Đẹp và buồn
(Beauty and Sadness) là một cuốn tiểu thuyết tinh tế và sâu sắc. Ở bề ngoài, tác
giả đã sử dụng những nét bút nhẹ nhàng nhất để viết nên tác phẩm của mình,
nhưng cảm xúc trong câu chuyện này lại rất sâu sắc và dữ dội.
![]() |
Tiểu thuyết Đẹp và buồn (Ảnh: Nhã Nam) |
Yasunari Kawabata viết một cách giản dị như thể không hề bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ý tứ
hay cấu trúc nào, giọng văn như dòng nước chảy tự nhiên nhưng có thể khiến cho
độc giả cảm thấy thổn thức sâu sắc. Các mối quan hệ của con người vốn luôn chứa
đựng những cảm xúc phức tạp, khó để thể hiện càng khó hơn để giải mã nó. Và
Yasunari Kawabata đã thể hiện cảm xúc của con người một cách sâu sắc trong Đẹp
và buồn. Tình yêu là một trong số những biểu hiện cảm xúc của con người, có đau
đớn xen lẫn ngọt ngào. Vì khao khát cái đẹp, chúng ta khao khát đến với tình
yêu, nhưng khi tình yêu mất đi, chúng ta hiểu rằng nỗi đau là vĩnh viễn. Thời
gian trôi qua, bất cứ điều gì chúng ta coi là đẹp đẽ đều có thể trở thành nỗi
buồn. Và chúng ta biết rằng tình yêu là một cảm xúc trừu tượng, bản chất phàm
trần trong mỗi chúng ta có xu hướng đơn giản sự trừu tượng đó, nhưng tình yêu cần
sự biểu hiện của một sinh vật phàm trần để nó có thể được cảm nhận với đầy đủ mọi
cung bậc.
Đẹp và buồn, hai
thứ trừu tượng tưởng chừng như trái ngược nhau lại được hợp nhất thành một, tuy
có vẻ cô đọng nhưng lại có thể vỡ vụn thành những biểu hiện khác nhau như sự hấp
dẫn, cơn thịnh nộ, ghen tuông. Tuy nhiên, cần có một nhà văn tầm cỡ như
Kawabata để hợp nhất hai sự trừu tượng đó, nhưng đồng thời không làm xáo trộn sự
hòa quyện tinh tế trên nền ý thức của chúng ta.
Kawabata nhẹ
nhàng mở ra cốt truyện và lịch sử nhân vật, giống như những cánh hoa dần nở ra
trên một bông hoa. Chúng ta lạc vào thế giới của những vòng quay, ở đó Oki
Toshio là một nhà văn ngoài năm mươi tuổi, đang đi tàu về Kyoto để nghe tiếng
chuông chùa lúc giao thừa. Từ lâu ông đã mong muốn đến Kyoto để nghe “âm thanh
sống động” của những chiếc chuông chùa cổ lúc giao thừa, một nghi lễ mà ông thường
nghe trên đài. Sự cô đơn bao trùm ông trong hành trình mang tính nghi lễ này, những
chiếc ghế chuyển động khiến ông nhớ đến sự trống trải của cuộc sống. Chuyến đi
gợi lại những ký ức sâu sắc về khoảng thời gian sóng gió trong quá khứ của ông.
Otoko Ueno là người tình cũ của ông, lúc đó cô mới 15 tuổi. Giờ đây ông khao
khát được gặp lại cô, đã hơn hai mươi năm xa cách, Otoko là người phụ nữ mà ông
vẫn yêu. Trong ký ức của ông, Otoko là người phụ nữ nồng nàn nhất mà ông từng
biết. Vẻ đẹp của những đường ray đỏ thẫm gợi cho ông nhớ về những nỗi buồn ẩn
chứa của cuộc sống, về khoảng thời gian bên Otoko. “Kỷ niệm là gì? Quá khứ nào
mà ông nhớ đến thế? Và chẳng phải sự sống động của những ký ức đó có nghĩa là
cô vẫn sống trong lòng ông sao?”.
Thoạt tiên,
chúng ta thấy đây là một chuyến đi cụ thể, nhưng ẩn sâu trong nó là sự bắt đầu
của một hành trình bất tận, nó là một vòng tròn, điểm bắt đầu cũng là điểm kết
thúc, thời gian con người, thời gian nghệ thuật không có ý nghĩa trong đại cảnh
không gian đó, như nhân vật này là hình bóng của nhân vật khác, hình bóng của
những ký ức ngày xưa, lặp đi lặp lại qua từng trang sách của Đẹp và buồn. Xuyên
suốt cuốn sách, những cảm xúc cũ và mới đan xen nhau sôi sục dưới bề mặt.
Như đôi khi
chúng ta vẫn hay nói, vẻ đẹp thường mang trong mình những nỗi buồn. Trong ký ức
đẹp đẽ đó, Oki không thể thoát khỏi nỗi đau vì đã phá hỏng cuộc đời cô, có thể
là đã cướp đi mọi cơ hội hạnh phúc của cô. Mối tình đam mê bị cấm đoán đã dẫn đến
cái chết của một đứa trẻ sinh non, sau đó Otoko tự tử nhưng không thành. Tuy vô
cùng đau đớn, Otoko vẫn yêu Oki, yêu đứa con đã mất và người mẹ của mình, nhưng
liệu những tình yêu này có thay đổi không kể từ thời điểm chúng là hiện thực hữu
hình đối với cô? Có điều gì đó trong chính những tình yêu này đã được chuyển
hóa một cách tinh tế thành tình yêu bản thân không? Tất nhiên là cô sẽ không nhận
thức được điều đó. Người đàn ông chỉ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình qua
những người phụ nữ xung quanh, còn người phụ nữ vô thức xây dựng một ngôi đền
tưởng nhớ nỗi đau và nỗi buồn trong quá khứ. Thời gian đã đung đưa con lắc của
nó mà không ảnh hưởng đến cuộc sống của bất kỳ ai, như nó đã làm từ ngàn xưa, mọi
người đều phải sống tiếp cuộc sống của riêng mình. “Thời gian trôi qua. Nhưng thời gian trôi theo nhiều dòng. Giống như một
dòng sông, dòng thời gian bên trong sẽ chảy nhanh ở chỗ này và chảy chậm ở chỗ
khác, thậm chí có thể trì trệ một cách vô vọng. Thời gian vũ trụ là như nhau đối
với mọi người, nhưng thời gian của con người lại khác nhau ở mỗi người. Thời
gian trôi theo cùng một cách đối với tất cả con người; mỗi con người trôi qua
thời gian theo một cách khác nhau”.
Khi Otoko đã
bình phục, mẹ cô chuyển gia đình đến Kyoto nhằm chia cắt hai người. Còn Okie đã
biến câu chuyện tình của họ thành một cuốn tiểu thuyết có tên Cô gái tuổi mười sáu. Cuốn tiểu thuyết
khắc họa cái nhìn lý tưởng về Otoko. Cô
gái tuổi mười sáu là tác phẩm thành công nhất của Oki, được giới phê bình
khen ngợi và được độc giả yêu mến. Vẻ đẹp của cuốn tiểu thuyết đã khiến nó vượt
qua những câu hỏi về mặt đạo đức. Trong khi số tiền thu được từ cuốn sách giúp
cuộc sống gia đình tốt hơn về mặt tài chính, thì bản thân câu chuyện đã để lại
dấu ấn và đau đớn đối với người vợ của ông.
Trở về hiện tại,
Otoko đã 39 tuổi và là một nghệ sĩ thành đạt sống ở Kyoto. Otoko sống cùng với Sakami
Keiko, là người học trò trẻ, đồng nghiệp và người yêu của cô. Trong chuyến đi
này của Oki, ông đã gặp Otoko và Keiko. Khi Keiko lần đầu được giới thiệu trong
tác phẩm, người đọc cảm nhận được một sự bí ẩn, cảm giác ma mị và bất an toát
ra từ con người cô. Bên cạnh đó, Otoko miêu tả phong cách nghệ thuật của Keiko
càng củng cố thêm cảm giác chông chênh đó. Cách Kawabata miêu tả những tác phẩm
cũng như trường phái, triết lý nghệ thuật của Otoko và Keiko như một phương tiện
để minh họa cảm xúc của họ. Đó cũng là một nghiên cứu về thẩm mỹ Nhật bản, các
nhân vật trung tâm đều có mối liên hệ nào đó với nghệ thuật và Kawabata đã khéo
lẽo vẽ nên thế giới của họ bằng hình ảnh đầy mê hoặc và cách sử dụng những chi
tiết.
Sự bình yên
trong cuộc sống của Otoko và Keiko bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của Oki, khi
tình yêu sâu đậm của Otoko dâng trào từ vực thẳm ý thức của cô. Nhận thức của
cô về cơ thể mình không thể tách rời khỏi ký ức về vòng tay của ông. Cuộc gặp gỡ
định mệnh giữa Otoko và Oki mở lại những vết thương chưa lành trong quá khứ và
gây ra một chuỗi sự kiện mà không ai trong số họ có thể đoán trước được, làm mờ
đi ranh giới mong manh giữa yêu và ghét, từ bi và trả thù. Làm sao chúng ta có
thể vượt qua biển băng giá của người khác? Làm sao chúng ta có thể ngăn cản quá
khứ tiến về phía trước, làm sao chúng ta có thể tránh được quá khứ sống lại lần
nữa? Khi gần bốn mươi, Otoko tự hỏi liệu việc Oki vẫn còn ở bên trong cô có
nghĩa là dòng thời gian này đã bị trì trệ, thay vì chạy theo dòng chảy của nó.
Hay hình ảnh ông còn lưu giữ trong cô đã trôi theo thời gian như một bông hoa
xuôi dòng? Cô không biết làm thế nào hình ảnh của chính mình lại trôi nổi trong
dòng nước của Oki. Ông không thể quên được cô, nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa,
thời gian đã trôi qua khác hẳn với thời gian của ông. Dòng thời gian không bao
giờ giống nhau đối với hai người, kể cả khi họ là người yêu nhau… Cái kết bi thảm
tạo nên giai điệu của cuốn sách và nỗi buồn lấy hơi thở từ nghĩa địa của cái đẹp.
Một số vết thương chưa lành trong quá khứ mở ra, làm tổn thương cả ba người
thông qua những cảm xúc ẩn dưới vẻ đẹp và chúng ta thấy thế giới ám ảnh của hận
thù, ghen tuông, trả thù.
Lời văn của Đẹp
và buồn đẹp như một bức tranh, người ta thật sự có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng
của những ngọn đồi như bạn đang ngồi đối diện với nó, người ta đắm chìm trong sự
im lặng bình yên của những ngọn núi tràn ngập tiếng hót êm dịu của các loài chim.
Đặc điểm khiến nó trở nên độc đáo trong số các tác phẩm của tác giả là, các
nhân vật trong Đẹp và buồn được cung cấp một không gian rộng lớn để phát triển
toàn diện, không giống như những tác phẩm khác về cơ bản là những cuộc độc thoại
nội tâm. Kawabata bỏ qua các chi tiết của một số sự kiện có vẻ quan trọng, điều
này làm cho tác động của nó trở nên mạnh mẽ hơn, vì chúng ta chỉ có thể tưởng
tượng những gì đã diễn ra. Đó là một thủ pháp cổ điển thường được các nhà văn sử
dụng, cái hay của nó không chỉ nằm ở những gì được kể ra mà còn ở những thứ nhà
văn bỏ qua. Điều đó làm cho câu chuyện đầy đam mê này được thuật lại một cách
khách quan, từ đó cắt đứt mọi liên hệ giữa nhà văn và các nhân vật của mình, nhà
văn mô tả họ mà không hề phán xét. Chúng ta có ghét Oki không? Chúng ta phải
làm như vậy chứ, nhưng không, chúng ta nhìn ông qua con mắt của Otoko, người đã
vượt qua mọi thứ khác để yêu ông. Người ta có thể tìm thấy tình yêu như vậy ở
đâu, ngoại trừ trong nghệ thuật và văn chương?
Kawabata cẩn thận
bóc tách các lớp thời gian để giải phóng những dư âm vặn xoắn của quá khứ, khi
lòng ghen tị trở nên mãnh liệt và mong muốn trả thù xâm chiến Keiko. Đôi chỗ, lời
văn của Kawabata là sự điêu luyện của con chữ xen kẽ với những cảm xúc bạo lực
của con người, đến mức cực đoan. Bản chất và lực đẩy cảm thụ nghệ thuật của chính
tác giả là chủ thể cuối cùng, là mọi thứ được tranh luận, phán xét, thú nhận và
hối tiếc. Có lẽ vì sự tiếp cận nhẹ nhàng của Kawabata, Đẹp và buồn, giống như tất
cả các tác phẩm khác của ông, nó cần được người đọc thưởng thức một cách chậm
rãi, các liên tưởng phải có thời gian để hình thành, các chi tiết nhỏ phải được
tiếp nhận cẩn thận. Nó rất gợi cảm, đôi khi gợi tình nhưng không hề gợi dục.
Đẹp và buồn chứa
đầy mâu thuẫn một cách tài tình, bắt đầu bằng chất trữ tình sâu thẳm toát ra từ
tựa đề của nó. Sau đó là những khái niệm đối lập và hòa quyện trong một vệt mờ,
vệt mờ của màu son dịu và màu đỏ đam mê, trong dòng chảy không thể tránh khỏi của
thời gian và sự bất tử của những khoảnh khắc, trong tình yêu vô điều kiện và
cái mãnh liệt của sự trả thù.
Đây không phải
là cuộc hành trình dành cho tất cả mọi người, nó chỉ dành cho những ai cố tình
chọn con đường rẽ nhánh của tình yêu, dành cho những ai đấu tranh chống lại
ghen tuông phản bội bằng sự ngoan cố, dành cho những ai thấy trong mình đủ sáng
suốt để đắm mình vào đó, dành cho những ai thấy được cả mùi hương lạ lùng của
hoa hồng và than củi.
Chúng ta không
bao giờ thực sự chắc chắn ai vẫn yêu ai và ai ghen tị với ai. Các nhân vật có vẻ
ngoài và tính cách điển hình của một người Nhật; bề ngoài lịch sự, chỉn chu
nhưng thường chứa đầy những khao khát, ẩn ức và đam mê không thể nói ra ngoài. Tất
cả đều được bộc lộ một cách tự nhiên, đơn giản mà không hề có sự phán xét nào của
nhà văn. Tác giả để câu chuyện tự phơi bày, và người đọc tự đưa ra những kết luận
của mình.
Thế nào là đẹp và thế nào là buồn? Những
tác phẩm của các nhân vật, bi kịch tình yêu của Otoko với Oki, vẻ đẹp của
Keiko, tình yêu của Keiko và Otoko, những phong cảnh mà các nhân vật đi qua, nét
cao nhã của các nhân vật, lời văn của Kawabata… Có lẽ tất cả điều này, và nhiều
hơn nữa, đến cả những điều sáo rỗng nhất, bản thân cuộc sống vốn đã tươi đẹp. Cái
đẹp ở đây như thể bất biến giữa sự vận động của cuộc đời, như thể nằm bên mép
rìa của thời gian. Được miêu tả như cách dàn dựng một sân khấu kịch nô truyền
thống, cái đẹp trở thành một phông nền tĩnh tại, bao trùm lấy tác phẩm và các
nhân vật.
Thế giới của “Đẹp
và buồn” cũng là thế giới của hình và bóng, thế giới của những vòng xoay vô tận.
Taichiro là cái bóng của Oki. Keiko là hình bóng của Otoko, Otoko và Oki là
hình bóng của những ký ức trong quá khứ của chính họ. Và họ lặp lại vòng xoáy
đó nhân danh tình yêu và sự ghen tuông. Cũng chính vì thế, cuốn tiểu thuyết có
tên “Đẹp và buồn”. Bởi cái đẹp là hình bóng của nỗi buồn, hay ngược lại, nỗi buồn
là hình bóng của cái đẹp. Cả hai quấn quýt với nhau trong cùng một sinh mệnh
chi phối đời sống con người. Như hai phạm trù đối lập nhau và đồng hiện, soi
chiếu lên nhau.
Trong mỹ học của
Kawabata nói riêng và nghệ thuật Nhật Bản nói chung, cái đẹp chỉ được sinh ra từ
nỗi buồn, một “mono no aware” chi phối toàn bộ thẩm mỹ của nền nghệ thuật xứ
Phù Tang, một thứ bi cảm trước cái mong manh vô thường của cuộc sống, một cánh
hoa rơi, một chiếc lá rụng, một cái chết. Đó là thứ bi kịch của đời sống mà nhà
văn phải chấp nhận, như trong tiểu thuyết “Người
đẹp ngủ mê”, ông đã viết “Trên thế
gian này không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người, không có gì cao
quý bằng tấm thân người phụ nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó, người ta
phải phá hủy sự tinh khiết đó”. Trong Đẹp và buồn cũng thế, chỉ khi cái đẹp
của các nhân vật bị phai đi, trải qua đau đớn, họ mới đi tới hết chặng đường của
đời sống.
Tất cả điều này
diễn ra thông qua nỗi buồn và tạo ra nỗi buồn. Những nỗi buồn trong cuốn tiểu
thuyết này dường như là một đại dương bao la, nơi hạnh phúc là những hòn đảo nhỏ
có số phận sẽ phải mất đi. Hãy nhìn thấy vẻ đẹp và nỗi buồn của thế giới, chúng
ở trong nhau và hòa lẫn vào nhau. Cuối cùng vạn vật tương sinh, đẹp và buồn
tương sinh với nhau, không rõ đâu là vật đâu là hình, tất cả cứ phóng chiếu cuộc
đời mình lên nhau, tất cả đều sẽ trở lại, một thứ “quy hồi vĩnh cửu”, bất biến
trong kiếp vô thường của con người.
Đẹp và buồn được
viết năm 1964, xuất bản lần đầu năm 1965, chủ đề của cuốn tiểu thuyết có vẻ
không được phù hợp trong thời đại ngày nay, khi các nhân vật trong tiểu thuyết
thản nhiên chấp nhận việc một đứa trẻ vị thành niên mang thai mà không có bất kỳ
thái độ phản ứng nào, thảnh nhiên chấp nhận việc một người đàn ông đã có gia
đình ngoại tình với trẻ vị thành niên và làm cô có thai. Tuy nhiên, đó là một
phần văn hóa ở Nhật Bản vào giữa thế kỷ XX, và nghe có vẻ ngạc nhiên, ngoại
tình là một truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Văn hóa “chấp nhận” ăn sâu vào tư
tưởng con người Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. Đó là niềm tin mãnh liệt
vào việc giữ gìn danh dự, vào việc giữ thể diện, sự thụ động trong các vấn đề
cá nhân cũng như xã hội…, và sự nguyên vẹn của gia đình. Điều này được thể hiện
trong cuốn tiểu thuyết qua những gì Oki đã làm, trong việc Fumiko chấp nhận sự
không chung thủy và những hậu quả do Oki mang lại, trong việc Otoko dễ dàng đầu
hàng những đam mê tuổi mới lớn của mình, cái thai, và tìm đến cái chết. Các
nhân vật của Đẹp và buồn đón nhận tình yêu, sự thù hận, ân oán như thể nó là một
lẽ hết sức tự nhiên trong đời sống. Cái cách miêu tả nhẹ nhàng như mây mà đau đớn
dữ dội như những cơn sóng trào. Những điều đó khiến độc giả hiện đại bối rối
cho đến khi chúng ta nhận thấy rằng, Kawabata tìm lối thoát của mình trong nhân
vật Keiko. Tuy nhiên, cái kết không đưa ra giải pháp nào cho những vấn đề nêu
ra trong câu chuyện. Điều bí ẩn của cuổn sách là nó được viết ra để trải nghiệm,
để cảm nhận chứ không phải để phân tích.
Keiko có vẻ là một
nhân vật phức tạp trong cuốn tiểu thuyết này. Cả Oki, Tachiro, Fumiko và Otoko
đều không thực sự hiểu cô ấy, có thể bản thân Kawabata cũng không thực sự hiểu
cô ấy mặc dù ông đã khắc họa nhân vật này một cách hoàn hảo. Keiko xinh đẹp,
mong manh, cô bị tổn thương và phản ứng lại điều đó bằng cách gây tổn thương. Tất
cả được gói gọn trong động cơ trả thù mãnh liệt. “Em nghĩ khi đàn bà chúng mình
thù ghét, thì cái thù ghét ấy cũng có thể là một dạng thức của cái yêu”. Theo một
nghĩa nào đó, nhiều độc giả cho rằng Keiko chính là Otoko mà họ muốn thấy sau cuộc
chia tay với Oki nhiều năm trước. Một Otoko sống từ xung lực này đến xung lực
khác, bị thúc đẩy bởi nhiệt huyết cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Keiko này chính là
Otoko mà nhiều độc giả muốn thấy khi bị thúc đầy bởi mong muốn trả thù, chính
Otoko cũng nhận ra rằng “trong xung lực
giết người thoáng qua đó ẩn chứa tình yêu cũ của cô dành cho Oki”.
Cuối cùng, điều
cuốn tiểu thuyết này nắm giữ chúng ta tốt nhất là những câu chữ của nhà văn, cuốn
chúng ta đi như những chiếc lá trong dòng nước chảy ào ạt, cuốn chúng ta vào những
dòng xoáy của sự miêu tả kỳ diệu, đẩy chúng ra theo dòng nước của ngôn từ.
Chúng ta tan vào ngôn ngữ của ông, cảm nhận được “những sợi mưa mảnh mai tan
vào dòng sông không gợn sóng. Hoa anh đào đan xen với lá xanh non, màu cây chớm
nở dịu dàng trong mưa”. Giống như những cái cây, chúng ta bị quyến rũ bởi những
gợn sóng nhẹ nhàng trong lời nói của Kawabata, chúng ta bị khuất phục một cách
tinh tế khi chạm vào vẻ đẹp và nỗi buồn trong câu chuyện của ông.
0 comments:
Post a Comment