Mark Twain và chú ếch nhảy miền Tây

Mark Twain đã trở thành một tượng đài của nền văn học Mỹ, tất cả di sản của ông được bắt đầu từ một con ếch nhảy và sự yêu thích tiếng cười miền Tây.

Mark Twain ngồi cùng tác giả George Alfed Townsend và biên tập viên David Grat năm 1871, ảnh của Matthew Brady

Vào ngày 18 tháng 11 năm 1865, tờ New York Saturday Press đã xuất bản một tiểu phẩm ngắn có tên "Jim Smiley và chú ếch nhảy", tiểu phẩm hài này nói về một cuộc thi ếch nhảy ở vùng nông thôn California. Một nhà báo đã đưa tin rằng "nó đã khiến cả New York gào thét", tiểu phẩm nhanh chóng lan truyền, được đăng lại trên các tờ báo từ San Francisco đến Memphis. Tác giả của câu chuyện là Mark Twain, bút danh của một nhà văn 29 tuổi tên là Samuel Clemens. Vào thời điểm đó, Twain đang sống ở California, ông nổi tiếng ở đây với tư cách một nhà văn trào phúng theo phong cách miền Tây. Thành công của "Jim Smiley" đã khiến ông nổi tiếng khắp nước Mỹ. Tờ New York Tribune đã nhận xét: "Không có danh tiếng nào được gây dựng một cách nhanh chóng như thế".

Vị thế của Twain tăng lên nhanh chóng. Trong vòng một thập kỷ, ông xuất bản cuốn sách bán chạy nhất của mình The Innocents Abroad (Những người vô tội ở nước ngoài hoặc Sự tiến bộ của những người hành hương mới, 1869), diễn thuyết cho khán giả trong và ngoài nước, xây dựng một dinh thự ở Hartford, Connecticut, có người hầu và được trang bị những tiện nghi xa xỉ như điện thoại, bàn bi-a và chuông báo chống trộm chạy bằng pin. Vào thời điểm ông qua đời năm 1910, ông đã trở thành một huyền thoại của nền văn học Mỹ. Theo lời William Dean Howells, bạn của Twain đồng thời là một tác giả và nhà phê bình đã nói: “Mark Twain là Lincoln của nền văn học Mỹ”, và sau đó, ông đã được Ernest Hemingway, William Faulkner, Norman Mailer ca ngợi là cha đẻ của tiểu thuyết hiện đại Mỹ. 

“Jim Smiley” sau đó được đổi tên thành “The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County”, đã đưa Twain lên đỉnh vinh quang và đặt nền móng cho những thành công sau này của ông. Nhưng khi này, nó không còn quá hài hước nữa. Những gì từng khiến người đọc bật cười thành tiếng thì giờ đây chỉ khiến một nhóm độc giả hào phóng cười nửa miệng. Thật khó để nói chính xác tại sao. Sự hài hước không nằm trong những lý thuyết phức tạp, nhưng nó thường dựa vào bối cảnh cụ thể mà câu chuyện nói đến: trên những giả định chung về điều được phép và điều cấm kỵ, điều quen thuộc và điều lạ lẫm. Một số sự hài hước vẫn gây buồn cười vì sự thật ẩn chứa bên trong vẫn còn và có rất ít sự thay đổi của bối cảnh. Ngược lại, sự hài hước khác mất đi sức mạnh khi bối cảnh của nó mờ nhạt dần.

“Jim Smiley” dựa trên một bối cảnh về miền Tây nước Mỹ và giờ đây nó đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Miền Tây không chỉ là một địa điểm, nó còn là một tư tưởng, một lối suy nghĩ, một phong cách; nó đã sản sinh ra nhiều huyền thoại của nước Mỹ, những tác giả có tác phẩm bán chạy nhất và một loạt các trò giải trí văn hóa đại chúng, từ những “vở opera về ngựa” thế kỷ 19 được trình diễn trên sân khấu Broadway cho đến những cuốn tiểu thuyết rẻ tiền về những kẻ sống ngoài vòng pháp luật ở vùng biên giới. Điều khiến “Jim Smiley” trở nên nổi tiếng như vậy chính là việc Twain đã đảo ngược các quy ước về miền Tây, với một bức tranh vừa dễ nhận biết vừa không dễ nhận biết. 

Biên giới của miền Tây không cố định, nó liên tục thay đổi, nhưng thuật ngữ này luôn ám chỉ nơi mà người da trắng đối đầu với một lục địa xa lạ, được coi là vùng biên cương. Sự va chạm này đã phá hủy các quần thể bản địa. Nó cũng tạo ra những huyền thoại, những ẩn dụ, tiếng lóng mới, và cả sự hình thành bản sắc dân tộc. Vào năm 1750, cư dân của nước Mỹ thuộc địa chỉ có hơn 1 triệu người, và miền Tây là vùng hoang dã bên kia dãy núi Allegheny. Đến năm 1850, Mỹ là nơi sinh sống của 23 triệu người, và miền Tây trải dài đến tận Thái Bình Dương. Những người thợ săn và những người mạo hiểm định cư ở Ohio, Oregon… không chỉ biến đổi những vùng đất hoang dã này. Bản thân họ cũng bị biến đổi bởi môi trường xa lạ và khắc nghiệt. 

Để tồn tại, họ phải thích nghi với những điều kiện đó. Đối với những đoàn người da trắng đi về phía Tây từ thời kỳ thuộc địa, đây là một nhiệm vụ tế nhị, hoặc một bước đường cùng. Giới tinh hoa miền Đông nhìn miền Tây với sự nghi ngờ và khinh miệt, một vùng đất hẻo lánh không luật pháp của những người da đỏ ngoại đạo và sự hoang dã hú hét.

Nếu miền Tây thích hợp trong việc tạo ra những huyền thoại, với sự kết hợp giữa thực tế và hư cấu, thì nó cũng chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ cho sự hài hước. Hài kịch miền Tây phát triển từ một đặc điểm phổ biến của cuộc sống biên cương: sự khắc nghiệt của nó. Có rất nhiều cách để một người đàn ông chết ở miền Tây. Anh ta có thể chết từ từ vì đói hoặc bị phơi nắng, hoặc chết đột ngột một cách đau đớn vì chạm trán với một người Shawnee dũng cảm hoặc thú dữ. Hoặc là mối đe dọa lớn nhất, anh ta cũng có thể phải đối đầu với những người khác ở vùng biên cương. Những vùng đất hẻo lánh đầy rẫy những người đàn ông tàn bạo. Họ gây gổ với nhau vì những lý do đơn giản nhất, chỉ vì niềm vui làm tổn thương và làm nhục đối thủ của họ. 

Những thói quen thường mang tính bạo lực và nam tính này tạo ra ngôn ngữ riêng của chúng. Một người bẫy thú ở Tennessee hoặc một người lái đò ở Mississippi có thể hiên ngang vỗ ngực khẳng định mình được ban tặng móng vuốt của gấu và đôi chân của quỷ dữ... Những lời khoe khoang khoác lác đó khiến họ trở nên đáng sợ như môi trường họ sinh sống. Họ cũng tự ý thức rằng những cường điệu đó là ngớ ngẩn, được phóng đại đến mức vô lý. Nhưng chúng giúp họ biến sự tàn khốc của cuộc sống biên cương thành những tiếng cười. Trong một vùng đất mà tính cộng đồng lỏng lẻo, người miền Tây có thể tụ tập quanh đống lửa trại và tận hưởng cảm giác thoáng qua về cộng đồng khi họ kể những câu chuyện mang tính hài hước về cuộc sống. Những câu chuyện dân gian truyền miệng này đã trở thành nền tảng đầu tiên của nghệ thuật dân gian Mỹ, nó được gọi là truyện cười biên cương. Mô típ đặc trưng của truyện cười biên cương là có một (hoặc nhiều) nhân vật ở vùng biên cương, những người biên cương thường thô kệch, ngốc nghếch, nhưng sử dụng nhiều tiếng lóng, hay chửi thề và có những chiến thắng, chiến công lớn mang tính bạo lực.

Mark Twain yêu thích sự hài hước của vùng biên cương, với sự dí dỏm tinh quái và vô số tiếng lóng được hình thành. Ông cũng hiểu được những giá trị sâu sắc hơn, nó không chỉ mang tính giải trí mà còn là một chiến thuật sinh tồn. Twain đã từng định nghĩa sự hài hước là "tấm màn tử tế" giúp cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.

Những câu chuyện cười miền Tây phù hợp với tính khí và tài năng của ông. Nó giúp ông biết cách làm cho ngôn ngữ trở nên biểu cảm hơn, bằng cách sử dụng một phương ngữ phản ánh các biến thể vùng miền trong lời nói của người Mỹ, và mang lại cho các từ một mối quan hệ giàu trí tưởng tượng hơn với những thứ chúng mô tả. Tránh trở thành một người xếp chữ đơn thuần, thoát khỏi sự cứng nhắc sáo rỗng của các khuôn mẫu do truyền thống quy định và tìm ra những cách độc đáo hơn để xây dựng câu. Điều khiến Twain trở nên khác biệt là ông đã làm được như vậy, và bằng cách đó đã biến sự hài hước ở miền Tây trở thành văn học thực thụ.

Điều đó không dễ dàng. Ý tưởng rằng văn học có thể xuất hiện từ tiếng kêu man rợ của vùng biên giới đã gặp phải sự phản kháng dữ dội từ giới văn học Mỹ, khi những câu chuyện đầy rẫy sự thô tục, say xỉn, bạo lực, đồi trụy, và sự biến thái của tiếng Anh chuẩn mực. Chứng minh sức mạnh văn học của vùng biên giới là một phần cốt lõi trong di sản vĩ đại của Twain. Ông không miễn nhiễm với việc muốn được họ chấp thuận, nhưng ông xuất thân từ một truyền thống rất khác. Đôi tai của ông không được đào tạo tại Harvard, Yale hay những nơi tương tự; đôi tai của ông được điều chỉnh để lắng nghe vô số giọng nói của nô lệ và kẻ vô lại, người lái đò và người đánh bạc. 

Sự dấn thân vào văn học miền Tây của Twain bắt đầu bằng một cuộc ẩu đả trong quán bar. Ông có một người bạn tên là Steve Gillis, một người miền Nam có thân hình vạm vỡ và thích gây gổ. Một đêm tháng 11 năm 1864, Gillis đi ngang qua một quán rượu trên phố Howard ở San Francisco thì thấy một cuộc ẩu đả bên trong. Ông quyết định giúp một tay và đập một chiếc bình vỡ tan vào đầu người pha chế, cú đánh đã suýt lấy đi mạng sống của người pha chế. Gillis bị bắt, được tại ngoại với sự giúp đỡ của Twain, rồi bỏ trốn trước khi phải đối mặt với các cáo buộc. Twain không có tiền để trả khoản tiền bảo lãnh cho bạn mình. Gillis đến Virginia City, Nevada, và Twain đến Jackass Hill, một trại khai thác vàng cách San Francisco khoảng một trăm dặm, nơi anh trai của Gillis là Jim đang sinh sống.

Môi trường sống đã thay đổi một cách hoàn toàn. Ở San Francisco, Twain đã thưởng thức hàu, uống rượu sâm panh và bên cạnh những nhà văn trẻ đầy tham vọng như Bret Harte. Ở Jackass Hill, đồ ăn đạm bạc hơn và xã hội kém tinh tế hơn. Trong những ngày tháng huy hoàng của năm 1849, khu vực này từng là một trung tâm của cơn sốt vàng. Đến năm 1864, các mỏ vàng đã gần cạn kiệt, và các thị trấn mọc lên như nấm theo cơn sốt vàng trở nên hoang vắng. Như Twain nói, chỉ còn lại "những người thợ mỏ bị bỏ lại", họ nói với nhau những câu chuyện bằng giọng nói chậm rãi, nhưng đầy sinh động tại các quán rượu, họ nói về những cuộc đấu vàng lớn trong quá khứ và những sự cố kỳ lạ đã diễn dưới mọi hình thức trong cuộc đời khai thác vàng của mình. 

Một ngày nọ, một người đàn ông kể câu chuyện về một con ếch nhảy. Twain đã ghi lại cốt truyện vào sổ tay của mình:

“Với con ếch của mình, Coleman cá với một người lạ 50 đô la để thi ếch nhảy. Người lạ này không có con ếch nào và C đã mang về cho anh ta một con. Trong lúc chờ đợi, người lạ đã nhét đầy đạn vào bụng con ếch của C và nó không thể nhảy được nữa, con ếch của người lạ đã thắng”.

Điều khiến Twain ấn tượng là sự nghiêm túc của người kể chuyện, người đàn ông kể câu chuyện đơn giản và có phần lố bịch đó một cách nghiêm nghị, khiến người nghe tiếp nhận một cách trang trọng như thể câu chuyện được truyền tải từ một bục giảng mang tính học thuật. Không ai trong quán rượu có vẻ biết rằng một câu chuyện gợi ý cho một tiểu phẩm nổi tiếng đang được kể một cách nghiêm túc, và rằng nó chứa đựng một phẩm chất mà họ không bao giờ ngờ tới -  đó là sự hài hước.

Twain muốn tái hiện điều này bằng văn xuôi. Và theo như lời một người bạn, Twain đã nói rằng ông sẽ làm cho con ếch đó "nhảy vòng quanh thế giới", nếu ông có thể viết câu chuyện theo cách mà người đàn ông đã kể.

Một cơ hội đã xuất hiện. Khi Twain trở về San Francisco vào tháng 2 năm 1865, ông thấy một lá thư được gửi từ Artemus Ward, danh hài nổi tiếng của nước Mỹ khi đó. Ward hỏi liệu Twain có muốn đóng góp một phần cho một cuốn sách mới mà ông đang biên soạn không, và Twain trả lời sau đó nhiều tháng, gợi ý câu chuyện về con ếch nhảy. Ward trả lời: "Viết đi! Vẫn còn thời gian để đưa nó vào tập truyện phác thảo của tôi".

Câu chuyện được viết rất chậm, và đến tháng 10 năm 1865, tám tháng sau khi trở về từ vùng khai thác mỏ, Twain vẫn chưa viết xong. Ông đã viết một lá thư dài cho anh trai và chị dâu của mình để nhờ họ giải thích giúp lý do tại sao, trong bức thư có đoạn viết:

“Tôi chưa bao giờ mong muốn gì nhiều ngoài hai tham vọng lớn trong đời. Một là trở thành phi công, và điều còn lại là trở thành nhà truyền giáo phúc âm. Tôi đã hoàn thành một tham vọng và thất bại trong tham vọng kia, tôi thất bại vì tôi không có thứ hàng cần thiết để kinh doanh – tức là tôn giáo, tôi đã từ bỏ nó mãi mãi. Dù sao thì tôi cũng không bao giờ có “tiếng gọi” theo hướng đó, và khát khao chính của tôi là cái ngây ngất của sự tự phụ. Giờ đây tôi đã có “tiếng gọi” đến với văn chương, mặc dù nó là thứ văn chương bình thường – tức là sự hài hước. Không có gì đáng tự hào, nhưng đó là sở trường của tôi, và khi tôi nghe theo tiếng gọi của mình để làm điều đúng đắn, đúng với những gì mà Đấng toàn năng cho ban cho tôi, thì từ lâu tôi đã ngừng quan tâm vào những thứ mà bản chất của tôi không phù hợp. Tôi chuyển sự chú ý của mình sang việc viết lách, tôi viết nguệch ngoạc một cách nghiêm túc để kích thích tiếng cười của các tạo vật của Chúa. Thật tội nghiệp, thật đáng thương!”.

Lời thú nhận này hé lộ một phần cuộc khủng hoảng đằng sau con ếch nhảy. Twain có thể khiến mọi người cười, nhưng ông cảm thấy xấu hổ vì điều đó, vì sự hài hước là một hoạt động tầm thường. Ông không muốn trở thành một chú hề trong suốt quãng đời còn lại, chỉ biết sủa và la hét để mua vui cho mọi người. Tuy nhiên, ông cũng nhận ra rằng sự hài hước là thứ ông làm tốt nhất, đó là một tài năng, một tiếng gọi, được Đấng toàn năng ban tặng. Ông không thể từ bỏ nó, mặc dù ông lo ngại về sự thô lỗ của nó. 

Trong sự mâu thuẫn này, ông khác với Artemus Ward, người ít nghi ngờ hơn về nghề nghiệp của mình. Twain và Ward đã gặp nhau trong chuyến đi của Ward đến miền Tây xa xôi vào năm 1863. Họ đã hợp nhau ngay lập tức: uống rượu, đi khắp các vũ trường và trêu chọc nhau không ngừng. Ward chỉ hơn ông một tuổi nhưng đã tiến xa hơn nhiều trong sự nghiệp. Tên khai sinh của ông là Charles Farrar Browne, và giống như Twain, đã bắt đầu sự nghiệp bằng công việc sắp chữ trước khi cho ra đời những tiểu phẩm hài làm nên tên tuổi của mình. Ông cũng làm diễn viên hài độc thoại, đưa ra những câu chuyện không liên quan và chơi chữ bằng thứ ngôn ngữ giả nghiêm túc khiến khán giả cười lăn lộn. Trong số những người ngưỡng mộ ông có cả Abraham Lincoln.

Thành công của Ward đã khiến ông trở nên khác biệt, nhưng ông không đơn độc. Ông thuộc về một thế hệ những danh hài xuất hiện vào thời gian nội chiến. Họ được biết dưới nhiều bút danh khác nhau như: Petroleum V. Nasby, Josh Billings, Orpheus C. Kerr… Cùng nhau, họ đã góp phần phổ biến việc kể những câu chuyện hài hước. Nhưng họ không làm gì nhiều để đưa sự hài hước trở thành một thứ nghệ thuật thật sự. Hài kịch của họ chủ yếu dựa vào những từ viết sai chính tả và những cách dùng từ sai. Mặc dù có rất nhiều tiếng lóng Mỹ được dùng cho các tác phẩm, họ không cố gắng phát triển ngôn ngữ bản địa một cách sâu sắc hơn và không hiểu được tiềm năng của nó.

Nhiệm vụ đó thuộc về Twain. Nỗi lo lắng rằng sự hài hước là thấp kém đã thúc đẩy ông cải thiện sự hài hước đơn thuần mang tính mua vui của những người tiền nhiệm như Ward, và tìm ra chìa khóa để những tác phẩm hài của mình mang tính văn chương. Vì ông không thể từ bỏ sự hài hước, ông đã làm chúng thêm phong phú và sâu sắc. Để làm như vậy, ông đã dựa vào những câu chuyện cười biên cương mà ông đã tiếp nhận khi còn trẻ, đặc biệt là những câu chuyện cười ở vùng Tây Nam, một khu vực không có ranh giới rõ ràng bao gồm Georgia, Alabama, Tennessee, Mississippi, Arkansas, Louisiana và Missouri. 

Từ những năm 1830, bắt đầu có một số nhà báo ghi lại, phản ánh cuộc sống ở vùng đất hẻo lánh Tây Nam, họ chủ yếu là thành viên của giới “tinh hoa có học thức”, đã biếm họa những người miền Tây nói chung và Tây Nam nói riêng là những kẻ quê mùa đần độn.

Mặc dù ban đầu chỉ được đăng trên các tờ báo của khu vực, nhưng những câu chuyện cười của Tây Nam sớm lan rộng ra các khu vực khác. Độc giả ở New York và Boston đã tò mò tìm hiểu về các nghi lễ, tập tục và đời sống của vùng biên cương. Mặc dù được coi là thô lỗ, những kẻ thấp hèn này lại có một sự quyến rũ nhất định, họ sống trong một thế giới vượt ra ngoài những khuôn khổ của luật pháp, đạo đức hay logic, một nơi mà những quy tắc thông thường không áp dụng được.

Những mẩu thông tin giản dị này đã truyền cảm hứng cho Twain, ông đã khai thác chúng và dùng chúng làm chất liệu để đưa vào văn học. Khi năm 1865 sắp kết thúc, ông đã tìm ra cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng và bước vào thế giới của những chú ếch nhảy. Ông đắm mình vào bản thảo và xây dựng một câu chuyện gần giống với những câu chuyện cười ở Missouri, Tây Nam. Nhưng khi Twain hoàn thành "Jim Smiley", cuốn sách của Ward đã xong và chuẩn bị được in. Đây hóa ra lại là một sự may mắn, nhà xuất bản đã chuyển tiểu phẩm này cho biên tập viên của Saturday Press và rất nhanh sau đó đã được xuất bản.

Tiểu phẩm rất đơn giản. Người kể chuyện bước vào quán rượu để tìm một mục sư tên là Leonidas W. Smiley. Một người trong quán rượu tên là Simon Wheeler, đang buồn ngủ và nói rằng anh ta đã từng biết một Jim Smiley, Wheeler kéo người kể chuyện vào một góc và kể một câu chuyện kỳ ​​lạ, quanh co. Wheeler nói rằng Smiley này có một chút vấn đề về cờ bạc. Thậm chí, anh ta còn huấn luyện một con ếch nhảy theo lệnh của mình nhằm mục đích lôi kéo người khác cá cược. Anh ta rất tự hào về thú cưng của mình. Một ngày có một người lạ từ thành phố đến thị trấn, Smiley đã thách đấu người lạ này tham gia một cuộc thi nhảy ếch. Người lạ đã chấp nhận, nhưng trước tiên anh ta cần một con ếch của riêng mình. Trong khi Smiley đi kiếm cho anh ta một con ếch, người lạ đã tóm lấy con ếch của Smiley, nạy miệng nó ra và nhét đầy đạn chim cút vào bụng. Đến lúc thi nhảy, con ếch của Smiley không thể di chuyển, trong khi con ếch kia "nhảy đi một cách nhanh nhẹn". Người lạ đã thu tiền thắng cược và bỏ đi, khiến Smiley bàng hoàng. 

Người kể chuyện không chắc chắn nên phản ứng thế nào với câu chuyện mà Wheeler kể. Wheeler không mỉm cười mặc dù sự việc mà anh kể lại mang tính hài hước. Người kể chuyện sẽ vẫn tiếp tục nghe câu chuyện một cách dửng dưng nếu ai đó ở phía bên kia quầy bar không gọi anh ta đi, tạo cơ hội cho người kể chuyện trốn thoát. Anh ta đi về phía cửa, nhưng bị Wheeler chặn lại vào phút cuối. Wheeler muốn kể một câu chuyện khác, lần này là về "con bò một mắt yaller" của Smiley. Người kể chuyện dậm chân tức giận và hét lên: "Ôi, nguyền rủa Smiley và con bò đau khổ của anh ta!".

Người Mỹ thấy câu chuyện này vô cùng buồn cười. Trong nhiều thập kỷ, độc giả đã cười nhạo những tiểu phẩm Tây miêu tả người dân biên giới như một chú hề. Bây giờ, họ được đối xử ngược lại, trò đùa không phải về người miền Tây mù chữ không thể nói chuyện thẳng thắn, thay vào đó là về người kể chuyện lịch sự, người bị dụ dỗ và bị bắt nạt bằng một loạt những điều vô lý khiến anh ta bối rối. Khi lần đầu gặp Wheeler, anh ta thấy "sự thật thà và giản dị", nhưng khi bị dẫn dắt vào câu chuyện, người kể chuyện đến từ thành phố này bị người biên cương lừa gạt làm cho tức giận. Mặc dù thiếu học thức, Wheeler thông minh hơn hẳn người lạ đến từ thành phố. Anh ta nói bằng những hình ảnh sống động, bằng những tiếng lóng giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn và hài hước, cuốn hút.

Wheeler là hiện thân của “giống lai” bị người miền Đông khinh miệt, nhưng ông đã thoát khỏi cái lồng của sự hạ mình trước người miền Đông và thể hiện kỹ năng kể chuyện một cách kỳ lạ của mình. Ngược lại, ngôn ngữ của người kể chuyện lại nhạt nhẽo, cũ rích với những câu nói sáo rỗng mang tính lịch thiệp của người miền Đông. Trong cuộc đối đầu giữa Đông và Tây, miền Tây chiến thắng bằng một mánh khóe theo cách tự tin nhất mà không phải bằng bạo lực, đó cũng là cách câu chuyện trước đó của Twain, “The Dandy Frightening the Squatter”, đã kết thúc. 

Twain đã lấy một thể loại phổ biến và đảo lộn nó. Sự đảo ngược hình thức của ông đã gây ra tiếng cười cho một đất nước vốn quen thuộc với các quy ước về sự hài hước vùng biên giới. Nhưng "Jim Smiley" không chỉ khéo léo chế giễu các quy ước đó. Nó cũng đánh dấu một bước ngoặt đối với Twain, đó là khoảnh khắc ông tìm ra sức mạnh văn học của vùng biên giới. Nếu ngày nay chúng ta khó thấy được sự hài hước trong câu chuyện, thì một phần là vì Twain có tham vọng vượt ra ngoài sự hài hước. Sự trớ trêu ma quái, tiếng lóng trữ tình và dòng chảy lan man của tác phẩm không chỉ đơn thuần để tạo hiệu ứng hài hước; chúng là những viên gạch của một phong cách tường thuật đặc biệt, một phong cách sẽ định hình nên những kiệt tác sau này như Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn .

Twain bắt đầu bằng cách kể một câu chuyện đơn giản và kết thúc bằng một tác phẩm nghệ thuật. Ông đã sử dụng bức màn hài hước để đưa vào một quan điểm nghiêm túc về mục đích của văn học Mỹ, thách thức niềm tin cố hữu vào sự vượt trội của miền Đông và sự man rợ của miền Tây. Trong "Jim Smiley", biên giới không phải là một giai đoạn văn minh thấp kém đang chờ sự khai sáng của bờ biển Đại Tây Dương, mà là một vũ trụ có nhiều chi tiết đòi hỏi phải được hiểu theo các điều kiện riêng của nó. Trong những thập kỷ tiếp theo, Twain đã khám phá vũ trụ này chi tiết hơn trong Roughing It (Sống thiếu thốn, 1872), biên niên sử của ông về Nevada và California; trong Life on the Mississippi (Cuộc sống trên dòng sông Mississippi, 1883), câu chuyện về những ngày làm phi công của ông; và trên hết là trong Tom Sawyer  Huckleberry Finn, dựa trên những ký ức thời thơ ấu của ông về miền Tây nước Mỹ.

Con ếch nhảy đã mở ra một mạch sáng tạo văn học lâu dài, tạo ra các tác phẩm hay nhất và giúp ông xây dựng một di sản vượt xa bất kỳ nhà văn trào phúng nào. Mark Twain muốn làm nhiều hơn việc khiến người khác cười và ông đã thành công. 

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment