Cảm nhận phim Đường về nhà - Trương Nghệ Mưu

Đường về nhà là một bộ phim vô cùng giản dị của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ở đó, có một tình yêu hết sức chân thành, mộc mạc. Thế giới nội tâm của hai nhân vật chính đã được khắc họa một cách tài tình và đậm nét. Phim không hề có những cảnh quay tình tứ, lãng mạn; thay vào đó là hình ảnh của những đôi mắt, những cung bậc cảm xúc cùng tình cảm hết đỗi dung dị mà họ dành cho nhau. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng bộ phim đã mở toang cánh cửa tâm hồn của mỗi người xem.

Chương Tử Di trong phim Đường về nhà
Đường về nhà là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim đã làm nức lòng người xem bởi câu chuyện tình yêu mộc mạc, chân thành. Cốt truyện phim đơn giản, không có nhiều tình tiết ly kỳ, gay cấn nhưng lại rất hấp dẫn nhờ sự thể hiện độc đáo của phong cách làm phim hội hoạ. Đó là những thước phim đẹp, đầy chất thơ với cách “chơi màu” tạo sự ngạc nhiên và thích thú cho người xem.

Đường về nhà kể về mối tình giữa cô thôn nữ tên Di và một thanh niên thành phố về quê dạy học. Năm ấy, Di 18 tuổi và là cô gái đẹp nhất làng. Từ lần đầu tiên nhìn thấy người thầy giáo, Di đã đem lòng yêu anh và tình yêu đó kéo dài đến hết cuộc đời.

85 phút của Đường về nhà, Trương Nghệ Mưu đã khéo léo gói gọn bộ phim trong cấu trúc 3 phần: hiện tại, quá khứ, hiện tại. Bộ phim mở đầu trong khung cảnh mùa đông ảm đạm khi Sinh - cậu con trai trở về chịu tang cha. Mẹ anh, với niềm tin rằng linh hồn người chồng đã mất sẽ không quên đường về nhà khi được đưa về bằng cách đi bộ trên con đường làng, bà đã mong muốn được đưa xác chồng về bằng đường bộ trên con đường làng quen thuộc dưới tiết trời mùa đông lạnh giá. Khác với thông thường, khi kể về quá khứ hay những cảnh hồi tưởng của các nhân vật, nhà làm phim thường sử dụng tông màu đen trắng, nhưng ở đây, ngay trong thời gian hiện tại, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã sử dụng tông màu này để thể hiện không khí u ám, tang tóc của hiện tại. Những thước phim về hiện tại được thuật lại bằng phong cách docudrama (giả tài liệu) thể hiện qua màu phim đen trắng như thế. Trong khi đó, phần quá khứ qua giọng kể của nhân vật dẫn chuyện, được tái hiện bằng những thước phim màu tuyệt mỹ và phần nhạc nền giàu cảm xúc, biến những hồi ức này trở thành một bài thơ lãng mạn ca ngợi tình yêu.

Qua nghệ thuật xây dựng biểu tượng, chú trọng vào mô tả chi tiết và đặc tả tâm lý nhân vật, Trương Nghệ Mưu đã kể lại một câu chuyện tình yêu giản dị nhưng đầy mãnh liệt giữa cô thôn nữ nghèo và người thầy giáo làng.

Đặt nhân vật ở trung tâm của khung hình và ống kính luôn bám theo cô từ phía sau, Trương để cho nhân vật của mình bộc lộ và bày tỏ tình yêu thật khác biệt với văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Mối tình e ấp, vụng dại của Di qua diễn xuất của Chương Tử Di được thể hiện qua những chi tiết thật đắt. Ngôi làng này có hai cái giếng, nhưng Di luôn đi lấy nước ở cái giếng xa hơn để được đi qua trường và nghe tiếng thầy giáo giảng bài. Sau này, cô đã nói với Sinh rằng: “Chẳng có người giáo viên nào có giọng đọc hay như cha con”. Suốt 40 năm chung sống bên nhau, Di vẫn đi lấy nước ở cái giếng xa hơn để nghe tiếng chồng mình giảng bài mỗi ngày. Cô gái thôn quê đó làm những chiếc bánh bao thật ngon, để vào một chiếc tô nhỏ, bọc lại bằng vải rồi đứng từ xa mong ngóng xem thầy giáo có ăn những chiếc bánh của mình làm không. Cô nâng niu chiếc kép tóc, món quà của thầy giáo trẻ như một bảo vật của tình yêu. Cô khóc nức nở khi nhìn chiếc bát sứ đựng những chiếc bánh bao vỡ tan tành khi cố đuổi theo chiếc xe ngựa đưa người thầy giáo trở về thành phố. Cô đứng chờ giữa trời tuyết trắng để đợi người thầy giáo trở về làng như lời hẹn ước. Cô một mực đi bộ lên thành phố để tìm thầy giáo giữa trời bão tuyết đến ốm liệt giường. Và gương mặt mới ốm dậy của cô bừng sáng khi biết thầy giáo trẻ đến thăm cô đêm qua, cùng với tiếng giảng bài quen thuộc vang lên từ xa. Tình yêu đơn sơ mà mãnh liệt của cô cuối cùng cũng được hồi đáp… Tình yêu của Di và người thầy giáo làng chân thành, trong sáng lắm. Không có một cái nắm tay, không có một nụ hôn, cũng chẳng có những lời thề non hẹn biển nhưng người ta vẫn biết họ yêu nhau chân thành. Còn người thầy giáo làng, theo như lời kể của Sinh: “khi cha tôi nhìn thấy mẹ tôi mặc chiếc áo đỏ đứng đợi ở đó, cha không bao giờ rời đi nữa”.

Chiếc bát sứ và cái kẹp tóc, hai thứ đồ vật tầm thường bỗng trở nên tuyệt đẹp nhờ cách xây dựng biểu tượng hay cách sử dụng đồ vật cực kỳ hiệu quả của Trương Nghệ Mưu. Cũng vậy, con đường làng trở đi trở lại trong bộ phim, qua sự thay đổi thiên nhiên của bốn mùa, như một biểu tượng của thời gian, được ông tái hiện nhiều lần trên màn ảnh, qua những góc máy từ toàn đến cận cảnh. Ở mỗi khung hình mô tả thiên nhiên đó, dĩ nhiên không thể thiếu hình ảnh của cô gái thôn quê mặc chiếc áo bông chần đỏ, hai mái tóc tết lúc lắc hai bên và những bước chân e ấp, hồ hởi hay tuyệt vọng theo những cảm xúc khi yêu của cô. Đó cũng là cách để Trương mô tả tinh tế trạng thái tâm lý thất thường, thậm chí có phần mê sảng của một mối tình đầu một cách tinh tế và cổ điển nhất. Khung cảnh diễn ra câu chuyện tình yêu trong Đường về nhà là nông thôn rực rỡ đầy màu sắc. Đó là màu vàng rực của rừng phong, màu trắng ngà của lau trước gió, màu trắng bát ngát của tuyết mùa đông… Ngay cả khi tiết trời rất lạnh, chiếc áo bông đỏ của cô thôn nữ Di cũng làm tô điểm thêm cho khung cảnh màu nóng ấm áp.

Tình yêu của Di đã được đáp lại, sau rất nhiều biến cố. Cả hai đã sống bên nhau hạnh phúc đến ngày thầy giáo, người chồng của Di qua đời. Đến lúc này, Đường về nhà lại càng khiến khán giả cảm động vì tình nghĩa hai người dành cho nhau. 

Và đó cũng là cách Chương Tử Di mang vẻ đẹp ngây thơ thuần khiết nhất của tuổi 19 bước lên màn ảnh, một may mắn mà rất hiếm diễn viên có được. Bên cạnh những yếu tố về nghệ thuật, Đường về nhà còn là bộ phim chắp cánh cho Chương Tử Di, vốn là một diễn viên múa, chắc chắn Chương Tử Di phải tập luyện rất nhiều để có bước đi, dáng chạy của người thiếu nữ thôn quê, nụ cười, sự e thẹn và đắm đuối cũng được thể hiện rất tài tình. Đạo diễn sử dụng hài hòa giữa những góc quay, âm nhạc, diễn viên để có thể dẫn dắt người xem đi đến những cung bậc khác nhau của tình cảm đôi lứa.

Những tông màu đối lập

Trương Nghệ Mưu đã có chủ đích rất rõ ràng trong việc xử lý màu sắc của phim. Xuyên suốt cả phim, đạo diễn đều sử dụng hai tông màu đối lập. Đó là màu ấm, sáng và tông màu lạnh được chuyển đổi một cách đa dạng. Ở phần mở đầu và phần cuối của bộ phim - thời gian hiện tại của câu chuyện, đạo diễn sử dụng gam màu đen- trắng để thể hiện sự đau buồn của các nhân vật.

Khung cảnh thời gian ở hiện tại cũng là những ngày mùa đông đầy tuyết trắng, cảnh vật tiêu điều xơ xác với ánh sáng mờ nhạt mang vẻ u ám tạo cảm giác buồn bã, tác động trực tiếp đến tình cảm của người xem, làm cho người xem đồng cảm với nỗi đau tang tóc của các nhân vật trong phim. 

Khi các nhà làm phim chuyển câu chuyện về quá khứ, cách xử lý màu sắc và hình ảnh được thay đổi hẳn. Màu sắc đã rực rỡ, tươi sáng, đẹp như bức tranh. Những hình ảnh đầy màu sắc đã thể hiện sự tươi sáng của tình yêu. Câu chuyện tình yêu ấy chỉ thực sự được mở ra qua những hình ảnh Sinh kể lại về quá khứ khi cha mẹ anh còn trẻ. Từ đây, người xem dần dần được chiêm ngưỡng những bức tranh đầy màu sắc ngay từ hình ảnh hồi tưởng đầu tiên: con đường làng uốn lượn giữa đồng cỏ vàng rực, chiếc xe ngựa chở thầy giáo từ xa hiện rõ dần lên.

Ngày ấy, khi người thày giáo trẻ về làng dạy học, cô gái thôn quê Di đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những biểu hiện tình yêu của cô gái thuần chất Phương Đông được tác giả thể hiện rất tinh tế qua từng khuôn hình, từng góc máy. Tác giả đã dùng màu sắc để biểu hiện tình cảm trong sáng mà hết sức mãnh liệt của cô gái trẻ. Đó là các gam màu đỏ pha vàng rất rực rỡ trong rừng cây khi cô gái ngóng chờ và được gặp người trong mộng của mình đi qua. Màu sắc rực rỡ ấy xuất phát từ tình cảm rạo rực trong nội tâm của Di.

Sự xử lý màu sắc cũng được biểu hiện rất rõ ràng vì ngay sau đó lại có sự đối lập khi tác giả thể hiện một rừng lau màu xám uốn lượn ngả theo chiều gió khi Di đi về như muốn thể hiện dư âm lưu luyến của cô gái mỗi lần được nhìn thấy người yêu. Đây là một cách gây hiệu quả thị giác cho khán giả, khán giả bị cuốn hút vào cảnh phim. Nào là màu vàng đỏ của rừng cây và cánh đồng lúa đang độ chín, màu nâu đỏ của những con đường làng, tất cả hoà quyện với nhau...

Đạo diễn cũng chú ý đến quần áo của nhân vật, chúng cũng có gam màu mạnh như hồng hoặc đỏ nổi bật trên nền trời và đất. Đạo diễn rất tài tình thể hiện sự chuyển biến tâm trạng đa dạng, đủ các sắc màu trong tâm tư của nhân vật chính. Màu sắc trong phim tương ứng với tâm trạng nhân vật. Cứ mỗi khi cô gái vui vì được gặp người yêu thì màu sắc bao giờ cũng tươi và ngập tràn ánh sáng, còn đen trắng lạnh lẽo phù hợp với không khí u buồn.

Tâm trạng chờ đợi mòn mỏi người yêu của Di làm người xem nhớ mãi hình ảnh cô gái mặc áo đỏ rực đứng trong bão tuyết trắng xoá chờ thầy giáo, ngóng mãi ở cuối con đường. Tuyết trắng ngày một phủ dầy hơn, không gian thật ảm đạm và lạnh lẽo. Đối lập với không khí đó thì ngày hôm sau, khi vừa biết tin thầy giáo đã trở về, Di vừa mới bị ốm vẫn vùng chạy đi tìm. Khung cảnh lúc này lại chuyển ngay sang màu sắc ấm, nóng của tâm trạng nhân vật. Màu sắc phim đã tô điểm rõ nét cho tình cảm muôn màu của con người. Hiệu quả thị giác đã mang đến hiệu quả cảm xúc lớn cho người xem.

Bức tranh nghệ thuật đặc sắc

Không chỉ hấp dẫn người xem ở cách biểu hiện tình cảm nhân vật qua các gam màu sắc, Đường về nhà còn thật sự cuốn hút người xem bởi những cảnh quay đẹp như tranh vẽ, khuôn hình vô cùng gợi cảm. Đường về nhà chan hoà ánh nắng tươi đẹp.

Xuất thân là một quay phim, Trương Nghệ Mưu rất tinh tế và tài tình khi biến bộ phim của mình thành một bức tranh nghệ thuật đẹp mắt. Đạo diễn có lẽ đã dùng ngay ánh sang tự nhiên khi quay ngoại cảnh. Khán giả không thể quên được những đường nét của núi, của cây cối, con đường mòn quanh co uốn lượn, cảnh chiếc xe ngựa chạy qua con đường về nhà hay hình ảnh cô gái mặc áo đỏ chạy rất nổi bật trên gam màu vàng chủ đạo. Rồi cảnh chiếc khung cửi đỏ chót được dệt từng sợi, từng sợi một cách công phu choán cả khuôn hình, các cảnh mờ chồng nối tiếp nhau khi cô gái mặc áo đỏ đi tìm chiếc cặp tóc - kỉ vật của chàng trai - trên con đường quanh co, những cảnh trong rừng cây, rừng lau bạt ngàn, cô gái trẻ mặc áo hồng điểm xuyết trên bức tranh ấy gợi vẻ đẹp đến nao lòng…

Đạo diễn Trương Nghệ mưu bằng cách thể hiện màu sắc cùng khuôn hình đẹp như mơ đã tạo cho người xem rất nhiều cảm giác phong phú về tâm trạng đang yêu của nhân vật và ông đã thực sự kéo dài được được cảm xúc của người xem theo ý mình qua từng chi tiết. Không có chi tiết thừa trong phim của Trương và mỗi chi tiết đều có ý nghĩa nhất định.

Ta nhớ đến chi tiết cái bát sứ được đạo diễn tập trung khai thác thể hiện rất sâu. Cái bát được cô gái dùng để biểu hiện tình yêu nồng cháy của mình. Đó là không chỉ là một cái bát thông thường như một đồ vật vô tri mà chứa đựng tình cảm của Di. Khi trường đang được xây dựng, cô dùng cái bát để đựng thức ăn với mong muốn người thầy giáo sẽ chọn đúng nó. Những cảnh cô mang đồ ăn đến cho thầy giáo bao giờ bát cơm cũng được đặt ở ngay đầu bàn. Ánh sáng tập trung chiếu vào chiếc bát làm nó nổi bật hơn cả, không lẫn với những chiếc bát bên cạnh.

Đạo diễn không đi vào việc thể hiện người thầy có chọn đúng cái bát đó hay không mà ông  tập trung đặc tả chiếc bát, lần lượt những chiếc bát bên cạnh được lấy đi, lần nào chiếc bát của Di cũng đứng ở điểm gây chú ý nhất trong khuôn hình. Và ta nhớ trong cảnh cô gái dùng chiếc bát để đem đồ ăn cho thầy khi anh trở về thành phố, đạo diễn đã rất chú ý quay cận cảnh cô gái cẩn thận gói chiếc bát. Sự cẩn trọng trong cách quay này đã cho thấy cách sự dụng chi tiết của đạo diễn rất sâu sắc, không hề có bất cứ một sự cẩu thả nào dù là nhỏ nhất.

Rồi khi chiếc bát ấy vỡ và sau này được gắn lại, cô gái mở tủ, chiếc bát ấy chiếm vị trí trang trọng trong khuôn hình. Nó đã được hàn gắn lại một cách công phu, cẩn thận và càng trở nên đẹp hơn nhờ ánh sáng chiếu vào, hoa văn chi tiết của chiếc bát được máy quay ghi lại một cách cẩn trọng. Lúc này, chiếc bát được truyền cảm xúc và mang trong mình cả tình cảm của Di. Chiếc bát đã được nâng lên thành một hình tượng đẹp đầy ý nghĩa.

Với những khung hình đẹp như tranh và để khán giả có khoảng lặng cảm nhận hết được hết vẻ đẹp của phim, Đường về nhà được các tác giả sử dụng nhiều cảnh quay tĩnh, kĩ thuật mờ chồng với tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng. Thiên nhiên rực rỡ thường được thâu tóm trong toàn cảnh rộng và tĩnh làm khán giả có cảm giác đang ngắm nhìn một bức tranh nghệ thuật của chủ nghĩa ấn tượng. Cùng với đó, thủ pháp mờ chồng được sử dụng hợp lý trong những cảnh Di ngóng chờ thầy giáo, rồi đi tìm chiếc cặp tóc mà thầy giáo tặng trên con đường làng…

Những hình ảnh mờ chồng lên nhau được sử dụng để tạo cảm giác về sự trôi đi của thời gian trong phim, một cách chuyển đổi thời gian đơn giản mà hiệu quả nhất để biểu hiện sự kiên trì, bền bỉ của cô gái khiến người xem xúc động, cảm phục trước tình yêu son sắt, thủy chung của cô.

Đường về nhà được quay tại thảo nguyên Bá Thượng thuộc huyện Phong Ninh (huyện tự trị dân tộc Mãn), địa khu Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Yếu tố bản địa được làm đầy bằng các chi tiết đậm bản sắc văn hóa truyền thống như tục khiêng người chết về nhà qua con đường làng trước khi chôn, quan niệm vợ chồng an táng cạnh nhau khi qua đời, thói quen một nhà có việc, cả làng xúm vào mỗi người một chân một tay, hình ảnh lớp học đổ nát và bữa cơm sum họp... Sinh từng nói cha mẹ anh là cặp vợ chồng đầu tiên ở vùng sơn thôn này yêu nhau và cưới hỏi tự nguyện, thoát khỏi tập tục "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" ngự trị bao đời. Điều đặc biệt hơn thế là sự chủ động trong mối tình này luôn đến từ phía người con gái.

Bộ phim có tựa đề tiếng Anh là "The Road Home". Tên nguyên gốc của phim là “Cha mẹ tôi”. Phim đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và các đề cử quốc tế, trong đó có những hạng mục danh giá như: giải Gấu bạc tại liên hoan phim Berlin năm 2000; tại giải thưởng điện ảnh Kim Kê (Trung Quốc) năm 2000, bộ phim đã dành các giải thưởng “Phim xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc”, “Quay phim xuất sắc”, “Thiết kế mỹ thuật xuất sắc”; còn tại giải thưởng Bách Hoa năm 2000, bộ phim đã dành giải thưởng “Phim xuất sắc”, nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Chương Tử Di. Tựa đề gốc “Cha mẹ tôi” được đặt một cách mộc mạc và vừa vặn với câu chuyện phim. Đúng như tên gọi ấy, câu chuyện của Di và thầy giáo Lạc Trường Dư được tái hiện theo dòng thời gian, qua giọng kể của nhân vật Sinh. Cách kể chuyện ấy biến tác phẩm tựa như cuốn album gia đình, nơi lưu giữ câu chuyện của hai nhân vật chính, từ thuở yêu nhau đến khi nên duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái, nuôi con phương trưởng và chia lìa âm - dương.

So với tên gốc, tên tiếng Anh The Road Home - Đường về nhà càng hàm chứa nhiều ẩn ý sâu xa. Con đường là hình ảnh trải dài xuyên suốt phim, là bối cảnh chính kết nối hai nhân vật, cũng được xem như chứng nhân cho mối tình đầu trong trẻo cô thôn nữ trao gửi anh thầy giáo từ phố về làng. Ấy là nơi hai nhân vật chính chạm mặt lần đầu, đi lướt qua nhau; là nơi ghi dấu những lần nữ chính chờ đợi hay đuổi theo người thầy; cũng là chặng đường cuối cùng họ đi bên nhau trong đám tang của ông.

Trong phim, con đường còn mang hàm ý là đường về nhà. Giống như lời thoại của nhân vật người mẹ ở đầu và cuối phim, bà muốn thực hiện nghi thức khiêng thi thể của chồng về nhà, với mong muốn ông không quên con đường trở về nhà. Còn bản thân bộ phim thì giống như hành trình để Sinh đi tìm câu chuyện tình xưa cũ của bố mẹ. Như vậy, con đường trong phim còn mang ý nghĩa như sợi dây kết nối tình thân trong gia đình.

Ở bề nổi, Đường về nhà được kể theo giọng thoại của nhân vật Sinh. Song về mặt cảm xúc, bộ phim được dẫn dắt theo ánh mắt và cảm xúc của Di.

Trương Nghệ Mưu, hẳn khi bắt tay làm bộ phim này, cũng phải trải qua một quá trình chuyển hóa về tư duy nghệ thuật, sau 12 năm ông nổi danh khắp thế giới nhờ những bộ phim khai thác những ẩn ức hay những vết thương của xã hội Trung Hoa hiện đại. Đó là những bộ phim Cao lương đỏ (1987), Cúc Đậu (1990), Đèn lồng đỏ treo cao (1991), Thu Cúc đi kiện (1992), Phải sống (1994).

Đó là những bộ phim phơi bày những chấn thương tinh thần hay những ẩn ức bị kìm nén của những thân phận cá nhân khiến phương Tây sững sờ trước một Trung Quốc khác biệt, không còn mặc đồng phục và không còn rêu rao tuyên truyền một màu. Sau loạt phim thành công vang dội này và sau khi kết thúc giai đoạn hoàng kim với Củng Lợi, Trương Nghệ Mưu rơi vào một khoảng lặng bế tắc trong 3 năm.

Và khi trở lại vào năm 1999, ta thấy ông dường như trải qua một cuộc thay đổi về tư duy nghệ thuật từ bên trong. Đó là năm Trương Nghệ Mưu tung ra lần lượt 2 bộ phim: Đường về nhà (The Road Home) và Không thiếu một ai (No One Less). Cả hai đều lần lượt thắng 2 giải quan trọng là Gấu bạc tại LHP Berlin và Sư tử vàng tại LHP Venice trong cùng một năm.

Sự thay đổi về ngôn ngữ kể chuyện của Trương trong 2 bộ phim này có thể nhìn thấy rõ: ông trở về với những giá trị nguyên bản và thuần khiết nhất về người nông dân Trung Quốc và đề cao vẻ đẹp nội tâm của họ. Bối cảnh của hai bộ phim này đều diễn ra ở một vùng núi thôn quê heo hút và biệt lập với thế giới hiện đại bên ngoài.

Đẹp đẽ về thị giác và xúc cảm, Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu đưa khán giả bước vào mối tình tinh khôi, đơn giản nhưng mang nhiều chiều ngụ ý trong lối biểu đạt. Đó là một mối tình hết sức giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc và để lại trong lòng người xem những vẻ đẹp, những dư âm hết sức ngọt ngào.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment