Cuộc đời và sự nghiệp của Beethoven

Ludwig van Beethoven là một thiên tài âm nhạc vĩ đại của lịch sử nhân loại. Sự sáng tạo, tài năng và di sản mà ông để lại cho hậu thế vô cùng quan trọng và to lớn. Nhưng đi cùng với nó, cuộc đời Beethoven cũng có nhiều bất hạnh và con người phàm trần của ông vẫn là chủ đề để chúng ta tìm hiểu, phân tích và tìm ra những bài học.

Ludwig van Beethoven

Ngày sinh và gia đình của Beethoven

Chưa có bằng chứng về ngày sinh chính xác của Ludwig van Beethoven, nhưng có lẽ ông sinh ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại Bonn, Đức. Hậu thế chỉ có thể suy đoán về ngày sinh dựa trên ngày lễ rửa tội của ông, diễn ra vào ngày 17 tại giáo xứ St.Regius. Thời kỳ đó vùng Rhine theo đạo Công giáo, trẻ em được rửa tội vào ngày hôm sau sau khi sinh, nên ngày này là thời điểm tốt nhất khi nói về ngày sinh của Beethoven.

Mẹ của ông là Maria Magdalena Keverich, con gái của một đầu bếp tại triều đình Trier. Cha của ông là Johann van Beethoven, con trai của Ludwig van Beethoven (hai ông cháu cùng tên). Ông nội của Beethoven đến từ thành phố Mechelen, thuộc tỉnh Antwerpen, Flanders, Bỉ. Ông đến Bonn khi 21 tuổi, làm việc với tư cách là ca sĩ bass tại triều đình của Tuyển hầu Cologne, sau đó được thăng chức lên Kapellmeister (giám đốc âm nhạc).

Ông nội của Beethoven là một nhạc sĩ tài năng và rất được kính trọng ở Bonn. Tuy nhiên, con trai ông, Johann – bố của Beethoven, lại thừa hưởng rất ít tài năng và cả cuộc đời chỉ là một người tầm thường trong gia đình, xã hội cũng như trong đời sống âm nhạc ở Bonn. Beethoven đã suốt đời giữ trong phòng mình một bức chân dung của ông nội như một lời nhắc về nguồn gốc và di sản âm nhạc của ông.

Maria và Johann có bảy người con, trong đó chỉ có ba người sống qua thời thơ ấu. Đó là Ludwig van Beethoven, hai người em trai là Kaspar Anton Karl và Nikolaus Johann, Ludwig là người con thứ hai của gia đình. Hai người em của Beethoven có đời sống hôn nhân đầy sóng gió, điều này khiến Maria luôn trong trạng thái buồn bã và cay đắng. Người cha Johann qua nhiều năm đã trở thành một người nghiện rượu, một người cha vũ phu, một người chồng tồi, một người không có giá trị. Điều này đã khiến Beethoven căm ghét cha mình suốt quãng đời còn lại.

Thời thơ ấu

Ludwig van Beethoven có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc. Gia đình và ngôi nhà cậu ở là một nơi đầy buồn đau và khắc nghiệt. Người cha Johann là một ca sĩ cung đình hết sức mờ nhạt, đã bắt đầu giáo dục âm nhạc cho cậu bé Beethoven từ nhỏ, những buổi học khắc nghiệt và tàn bạo. Cậu phải đứng trên một chiếc ghế đẩu để với tới phím đàn, cha cậu đứng cạnh thẳng tay đánh đòn mỗi khi cậu mắc lỗi. Johann thường xuyên về nhà vào đêm khuya khi đã say xỉn, thường đánh thức Ludwig và bắt cậu luyện đàn. Thầy giáo của những buổi học muộn đó thường do một người tên là Tobias Pfeiffer dạy, ông là một nghệ sĩ piano và là bạn của gia đình, người được cho là bị chứng mất ngủ. Beethoven cũng học chơi đàn organ, violin và viola. Bất chấp những đòn roi và đau khổ trong suốt các lớp học, cậu đã bộc lộ tài năng âm nhạc phi thường ngay từ khi còn nhỏ.

Mỗi khi hứng chịu đòn roi của cha và những bất hạnh từ gia đình, cậu thường trốn đến nhà người bạn von Breuning chơi. Helene, mẹ của von Breuning, là người đầu tiên nhận ra thỉnh thoảng Ludwing lên những cơn động kinh. Những lúc như thế, ngay cả khi đang nói chuyện với người khác, cậu bé Ludwing vẫn không thể tập trung, trí óc cậu hướng đến một điều gì đó. Beethoven nói rằng, vào những lần như thế, cậu đã nghe thấy tiếng nhạc trong đầu mình.

Khi số tiền của người ông nội để lại dần vơi đi, Johann bắt đầu giới thiệu Ludwig con mình như một thần đồng âm nhạc, với mong muốn kiếm được nhiều tiền giống cách Leopold Mozart, cha của Wolfgang Mozart đã làm. Ngày 26/03/1778 là buổi hòa nhạc công khai đầu tiên của Beethoven, cha cậu đã nói dối rằng cậu chỉ mới sáu tuổi - giống như Mozart đã từng làm khi ra mắt Maria Theresia.

Beethoven gặp khó khăn trong việc học ở trường, cậu rất vất vả để có thể theo kịp khối lượng học tập ở lớp. Việc hiểu và thực hiện phép nhân, phép chia nằm ngoài khả năng của cậu, đây vẫn là vấn đề ngay cả khi Beethoven đã trưởng thành. Với thực tế này và những khó khăn tài chính của gia đình, năm 10 tuổi Beethoven chính thức nghỉ học.

Sau giờ học, người thầy quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất đối với Beethoven trong giai đoạn này là Christian Gottlob Neefe. Người đàn ông này là nghệ sĩ đàn organ của triều đình, đã dạy Beethoven chơi đàn phím, sáng tác và hơn nữa còn giúp Beethoven có được việc làm với tư cách nghệ sĩ đàn organ phụ tá của công, ban đầu công việc này không lương nhưng sau đó Beethoven đã được trả lương. Đặc biệt quan trọng là Neefe đã trao đổi với Beethoven những ý tưởng của Khai sáng, các giá trị của Cách mạng Pháp và các triết lý của những nhà tư tưởng hiện đại lúc bấy giờ. Beethoven không chỉ thích những cuộc thảo luận này mà chúng còn giúp hình thành những giá trị quan trọng nhất trong cuộc đời trưởng thành của mình. Neefe và nhiều người khác xung quanh thiếu niên Beethoven là thành viên của hội Bonn, họ đã đóng góp những viên gạch để dần hình thành một thiên tài trong tương lai. Mặc dù Beethoven quen thuộc với những lời dạy từ họ, ông chưa bao giờ tham gia vào hội Bonn.

Tác phẩm đầu tiên Beethoven viết năm 11 tuổi tên là Nine Variations on a march (WoO 63). Tác phẩm được xuất bản vào năm 1782 (hoặc muộn nhất là đầu năm 1783) bởi Johann Michael Götz, tại Mannheim.

Tuổi thơ kết thúc

Lúc này, Maximillian Francis, là con trai út của Hoàng hậu Maria Theresia, mới được bổ nhiệm làm Tuyển hầu của Bonn. Cũng giống như anh trai Joseph ở Vienna, ông đã thực hiện những thay đổi và cải cách quan trọng ở Bonn. Trong số đó ông dành nhiều sự quan tâm và ngân sách lớn hơn để hỗ trợ nghệ thuật. Tuyển hầu mới nhanh chóng nhận ra tài năng của Beethoven và ủng hộ việc gửi cậu đến Vienna để học tập, lúc đó là trung tâm âm nhạc của châu Âu.

Chuyến đi đầu tiên của Beethoven đến Vienna diễn ra vào năm 1787, trong một thời gian tương đối ngắn. Không thể biết chắc chắn điều gì đã xảy ra trong vài tuần này, Beethoven đã gặp ai và liệu có học được bài học nào từ Mozart hay không. Có một giả thuyết chưa có bằng chứng rằng Beethoven đã gặp được Mozart, và Mozart đã nói khi nghe Beethoven chơi đàn rằng: "Hãy để ý đến người này, một ngày nào đó cả thế giới sẽ nói đến cậu ta". Ở chiều ngược lại, Beethoven không mấy ấn tượng với cách chơi đàn phím của Mozart, nhưng tất cả đó chỉ là những huyền thoại chưa có cơ sở tin cậy.

Beethoven căm ghét cha mình suốt cuộc đời nhưng ông yêu thương người mẹ. Khi nhận được tin bà bị bệnh và đang trong cơn nguy kịch, ông đã ngay lập tức trở về Bonn làm gián đoạn chuyến đi. Bà qua đời vì bệnh lao ngay sau đó, ở tuổi 40.

Cha ông không phải là người có tính cách mạnh mẽ, đã nghiện rượu trong nhiều năm và trở nên trầm trọng hơn sau cái chết của người vợ. Điều này khiến Beethoven, lúc đó còn rất trẻ, phải đảm đương trách nhiệm trụ cột của gia đình, đặc biệt là chăm sóc các em trai. Ông đã dành 5 năm tiếp theo ở Bonn để hoàn nghĩa vụ này một cách rất trưởng thành.

Trong thời gian này, ông ngày càng giành được sự tôn trọng trong đời sống âm nhạc ở Bonn. Ông cũng dành nhiều thời gian hơn ở nhà Breuning, để trốn tránh cha mình và dạy piano cho các cô gái nhà Breuning. Thời gian này ông cũng tìm hiểu về văn học Đức và văn học cổ điển; gặp những người tài trợ, ủng hộ có ảnh hưởng, trong số đó đáng chú ý nhất là Bá tước Ferdinand von Waldstein – một người bạn lâu năm.

Năm 1789, ông đã yêu cầu lên hội đồng nơi ông sống được nhận trực tiếp một nửa số tiền lương của cha mình để có thể nuôi sống gia đình. Vì cha ông là nỗi ô nhục không chỉ đối với tên tuổi Beethoven mà còn đối với toàn bộ Triều đình Bonn, Tuyển hầu tước đã chấp nhận yêu cầu này. Thêm vào đó, ngài cũng sẵn sàng đày Johann đến một ngôi làng (không có bằng chứng khẳng định chắc chắn rằng liệu cuộc đày ải này có thực sự diễn ra hay không). Trong một giai thoại khác, cha ông đã cầu xin Beethoven và đồng ý tự mình đưa một nửa tiền lương. Ludwig chấp nhận và cha ông đã giữ lời hứa. Johann van Beethoven qua đời vào năm 1792, khiến doanh thu từ thuế rượu giảm mạnh - như sau này Tuyển hầu tước đã nói đùa về điều đó một cách đầy mỉa mai.

Tinh thần của Mozart từ bàn tay của Haydn

Trong hai năm tiếp theo (1790 - 1792), Beethoven đã sáng tác những tác phẩm lớn đầu tiên của mình. Những tác phẩm này không được xuất bản vào thời điểm đó và ngày nay những người yêu âm nhạc có thể tìm thấy chúng theo số WoO (các tác phẩm không có số opus). Tác phẩm đầu tiên được đặt hàng của ông ra đời vào năm 1790, khi Joseph II qua đời và ông - với sự giới thiệu của Neefe - được đặt hàng soạn một bản cantata để tưởng nhớ hoàng đế. Ngay sau đó, bản nhạc được đặt hàng tiếp theo đã ra đời cho lễ đăng quang của hoàng đế mới, Leopold II. Những bản cantata này được đánh số là WoO87 và WoO88, tức là các Cantata của Hoàng đế. Thật không may, những bản nhạc này không được biểu diễn và cho đến những năm 1880 công chúng mới biết đến các tác phẩm này.

Khi Haydn mới được giải thoát khỏi chủ nhân của mình là hoàng thân Esterházys, ông rất muốn đến thăm London, tạo dựng danh tiếng và kiếm được nhiều tiền. Trên đường đến Anh, ông dừng lại ở Bonn và đã gặp Beethoven. Khi trở về, Haydn vẫn dừng lại ở Bonn và trong lần thứ hai này, Tuyển hầu tước cùng Bá tước Waldstein đã sắp xếp cho Beethoven đến Vienna một lần nữa để học nhạc của ông. Papa Haydn, như học trò của ông gọi, được biết đến là người có trái tim ấm áp và nhân hậu, đã đồng ý nhận trách nhiệm này. Có lẽ ông sẽ từ chối… nếu biết sau này, hóa ra Beethoven lại là một học trò vô ơn và thiếu kiên nhẫn.

Vào năm 1792, đã đến lúc phải nói lời tạm biệt và bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời. Trong cuốn sổ tình bạn của Beethoven, có rất nhiều dòng chữ được viết ra ở đó, nhưng nổi tiếng nhất là những dòng chữ do Bá tước Waldstein viết: “Beethoven thân mến! Bạn sẽ thực hiện được mong muốn bấy lâu nay: thiên tài Mozart vẫn đang đau buồn và than khóc cho cái chết của học trò mình (…). Bằng sự cầu nguyện không ngừng, hãy tiếp nhận tinh thần của Mozart từ bàn tay của Haydn”.

Những năm đầu ở Vienna

Trong thời kỳ trị vì của Maximillian Francis, Bonn đã vươn mình mạnh mẽ từ một thị trấn tỉnh lẻ thành một thủ đô thịnh vượng và là một trung tâm văn hóa. Thành phố chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng Pháp theo mọi cách, bao gồm cả âm nhạc. Trường phái Mannheim và cách tiếp cận của họ đối với dàn nhạc và âm nhạc nói chung định hình đời sống âm nhạc ở Bonn. Cả hai đều có sức mạnh quyết định đối với Beethoven trong suốt quãng đời còn lại. Ludwig van Beethoven được coi là đại diện cuối cùng và xuất sắc nhất của Trường phái Mannheim - mặc dù từ những năm đầu đời của ông, tầm quan trọng và ảnh hưởng của trường phái này ở châu Âu đã suy yếu.

Với nền tảng này cùng niềm tin mạnh mẽ vào tiếng gọi và tài năng của mình, Beethoven đến Vienna, khi này là thủ đô âm nhạc của châu Âu, không phải để trở thành một người phụ tá, một nghệ sĩ violin thứ hai, một người về nhì, mà để nâng tên tuổi mình trở nên vĩ đại, vượt qua cả những tên tuổi lớn nhất thời bấy giờ là: Haydn và Mozart!

Năm 22 tuổi, Beethoven đến Vienna với một lá thư giới thiệu từ Bá tước Waldstein, lá thư nghiêm túc và mang đầy sức nặng. Ông tìm một căn phòng để thuê, mua một bộ quần áo mới và một cây đàn piano dành cho người mới bắt đầu. Ông được Tuyển hầu tước Bonn hỗ trợ tài chính với điều kiện học nhạc từ Haydn và một ngày nào đó sẽ trở về để phục vụ Triều đình.

Đây là thời điểm tốt nhất trong lịch sử để một nhạc sĩ đến Vienna! Thành phố này có rất nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp và cả nghiệp dư, âm nhạc trở thành một phần của đời sống và dân chúng thì khao khát nó. Âm nhạc khi đó là một mặt hàng mang tính khan khiếm. Nếu một người muốn nghe nhạc, họ phải tham dự một buổi hòa nhạc trực tiếp hoặc mua bản nhạc và tự mình chơi.

Trong đời sống âm nhạc sôi động này, Beethoven đã nhanh chóng bén rễ. Là một nghệ sĩ piano điêu luyện, thậm chí còn vượt trội hơn cả Mozart về khả năng ứng biến và kỹ thuật, ông là một vị khách được tôn vinh trong giới quý tộc Vienna. Vào thời đại này, khi cảm xúc đã trở nên quan trọng hơn trong nghệ thuật, Beethoven có thể khiến khán giả khóc bất cứ khi nào ông muốn. Beethoven còn tham gia các cuộc thi piano, nơi các chủ đề ngẫu nhiên được nêu ra và người chơi phải ứng biến thành một bản nhạc dài. Không ai có thể vượt qua Beethoven!

Được làm học trò của Haydn là một vinh dự lớn. Joseph Haydn là một thiên tài âm nhạc nổi tiếng khắp châu Âu, các tờ báo Anh đương thời đã công khai đề xuất một kế hoạch bắt cóc Haydn khỏi Hoàng thân Esterházy và đưa ông đến London – trao cho ông sự tự do mà ông xứng đáng được hưởng. Tất nhiên, ông không phải là tù nhân mà là một người trung thành với Hoàng tử Nikolaus Esterházy, Haydn  đã phục vụ Hoàng thân trong gần 30 năm.

Beethoven không ấn tượng nhiều với Haydn, tuổi trẻ và sự kiêu ngạo của ông - một cách không công bằng – đã nói rằng "không học được gì từ Haydn". Ông bắt đầu được dạy bởi Johann Georg Albrechtsberger - người chơi đàn organ tại Nhà thờ St.Stephen; và cả Antonio Salieri – Kappellmeister (giám đốc âm nhạc) của hoàng gia. Khi Pháp chiếm đóng Bonn và Tuyển hầu tước bỏ trốn, Hayden quyết định quay lại London vào năm 1795, sự ràng buộc mang tính nghĩa vụ của Beethoven với Hayden đột nhiên kết thúc. Beethoven cũng không còn nghĩa vụ với Hoàng thân và không bao giờ trở về Bonn nữa, đây là lần đầu tiên trong đời ông dành được sự tự do.

Buổi hòa nhạc lớn đầu tiên của ông diễn ra vào năm 1795, ông đã chơi bản concerto cho piano số 2 (opus 19). Sau đó, ông xuất bản Piano trios No. 3, là tác phẩm đầu tiên của ông có opus số 1 (dành tặng cho Hoàng tử Lichnowsky). Đây cũng là thành công tài chính đáng chú ý đầu tiên của ông, giúp ông trang trải cuộc sống trong thời gian khoảng một năm. Trong ba năm tiếp theo, ông đi lưu diễn hòa nhạc ở một số nơi và chuẩn bị cho một chương mới của cuộc đời.

Giai đoạn thứ hai – âm nhạc mãi mãi thay đổi

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn giữa trong cuộc đời Beethoven bắt đầu năm 1802, là năm ra đời của Chúc thư Heilgenstadt. Trong bức thư này, ông đã thể hiện sự tuyệt vọng và nỗi buồn mà ông phải đối mặt hàng ngày, đặc biệt là do bệnh điếc đang ngày càng trầm trọng hơn, thậm chí ông còn nghĩ đến việc chấm dứt cuộc đời của mình. Kết thúc bức thư, ông cam kết sẽ sống tiếp một cách mạnh mẽ để cống hiến tài năng âm nhạc cho nhân loại.

Bằng hành động này, ông trở thành đấng Messiah của âm nhạc, cống hiến toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ nhân loại. Tiếng gọi cao cả này và những năng lượng được thôi thúc làm cho thập kỷ tiếp theo trở nên ngoạn mục về mặt năng suất và cả chất lượng. Dưới áp lực thời gian, ông phải chạy đua với căn bệnh điếc đang đến gần – ông đã giải phóng mình khỏi ranh giới của phong cách âm nhạc thế kỷ 18, tạo ra một thứ gì đó rất mới và làm thay đổi âm nhạc mãi mãi. Beethoven đã nói: "Tôi không hài lòng với công việc mình đã làm trước nay. Từ giờ trở đi, tôi sẽ đi theo một con đường hoàn toàn mới". Con đường mới này được gọi là giai đoạn anh hùng của ông.

Cột mốc đầu tiên và quan trọng nhất theo cách mới này là Giao hưởng số 3, còn được gọi là Eroica (anh hùng). Tác phẩm này có phạm vi lớn hơn, thời lượng dài hơn và khó hiểu hơn bất kỳ bản giao hưởng nào khác mà thế giới từng thấy cho đến lúc đó! Trên thực tế, đây là tác phẩm âm nhạc đầu tiên đòi hỏi khán giả phải nghe nhiều lần, thậm chí phải nghiên cứu bản nhạc để nắm bắt được sự phong phú của nó. Chỉ riêng chương đầu tiên đã dài hơn bất kỳ bản giao hưởng nào do Haydn hoặc Mozart viết.

Không dừng lại ở đó, giai đoạn này đã mang đến cho thế giới các bản giao hưởng khác với nội dung và phong cách đa dạng, bản concerto Hoàng đế (vượt trội hơn các bản concerto cho piano của Mozart), năm tứ tấu đàn dây, bản concerto cho vĩ cầm (op.61), nhiều bản tam tấu piano, bao gồm Archduke Trio, các bản sonata piano như Waldstein, Apassionata hoặc vở opera duy nhất của Beethoven, Fideilo.

Số phận gõ cửa – Beethoven mất thính lực hoàn toàn

Một ngày vào năm 1798, sau khi Beethoven tiễn một người khách ra cửa, nhạc sĩ ngồi xuống cây đàn piano của mình để tiếp tục sáng tác. Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Nhà soạn nhạc rất tức giận vì đã bị làm phiền, ông nhảy dựng lên để đi ra cửa. Khi ông bước bước đầu tiên, ông ngã khỏi ghế và úp mặt xuống nền. Ngay lập tức tai ông bắt đầu ù đi.

Cuộc đấu tranh của Beethoven với đôi tai của mình bắt đầu như thế, và nó kéo dài đến hết phần đời còn lại của ông. Có những giai đoạn thính lực của ông được cải thiện nhưng không bao giờ hồi phục. Dần dần ông mất khả năng nghe, ban đầu là những nốt cao, sau đó ông đã bị điếc hoàn toàn vào năm 1814. Có nhiều giả thuyết liên quan đến nguyên nhân gây ra căn bệnh này, một số mang tính khoa học, một số mang tính hài hước. Nhưng dù sao, trình độ y khoa đương thời không thể giúp Beethoven tránh được tai họa này.

Khi mất khả năng nghe, Beethoven trở nên tự ti và thờ ơ với các mối quan hệ xã hội. Ông coi đó là sự xấu hổ lớn đối với một nhạc sĩ và nghĩ rằng nếu sự thật bị phơi bày, danh tiếng của ông sẽ bị tổn hại. Những ngày tháng là một nghệ sĩ piano điêu luyện đã được đếm ngược. Ngày càng có nhiều buổi hòa nhạc với tư cách là một nghệ sĩ piano bị ảnh hưởng bởi khả năng nghe dần kém đi của ông. Không có thông tin chắc chắn về buổi hòa nhạc cuối cùng của Beethoven, một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là bản concerto Emperor (số 5) được trình diễn vào năm 1811, một số khác cho rằng đó là bản Archduke Trio được trình diễn vào năm 1814.

Khi việc giao tiếp ngày càng trở nên khó khăn hơn, ông đã luôn mang theo bên mình một cuốn sổ giao tiếp, mọi người có thể viết một câu hỏi vào cuốn sổ và ông sẽ trả lời bằng miệng. Beethoven đã dùng khoảng 400 cuốn sổ giao tiếp như vậy, nhiều cuốn sau đó được cho là đã bị phá hủy bởi Anton Schindler - thư ký của Beethoven.

Người yêu bất tử

Cuộc sống tình cảm của Beethoven phức tạp và không đẹp đẽ êm đềm. Ông hay phải lòng những người học trò mà ông dạy piano cho họ. Mỗi khi phải lòng ai, ông thường tặng họ tác phẩm của mình. Giai cấp quý tộc cho phép mình kết hôn với các tầng lớp khác, nhưng một phụ nữ quý tộc kết hôn với một thường dân sẽ mất đi tước hiệu mãi mãi. Mặc dù nhiều người đã yêu Beethoven, thường là họ yêu con người thiên tài chứ không phải con người trần tục của ông, không ai đủ tận tụy để từ bỏ tước hiệu vì tình yêu, không ai đủ tận tụy để yêu bất chấp tính khí thất thường của ông. Vì vậy, sau tất cả những mối tình đã có, Beethoven cuối cùng vẫn phải chịu đau khổ và cô đơn.

Trong số các mối tình đó, cũng có những mối tình được coi là nghiêm túc và sâu sắc. Năm 1801, Beethoven đã yêu nữ bá tước Giulietta Guicciardi, người đã được ông dành tặng bản sonata Moonlight (Op. 27). Ông cũng yêu một người học trò khác là Josephine Brunsvik, cô đã từ chối ông vào cuối đời một phần vì áp lực từ gia đình cô. Khoảng năm 1810, Beethoven đem lòng yêu Therese Malfatti và dành tặng cô bản nhạc Für Elise, đây lại là một mối tình nữa không thành hiện thực.

Cuối cùng, quan trọng nhất là Người yêu bất tử. Sau khi Beethoven qua đời, người ta tìm thấy một lá thư trong số đồ đạc cá nhân của ông. Đây là một bức thư tình dài 10 trang nhỏ, không có ngày tháng, địa điểm và bất kỳ tên hoặc dấu hiệu nào cho biết người nhận có thể là ai. Việc phân tích bức thư đã diễn ra trong gần 200 năm mà không có kết luận cuối cùng. Điều chắc chắn là bức thư được viết vào mùa hè năm 1812, tại thị trấn Teplitz nơi có những spa mà Beethoven đi nghỉ ở đó, tại đây ông cũng đã viết một bức thư gửi cô bé Emilie 8 tuổi. Năm 1972, Maynard Solomon đã xuất bản một cuốn sách trong đó - sau một số nghiên cứu nghiêm túc - ông gọi Antonie Brentano là Người yêu bất tử. Tác phẩm này được coi là toàn diện nhất về chủ đề này và do đó, là kết luận có khả năng nhất.

Có hai trường phái liên quan đến đời sống tình dục của Beethoven. Một trường phái tin rằng Beethoven chết khi vẫn chưa hề quan hệ tình dục bất kỳ lần nào, đơn giản vì các giá trị đạo đức cao cả và mạnh mẽ của ông không cho phép ông quan hệ tình dục. Nhóm còn lại tin rằng ông là khách hàng thường xuyên ở các nhà thổ, điều này khiến ông bị chia rẽ sâu sắc. Nhóm thứ hai có sự ủng hộ mạnh mẽ từ một trong những bức thư của Beethoven, trong đó ông thú nhận rằng những trải nghiệm như vậy khiến cơ thể ông thỏa mãn, nhưng tâm hồn ông lại ghê tởm.

Bất kể trường phái nào đúng, thì sự thật đáng buồn là cả cuộc đời ông chỉ có mẹ mình, người phụ nữ duy nhất mà Beethoven nhận được sự chấp nhận và yêu thương trọn vẹn.

Quan điểm mâu thuẫn về giai cấp và sự bảo trợ

Được tiếp xúc sớm với những ý tưởng Khai sáng, Beethoven có mối quan hệ mâu thuẫn với giới quý tộc. Một mặt, ông cực kỳ khinh thường tầng lớp quý tộc và ý tưởng về một hệ thống phân cấp xã hội dựa trên quyền thừa kế và quyền gia đình. Có một bức thư nổi tiếng từ năm 1808 mà ông viết cho một trong những người bạn và người bảo trợ đầu tiên của mình, Hoàng tử Lichnowsky, người đã cố ép buộc - và có lẽ là đã đe dọa - ông chơi nhạc cho những vị khách là lính Pháp của mình. Hai người đã có một cuộc cãi vã rất gay gắt, Beethoven rời khỏi nhà trong cơn mưa và không bao giờ tha thứ cho ông (ngày nay vẫn còn thấy vết những giọt mưa trên bản nhạc Appassionata gốc mà ông đã sáng tác trong thời gian ở đó). Bức thư viết: “Thưa Hoàng thân, ngài ở địa vị của ngài nhờ dòng dõi; tôi ở địa vị của tôi nhờ chính bản thân tôi. Đã và sẽ có hàng nghìn hoàng thân, nhưng chỉ có duy nhất Beethoven tôi mà thôi”. Đoạn thư này cho thấy quan điểm trung thực của Beethoven về các đặc quyền giai cấp.

Mặt khác, Beethoven là nhạc sĩ của những người sành sỏi, dù muốn hay không, chính là giới quý tộc thời đó. Ông cũng phụ thuộc về mặt tài chính của những người bảo trợ này. Ông đã biểu diễn riêng cho họ nghe, nhiều tác phẩm được họ đặt hàng. Những người bảo trợ quan trọng như vậy như Hoàng tử Lobkowitz, Bá tước Razumovsky và quan trọng nhất là Đại công tước Rudolph, con trai út của Hoàng đế Leopold II.

Beethoven luôn lo lắng về miếng cơm manh áo hằng ngày của mình, vì vậy vào năm 1808, ông quyết định chấp nhận lời mời từ Jérôme Bonaparte, anh trai của Napoleon, vua xứ Westphalia, để trở thành Kapellmeister của ông tại triều đình ở Cassel. Đây là một vị trí được trả lương cao và ổn định. Khi nghe tin này, Archduke Rudolph, Hoàng tử Lobkowitz và Hoàng tử Kinsky đã cầu xin ông ở lại Vienna và đổi lại, họ cam kết trả cho ông 4.000 florin một năm. Những bi kịch cá nhân, lạm phát và chiến tranh với Pháp làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập này mà không có sự bảo trợ mới nào xuất hiện.

Beethoven và người cháu trai

Beethoven gánh vác tránh nhiệm của một người làm cha, trở thành người bảo vệ các anh em mình và là trụ cột gia đình quá sớm, khiến ông trở thành một người anh trai bao bọc các em quá mức và đặc biệt, hay mang tính độc tài, áp đặt.

Người em trai Kaspar bị bệnh rất nặng vào năm 1815. Mặc dù Beethoven đã nỗ lực trả tiền, tìm những bác sĩ giỏi đến thăm khám và điều trị cho em, Kaspar đã chết vì bệnh lao giống như mẹ họ. Trên giường bệnh, chịu khuất phục trước áp lực từ anh trai mình, Kaspar đã ký một bản di chúc trong đó trao quyền nuôi đứa con trai 9 tuổi tên Karl cho Beethoven. Johanna là vợ của Kaspar, khi nhận ra hành động này đã cầu xin chồng thay đổi di chúc, và Kaspar đã đồng ý việc chia sẻ quyền nuôi con. Beethoven không muốn điều đó xảy ra! Ngay từ đầu ông đã hoàn toàn phản đối cuộc hôn nhân này, coi Johanna là người không phù hợp về mặt đạo đức với gia đình và thiên chức làm mẹ, gọi cô là nữ hoàng của đêm (sau này cô có một đứa con ngoài giá thú và cũng bị kết tội trộm cắp). Sau cái chết của Kaspar, một cuộc chiến pháp lý giành quyền nuôi con kéo dài 5 năm đã bắt đầu và cuối cùng mang lại kết quả tàn khốc cho tất cả họ.

Beethoven ban đầu được trao quyền giám hộ duy nhất tại Landrechte (tòa án dành cho giới quý tộc), nhưng sau đó, khi được làm rõ ràng rằng từ 'van' trong tên của ông không liên quan gì đến từ 'von' của giới quý tộc Đức, vụ án của ông đã được chuyển đến tòa án dân sự của thường dân, nơi ông đã thua. Chỉ riêng sự thật này đã là một đòn giáng mạnh vào ông, vì cho đến ngày đó Vienna đã bị thuyết phục rằng ông là một quý tộc. Beethoven đã kháng cáo và giành lại quyền giám hộ duy nhất. Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, Johanna đã kháng cáo lên Hoàng đế, nhưng Hoàng đế quyết định không can thiệp vào vụ án này.

Karl bị rối loạn về mặt cảm xúc, không chỉ mất đi một người cha, mà còn ở giữa cuộc chiến giành quyền nuôi con. Beethoven cấm cậu bé gặp mẹ mình, nhưng cậu bé thường xuyên trái lời và bỏ trốn – thậm chí trốn học – để ở bên mẹ. Mặc dù Beethoven đã làm mọi cách để nuôi dạy đứa trẻ theo cách tốt nhất có thể, Karl vẫn lớn lên trong sự bất hạnh.

Từ nỗi đau khổ này, bị mắc kẹt trong tình yêu áp đặt của người bác, Karl chỉ tìm thấy một lối thoát. Anh mua một khẩu súng lục, trèo lên tàn tích Rauhenstein và tự tử. Phát súng đầu tiên bị trượt, phát súng thứ hai làm xương thái dương bị gãy nhưng tính mạng vẫn còn. Khi tìm thấy Karl, anh yêu cầu được gặp mẹ mình. Sau đó, Karl nhập ngũ vào ngày 2 tháng 1 năm 1827 và không bao giờ gặp lại bác mình nữa, hai tháng sau Beethoven qua đời. Beethoven hoàn toàn thất bại với tư cách một người cha.

Trong câu chuyện buồn này, tất cả mọi người đều nhận về những mất mát. Danh tiếng của Beethoven ở Vienna bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công chúng coi ông là một con quái vật và một kẻ điên. Johanna mất một đứa con và sống với danh tiếng bị vấy bẩn suốt cuộc đời. Cuộc đời và tính cách của Karl bị tổn thương mãi mãi. Cuối cùng, khán giả mất rất nhiều tác phẩm có thể sẽ được ra đời, vì Beethoven không viết một nốt nhạc nào trong nhiều năm, trong giai đoạn kiệt quệ về mặt cảm xúc này.

Trong ba người anh em Ludwig van Beethoven, Kaspar Anton Karl và Nikolaus Johann. Chỉ duy nhất Kaspar có con trai, đứa con trai duy nhất đó là Karl. Hai thế hệ sau của Karl, một người Mỹ tên là Karl Julius van Beethoven qua đời mà không có con trai, dòng dõi Beethoven từ đó chấm dứt.

Những năm cuối đời của Beethoven

Ngay khi các cuộc chiến pháp lý liên quan đến quyền nuôi Karl bắt đầu lắng xuống, Beethoven bước vào giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình. Tuy năng suất so với các giai đoạn trước đã giảm, một năng lượng sáng tạo mới còn tinh tế hơn đã xuất hiện thông qua đôi tay của ông. Hai ảnh hưởng chính đến hướng đi mới này là bệnh điếc ngày càng nặng, dẫn đến mất thính lực hoàn toàn; và việc nghiên cứu lại các tác phẩm của Johann Sebastian Bach và Handel .

Khi mất thính lực hoàn toàn, ranh giới của ông với thế giới vật chất biến mất. Không còn bất kỳ phản hồi nào đến từ thính giác, chỉ còn lại trí tưởng tượng vô hạn. Việc mất đi giác quan này cũng khiến ông tập trung và tỉ mỉ hơn trong việc viết lách.

Trong đời sống xã hội, ông trở nên khép kín hơn. Giao tiếp chỉ có thể thông qua sách. Trong đó, các câu hỏi được viết ra và ông sẽ trả lời bằng miệng. Ông cũng trở nên hài lòng hơn với việc chăm sóc gia đình, Nanette Streicher (một người bạn thân của Beethoven) đôi khi chăm sóc ông ngay cả khi ông bị bệnh.

Từ năm 1818, ông bắt đầu làm việc với các tác phẩm quan trọng như Hammerklavier Sonata (op. 106), Missa Solemnis (op. 123) và Diabelli Variations (op. 120). Ước mong từ lâu của ông là đưa bài thơ Ode to joy của Friedrich Schiller vào âm nhạc cũng bắt đầu định hình dưới dạng bản giao hưởng sử thi số 9. Một cựu sinh viên tên là Ferdinand Ries, người định cư tại London và trở thành thành viên sáng lập của Hiệp hội Philharmonic London, đã khơi dậy sự quan tâm đến các tác phẩm của Beethoven. Mặc dù bản giao hưởng số 9 đã được công diễn tại Vienna (năm 1824) và bản in được dành tặng cho Frederick William III, vua của Phổ, nhưng Hiệp hội London vẫn có một chương đầu tiên được Beethoven viết tay dành tặng họ. Dư luận cho rằng bản giao hưởng số 9 được London đặt hàng.

Khi Archduke Rudolf trở thành tổng giám mục của Olmütz vào năm 1820, Beethoven bắt đầu làm việc trên Missa Solemnis cho lễ nhậm chức. Tác phẩm không được hoàn thành kịp thời (năm 1820), trên thực tế, phải đến ba năm sau, bản thảo hoàn chỉnh mới được gửi cho tổng giám mục. Nhiều người coi tác phẩm này là tác phẩm tôn giáo quan trọng nhất từng được viết trong lịch sử âm nhạc.

Năm 1824, bản giao hưởng số 9 được công diễn lần đầu tại Vienna, buổi công diễn tổ chức tại Nhà hát Kärntnertor. Bản thân Beethoven đã giám sát khâu chuẩn bị và ngồi cạnh nhạc trưởng trong suốt buổi biểu diễn. Ông không nghe được tiếng vỗ tay ở phần kết, ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger đã đưa ông quay người lại và đối mặt với khán giả. Sự tráng lệ của những tràng vỗ tay dành cho ông lớn hơn cả dành cho Hoàng đế! Đây là tác phẩm cuối cùng của ông cho dàn nhạc quy mô lớn.

Bản nhạc cuối cùng của ông được hoàng tử Nga Nikolai Galitzin đặt hàng, người đã yêu cầu ông sáng tác ba bản tứ tấu đàn dây. Những bản nhạc này trở thành một phần của Late Quartets, một thể loại nhạc rất khó, được các nhạc công coi là không thể chơi được và khán giả thì không thể hiểu nổi. Fourteenth Quartet (op. 131) là tác phẩm yêu thích của Beethoven, ông coi đây là tác phẩm hoàn hảo nhất của mình. Tác phẩm này được dành tặng cho nam tước von Stutterheim, người sĩ quan đã chăm sóc Karl trong quân đội.

Kết thúc

Beethoven có vẻ bề ngoài trái ngược hoàn toàn với âm nhạc của ông. Hầu hết phụ nữ đều coi ông là xấu xí, thấp bé và khó nhìn. Khuôn mặt ông đầy sẹo do mắc phải bệnh đậu mùa khi còn nhỏ. Hệ tiêu hóa thường gây ra cho ông những bất tiện như nôn mửa và tiêu chảy. Có lần ông suýt mất một ngón tay do nhiễm trùng. Gan của ông bị ảnh hưởng do uống rượu (đôi khi là rất nhiều). Ngoài những đặc điểm cụ thể này, ông thường xuyên mắc phải đủ loại bệnh tật khác. Những ngày tháng cuối đời của ông đau ốm nghiêm trọng và phải nằm liệt giường.

Beethoven đã dành mùa hè năm 1826 với Karl tại điền trang của người em trai còn lại duy nhất của ông, Nikolaus Johann. Johann gợi ý với Beethoven rằng sẽ có lợi cho Karl nếu làm điều gì đó có ích ngay từ bây giờ, vì thời gian sẽ không giúp Karrl chữa lành thêm nữa. Beethoven, như thường lệ đã phản ứng một cách nóng nảy và xúc động, ông nhảy lên một chiếc xe ngựa không có mái che và bỏ đi ngay lập tức mà không cần thu xếp quần áo mùa đông. Trong chuyến đi, ông đã mắc bệnh viêm phổi, một đòn chí mạng vào hệ thống miễn dịch của cơ thể ông và đã dẫn đến cái chết của ông nhiều tháng sau đó.

Trên giường bệnh, các bác sĩ đã tiến hành bốn ca phẫu thuật để giải quyết tình trạng sưng bụng của ông, một trong số đó đã bị nhiễm trùng. Ông không thể hồi phục và cái chết đã đến gần. Những lời cuối cùng của ông được ghi lại là “Pity-pity – đã quá muộn rồi!” – khi ông được cho biết có một nhà xuất bản đã gửi tặng ông mười hai chai rượu.

Không thể biết chính xác điều gì đã xảy ra trong những giờ phút cuối cùng của ông, có nhiều giả thuyết khác nhau về sự kiện này. Điều có vẻ chính xác là người bạn Anselm Hüttenbrenner của ông và một người phụ nữ đã có mặt khi đó. Người phụ nữ đó hẳn là Sali, người hầu gái của ông. Lúc đó là cuối tháng 3, thời tiết vẫn lạnh và một cơn giông đang kéo đến trên bầu trời Vienna. Truyền thuyết kể rằng sau một tiếng sấm khủng khiếp, người đàn ông hấp hối đã ngẩng đầu lên, duỗi cánh tay phải và run rẩy vì tức giận, sau đó ngã ngửa ra sau và chết. Ludwig van Beethoven qua đời tại căn hộ Schwarzspanierhaus của mình ở Vienna vào ngày 26 tháng 3 năm 1827. Ông qua đời ở tuổi 56.

Kết quả khám nghiệm tử thi do Tiến sĩ Johann Wagner thực hiện vào ngày hôm sau cho thấy Beethoven bị bệnh gan. Gan teo lại có thể là kết quả của chứng nghiện rượu, nhưng cũng có thể là do Viêm gan A, một căn bệnh phổ biến vào thế kỷ 19. Phân tích sau đó cho thấy có một lượng chì đáng kể trong tóc của ông, có thể là hậu quả trực tiếp của việc tiêu thụ rượu vang giá rẻ, thường được làm ngọt bằng đường chì, mặc dù đã bị cấm trên khắp châu Âu.

Lễ tang được tổ chức vào ngày 29 tháng 3 và ước tính có khoảng 20.000 người tham dự. Đầu tiên, ông được chôn cất tại nghĩa trang Wahring, nhưng vào năm 1888, hài cốt của ông được chuyển đến Zentralfriedhof của Vienna, nơi ông vẫn ở cho đến ngày nay.

VnTimeless

Cảm ơn bạn đã ghé thăm website!
    Comment

0 comments:

Post a Comment

Tắt m=1 trong link là đoạn dưới đây: