Review sách Bắt trẻ đồng xanh

Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của JD Salinger. Mặc dù được coi là dành cho lứa tuổi bắt đầu trưởng thành, nó khác với những cuốn sách khác cùng thể loại bởi sự mơ hồ, đi ngược khuôn mẫu và sử dụng ngôn từ một cách thách thức. Cũng chính vì thế, Bắt trẻ đồng xanh trở thành một biểu tượng và phổ biến trong danh sách đọc của nhiều người trên khắp thế giới.

Tác phẩm Bắt trẻ đồng xanh

Bối cảnh của Bắt trẻ đồng xanh

Giám đốc điều hành một nhà xuất bản đã hỏi "Holden Caulfield có bị điên không?" trước khi từ chối bản thảo Bắt trẻ đồng xanh của JD Salinger. Ngày nay, độc giả có thể nhận ra rằng Holden mắc phải một số bệnh như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Để hiểu bối cảnh liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần trong những năm 1940, việc tìm hiểu đôi điều về Thế chiến II và sự phát triển của lĩnh vực tâm thần học trong và sau chiến tranh là cần thiết. Trước khi bước vào cuộc chiến, quân đội Mỹ đã nỗ lực ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm thần bằng cách sàng lọc những tân binh có những dấu hiệu cảnh báo. Có 1,8 triệu tân binh đã bị từ chối, 1,2 triệu quân nhân đang tại ngũ được đưa vào các cơ sở quân y trong suốt cuộc chiến vì chấn thương tâm lý. Ngược lại, chỉ có 680.000 quân nhân được đưa vào bệnh viện vì những chấn thương thể chất. Tình trạng mà hiện nay gọi là PTSD, khi đó chỉ được coi là những "mệt mỏi khi chiến đấu". Mặc dù vậy, gần một nửa số quân nhân Mỹ xuất ngũ trong Thế chiến II là do rối loạn tâm lý.

Bản thân Salinger không xa lạ gì với chấn thương thời chiến và cái gọi là “mệt mỏi khi chiến đấu”. Ông đã viết bản thảo đầu tiên của Bắt trẻ đồng xanh khi là một người lính trong Thế chiến thứ II. Vài tháng sau, sư đoàn của Salinger giải phóng trại tập trung Dachau. Ngay sau khi đình chiến, Salinger đã lo lắng cho sự ổn định tinh thần và tự mình đến một bệnh viện ở Nuremberg, Đức. Những trải nghiệm này được phản ánh gián tiếp trong trạng thái tinh thần của Holden và trực tiếp hơn trong nhân vật DB, một nhà văn đã chiến đấu trong Thế chiến thứ II. Như Holden nhớ lại trong Chương 18, khi DB được đơn vị cho một kỳ nghỉ phép và trở về nhà, "tất cả những gì anh ấy làm là nằm trên giường, thực tế là vậy. Thậm chí anh ấy gần như không bao giờ vào phòng khách". Trong DB, người đọc thoáng thấy một người đàn ông đang phải chịu đựng chấn thương tâm lý nào đó.

Mặc dù Holden không trải qua chiến tranh, nội dung của cuốn tiểu thuyết cho thấy có thể cậu cũng đang bị căng thẳng sau chấn thương. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chấn thương này là cái chết của người anh Allie. Holden cũng chứng kiến cái chết của người bạn cùng lớp, James Castle: "răng và máu của cậu ấy vương vãi khắp nơi", bạo lực thể xác và tình dục từ những người bạn khác ở trường. Thậm chí, Holden không thể nói cho chúng ta biết những gì James Castle đã phải trải qua - "điều đó quá ghê tởm". Cậu đề cập rằng Ernest Morrow tát khăn ướt và Carl Luce từng sờ mó những bạn khác trong hành lang. Sự tàn ác và bạo dâm có liên quan đến tình dục của các trường nội trú nam đã được các nhà văn khác như George Orwell mô tả. Holden hoảng sợ khi tỉnh dậy thấy thầy Antolini đang vuốt tóc mình: "khi một điều gì đó đồi trụy như thế xảy ra, tôi bắt đầu đổ mồ hôi như một tên khốn". Thầy Antolini có thể đang cư xử không đúng mực, nhưng cũng có thể, vì những điều Holden đã trải qua ở Pencey và các trường dự bị khác, cậu trở nên ghê tởm với những tiếp xúc cơ thể.

Cùng với những tiến bộ trong việc hiểu biết về sức khỏe tâm thần, giai đoạn hậu chiến cũng chứng kiến ​​những thay đổi trong việc hiểu biết về tình dục. Năm 1948, cuốn sách của Alfred Kinsey, Hành vi tình dục ở nam giới, đã được xuất bản. Báo cáo của Kinsey đưa ra một loạt số liệu thống kê, gần 92% nam giới có hành vi thủ dâm và 10% dân số là đồng tính luyến ái. Những số liệu này đã khiến công chúng Mỹ bị sốc, nó khiến những hành vi trước đây coi là "lệch lạc" hoặc "biến thái" có vẻ phổ biến, thậm chí là bình thường. Tuy nhiên đối với Holden, người tin rằng thế giới đầy rẫy những "kẻ biến thái và đần độn", thì quan điểm cởi mở hơn về tình dục là điều không thể. Khi làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn Edmont, cậu vừa kinh hoàng vừa phấn khích khi nhìn thấy một người đàn ông mặc quần áo phụ nữ, một người đàn ông và một người phụ nữ nhổ nước bọt vào mặt nhau. Holden kết luận: "Có lẽ tôi là tên khốn bình thường duy nhất ở đây - và điều đó không nói lên gì nhiều". Mặc dù chúng ta không thể biết liệu Salinger có cố ý mô tả sự bất ổn về mặt tinh thần của Holden theo trường phái Freud hay không, nhưng trạng thái tinh thần hỗn loạn của Holden phản ánh một nền văn hóa đang thay đổi.

Nhiều sự kiện từ thời thơ ấu của Salinger xuất hiện trong Bắt trẻ đồng xanh. Như việc Holden Caulfield chuyển từ trường này sang trường khác, bị đe dọa đưa vào trường quân sự và quen một sinh viên lớn tuổi hơn của Columbia. Trong tiểu thuyết, những chi tiết tự truyện như vậy được chuyển vào bối cảnh hậu Thế chiến II. Bắt trẻ đồng xanh được xuất bản vào thời điểm nền kinh tế công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, Mỹ trở nên thịnh vượng và các chuẩn mực xã hội cố hữu đóng vai trò là quy tắc cho thế hệ trẻ tuân theo đang bị lung lay.

Với việc Salinger sử dụng tiếng lóng, những lời tục tĩu và nói về tình dục tuổi vị thành niên một cách cởi mở, nhiều độc giả đã cảm thấy bị xúc phạm, Bắt trẻ đồng xanh đã gây ra nhiều tranh cãi khi mới xuất bản. Một số nhà phê bình cho rằng cuốn sách không phải là một cuốn sách văn học nghiêm túc, đã bị cấm ở nhiều nơi, và đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về Tu chính án thứ nhất - kiểm duyệt và khiêu dâm trong văn học.

Mặc dù gây tranh cãi, cuốn tiểu thuyết đã thu hút được rất nhiều độc giả. Đây là một cuốn sách cực kỳ phổ biến, bán chạy và có những thành công nhất định về mặt phê bình. Văn phong của Salinger dường như đã chạm đến cảm xúc của người đọc theo cách chưa từng có. Vào những năm 1950, 1960, khi đời sống văn hóa có những thay đổi to lớn, vượt qua những lề thói được coi là khuôn mẫu, Bắt trẻ đồng xanh là câu chuyện về sự xa lánh của một cá nhân trong một thế giới vô cảm. Holden dường như đại diện cho những người trẻ tuổi ở khắp mọi nơi, những người cảm thấy mình bị bao vây ở mọi phía bởi áp lực phải trưởng thành và sống cuộc sống của mình theo các quy tắc, phải tách khỏi mối liên hệ có ý nghĩa với con người, phải hạn chế tính cách của chính mình và tuân theo một chuẩn mực văn hóa nhạt nhẽo. Nhiều độc giả coi Holden Caulfield là biểu tượng của cá tính thuần khiết, không bị ràng buộc trước sự áp bức về văn hóa.

Năm 1951, cùng năm Bắt trẻ đồng xanh đến với người đọc, Salinger đã xuất bản một truyện ngắn trên tạp chí The New Yorker có tên là "A Perfect Day for Bananafish", đây là truyện đầu tiên trong loạt truyện về gia đình hư cấu Glass. Trong thập kỷ tiếp theo, các truyện "Glass" khác đã xuất hiện cùng trên tạp chí: Franny, Zooey, Raise High the Roof-Beam, Carpenters. Các truyện ngắn này và một số truyện ngắn khác được tập hợp lại trong các cuốn sách như: Nine Stories (1953), Franny and Zooey (1961) và Raise High the Roof-Beam, Carpenters and Seymour: An Introduction (1963). Mặc dù Nine Stories nhận được một số lời khen ngợi từ giới phê bình, nhưng phản ứng của giới phê bình đối với những tập truyện sau này lại khá thù địch

Bắt đầu những năm 1960, khi danh tiếng dần suy yếu, Salinger xuất bản ít hơn và dần xa lánh xã hội. Năm 1965, sau khi xuất bản một câu chuyện Glass khác (Hapworth26, 1924) bị nhiều nhà phê bình chỉ trích, ông gần như rút lui hoàn toàn khỏi công chúng, và điều này kéo dài cho đến lúc ông qua đời năm 2010. Sự ẩn dật này, trớ trêu thay, lại khiến Salinger trở nên nổi tiếng hơn nữa, biến ông thành một nhân vật được sùng bái. Là một người ẩn dật, đối với nhiều độc giả, Salinger thể hiện cùng một tinh thần như nhân vật nổi tiếng nhất của ông, nhiều độc giả coi tác giả và nhân vật là cùng một con người, Salinger là một dạng Holden Caulfield.

Những chủ đề chính của Bắt trẻ đồng xanh

Sự cô lập là một hình thức tự vệ

Trong Bắt trẻ đồng xanh, Holden Caulfield dường như là một người cô lập trong thế giới, và chính điều đó biến cậu thành nạn nhân của sự cô lập. Như khi cậu nói với ông Spencer, cậu cảm thấy bị mắc kẹt ở "phía bên kia" của cuộc sống, và cậu liên tục cố gắng tìm đường trong thế giới mà cậu cảm thấy mình không thuộc về. Khi càng đọc cuốn tiểu thuyết, chúng ta nhận ra rằng sự cô lập của Holden là một hình thức tự vệ. Cũng giống như cách Holden đội chiếc mũ săn mỏ vịt để thể hiện sự khác biệt của mình, Holden tự cô lập mình như một bằng chứng cho thấy cậu tốt hơn mọi người xung quanh và do đó vượt trội hơn họ. Trong khi sự thật là, mối quan hệ của Holden với người khác thường khiến cậu bối rối và choáng ngợp, cảm giác cao ngạo đó đóng vai trò như một hình thức tự bảo vệ. Do đó, sự cô lập của Holden là nguồn gốc của chút ổn định ít ỏi mà cậu có trong cuộc sống.

Chúng ta có thể thấy rằng sự tự cô lập của Holden là nguyên nhân gây ra hầu hết nỗi đau của cậu. Cậu không bao giờ giải quyết trực tiếp cảm xúc, cảm nhận của chính mình, cũng không cố gắng khám phá nguồn gốc của những rắc rối đó. Holden rất cần sự tiếp xúc và tình yêu của con người, nhưng bức tường bảo vệ cậu tự dựng lên đã ngăn cản cậu tìm kiếm điều đó. Sự xa cách vừa là nguồn sức mạnh của Holden vừa là nguồn gốc của những vấn đề rắc rối cậu gặp phải.

Nỗi đau của sự trưởng thành

Bắt trẻ đồng xanh là một loại tiểu thuyết giáo dục (bildungsroman) nói về sự trưởng thành của một nhân vật trẻ. Mặc dù có thể thảo luận về tiểu thuyết này theo những thuật ngữ như vậy, Holden Caulfield là một nhân vật chính khác thường đối với một bildungsroman, vì mục tiêu chính của Holden là chống lại quá trình trưởng thành. Như những suy nghĩ của cậu về Bảo tàng lịch sử tự nhiên cho thấy, Holden sợ sự thay đổi và bị choáng ngợp bởi sự phức tạp. Cậu muốn mọi thứ đều dễ hiểu và cố định vĩnh viễn, giống như những bức tượng của người Eskimo và người da đỏ trong bảo tàng. Holden sợ hãi vì phạm phải những tội lỗi mà cậu chỉ trích người khác và sợ hãi vì không thể hiểu mọi thứ xung quanh mình. Nhưng Holden không thừa nhận nỗi sợ hãi, cậu chỉ thể hiện nỗi sợ hãi này trong một vài trường hợp, như khi cậu nói về tình dục và thừa nhận rằng "tình dục là thứ mà tôi không hiểu. Tôi thề với Chúa là tôi không hiểu".

Thay vì thừa nhận sự bối rối và sợ hãi đối với tuổi trưởng thành, Holden lại bịa ra một lý do, cậu cho rằng trưởng thành là một thế giới hời hợt và giả tạo, còn tuổi thơ là một thế giới ngây thơ, tò mò và trung thực. Không gì bộc lộ hình ảnh về hai thế giới này tốt hơn tưởng tượng của Holden về người bắt trẻ ở cánh đồng lúa mạch xanh. Cậu tưởng tượng tuổi thơ như một cánh đồng lúa mạch xanh bình dị, nơi trẻ em nô đùa. Còn tuổi trưởng thành như một cái chết - một cú ngã chí mạng từ bờ vực. Những hiểu biết cậu tự tạo ra cho mình về tuổi thơ và tuổi trưởng thành khiến Holden cắt đứt mình khỏi thế giới, bằng cách khoác lên mình một lớp áo giáp bảo vệ của sự hoài nghi. Nhưng, những trải nghiệm của Holden, đặc biệt là cuộc gặp gỡ với ông Antolini và mối quan hệ với Phoebe, đã bộc lộ sự nông cạn trong quan niệm của cậu.

Sự giả tạo của thế giới người lớn

Có lẽ, “sự giả tạo” là cụm từ ấn tượng nhất Bắt trẻ đồng xanh, là một trong những khái niệm yêu thích của Holden. Đó là cách diễn đạt chung của cậu để mô tả sự giả tạo, hời hợt, đạo đức giả, và nông cạn mà cậu gặp trong thế giới xung quanh mình. Ngay trước khi cuốn thuyết nói đến tưởng tượng của Holden về người bắt trẻ đồng xanh, cậu giải thích rằng người lớn chắc chắn là những kẻ giả tạo, và tệ hơn nữa, họ không thể nhìn thấy sự giả tạo của chính mình. Sự giả tạo, đối với Holden, là biểu tượng của mọi thứ sai trái trong thế giới xung quanh và nó mang đến cho cậu cái cớ để rút lui vào sự cô lập đầy hoài nghi của mình. Mặc dù được đơn giản hóa, những quan sát của Holden không hoàn toàn sai. Ở một góc độ nào đó, Holden là một người kể chuyện sâu sắc và cậu nhận thức được hành vi hời hợt của những người xung quanh mình. Trong suốt cuốn tiểu thuyết, cậu gặp nhiều nhân vật có vẻ bị ảnh hưởng, giả tạo hoặc hời hợt, như Sally Hayes, Carl Luce, Maurice, Sunny, và thậm chí cả ông Spencer. Thậm chí, một số nhân vật, như Maurice và Sunny, là những người thực sự có hại.

Tuy nhiên, mặc dù Holden dành nhiều công sức để tìm kiếm sự giả tạo ở người khác, cậu không bao giờ trực tiếp quan sát sự giả tạo của chính mình. Những lời nói dối của cậu thường vô nghĩa hoặc tàn nhẫn và cậu nhấn mạnh rằng mình bắt buộc phải nói dói. Như trên chuyến tàu đến New York, Holden đã thực hiện một trò đùa không cần thiết với bà Morrow. Holden muốn chúng ta tin rằng cậu là một hình mẫu của đức hạnh trong một thế giới giả tạo, nhưng thực tế không phải vậy. Mặc dù cậu muốn tin thế giới là một nơi đơn giản, đức hạnh và sự ngây thơ nằm ở một bên hàng rào trong khi sự hời hợt và giả tạo nằm ở bên kia, Holden là bằng chứng phản bác của chính cậu. Thế giới không đơn giản như cậu muốn, và cần thiết nó phải như vậy; ngay cả Holden cũng không thể tuân thủ các tiêu chuẩn đen trắng giống như cậu dùng để đánh giá người khác.

Tôn giáo

Giống như hầu hết những thứ khác trong cuộc sống, Holden có những cảm xúc mâu thuẫn về tôn giáo. Tôn giáo hấp dẫn vì cậu nghĩ nó có thể cung cấp một điểm neo tinh thần trong một thế giới hỗn loạn và u ám. Holden khao khát một điểm neo như vậy trong suốt cuốn tiểu thuyết. Cậu nghĩ rằng mối quan hệ với một người phụ nữ trẻ có thể chữa lành nỗi cô đơn của mình, nhưng tình cảm với phụ nữ không bao giờ hiệu quả với Holden. Thay vào đó, thỉnh thoảng cậu nghĩ về Chúa Jesus. Chúa Jesus hấp dẫn Holden vì một vài lý do. Đầu tiên, Chúa Jesus không phải là kẻ giả tạo. Holden khẳng định điều đó khi cậu thốt lên rằng Chúa Jesus "sẽ nôn" nếu chứng kiến ​​sự thương mại hóa Giáng sinh. Thứ hai, Chúa Jesus ưu tiên những người bị xã hội ruồng bỏ. Holden lưu ý điều này khi cậu nhớ lại câu chuyện về Chúa Jesus chữa khỏi bệnh điên của một người mất trí. Holden thường tự gọi mình là "kẻ điên" và tưởng tượng rằng Chúa Jesus cũng có thể chữa khỏi bệnh cho mình. Mặc dù Holden mong muốn có sự ổn định về mặt tinh thần, tôn giáo có tổ chức lại khiến cậu ghê tởm. Theo quan điểm của Holden, các nghi lễ, thần học và giáo điều được áp đặt từ bên ngoài, vì thế nó biến mọi người thành những kẻ giả tạo. Do đó, mặc dù Holden tôn trọng Chúa Jesus như một nhân vật tâm linh, niềm tin tôn giáo của cậu vẫn là một thứ mơ hồ.

Không hành động

Một trong những vấn đề lớn nhất kìm hãm Holden là sự bất lực dai dẳng trong việc hành động. Sự bất lực của Holden cho thấy cậu không thể buông bỏ đau thương trong quá khứ và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Về quá khứ, Holden không thể từ bỏ ký ức về người anh trai Allie đã khuất của mình. Nó như một quả cầu tuyết mà cậu đã tạo ra. Thay vì ném quả cầu tuyết đi, cậu để quả cầu tuyết lăn theo cuộc đời mình, khiến nó ngày nhiều, cứng và đặc hơn. Quả cầu tuyết dày đặc có thể phản ánh nỗi đau khổ về mặt cảm xúc của Holden, và việc cậu không thể buông quả cầu tuyết phản ánh sự bất lực trong việc chấp nhận cái chết của anh trai mình. Nỗi đau liên quan đến sự ra đi của Allie cũng cản trở khả năng hành động của Holden theo những cách khác. Như khi Holden cố đấm Stradlater bằng bằng tay phải. Holden biết nắm đấm này yếu vì tay phải của cậu đã bị thương khi đập vỡ cửa sổ trong gara sau khi Allie chết.

Cũng giống như nỗi đau trong quá khứ, việc không dám hành động của Holden cũng liên quan đến nỗi sợ về tương lai. Trong cuốn sách, Holden thường mô tả thế giới của người lớn là đầy rẫy những quy tắc khiến mọi người trở nên giả tạo. Nhưng việc cậu liên tục chỉ trích người lớn lại che giấu sự phản kháng sâu sắc hơn đối với việc trưởng thành. Sự phản kháng này trở nên rõ ràng trong những nỗ lực không thành công của Holden về tình dục. Mặc dù cậu thường xuyên nghĩ và nói về tình dục, nhưng tất cả những cuộc gặp gỡ của Holden với phụ nữ trong cuốn tiểu thuyết đều thất bại thảm khốc. Đáng nói nhất là mối quan hệ với cô gái điếm Sunny. Holden không thể tự mình quan hệ tình dục với cô ấy, đây chỉ là một trong số nhiều mối quan hệ tình dục không thành công mà cậu đã trải qua. Theo nghĩa hẹp, nó cho thấy sự ám ảnh của Holden về tình dục. Rộng hơn, nó cũng cho thấy sự bất lực của Holden trong việc hành động, liên quan đến sự phản kháng lớn hơn của cậu đối với việc trưởng thành.

Vẻ bề ngoài

Holden phân loại mọi người thành hai nhóm: những người quan tâm đến vẻ bề ngoài và những người không quan tâm đến chúng. Holden coi những người quan tâm đến vẻ bề ngoài hơn tính cách là "lừa đảo" và "giả tạo". Cậu cảm thấy mình bị bao quanh bởi những người như vậy. Như người dì có sở thích phô trương công việc từ thiện. Hay như Stradlater là ví dụ điển hình cho sự rỗng tuếch của vẻ bề ngoài. Holden giải thích rằng mặc dù Stradlater trông bề ngoài luôn đẹp, nhưng thực chất lại là một người luộm thuộm, có đồ đạc bẩn thỉu và lộn xộn. Ngược lại, Holden tự coi mình là người coi trọng bản chất hơn vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, chẳng hạn như, việc cậu tự ý thức về chiếc mũ săn màu đỏ, cho thấy rằng trong sâu thẳm cậu cũng quan tâm đến vẻ bề ngoài.

Mọi người đều là những diễn viên?

Holden cho rằng không ai tiêu biểu cho tính giả tạo bằng các diễn viên chuyên nghiệp. Holden không thích diễn viên chủ yếu vì họ giả vờ là người khác. Cậu cũng có vấn đề với các diễn viên vì thành công của họ dựa trên cách họ thể hiện tài năng của mình. Holden dường như tin rằng họ càng thể hiện tài năng của mình, họ càng trở nên giả tạo, diễn xuất có sức mạnh làm tha hóa con người. Holden dường như nghĩ rằng hầu hết mọi người đều là diễn viên, đều cường điệu hóa con người mình để làm hài lòng những khán giả. Sự cường điệu này dẫn đến giả tạo và không thể trở thành một con người "thực sự". Nhưng nếu mọi thứ đều không chân thật vì là một màn trình diễn, thì sự chân thực trông như thế nào? Mặc dù Holden ưu tiên một ý tưởng về tính chân thực, nhưng cậu không bao giờ định nghĩa rõ ràng về nó, điều này cho thấy có thể cậu cũng đang theo đuổi một thứ mơ hồ không thực sự tồn tại.

Tuy chỉ trích về màn trình diễn của người khác, Holden không nhận thấy mình cũng đang là một diễn viên trên sân khấu cuộc đời. Cậu đã từng nói: "Tất cả những gì tôi cần là khán giả. Tôi là người thích phô trương", và dù là nhảy tap cho Stradlater trong phòng tắm ký túc xá, vào vai Rudolph Schmidt trên tàu đến New York hay cố tỏ ra bình tĩnh trong các quán bar, Holden đều đang biểu diễn và cường điệu hóa chính bản thân mình. Cậu thậm chí còn thừa nhận đã cường điệu sự non nớt của chính mình: "Đôi khi tôi hành động khá trẻ so với tuổi của mình. Khi đó tôi mười sáu tuổi, và bây giờ tôi mười bảy tuổi, và đôi khi tôi hành động như thể mình khoảng mười ba tuổi". Holden cũng có một màn trình diễn tương tự trong cuộc gặp gỡ với Carl Luce, người đã nhận xét về sự non dại kéo dài của Holden và liên tục hỏi cậu, "Khi nào thì cậu sẽ trưởng thành?". Và trong suốt Bắt trẻ đồng xanh, Holden là một diễn viên đang đi tìm sự đồng cảm của người đọc.

Các biện pháp truyền tải chủ đề cuốn tiểu thuyết

Sự cô đơn

Sự cô đơn là một biểu hiện cụ thể hơn của hàng rào cô lập mà Holden tự dựng lên, là động lực thúc đẩy xuyên suốt cuốn sách. Cuốn tiểu thuyết mô tả hành trình tìm kiếm bạn đồng hành gần như điên cuồng khi cậu lướt từ cuộc gặp gỡ vô nghĩa này sang cuộc gặp gỡ vô nghĩa khác. Tuy nhiên, trong khi hành vi của cậu cho thấy sự cô đơn, Holden luôn tránh xa việc tự vấn và do đó không thực sự biết tại sao cậu vẫn cư xử như vậy. Bởi vì Holden phụ thuộc vào sự cô lập của mình để duy trì sự tách biệt khỏi thế giới và tự bảo vệ mình, cậu thường phá hoại những nỗ lực của chính mình nhằm chấm dứt sự cô đơn. Như cuộc trò chuyện của cậu với Carl Luce và buổi hẹn hò với Sally Hayes đều thất bại vì hành vi thô lỗ của cậu. Những cuộc gọi của cậu tới Jane Gallagher đều bị hủy bỏ vì một lý do tương tự: để bảo vệ ý thức cá nhân quý giá và mong manh của cậu. Sự cô đơn là biểu hiện cảm xúc của sự cô lập mà Holden trải qua; nó vừa là nguồn gốc của nỗi đau vừa là nguồn gốc của sự an toàn.

Mối quan hệ, sự gần gũi và tình dục

Các mối quan hệ, sự thân mật và tình dục cũng là những mô típ lặp đi lặp lại liên quan đến chủ đề lớn hơn về sự cô lập. Cả các mối quan hệ thể xác và tình cảm đều mang đến cho Holden cơ hội thoát khỏi lớp vỏ cô lập của mình. Chúng cũng đại diện cho những gì cậu sợ nhất về thế giới người lớn: sự phức tạp, không thể đoán trước, khả năng xảy ra xung đột và thay đổi. Như cậu đã chứng minh tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên, Holden thích thế giới im lặng và đóng băng, có thể đoán trước và không thay đổi. Khi cậu nhìn Phoebe ngủ, Holden chiếu những lý tưởng hóa của riêng mình về tuổi thơ lên ​​cô. Nhưng trong các mối quan hệ ngoài đời thực, mọi người sẽ phản biện lại ý nghĩ của cậu, Phoebe đã nói tuổi thơ của cô khác biệt như thế nào so với ý nghĩa của cậu.

Bởi vì con người là không thể đoán trước, họ thách thức Holden và buộc cậu phải đặt câu hỏi về sự tự tin và lòng tự trọng của mình. Vì những lý do phức tạp và không nói ra, dường như bắt nguồn từ cái chết của Allie, Holden gặp khó khăn khi đối phó với sự phức tạp này. Kết quả là, cậu đã cô lập bản thân và sợ sự thân mật. Mặc dù cậu có những cơ hội cho cả sự thân mật về thể xác và tình cảm, cậu đã làm hỏng tất cả, bao bọc mình trong lớp áo giáp của sự hoài nghi và cay đắng. Mặc dù vậy, Holden vẫn tuyệt vọng tiếp tục tìm kiếm những mối quan hệ mới, và luôn phá hỏng nó vào những phút cuối cùng.

Holden chưa biết đến mùi vị của tình dục và cậu rất hứng thú với nó, thực tế là cậu đã dành phần lớn thời gian cố gắng tìm kiếm thứ mùi vị này. Holden cảm thấy bối rối trước những ham muốn và xấu hổ bởi những tưởng tượng về tình dục của mình. Holden nghĩ rất nhiều về tình dục, nó mang lại cho cậu sự phấn khích. Nhưng khi cậu nghĩ về điều đó quá nhiều, cậu thấy tình dục "thật tệ". Sự nhầm lẫn về tình dục và tính dục này đánh dấu sự thiếu chín chắn, thiếu trưởng thành của Holden.

Nói dối và lừa gạt

Nói dối và lừa gạt là những yếu tố dễ thấy và dễ gây tổn thương nhất trong phạm trù lớn hơn của sự giả tạo. Định nghĩa của Holden về sự giả tạo chủ yếu dựa trên một loại lừa dối: cậu dường như dành sự khinh miệt nhất cho những người nghĩ rằng họ là thứ gì đó mà họ không phải, hoặc những người không thừa nhận điểm yếu của chính mình. Nhưng nói dối người khác cũng là một loại giả tạo, một loại lừa dối biểu thị sự vô cảm hoặc thậm chí là tàn nhẫn. Tất nhiên, bản thân Holden phạm cả hai lỗi này. Việc nói dối ngẫu nhiên và lặp đi lặp lại của cậu làm nổi bật sự tự lừa dối chính mình – cậu từ chối thừa nhận những thiếu sót của chính mình và không muốn xét xem hành vi của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Thông qua việc nói dối và lừa dối của mình, Holden cho thấy cậu cũng giả tạo như những người mà cậu chỉ trích.

Những biểu tượng của cuốn tiểu thuyết

Bắt trẻ đồng xanh là gì?

Không có gì trong Bắt trẻ đồng xanh nói lên sự hiểu lầm của Holden về ý nghĩa của tuổi thơ và tuổi trưởng thành chính xác hơn chính biểu tượng này. Là tên của tiêu đề cuốn sách, biểu tượng này xứng đáng được xem xét một cách kỹ lưỡng. Nó xuất hiện lần đầu tiên khi một đứa trẻ vừa đi bộ trên phố vừa hát bài "Comin' Thro' the Rye" của Robert Burns. Holden diễn giải cảnh này như một biểu hiện hoàn hảo cho sự ngây thơ của tuổi trẻ.

Tiếp theo, khi Phoebe hỏi Holden muốn làm gì với cuộc sống của mình, cậu trả lời bằng hình ảnh trong bài hát, về một "người bắt trẻ đồng xanh". Holden tưởng tượng ra một cánh đồng lúa mạch xanh nằm cao trên một vách đá, những đứa trẻ đang nô đùa và có nguy cơ rơi xuống từ vách đá. Holden nói rằng cậu muốn bảo vệ những đứa trẻ không bị rơi khỏi mép vách đá bằng cách "bắt" chúng lại nếu chúng sắp ngã. Cánh đồng trong tưởng tượng của Holden không có sự hiện diện của người lớn và sự giả tạo. Ngược lại, cú ngã từ vách đá tượng trưng cho “sự sa ngã” vào tuổi trưởng thành - tức là, vào dục vọng, lòng tham, tham vọng và “sự giả tạo”. Ngôn ngữ ở đây gợi lại sự sa ngã trong Kinh thánh của Adam và Eva, những người bị trục xuất khỏi vườn địa đàng sau khi họ thức tỉnh với tội lỗi và sự xấu hổ về tình dục - một sự xấu hổ mà Holden cũng cảm thấy.

Như Phoebe đã nói ra, Holden đã nghe nhầm lời bài hát. Holden nghĩ câu hát là "Nếu một người bắt một người đang đi qua cánh đồng lúa mạch xanh", nhưng lời bài hát thực sự là "Nếu một người gặp một người trên cánh đồng lúa mạch xanh". Bài hát “Comin' Thro' the Rye” đặt câu hỏi liệu có sai gì không, khi hai người không mong muốn ràng buộc nhau, có một cuộc gặp gỡ lãng mạn ngoài cánh đồng, để tránh xa sự chú ý của mọi người. Thật trớ trêu khi từ “meet” trong bài hát ám chỉ một cuộc gặp gỡ dẫn đến tình dục không ràng buộc, đã bị Holden thay thế bằng từ “catch” mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại trong tâm trí cậu. Bắt trẻ đồng xanh là một ẩn dụ, ám chỉ rằng Holden muốn giữ những người trẻ lại, không cho họ thoát khỏi sự ngây thơ của tuổi trẻ để tiến về về thế giới người lớn, bao gồm cả vấn đề về tình dục. Khi Phoebe chỉ ra rằng Holden đã nghe nhầm lời bài hát, một hàm ý quan trọng nữa là, trái ngược hoàn toàn với ảo tưởng của Holden, có thể không có bất kỳ nơi nào thực sự ngây thơ. Thật vậy, sự ngây thơ có thể chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng trong đầu Holden.

Giống như việc Holden hiểu sai lời bài hát của Burns tạo ra sự tách biệt sai lầm giữa ngây thơ và trưởng thành, khuynh hướng lý tưởng hóa tuổi trẻ ở người khác cũng là một vấn đề. Trên thực tế, những nhân vật trẻ tuổi trong tiểu thuyết không thật sự ngây thơ hay trong sáng. Allie mất năm mười một tuổi, vì vậy sẽ mãi là một đứa trẻ trong ký ức của Holden. Tuy nhiên, việc Allie mất vì ung thư có nghĩa là cậu buộc phải đối mặt với cái chết của chính mình khi còn rất nhỏ. Phoebe bị trầy xước ở cánh tay do một người bạn cùng lớp đẩy xuống cầu thang, sau khi Phoebe đổ mực lên áo của cậu ta. Tương tự như vậy, người giúp việc của gia đình Holden bị điếc một bên tai do chấn thương thời thơ ấu do anh trai cô gây ra. Holden cố tình làm ngơ trước thực tế rằng tuổi thơ hiếm khi hoàn toàn bình dị. Tuy khinh thường người lớn, cậu cố gắng tỏ ra già dặn hơn tuổi trong nhiều trường hợp và dành thời gian ở New York để thực hiện các hoạt động của người lớn như đến quán bar, quán hát, đi taxi và có ý định tình dục với gái mại dâm. Giống như việc hiểu sai bài hát của Burns, Holden nhầm lẫn giữa những biểu hiện bên ngoài của tuổi trưởng thành với những dấu hiệu bên trong của sự trưởng thành như lòng đồng cảm, lương tâm và đạo đức.

Chiếc mũ săn mỏ vịt màu đỏ của Holden

Chiếc mũ săn màu đỏ không thể tách rời khỏi hình ảnh Holden. Đối với cậu, nó là biểu tượng cho sự khác biệt và cá tính của mình. Chiếc mũ cho thấy mong muốn khác biệt của Holden. Đồng thời, cũng cho thấy sự tự ti của cậu, cậu luôn đề cập đến nó khi đang đội và thường không đội nếu những người quen biết đang ở bên. Do đó, sự hiện diện của chiếc mũ phản ánh xung đột trung tâm trong cuốn sách: nhu cầu cô lập và nhu cầu bầu bạn của Holden. Điều đáng chú ý là màu đỏ của chiếc mũ giống với màu tóc của Allie và Phoebe. Có lẽ Holden liên tưởng nó với sự ngây thơ và trong sáng mà cậu tin rằng những nhân vật này đại diện và đội nó như một cách để kết nối với họ. Holden không bao giờ nói rõ ràng về ý nghĩa của chiếc mũ ngoài việc đề cập đến vẻ ngoài khác thường của nó.

Bảo tàng lịch sử tự nhiên

Holden cho chúng ta biết ý nghĩa tượng trưng của những vật trưng bày trong bảo tàng, chúng hấp dẫn cậu vì chúng không thay đổi. Cậu cũng phàn nàn rằng cậu cảm thấy phiền lòng vì chúng đã thay đổi mỗi lần cậu trở lại đó. Bảo tàng đại diện cho thế giới mà Holden mong muốn được sống: đó là thế giới trong tưởng tượng "người bắt trẻ đồng xanh" của cậu, một thế giới không có gì thay đổi, nơi mọi thứ đều đơn giản, dễ hiểu và vô hạn. Holden sợ hãi trước những thách thức khó lường của thế giới – cậu ghét xung đột, bối rối trước cái chết vô nghĩa của Allie và sợ sự tương tác với người khác.

Những con vịt ở Central Park

Holden tò mò rằng đàn vịt ở Central Park sẽ đi đâu vào mùa đông. Sự tò mò này cho thấy một khía cạnh trẻ trung, chân thực trong tính cách của cậu. Trong hầu hết cuốn sách, cậu như một ông già cáu kỉnh, tức giận với thế giới xung quanh, nhưng sự quan tâm của cậu tới đàn vịt đại diện cho sự tò mò của tuổi trẻ và sẵn sàng vui vẻ khám phá những bí ẩn của thế giới. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ, vì rõ ràng Holden thiếu sự sẵn sàng như vậy trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Đàn vịt và nơi ở của chúng mang tính biểu tượng theo nhiều cách. Sự kiên trì một cách bí ẩn của chúng khi đối mặt với môi trường khắc nghiệt đồng điệu với sự hiểu biết của Holden về hoàn cảnh của chính mình. Ngoài ra, đàn vịt chứng minh rằng một số sự biến mất chỉ là tạm thời. Bị chấn thương và nhận thức sâu sắc về sự mong manh của cuộc sống sau cái chết của người anh trai Allie, Holden vô cùng sợ hãi trước sự thay đổi và biến mất. Đàn vịt biến mất vào mỗi mùa đông, nhưng chúng lại trở về vào mỗi mùa xuân, tượng trưng cho sự thay đổi không phải vĩnh viễn mà là theo chu kỳ. Cuối cùng, nơi ở của đàn vịt trở thành một ẩn dụ nhỏ cho thế giới theo cách Holden nhìn nhận, bởi vì nó "một phần đóng băng và một phần không đóng băng". Cái ao của đàn vịt đang trong quá trình chuyển đổi giữa hai trạng thái, cũng giống như Holden đang trong quá trình chuyển đổi giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành.

Nhân vật chính

Holden Caulfield là nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh. Cậu cũng là người kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết, điều đó có nghĩa là cậu kể câu chuyện trưởng thành của mình theo góc nhìn của riêng cậu. Holden tuyệt vọng tìm kiếm sự kết nối, và cuốn sách là biên niên sử về nhiều nỗ lực không thành công của cậu trong việc kết nối với bạn bè, người lớn và em gái Phoebe của mình. Là nhân vật chính, Holden tiếp cận bạn bè, người quen và người lạ trong nhiều lần, cố gắng đạt được mục tiêu kết nối của mình. Tuy nhiên, ở mọi ngã rẽ trong tiểu thuyết, cậu đều không thể vun đắp các mối quan hệ có ý nghĩa do thiếu sự trưởng thành. Người duy nhất cậu đạt được sự kết nối là Phoebe, một người trẻ hơn và có mối quan hệ gia đình thân thiết. Holden không thể hình thành các mối quan hệ mới, thân thiết với bất kỳ ai cùng tuổi hoặc lớn tuổi hơn. Vì cậu thường tự cản trở mình đạt được điều mình muốn, Holden cũng có thể được coi là nhân vật phản diện của tiểu thuyết.

Nhân vật chính của các câu chuyện thường thay đổi do quá trình phát triển theo nội dung của các cuốn tiểu thuyết, nhưng liệu Holden có thay đổi sau kỳ nghỉ cuối tuần ở New York hay không vẫn còn là một ẩn số. Cuốn tiểu thuyết kết thúc với cảnh Holden chuẩn bị rời khỏi nơi cậu đang điều trị hồi phục sau một căn bệnh nào đó và chuyển đến một ngôi trường mới. Cậu nói "hơi nhớ " tất cả những người mà cậu đã mô tả trong câu chuyện của mình, điều này có thể cho thấy trong cậu đang dịu đi sự khinh thường đối với người khác và phát triển sự đồng cảm cần thiết để hình thành các mối quan hệ chân chính. Mặt khác, chúng ta cũng có thể thấy đây là một sự thừa nhận, là dấu hiệu cho thấy mong muốn kết nối của cậu vẫn mạnh mẽ như lúc đầu cuốn sách, nhưng mong muốn này vẫn không lớn hơn trước. Sự khinh thường của cậu đối với nhà tâm lý cho thấy Holden vẫn phán xét và coi thường người lớn, vẫn thiếu sự trưởng thành cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.

Kẻ phản diện

Hai nhân vật phản diện chính cản trở Holden đạt được mục tiêu của mình là xã hội và chính Holden. Với cậu, xã hội đầy rẫy những người không chân thực và họ tuân theo những quy tắc tùy tiện. Hầu như mọi người lớn mà Holden gặp đều làm cậu thất vọng hoặc cản trở cậu trong nỗ lực kết nối. Đối với người lớn, Holden chỉ là một thiếu niên, và họ đối xử với cậu như vậy. Nhưng Holden nghĩ rằng mình thông minh hoặc thông minh hơn những người lớn, và không hiểu tại sao họ không đối xử với cậu như một người bạn đồng trang lứa. Trong suốt cuốn sách, Holden cố gắng chen chân vào xã hội người lớn bằng cách đến quán bar, cố gắng tán tỉnh phụ nữ, ở khách sạn và đi taxi. Tuy nhiên, cậu liên tục cảm thấy bị cản trở bởi những gì cậu cho là giả tạo, xuất phát từ những người lớn cậu gặp, cũng như việc họ từ chối chấp nhận cậu là một người trưởng thành, là một người như họ.

Điều đáng chú ý là, mặc dù Holden nghĩ về hầu hết mọi người với sự ác cảm, không ai thực sự "có ác ý" với cậu. Trái lại, bằng cách này Holden đã tự biến mình thành kẻ thù lớn nhất của mình. Hầu hết những người lớn mà Holden gặp đều đối xử tử tế với cậu, ít nhất là ở lúc đầu. Holden liên tục từ chối hoặc hiểu sai lòng tốt của họ, không muốn hoặc không thể chấp nhận sự giúp đỡ. Khi đó, có vẻ như một trong những bài học chính mà Holden cần học là cách ngừng trở thành kẻ thù của chính mình. Đây là bài học mà cả ông Spencer và ông Antolini đều cố gắng dạy cho cậu, mỗi người theo cách riêng của mình. Carl Luce cũng đưa ra bài học này khi gợi ý Holden tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Ngay cả Phoebe cũng chỉ ra rằng, Holden tự cản đường mình bằng cách từ chối thích bất cứ điều gì. Cuối cùng, nhân vật phản diện không phải xã hội, mà chỉ có chính Holden mà thôi.

Không gian và thời gian trong Bắt trẻ đồng xanh

Bắt trẻ đồng xanh diễn ra vào một thời điểm nào đó sau Thế chiến II, vào cuối những năm 1940 hoặc đầu những năm 1950. Cuốn sách bắt đầu tại Pencey Prep, một trường trung học nội trú ở New Jersey. Mặc dù là một ngôi trường có danh tiếng, Holden thấy môi trường tại Pencey ngột ngạt và cậu gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Holden đã nói: "Trường càng đắt đỏ thì càng có nhiều kẻ gian - tôi không đùa đâu". Holden thất vọng với chính tầng lớp xã hội mà cậu sinh ra. Theo Holden, có rất nhiều người giả tạo trong số những người giàu có, và cậu tin rằng Pencey là một xã hội thu nhỏ của những người giàu có.

Khi Holden rời Pencey và trở về nhà ở New York. New York là bối cảnh chính của cuốn tiểu thuyết, nó đóng vai trò quan trọng trong cuốn sách, vừa phản ánh vừa làm trầm trọng thêm sự suy thoái về mặt cảm xúc của Holden. Thành phố rộng lớn và bận rộn, nhưng Holden thường cảm thấy cô đơn giữa đám đông: "New York thật kinh khủng khi có ai đó cười trên phố vào lúc đêm muộn. Bạn có thể nghe thấy từ nhiều dặm. Điều đó khiến bạn cảm thấy cô đơn và chán nản". New York cũng đại diện cho nhiều điều Holden ghét. Holden không thích sự giả tạo của những buổi biểu diễn, nhưng New York lại là một thành phố của nhiều sân khấu nổi tiếng, được biết đến với những chương trình biểu diễn ấn tượng trên sân khấu Broadway. Holden phản đối sự thương mại hóa Giáng sinh. Văn hóa biểu diễn ở New York, cũng như sự phô trương và giàu có của thành phố này, khiến Holden vô cùng lo lắng. Theo nghĩa này, thành phố này là một phiên bản quy mô lớn của Pencey.

Mặc dù Holden thường nhìn nhận New York theo hướng tiêu cực, thành phố này vẫn mang đến cho cậu một vài nơi an trú. Một trong số những nơi như vậy là Bảo tàng lịch sử tự nhiên. Holden cảm thấy thích các cuộc triển lãm tĩnh không bao giờ thay đổi của bảo tàng. Cậu biết rằng bất cứ lúc nào cậu cũng có thể lang thang trong cùng một hành lang và nhìn thấy những thứ giống nhau, và điều này mang lại cho cậu cảm giác ổn định. Điều đáng chú ý là Bảo tàng nằm cạnh công viên Central Park, một nơi an trú khác của Holden. Nằm ở trung tâm thành phố và dường như tách biệt khỏi sự hối hả, nhộn nhịp của thành phố, Central Park mang đến một không gian tự nhiên nơi Holden có thể đi bộ và suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu Central Park là nơi ẩn trú, thì đó cũng là nơi cậu suy sụp tinh thần.

Đối với một cuốn tiểu thuyết cung cấp nhiều chi tiết cụ thể về bối cảnh, Bắt trẻ đồng xanh vẫn còn khá bí ẩn về việc Holden ở đâu khi cậu kể lại câu chuyện. Trong những trang mở đầu, cậu nói rằng "khá mệt mỏi và phải ra đây và nghỉ ngơi". Trong chương cuối, cậu nói rằng "bị ốm", ám chỉ đến việc được "một bác sĩ tâm lý ở đây" đến thăm, và nói rằng phòng tắm "ở tận dưới cùng trong dãy bên kia". Những manh mối này khiến nhiều độc giả cho rằng Holden đang kể câu chuyện từ một cơ sở chữa bệnh sau một cơn suy nhược tinh thần, hoặc để hồi phục sau căn bệnh mà cậu mắc phải trong kỳ nghỉ cuối tuần ở New York. Việc cậu thường xuyên nhắc đến vấn đề về thể chất của mình trong suốt cuốn sách và nỗi lo bị viêm phổi cho thấy, cậu có thể đã mắc một căn bệnh nghiêm trọng đòi hỏi phải chữa bệnh lâu dài, chẳng hạn như bệnh lao. Dù bằng cách nào, Holden rõ ràng đang kể câu chuyện từ một loại bệnh viện hoặc tổ chức nào đó mà cậu dự đoán sẽ kết thúc kịp thời vào đầu năm học mới.

Thể loại của cuốn tiểu thuyết

Tiểu thuyết giáo dục

Bắt trẻ đồng xanh thuộc một thể loại gọi là bildungsroman (tiểu thuyết giáo dục). Bildungsroman là một trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời của nhân vật chính trẻ tuổi, được kể lại theo dạng hồi tưởng và nhân vật chính đang cố gắng chuyển đổi từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành. Bildungsroman, bắt nguồn từ các từ tiếng Đức có nghĩa là "tiểu thuyết" và "giáo dục", là những câu chuyện về tuổi mới lớn, nhân vật chính là trẻ em hoặc thanh thiếu niên, từ đó phát triển các ý tưởng về ý nghĩa của việc trưởng thành về mặt đạo đức và tinh thần. Trong Bắt trẻ đồng xanh, Holden kể lại các sự kiện của một tuần sau khi bị đuổi khỏi trường dự bị. Được kể lại gần như theo dạng hồi tưởng, tiểu thuyết có độc thoại, đối thoại nội tâm kéo dài, và ít hành động bên ngoài. Bildungsroman cũng thường có các nhân vật trưởng thành đóng vai trò là nhân vật phản diện đối với nhân vật chính, đưa ra các hình mẫu về sự trưởng thành mà nhân vật chính có thể chấp nhận hoặc từ chối.

Chủ nghĩa hiện thực

Chủ nghĩa hiện thực là một thể loại mà Salinger đã áp dụng cho Bắt trẻ đồng xanh, một thể loại văn học sử dụng tiếng lóng, phương ngữ, sự phân biệt giai cấp và địa điểm của thế giới thực để đưa vào tiểu thuyết. Trong Bắt trẻ đồng xanh, Holden sử dụng tiếng lóng như "giả tạo", "tồi tệ", "sến súa". Phương ngữ dựa trên giai cấp gắn với các nhân vật như cô gái mại dâm Sunny và tên ma cô của cô, Maurice; ý đồ này tạo ra sự nhận thức về giai cấp trong cuốn tiểu thuyết. Những chi tiết như chiếc áo khoác lông lạc đà của Holden và việc đề cập giáo viên của cậu, ông Spencer, không có người hầu gái nhằm nói rằng Holden thuộc tầng lớp thượng lưu. Salinger cũng sử dụng một số địa điểm dễ nhận biết ngoài đời thực, như Central Parl và Bảo tàng lịch sử tự nhiên, để đưa tiểu thuyết của mình vào bối cảnh quen thuộc, khiến nó trở nên chân thực và dễ được tiếp nhận hơn.

Châm biếm văn học

Mặc dù là một bildungsroman, Bắt trẻ đồng xanh cũng chứa đựng những yếu tố phê phán, khiến nó trở thành một tác phẩm văn học châm biếm. Holden kể lại một phần nhỏ câu chuyện của cuộc đời mình, bỏ qua các chi tiết về ngày sinh, thời thơ ấu và "tất cả những thứ vớ vẩn kiểu David Copperfield"David Copperfield của Charles Dickens là một tác phẩm bildungsroman truyền thống hơn, và bằng cách tham chiếu đến cuốn sách của Dickens ở trang đầu tiên, Holden ngầm nói với người đọc rằng cậu nhận thức được kỳ vọng của chúng ta và không có ý định đáp ứng chúng. Một bildungsroman điển hình không để lại nhiều điều mơ hồ trong tiểu thuyết như Bắt trẻ đồng xanh, vào cuối câu chuyện, nhân vật thường thay đổi một cách mạnh mẽ và theo hướng tốt hơn. Bắt trẻ đồng xanh là một câu chuyện lộn xộn hơn và thực tế hơn, nhân vật chính chống lại mọi sự thay đổi. Bằng cách trình bày một câu chuyện phức tạp và mơ hồ hơn về sự trưởng thành của cá nhân, tiểu thuyết của Salinger đã thách thức các quy ước của thể loại này.

Phong cách của Bắt trẻ đồng xanh

Một trong số những đặc điểm nổi bật của Bắt trẻ đồng xanh là việc JD Salinger sử dụng tiếng lóng và lời nói thông tục phổ biến giai đoạn 1950 - 1960. Ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết là một trong những lý do khiến các nhà phê bình coi cuốn tiểu thuyết này mang tính đột phá cũng như gây ra những tranh cãi khi mới xuất bản. Việc Salinger sử dụng ngôn ngữ không chính thức cũng góp phần vào sự phổ biến của cuốn tiểu thuyết đến với số đông độc giả, những người có thể nhận ra giọng nói và cách nói của chính mình trong lời kể của Holden. Ngôn ngữ của Holden không chỉ giúp độc giả dễ dàng đồng cảm với cậu hơn mà lời nói của cậu cũng đóng vai trò quan trọng đối với ý nghĩa của toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Lời nói của Holden cho biết tính xác thực của tuổi trẻ mà cậu cố gắng thể hiện và bảo vệ trong suốt cuốn tiểu thuyết. Cũng đáng chú ý là nó bắt nguồn từ truyền thống ngôn ngữ bản địa. Salinger áp dụng phong cách này từ bài hát "Comin' Thro' the Rye" của Robert Burns, được viết bằng phương ngữ Scotland. Việc sử dụng Burns làm tài liệu tham khảo cho thấy Salinger cố ý đặt cuốn tiểu thuyết của mình - và cả nhân vật chính - trong một truyền thống lâu đời hơn của văn học bản địa.

Thuật ngữ bản ngữ dùng để chỉ ngôn ngữ hoặc phương ngữ mà người dân của một quốc gia hoặc khu vực cụ thể sử dụng để giao tiếp hàng ngày. Khái niệm về văn học bản ngữ có vẻ lạ đối với chúng ta ở thế giới hiện đại, nơi ngôn ngữ của các văn bản văn học ít nhiều giống với ngôn ngữ chúng ta nói. Nhưng cho đến thời trung cổ ở châu Âu, những cuốn sách như Kinh thánh thường được viết bằng tiếng Latin, ngôn ngữ của Giáo hội. Chỉ những người có trình độ học vấn cao và giàu có, cùng với các linh mục, mới có thể hiểu chúng. Có lẽ sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử văn học bản ngữ xảy ra vào năm 1522, khi Martin Luther xuất bản bản dịch tiếng Đức cuốn Tân Ước. Việc xuất bản Kinh thánh bằng ngôn ngữ bản ngữ có nghĩa là một người Đức bình thường, mặc dù không biết tiếng Latin, vẫn có thể đọc sách thánh mà không cần sự trợ giúp của linh mục hoặc chuyên gia thần học. Bản dịch của Luther đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả thế giới tôn giáo và thế tục. Nó không chỉ châm ngòi cho Cách mạng Tin lành mà còn giúp bình thường hóa văn bản bản ngữ nói chung.

Hai cuốn sách đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của văn học bản địa tại Mỹ và có khả năng ảnh hưởng đến Bắt trẻ đồng xanh của Salinger là: Uncle Tom's Cabin (Túp lều bác Tôm, 1852) của Harriet Beecher Stowe và The Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, 1885) của Mark Twain.

Bắt trẻ đồng xanh được đặc trưng bởi cách sử dụng ngôn ngữ thông tục và thẳng thắn của Holden. Holden sử dụng nhiều tiếng lóng và thường xuyên chửi thề. Việc cậu sử dụng tiếng lóng và những lời tục tĩu thu hút sự chú ý, cố gắng tạo ấn tượng về bản thân là người cứng rắn và nổi loạn. Ngoài việc thể hiện mong muốn được coi là nổi loạn, ngôn ngữ của Holden cũng cho thấy sự trẻ con của cậu. Thay vì dùng lời tục tĩu để nhấn mạnh, hoặc để thể hiện cảm xúc vào những tình huống cần thiết, Holden sử dụng chúng như một cách thay thế cho lời nói thường nhật. Giống như Holden, những cậu bé khác ở Pency cũng chửi thề và sử dụng tiếng lóng thường xuyên, Holden cũng có thể đang "làm cho lời nói của mình trở nên đơn giản hơn" để phù hợp với bạn bè. Những nhân vật trưởng thành hơn về mặt cảm xúc và độc lập hơn trong cuốn sách, như ông Spencer, ông Antolini, Sally, Carl Luce và thậm chí cả Phoebe, hiếm khi dùng tiếng lóng và thường yêu cầu Holden đừng chửi thề.

Holden cũng có xu hướng cường điệu và khái quát hóa, điều này làm tư cách người kể chuyện của cậu bị nghi ngờ và chứng tỏ cách hiểu cuộc sống của cậu không chín chắn. Cậu sợ người đọc không tin vào những sự thật đơn giản trong câu chuyện của mình, cậu nghĩ rằng cần phải phóng đại và thêu dệt để làm cho chúng thuyết phục hơn.

Một đặc điểm khác trong giọng kể của Holden là sử dụng tràn lan các từ đệm và từ hạn định làm cho việc kể lại câu chuyện của cậu có vẻ mơ hồ. Phong cách mơ hồ, đoán già đoán non này củng cố cảm giác Holden là một nhân vật không chắc chắn, người không biết rõ bản thân và những mong muốn của chính mình. Cậu vừa mâu thuẫn vừa bốc đồng, hành động theo ý thích trước khi suy nghĩ thấu đáo. Sự tự ý thức cực độ và nhu cầu giải thích quá mức về quá trình suy nghĩ nhấn mạnh Holden đang gặp rắc rối và bối rối như thế nào. Điều này cũng khiến chúng ta nhận ra rằng cậu đang tạo ra câu chuyện của mình theo một hiệu ứng nhất định, với thành công hạn chế.

Holden không phải là nhân vật duy nhất trong tiểu thuyết có giọng nói độc đáo của riêng mình. Tất cả các nhân vật, từ tên ma cô Maurice, đến bạn học cũ của Holden, Carl Luce, đều có cách nói chuyện riêng. Những nhân vật xuất thân từ tầng lớp thấp, như Maurice và tài xế taxi Horwitz, nói giọng địa phương nặng và ngữ pháp kém. Ngược lại, những nhân vật xuất thân từ tầng lớp thượng lưu thường nói những câu hoàn chỉnh, phức tạp và ít dùng từ chửi thề hoặc từ đệm. Holden coi những nhân vật này là "giả tạo". Mặc dù Holden đồng nhất sự giả tạo với học vấn và sự giàu có, cậu có nhiều điểm chung với "những kẻ giả tạo" hơn là những nhân vật thuộc tầng lớp thấp hơn.

Quan điểm

Bắt trẻ đồng xanh được viết theo ngôi thứ nhất, Holden vừa là nhân vật chính vừa là người kể chuyện, do đó, người đọc dễ dàng nhận biết được đây là ​​góc nhìn hạn hẹp và mang tính cá nhân của Holden về những gì xảy ra. Ngoại trừ phần đầu của Chương 1 và toàn bộ Chương 26, Holden kể lại câu chuyện của mình ở thì quá khứ - các sự kiện dẫn đến thời điểm hiện tại, khi cậu đang hồi phục tại một cơ sở y tế ở Los Angeles. Salinger sử dụng đối thoại để người đọc đưa ra một góc nhìn khác về những điều đã xảy ra. Như khi Holden đến thăm thầy Spencer, ông đọc to một bài luận Holden đã viết. Người đọc có thể tự biết Holden là học sinh như thế nào, thay vì tin vào lời cậu nói. Tương tự như vậy, đối thoại của các nhân vật khác gợi ý những cách diễn giải khác nhau về các sự kiện, chẳng hạn như khi Sally bảo cậu "ngừng la hét", mặc dù cậu khẳng định rằng "thậm chí không la hét", hoặc khi Phoebe chỉ ra rằng cậu đã hiểu nhầm bài "Comin' Thro the Rye" của Robert Burns.

Holden thường xuyên xen vào các tham chiếu đến ngôi thứ hai, ví người đọc như một người bạn tâm giao đáng tin cậy. Dòng cuối cùng của phần hồi tưởng trong tiểu thuyết là “Chúa ơi, ước gì bạn có thể ở đó”, cho thấy nỗi cô đơn của Holden sẽ được xoa dịu nếu có một người bạn như độc giả bên cạnh trong suốt những trải nghiệm của mình. Cách xưng hô ở ngôi thứ hai cũng làm cho tư cách người kể chuyện của Holden tăng sự không đáng tin. Trong suốt tiểu thuyết, Holden cố gắng thuyết phục người đọc diễn giải các sự kiện theo một cách, đồng thời đưa ra bằng chứng cho thấy cách diễn giải ngược lại là đúng. Theo những cách này, nỗ lực của Holden nhằm kiểm soát ấn tượng của người đọc về cậu lại phơi bày con người thật của cậu.

Sự cô lập và mong muốn kết nối của Holden cũng ảnh hưởng đến quan điểm của cậu, khiến cậu thường hiểu sai các nhân vật khác. Cậu có xu hướng lý tưởng hóa Allie và Phoebe, cả hai người cậu đều mô tả là những đứa trẻ thông minh, nhạy cảm và có năng khiếu một cách phi thực tế. Cậu cũng hiểu sai tác động của mình đối với người khác. Trong khi Holden hiểu sai ý định của người khác đối với cậu, cậu nhạy bén hơn khi là người quan sát cảm xúc của họ khi chúng không liên quan trực tiếp đến cậu.

Khi tình trạng tinh thần và thể chất của Holden trở nên mong manh hơn trong cuốn sách, và sự nắm bắt thực tế của cậu ngày càng mong manh hơn. Cậu thường nói rằng không hiểu tại sao mình lại cảm thấy một cảm xúc nhất định vào một thời điểm cụ thể, và cậu thường bật khóc mà không có lý do rõ ràng. Việc Holden thiếu sự tự vấn và tự hiểu khiến người đọc suy đoán có nhiều điều đang diễn ra bên dưới bề mặt hơn cậu có thể nhận ra. Cậu cũng nhấn mạnh đến sự yếu đuối về thể chất của mình. Đầu tiểu thuyết, cậu nói rằng thường gặp khó khăn khi thở và liên tục run rẩy. Về cuối cuốn sách, cậu bị đau đầu dữ dội, bị tiêu chảy và thậm chí ngất xỉu. Ngay trước khi quyết định lẻn vào nhà để thăm em gái Phoebe, Holden ngồi trên một chiếc ghế dài trong công viên "run rẩy như một tên khốn" và lo lắng: "Tôi nghĩ có lẽ mình sẽ bị viêm phổi và chết". Vào cuối tiểu thuyết, mặc dù thể chất suy yếu, cậu vẫn đứng dưới mưa như trút nước nhìn Phoebe trên vòng đu quay ngựa gỗ. Việc cậu không quan tâm đến sức khỏe của mình cho thấy cậu đang mất dần sự kết nối với thực tế, và có lẽ vô thức muốn hủy hoại sức khỏe của mình hoặc thậm chí là tìm đến cái chết.

Giọng điệu của Bắt trẻ đồng xanh

Giọng điệu của Bắt trẻ đồng xanh thường mang tính mỉa mai, hoài nghi và phán xét, nhưng lại cho thấy khát khao kết nối và sự thất vọng của Holden khi đạt được điều đó. Holden thường dùng sự mỉa mai để nâng mình lên trên những nhân vật khác và chứng minh sự vượt trội của mình so với những người mà cậu thấy kém thông minh hơn.

Giọng điệu kể chuyện của Holden cũng chứa đựng nỗi nhớ về tuổi thơ của chính mình. Những ký ức hạnh phúc nhất của Holden đến từ thời thơ ấu khi cậu tham gia các chuyến đi dã ngoại của trường đến Bảo tàng lịch sử tự nhiên, nơi cậu cảm thấy giống như "nơi duy nhất đẹp đẽ, khô ráo, ấm cúng trên thế giới". Đối với Holden, tuổi thơ là nơi mà sự ngây thơ vẫn chưa bị sự giả tạo xâm lấn. Tuy nhiên, nỗi nhớ của Holden thật trớ trêu, vì bản thân cậu không trưởng thành hơn một đứa trẻ là bao. Cậu khăng khăng rằng chiều cao và mái tóc muối tiêu khiến cậu trông già hơn tuổi thật, nhưng không một người lớn nào trong tiểu thuyết tin vào điều đó. Niềm tin hoài niệm của Holden rằng tuổi thơ là thời gian tĩnh tại của sự ấm áp và an toàn cũng ngây thơ một cách non nớt - trên thực tế, tuổi thơ là thời gian thay đổi mạnh mẽ và không hẳn là an toàn hay ngây thơ, bằng chứng là Allie đã chết khi vẫn còn là một đứa trẻ.

Holden Caulfield có phải dạng người độc hại hay bị hiểu lầm?

Thật dễ dàng để nhìn nhận Holden như một người không được yêu thích, người đã tự tạo ra sự cô lập cho chính mình, có thể là một người ích kỷ, thô lỗ và hay phán xét, người từ chối chịu trách nhiệm về hành động của chính mình.

Tuy nhiên, ít nhất một số hành vi của Holden có vẻ xuất phát từ sự cô đơn sâu sắc. Mặc dù lên án thế giới người lớn là đầy rẫy những kẻ giả tạo, cậu vẫn bắt chuyện với nhiều người lớn xa lạ, cho thấy mong muốn kết nối với người khác của cậu. Những phán đoán nhanh chóng, mang tính trắng đen của Holden về người khác dường như dựa hoàn toàn vào cảm giác sau các cuộc gặp gỡ. Cậu ngụy trang sự cô đơn và nỗi buồn của mình thành sự tức giận và tàn nhẫn.

Cuối cùng, chúng ta có thể nhìn nhận về Holden qua lăng kính của chấn thương. Mặc dù chúng ta có thể không biết nguyên nhân chính xác khiến Holden suy sụp, nhưng chúng ta có một số hiểu biết về quá khứ đau thương của cậu. Việc chứng kiến nhiều cái chết và sự tàn ác ở độ tuổi còn quá trẻ có thể làm cậu mất niềm tin ở thế giới người lớn. Chúng ta cũng có thể nhìn nhận về Holden như một nạn nhân của lạm dụng tình dục. Sau khi bỏ trốn khỏi ông Antolini, Holden nói rằng cậu đã trải qua "một điều gì đó đồi trụy" nhiều lần. Mặc dù Holden có nói dối, nhưng không có đủ manh mối từ bối cảnh để bác bỏ hoàn toàn lời nói này. Nhìn nhận Holden như một nạn nhân của lạm dụng tình dục cho thấy nỗi lo lắng của Holden về tình dục và mong muốn bảo vệ sự trong sáng của thời thơ ấu. Nếu chúng ta nhìn nhận Holden như một người bị chấn thương, thì chúng ta có thể coi mong muốn trở thành “người bắt trẻ đồng xanh” của cậu là mong muốn bảo vệ những đứa trẻ khỏi những điều mà cậu đã phải trải qua.

Cái kết của Bắt trẻ đồng xanh có ý nghĩa gì?

Bắt trẻ đồng xanh kết thúc một cách mơ hồ. Sự mơ hồ chủ yếu là do khoảng cách thời gian giữa hai chương cuối của tiểu thuyết. Chương 25 kết thúc khi Holden cảm thấy hạnh phúc bởi vì cậu nhìn Phoebe cưỡi ngựa gỗ ở Central Park. Cậu thú nhận: "Tôi gần như khóc, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc". Nhưng Holden cũng thừa nhận rằng cậu không biết tại sao mình lại cảm thấy hạnh phúc, hoặc tại sao lại sắp khóc. Mặc dù vậy, cảm giác nhẹ nhõm của cậu sau thời gian dài trầm cảm vẫn rất rõ ràng. Chương 25 kết thúc ở đó. Chương tiếp theo, chương 26 (và cũng là chương cuối cùng) bắt đầu bằng việc Holden đột ngột ngắt lời mình: "Đó là tất cả những gì tôi kể". Cậu giải thích: "Có lẽ tôi có thể kể cho bạn nghe những gì tôi đã làm sau khi về nhà, tôi đã bị ốm như thế nào, và tôi phải học trường nào vào mùa thu tới, sau khi tôi ra khỏi đây, nhưng tôi không muốn làm vậy". Khi giải thích về việc không muốn kể cho chúng ta nghe, Holden vô tình để chúng ta biết những gì đã xảy ra. Nhưng nếu không có thêm thông tin chi tiết, chúng ta sẽ không biết lý do tại sao Holden lại bị đưa đến một cơ sở nào đó ở miền Nam California.

Với vòng quay ngựa gỗ ở Central Park, việc Holden từ chối cưỡi ngựa cho thấy cậu nhận ra, nếu không muốn nói là chấp nhận, địa vị của mình là người lớn. Theo một cách nào đó, vòng đu quay gợi nhớ đến những bức tượng trong Bảo tàng lịch sử tự nhiên, bởi vì, giống như chúng, nó không bao giờ thay đổi. Nó tiếp tục di chuyển theo vòng tròn và luôn giữ nguyên tốc độ; nó vẫn vậy trong khi những đứa trẻ cưỡi nó tiếp tục lớn lên. Có vẻ như, niềm hạnh phúc mà Holden có được khi xem Phoebe cưỡi ngựa, giống như những khoảnh khắc của cậu ấy tại bảo tàng và ngắm Phoebe ngủ, là tự lừa dối bản thân.

Nhưng Holden cũng cho thấy một số dấu hiệu trưởng thành. Cậu nói: "Tất cả bọn trẻ đều cố gắng giành lấy chiếc nhẫn vàng, và Phoebe cũng vậy... nhưng tôi không nói gì cả... nếu chúng muốn giành lấy chiếc nhẫn vàng, bạn phải để chúng làm điều đó... Nếu chúng ngã, chúng sẽ ngã". Đây là một sự phát triển sau tưởng tượng "người bắt trẻ đồng xanh" của Holden. Bây giờ cậu đã chấp nhận rằng mọi đứa trẻ cuối cùng sẽ "ngã" - từ sự ngây thơ và trưởng thành. Holden không thể ngăn cản chúng làm điều đó hoặc cứu chúng, cũng như cậu không thể ngăn cản hoặc cứu chính mình khỏi việc trở thành người lớn. Sự công nhận này mang lại cho cậu sự giải tỏa cảm xúc to lớn, và cậu bắt đầu khóc; bầu trời hòa vào với cậu bằng một cơn giông bão. Hầu hết những người lớn khác trú ẩn dưới tán cây, nhưng Holden vẫn ở ngoài trời mưa. Liệu chúng ta có thể coi hành động này là hành động thách thức hay chấp nhận hay không? Giống như phần còn lại của cuốn sách, tất cả đều không rõ ràng.

Cách chúng ta hiểu đoạn kết của Bắt trẻ đồng xanh phụ thuộc vào cách chúng ta diễn giải khoảng cách giữa Chương 25 và 26. Một cách là có thể sẽ hiểu theo lời Holden. Theo cách này, chúng ta tin rằng hạnh phúc của Holden vào cuối Chương 25 là chân thật và rằng hạnh phúc này là dấu hiệu cho thấy cuối cùng cậu sẽ hồi phục hoàn toàn. ​​Holden từ bỏ sự hoài nghi của mình về thế giới và phát triển tình cảm nồng ấm hơn đối với những người khác. Holden ám chỉ điều đó trong Chương 26, cậu nói: "Tôi hơi nhớ tất cả mọi người mà tôi đã kể về". Nếu đúng là Holden đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn vào cuối cuốn tiểu thuyết, thì cậu ấy có thể vượt qua cơn trầm cảm hiện tại, thành công hơn ở ngôi trường mới và trong cuộc sống sau này. Cách nghĩ này nhấn mạnh đến cảm giác lạc quan, nếu không muốn nói là hạnh phúc tuyệt đối.

Một cách hiểu khác đáng ngờ hơn sẽ khiến người ta nghi ngờ về sự lạc quan của Holden. Trong suốt cuốn sách, những đánh giá của cậu về người khác liên tục được chứng minh là không chính xác và quá đơn giản. Do đó, có vẻ như khả năng tự đánh giá của Holden cũng sẽ mắc phải sự thiển cận tương tự. Ví như đoạn Phoebe trên vòng xoay ngựa gỗ, nơi niềm vui của Holden gần như mê sảng. Sau cơn trầm cảm kéo dài và khó khăn, sự đột phá về mặt cảm xúc của cậu có vẻ đáng ngờ. Cũng đáng ngờ không kém là sự đơn giản một cách rõ ràng trong niềm hạnh phúc của cậu. Thực tế Holden "gần như khóc lóc thảm thiết", điều này cho thấy cảm xúc của cậu phức tạp hơn nhiều so với những gì cậu hiểu. Như chính Holden đã thừa nhận nhiều lần trong những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, cậu thực sự không biết mình cảm thấy như thế nào hoặc tại sao. Trong sự non nớt về mặt cảm xúc của mình, cậu có thể đã giảm sự phức tạp này thành một nhãn hiệu quá đơn giản: "hạnh phúc". Nếu đúng như vậy, thì người đọc sẽ khó chia sẻ sự lạc quan của Holden. Thật vậy, cậu có thể vẫn là con người như trước đây, là “người bắt trẻ đồng xanh”.

Những cảm nhận cuối cùng về Bắt trẻ đồng xanh

Càng đọc cuốn tiểu thuyết, chúng ta càng hiểu hơn về Holden và đặc biệt là hiểu hơn về tuổi trẻ của chính bản thân chúng ta. Những gì mà Holden đã trải qua, những thiếu sót, những bế tắc, những tổn thương, sự cô đơn, thất vọng, …, và những cuộc đấu tranh nội tâm là điều mà hầu hết chúng ta sẽ phải trải qua khi bước vào thế giới của tuổi trưởng thành.

Do mang tiếng nói tuổi trẻ của hầu hết chúng ta, cuốn tiểu thuyết là sự đồng cảm sâu sắc với mỗi người đọc. Cuối cùng, cho dù cái kết của Bắt trẻ đồng xanh là mơ hồ, nó vẫn mang đến cho chúng ta niềm tin vào những mối quan hệ chân thành, vào gia đình và khả năng chữa lành, vực dậy của những mối quan hệ đó.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment