Trong di sản đồ sộ của
Lev Tolstoy, Anna Karenina là một tác phẩm vĩ đại mà nhà văn đã đóng góp cho
kho tàng văn học thế giới. Việc phân tích nội dung của Anna Karenina và hệ thống
các nhân vật quan trọng của nó là một bước để hiểu rõ hơn giá trị của cuốn
tiểu thuyết này.
![]() |
Tác phẩm Anna Karenina |
Anna Karenina
Anna Karenina cùng với
Konstantin Levin là hai nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. Anna là người vợ
xinh đẹp của Alexei Karenin – một viên chức chính phủ sống theo những nguyên tắc
cứng nhắc. Anna là người thông minh, thanh lịch, tinh tế, có học thức, tràn đầy
đam mê và có một bản năng mạnh mẽ. Anna Karenina là một nhân vật rất phức tạp, cô
phản bội hôn nhân và gia đình nhưng vẫn có phần cao quý và đáng ngưỡng mộ. Cô
là hình mẫu lý tưởng của những người vợ quý tộc Nga vào những năm 1870.
Một trong những phẩm chất
nổi bật nhất của Anna là niềm đam mê và quyết tâm sống theo ý muốn của mình. Mặc
dù con đường của cô, có thể nói là sai trái, đầy rẫy những bi kịch và cuối cùng
phải tìm đến cái chết. Nhưng cô không hề né tránh, luôn sẵn sàng đối mặt với tất
cả những điều đó và nhận lấy kết quả. Ở góc độ nào đó, Anna là một đại diện cho
nữ quyền. Một người tử vì đạo đối với hệ thống gia trưởng cổ hủ của Nga và tiêu
chuẩn kép đối với việc ngoại tình của nam và nữ. Stiva, anh trai cô cũng có những
mối quan hệ ngoài luồng nhưng không bao giờ bị kết án, còn Anne Karenina phải
chịu sự đầy ải và trừng phạt.
Đối với Anna, tình yêu mạnh
mẽ hơn bất cứ điều gì khác, kể cả nghĩa vụ. Anna từ chối yêu cầu của Karenin duy
trì một cuộc hôn nhân hình thức chỉ để giữ gìn sự toàn vẹn của gia đình. Cô lo
lắng Vronsky không còn yêu cô nữa mà chỉ ở bên cô vì nghĩa vụ. Cô rời xa khỏi đời
sống xã hội của giai cấp quý tộc ở phần sau của cuốn sách như một sự khước từ
mang tính biểu tượng với tất cả những quy ước xã hội. Anna nhất quyết đi theo
tiếng gọi của trái tim mình. Do đó, cô trái ngược với lý tưởng sống theo lời dạy
của Chúa và lòng tốt mà Levin tìm thấy ở cuối cuốn sách. Nhưng mặt khác, điều
đó khiến cô trở thành nhân vật tiên phong tìm kiếm quyền tự chủ và sống theo cảm
xúc của mình trong một xã hội do nam giới thống trị.
Anna cũng là nhân vật để
Tolstoy cho thấy tác động của môi trường đô thị lên bản chất vốn có của con người.
Giống như Levin, Anna tìm kiếm ý nghĩa cá nhân dưới ảnh hưởng của những tác động
tự phát từ cuộc sống, những đòi hỏi của lý trí và nguyên tắc đạo đức. Tuy
nhiên, là một người phụ nữ, người có số phận nuôi dạy con cái và quán xuyến gia
đình, Anna là nạn nhân của văn hóa và xã hội nhiều hơn Levin và nhạy cảm hơn với
những hạn chế của xã hội trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa của mình. Bản chất của
Anna lại định vị mình trong một xã hội tiến bộ hơn, nên đối với Anna, ngay từ đầu
định mệnh đã quyết định số phận cho cô. Chỉ sống với cảm xúc bên trong của
mình, Anna là nhân vật tự nhiên, chân thành nhất trong số tất cả các quý tộc
trong tiểu thuyết. Sức mạnh của bản chất bên trong khiến Anna thoát khỏi những
quy tắc xã hội thông thường và tìm kiếm tình yêu như định nghĩa của cô.
Tolstoy cho thấy rằng cuộc
hôn nhân với Karenin sẽ không bao giờ thỏa mãn được bản chất của Anna Karenina.
Cô tìm kiếm tình yêu ở Vronsky. Vronsky có danh dự, sự táo bạo, ý thức về sự sống
và cái chết mà bất kỳ một quân nhân giỏi nào cũng cần. Trái ngược với những phẩm chất
tốt đẹp này là sự hạn chế trong vẻ đẹp tâm hồn của anh. Sự hy sinh mang tinh thần
quân ngũ, thái độ phù phiếm với phụ nữ và những quy tắc ứng xử cứng nhắc theo
tiêu chuẩn quân đội về “danh dự” và “uy tín” là những hạn chế của Vronsky. Những
điều Vronsky thu hút Anna Karenina cũng là gốc rễ của những hạn chế khiến mối
quan hệ của họ không được bền lâu. Cả Karenin và Vronsky đều không có sức mạnh tâm
hồn để hồi đáp bản năng yêu mãnh liệt của Anna.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến
cái kết đau buồn của Anna bắt nguồn từ triết lý đạo đức cơ bản của Tolstoy: Việc
đi tìm ý nghĩa cuộc đời một cách tự nhiên sẽ đưa con người đến hạnh phúc thật sự.
Trong khi sự khiên cưỡng, cố chấp sẽ dẫn đến những cái kết buồn. Anna dần đi đến
bế tắc khi cô tồn tại chỉ vì mục tiêu duy nhất của mình – tình yêu trong đầy đủ
cung bậc cảm xúc. Nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Anna đánh mất
các giá trị bên ngoài của trật tự xã hội, thứ không chỉ cấu thành nên sự tồn tại
của cô mà còn của cả Vronsky. Bị cắt đứt khỏi con trai, bạn bè, địa vị, và sự bảo
vệ của những nguyên tắc đạo đức; tình yêu trở thành nguồn sống duy nhất của
Anna. Dưới áp lực chỉ sống bằng tình yêu của mình, cô từ bỏ bản năng, thiên chức
phụ nữ như sinh con đẻ cái, xây dựng một gia đình, mái ấm thật sự. Sắc đẹp, sự
quyến rũ trở thành vũ khí duy nhất của cô. Điều này khiến Vronsky thu mình lại
trước vẻ đẹp ngày càng lộng lẫy của cô. Chính sự thay đổi này của Anna khiến
Vronsky trở nên lạnh lùng, khiến Anna, đến lượt cô, rơi vào trạng thái tuyệt vọng,
ghen tuông làm Vronsky ngày càng lãnh cảm hơn trong mối quan hệ này.
Anna đi tìm ý nghĩa cuộc
sống, thỏa mãn bản năng và lấp đầy các cung bậc cảm xúc của mình, nhưng cô đi
tìm điều đó duy nhất ở tình yêu, cô đẩy mình ra khỏi những ràng buộc khác trong
đời sống và xã hội. đẩy mình rời xa sự cứu rỗi tinh thần. Không giống như Levin,
cuộc tìm kiếm của Anna kết thúc ở ngõ cụt, và cái chết là giải pháp còn lại duy
nhất của cô.
Konstantin Levin
Mặc dù Anna Karenina được
đặt tên cho cuốn tiểu thuyết nhưng Levin cũng là một nhân vật chính đóng vai
trò quan trọng. Nhiều nhà phê bình coi Levin chính là hình ảnh của Lev Tolstoy.
Cái tên Levin bao gồm tên Lev của nhà văn, nhiều chi tiết trong tình yêu với
Kitty, bao gồm cả việc thiếu chiếc áo sơ mi trong đám cưới, được lấy từ chính
cuộc đời Tolstoy. Quan trọng nhất, đức tin Levin có được ở cuối cuốn tiểu thuyết
tương đồng với việc Tolstoy có những nhận thức mới về tôn giáo sau khi viết
Anna Karenina.
Ở hai cấp độ, Levin đại
diện cho một phần tính hai mặt của Tolstoy, định nghĩa cuộc sống nông thôn là nơi
người ta có thể đạt được sự cứu rỗi tinh thần:
Ở phương diện lịch sử,
Konstanin Levin đại diện cho những chủ đất có học thức, xương sống của tầng lớp
quý tộc Nga theo cách nói của Tolstoy, những người bảo vệ các giá trị dân tộc
truyền thống. Nếu Nga muốn khám phá ra vận mệnh mới của mình trong một xã hội
ngày càng bị phương Tây hóa, nước này phải dựa trên những cá nhân như Levin để
duy trì cốt lõi bản sắc dân tộc. Dựa vào nguồn sức mạnh nội tại này, phát triển
sẽ tạo nên sự phong phú về văn hóa mà không đánh mất bản sắc của dân tộc và nước
Nga sẽ vững vàng vượt qua dòng chảy của lịch sử.
Ở cấp độ cá nhân, Levin đại
diện cho hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Câu chuyện của Levin như những
dòng tự truyện mà Tolstoy ghi lại trong công cuộc tìm kiếm này. Ở đó, nhân vật
đã sống từng khoảnh khắc với khao khát ngày càng lớn hơn. Levin thấy nghề nông,
công việc chân tay, mối quan hệ của mình với những người nông dân là nguồn thỏa
mãn. Về bản chất, anh là người sống thực tế, không tin những thứ mang tính mơ hồ,
huyền bí, và ý thức về bản chất của anh bắt nguồn từ sự giao tiếp bằng xúc
giác, cảm tính với thế giới. Vì vậy, chúng ta thấy cảm giác bình yên sau một
ngày cắt cỏ và sự bồn chồn của Levin trong các cuộc họp chính trị. Mặc dù bản
chất mãnh liệt của Levin tìm kiếm sự định nghĩa trong tình yêu. Lý tưởng về hạnh
phúc gia đình của Levin không chỉ đại diện cho sự bất tử, mà còn là hành trình
tìm kiếm cội nguồn và bản chất của anh.
Cái chết là nỗi sợ lớn nhất
của Levin. Anh thấy nó là một trò đùa tàn nhẫn nếu cuộc sống không còn đau khổ
và đấu tranh, giống như cuộc sống của người anh trai Nicolai. Levin phát hiện
ra rằng, để có thể sống anh phải chấp nhận cái chết. Cái chết được neo giữ vào
cuộc sống bởi gia đình của mình, anh đối đầu trực diện với cái chết trong những
ngày tháng cuối cùng của người anh trai. Levin kết luận rằng, cái chết chỉ là một
phần của cuộc sống, nếu một người sống “vì tâm hồn mình” thay vì để thỏa mãn bản
thân một cách ảo tưởng, thì cái chết không còn là một trò đùa tàn nhẫn nữa, mà
nó là một sự thật sâu sắc của cuộc sống.
Điều làm cho sự thật này trở
nên sâu sắc và rõ ràng là niềm tin chân thành của Levin vào Chúa, vì Chúa là
nguồn gốc của lòng tốt vốn có trong bản chất của mỗi người. Để sống có ý nghĩa
mà không phụ thuộc vào những thú vui ích kỷ, tầm thường, người ta phải hành động
theo lòng tốt bên trong này. Do đó, Levin phát triển những đòi hỏi cá nhân đối
với tình yêu thành một tình yêu tổng quát, một tình yêu đối với Chúa.
"Sự say mê với cuộc sống" tạo ra chiều sâu và sự nhạy cảm trong tâm hồn
của anh. Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng nốt nhạc cứu rỗi này.
Levin là một người có tư
duy độc lập, khó giao tiếp xã hội, thực sự cá tính, và rất khó phân loại anh
vào bất kỳ tầng lớp nào trong xã hội Nga. Levin không phải là một người thách
thức có tư tưởng tự do như anh trai Nikolai, cũng không phải là một trí thức
ham đọc sách như người anh trai cùng cha khác mẹ Sergei. Anh không phải một người
giỏi xã giao như Betsy, cũng không phải là một quan chức chính phủ như Karenin,
anh càng không phải một kẻ lừa đảo như Veslovsky. Levin đặt vấn đề về số phận của
nước Nga với tư cách là một quốc gia phương Tây, anh không tin tưởng những người
theo chủ nghĩa tự do mong muốn phương Tây hóa nước Nga, bác bỏ cách tiếp cận
mang tính phân tích và trừu tượng của họ, nhưng mặt khác, Levin nhận ra tính hữu
ích của công nghệ phương Tây và khoa học nông nghiệp. Nói tóm lại, Levin là con
người của chính anh, đi theo tầm nhìn của riêng mình về mọi thứ, ngay cả khi nó
rối tung và mù mịt, thay vì áp dụng những quan điểm có sẵn của bất kỳ nhóm nào.
Hơn nữa, Levin thích sự đơn độc hơn là hòa nhập vào một môi trường xã hội mà
anh không thấy thoải mái. Levin và Anna giống nhau ở điểm này mặc dù hai người
có câu chuyện đối lập nhau trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Tuy là người thích sự đơn
độc nhưng Levin không hề coi mình là trung tâm và tỏ ra đặc biệt hay vượt trội.
Nếu Tolstoy coi Levin là anh hùng của cuốn tiểu thuyết, chủ nghĩa anh hùng này
không nằm ở những thành tựu độc đáo mà ở khả năng thưởng thức những trải nghiệm
chung của con người. Những trải nghiệm khó quên nhất của anh trong cuốn tiểu
thuyết - niềm hạnh phúc khi được yêu, nỗi lo lắng, sợ hãi khi vợ sinh con,
không phải đặc biệt hay mang tính quý tộc mà là cảm xúc bình thường của hầu hết
mọi người. Bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được những cảm xúc này, nó chỉ khác
nhau ở cách người ta cảm nhận về nó mà thôi. Levin đặt biệt ở chỗ cảm nhận những
điều bình thường đó một cách cởi mở nhưng sâu sắc. Điều này mang lại cho anh một
chiều sâu mà không nhân vật nào khác trong tiểu thuyết có được. Sự gần gũi của
anh với những người nông dân và ác cảm với lối sống của giai cấp quý tộc thành
thị khiến anh trở thành một người đàn ông bình thường nhưng cao cả, anh là một
trong những người Nga đã sống một cách chan hòa bất chấp dòng dõi quý tộc của
mình. Khi Levin cắt cỏ cả ngày bên cạnh những người nông dân, đó là vì anh chân
thành tận hưởng công việc chứ không phải cố tình làm điều đó để thể hiện sự gần
gũi với người nông dân. Ngay cả ở cuối tiểu thuyết, khi Levin tìm thấy đức tin
của mình, Tolstoy cũng miêu tả điều đó hết sức bình thường, tất cả để thể hiện
Levin là hiện thân của những đức tính giản dị, được làm sâu sắc hơn bằng những
hoạt động hết sức bình dị của cuộc sống hàng ngày, đó cũng là tầm nhìn của
Tolstoy về một con người kiểu mẫu.
Alexei Karenin
Tự hào rằng mình là một
người có trí tuệ và đầy lý trí, Karenin là đại diện cho bộ máy quan liêu cai trị
nước Nga. Đối với Karenin, tất cả mọi thứ đều được thể chế hóa, nhưng nó không
giúp đưa ra câu trả lời cho các vấn đề cơ bản của cuộc sống. Do đó, Karenin là
một đại diện trên cả phương diện cá nhân cũng như bối cảnh văn hóa đời sống nước
Nga khi đó.
Karenin luôn giữ hình ảnh
mình là một người đàn ông có học thức và trí tuệ. Anh đọc sách và thơ ca, xuất
hiện ở tất cả những bữa tiệc quan trọng; hòa nhã, lịch sự với mọi người. Nhưng
Karenin vẫn là một con người nhạt nhẽo không có cá tính. Nhân cách đã tha hóa
sau nhiều năm tận tâm với nhiệm vụ của mình.
Karenin đọc thơ nhưng tâm
hồn cằn cỗi, anh đọc về lịch sử nhưng không bao giờ suy nghĩ sâu hơn về ý nghĩa
của nó. Anh không thích thú hay khơi dậy những cuộc trò chuyện trong các bữa tiệc,
anh đến đấy chỉ đơn thuần là góp mặt, để người khác biết anh đã đến, rồi tìm
cách rời đi. Toàn bộ sự tồn tại của Karenin được thể chế hóa bằng các nghĩa vụ
và quy tắc, không có chỗ cho những đam mê, sở thích hay những điều sâu sắc
trong tâm hồn. Khi biết Anna ngoại tình, Karenin đã thoáng nghĩ đến việc thách đấu
Vronsky nhưng nhanh chóng từ bỏ, anh tưởng tượng ra một khẩu súng lục chĩa về
phía mình và chùn bước dừng ngay suy nghĩ đó lại. Sự hèn nhát này là hình ảnh
chung của Karenin đối với cuộc sống vốn đầy những xúc cảm và đam mê.
Sự thản nhiên của Karenin
phần nào lý giải cho hôn nhân và đời sống gia đình nhàm chán của anh. Nó cũng góp
phần tô điểm cho cuộc ngoại tình đầy mãnh liệt của Anna Karenina. Trong mối
quan hệ với Anna, ngay từ đầu Karenin coi đó như một hành động nghĩa vụ, giống
như mọi điều khác trong cuộc đời anh: đã đến lúc phải kết hôn, vì vậy anh đã cưới
một cô gái thích hợp, tình cờ là Anna. Tâm hồn anh cằn cỗi và cảm xúc của anh
nghèo nàn, anh không bao giờ đưa ra bất kỳ dấu diệu nào về việc đánh giá cao sự
độc đáo hoặc sự khác biệt của Anna với những phụ nữ khác. Anh chỉ đánh giá cao
cô ở vai trò làm vợ, làm mẹ. Tương tự vậy, vai trò làm cha của Karenin cũng được
thể chế hóa một cách lạnh lùng và vô cảm. Anh quan tâm đến sự tiến bộ trong học
hành chứ không bao giờ quan tâm đến nhận thức hay cảm xúc của Seryozha. Khi
Anna rời bỏ Karenin, cô không chỉ rời bỏ một người đàn ông và còn rời bỏ chủ
nghĩa quy ước mà anh tin tưởng và đại diện.
Trong Anna Karenina, khoảnh
khắc Karenin cao đẹp nhất là khi Anna ở trên giường bệnh, với sự giải thoát cảm
xúc mà anh có được, Karenin có cơ hội nhận ra bản thân mình thông qua tình yêu và
chân lý của đạo Cơ đốc. Nhưng do vẫn lo lắng xã hội cười nhạo vì bị cắm sừng,
Karenin trở thành một dạng ích kỷ hời hợt khác. Làm méo mó những hiểu biết nhân
bản của mình để chấp nhận một chủ nghĩa thần bí đạo đức giả, Karenin giữ được
thể diện nhưng lại đánh mất tầm quan trọng cá nhân của mình. Cuối cuốn tiểu
thuyết, Karenin tin vào chủ nghĩa huyền bí và rơi vào trạng thái trì trệ, điều
đó thể hiện rằng anh cần Anna đến thế nào và cô là cuộc sống đằng sau vẻ ngoài
của anh.
Alexei Vronsky
Tiểu thuyết Anna Karenina
miêu tả Vronsky là một người đàn ông đẹp trai, giàu có và quyến rũ, anh sẵn
sàng từ bỏ địa vị và sự nghiệp để theo đuổi tình yêu. Stiva mô tả anh là "một mẫu người hoàn hảo của tuổi trẻ
hào nhoáng ở Petersburg". Cuốn sách cũng có lúc cho thấy Vronsky theo
đuổi tầm nhìn cá nhân về những điều tốt đẹp. Và mặc dù có những sở thích mang
tính mạnh mẽ của đàn ông như đua ngựa, chính trị, trung đoàn của mình - cuộc sống
của Vronsky phụ thuộc nhiều vào sự tự mãn. Cuốn sách cũng cho thấy nhiều lỗi lầm
và khiếm khuyết của Vronsky. Phán đoán sai lầm trong cuộc đua ngựa, tham vọng về
sự nghiệp quân nhân bị chấm dứt cho thấy Vronsky không phải là một anh hùng mà
chỉ là một người đàn ông bình thường giống như bao người khác. Anh cũng không
chiến thắng nghịch cảnh, những áp lực của xã hội và chính bản thân mình. Vronsky
không có cốt lõi bản sắc bên trong mình như Levin. Mặc dù anh từ chức vì những
nguyên tắc và lòng kiêu hãnh của mình, anh làm như vậy chỉ để theo đuổi một sự
thỏa mãn khác lớn hơn - niềm đam mê mà anh dành cho Anna. Việc Vronsky nhanh
chóng đi đến những quyết định phục vụ cho lòng tự mãn của mình có nghĩa là, anh
thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. Do đó, anh không có năng lực chịu
trách nhiệm với người khác. Chính chiều sâu hạn chế của anh là nguyên nhân sâu
xa khiến cuộc tình của anh với Anna không thể tốt đẹp. Thiếu ý thức về tầm quan
trọng của bản thân, anh không thể làm cho tình yêu của mình trở nên có ý nghĩa.
Vào cuối tiểu thuyết, Vronsky nhận ra tội lỗi của mình về cái chết của Anna, anh
phải đối mặt với cuộc sống bi đát được sinh ra do bản chất hạn chế của chính
mình.
Những hạn chế của Vronsky
khiến Anna thất vọng, đó là nỗi thất vọng lớn nhất trong cuốn tiểu thuyết này,
cô đã bất chấp tất cả để đặt cược vào cuộc tình với Vronsky, nhưng niềm đam mê
của cô bị giới hạn bởi tâm hồn hạn hẹp của Vronsky. Tên của cả Vrosky và
Karenin đều bắt đầu bằng Alexei, có thể Tolstoy ngầm nói rằng khao khát của
Anna về một Alexei khác sẽ không thành, điều đó chỉ khiến cô lặp lại mối quan hệ
đó theo một cách khác mà thôi.
Sự tận tụy mà Vronsky
dành cho Anna dường như giảm dần trong các chương sau của cuốn sách, nhưng phần
lớn điều này bắt nguồn từ nỗi sợ mang tính hoang tưởng của Anna. Ngược lại,
không có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy Vronsky yêu Anna ít hơn vào cuối truyện,
chắc chắn Vronsky vẫn còn say mê và yêu Anna. Vronsky đôi khi cảm thấy đau nhói
vì tham vọng bị ngăn cản, đặc biệt là sau khi gặp người bạn học của mình hiện
đang rất thành công, nhưng không lúc nào anh đổ lỗi cho Anna về những thất bại
của mình. Anh chiều theo ý thích và kiên nhẫn chịu đựng những cơn hoang tưởng của
cô. Những hành động này có thể chỉ là sự quan tâm - hay "bổn phận" của anh (như cách Anna nói), chứ không phải là
tình yêu đích thực. Nhưng vì tiểu thuyết hiếm khi cho chúng ta thấy suy nghĩ của
Vronsky như cho chúng ta thấy suy nghĩ của Anna, nên chúng ta không thể biết chắc
chắn điều này.
Kitty Shtcherbatsky
Kitty bước vào cuốn tiểu
thuyết như một cô gái trẻ ngọt ngào nhưng ngây thơ, lúc này cuộc sống của cô chỉ
xoay quanh vấn đề tình yêu và hôn nhân. Vẻ đẹp của Kitty khiến cô được những
người đàn ông có địa vị theo đuổi. Tuy nhiên, Kitty không nhận ra sự hời hợt của
Vronsky và từ chối Levin để chờ đợi lời cầu hôn của Vronsky. Là một người phụ nữ
trong xã hội gia trưởng truyền thống, việc đảm bảo vai trò làm vợ là điều quan
trọng nhất mà Kitty phải làm. Vì vậy, Kitty đã vô cùng đau khổ khi Vronsky bỏ
cô để theo đuổi Anna. Nỗi đau khổ của cô vì mất Vronsky cũng như Levin cho thấy,
giá trị và sự đảm bảo cho cuộc sống tương lai về mặt vật chất của Kitty và những
người phụ nữ Nga được xác định bởi khả năng tìm được một người chồng tốt.
Sự say mê ban đầu của
Kitty dành cho Vronsky là một phép thử cô phải trải qua để nhận ra Levin là
tình yêu đích thực của mình. Sự đau khổ cô phải nhận được khi bị Vronsky từ bỏ
là ân huệ cô có được để từ bỏ sự lừa dối và ảo tưởng của cuộc sống thành thị, từ
đó hiểu sâu sắc hơn và theo Levin về sống ở vùng nông thôn.
Quan điểm sống của Kitty
thay đổi đáng kể khi cô tiếp xúc với Varenka, một phụ nữ trẻ chưa lập gia đình
sống một cuộc sống tự chủ và có thái độ sống tiến bộ hơn nhiều so với Kitty. Sự
tận tụy chân thành của Varenka đối với các hành động phục vụ của Cơ đốc giáo, sự
tự tin và trí thông minh của cô có tác động lớn đến sự phát triển của Kitty.
Thông qua Varenka, Kitty thoáng thấy khả năng của một cuộc sống không coi hôn
nhân là trung tâm của người phụ nữ. Mặc dù cuối cùng Kitty cũng quay trở lại cuộc
sống quen thuộc của mình cùng ý định kết hôn, chấp nhận số phận, bản năng phụ nữ
của mình và mong muốn xây dựng một tổ ấm, nhưng quan điểm của cô đã trưởng
thành hơn rất nhiều.
Sau khi kết hôn với
Levin, Kitty cho thấy mình là một người vợ và người nội trợ giỏi giang. Cô là
nguồn an ủi lớn lao cho Levin trong cái chết của người anh trai Nikolai. Kitty thể
hiện bản năng vốn có của mình mà Levin không thể ngờ đến, cô có thể giữ bình
tĩnh và chăm sóc người khác trong cả những lúc đau khổ tột cùng về mặt cảm xúc.
Kitty cũng thể hiện sức mạnh nội tâm này trong quá trình sinh nở. Mặc dù họ cưới
nhau khi vẫn còn trẻ và cả hai đều có những khoảnh khắc thiếu chín chắn, nhưng
cuộc hôn nhân của Kitty và Levin là cuộc hôn nhân trong trẻo, hạnh phúc nhất của
Anna Karenina. Thông qua Kitty và Levin, Tolstoy cho thấy hạnh phúc, ý nghĩa và
sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống mà những cuộc hôn nhân chung thủy, chân thành
có được.
Dolly Oblonsky
Tiểu thuyết Anna Karenina
mở đầu bằng việc miêu tả về gia đình Dolly và Stiva. Sau lời khuyên của Anna,
cô chọn ở lại, chấp nhận chịu đựng một cuộc hôn nhân thiếu tình yêu và lòng
chung thủy. Quyết định này của cô cùng hậu quả của nó, cả tốt lẫn xấu, đều vang
vọng trong suốt cuốn tiểu thuyết này.
Dolly là một người phụ nữ
tốt bụng, dịu dàng, cuộc sống và hạnh phúc của cô xoay quanh những đứa con. Khi
những đứa con ngoan ngoãn, nghe lời, cô vui vẻ và an tâm với quyết định ở lại của
mình, nhưng khi chúng không làm cô vừa lòng, cô dễ trở nên tuyệt vọng. Cá tính
và quyền tự chủ của Dolly bị kìm hãm bởi xã hội gia trưởng và cuộc hôn nhân
không hạnh phúc mà cô phải chịu đựng, vì vậy cô hướng tất cả cuộc sống của mình
vào những đứa con hơn là chính mình, và chúng trở thành phép thử để cô đo lường
hạnh phúc của chính mình.
Cốt truyện về nhân vật
Dolly thường được kể trong cuộc trò chuyện với Anna. Hai người phụ nữ này khá
khác nhau: trong khi Dolly ngọt ngào, phục tùng, ổn định và truyền thống, Anna
lại hoạt bát, nồng nhiệt, thông minh sắc sảo và nói chung là tiến bộ. Sự khác
biệt khiến họ đưa ra những quyết định trái ngược nhau trong cuộc sống. Trong
khi ban đầu Anna khuyên Dolly giữ gìn cuộc hôn nhân để bảo toàn gia đình, Anna
đã hành động trái ngược hoàn toàn. Việc rời bỏ con trai là điều Anna hối tiếc
nhất và khiến cô ấy đau đớn hơn bất kỳ khó khăn nào khác trong cuộc sống sau
khi chia tay Karenin. Trong khi đó, Dolly chọn con đường an toàn hơn, nhưng
cũng không tránh khỏi những điều hối tiếc. Cô ngưỡng mộ Anna vì những lựa chọn táo
bạo và cũng đặt bản thân mình vào tình huống của Anna. Nhưng không giống như
Anna, Dolly không đủ sự mãnh liệt và đam mê để làm điều tương tự, những suy
nghĩ về tự do của cô vẫn chỉ là những tưởng tượng. Mặc dù Dolly cảm thấy đau đớn
và nhục nhã khi phải đầu hàng chế độ gia trưởng cho phép đàn ông phản bội gia
đình mà không phải chịu hậu quả, nhưng việc tuân theo những trật tự xã hội này
cho phép cô giữ được con cái và mạng sống của mình, trong khi Anna kết thúc bằng
sự cô lập và cái chết.
Stiva Oblonsky
Stiva là nhân vật đưa cuốn
tiểu thuyết vào những thay đổi, không chỉ về mặt cốt truyện mà cả mặt chủ đề.
Stiva là đại diện cho những người sống để tận hưởng và không bị gò bó bởi các
nghĩa vụ. Khi bị phát hiện ngoại tình, Stive không hối hận vì hành vi sai trái
của mình mà anh hối hận vì mình đã để bị phát hiện. Ngay cả sau khi Dolly tha
thứ cho Stiva, anh vẫn tiếp tục quan hệ với những người phụ nữ khác. Anh không
cảm thấy có bất kỳ nghĩa vụ nào đối với vợ và gia đình, điều này hạn chế sự tự
do của anh.
Bất chấp những hành động
của Stiva, cuốn tiểu thuyết không miêu tả anh như một nhân vật phản diện đặc biệt.
Ngược lại, anh đại diện cho một người đàn ông bình thường ở nước Nga thế kỷ 19.
Anh ta tốt bụng, vui vẻ, yêu vợ và gia đình, nhưng anh thấy mình có quyền quan
hệ tình dục với bất kỳ ai anh thích. Nghịch lý này trong tính cách của Stiva
làm nổi bật bản chất gia trưởng của xã hội Nga vào thời điểm đó. Về cơ bản,
Stiva được tự do tận hưởng, còn vợ anh được kỳ vọng sẽ chịu đựng điều đó trong
sự im lặng và vui vẻ. Tuy nhiên, Stiva vẫn che giấu mối quan hệ ngoài luồng vì
anh nhận thấy mình có nghĩa vụ phải chung thủy với vợ, bất kể anh và xã hội
có coi nhẹ nghĩa vụ đó đến đâu.
Mối tình của Stiva với cô
gia sư tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh kịch tính hơn nhiều của Anna – cuộc đấu
tranh giữa đam mê cá nhân và nghĩa vụ xã hội. Giống như Anna, Stiva tìm kiếm
tình yêu và sự thỏa mãn theo bất kỳ cách nào giúp anh được toại nguyện. Nhưng
điểm tương đồng chỉ dừng ở đó, họ tìm kiếm những thỏa mãn về mặt cảm xúc chứ
không phải với các quy ước. Những mối tình của anh chỉ là chuyện vặt vãnh đối với
anh, trong khi mối tình của Anna lại trở thành vấn đề sống còn đối với cô. Stiva
không phải là một nhân vật mang tính thay đổi trong tiểu thuyết. Anh không bao
giờ bị trừng phạt vì tội lỗi của mình và không bao giờ thay đổi quan niệm về những
hành vi sai trái của mình. Sự kiên định của Stiva làm nổi bật những thay đổi
phi thường - về đạo đức, tinh thần và tâm lý - mà Anna trải qua.
Stiva dường như là nhân vật
đại diện cho sự biến chất các giá trị của con người mà Tolstoy đổ lỗi cho sự tha
hóa của đời sống đô thị. Bản chất tự nhiên của Stiva bị biến chất bởi cuộc sống
tìm kiếm khoái lạc, anh không trân trọng giá trị của vợ mình và phá hủy một phần
cuộc sống của cô. Sức mạnh phá hủy của Stiva được miêu tả lớn hơn khi anh làm mất
giá tài nguyên rừng của Nga.
Sergei Ivanovich Koznyshev
Sergei Ivanovich là anh
trai của Levin, mối quan hệ của hai người trong tiểu thuyết vừa gần gũi vừa xa
cách. Konstantin Levin thẳng thắn và có phần bảo thủ, thích đời sống thực tế
hơn những lý thuyết mang tính trí tuệ, Sergei khác Levin rất nhiều ở những điều
này. Sergei là một triết gia và nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng - thế giới trí
tuệ của anh rất phong phú và thú vị, nhưng các mối quan hệ cá nhân của anh lại
bị ngăn cách bởi khoảng cách trí tuệ này. Triết lý của anh thường nhằm mục đích
hỗ trợ nước Nga và những lợi ích chung, Sergei thường tranh luận với Levin về vấn
đề này và cố gắng thuyết phục Levin đảm nhận nhiều trách nhiệm cộng đồng hơn vì
lợi ích của người dân Nga. Sergei có thể đánh lừa đối thủ bằng tài hùng biện vượt
trội của mình, bất kể tính hợp lệ của các lập luận đó. Những điều này khiến
Sergei được ngưỡng mộ, nhưng cũng gây khó chịu cho Levin và những người đồng cấp
của mình.
Sergei tìm thấy tình yêu
của mình ở Varenka, một người có tư tưởng tương tự và cùng chung các giá trị Cơ
đốc giáo. Tuy nhiên, mặc dù cả hai đều yêu nhau, Sergei không thể tự mình cầu
hôn cô. Ngoài ra, không giống như Levin, Sergei ít quan tâm đến việc duy trì mối
quan hệ với người em trai đáng xấu hổ của họ, và anh không đến giường bệnh của
Nikolai. Đời sống chính trị khiến anh không tìm thấy mối quan hệ thực sự với những
người khác. Bất chấp bản chất xa cách của mình, Sergei là một nhân vật quan trọng
trong cuộc sống của Levin. Mặc dù cả hai không phải lúc nào cũng hiểu nhau,
nhưng họ lắng nghe và nói chuyện một cách trung thực với nhau. Họ có thể không
bao giờ đạt được sự thân mật thật sự về mặt tình cảm, nhưng mối quan hệ anh em
của họ là một trong những mối quan hệ tôn trọng, và cả hai đều thích chia sẻ những
phần quan trọng nhất trong cuộc sống và nghề nghiệp của họ với nhau.
0 comments:
Post a Comment