(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Vì sao Đồi gió hú là một kiệt tác văn học?

Xuất hiện lần đầu năm 1847, cho đến tận ngày nay, Đồi gió hú (Wuthering Heights) vẫn là một tác phẩm khiến người đọc phải ngỡ ngàng. Trong kho tàng văn học đồ sộ của thế giới, không có một tác phẩm nào từng được viết ra lại mãnh liệt, hoang dại, dữ dội, khó nắm bắt,…, và đứng ngoài những quan điểm về chuẩn mực đạo đức như Đồi gió hú.

Một ấn phẩm Đồi gió hú

Nó phức tạp, hoàn thiện và sáng tạo về mặt cấu trúc, về nội dung cũng như phạm vi của những điều nó truyền tải, để bao trùm và giải phóng, cuối cùng là vượt ra khỏi những giới hạn của chính nó. Đồi gió hú là một cuốn tiểu thuyết kì lạ vì nhiều lý do, trong đó ít nhất là nó không được viết ra để người đọc yêu thích các nhân vật của mình.

Tác giả và hoàn cảnh ra đời của Đồi gió hú

Đồi gió hú là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn Emily Bronte, bà sinh ngày 30/07/1818 và mất ngày 19/12/1848 tại Yorkshire, Anh. Cha mẹ bà sinh được sáu người con, năm người con gái lớn lần lượt là: Maria, Elizatheth, Charlotte, Emily, Anne, và người em trai út là Patrick Branwell Bronte. Tháng 09/1921, mẹ bà, Maria Branwell Bronte qua đời vì ung thư. Tháng 05/1926, hai người chị cả qua đời vì bệnh lao. Cha bà, Patrick Bronte là một nhà thơ, nhà văn và tôn giáo học, người đã gánh cả nhiệm vụ làm cha và làm mẹ, khác với xã hội Anh đương thời không tôn trọng phụ nữ, ông luôn chú trọng đến việc học hành của các con, khuyến khích và cho các con tiếp xúc với văn học, sách vở từ rất sớm. Chính vì thế mà các chị em nhà Bronte đã sớm có được một nền tảng giáo dục phong phú và cá tính độc lập, mạnh mẽ.

Trong hoàn cảnh đó, năng khiếu văn học của ba chị em lại nảy nở, phát triển một cách lạ thường. Suốt thời thơ ấu, thiếu vắng hình bóng người mẹ, ba chị em cùng người em trai út đã sáng tạo ra những vùng đất tưởng tượng, các địa điểm này đã được dùng trong các tác phẩm văn học của họ về sau.

Năm 1842, Emily Bronte nhận làm gia sư tại trường nữ thục Patchett. Sau 6 tháng bà bỏ việc vì nhớ nhà. Sau đó, Charlotte và Emily theo học tại một trường tư thục ở Brussels. Trước đó, Emily cũng rời trường học ở Cowan Bridge rồi trường Roe Head vì cảm thấy không thể sống ở một nơi xa lạ. Cuối cùng, bà về sống dưới mái nhà của mình, và lặng lẽ viết nên một kiệt tác hoàn hảo. Chỉ với Đồi gió hú, Emily Bronte đã ghi tên mình vào tượng đài bất tử của nền văn học thế giới.

Năm 1846, ba chị em bà cùng in chung một tập thơ. Dưới định kiến của xã hội đương thời về vai trò của các nhà văn, nhà thơ nữ, họ dùng những chữ cái đầu trong tên của mình để lấy những bút danh mang tính nam giới, Charlotte Bronte, Emily Bronte, Anne Bronte lần lượt có các bút danh là Currer Bell, Ellis Bell, Acton Bell.

Đồi gió hú được viết từ tháng 10 năm 1845 đến tháng 6 năm 1846, tên của quyển tiểu thuyết bắt nguồn từ một trang viên nằm trên vùng đồng cỏ hoang dã ở Yorkshire, wuthering là một từ Yorkshire được dùng để chỉ thời tiết thất thường (turbulent weather), Đồi gió hú được xuất bản lần đầu năm 1847 dưới bút danh Ellis Bell.

Năm 1847 là năm thành công của cả ba chị em nhà Bronte; Jane Eyre của Charlotte, Đồi gió hú của Emily và Agnes Grey (Người gia sư) của Anne đều được xuất bản. Trước đó, cả 3 tác phẩm đều bị các nhà xuất bản gửi trả lại nhiều lần; cho đến khi Geogre Smith, ông chủ một nhà xuất bản ở London, mới 23 tuổi, quyết định mạo hiểm xuất bản chúng. Chính ông cũng không ngờ đã góp phần làm cho các tác phẩm chói sáng vì được giới thiệu rộng rãi ra công chúng.

Không đành để cho tên mình chìm vào vô danh, Charlotte và Anna đã đến tận nhà riêng của tổng biên tập nhà xuất bản và giới thiệu mình. Vị tổng biên tập đã rất bất ngờ khi nhìn thấy hai cô gái nhà quê ăn mặc đơn giản, run rẩy và xấu hổ đứng trước cửa nhà mình cùng với một tập thư mà Nhà xuất bản của ông đã gửi cho Ellis, Currer, và Acton Bell. Ngay lập tức danh tính của ba chị em được công bố với độc giả. Quyết định đó của họ đã đánh một hồi chuông làm thay đổi quan điểm của các nhà nghiên cứu phê bình và xã hội đương thời, góp phần bước đầu vào hành trình nhìn nhận lại giá trị trong những tác phẩm của các nhà văn nữ; và giúp ghi nhận, đánh giá tài năng của ba chị em nhà Bronte trước khi họ qua đời. Mặc dù ở xã hội phương Tây, định kiến xã hội đương thời khi đó vẫn coi thường vai trò của người phụ nữ. Người phụ nữ ngoài lấy chồng, sinh con, nữ công gia chánh, không được công nhận ở bất cứ phương diện nào trong đời sống xã hội. Đến tận gần một thế kỷ sau, cuốn sách Căn phòng riêng của Virginia ra đời vẫn như một cuốn sách đặt nền móng cho nữ quyền luận và đánh giá lại vai trò của các nhà văn nữ.

Một năm sau lần xuất bản đầu tiên, năm 1848, ở tuổi 30, Emily Bronte qua đời. Sau khi qua đời, lần xuất bản thứ hai của Đồi gió hú được biên tập bởi chính người chị Charlotte. Anne Bronte mất một năm sau đó, và người chị gái Charlotte cũng ra đi ở tuổi 38 vào năm 1854.

Thời điểm Emily lâm vào cơn khủng hoảng bệnh tật là sau đám tang của em trai Patrick Branwell Bronte. Trước đó, bà đã tập trung toàn bộ sức lực để chăm sóc Branwell, nhưng do sức khỏe ngày càng yếu dưới ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu lâu năm và ăn chơi xa đọa, sau sáu tháng Branwell qua đời. Chính cuộc đời xuống dốc thê thảm của Branwell là hình mẫu để Anne tạo nên nhân vật người chồng trong tác phẩm “Người tá điền đồi Wildfell”, tác phẩm đầu tiên được ghi nhận công khai đấu tranh cho nữ quyền. Emily đã mắc cảm lạnh ngay tại lễ tang của em mình. Bà quá đau buồn và suy sụp nhưng luôn tỏ ra mạnh khỏe, bà từ chối những điều trị y tế cũng như thăm khám của bác sĩ.

Mặc dù Patrick Branwell Bronte đã hủy hoại thanh danh của gia đình vì thói nghiện ngập, Emily vẫn tha thứ hết mọi lỗi lầm và dành tình thương yêu sâu sắc cho em trai hơn bất cứ thành viên nào trong gia đình, bà là người duy nhất trong gia đình vực em trai lên lầu sau những lần rượu say về nhà. Ngoài tình cảm ruột thịt, giữa Emily và Branwell còn có một sự kết nối tâm linh hết sức kỳ lạ. Sau cái chết của Branwell, nữ văn sĩ càng trở nên khép mình, xa lánh các chị em còn lại và khác với họ, không nửa lời phán xét lối sống sa đọa của em trai.

Tại thời điểm ba chị em nhà Bronte nổi lên, Jane Eyre nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy nhất, nhận được nhiều lời khen ngợi từ độc giả và cả giới phê bình. Khi đó, nó được đánh giá là sáng tác tốt nhất trong những tác phẩm của ba chị em nhà Bronte. Đồi gió hú vẫn đạt được thành công nhất định về mặt doanh thu, nhưng sáng tạo chưa có tiền lệ về mặt mặt cấu trúc khiến các nhà phê bình bối rối và đưa ra nhiều nhận xét khác nhau. Đặc biệt, nội dung mà Đồi gió hú truyền tải đã gặp phải những phản ứng dữ dội. Nhiều lời ca ngợi trí tưởng tượng sống động và chi tiết, cũng như cách kể tự sự quyến rũ người đọc theo hành trình nhân vật, tác giả đã thổi một luồng gió mới vào nền văn học Anh. Nhưng hành động bạo lực, hoang dã, trần trụi, dữ dội và tăm tối của các nhân vật trong tác phẩm đã vi phạm những đạo lý đương thời. Đối với nhiều người, đây là một cuốn sách thô lỗ, tục tằn. Cuốn sách đã khiến các nhà phê bình tin rằng tác phẩm “rõ ràng là sản phẩm của tâm trí một người đàn ông thô bạo”.

Cho đến ngày nay, văn đàn thế giới vẫn còn nhắc tới Emily với tiểu thuyết Đồi gió hú, Charlotte với Jane Eyre và Anne với Người tá điền đồi Wildfell. Trong đó Jane Eyre, Đồi gió hú được coi là những tác phẩm kinh điển của kho tàng văn học thế giới. Và, hơn nữa, Đồi gió hú là một viên ngọc quý, là một tượng đài vĩnh cửu, là một kiệt tác vang dội của nghệ thuật.

Thể loại, môi trường, nhân vật và thế giới cảm xúc của Đồi gió hú

Đồi gió hú là một tiểu thuyết lãng mạn Gothic, Gothic là một thể loại văn học xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, phổ biến trong thế kỷ 19, nhưng vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm văn hóa hiện đại. Thể loại này thường được biết đến với các đặc điểm bí ẩn, kỳ bí, có những yếu tố siêu nhiên, kỳ ảo, không thể giải thích bằng lý trí. Mối quan hệ tình cảm thường phức tạp, với cảm xúc mạnh mẽ.

Yếu tố thiên nhiên

Sự hoang dại của thiên nhiên được khơi gợi ngay từ tựa đề của tiểu thuyết. Đồi gió hú và Ấp Grange (Thrushcross Grange) nằm giữa những ngọn đồi, những cánh đồng hoang vu, ngun ngút gió, thuộc một vùng đất xa lạ, vắng vẻ, và dường như vùng đất đó là một cộng đồng riêng lẻ, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống mang tính xã hội trong một cộng đồng rộng lớn.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, yếu tố thiên nhiên luôn có những tác động quan trọng nằm trong ý đồ của Emily Bronte. Chính thiên nhiên hoang dại, khốc liệt ấy đã góp phần cộng hưởng và khắc sâu bầu không khí của cuốn sách, đồng thời gợi nên một thế giới hỗn loạn của những con người và cảm xúc trong đó.

Yếu tố con người và cảm xúc

Sự miêu tả thiên nhiên hoang dại của Đồi gió hú nhằm khắc họa sâu sắc thêm cho những nhân vật trong tác phẩm. Cuốn sách không có nhiều nhân vật, Emily đã khắc họa họ là những con người trần trụi, đầy bản năng, thiếu lý trí, và vượt ra ngoài những khuôn mẫu của xã hội. Họ cô đơn, chịu sự đau khổ và phản ứng bằng cách đem lại đau khổ cho người khác. Mặc dù họ có hành xử điên rồ, thiếu phép tắc đến nhường nào, không một ai ở chốn hẻo lánh ấy có thể can thiệp, phản ánh và đưa họ trở về quy phạm chuẩn mực hơn. Họ trần trụi với bản năng, bản ngã sâu kín nhất của một con người.

Tác giả đã để những nhân vật của mình được phơi bày những góc khuất tăm tối nhất. Sự “hoang dại” trong tính cách ấy được bộc lộ một cách hoàn toàn tự do qua những lời nói, hành động thiếu lý trí, qua những mạch cảm xúc tuôn trào không thể kiểm soát. Đó là lý do vì sao tác giả đã đặt họ vào một chốn hoang vu, tách biệt như vậy. Những hành động và hậu quả bi kịch mà những nhân vật gây ra đều nằm ở chính họ chứ không ở một yếu tố khách quan nào khác. Những con người ấy dù đáng ghét và tệ hại, nhưng ẩn sâu trong tính cách của họ là những ẩn ức, những khổ đau, hận thù và cả sự cô đơn mà cuộc sống xung quanh họ đem lại. Qua đó, Emily đã rất thành công trong việc xây dựng nên những cá thể vô cùng phức tạp.

Dù là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, thế giới cảm xúc chủ yếu của Đồi gió hú lại vô cùng bạo lực và mãnh liệt. Chính dòng cảm xúc u tối, dày đặc và mãnh mẽ như sóng trào ấy đã khiến người đọc mang một cảm giác nặng nề khi tiếp cận cuốn sách.

Và điều đẹp đẽ nhất của Đồi gió hú không phải là tình yêu mãnh liệt giữa Heathcliff và Catherine, mà là cách tác giả để những nhân vật của mình được tự do giải phóng những tính cách, cảm xúc “nguyên thủy”, điên rồ và “hoang dại” nhất. Bạo lực và u tối, đau khổ và giận dữ, đẹp đẽ và nhơ bẩn chính là thế giới hỗn loạn nhưng bất khả xâm phạm của Đồi gió hú, nơi đó chỉ dành cho những người vốn dĩ đã thuộc về nó, dường như không ai có thể hiểu và bước chân vào thế giới ấy.

Cuốn sách là để ta đắm chìm trong từng cơn giận dữ, phẫn uất và đau khổ. Qua những giai thoại cảm xúc không mấy dễ chịu cũng không thể chân thật hơn như vậy, ta mới có thể thật sự hòa mình vào thế giới quan của cuốn sách.

Rồi ta sẽ nhận ra những nhân vật đáng ghét ấy thật ra cũng đáng thương đến nhường nào. Nếu ta đủ tỉnh táo và nhìn thấu qua sự giận dữ, ức chế của chính mình, có thể ta sẽ thấy đồng cảm hơn với những con người tội nghiệp ấy. Và phải chăng, bằng cách đó, đi qua sự chắt lọc của thời gian, Emily Brote cũng đang thách thức biết bao thế hệ độc giả đã và đang cầm trên tay cuốn sách kinh điển mang tên Đồi gió hú.

Nghệ thuật nổi bật trong Đồi gió hú

Vào thời điểm ra đời, Đồi gió hú đã nổi bật khi mang những nét đặc sắc ở nghệ thuật xây dựng nhân vật và xây dựng kết cấu trong toàn bộ câu chuyện. Cuốn sách đã làm giới phê bình và độc giả bối rối bởi cấu trúc “truyện lồng trong truyện”, một sự sáng tạo mà trước đó chưa từng ai làm, trong lần đầu tiên xuất hiện này, Emily Brote đã làm nó một cách hoàn hảo. Đồi gió hú không trực tiếp đi vào câu chuyện mà dẫn dắt người đọc theo chân các nhân vật qua một cánh cửa khác. Toàn bộ câu chuyện được tác giả dùng ngôi kể tự sự thứ nhất và thứ hai, đôi khi là thứ ba. Đồi gió hú chủ yếu được kể lại qua giọng của ông Lockwood và bà Dean Nelly. Toàn bộ câu chuyện được kể lại qua góc nhìn, lời kể của những nhân vật này, đôi khi có thể bao gồm cả việc kể lại lời kể của nhân vật khác. Chúng ta không thể biết được người trong cuộc suy nghĩ gì khi mà câu chuyện được gọt đẽo qua góc nhìn của những người quan sát. Điều này tạo ra sự khó nắm bắt, giữ được sự bí ẩn cho các nhân vật, từ đó tạo ra nhiều suy đoán của độc giả và giới phê bình về ý nghĩa của tác phẩm và các nhân vật.

Dòng thời gian được kể lại phi tuyến tính, biến tấu một cách tài tình và có chủ ý, giúp người đọc có quãng nghỉ giữa các sự kiện để nhìn lại, để suy nghĩ, và để làm mờ ranh giới giữa các câu chuyện cũng như cấu trúc và thể loại của Đồi gió hú.

Sức mạnh của tiểu thuyết và tài năng của tác giả đã được thừa nhận. Câu chuyện của Emily Bronte giống rất nhiều chuyện tình lãng mạn kiểu Gothic, không diễn ra ở một hoàn cảnh xa xôi ở thế giới bên kia. Nó không phải là một chuyện kể được đặt ra ngoài không gian, thời gian. Emily cũng đã có những sáng tạo tuyệt vời, một mặt bà kế thừa và phát triển, mặt khác bà đã phá vỡ hoàn toàn, một cách đầy thách thức, cả hai kiểu truyền thống trong văn học Anh, đó là kiểu truyền thống của người Scotland áp đặt nhà tiểu thuyết phải giải quyết đề tài theo kiểu lãng mạn, và kiểu truyền thống đòi hỏi nhà văn phải phản ánh nguyên xi “bộ mặt thật” của cuộc sống.

Đồi gió hú đã miêu tả một cách phi thực thế giới nội tâm của các nhân vật. Chính những ám ảnh khủng khiếp của tình yêu, sự khao khát chiếm hữu, và sự phản ứng lại những bất công người khác tạo ra đã làm trỗi dậy những mặt tăm tối của các nhân vật, sự ích kỷ, thù hận, ghen tuông và sợ hãi. Và trong sự non dại thơ trẻ của mình, các nhân vật không đủ sức để chuyển hóa những phần gai góc đớn đau đó để có thể chạm tới được tình yêu thanh khiết nhất còn lại sau cùng. Cuốn sách như ép buộc độc giải phải thừa nhận sự bất lực của mình khi đối mặt với bão tố trong chính thế giới nội tâm của mình.

Tác phẩm không chỉ đơn thuần miêu tả một cuộc tình oan trái một cách hời hợt, mà nữ nhà văn đã mài giũa một cách kì công những góc cạnh trong thế giới nội tâm của nhân vật đến hoàn hảo, sắc sảo nhất. Mỗi người trong số họ đều phải đấu tranh với số phận, và trên hết là đấu tranh với chính “con quỷ” trong tâm khảm mình.

Những ý nghĩa của Đồi gió hú

Đồi gió hú là một sự kết hợp giữa truyền thống và xu hướng mới nổi trong văn học. Đó là những yếu tố lãng mạn, kỳ ảo của thể loại tiểu thuyết Gothic và xu hướng mới của thời Victoria về tiểu thuyết hiện thực. Một mặt, tác giả sử dụng chất liệu ballad dân gian, các yếu tố lãng mạn, kỳ ảo, nhấn mạnh vào những đam mê trần trụi, sự tìm kiếm chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Mặt khác, phần sau của cuốn tiểu thuyết hướng tới cộng đồng và nghĩa vụ, hướng tới việc lý tưởng hóa một gia đình có những mối quan hệ chặt chẽ hơn, là xu hướng mới của tiểu thuyết thời Victoria. Cuốn tiểu thuyết của Emily Bronte kết hợp những truyền thống và thể loại khác nhau này theo nhiều cách thú vị, đôi khi kết hợp và đôi khi đặt chúng cạnh nhau.

Tác phẩm Đồi gió hú của Emily rất khác những gì mà những người phụ nữ thường viết ra vào đầu thế kỷ 19. Phần lớn sự khác biệt đó là cách bà đã đối đầu với truyền thống trong văn học.  Trong phần đầu của cuốn tiểu thuyết, tác giả đã mô tả quá trình Heathcliff hủy hoại Hindley, hành hạ tàn bạo con trai của Hindley là Hareton, đối xử tàn nhẫn với vợ và con trai mình. Sự mô tả đó thể hiện Heathcliff như một nhân vật phản diện kiểu Gothic, một con người ma quỷ, thuộc về thế giới khác. Hình mẫu Gothic của Heathcliff được củng cố bởi những kịch tính xung quanh cái chết của Catherine, khi Heathcliff dường như đang giao tiếp với linh hồn của Catherine.

Khi bước sang câu chuyện của thế hệ tiếp theo, nội dung của quyển tiểu thuyết dần thay đổi, chuyển từ Gothic sang chủ nghĩa hiện thực thời Victoria. Nửa sau của cốt truyện, câu chuyện thế hệ thứ hai của Linton Heathcliff, Hareton Earnshaw và Catherine Linton khởi đầu kiểu Gothic, trong đó Hareton trở thành công cụ của Heathcliff trong vụ bắt cóc Catherine, cô bị ép buộc kết hôn với Linton và bị giam cầm ở Đồi gió hú; kết thúc bằng sự khép lại theo cách thông thường của tiểu thuyết thời Victoria, trong đó người anh hùng Hareton và Catherine vượt qua những khó khăn của một xã hội gây trở ngại và rút vào thế giới riêng của gia đình; nơi xã hội, các giá trị hợp tác được đổi mới trong lòng gia đình. Sự từ bỏ cái cũ lạc hậu để tiếp nhận cái mới được hoàn thành bằng việc Hareton và Catherine chuyển từ Đồi gió hú đến ấp Thrushcross Grange. Trước đây, không gian gia đình như nhà tù, gia đình là nơi chứa đựng những đam mê nguyên thủy, bạo lực, đấu tranh và kiểm soát. Giờ đây, dấu hiệu về một sự thay đổi đã được nhen lên.

Gothic là thể loại chủ yếu trong cốt truyện về thế hệ đầu tiên của Đồi gió hú, nó gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, các yếu tố huyền bí, siêu nhiên và thiên nhiên hoang dã. Trong tác phẩm này của Emily, những yếu tố đó còn nhằm thể hiện cho nỗi sợ hãi của phụ nữ và đưa ra những tưởng tượng để thoát khỏi chúng, thoát khỏi không gian vừa là nơi ẩn náu, vừa là nơi giam cầm đối với phụ nữ.

Qua câu chuyện của Catherine Earnshaw ta thấy, một tuổi thơ xen kẽ giữa việc bị “giam giữ” trong nhà và những lần tự do lang thang nhưng trong không gian giới hạn của vùng đồng hoang, sau đó bị giam cầm trên chiếc ghế dài ở Thrushcross Grange. Thân phận phụ nữ và cuộc hôn nhân với Edgar càng giới hạn cô ấy trong một gia đình quý tộc cách biệt với xã hội xung quanh, và đoạn kết của cuộc đời Catherine Earnshaw là cảm giác bị giam cầm trong những không gian ngày càng hạn chế hơn: ngôi nhà, căn phòng của cô ấy, và cuối cùng là trong nấm mồ. Catherine Earshaw, một mặt vẫn bị trói buộc vào những định kiến, lề thói cũ bằng cuộc hôn nhân với Edgar; một mặt lại khao khát thoát khỏi những “giam cầm” đó bằng tình yêu với Heathcliff. Nhưng cô mắc kẹt giữa chúng, đó là bi kịch của cô.

Tương tự như vậy, câu chuyện của Isabella Linton tập trung vào số phận phụ nữ như một sự lựa chọn giữa mức độ và các loại giam cầm, khi Isabella chạy trốn khỏi sự giam cầm ngột ngạt của một gia đình quý tộc, cô bị giam cầm một cách tàn bạo hơn tại Đồi gió hú, nơi đó là thành trì của bạo lực nam giới.

Giai đoạn đầu tiên của Catherine Linton cũng theo cách tương tự Isabella. Mặc dù là một phụ nữ trẻ, sôi nổi, Catherine Linton cảm thấy khó chịu trước mối ràng buộc của sự chăm sóc và môi trường được bao bọc quá mức ở Thrushcross Grange, Catherine tìm cách thoát khỏi sự bao bọc đó, và bị giam cầm thật sự sau cuộc hôn nhân bị ép buộc với Linton Heathcliff. Cathy mà Lockwood quan sát trong phần đầu câu chuyện thực sự là một tù nhân trong ngôi nhà, bị khống chế không chỉ bởi Heathcliff mà còn bởi luật hôn nhân và những định kiến đương thời. Sự kiểm soát hợp pháp của đàn ông đối với phụ nữ và tài sản của họ đóng một vai trò quan trọng trong cốt truyện của cuốn tiểu thuyết.

Cấu trúc tường thuật của cuốn tiểu thuyết không tuân theo trật tự, dòng thời gian phi tuyến tính có xu hướng làm mờ ranh giới giữa các thế hệ, ý đồ sâu xa hơn là làm mờ các thể loại văn học mà tác giả đã sử dụng. Việc Emily Bronte chuyển thể các quy ước của câu chuyện theo khung Gothic là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình này. Trong các tiểu thuyết Gothic trước đó, câu chuyện trung tâm được tiếp cận thông qua nhật ký, thư từ và các tài liệu khác được chép lại hoặc chỉnh sửa nội dung bởi người truyền tải trong cuộc. Trong Đồi gió hú, người đọc tiếp cận câu chuyện trung tâm thông qua một người ngoài cuộc, Lockwood, trung gian cho câu chuyện của người trong cuộc là Nelly. Để có thể tiếp cận những câu chuyện xảy ra trong Đồi gió hú, người đọc phải vượt qua cấu trúc nhận thức, và những ý chí chủ quan của một người kể ngoài cuộc và một người tường thuật trong cuộc.

Toàn bộ câu chuyện trong Đồi gió hú được kể lại bởi các ngôi kể tự sự là Lockwood và Nelly, một người nam và một người nữ, với tính cách khác nhau, một người đến từ thế giới bên ngoài, một người đến từ thế giới bên trong. Việc phân lớp tường thuật này tích cực lôi kéo người đọc vào quá trình đi tìm sự thật bị che khuất bởi các quan điểm và tình cảm cá nhân của người kể, cũng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa bên trong và bên ngoài, riêng tư và công khai, những yếu tố siêu nhiên và hiện thực.

Trong phần đầu của cuốn tiểu thuyết, nhân vật Lockwood được mô tả là thiếu sự phù hợp về mặt nhận thức thực tiễn, những lời nói của Lockwood thường bị hớ so với thực tế ở Đồi gió hú. Những kỳ vọng của Lockwood nhấn mạnh một gia đình lý tưởng, là gia đình được chủ trì bởi người đàn ông, người vợ phục tùng chồng mình, quyền kiểm soát pháp lý và tài chính thuộc về người đàn ông. Tuy nhiên, thực tế tại Đồi gió hú, như chứng kiến của Lockwodd, hoặc trải nghiệm của hai Catherine và Isabella nhấn mạnh vào mặt khác của lý tưởng này, đó là sự bất bình đẳng trong trao đổi và sự chuyên chế ngầm của cấu trúc.

Sự liên tục về cấu trúc, của thể loại cũng được thấy theo cách trong đó cốt truyện thế hệ thứ hai được kể lại theo gần giống câu chuyện thế hệ thứ nhất. Đồi gió hú kể cùng một câu chuyện hai lần, nhưng đã sửa đổi nó.

Điều gì liên quan trong việc kể lại, và ý nghĩa của việc kể lại là gì? Sự sửa đổi là một sự đánh mất quyền lực, và đi đến thỏa hiệp. Đồi gió hú không lật đổ một hệ tư tưởng thống trị; nhưng cuối cùng, nó làm mất đi các yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên, thiết lập một chủ nghĩa hiện thực mới. Ở đó, có sự bình đẳng hơn, phụ nữ không còn là nạn nhân của quyền lực gia trưởng.

Đi đến những phần kết của Đồi gió hú, chúng ta thấy sự phát triển của nhân vật, sự tìm kiếm con đường để thay đổi hiện thực, sự khôi phục của gia đình, khôi phục sự ổn định bị phá vỡ và những lời báo trước về hạnh phúc kéo dài trong không gian được bảo vệ của gia đình hạt nhân lý tưởng. Catherine Linton, người trước đây đã phải chịu đựng sự bất lực do hệ thống pháp luật gia trưởng, cấu trúc gia đình và quan điểm thống trị phụ nữ áp đặt lên mình, học cách sử dụng một số sức mạnh nằm trong khả năng của chính mình. Đó là tìm đến tri thức, cô ấy có thể vừa tiến hành một cuộc khẩu chiến dí dỏm với Heathcliff, vừa có thể biểu thị sự tự do giàu trí tưởng tượng của mình bằng cách nương tựa vào một cuốn sách. Mặt khác, cô trao quyền cho Hareton bằng cách giúp anh ta học đọc; nói cho anh ta hiểu rõ về sự thật, nhằm thúc giục anh ta đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Sự khai sáng của Catherine đối với Hareton là một biến thể thú vị của một chi tiết trong nhiều tiểu thuyết thế kỷ 18 và 19, trong đó nhân vật nam là người mang lại kiến thức cho nhân vật nữ, ở đây thì ngược lại.

Trong quá trình bước qua chế độ chuyên chế gia trưởng, tình yêu từ chiếm hữu, sắp đặt, bản năng chuyển sang tình yêu lãng mạn, đã có những chi tiết tán tỉnh lãng mạn và hôn nhân đồng hành của Catherine và Hareton. Trong quá trình chuyển đổi này, Đồi gió hú tham gia với sự nữ tính hóa của văn học. Tuy nhiên, tiểu thuyết của Bronte không chỉ phản ánh hay trình bày quá trình này mà còn điều tra và khám phá nó. Sự gián đoạn trong câu chuyện, sự xáo trộn về trình tự thời gian, sự pha trộn giữa các thể loại và sự dịch chuyển thời gian của Bronte cũng nhằm mục đích này, Đồi gió hú xuất bản năm 1847 nhưng lấy bối cảnh thời gian năm 1801. Những điều này kết hợp lại, tạo ra một cuốn tiểu thuyết quay ngược thời gian để truy tìm sự hài hòa giữa hai thể loại trong văn học và và sự xuất hiện của hình thức gia đình mới. Hình thức gia đình mới (đại diện bởi Hareton và Catherine) đã thay thế hình thức gia đình lớn hơn nhưng có liên quan lỏng lẻo, rút về một không gian riêng tư và tách bạch khỏi nơi làm việc.

Những khát vọng điên cuồng

Phần lớn các tác phẩm lãng mạn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phấn đấu, sự phát triển và khát vọng của nhân vật. Không chỉ đơn thuần là khát vọng nằm trong tầm với trần thế, mà nó còn nằm ngoài tầm với của trần thế. Quả thực, nó vượt xa những gì có thể tưởng tượng được. Bởi vì nếu có thể đạt được khát vọng, thì bản thân khát vọng sẽ không còn cần thiết nữa, nhân vật đã đạt được sự thỏa mãn của mình. Heathcliff và Catherine Earnshaw đều không thể sống trong một thế giới mà ở đó khát vọng điên cuồng của họ được thỏa mãn, cái chết là tất cả những gì còn lại để phấn đấu hướng tới.

Nhưng trong sự phát triển của nhân vật, khi sự khao khát trở nên hoang dại, nó vượt xa những gì được cho là phù hợp, sự khao khát đó chỉ có thể dẫn đến bi kịch. Và trong các tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, nhân vật không bao giờ được đi quá xa điều đó. Trong Đồi gió hú, càng về cuối, hai nhân vật chính ngày càng đi vào ảo giác.

Cũng có sự phấn đấu của các nhân vật trong Đồi gió hú, và mục tiêu của sự phấn đấu này không rõ ràng, sự phấn đấu được trình bày như một phép ẩn dụ. Tuy nhiên, niềm khao khát của Catherine và Heathcliff không phải là điều có thể thỏa mãn trên trái đất. Họ đều không phấn đấu cho hạnh phúc gia đình. Cathy thậm chí không thể tưởng tượng được một thiên đường nơi những nỗ lực của cô có thể được thỏa mãn: có lúc cô mơ thấy mình đang ở trên thiên đường, nhưng ở đó cô quá bất hạnh và bị đưa trở lại Đồi gió hú. Catherine cũng như Heathcliff, mãi mãi hướng tới một thứ gì đó không bao giờ có thể thỏa mãn, kể cả trên thiên đường. Vì đây không phải là loại tình yêu mà người ta thường tìm thấy trong những câu chuyện tình yêu- thứ tình yêu mà người ta có thể được thỏa mãn. Hai người này khao khát nhau với một niềm khao khát mà thế giới này khó có thể tưởng tượng được, ngay cả khi hoàn cảnh cho phép, việc hai người này tìm thấy hạnh phúc trần thế thật nhạt nhẽo. Họ khao khát nhau vì họ phải làm vậy, vì không thể làm khác được.

Niềm khao khát mà Heathcliff và Catherine dành cho nhau có thể là một phép ẩn dụ cho một điều gì đó khác. Nhưng sự khao khát mãnh liệt của Heathcliff và Catherine thực sự vượt xa mục đích bề ngoài của nó. Đây là những ham muốn siêu phàm- lớn hơn rất nhiều so với cuộc sống. Đó là niềm khao khát lãng mạn về những thứ mãi nằm ngoài tầm với của con người, và lần đầu tiên nó được thể hiện trong một cuốn tiểu thuyết. Emily Bronte không đưa ra phán xét đạo đức nào, Heathcliff và các nhân vật của bà làm như vậy vì họ không thể khác được.

Đồi gió hú là một quyển tiểu thuyết đặc biệt, Emily Bronte đã cố tình tạo ra những tình tiết nhằm đảm bảo rằng người đọc không thích, không có tình cảm với bất kỳ nhân vật nào do bà tạo ra. Ngay cả Lockwood, Dean Nelly, hoặc Edgar Linton, những nhân vật có vẻ là dễ gây được nhiều cảm tình nhất, cũng bị Emily Bronte cài cắm những tình tiết để người đọc thấy được những mặt xấu của họ.

Những nhân vật trong Đồi gió hú là những con người bản năng, trong một thế giới không ngừng tồi tệ. Cho đến nay, vẫn chưa có thêm cuốn tiểu thuyết nào cố gắng mô tả những con người như thế. Để phù hợp với những nhân vật như vậy, Emily Bronte đã tạo ra một thế giới hư cấu thu gọn thành hai ngôi nhà trên đồng hoang, gợi ý về một thế giới khép kín trong sự bao la rộng lớn bên ngoài. Ý thức về thế giới khép kín được nhấn mạnh bằng nhiều cách. Mặc dù người ta biết rằng có một thế giới bên ngoài tồn tại, nhưng tất cả các nhân vật (ngoại trừ người kể chuyện Lockwood, và Frances, vợ của Hindley) đều thuộc về thế giới khép kín của Đồi gió hú và Thrushcross Grange. Heathcliff cũng là một người ngoài cuộc nhưng nhanh chóng trở thành một phần của thế giới đó. Chúng ta không bao giờ được đưa ra ngoài thế giới khép kín này, mọi cảnh đều xảy ra ở một trong hai ngôi nhà, hoặc trong cánh đồng hoang giữa chúng. Chỉ một đoạn ngắn trong những chương cuối cùng, khi người đọc được báo hiệu gợi mở về những bước ngoặt và sự thay đổi, chúng ta mới được có một cảnh ngắn ở Gimmerton gần đó. Và những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài không bao giờ được làm sáng tỏ, chúng ta không bao giờ biết Heathcliff thực rự là ai, tại sao ông Earnshaw quyết định nhận anh ta làm con nuôi, hay anh ta kiếm được tài sản như thế nào. Điều gì xảy ra bên ngoài thế giới của Đồi gió hú và của Thrushcross Grange, ngay cả khi nó tác động đến câu chuyện, đều không được mô tả.

Ngay cả những cái tên cũng sẽ làm người đọc thấy được sự hạn hẹp, những cái tên lặp lại với nhiều cách kết hợp khác nhau: Catherine Earnshaw, Edgar Linton, Catherine Linton, một Catherine Linton khác, Linton Heathcliff, Catherine Heathcliff, v.v... như thể chỉ có một vài cái tên để lựa chọn, và mỗi cái tên đều phải được tạo thành từ những mẩu vụn này, hơn một thế kỷ sau, Gabriel Garcia Marquez đã sử dụng cách tương tự trong Trăm năm cô đơn để gợi ý về một thế giới khép kín tương tự. Những cuộc tình, những cuộc hôn nhân cũng chỉ giới hạn trong hai ngôi nhà, như thể họ không thể có lựa chọn khác, mặc dù có một thế giới bên ngoài hai ngôi nhà đó. Có rất nhiều điều diễn ra trong cuốn tiểu thuyết này nhằm khám phá những mặt tối của con người, và đặt cuộc khám phá này trong một khung cảnh gia đình khép kín sẽ tăng cường tác động mạnh mẽ của những mặt tối đó.

Cốt truyện và cấu trúc của Đồi gió hú phức tạp, nhưng Bronte để những người dẫn truyện của mình kể lại một cách rất uyển chuyển. Diễn biến của cốt truyện rất khác nhau ở mỗi phần, có rất nhiều tình tiết được nhồi nhét trong chưa đầy 300 trang đầu tiên, nhưng nó vô cùng hợp lý và tài tình.

Khung cảnh câu chuyện được ông Lockwood kể cho chúng ta nghe, nhưng phần chính của câu chuyện được Nelly Dean thuật lại cho ông nghe, và khá thường xuyên, như khi Nelly đọc những bức thư của Isabella, chúng ta nhận được những lời tường thuật bên trong những lời kể. Sự phù phiếm, đôi khi ngốc nghếch của nhân vật Lockwood và ý thức giản dị, chất phác của Nelly Dean mang lại sự cân bằng rất nhiều cho bản chất điên rồ của phần lớn nội dung. Emily Bronte không bao giờ cho người đọc biết nhiều hơn những gì người kể chuyện có thể kể. Thậm chí còn để lại những khoảng trống cho người đọc tự đi tìm lời giải. Bronte chỉ cho phép mình quyền tự do chuyển hướng giọng điệu của người kể chuyện.

Đồi gió hú có một cái kết êm đềm, vào đúng thời điểm cuộc trả thù của mình sắp hoàn thành, Heathcliff đã dừng lại. Heathcliff dừng lại không phải vì bất kỳ sự cân nhắc nào về mặt đạo đức. Heathcliff  mất đi mong muốn trả thù một cách thụ động, bởi vì Heathcliff không còn động cơ để giữ mình sống, Heathcliff khao khát cái chết và chào đón nó. Đối với Heathcliff, rào cản giữa hiện thực và siêu nhiên mờ nhạt. Heathcliff là một nhân vật vừa chịu đựng đau khổ vừa gây ra đau khổ. Và trong mỗi trường hợp, chúng ta phải luôn cân bằng giữa cảm giác thương hại vì những gì họ đã chịu đựng và nỗi kinh hoàng vì những gì họ đã gây ra. Trong giai đoạn cuối cùng của mình, mong muốn gây ra đau khổ tan biến, điều còn lại không chỉ là ký ức về những gì anh ta đã phải chịu đựng trong quá khứ, mà còn là sự thật rằng anh ta vẫn tiếp tục phải chịu đau khổ. Và vì vậy, ở giai đoạn này, nhiều độc giả thậm chí có thể thấy mình đồng cảm với người đàn ông thô ráp, trần trụi này. Không có gì là rõ ràng trong cuốn tiểu thuyết này, luôn có sự gợi mở về một góc nhìn khác ở Đồi gió hú.

Cũng trong giai đoạn cuối cùng của mình, Bronte đã để cho Heathcliff có đôi lần nhìn lại bản thân mình. Điều trước kia nhân vật chưa từng làm. Tình yêu đang nảy nở giữa Hareton và Catherine chính là điều Heathcliff đã có thể trở thành, Heathcliff nói với Nelly: “Năm phút trước, Hareton dường như là hiện thân của tuổi trẻ của tôi…”.

Và với sự chuyển đổi này, toàn bộ giai điệu của cuốn tiểu thuyết thay đổi một cách kỳ diệu. Như thể tất cả những đám mây bão tố lần lượt tan biến, để lại bầu trời trong xanh và bầu không khí thanh bình.

Một trong những điều tuyệt vời ở Đồi gió hú là sự khó nắm bắt của nó, nó đơn giản là bất chấp định nghĩa. Luôn có những phản biện treo những dấu hỏi khổng lồ lên cuốn tiểu thuyết kinh điển này. Việc bị treo trong thế cân bằng chính là sự phức tạp của cuộc sống, những điều khó nắm bắt và không thể biết được, thực sự đã được khắc sâu vào kết cấu của kho tàng văn học.

Lời kết cho Đồi gió hú

­­­Vào tháng 1/1848, không lâu sau khi cuốn tiểu thuyết này xuất bản lần đầu tiên, trên tuần báo Douglas Jerrold có viết: “Đồi gió hú là một tiểu thuyết khác lạ, làm lung lay mọi bình luận thông thường; hơn nữa không thể không đọc hết nó, càng không thể gác sang một bên mà không bàn luận gì. Ý tưởng bao trùm lên người đọc là sự ác độc tàn nhẫn và tình yêu hoang dại… Hình như có sức mạnh trong cuốn sách này nhưng đó là một sức mạnh vô thức… Trong Đồi gió hú, người đọc bị choáng vàng, phẫn nộ và ghê tởm bởi những chi tiết tàn bạo, thiếu tính nhân đạo, lòng căm thù quái ác và sự báo thù… Hơn nữa, gần kết thúc truyện, xuất hiện một bức tranh êm đềm và tuyệt đẹp giống như chiếc cầu vồng sau một cơn mưa…

Chúng tôi gợi ý độc giả yêu thích cái mới hãy tìm đọc cuốn truyện này, vì chúng tôi có thể đảm bảo rằng họ chưa bao giờ từng đọc cái gì tương tự trước đây. Nó rất khó hiểu và thú vị, và nếu chúng ta có thời gian, chúng ta có thể sẵn lòng dành một chút thời gian để phân tích câu truyện đáng chú ý này….

Và cho đến nay, Đồi gió hú vẫn là một tác phẩm để lại nhiều điều bí ẩn không thể giải thích đối với giới phê bình và độc giả. Giá trị đã được khẳng định và trở thành một tượng đài của kho tàng văn học thế giới.

Đồi gió hú được viết  ra mà tác giả của nó không hề đứng trên quan điểm đạo đức thông thường, bà cũng không hề phán xét các nhân vật của mình. Tác giả chỉ tập trung xây dựng một cách tài tình các lớp lang của nội dung, đan xen, kết hợp trong các thể loại và kết cấu của văn học, tập trung miêu tả, phân tích, khắc họa những diễn biến tâm lý của các nhân vật. Chạm sâu nhất vào những bản năng đen tối nhất của một con người.

Cuộc đời của các nhân vật cứ đan xen nhau, chồng chéo lên nhau làm thành những lớp lang của bản năng, tình yêu và sự thù hận. Những mắt xích cứ xoắn lấy nhau, và chúng vận hành bánh xe cuộc đời của họ. Ở Đồi gió hú, không hề có một tình yêu đẹp đẽ, cao thượng, ở đó chỉ có những thứ trần trụi nhất trong bản ngã của một con người. 

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment