Năm 1971, Warner Brothers đã phát hành bộ phim A Clockwork Orange của Stanley Kubrick, dựa
trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anthony Burgess, được cả giới phê bình và
công chúng hoan nghênh nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. A Clockwork Orange là một bộ phim viễn tưởng phản địa đàng về một
tên côn đồ trẻ tuổi hung bạo, đã trở thành một bộ phim kinh điển của nền điện ảnh
thế giới.
Một poster của A Clockwwork Orange |
Bối cảnh của A Clockwork Orange
A Clockwork Orange trở thành một kiệt
tác bởi nó là sự kết hợp vô cùng tài tình của nhiều yếu tố, từ nội dung, âm
nhạc, diễn xuất… và được chỉ đạo bởi một đạo diễn tôn thờ sự hoàn hảo. A Clockwork Orange đã
đạt doanh thu 26,6 triệu đô la, cao nhất năm đó, được đề cử bốn giải Oscar cho
các hạng mục phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản chuyển thể và dựng phim, giành nhiều giải thưởng khác và được khán giả quốc
tế yêu thích.
Sự tàn bạo của bộ phim khiến nhiều người xem ghê tởm. Hiệp
hội điện ảnh Mỹ đã dán nhãn X cho bản phát hành đầu tiên của bộ phim tại Mỹ. Sau
khi Kubrick xóa một đoạn phim 30 giây, bộ phim đã được sửa đổi xếp hạng thành
R.
A Clockwork Orange ra rạp được một thời gian thì một tội ác kỳ lạ và tàn bạo
đã đưa bộ phim nóng trở lại. Năm 1974, một băng nhóm thanh niên người Anh đã tấn công
một cô gái tuổi teen. Khi chúng hãm hiếp cô, chúng đã hát và nhảy múa bài “Singin' in the Rain”, giống hành động
của Alex trong phim. Một số tội ác bắt chước các hành động khác trong phim đã xảy
ra sau đó. Kubrick kinh hoàng trước những tội ác này. Ông đã rút bộ phim khỏi
các rạp chiếu phim ở Anh và không chiếu bản phim đầy đủ ở Anh cho đến tận năm 2000, sau khi ông qua đời.
A Clockwork Orange không phải là bộ phim gây sốc duy nhất của Kubrick.
Trong nhiều năm, chính quyền Pháp đã cấm Paths of Glory (1957). Giáo hội Công giáo tại Mỹ đã phản đối bộ
phim Lolita (1962), bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của
Vladimir Nabokov. Kubrick có khiếu hài hước và tầm nhìn thẩm mỹ sâu sắc, nhưng
cốt lõi trong các bộ phim của ông là một viễn cảnh đen tối về nhân loại và con
người. Những bản năng nguyên thủy thúc đẩy các nhân vật của ông, thường biểu
hiện dưới dạng hành vi tình dục hoặc bạo lực. Kubrick bị cuốn hút bởi mặt tối
của bản chất con người cũng như những nguy hiểm của các hệ thống chính trị mà
con người dựng lên để kiểm soát những ham muốn của họ. A Clockwork Orange đưa ra một
góc nhìn khác về những nguy hiểm của quyền lực nhà nước, nơi những cá nhân đói
khát quyền lực nắm quyền chỉ đạo. Chính phủ đói khát quyền lực và những cá nhân
có bản năng bạo lực như Alex đều ẩn chứa những nguy hiểm đối với con người.
Chủ đề về quyền lực nhà nước có ý nghĩa đặc biệt vào đầu
những năm 1970, khi A Clockwork Orange xuất
hiện tại các rạp chiếu phim. Chiến tranh thế giới thứ II và chiến tranh lạnh đã
cho thế giới thấy những nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã và
chủ nghĩa toàn trị. Những năm 1960 và 1970 cũng mang đến những sự biến động chính trị
và nổi dậy trên toàn thế giới chống lại các thể chế chính trị và xã hội. Trong
những thập kỷ đó, tình dục và ma túy có ảnh hưởng chưa từng có đến cuộc sống
của thanh thiếu niên. Khoảng thời gian này cũng tạo ra khoảng cách rất lớn về
mặt ý thức hệ giữa các thế hệ. Mặc dù Alex trong A
Clockwork Orange không có động cơ chính trị hoặc xã hội cụ thể nào
cho hành vi bạo lực của mình, nhưng người xem vẫn rất quan tâm đến câu hỏi về
việc nhà nước nên có bao nhiêu quyền lực để kiểm soát các cá nhân, đặc biệt là
những người trẻ tuổi.
Nhiều khán giả cũng phản ứng với việc nhà nước sử dụng
con người để thử nghiệm khoa học chưa được kiểm chứng làm công cụ kiểm soát.
Trong phim, chính phủ chọn Alex làm đối tượng của một quy trình thử nghiệm. Mặc
dù bộ phim trình bày kỹ thuật Ludovico như một phương pháp của tương lai, nhưng
nửa đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự trỗi dậy của các phương pháp khoa học và
tâm lý để thay đổi hành vi của con người, cũng như các trường hợp chính phủ sử
dụng các phương pháp đó để kiểm soát tội phạm và các thành viên xã hội mà họ
cho là mang tính đe dọa.
Trong A Clockwork
Orange, chủ đề về sự lạm dụng quyền lực của chính phủ được kết hợp
với khái niệm về sự phi nhân tính hóa xã hội của thời hiện đại, nguồn gốc điện
ảnh của nó có lẽ từ bộ phim Metropolis (1927) của Fritz Lang. Bộ phim này, đánh dấu sự
ngờ vực đối với thời đại công nghiệp, mô tả một xã hội đô thị bị phân chia
thành "lao động trí óc" và "lao động chân tay", không nhóm
nào sở hữu đầy đủ các phẩm chất của con người. Chủ đề tương tự này xuất hiện
ngay từ đầu trong A Clockwork Orange, khi
mẹ của Alex gọi cậu dậy để đến trường nhưng trách nhiệm làm mẹ của bà bị hạn
chế bởi nghĩa vụ với công việc tại nhà máy. Trong cảnh này, câu nói của Alex
với mẹ mình: "Chúc một ngày tốt lành
ở nhà máy!" mang sự châm biếm và ẩn chứa ẩn dụ về chủ đề này.
Cũng giống như Metropolis đã
ảnh hưởng đến sự châm biếm xã hội của A Clockwork Orange,
tác phẩm kinh điển M năm 1931 của Lang cũng ảnh hưởng đến A Clockwork Orange về chủ
đề bạo lực. Đến lượt nó, các bộ phim sau này như One Flew Over the Cuckoo's Nest (1975) của Milos Forman, Brazil (1985)
của Terry Gilliam và Requiem for a Dream (2000) của Darren Aronofsky đều cùng hoặc có
những chủ đề liên quan với nhau. Giống như A Clockwork
Orange, tất cả những bộ phim này đều được giới phê bình đánh giá
cao, được ca ngợi vì những khám phá gây bất ngờ về những xung lực đen tối nhất
của con người và nhân loại.
Tiêu đề “A Clockwork Orange” có nghĩa là gì?
Trong bản thảo gốc, nhà
văn Bergess sử dụng tựa đề tạm thời là “The
Ludovico Technique (Kỹ thuật Ludovico)”. Khi tác phẩm chính thức phát hành,
ông quyết định lấy tên là A Clockwork Orange. Năm 1945, ông đã tình cờ nghe được
cụm từ “as queer as a clockwork orange”
trong một quán rượu ở London, as queer as a clockwork orange là một phép so
sánh ẩn dụ có nghĩa ai đó hoặc cái gì đó cực kỳ khác thường, lạ lùng hoặc kỳ quặc.
Đó là phương ngữ Cockney đặc biệt của tiếng Anh, phương ngữ Cockney chủ yếu được
nói ở London và các vùng lân cận, đặc biệt là ở Đông London, có nguồn gốc từ tầng
lớp lao động và trung lưu.
Bergess thích tiếng lóng
cổ này và khi thấy phù hợp, ông muốn dùng nó làm tiêu đề cho cuốn sách. Đối với
cái tên A Clockwork Orange, nhà văn nói rằng ông phải thêm một ý nghĩa cho nó.
Ông đã ngụ ý đến một chiều không gian khác, đó là sự giao thoa của cuộc sống và
những áp đặt, tức là những thứ hữu cơ của một cơ thể sống động và những thứ lạnh
lùng, máy móc, lạnh lẽo.
Tiêu đề ngụ ý rằng con
người, mà Alex là một đại diện, như những quả cam, là những sinh vật sống nên cần
được phát triển một cách hữu cơ và nằm ngoài những quy định áp đặt một cách máy
móc. Ngược lại, kỹ thuật Ludovico nhằm đơn giản hóa bản năng tự nhiên vốn phức
tạp của một cơ thể hữu cơ, biến nó thành một vật thể vô tri và mang tính cơ giới,
khiến họ không có khả năng lựa chọn hành động theo những thôi thúc của mình.
Nếu có ai đó chỉ làm điều
tốt hoặc chỉ làm điều ác, thì kẻ ấy chẳng khác gì một chiếc đồng hồ quả cam –
nghĩa là vẻ ngoài thì như một sinh vật hữu cơ sống động với màu sắc tươi mát
như quả cam, nhưng bên trong chỉ là một cỗ máy cơ khí vô cảm như chiếc đồng hồ.
Chương cuối cùng của A Clockwork Orange và chuyển thể phim của Kubrick
Năm 1962, Anthony Burgess đã xuất bản A Clockwork Orange với hai
phiên bản khác nhau. Phiên bản đầu tiên được xuất bản ở Anh có 21 chương, kết
thúc bằng việc Alex trưởng thành, nhận ra sự xấu xa của bạo lực và tránh xa nó.
Burgess tin rằng tất cả mọi cá nhân, ngay cả những người có thiên hướng bạo lực
như Alex đều có thể cải tạo, và trong phiên bản này, sự phát triển về mặt đạo
đức đến cùng tuổi tác.
Khi xuất bản cuốn sách ở Mỹ, biên tập viên của nhà xuất
bản cho rằng chương 21 là “nhạt nhẽo” và cho thấy cần phải chấp nhận có những
con người là hình mẫu của cái ác và không thể cải tạo. Ban đầu Burgess không
đồng ý bỏ chương 21, nhưng cuối cùng ông cũng gật đầu vì cần tiền. Phiên bản
thứ hai đã được xuất bản tại Mỹ như vậy. Kubrick đọc tác phẩm này và lên ý định
thực hiện bộ phim mà không hề biết đến phiên bản đầy đủ của tác phẩm gốc. Cuối
cùng ông cũng biết và đọc nó, nhưng ông nói rằng ông thích cái kết của phiên
bản Mỹ, mặc dù nó đen tối hơn nhưng phù hợp với ý đồ của ông.
Ngoài việc bỏ qua chương hai mươi mốt, Kubrick vẫn bám
khá sát cốt truyện và ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Burgess. Tuy nhiên, vì
phim ảnh không giống như văn học, nó tác động đến rất nhiều giác quan của con
người, nên bộ phim của Kubrick đã làm tăng thêm sự tranh cãi xung quanh vấn đề
bạo lực của tiểu thuyết và bộ phim. Mặt khác, Kubrick đã thêm vào một số chi
tiết không có trong tiểu thuyết, điều này càng làm tăng những tranh cãi xung
quanh bộ phim. Một trong số những chi tiết đó là khoảnh khắc nổi tiếng nhất của
bộ phim, Alex hát "Singin' in the
Rain" khi chuẩn bị cưỡng hiếp vợ của nhà văn. Một số điểm khác biệt
khác giữa tiểu thuyết và phim khiến bộ phim của Kubrick trở nên u ám hơn là,
trong tiểu thuyết, linh mục nhà tù rời bỏ vị trí của mình để phản đối chính
phủ, nhưng hành động đạo đức này không được đưa vào phim. Ngoài ra, Alex trong
phim mong muốn tham gia kỹ thuật Ludovico để được nhanh chóng ra tù, còn Alex
trong tiểu thuyết bị bắt buộc phải tham gia vào chương trình này. Alex của Kubrick
là đồng phạm của chính phủ, trong khi Alex của Burgess, với mọi hành vi bạo lực
của mình, rõ ràng là nạn nhân.
Ban đầu Burgess ca ngợi bộ phim do Kubrick chuyển thể
nhưng sau đó ông lại phàn nàn vì ý nghĩa, cảm nhận về bộ phim và tiểu thuyết đã
khác nhau rất nhiều. Burgess phản đối việc dùng tác phẩm của mình để truyền
thông điệp rằng có những con người, bản chất là xấu xa và không thể thay đổi.
Khi tiểu thuyết A Clockwork Orange được tái bản ở Mỹ, nó đã có thêm chương
21, nhưng Kubrick vẫn tiếp tục tin rằng câu chuyện
hay hơn nếu không có chương cuối cùng. Bộ phim và tiểu thuyết, mặc dù rất giống
nhau ở nhiều khía cạnh, nhưng lại rất khác nhau trong phán quyết cuối cùng về
con người.
Đạo diễn Kubrick
Kubrick đã thực hiện A
Clockwork Orange với kinh phí chỉ 2,2 triệu đô la, một con số rất nhỏ đối với một
bộ phim lớn. Ông đã quay phần lớn bộ phim tại những địa điểm thực tế để tiết
kiệm tiền dựng phim trường, ông cũng quay nhiều cảnh bằng ánh sáng tự nhiên để
tiết kiệm tiền cho khâu ánh sáng. Tương tự như vậy, Kubrick quyết định sử dụng
máy quay cầm tay cho phần lớn bộ phim. Lựa chọn này không chỉ giúp giảm kinh
phí mà còn làm tăng sự hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Như cảnh quay Alex cưỡng hiếp
vợ của nhà văn; máy quay cầm tay mang đến sự gần gũi, thân mật, làm tăng thêm
sự man rợ của cảnh quay. Ngoài ra, sự mất phương hướng về mặt thị giác mà người
xem trải qua khi máy quay chuyển góc nhìn làm người xem tăng thêm cảm giác mất
phương hướng. Đôi khi chúng ta nhìn thấy hành động từ góc nhìn của nạn nhân,
trong khi ở những thời điểm khác, chúng ta nhìn thấy nó qua góc nhìn của Alex.
Bạo lực là trung tâm của A
Clockwork Orange, và dễ dàng nhận thấy dấu ấn của Kubrick trong
những cảnh quay này. Ông đã bóp méo và cách điệu nhiều hành động bạo lực, tạo
ra những cảnh quay bạo lực hòa quyện với nghệ thuật. Ví dụ, ở đầu phim nhóm của
Alex đánh nhau với một nhóm khác khi nhóm này đang định cưỡng hiếp một cô gái. Bối
cảnh là trong một nhà hát bỏ hoang, nơi từng là mô hình của sự tráng lệ cổ
điển, giờ đã hoàn toàn đổ nát. Phù hợp với bối cảnh, Kubrick đã cho cuộc ẩu đả
diễn ra dưới nền nhạc cổ điển cao vút. Cuộc ẩu đả đẫm máu nhưng khi máy quay
lia vào và lia ra, người xem có cái nhìn cảnh cận cảnh và toàn cảnh về hành
động, chúng ta thấy các diễn viên của Kubrick di chuyển giống như nhào lộn hoặc
múa ba lê hơn là đang đánh nhau một cách tàn bạo.
Nhiều cảnh quay bạo lực khác cũng được xảy ra mà phải hòa
quyện trong nghệ thuật theo cách tương tự. Alex hát bài "Singin' in the Rain" khi chuẩn bị cưỡng hiếp bà
Alexander. Khi Alex đánh Dim và Georgie, hai người trong nhóm Droogs của mình,
Kubrick một lần nữa lấy nhạc cổ điển làm nền, và lần này chuyển động của các
nhân vật được làm chậm lại. Cử chỉ vật lý của các diễn viên quá cường điệu
trong cảnh quay chậm, khiến cuộc chiến lại trông giống như một điệu nhảy. Trái
ngược với những cảnh quay bạo lực của Alex là những cảnh quay bạo lực của cảnh
sát. Ở đó, Kubrick không sử dụng nhạc nền, bạo lực trong trường hợp này chỉ
mang tính tàn bạo thông thường, không mang đến nghệ thuật hay một tầm nhìn nghệ
thuật, ý nghĩa khác như trường hợp của Alex. Kubrick sử dụng tầm nhìn đạo diễn
của mình để mang đến cho chúng ta trải nghiệm về bạo lực như nhân vật Alex đã
từng trải qua. Kubrick cũng nổi tiếng với việc yêu cầu quay đi quay lại nhiều
cảnh phim đến khi ông cảm thấy nó hoàn hảo, trong A Clockwork
Orange, cảnh Alex bị nhổ nước bọt phải quay hơn 50 lần, cảnh liếm giày
quay hơn chục lần. Khi Kubrick quay cảnh Alex tự tử bằng cách nhảy qua cửa sổ,
ông đã bọc một chiếc máy quay trong hộp xốp và ném nó ra ngoài cửa sổ sáu lần,
cho đến khi đạt được hiệu ứng mong muốn mới thôi. Sự khắt khe này thường gây
khó khăn cho những người làm việc với ông. Tuy nhiên, nhiều diễn viên từng làm
việc với Kubrick đã ca ngợi khả năng mang lại sự biểu cảm độc đáo cho các cảnh
phim của ông.
Kubrick là một người cầu toàn, cẩn thận, sự tận tụy của ông nhằm có được các thước phim hoàn hảo, tiết kiệm chi phí và khắc họa bạo lực một cách nghệ thuật đã biến A Clockwork Orange trở thành một tác phẩm kinh điển. Kubrick bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách một nhiếp ảnh gia, ông đã trở nên nổi tiếng vì tầm nhìn thẩm mỹ của mình và kỹ năng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn đó. Khả năng của ông không chỉ là sự thành thạo mà còn là sự sáng tạo về mặt kỹ thuật.
Nhạc phim A Clockwork Orange
Wendy Carlos đã nổi tiếng trước đó với album Switched-On Bach, một bản chuyển thể nhạc điện tử
của một số tác phẩm nhạc cổ điển nổi tiếng, trước khi cô bắt đầu hợp tác với
Kubrick. Âm thanh điện tử cô tạo ra khi chơi nhạc của Bach vừa cổ điển vừa mang
tính tương lai, hoàn hảo cho A
Clockwork Orange. Carlos đã bắt đầu sáng tác một bản nhạc cho A
Clockwork Orange khi một người bạn gửi cho cô tờ báo nói rằng Kubrick bắt đầu
chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành phim. Và khi tờ báo The New York Times đưa tin Kubrick đã hoàn thành
việc quay bộ phim, cô đã liên lạc để đề nghị ông sử dụng nhạc của mình trong bộ
phim. Kubrick mời cô đến London, và Carlos đã trở thành người chịu trách nhiệm
cho phần âm nhạc của bộ phim.
Carlos đã thực hiện các bản thu âm điện tử của một số nhà
soạn nhạc cổ điển nổi tiếng cho A
Clockwork Orange, bao gồm Beethoven, Rossini và Purcell, cô cũng đã
đưa vào bộ phim một số sáng tác của mình. Bản chuyển thể phần hợp xướng Bản
giao hưởng số 9 (Beethoven) của cô là tác phẩm "hát" điện tử đầu tiên
được sản xuất. Trong phim, các tác phẩm của những nhà soạn nhạc này đi kèm với
những cơn thịnh nộ dữ dội của Alex, nó cũng đi kèm những tưởng tượng dữ dội của
Alex, mang lại cho chúng một cảm giác ngây ngất và siêu thực, phù hợp với cách
Alex cảm thấy trong suốt thời gian đó. Bộ phim mở đầu bằng một sáng tác của
Carlos có tựa đề Timesteps, một tác phẩm chậm
rãi, bùng nổ, siêu thực, tạo nên một giai điệu mang tính cảnh báo cho toàn bộ
bộ phim.
Giải thích nghĩa phim A Clockwork Orange
Trật tự xã hội và tự do cá nhân
Quyền tự do lựa chọn của cá nhân trở thành vấn đề khi
những lựa chọn đó làm suy yếu sự an toàn và trật tự của xã hội. Trong A Clockwork Orange, chính
phủ sẵn sàng bảo vệ trật tự xã hội bằng cách tước đi quyền tự do lựa chọn của
cá nhân, không cho họ có quyền lựa chọn và bắt buộc phải lựa chọn theo cách mà
chính phủ muốn. Trong thế giới của Alex, cả những hành động xuất phát từ sự tự
do lựa chọn của cá nhân và những hành động được can thiệp của chính phủ đều
nguy hiểm. Alex trộm cắp, hãm hiếp và giết người không vì một mục đích cụ thể
nào, nó chỉ xuất phát từ bản năng và Alex cảm thấy thoải mái khi làm những điều
đó, nhưng khi những hành động bạo lực và dã man của Alex bị tước đi, kết quả
cũng nguy hiểm không kém, đơn giản vì quyền tự do lựa chọn, một yếu tố cơ bản
của con người, đã bị tước đi.
Về mặt chủ đề, bộ trưởng nội vụ và Alex đứng cùng một
phía, ủng hộ một xã hội có trật tự. Linh mục nhà tù và nhà văn Alexander đứng
về phía bên kia, ủng hộ quyền tự do lựa chọn, chấp nhận những hậu quả tiêu cực
đi kèm. Theo bộ trưởng nội vụ, các vấn đề về quyền tự do cá nhân là không đáng
kể so với các giá trị về an toàn và trật tự của xã hội. Ông chứng minh lập luận
của mình bằng cách dẫn chứng những đau khổ mà Alex gây ra cho các nạn nhân. Nhưng
việc bộ trưởng lạm dụng quyền lực, như tuyển côn đồ làm cảnh sát và bắt những
người đối lập chính trị đã làm suy yếu lập luận của ông. Về phía nhà văn
Alexander, ông ủng hộ quyền tự do cá nhân nhưng cũng làm suy yếu nó bằng cách
sẵn sàng tước đi mạng sống và quyền tự do của Alex, mục đích để trả thù riêng
và thúc đẩy chương trình nghị sự của đảng mình. Linh mục nhà tù có vẻ chân
thành hơn khi bảo vệ quyền của cá nhân trong việc đưa ra những lựa chọn đạo
đức, ông coi quyền được lựa chọn là quyền tối cao đối với con người, nhưng việc
ông coi nhẹ bản chất bạo lực của Alex khiến ông có phần là một con người ngây
thơ.
Alex thực hiện những hành vi bạo lực dã man không vì lý
do gì cụ thể, có vẻ như, ngoài việc cậu ta thích làm vậy. Như Deltoid, viên chức
quản chế của Alex, đã nói với cậu, "Cậu
có một ngôi nhà tốt ở đây, có cha mẹ yêu thương. Cậu có một bộ não không tệ
lắm! Có phải là một con quỷ đang bò bên trong cậu không?". Bản thân
Alex cũng không có lời giải thích nào tốt hơn cho hành động của mình. Chỉ đơn
giản là cậu thích thú khi trở nên xấu xa, giống như cách những người khác thích
thú khi trở nên tốt bụng. Hành động bạo lực chỉ là một trò chơi cảm giác mang
đến sự dễ chịu cho Alex. Bằng một cách nào đó, sự coi thường người khác lại
mang đến cho Alex một sức sống hấp dẫn. Niềm đam mê âm nhạc cổ điển, và ngay cả
niềm đam mê bạo lực của cậu cũng là một sự kinh ngạc. Hành động của Alex vốn dĩ
là xấu xa, nhưng tình yêu cuộc sống, mặc dù là một cuộc sống xấu xa, đã khiến
Alex không trở thành một con quái vật, mà phần nào đó trong sâu thẳm, vẫn mang
tính con người.
Mặc dù là một kẻ hiếp dâm và giết người, Alex mang một
nét ngây thơ có phần quyến rũ, giống như một cậu học sinh. Nam diễn viên đóng
vai Alex, Malcolm McDowell, cũng có nét trẻ trung, thậm chí là bầu bĩnh, với
giọng nói nhẹ nhàng. Khi mới đến nhà tù, Alex làm mọi điều được yêu cầu mà
không hề tức giận. Alex làm thế để cố gắng thay đổi số phận của mình, nhưng khi
không thể, cậu chấp nhận nó. Alex có thể tự thương hại mình, nhưng cậu không
chìm đắm trong đó, điều đó khiến cậu trở nên dễ mến hơn. Khi Alex tưởng tượng
đến cảnh Chúa Kitô bị đóng đinh, cậu không nghĩ đến nỗi đau khổ của Chúa Jesus,
thay vào đó, Alex hình dung mình là một người lính La Mã tham gia vào cuộc tra
tấn. So với thái độ thánh thiện hơn người của linh mục nhà tù, phản ứng phạm
thánh của Alex có vẻ mới mẻ, gần như là trung thực một cách ngây thơ.
Alex không trải qua bất kỳ sự chuyển đổi cơ bản nào về
tính cách của mình. Trong phần lớn các tác phẩm, cuộc đấu tranh của nhân vật chính
với các câu hỏi về giá trị hoặc đạo đức thúc đẩy câu chuyện phát triển. Trong A Clockwork Orange, tuy Alex
cũng trải qua những thử thách và nút thắt giống như các nhân vật khác, nhưng về
cơ bản Alex không thay đổi gì vào cuối phim. Cuối cùng, A Clockwork Orange không
đưa ra câu hỏi Alex nên làm gì, mà là chúng ta, với tư cách là một xã hội nên
làm gì với Alex.
Trong suốt bộ phim, linh mục nhà tù thể hiện một sự mù
quáng nhất định với thực tế. Ấn tượng đầu tiên của chúng ta về ông là một người
đạo đức giả, ngu ngốc và bất lực. Ông rao giảng cho những tù nhân nghe, nhưng
họ thờ ơ và chế giễu ông. Ông cũng liên tục đánh giá thấp bản năng bạo lực và
đánh giá quá cao sự thay đổi thực sự về mặt đạo đức của Alex. Linh mục nhà tù
tin rằng, khi ông và Alex cùng nhau học Kinh thánh, Alex đang suy ngẫm về lòng
tốt của Chúa Jesus và sự xấu xa của tội lỗi, nhưng chúng ta biết đó không phải
là điều mà Alex đang hướng tới. Linh mục nhà tù tin rằng Alex thực sự muốn cải
tạo, sám hối, nhưng thứ Alex thực sự muốn chỉ là tự do. Sự hạn chế này của linh
mục nhà tù không làm suy yếu lập luận của ông, rằng ngay cả một tù nhân cũng
không nên bị tước bỏ khả năng đưa ra lựa chọn đạo đức, nhưng nó làm suy yếu
thông điệp của ông ở một mức độ nào đó.
Vị linh mục nhà tù vừa ngu ngốc vừa độc đoán trong quan
điểm tôn giáo của mình, nhưng ông ta nói một cách mạnh mẽ, nếu không muốn nói
là hoàn toàn thuyết phục, về việc bảo vệ khả năng đưa ra những lựa chọn đạo đức
của cá nhân. Khi Alex nói với vị linh mục rằng cậu muốn tham gia kỹ thuật
Ludovico để phần đời còn lại sẽ trở thành một con người tốt, vị linh mục nhà tù
trả lời: “Câu hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật này có thực sự khiến một người trở nên
tốt hay không. Lòng tốt đến từ bên trong. Lòng tốt là do lựa chọn. Khi một
người không thể lựa chọn, anh ta không còn là một con người nữa”.
A Clockwork Orange là một bộ phim minh họa cho sự cực đoan của tự do và kiểm soát. Xuyên
suốt A Clockwork Orange, bộ phim
buộc chúng ta phải đặt lên bàn cân, xem xét các giá trị và những nguy cơ, của
cả tự do cá nhân và sự kiểm soát của nhà nước. Rồi tự hỏi bản thân xem chúng ta
sẵn sàng từ bỏ bao nhiêu tự do cá nhân để đổi lấy trật tự xã hội, và chúng ta
sẵn sàng từ bỏ bao nhiêu trật tự để đổi lấy tự do.
Sự cần thiết của cái ác trong bản chất con người
Tầm quan trọng của cái ác cũng như cái thiện trong bản
chất con người là một chủ đề cơ bản của A
Clockwork Orange. Alex bị lên án vì buông thả những bản năng bạo
lực của mình; nhưng mặt khác, những hành động đó là sự tự do của lựa chọn cá
nhân và đó cũng là điều khiến Alex trở nên có tính người. Khi kỹ thuật Ludovico
làm Alex không thể thực hiện những điều xấu xa trong tính cách của mình, mối đe
dọa đối với xã hội mất đi, nhưng bộ phim cũng ẩn dụ rằng Alex ít có tính người
hơn. Sự lựa chọn là một điều rất quan trọng để trở thành một con người hoàn
chỉnh, và khi không thể làm được điều đó, tính người đã mất đi.
Tuy có nhiều hành động bạo lực, xấu xa và dã man, Alex có
thể được coi là một nhân vật anh hùng, đây không phải là mô típ anh hùng truyền
thống, nhưng đây là đặc điểm và sự độc đáo trong các bộ phim của Kubrick. Cái
tốt và cái xấu trong các nhân vật của Kubrick hầu như luôn đan xen chặt chẽ với
nhau. Thông qua các nhân vật của mình, Kubrick ẩn dụ rằng những bản năng đen
tối là một phần cơ bản của bản chất con người.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa cuộc sống và nghệ thuật
Trong A
Clockwork Orange, các nhân vật và nghệ thuật có mối quan hệ với
nhau theo nhiều cách tạo ra một bức tranh phức tạp và mâu thuẫn. Alex sử dụng
âm nhạc, phim ảnh và nghệ thuật trong cuộc sống của mình. Trong hai tuần mà các
bác sĩ cho Alex xem những thước phim về tình dục và bạo lực, cậu ngạc nhiên khi
thấy thế giới trong những thước phim đó còn thật hơn ngoài đời. Alex và các nhân
vật khác cũng dùng nghệ thuật để tách mình khỏi cuộc sống và những người khác.
Khi Alex đánh nhà văn Alexander và chuẩn bị cưỡng hiếp vợ ông, cậu hát bài hát
kinh điển "Singin' in the Rain"
và nhảy như Gene Kelly đã nhảy trong vở nhạc kịch cùng tên. Với việc biến hành
động bạo lực thành một bài hát và điệu nhảy, Alex tách mình khỏi sự tàn bạo của
bản thân và nỗi đau của nạn nhân.
Người phụ nữ ở trung tâm dưỡng sinh, bộ phim gọi tên cô
là Cat Lady, người mà Alex đã giết, thể hiện quan điểm về tình dục của mình
thông qua các bức tượng và những bức tranh trên tường, khi Alex chạm vào bức
tượng dương vật của cô, cô hét và nói đừng chạm vào vì nó là một tác phẩm nghệ
thuật. Thông qua nghệ thuật, cô biến tình dục thành một đối tượng không được
chạm vào.
Những phản ứng và cách sử dụng nghệ thuật khác nhau của
các nhân vật trong A Clockwork Orange cho
thấy nghệ thuật có thể vừa tốt lại vừa xấu. Nghệ thuật vừa thể hiện vừa truyền
tải những xung lực của con người, và do đó có thể nâng cao hoặc kìm hãm cuộc
sống của con người. Nó có thể đưa mọi người đến gần hơn hoặc có thể khiến họ xa
rời thực tế.
Kubrick cố tình làm tình dục và bạo lực trong phim trông
không thực tế. Ông chỉ đạo các cảnh đánh nhau trông giống như khiêu vũ, làm
chậm máy quay và bóp méo hình ảnh. Ông đùa giỡn với nhận thức của chúng ta để
chúng ta không bao giờ quên rằng mình đang xem một tác phẩm nghệ thuật. Một số
nhà phê bình cho rằng cách Kubrick thể hiện bạo lực một cách cách điệu và tách
biệt khiến việc chấp nhận nó trở nên dễ dàng hơn và thậm chí, phần nào đó còn
tôn vinh bạo lực. Tuy nhiên, sự tách biệt mà chúng ta trải nghiệm do các yếu tố
nghệ thuật của bộ phim cũng có thể khiến chúng ta suy ngẫm sâu sắc hơn về khả
năng tách biệt bản thân khỏi bạo lực của chính mình.
Những biện pháp truyền tải chủ đề
Bạo lực tình dục và sự kiểm soát
Sex
trong A Clockwork Orange không phải
là sự thể hiện tình yêu hay sự yêu thương, mà là sự phô bày quyền lực và bạo lực.
Phần lớn các cảnh sex trong phim đều mang tính bạo lực, bao gồm cả cảnh cưỡng
hiếp tập thể ở đầu phim, cảnh Alex cưỡng hiếp bà Alexander và cảnh cưỡng hiếp
trên màn ảnh mà các bác sĩ cho Alex xem. Những cảnh ít rõ ràng hơn về sự kìm
nén và bạo lực tình dục cũng xuất hiện, như cảnh viên chức quản chế của Alex,
Deltoid, đã tóm lấy tinh hoàn của Alex. Trong A
Clockwork Orange, hầu hết các mối quan hệ của con người, bao gồm cả
quan hệ tình dục, đều xoay quanh vấn đề kiểm soát: ai kiểm soát và ai bị kiểm
soát. Bộ trưởng nội vụ coi Alex là đối tượng thí nghiệm cho cuộc thử nghiệm về quản
lý trật tự xã hội của mình. Ông Alexander coi Alex là công cụ mà ông có thể sử
dụng để hạ bệ bộ trưởng nội vụ và đảng của ông ta. Bản thân Alex không chỉ nắm
giữ quyền lực đối với các nạn nhân mà còn đối với các thành viên trong băng đảng
của mình. Ngay cả nền kinh tế cũng biến con người thành những đối tượng để kiểm
soát hoặc sử dụng. Mẹ của Alex đi làm trong một nhà máy, hoạt động như một bộ
phận trong một cỗ máy. Trong thế giới phi nhân cách của người sử dụng và bị lợi
dụng này, tình dục không còn là hành động thân mật nữa mà trở thành hành động
tàn bạo và khẳng định quyền lực.
Âm nhạc
A Clockwork Orange thách thức những quan niệm truyền thống về chức
năng của âm nhạc, âm nhạc của bộ phim khai thác vào thứ chi phối nhất trong bản
chất của Alex, đó là bạo lực. Trong suốt bộ phim, nhạc cổ điển, đặc biệt là bản
giao hưởng số 9 của Beethoven đưa Alex đến những khoảnh khắc của sự xuất thần,
Alex tưởng tượng ra cảnh treo cổ, đánh bom và các hành động bạo lực khác. Tuy
nhiên, âm nhạc vẫn có giá trị như một tín hiệu về sự tự do lựa chọn của cậu. Nghe
nhạc là một trải nghiệm sung sướng và giải phóng của Alex, nó thể hiện cả sự
thô lỗ và nổi loạn trong cậu. Khi thực hiện kỹ thuật Ludovico, cơ thể sẽ phản ứng để ngăn Alex phản ứng lại những kích
thích bản năng mang tính bạo lực và tình dục, đồng thời nó cũng làm Alex từ
chối bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Mặc dù đây là kết quả ngoài ý muốn của
kỹ thuật Ludovico, nhưng nó có ý nghĩa tượng trưng. Âm nhạc kết nối với động
lực và mong muốn bản năng của Alex, và tước đi khả năng tận hưởng âm nhạc của
cậu, giống như tước đi tính nhân văn trong con người cậu vậy.
Vai trò của âm nhạc trong cả tiểu thuyết và phim A Clockwork Orange là sự thừa
nhận của Burgess và Kubrick đối với lịch sử. Tất cả các chính phủ, đặc biệt là
các chế độ toàn trị, đã sử dụng âm nhạc như một công cụ dân vận của mình. Ví
dụ, Adolf Hitler đã bị âm nhạc lay động và sử dụng nó như một công cụ kiểm soát
nhà nước. Trong trường hợp của Alex, việc loại bỏ âm nhạc khỏi cuộc sống của
cậu thể hiện như một cách kiểm soát, và hậu quả thảm khốc là điều mà nó đã mang
đến.
Tiếng lóng
Alex sử dụng tiếng lóng chỉ được nói bởi những người trẻ ở
độ tuổi của cậu. Người lớn không hiểu ngôn ngữ này, điều này làm nổi bật khoảng
cách về mặt cảm xúc và ý thức hệ giữa các thế hệ. Burgess đã phát minh ra tiếng
lóng cho cuốn tiểu thuyết và gọi nó là Nadsat, là hậu tố tiếng Nga của từ teen. Nadsat là một ngôn ngữ, giống như bản thân
Alex và giống như tuổi trẻ nói chung, tràn đầy năng lượng. Ngược lại, ngôn ngữ của
người lớn thường khô khan và dễ đoán. Bố mẹ của Alex nói những câu đơn giản,
sáo rỗng. Những người cai ngục nói những câu cứng nhắc mang tính luật pháp và
răn đe. Các bác sĩ nói những câu đầy từ chuyên môn y khoa. Chỉ có ngôn ngữ của
thanh thiếu niên mới vượt qua được những phạm trù và rào cản ngôn ngữ này.
Những ngôn ngữ chủ yếu ảnh hưởng đến Nadsat là tiếng Anh,
tiếng Nga và tiếng Slavơ. Trước khi Burgess viết tiểu thuyết của mình, ông đã
dành một thời gian ở Nga, nơi ông chứng kiến các băng nhóm thanh niên nổi
loạn, giống như những băng nhóm mà ông đã thấy ở Anh. Ông quyết định tạo ra một
ngôn ngữ kết hợp cả tiếng Anh và tiếng Nga, hai ngôn ngữ chính trị mạnh nhất
trên thế giới vào thời điểm đó. Thực tế là Alex, một người hoàn toàn phi chính
trị, nói ngôn ngữ này cũng khiến nó trở thành ngôn ngữ của sự nổi loạn. Những
thanh niên sử dụng ngôn ngữ này không quan tâm đến vấn đề chính trị hay sự chia
rẽ thế giới vào thời điểm Burgess viết tiểu thuyết của mình.
Những biểu tượng của A Clockwork Orange
Quán sữa Korova
Quán sữa
Korova nơi Alex và đồng bọn tụ tập mang đến hình ảnh kép về sự ngây thơ và nổi
loạn. Sữa tượng trưng cho sự ngây thơ và nuôi dưỡng. Giống như sữa mẹ, sữa
trong quán sữa Korova chảy ra từ phụ nữ, nhưng trong quán Korova là những
ma-nơ-canh bất động, có cơ thể trắng như sữa. Không phải là biểu tượng của tình
mẫu tử ngây thơ, những ma-nơ-canh này được tạo dáng một cách khiêu gợi. Dòng sữa
ở đây được hòa lẫn với các chất kích thích. Một số chất kích thích, ma túy này
mang lại những ảo giác thần thánh, những loại mà nhóm của Alex sử dụng làm tăng
ảo giác "bạo lực" của họ, quán sữa này nuôi dưỡng bản chất “bạo lực”
và tình dục của họ. Quán sữa Korova phản ánh bản chất của chính Alex, vừa trẻ
con vừa tàn bạo một cách dã man. Hành vi tình dục ẩn sau chính tình mẫu tử, và
quán sữa Korova ẩn dụ rằng bản chất cốt lõi của con người nằm ở cả sự nuôi dưỡng
và sự hung hăng, sự ngây thơ và sự vi phạm.
Tình dục và cơ thể trong nghệ thuật
Trong A Clockwork Orange, nhiều tác
phẩm nghệ thuật thể hiện ham muốn tình dục, nhưng cũng tước đi ham muốn về sự
thân mật và cá tính của con người. Những tác phẩm cơ thể con người, thay vì thể
hiện sự hòa quyện và thăng hoa của tình dục và tình yêu, chỉ đơn giản là một
tác phẩm mang tính kích thích. Những hình ảnh đầu tiên là các ma-nơ-canh nữ
trong quán sữa Korova, được đặt trong các tư thế kích dục. Vì chúng thiếu màu sắc
và các đặc điểm riêng biệt, chúng mang đến cảm giác vô cảm lạnh lùng. Hình ảnh
khiêu dâm của phụ nữ cũng được treo trên tường nhà Alex. Phần lớn những bức
tranh này rất buồn tẻ, “rẻ tiền”, và ít tính nghệ thuật. Điểm nổi bật duy nhất
của chúng là mang tính khiêu dâm. Giống như những ma-nơ-canh, những hình ảnh
này vừa mang tính khiêu dâm vừa vô cảm. Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc
trong nhà của Cat Lady vừa hiện đại vừa mang tính khiêu dâm. Một số bức tranh
có tính bạo dâm, một số bức tranh mô tả cảnh trói buộc và các bộ phận cơ thể bị
cắt rời. Giống như chính nhân vật Cat Lady, các bức tranh này táo bạo và mang
tính đối đầu, nhưng giống như tất cả các hình ảnh nghệ thuật khác về cơ thể con
người, chúng cũng đơn điệu và vô cảm.
Bản giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven
Bản giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven là bản nhạc
yêu thích nhất của Alex, hơn bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào khác, điều này thật
trớ trêu vì Beethoven muốn thể hiện sự cao cả của lòng tốt con người hơn là sự
tha hóa. Qua bốn chương của bản giao hưởng, Beethoven lần theo sự trưởng thành
của nhân loại. Chương đầu bản giao hưởng mô tả cảnh ngộ của những kẻ phạm tội ở
những bậc thấp nhất của địa ngục. Trong chương thứ hai, con người tìm thấy hạnh
phúc trong những thú vui hàng ngày. Trong chương thứ ba, họ hướng đến tôn giáo.
Trong chương thứ tư, phần kết, Beethoven muốn thể hiện viễn cảnh về mặt tinh
thần của nhân loại đã đi từ vực sâu tuyệt vọng đến đỉnh cao của sự viên mãn và
vinh quang. Tuy nhiên, những gì Alex nghe và cảm nhận được lại khác xa so với
bản giao hưởng của Beethoven.
Trong A
Clockwork Orange, bản giao hưởng số 9 của Beethoven nhấn mạnh đến
những đỉnh cao và chiều sâu của cảm xúc mà Alex trải qua, giống như Beethoven
hy vọng bản giao hưởng sẽ thể hiện được những đỉnh cao và chiều sâu của trải
nghiệm con người. Bản giao hưởng thực sự đã đưa Alex đến điểm thấp nhất trong
bản năng đen tối của mình. Đổi lại vào cuối phim, Alex không còn bị ảnh hưởng
của kỹ thuật Ludovico nữa, bộ trưởng nội vụ cho bản nhạc giao hưởng vang lên.
Không giống như viễn cảnh của Beethoven, đối với Alex, vinh quang của chương
cuối chỉ đơn giản là vinh quang cá nhân của bản thân cậu.
A Clockwork Orange đã trở thành một bộ phim kinh điển,
giá trị của nó không chỉ là sự hài hòa của việc kết hợp các yếu tố. Mà đặc biệt
hơn, đó là khám phá về bản năng đen tối của con người và mối quan hệ giữa sự tự
do cá nhân và những kiểm soát. Những vấn đề này, vẫn mang tính thời sự ở thời
điểm ngày nay.
0 comments:
Post a Comment