãi mà ông nhận được. Lối viết khiêm nhường này làm chúng ta nhớ đến một tuyên bố trước đó rất lâu, trong một lá thư năm 1797 gửi ca sĩ Christine Gerhardi, khi ấy ông nói rằng “thật kỳ lạ vì khi thấy và nghe mình được khen ngợi quá nhiều cũng là lúc tôi nhận ra sự tự ti của bản thân nhiều bấy nhiêu. Tôi đã coi những dịp như vậy là những lần tự khuyên mình, để phấn đấu hướng tới mục tiêu vô tận mà nghệ thuật và tự nhiên đã đặt ra cho chúng ta”. Nó cũng liên quan đến một đoạn trong lá thư gửi “Người yêu bất tử”, trong đó Beethoven đã viết rất xúc động về việc “được lòng hào hiệp của nhân loại đó đây theo đuổi”, về việc chưa xứng đáng, về cảm giác “khiêm nhường của con người trước con người”. Lá thứ gửi Emilie, và chúng ta phải nhớ rằng ông đang viết cho một đứa trẻ không quen biết, là những lời ông nói về việc ông dường như không chắc chắn về vị trí thực sự của mình trong ánh sáng lịch sử, là nhận thức của ông về tiềm năng phát triển, và một cảm giác bí ẩn về phẩm chất của bản thân trong tư cách một con người và tư cách một nghệ sĩ. Lá thư cũng là một ẩn dụ về nỗ lực nhìn sâu vào bản thân mình, và sự cố gắng né tránh mọi thứ cản trở tiến bộ nghệ thuật của ông. Khi viết lá thư đầy say đắm gửi “Người yêu bất tử”, ông dường như nhận ra cái giá mình đã phải trả và sẽ tiếp tục phải trả cho việc từ bỏ tình thân và tình yêu với phụ nữ khi ông dồn năng lượng cảm xúc của mình cho công việc và sự nghiệp. Bài giáo huấn nghệ thuật mà ông thuyết giản cho Emilie có phong cách rất ân cần, đầy thuyết phục bởi ông bảo cô bé rằng: đừng chỉ tập piano suông, hãy biết dấn thân tìm hiểu ý nghĩa bên trong của nghệ thuật, “vì chỉ có nghệ thuật và khoa học mới có thể nâng con người lên ngang tầm với các vị thần”. Chúng ta nghĩ về Prometheus, về Kant và các triết gia Khai sáng, về Letters on the Aesthetic Education of Man (Những lá thư bàn về giáo dục thẩm mỹ) của Schiller, và về Beethoven như một người mang tới niềm tin vào tiềm năng phát triển con người và vào sự khám phá ở phạm vi rộng nhất năng lực của con người.
Tám năm sau, vào
năm 1820, Beethoven đã chép lại một trích dẫn từ Kant, loan báo ý nghĩa cho
toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của mình: “bầu trời đầy sao trên đầu tôi và luật
luân lý ở trong tôi”. Câu nói nhiều hàm ý này tạo nên hình ảnh mà qua đó những
thế hệ sau này thấy được Beethoven là một nghệ sĩ cô đơn, chấp nhận số mệnh và
đương đầu với Thượng Đế, cả trong quan điểm cá nhân lẫn trong âm nhạc. Điều
đáng nói hơn là việc này nảy sinh từ lý tưởng luận của Kant đã thống trị tư tưởng
người Đức thời gian đó. Quan điểm của Kant về hiểu biết của con người chứa sự
phân biệt có tính quyết định giữa thực tại khách quan, tức thế giới hiện tượng (phenomena) mà chúng ta trải
nghiệm được, với thế giới vật tự thân
(noumena) bất khả tri- của những thứ “tự nó” tồn tại- là thứ nằm dưới bề nổi của
cõi phù du. Là những mẫu hình đạo đức, chúng ta bị chi phối bởi những thứ vĩnh
cửu là “những chủ thể hoạt động tự do một cách cách có đạo đức, độc lập với trật
tự nhân quả của tự nhiên”. Câu cách ngôn này của Kant mô tả mối liên hệ giữa bầu
trời và đạo đức con người, là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ ý nghĩa sự nghiệp
nghệ thuật của Beethoven. Theo đó người nghệ sĩ, kẻ bị ràng buộc ở trái đất, yếu
đuối và dễ bị tổn thương nhưng bị ám ảnh bởi mục tiêu đạo đức, luôn phấn đấu bằng
nghệ thuật để hướng tới một trật tự cao hơn của vạn vật, cái thế giới tưởng tượng
được mô phỏng như vương quốc của Chúa nhưng lại hữu hình như bầu trời đầy sao với
cả nhân loại.
Năm 1812, Beethoven đã đi đến kết thúc một giai đoạn dài và vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của mình, và sẵn sàng bắt đầu một chặng đường mới là sự kiện khá rõ ràng với chúng ta, hẳn cũng là điều rõ ràng với ông khi đó, bởi ông nói với Emilie rằng “nghệ thuật không có giới hạn. Anh ta (người nghệ sĩ) có một nhận thức mơ hồ về mức độ đạt được mục tiêu của mình”. Cảm giác của Beethoven về sự mâu thuẫn giữa các giá trị nghệ thuật với giá trị tầm thường xuất hiện khi ông so sánh cô bé và gia đình cô bé, rõ ràng là những người thuộc tầng lớp trung lưu, với những tầng lớp thượng lưu “tự để lộ sự nghèo nàn bên trong họ”. Lá thư ông gửi từ Teplitz, một khu suối khoáng mà hoàng gia và giới quý tộc thường lui tới, ông thấy bao quanh mình là những quý tộc giàu có với hành vi xã hội thường ngày đã hé lộ lối sống không mục đích của họ. Đó chính là thời điểm và địa điểm được tương truyền rằng Goethe đã khom mình cúi đầu khi một cỗ xe ngựa hoàng gia đi qua, trong khi Beethoven quay lưng hung hăng sải bước. Chúng ta cũng nhớ lại những gì được cho là do Beethoven viết vào năm 1806 gửi Hoàng thân Karl Lichnowsky, một trong những nhà bảo trợ và người ủng hộ đáng tin cậy nhất của ông: “Thưa Hoàng thân, ngài ở địa vị của ngài nhờ dòng dõi; tôi ở địa vị của tôi nhờ chính bản thân tôi. Đã và sẽ có hàng nghìn hoàng thân, nhưng chỉ có duy nhất Beethoven tôi mà thôi”.
0 comments:
Post a Comment