Suối nguồn là một cuốn tiểu thuyết ngợi ca con
người, nhưng là những người sáng tạo, những người xoay chuyển thế giới và đem
đến những sáng tạo đột phá cho cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết dường như không đứng
về phía số đông, nhưng mỗi người trong số đông đó đều có thể thấy mình được tôn
vinh, được đồng cảm. Bởi mỗi người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc sẽ
là thiểu số trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân để làm cho cuộc sống trở
nên có ý nghĩa hơn.
![]() |
Tác phẩm Suối nguồn |
Suối nguồn có thể được coi là một lời giới thiệu đầy đủ về tất
cả các tác phẩm và triết lý Chủ nghĩa khách
quan của Ayn Rand. Tất cả các chủ đề chính tạo nên tiểu thuyết và triết lý
của bà đều được trình bày rõ ràng trong cuốn tiểu thuyết này.
Ayn
Rand đã viết The Fountainhead như
một lời tri ân đến những nhà phát minh. Roark giống như nhiều nhà phát minh và
sáng tạo tư tưởng trong lịch sử, đấu tranh để giành sự công nhận cho những ý
tưởng của mình trước quần chúng bị ràng buộc bởi truyền thống, những người tuân
theo các chuẩn mực đã được thiết lập và sợ thay đổi. Chủ đề, như Ayn Rand đã
nói, là độc lập và phụ thuộc, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, không
phải trong chính trị mà trong tâm hồn con người.
Theo
Ayn Rand, mục đích của Suối nguồn là kể về một người đàn ông lý tưởng. Howard
Roark với tính cách độc lập, chính trực, có niềm tin mãnh liệt vào tư duy lý
trí của mình là một anh hùng đặc biệt của Ayn Rand. Rand tự coi mình là một
"người tôn thờ con người", là người tôn kính con người ở mức cao nhất
và tốt nhất. Bà coi trí óc sáng tạo của con người là thiêng liêng, và do đó
ngưỡng mộ những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Ayn Rand mô tả những anh
hùng trong tác phẩm của mình như những mục đích tự thân, độc giả chỉ đơn giản
chứng kiến và thưởng thức sự vĩ đại của con người. "Mục đích, nguyên
nhân đầu tiên và động lực chính của tôi là miêu tả Howard Roark... như
một mục đích trong chính bản thân anh ấy - không phải là phương tiện để đạt
được bất kỳ mục đích nào khác. Nhân tiện, đó là giá trị lớn nhất mà tôi có thể
mang lại cho độc giả".
Quá
trình Suối nguồn đến với độc giả giống như một ví dụ về chủ đề của chính
cuốn tiểu thuyết. Nó đã bị mười hai nhà xuất bản từ chối. Một số nhà xuất bản
cho rằng nó quá triết lý và thị trường cho cuốn sách là rất nhỏ. Những nhà xuất
bản khác từ chối vì cuốn sách tôn vinh chủ nghĩa cá nhân và bác bỏ các lý tưởng
tập thể rất phổ biến trong giới trí thức hiện đại. Các nhà xuất bản yêu cầu Ayn
Rand thay đổi câu chuyện hoặc làm loãng chủ đề của cuốn tiểu thuyết nhưng bà đã
không làm. Cuối cùng, cuốn sách đã được Archibald Ogden, một biên tập viên của
Bobbs-Merrill đọc. Bất chấp sự phản đối, Ogden đã đặt cược sự nghiệp của mình
vào cuốn sách này và đấu tranh vì nó. Suối nguồn được xuất bản vào năm 1943 và
sau đó vài năm trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Năm 1949, nó được chuyển thể
thành một bộ phim thành công.
Ngày
nay, Suối nguồn đã
đạt được vị thế là một tác phẩm kinh điển hiện đại. The Fountainhead đã được công
nhận là một trong những tiểu thuyết vĩ đại của nền văn học Mỹ. Chủ đề tôn vinh
tư duy độc lập của nó không chỉ nắm bắt được bản chất của tinh thần Mỹ mà còn
thể hiện khát vọng sâu sắc của con người đối với tự do, ở bất cứ nơi đâu.
Chủ nghĩa cá nhân
Howard Roark là hiện thân
của người đàn ông hoàn hảo trong tiểu thuyết. Rand muốn chúng ta ngưỡng mộ tài
năng, lòng dũng cảm, cũng như cuộc đấu tranh của Roark chống lại những người sống
thứ sinh và giữ vững chính mình. Tại phiên tòa xét xử lần thứ hai, Roark lập luận
rằng cá nhân chứ không phải xã hội, là người thúc đẩy tiến trình lịch sử. Roark
nói rằng những cá nhân sáng tạo là nguồn gốc của nền
văn minh. Cuộc đấu tranh này không chỉ giới hạn ở Roark; mọi nhân vật chiếm được
cảm tình của độc giả trong tiểu thuyết đều đấu tranh để hành động, tư duy độc lập
với xã hội, và mong muốn khẳng định bản thân trở thành đức tính vĩ đại nhất mà
một người có thể có. Tiểu thuyết kết thúc bằng một chiến thắng, không phải vì
Roark đánh bại hoặc thay đổi nhận thức của kẻ thù, mà vì Roark đã giành được
quyền hành động theo nguyên tắc của riêng mình. Luận điểm cốt lõi của Suối nguồn là xã hội có tâm
lý bầy đàn, và cá nhân phải hành động ích kỷ để được tự do, được là chính mình.
Đó cũng chính là ý nghĩa của cái tên The Fountainhead và đâu là suối nguồn,
là gốc rễ của tự do, của hạnh phúc, của sự phát triển và tiến tới văn minh của
con người.
Tầm quan trọng của lý trí
Suối nguồn không chấp nhận chủ nghĩa đa
cảm, mọi thứ đều phải là sản phẩm của lý trí và logic chứ không phải cảm xúc.
Bất cứ khi nào Roark, Dominique hoặc Wynand nói về sự sáng tạo và tư duy cá
nhân, họ đều biện minh cho lập trường của mình bằng các lập luận logic thay vì
bằng lời kêu gọi cảm xúc. Rand lên án sự đa cảm và coi lòng trắc ẩn là kẻ thù
của lý trí. Nhân vật phản diện Toohey kiểm soát kẻ yếu bằng cách kêu gọi các
giá trị như lòng vị tha. Chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa vị tha và chủ nghĩa thần
bí được mô tả là những niềm tin phi logic, chúng thao túng trái tim hơn là thu
hút tâm trí. Để biện minh cho thái độ cứng rắn của cuốn tiểu thuyết, Rand lập
luận rằng ngay cả những ý định tốt nhất cũng dẫn đến tù tội, trong khi lý trí
lạnh lùng, kiên định sẽ giải thoát con người.
Sự lạnh lùng tàn bạo của tình yêu
Tình yêu trong Suối nguồn
giống như sự chính trực và sáng tạo, là một nguyên tắc để đấu tranh và bảo vệ.
Các nhân vật chính liên tục mài giũa và hoàn thiện mối quan hệ của họ. Cảm xúc
của tình yêu có vẻ trái ngược đối với lý trí, nhưng các nhân vật đòi hỏi những
mối quan hệ hoàn hảo đến mức chúng có vẻ hợp lý và mang tính toán học. Roark đứng
nhìn Dominique kết hôn với Keating và sau đó là Wynand như thể đang xem cô ấy
thực hiện một phương trình đại số. Roark cho rằng cô ấy sẽ trưởng thành hơn từ
những cuộc hôn nhân này và trở nên phù hợp hơn với anh, vì vậy anh chịu đựng nỗi
đau mất cô vào tay những người đàn ông khác. Ngay cả trong những cuộc gặp của họ,
Roark và Dominique đều để lý trí chiến thắng cảm xúc của mình, họ làm tình
trong cơn thịnh nộ và tính toán hơn là trong tâm hồn lãng mạn của mỗi người. Suối
nguồn ca ngợi những đức tính của khoa học và logic. Cuốn tiểu thuyết cũng cho
thấy rằng các mối quan hệ cá nhân có thể tồn tại bằng những đức tính này và
tình yêu là một phiên bản của logic
Tiến bộ kỹ thuật
Suối
nguồn
đo lường sự tiến bộ của nhân loại bằng số lượng tòa nhà và cải tiến khoa học mà
nó tạo ra, thay vì bằng nghệ thuật và triết lý. Tất cả những phát triển công
nghiệp quan trọng nhất đều xuất phát từ sáng tạo trí óc của các cá nhân chứ
không phải tập thể. Do đó, thời kỳ phát triển công nghiệp mạnh mẽ nhất cũng
đánh dấu là thời kỳ chủ nghĩa cá nhân phát triển nhất. Cách Rand tôn thờ đường
chân trời của New York như một sự tôn vinh của bà đối với ngành công nghiệp và
công nghệ. Wynand, Dominique và Roark đều ngắm nhìn đường chân trời một cách
ngưỡng mộ, đóng vai trò như một lời nhắc nhở về tham vọng và mục tiêu của họ.
Những tòa nhà chọc trời đẹp đẽ, đầy cảm hứng đại diện cho sự chinh phục của con
người và tượng trưng cho sự hiện đại. Trái ngược với sự tôn vinh kiến trúc
này, cuốn tiểu thuyết chế giễu các hình thức nghệ thuật khác. Mỗi khi một vở kịch
hoặc tác phẩm văn học mới xuất hiện trong câu chuyện, tác phẩm đó được mô tả một
cách lố bịch và tự mãn.
Báo chí
Suối nguồn coi kiến trúc là hình thức nghệ thuật lý tưởng, và báo chí là tất cả những gì tầm thường
và đồi trụy nhất. Toohey thể hiện sự bất lương của mình như một nhà báo gian xảo,
xảo quyệt, và Wynand xây dựng đế chế của mình bằng một chuỗi các tờ báo lá cải
đồi trụy. Lần duy nhất Wynand cố gắng sử dụng tờ báo của mình vì mục đích tốt,
ông ta đã thất bại. Theo Rand, báo chí về cơ bản là yếu kém vì chúng phải phục
vụ tập thể, tập thể không có khả năng lý trí cần thiết để hoàn thành những điều
vĩ đại. Rand ám chỉ rằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào dựa vào tập thể đều
phải chịu sự tầm thường.
Công nhân
Suối nguồn thể hiện quan
điểm trái chiều về lao động chân tay, coi đó vừa là một trong số ít nghề đích
thực vừa là hang ổ của hoạt động tập thể. Roark làm việc tại nhiều công trường
xây dựng, điều này giúp anh bảo vệ sự chính trực của mình bằng cách kiếm tiền
khi không tìm được khách hàng. Roark có những người bạn tốt là công nhân như
Mike. Suối nguồn mô tả lao động chân tay như một hoạt động thuần túy, có năng
suất và do đó là điều đáng ngưỡng mộ. Mặt khác, công nhân tạo ra các công đoàn,
các nhóm người mà tiểu thuyết lên án dữ dội. Tiểu thuyết ngưỡng mộ những người
lao động và công nhân như những cá nhân, nhưng lại sợ hãi và ngờ vực họ như một
nhóm người.
Phân tích các nhân vật của Suối nguồn và sự ảnh hưởng đến chủ đề của cuốn sách
Cách Ayn Rand tích hợp chủ đề của Suối nguồn với các yếu tố văn
học khác là rất quan trọng. Chủ đề của The Fountainhead là sự tương phản và xung đột giữa những
người độc lập và phụ thuộc. Cốt truyện của cuốn tiểu thuyết là phương tiện lý
tưởng để trình bày chủ đề này.
Cốt truyện chính của Suối nguồn kể về Roark,
một kiến trúc sư hiện đại, sáng tạo như một nhà tư tưởng độc lập, đấu tranh
chống lại một xã hội coi thường hoặc ngăn cản những ý tưởng mang tính cách mạng
của mình. Những người cản trở Roard là những người phụ thuộc dưới hình thức này
hoặc hình thức khác. Những người phụ thuộc này chia thành ba loại và mỗi loại
là một biến thể của chủ đề phụ thuộc.
Kiểu thứ nhất là những người tuân theo chủ nghĩa truyền thống,
những người này trung thành với những suy nghĩ và thành tựu của quá khứ, coi những
điều quen thuộc đó là giới hạn, là đỉnh cao, là thứ không thể thay đổi nên họ từ
chối chấp nhận những điều mới. Lịch sử có nhiều ví dụ về những người này: những
người bác bỏ thuyết nhật tâm của Copernicus vì họ đã quen với quan điểm địa tâm,
những người bác bỏ tàu hơi nước của Fulton vì suy nghĩ của họ chỉ giới hạn ở thuyền
buồm... Trong số những người phản đối Cameron và Roark có nhiều người cùng kiểu
truyền thống này. Trưởng khoa của viện Stanton tin rằng tất cả các chân lý về
kiến trúc đều đã được các thế hệ cha ông trong quá khứ xây dựng nên, các kiến
trúc sư hiện đại chỉ cần sử dụng lại những thành tựu của họ. Guy Francon bắt
chước các thiết kế cổ điển và Ralston Holcolmbe của thời Phục hưng. Những người
tuân theo chủ nghĩa truyền thống tin rằng tuổi đời của một thứ gì đó là một yếu
tố chứng thực cho giá trị của nó ở thời điểm hiện tại. Đối với họ, giá trị
không phải sự phù hợp của ý tưởng với thực tế hiện tại, mà là ý tưởng đó đã
được đúc kết trong quá khứ và được các thế hệ cha ông để lại. Họ bị cản trở
khỏi hiện tại bởi cam kết đối với quá khứ. Đây là lý do tại sao Dean, Guy
Francon và Ralston Holcolmbe không thể nhận ra giá trị của những đổi mới mà
Cameron và Roark đưa ra.
Kiểu thứ hai là những người theo
chủ nghĩa tuân thủ, những
người này mù quáng nghe theo ý kiến, ý tưởng của người khác mà không có chính
kiến riêng. Trong Suối nguồn có nhiều nhân vật như vậy. Nhiều cá nhân phủ nhận sáng
tạo của Roark chỉ vì chúng khác với niềm tin của những người xung quanh. Robert
Mundy, một người đàn ông tự lập lớn lên trong cảnh nghèo đói ở Georgia là một
trong những người như vậy. Mundy nhờ Roark xây một ngôi nhà kiểu đồn điền theo
phong cách miền Nam, không phải vì ông coi trọng nó mà vì nó là biểu tượng của
những quý tộc đã chế giễu ông khi ông còn trẻ. Roark giải thích rằng ngôi nhà đó
không đại diện cho sự phấn đấu và giá trị của riêng ông, mà là cho giá trị của
những kẻ đã coi thường ông, Mundy từ chối điều này, ông thích ngôi nhà vì những
người khác coi trọng nó. Wayne Wilmot muốn thuê Roark vì bà có thể nói với bạn
bè rằng nhà bà được kiến trúc sư của công ty Austen Heller thiết kế. Bà muốn
một ngôi nhà theo phong cách Tudor của Anh vì những hình ảnh bà đã nhìn thấy
trên các tấm bưu thiếp và những thứ bà đã đọc trong các tiểu thuyết. Các thành
viên trong hội đồng quản trị của Công ty bất động sản Janss-Stuart từ chối thiết
kế của Roark vì "chưa từng có ai xây
dựng bất cứ thứ gì giống như vậy". John Erik Snyte là một kiến trúc
sư mà Roark từng làm việc cùng trong một thời gian ngắn. Snyte không gắn bó với
bất kỳ trường phái thiết kế cụ thể nào, ông vui vẻ làm hài lòng khách hàng bằng
bất kỳ phong cách nào mà họ muốn. Một nhân vật đặc biệt khác là Peter Keating,
người luôn mong muốn gây ấn tượng với người khác và giành được sự chú ý.
Keating đi tìm điều đó bằng cách ve vãn nịnh hót người khác, đặc biệt là những
người có quyền lực. Keating là một con tắc kè hoa, dễ dàng tiếp nhận ý kiến,
quan điểm của người khác bằng cách dễ dàng phản bội lại trí óc của chính mình.
Kiểu người thứ
ba là những người theo chủ nghĩa
tập thể, một cá nhân không có lựa chọn nghĩa vụ đạo đức nào khác ngoài
việc phục vụ xã hội. Trong The
Fountainhead, Ellsworth Toohey là tinh hoa cô đọng của tư tưởng này.
Toohey rao giảng về nó không ngừng nghỉ ở mọi nơi mà ông có thể tiếp cận. Ông
tin rằng các cá nhân có nghĩa vụ phải hy sinh vì xã hội, quốc gia cần một chính
phủ độc tài để cưỡng chế thực thi các nghĩa vụ đó, những người sáng tạo và tài
giỏi nên bị bắt buộc phải phục vụ những người yếu kém hơn. Trong thế giới của
Toohey, không có chỗ cho những kẻ không tuân thủ. Những người suy nghĩ độc lập
sẽ bị loại bỏ. Không có Howard Roark nào được dung thứ.
Ba kiểu người
này - những người đối đầu với Roark, là những biến thể của kiểu người phụ thuộc.
Không ai là người có tư duy độc lập, tất cả đều cho phép người khác thống trị
cuộc sống của họ theo một hình thức nào đó. Những người theo chủ nghĩa truyền
thống sao chép tư duy của những người đi trước, những người theo chủ nghĩa tuân
thủ sao chép tư duy của những người đương thời, những người theo chủ nghĩa tập
thể tìm cách xóa bỏ tư duy của những người đương thời, biến họ thành những người
đi theo sự lãnh đạo của người khác một cách mù quáng. Những người theo chủ
nghĩa truyền thống và những người tuân thủ là những người đi theo người khác;
những người theo chủ nghĩa tập thể mong muốn cai trị người khác, nhưng họ phải
xoa dịu đám đông để chống lại sự nổi dậy từ họ. Tất cả đều sao chép hoặc chiều
theo người khác, đều phụ thuộc về mặt tâm lý vào người khác. Không ai trong số
những kiểu người này muốn thoát khỏi sự ràng buộc của người khác, để nhìn vào
thiên nhiên, để suy nghĩ và phán đoán một cách độc lập, để thực hiện công việc
một cách sáng tạo. Tất cả họ đều trái ngược với Roark về chức năng nhận thức,
dưới hình thức này hay hình thức khác, tất cả họ đều bị Roark đe dọa, và tất cả
đều từ chối tính độc đáo và tính tự chủ của Roark. Không thể tránh khỏi, họ đều
chống lại Roark.
Cốt truyện của
tiểu thuyết là hành trình của Roark trong việc xây dựng những tòa nhà theo
phong cách của mình. Roark bị phản đối bởi những người như Dean, Guy Francon,
Ralston Holcolmbe, John Erik Snyte, Peter Keating và Ellsworth Toohey trong một
cuộc xung đột giữa một nhà tư tưởng độc lập với mọi loại phụ thuộc. Chủ đề của
Ayn Rand được thể hiện hoàn hảo qua câu chuyện của bà. Sự kết hợp các yếu tố
văn học này có thể được nhìn thấy rõ hơn khi xem xét các nhân vật trong sách, cả
chính và phụ. Mỗi nhân vật là một biến thể được khắc họa cẩn thận theo chủ đề của
cuốn sách. Trong một số trường hợp, điều này khá rõ ràng; trong những trường hợp
khác, nó không hề rõ ràng chút nào.
Howard Roark
là một hình mẫu của trí tuệ sáng tạo. Roark không chỉ là một nhà tư tưởng độc lập,
Roark là một thiên tài. Roark là một ví dụ hư cấu về những bộ óc vĩ đại nhất
trong lịch sử, những nhà tư tưởng lỗi lạc đã khám phá ra những chân lý mới
nhưng lại bị xã hội từ chối. Anh em nhà Wright bị chế giễu, Robert Fulton bị chế
giễu, Louis Pasteur bị lên án gay gắt... Trong lĩnh vực kiến trúc, các nhà
thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại như Louis Sullivan và Frank Lloyd Wright đã đấu
tranh trong nhiều thập kỷ cho những ý tưởng mới của họ. Lịch sử khoa học, triết
học và nghệ thuật chứa đầy những ví dụ về những nhà tư tưởng sáng tạo có những
ý tưởng đột phá bị người đương thời từ chối. Cuộc đấu tranh và chiến thắng của
Roark là lời tri ân nồng nhiệt của Ayn Rand dành cho những nhà tư tưởng tự do
vĩ đại đã đưa nhân loại tiến lên trên đôi vai của họ. Nhân vật Howard Roark chiếm
một vị trí trong lịch sử văn học thế giới, cùng với những nhân vật vĩ đại như
Antigone và Tiến sĩ Stockman trong tác
phẩm Kẻ thù của nhân dân của Ibsen. Họ như những hình mẫu trong
văn học về sự độc lập của con người.
Keating và
Toohey là những biến thể đặc biệt của chủ đề phụ thuộc trong Suối nguồn.
Keating là người luôn tìm kiếm địa vị, sợ sự phản đối của xã hội nên sẵn sàng bỏ
qua chính kiến của mình. Keating là ví dụ đáng thương về những người hạ thấp uốn
mình, tự nguyện giao phó tâm hồn mình cho người khác. Mặc dù có nhiều hành động
độc ác, Keating cuối cùng vẫn là một người đáng thương. Một người phản bội tâm
hồn mình, hy sinh các giá trị và khối óc của mình để vo tròn trong mọi hoàn cảnh
là người tự chuốc lấy thất bại, cuối cùng chỉ còn là một chiếc vỏ rỗng.
Tìm kiếm quyền
lực lại là một hình thức khác. Qua nhân vật Ellsworth Toohey, Ayn Rand đưa ra
những quan điểm quan trọng về bản chất của một người theo đuổi quyền lực. Thông
thường, những người này không được coi là yếu đuối, mà ngược lại họ là những cá
nhân mạnh mẽ, việc tìm kiếm quyền lực để kiểm soát người khác là biểu hiện cho
sức mạnh của họ. Qua nhân vật Roark và Toohey trong Suối nguồn, Ayn Rand cho thấy
quan điểm này là sai lầm. Roark là một người đàn ông mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận
trách nhiệm của tư duy độc lập. Roark nhìn vào sự thật, đứng trên niềm tin của
riêng mình bất kể niềm tin của đám đông, Roark không bị ràng buộc bởi sự chấp
thuận của xã hội. Roark nhìn ra thế giới bên ngoài, nhìn vào thiên nhiên, tìm
kiếm chân lý, khám phá và chinh phục. Đây là sức mạnh của con người.
Nhưng Roark
là tất cả những gì mà Toohey không phải. Toohey đủ thông minh để nhận ra rằng sự
sống còn của con người đòi hỏi phải tư duy độc lập, và mặc dù Toohey thừa nhận
Roark là một người như thế, ông vẫn tìm cách hủy diệt Roark. Điểm chính là mặc
dù ông xác định được tầm quan trọng của tư duy độc lập, ông vẫn từ chối thay đổi
phương pháp của mình. Ông không muốn đối mặt với thế giới mà ông không thể uốn
nắn theo ý muốn của mình. Thay vào đó, ông giới hạn mình trong thế giới của những
con người hèn nhát như Peter Keating, người có thể uốn nắn để phù hợp với mong
muốn của ông. Toohey từ bỏ mọi nỗ lực cho một cuộc sống độc lập, ông chỉ tồn tại
bằng cách ký sinh lên các sinh vật khác. Toohey cần những người như Keating nhiều
hơn họ cần ông. Keating nhận được sự chấp nhận từ Toohey, nhưng Toohey giành được
tất cả từ những người như Keating. Toohey là sinh vật phụ thuộc khốn khổ nhất
trong vũ trụ của The Fountainhead.
Wynand và
Dominique cũng là những biến thể khác trong chủ đề của Suối nguồn, mặc dù ở dạng
khó nhận biết hơn nhiều. Wynand là một trường hợp đặc biệt, không giống như
Roark, Keating hay Toohey được Ayn Rand xây dựng một cách rõ ràng, nhất quán về
tư tưởng độc lập hay phụ thuộc, thiện hay ác. Wynand là nhân vật đại diện cho sự
pha trộn giữa các điều đó, và Ayn Rand không đồng ý với quan điểm này. Đối với Wynand,
không có đen và trắng một cách rõ ràng. Thông qua cuốn tiểu thuyết, Rand cho thấy
rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm pha trộn những phẩm chất trái ngược nhau về mặt
logic đều dẫn đến những kết quả buồn.
Trong cuộc sống
riêng tư, Wynand sống theo chính kiến, tư duy của riêng mình. Wynand tôn kính sự
sáng tạo của con người, nhận ra thiên tài của Roark và giao cho anh thiết kế những
tòa nhà lớn. Tương tự như vậy, ông nhận ra sự chính trực của Roark và coi anh
như người bạn thân thiết nhất của mình. Bất chấp những sai lầm của Dominique,
ông nhận ra ngay sự cao quý trong tinh thần của cô và yêu cô sâu sắc. Cuối
cùng, ông mang về phòng trưng bày nghệ thuật riêng của mình những tác phẩm
có vẻ đẹp tinh tế nhất. Trong cuộc sống cá nhân, Wynand được sống theo đúng chuẩn
mực cao quý của riêng ông.
Ngoài cuộc sống riêng tư cao quý thì Wynand lại có một sự thỏa hiệp thấp hèn trong đời sống khác. The Banner là một tờ báo lá cải ghê tởm hướng đến những sở thích thô tục nhất của đám đông, không có bất kỳ lý tưởng cao cả nào của Wynand trong đó. Đây là một sự trớ trêu, vì nó không chỉ là một tờ báo lá cải mà còn thuộc sở hữu và được xuất bản bởi một người có lý tưởng cao cả. Thêm nữa, The Banner chỉ trở thành tờ báo của Wynand khi ông bảo vệ tài năng của Roark. Ông thất bại trong cuộc thập tự chinh cao cả của mình vì độc giả không quan tâm đến những lý tưởng mà ông bảo vệ, và những người có lý tưởng khác không còn coi trọng ông nữa. Wynand để cho các giá trị của người khác quyết định sự nghiệp của mình. Sự phụ thuộc vào các tiêu chuẩn của người khác khiến ông không thể bảo vệ thành công các giá trị của chính mình. Cuối cùng, Wynand bị đánh bại bởi cố gắng sống một cuộc sống hai mặt. Qua đó, Rand muốn nói rằng sự hòa trộn giữa độc lập và phụ thuộc, cuối cùng cũng sẽ đem đến cái kết tồi tệ cho bất kỳ ai.
Dominique là
một người phụ nữ hoàn toàn độc lập, và mặc dù trung thực, cô đã mắc phải một
sai lầm nghiêm trọng. Dominique là một người có chính kiến, cô nhìn thế giới bằng
chính đôi mắt và trí tuệ của mình. Quan điểm của người khác không ảnh hưởng đến
suy nghĩ của cô. Cô nhận ra cha mình và Keating đều là những người giả tạo và
là những kiến trúc sư hạng hai mặc dù họ được mọi người ca ngợi. Cô cũng hiểu
được tài năng của Cameron và Roark mặc dù hầu hết xã hội đều từ chối họ. Cô hiểu
được sự độc ác của Toohey, một nhận dạng không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của
xã hội về sự thánh thiện của ông. Nhưng cô mắc phải một sai lầm.
Dominique tin
rằng đức hạnh không có cơ hội thành công trong một thế giới thối nát, rằng những
người đàn ông vĩ đại như Roark phải chịu chung số phận với Cameron, trở thành
những kẻ cô đơn bị ruồng bỏ. Những kẻ giả tạo như Francon, sẵn sàng bán mình
như Keating, thèm khát quyền lực như Toohey - những kẻ đáng khinh này là những
kẻ thành công trên thế giới. Dominique tin rằng Roark đang hướng đến một kết cục
buồn. Mặc dù niềm tin của Dominique dựa trên những sự kiện cụ thể trong trải
nghiệm của cô, nhưng sự khái quát của cô là không có cơ sở. Cuối cùng, Roark
không chỉ thành công, anh thành công vì anh là người có nguyên tắc không khoan
nhượng. Keating không chỉ thất bại, anh thất bại vì anh bán linh hồn mình.
Toohey không chỉ thất bại trong cả việc ngăn chặn Roark và kiểm soát các tờ báo
Wynand, ông thất bại vì cái ác ăn mòn ông chỉ có sức mạnh hủy diệt chứ không phải
sức mạnh sáng tạo. Dominique chứng kiến những sự kiện này và do đó, nhận ra
sai lầm của mình. Cuối cùng, cô hiểu rằng Roark đúng: chỉ những người tốt mới
có thể đạt được thành công, vì chỉ họ mới có sức mạnh để sáng tạo. Do đó, cô chấp
nhận thay đổi tư duy của mình, rằng thế giới là nơi để những người tốt đạt được
các giá trị và chỉ họ mới có thể đạt được điều này.
Bởi vì
Dominique là một người có tư duy độc lập, cô có thể nhận ra sai lầm của mình,
thay đổi suy nghĩ và hành động, cuối cùng là đạt được hạnh phúc. Suy nghĩ độc lập
không làm cho một người trở nên cứng nhắc, ngược lại, nó cung cấp một cơ chế để
nhận ra sai lầm và sửa chữa nó. Tính cách của cô ấy cũng là một biến thể của chủ
đề độc lập.
Điều tương tự
cũng đúng với nhiều nhân vật phụ trong Suối nguồn. Henry Cameron và Steven
Mallory là những ví dụ điển hình. Cameron và Mallory đều là những người sáng tạo,
có những ý tưởng mới nhưng không được xã hội thừa nhận. Cả hai đều từ chối thỏa
hiệp và mỗi người đều phải trả giá cho sự chính trực của mình. Cả hai đều độc lập
trong suy nghĩ và hành động nhưng đều bị tổn thương và tức giận vì không được công
nhận. Cả hai đều trung thành với ý tưởng của mình, nhưng cuối cùng đều rơi vào
trạng thái cay đắng và hoài nghi. Không giống như Roark, Cameron và Mallory để
sự từ chối của xã hội ảnh hưởng trầm trọng đến cảm xúc của mình. Trong khi
Roark độc lập trong mọi khía cạnh của con người mình như suy nghĩ, hành động và cảm xúc thì Cameron và
Mallory đã không làm được điều đó. Mặc dù là những con người cao quý, họ để cho
quan niệm của người khác làm mình đau khổ. Do đó, họ không sống trong niềm vui
và tự hào trọn vẹn với những thành tựu của mình. Nỗi đau không đáng có của hai
người đàn ông vĩ đại này, ở một cấp độ nào đó, là lời buộc tội một xã hội bị
ràng buộc bởi truyền thống vốn từ chối những sáng tạo đổi mới. Ở cấp độ sâu
hơn, nỗi đau của họ là lời khuyên những người sáng tạo không được để niềm tin của
mình bị chi phối bởi người khác. Do đó, hai nhân vật này đại diện cho một khía
cạnh khác của chủ đề: Đức tính độc lập phải được đồng hóa vào mọi khía cạnh của
cuộc sống con người, cả về mặt cảm xúc cũng như trí tuệ và thực tiễn.
Tất cả các
nhân vật phụ khác, trong nhiều hình thức khác nhau, đều tự nguyện giao tâm trí
họ cho xã hội, trao cho người khác địa vị làm chủ. Mỗi nhân vật là một biến thể
riêng biệt về các nguyên tắc độc lập hoặc phụ thuộc. Ayn Rand khi mô tả công
trình của Roark tại thung lũng Monadnock – nơi mỗi ngôi nhà trong khu nghỉ dưỡng
vừa giống nhau lại vừa khác nhau - đã đưa ra một lời giải thích: "Có rất nhiều ngôi nhà, chúng nhỏ,
chúng tách biệt với nhau và không có hai ngôi nhà nào giống hệt nhau. Nhưng
chúng giống như những biến thể của một chủ đề duy nhất, giống như một bản giao
hưởng được chơi bởi trí tưởng tượng vô tận, và người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng
cười của sức mạnh đã được giải phóng cho chúng, như thể sức mạnh đó đã thoát ra,
không bị kiềm chế, nhưng chưa bao giờ đạt đến hồi kết". Tương tự như vậy,
mỗi nhân vật trong câu chuyện là một biến thể của một chủ đề duy nhất, được tạo
ra bởi trí tưởng tượng vô tận của nhà văn.
Cốt truyện của Suối nguồn là một phương tiện hoàn hảo để thể hiện chủ đề.
Ngoài ra, những nhân vật, chính và phụ, tích cực và tiêu cực đều là một biến thể
riêng biệt của chủ đề. Chúng kết hợp với nhau một cách chặt chẽ, thể hiện một
luận đề sâu sắc về bản chất con người.
Kết luận về Suối nguồn
Đã có nhiều tranh cãi liên quan đến tác phẩm này, những tư tưởng, triết
lý mà Rand gửi gắm trong quyển sách sẽ không phù hợp với tất cả mọi người. Bản
thân quyển sách cũng có những điều thiếu sót. Nhưng đến với Suối nguồn là chúng
ta đang đến với một thế giới đầy lý trí với trái tim nhiệt huyết và mãnh liệt.
Ai có những cung bậc đồng điệu với nó, sẽ có cảm hứng, có niềm tin vào con đường,
vào sự khác biệt và khát vọng của mình. Rất có thể, nó chính là “Suối
nguồn” để ai đó là chính mình và sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.
0 comments:
Post a Comment