Giết con chim nhại (To Kill a
Mockingbird) là một tác phẩm văn học nổi
tiếng được yêu thích trên toàn thế giới, hàng triệu độc giả say mê vì cách miêu
tả hấp dẫn sự ngây thơ của những đứa trẻ, lên án gay gắt những định kiến cũng
như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và khẳng định lòng tốt của con người có thể
chống lại cái ác.
Tác phẩm Giết con chim nhại |
Hoàn cảnh ra đời của Giết con chim nhại
Nelle Harper Lee sinh ngày 28 tháng 4 năm
1926 tại Monroeville, Alabama, một thị trấn nhỏ yên bình có nhiều điểm tương
đồng với Maycomb của Giết con chim nhại. Giống như Atticus Finch, cha của
Scout, cha của Lee là một luật sư. Trong số những người bạn thời thơ ấu của Lee
có Truman Capote, người sau này trở thành tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận,
người mà cô lấy cảm hứng cho nhân vật Dill. Bất chấp những chi tiết này, Lee
vẫn khẳng định Giết con chim nhại không miêu tả
ngôi nhà thời thơ ấu của bà mà là một thị trấn miền nam không cụ thể. "Con người là con người ở bất cứ nơi
nào bạn đặt họ vào", bà tuyên bố như vậy trong một cuộc phỏng vấn năm
1961.
Tuy nhiên, bối cảnh và nhân vật của cuốn
sách không phải là khía cạnh duy nhất của câu chuyện được định hình bởi các sự
kiện xảy ra trong thời thơ ấu của Lee. Năm 1931, khi Lee năm tuổi, chín thanh
niên da đen bị buộc tội cưỡng hiếp hai phụ nữ da trắng gần Scottsboro, Alabama.
Sau một loạt các phiên tòa công khai, năm trong số chín người đã bị kết án.
Nhiều luật sư nổi tiếng và người dân Mỹ coi các bản án là vô căn cứ và được kết
luận bởi định kiến chủng tộc. Người ta cũng nghi ngờ những người phụ nữ trong
vụ án đã nói dối, và trong quá trình kháng cáo sau đó, lời nói của hai người
phụ nữ này ngày càng trở nên đáng ngờ. Có thể chắc chắn rằng, vụ án Scottsboro, tên gọi của phiên tòa xét xử chín người đàn
ông, đã đóng vai trò là hạt giống cho phiên tòa nằm ở trung tâm của Giết con
chim nhại.
Sau khi chuyển đến New York để theo đuổi
sự nghiệp viết văn, Lee bắt đầu viết Giết con chim nhại vào
giữa những năm 1950. Bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết vào năm 1957 và xuất bản
nó. Lee sửa đổi lần cuối cuốn tiểu thuyết của mình vào năm 1960, ngay trước
đỉnh cao của phong trào dân quyền Mỹ.
Cuốn sách đã nhận được những phản ứng
trái chiều. Tuy nhiên, trong bầu không khí căng thẳng của vấn đề chủng tộc
những năm 1960, cuốn sách đã đạt thành công vang dội, giành giải Pulitzer năm
1961 và bán được hơn mười lăm triệu bản. Hai năm sau khi xuất bản cuốn sách,
một bộ phim chuyển thể đã đoạt giải Oscar, với sự tham gia của Gregory Peck
trong vai Atticus Finch. Trong khi đó, bản thân tác giả đã rút lui khỏi truyền
thông, tránh các cuộc phỏng vấn, từ chối viết kịch bản chuyển thể phim và
chỉ xuất bản một vài tác phẩm ngắn sau năm 1961.
Vào năm 2015, sau nhiều lần công khai
tuyên bố ngừng viết, Lee xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, Go Set a Watchman. Cuốn
tiểu thuyết này lấy bối cảnh hai mươi năm sau các sự kiện của Giết con chim nhại. Scout đã trưởng thành, trở về
Maycomb thăm cha mình, Atticus đã trở thành một người theo chủ nghĩa phân biệt
chủng tộc. Cô buộc phải vật lộn với các vấn đề cá nhân và chính trị khi cố
gắng hiểu thái độ của cha mình đối với xã hội, cảm xúc của chính mình về nơi sinh ra, và trải qua một tuổi thơ với những trải nghiệm không thể nào quên. Cuốn tiểu thuyết đã gây ra một cuộc tranh cãi về
việc liệu Lee có thực sự đồng ý xuất bản hay không, cũng như liệu nó
có nên được xuất bản hay không. Một năm sau, năm 2016, Lee qua đời ở tuổi 89.
Bối cảnh của tiểu thuyết
Giết con chim nhại diễn ra tại một thị trấn hư cấu tên là Maycomb,
ở Alabama trong giai đoạn 1933- 1935. Thời kỳ này thuộc hai giai đoạn quan trọng
của lịch sử Mỹ là Đại suy thoái và Jim Crow. Đại suy thoái được
phản ánh trong cảnh nghèo đói ảnh hưởng đến tất cả cư dân của Maycomb. Ngay cả
gia đình Finch, được coi là khá giả hơn nhiều công dân khác trong khu vực, cũng
bị tiêu tán gia sản và sống trong khả năng của họ. Những năm được mô tả trong
cuốn tiểu thuyết cũng nằm trong khoảng thời gian dài mà các nhà sử học hiện đại gọi là thời kỳ Jim Crow. Thuật ngữ này mô tả
thời gian từ cuối thế kỷ 19 cho đến giữa những năm 1960, khi chế độ nô lệ không
còn, nhưng chế độ phân biệt chủng tộc vẫn còn rất phổ biến, nặng nề, luật pháp
hạn chế các quyền lợi xã hội, chính trị và kinh tế dành cho công dân da đen. Khi
Harper Lee viết cuốn tiểu thuyết vào cuối những năm 1950, Đại suy thoái đã kết
thúc, nhưng luật Jim Crow vẫn hiện diện đáng kể ở nhiều vùng của miền Nam nước
Mỹ.
Thị trấn Maycomb có vẻ như không nhằm mục
đích đại diện cho một địa điểm chính xác nào trong thế giới thực, mà là một loại
thị trấn nhỏ phổ biến ở miền Nam nước Mỹ trong những năm 1930. Scout mô tả thị
trấn cũ kỹ, bình dị và ngột ngạt. Ngoài việc đúng theo nghĩa đen, những mô tả
này cũng đúng cho các khía cạnh xã hội của thị trấn. Thị trấn bị gánh nặng bởi
những định kiến xã hội nói chung và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nói riêng.
Maycomb cũng bị chia cắt theo ranh giới giai cấp một cách rõ rệt. Trong khi những
gia đình khá giả hơn như gia đình Finch sống trong những ngôi nhà lớn gần trung
tâm thị trấn, gia đình Ewell sống trong một cabin tồi tàn gần bãi rác, họ không
có những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống, họ khuất tầm nhìn của phần còn lại của
thị trấn ngoại trừ vào dịp Giáng sinh, khi người dân lái xe chở cây và rác đến đổ ở đây. Scout nói rằng: “Mọi thị trấn như Maycomb đều có những gia đình như nhà Ewell”, ngụ ý rằng bất
bình đẳng là tình trạng phổ biến ở những nơi này. Và cuối cùng, tồi tàn hơn cả là
những cabin nơi các gia đình da đen sinh sống.
Giết con chim nhại kể câu chuyện về quá trình người kể chuyện trẻ tuổi, nhân vật chính, đi từ sự ngây thơ đến
trưởng thành, khi cha cô đối mặt với hệ thống tư pháp phân biệt chủng tộc của
miền nam nông thôn nước Mỹ thời kỳ Đại suy thoái. Khi chứng kiến phiên tòa
xét xử Tom Robinson, một người đàn ông da đen bị buộc tội hiếp dâm vô căn cứ,
Scout, người kể chuyện, đã hiểu sâu hơn về thị trấn, gia đình và
chính bản thân cô. Một số sự kiện trong tiểu thuyết buộc Scout phải đối mặt với
niềm tin của mình, đáng kể nhất là khi Tom bị kết án mặc dù anh ta vô tội.
Scout phải đối mặt với định kiến của chính mình thông qua những cuộc gặp gỡ với
Boo Radley, một người bí ẩn mà ban đầu Scout coi là một sinh vật đáng sợ. Giải
pháp của tiểu thuyết đến khi Boo cứu Scout và Jem, cô bé nhận ra Boo là một
con người hoàn toàn cao quý. Đồng thời, Scout trải qua sự ngỡ ngàng khi hiểu
hơn về bản chất con người. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ăn sâu vào thị trấn của
cô, bản án và vụ giết người bất công đối với Tom Robinson, sự độc ác của Bob
Ewell đều buộc Scout phải thừa nhận bất bình đẳng xã hội và những khía cạnh đen
tối của con người. Trong suốt cuốn sách, cha cô, Atticus, đại diện cho đạo
đức và công lý, nhưng khi Scout trở nên nhạy cảm hơn với những người xung
quanh, cô thấy được tác động của cuộc đấu tranh của ông để duy trì lòng tốt
trong một thế giới đầy khiếm khuyết.
Phần kết của cuốn tiểu
thuyết cho thấy nhân loại sẽ ổn miễn là chúng ta nhìn nhận nhau như những
cá nhân và đồng cảm với quan điểm của họ. Trong khi phần kết ngụ ý rằng Scout
đã trưởng thành hơn rất nhiều, Lee để vấn đề lớn hơn vẫn chưa được giải quyết, đó là nạn phân biệt chủng tộc
và bất bình đẳng.
Những thông điệp Giết con chim nhại truyền tải
Sự song hành của cái thiện và cái ác
Thông
điệp quan trọng nhất Giết con chim nhại truyền tải là sự khám phá về bản
chất đạo đức của con người, tức là, về bản chất con người là tốt hay xấu. Cuốn
tiểu thuyết tiếp cận câu hỏi này bằng cách kịch tính hóa quá trình trưởng thành
của Scout và Jem. Từ góc nhìn đơn giản của trẻ thơ, khi chưa bao giờ nhìn thấy
cái ác, họ cho rằng mọi người là tốt; đến góc nhìn khi đã trưởng thành hơn,
trong đó họ đối mặt với cái ác và trải nghiệm này là một phần trong con đường
đến sự trưởng thành của họ. Sự miêu tả quá trình trưởng thành này của Scout và
Jem cho chúng ta thấy mối đe dọa mà lòng căm thù, định kiến và sự thiếu hiểu
biết gây ra cho những người vô tội, những người như Tom Robinson và Boo Radley
yếu thế trước cái ác mà họ gặp phải, và kết quả là họ bị hủy hoại. Ngay cả Jem,
ở một mức độ nào đó cũng là nạn nhân, khi cậu nhận ra cái ác của chủ nghĩa phân
biệt chủng tộc trong và sau phiên tòa. Trong khi Scout có thể vẫn còn niềm tin
vào bản chất con người bất chấp bản án của Tom, thì niềm tin của Jem vào công
lý và con người bị tổn thương nghiêm trọng, cậu đã hoàn toàn sụp đổ.
Tiếng nói đạo đức của Giết con chim nhại được
đại diện bởi Atticus Finch, người duy nhất trong cuốn tiểu thuyết trải nghiệm
và hiểu được cái ác mà không mất đi niềm tin vào khả năng hướng thiện của con
người. Atticus hiểu rằng, thay vì trả lời câu hỏi con người là tốt hay xấu, hầu
hết mọi người đều có cả phẩm chất tốt và xấu. Điều quan trọng là trân trọng những
phẩm chất tốt và hiểu được những phẩm chất xấu bằng cách đối xử với người khác
bằng sự cảm thông, và cố gắng nhìn cuộc sống từ góc nhìn của họ. Ông cố gắng dạy
bài học tối thượng này cho Jem và Scout, để chỉ cho chúng thấy rằng có thể sống
có lương tâm mà không mất hy vọng hay trở nên hoài nghi. Theo cách này, Atticus
có thể ngưỡng mộ lòng dũng cảm của bà Dubose ngay cả khi bà là một người phân
biệt chủng tộc. Sự trưởng thành của Scout với tư cách là một nhân vật trong tiểu
thuyết được xác định bởi sự tiến bộ của cô trong việc hiểu những bài học của
Atticus. Trong những chương cuối, Scout cuối cùng cũng nhận thấy Boo Radley là
một con người. Sự trưởng thành của cô trong việc nhận thức thế giới từ những
bài học của Atticus và thực tế cuộc sống đảm bảo rằng cô sẽ không trở nên bi
quan, mất niềm tin khi sự ngây thơ của mình đã không còn.
Tầm quan trọng của giáo dục
Bởi vì người đọc khám
phá những câu hỏi đạo đức lớn của tiểu thuyết diễn ra dưới góc nhìn của trẻ em,
nên cần thiết phải có giáo dục trẻ em trong quá trình phát triển tất cả các chủ
đề của tiểu thuyết. Theo một nghĩa nào đó, cốt truyện của cuốn sách thể hiện
quá trình giáo dục và cách trẻ em được giáo dục như thế nào, cách chúng được
dạy để chuyển từ sự ngây thơ, trong sáng đến trưởng thành lặp lại trong suốt
tiểu thuyết. Vào cuối cuốn sách, thậm chí Scout còn nói rằng cô đã học được hầu
như mọi thứ trừ đại số. Chủ đề này được thể hiện mạnh mẽ nhất thông qua mối
quan hệ giữa Atticus và các con của ông, khi ông dành hết tâm huyết để dạy dỗ Jem
và Scout theo quan điểm đạo đức của mình. Trong Giết con chim nhại, trường học
lại đối lập trực tiếp với cách giáo dục hiệu quả của Atticus, Scout thường xuyên
phải đối mặt với những giáo viên đạo đức giả hoặc không biết cảm thông. Về mặt
giáo dục, những bài học quan trọng nhất cuốn sách muốn truyền tải là những bài
học về sự đồng cảm và thấu hiểu, và cách tiếp cận đồng cảm, thấu hiểu là cách
tốt nhất để dạy những bài học này. Theo cách này, khả năng đặt mình vào vị trí
của con cái khiến Atticus trở thành một giáo viên tuyệt vời, trong khi sự cứng
nhắc của cô Caroline đối với những nguyên tắc giáo dục khiến cô trở nên kém
hiệu quả và thậm chí, đôi khi là nguy hiểm.
Sự tồn tại của bất đình đẳng xã hội
Sự khác biệt về địa vị
xã hội phần lớn được mô tả thông qua hệ thống phân cấp xã hội phức tạp của
Maycomb. Gia đình Finch khá giả đứng gần đỉnh cao của hệ thống phân cấp xã hội
Maycomb, hầu hết người dân thị trấn ở bên dưới họ. Những người nông dân như nhà
Cunningham nằm dưới người dân thị trấn, và nhà Ewell nằm dưới nhà Cunningham.
Nhưng cộng đồng người da đen ở Maycomb, mặc dù có rất nhiều phẩm chất tốt, vẫn
ở dưới cả nhà Ewell. Sự phân chia tầng lớp xã hội này tạo nên một thế giới
người lớn vừa phi lý vừa có tính hủy diệt. Ví dụ, Scout không thể hiểu tại sao
dì Alexandra không muốn cô giao du với Walter Cunningham. Harper Lee sử dụng sự
bối rối của trẻ em về sự phân tầng xã hội Maycomb để chỉ trích vai trò của địa
vị giai cấp và cuối cùng là định kiến trong mối quan hệ giữa con người với nhau.
Những định kiến
Thông điệp về định
kiến nói chung và phân biệt chủng tộc nói riêng là trọng tâm của Giết con chim nhại. Ở một góc độ nào đó, Giết con
chim nhại đại diện cho quan điểm đạo đức giản đơn về định kiến
chủng tộc. Người da trắng phân biệt chủng tộc là xấu, và người da trắng không
phân biệt chủng tộc là tốt. Atticus mạo hiểm danh tiếng, vị trí của mình trong
cộng đồng và cả sự an toàn của con cái mình vì ông không phân biệt chủng tộc, do
đó là tốt. Bob Ewell vu cáo một người đàn ông da đen về tội hiếp dâm, khạc nhổ
vào Atticus trước công chúng và cố gắng giết một đứa trẻ vì ông phân biệt chủng
tộc, do đó là xấu. Giết con chim nhại cố gắng xem xét
một phần sự phức tạp của cuộc sống trong một xã hội phân biệt chủng tộc. Cả
Scout và Jem đều phải đối mặt với mọi thứ, từ sự khó chịu đến thù địch giết
người, khi sự phản kháng của gia đình họ đối với định kiến chủng tộc đã định vị
họ chống lại cộng đồng nói chung.
Việc xử lý định kiến trong Giết con chim nhại không chỉ đơn giản về mặt đạo đức, mà còn về mặt quan điểm. Khi đọc tiểu
thuyết, người đọc sẽ nghĩ rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là vấn đề tồn tại
giữa những người da trắng có học thức, ổn định về tài chính, có đạo đức và những
người da trắng vô học, nghèo đói, độc ác. Các nhân vật da đen trong tiểu thuyết
hiếm khi được lên tiếng về chủ đề phân biệt chủng tộc. Khi họ lên tiếng, phần lớn
là để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người da trắng tốt bụng trong thị trấn
chứ không phải để thể hiện sự tức giận, thất vọng, phản kháng hay thù địch với
nền văn hóa phân biệt chủng tộc. Khi tác giả trình bày các nhân vật da đen cố gắng
chống lại sự phân biệt chủng tộc, bà cho thấy họ làm như vậy bằng cách tránh né
hoặc rút lui, như khi Tom Robinson cố gắng trốn thoát khỏi nhà tù hoặc khi
Helen Robinson đi qua khu rừng để tránh đi qua nhà Ewell. Các nhân vật da đen
trong tiểu thuyết không bao giờ phản ứng mạnh mẽ với chủ nghĩa phân biệt chủng
tộc và hầu như phản ứng lại một cách thụ động. Khi một nhân vật da đen chỉ
trích người da trắng, như khi Lula thách thức Calpurnia vì đã đưa Jem và Scout
đến nhà thờ của người da đen, bà bị phần còn lại của cộng đồng da đen xa lánh,
cho thấy những lời phàn nàn của bà đối với người da trắng ít có giá trị.
Luật pháp không công bằng
Mặc dù phiên tòa xét xử Tom Robinson chỉ chiếm
khoảng một phần mười cuốn sách, phiên tòa trở thành nội dung trung tâm mà phần
còn lại của cuốn tiểu thuyết xoay quanh. Phiên tòa này có vẻ được dự định là một
bản cáo trạng của hệ thống pháp luật, ít nhất là theo cách nó tồn tại trong thị
trấn Maycomb. Về mặt thủ tục, thẩm phán tiến hành phiên tòa đúng cách. Các luật
sư chọn bồi thẩm đoàn thông qua các biện pháp thông thường, cả bên bào chữa và
bên công tố đều đưa ra các lập luận của họ. Nhưng bồi thẩm đoàn toàn người da
trắng không diễn giải bằng chứng theo luật pháp mà áp dụng định kiến của
riêng họ để xác định kết quả của vụ án. Phán quyết Tom Robinson có tội minh chứng
cho những hạn chế của luật pháp. Mặc dù
Atticus hiểu rằng hệ thống pháp luật có khiếm khuyết, nhưng ông tin tưởng mạnh
mẽ vào quy trình pháp lý. Đồng thời, Atticus tin rằng luật pháp nên được áp dụng
khác nhau đối với những người khác nhau. Ông giải thích với Scout rằng, vì cô có
cuộc sống tốt đẹp và đầy đủ cơ hội nên cô phải tuân thủ luật pháp một cách đầy
đủ. Ông cũng gợi ý rằng, nhiều người khác có cuộc sống khó khăn, họ không được
tiếp cận với các cơ hội, và đôi khi, cũng là công bằng khi để những người này
vi phạm luật pháp theo những cách nhỏ, để họ không bị tổn hại quá mức bởi việc
áp dụng và thực thi luật pháp.
Những lời nói dối
Giết con chim nhại có hai lời nói dối quan trọng. Mayella Ewell nói rằng Tom Robinson đã cưỡng
hiếp cô, và Heck Tate nói rằng Bob Ewell đã vô tình đâm chính mình. Lời nói dối
đầu tiên hủy hoại cuộc đời một người đàn ông vô tội, người có vị trí xã hội thấp
kém ở Maycomb vì chủng tộc của mình. Lời nói dối thứ hai cứu vớt cuộc đời một
người đàn ông vô tội, người có một vị trí xã thấp ở Maycomb vì sự ẩn dật của mình.
Khi kết hợp lại, hai lời nói dối phản ánh cách thức lừa dối có thể được sử dụng
để gây hại hoặc để bảo vệ. Hai lời nói dối cũng tiết lộ cách những thành viên dễ
bị tổn thương nhất của xã hội có thể bị ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi những câu
chuyện mà người khác nói về họ. Địa vị xã hội cũng quyết định ai được phép nói
dối. Trong phiên tòa, công tố viên Horace Gilmer đối mặt với Tom Robinson, hỏi
Tom rằng liệu anh ta có đang buộc tội Mayella Ewell nói dối không. Mặc dù Tom
biết rõ rằng Mayella đang nói dối, anh ta không thể nói như vậy vì ở Maycomb, lời
nói dối của một người phụ nữ da trắng có sức nặng hơn sự thật do một người đàn
ông da đen nói ra. Ngược lại, Atticus, là người da trắng, đàn ông và có địa vị
xã hội cao hơn Mayella, có thể buộc tội cô nói dối khi ông chỉ ra rằng thực ra
cha của Mayella, chứ không phải Tom, là người đánh cô.
Biện pháp nghệ thuật của Giết con chim nhại
Chi tiết Gothic
Harper Lee thêm kịch
tính vào bầu không khí câu chuyện của mình bằng cách đưa một số chi tiết Gothic
vào bối cảnh và cốt truyện. Trong văn học, Gothic dùng để chỉ một phong cách
tiểu thuyết, được phổ biến đầu tiên ở Anh thế kỷ XVIII, ví dụ như tác phẩm Đồi gió hú, tiểu thuyết Gothic có các sự kiện siêu nhiên, bối cảnh u ám và ma quái,
rùng rợn... Những yếu tố Gothic trong Giết con chim nhại như
trận tuyết rơi bất thường, vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà của cô Maudie, những
điều thêu dệt của trẻ em về Boo Radley, con chó điên mà Atticus bắn, và đêm
Halloween mà Bob Ewell đã tấn công trả thù. Những yếu tố này, không phù hợp với
Maycomb vốn yên tĩnh và giản đơn, nhưng nó tạo nên một sự căng thẳng cho tiểu
thuyết.
Cuộc sống ở thị trấn Maycomb
Trái ngược với những
chi tiết Gothic là mô tả về cuộc sống tại thị trấn Maycomb, một thị trấn bình
dị, yên tĩnh, chậm rãi với các giá trị, đặc trưng đã lỗi thời của một thị trấn nhỏ, thể
hiện rõ trong suốt cuốn tiểu thuyết. Tác giả thường cố tình đặt các giá trị đặc trưng của một thị
trấn nhỏ và yếu tố Gothic cạnh nhau để xem xét kỹ hơn cái thiện và cái ác. Ví dụ,
nỗi kinh hoàng của vụ hỏa hoạn được giảm bớt bởi cảnh người dân Maycomb cùng
nhau đoàn kết cứu tài sản của cô Maudie. Hay như, Bob Ewell ăn mặc như một
chiếc giăm bông khổng lồ, tấn công Scout nhỏ bé, không có khả năng tự vệ.
Khả năng đọc và viết
Khả năng đọc và viết
là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong suốt cuốn tiểu thuyết và gợi ra
những câu hỏi về giáo dục, sự phân chia giai cấp và quan điểm. Trong khi khả
năng đọc viết có ý nghĩa khác nhau đối với các nhân vật khác nhau, thì nó dường
như gắn liền với thẩm quyền và thứ bậc xã hội. Trong Chương 2, cô Caroline yêu
cầu Scout không được đọc sách với Atticus nữa như một cách để kiểm soát việc
học của học sinh. Trong khi ví dụ này có vẻ ít quan trọng đối với cuốn tiểu
thuyết, thì những trường hợp khác, chẳng hạn như lịch sử các nhà thờ của người
da đen không có sách thánh ca hoặc việc trẻ em nhà Ewell không đi học, lại có
những ẩn dụ, hàm ý quan trọng hơn. Cuối cùng, khả năng đọc và viết đại diện cho
cánh cổng để thăng tiến trong thứ bậc xã hội của Maycomb. Atticus, người có thói
quen chính là đọc sách, nắm giữ quyền lực đáng kể trong cộng đồng của mình
thông qua vai trò là một luật sư. Trong khi gia đình Ewell, sẽ mãi mãi bị mắc
kẹt ở gần cuối hệ thống phân cấp. Theo truyền thống, những người nô lệ cũng bị
ngăn cản học đọc và viết vì sợ rằng giáo dục sẽ trao cho họ sức mạnh để vươn
lên hoàn cảnh của mình. Mặc dù chắc chắn có những ngoại lệ đối với mối quan hệ
giữa khả năng đọc viết và giai cấp, nhưng chủ đề đọc và viết trong suốt cuốn
tiểu thuyết làm sáng tỏ nhiều động lực quyền lực đang diễn ra ở Maycomb.
Con chim nhại
Tiêu đề của Giết con chim nhại có rất ít mối liên hệ theo nghĩa
đen với cốt truyện, nhưng nó mang rất nhiều ý nghĩa tượng trưng trong cuốn
sách. Trong câu chuyện về những người vô tội bị cái ác hủy diệt này, "con chim nhại" đã trở thành
biểu tượng cho ý tưởng về sự ngây thơ bị hủy hoại trước cái ác. Do đó, giết một
con chim nhại chính là hủy hoại sự ngây thơ. Trong suốt cuốn sách, một số nhân
vật (Jem, Tom Robinson, Dill, Boo Radley, Mr. Raymond) có thể được xác định là
những con chim nhại, những người vô tội đã bị thương hoặc bị hủy hoại do tiếp
xúc với cái ác. Mối liên hệ giữa tiêu đề và chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết
được thể hiện rõ ràng nhiều lần trong cuốn sách, sau khi Tom Robinson bị bắn,
ông Underwood đã so sánh cái chết của anh ta với "cuộc tàn sát vô nghĩa những chú chim biết hót", và ở
cuối cuốn sách, Scout nghĩ rằng làm tổn thương Boo Radley cũng giống như "bắn một con chim nhại". Quan
trọng nhất, cô Maudie giải thích với Scout rằng: "Những
con chim nhại không làm gì ngoài việc... hót hết mình vì chúng ta. Đó là lý do
tại sao giết một con chim nhại là một tội lỗi". Họ của Jem và Scout là
Finch (tên của một loài chim nhỏ khác), ẩn dụ rằng họ cũng dễ bị tổn thương
trong thế giới phân biệt chủng tộc ở Maycomb, nơi thường đối xử khắc nghiệt với
sự ngây thơ mong manh của con trẻ.
Boo Radley
Vào đầu cuốn sách, Boo
Radley đơn thuần chỉ là đối tượng để tò mò, để thêu dệt những câu chuyện của
trẻ con thị trấn Maycomb. Khi phát triển nội dung của cuốn sách, thái độ của
bọn trẻ về Boo thay đổi là một yếu tố quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của
chúng. Khi Boo để lại quà cho Jem, Scout và vá quần cho Jem, Boo dần dần trở
nên ngày càng thực tế và hấp dẫn đối với chúng. Vào cuối cuốn tiểu thuyết, Boo Radley
hiện thân là một con người hoàn toàn khác so với hình dung ban đầu của Scout, điều
đó nói rằng cô bé đã trở thành một cá nhân biết cảm thông và thấu hiểu. Boo,
một đứa trẻ thông minh bị hủy hoại bởi một người cha độc ác, là một trong những
con chim nhại quan trọng nhất của cuốn sách; Boo cũng là một biểu tượng quan
trọng của lòng tốt tồn tại trong con người. Bất chấp nỗi đau mà Boo phải chịu
đựng, sự trong sáng trong trái tim nhân vật này chi phối mối quan hệ của anh
với bọn trẻ. Khi cứu Jem và Scout khỏi Bob Ewell, Boo chứng tỏ mình là biểu
tượng tối thượng của lòng tốt.
Hiên nhà
Trong suốt cuốn tiểu
thuyết, hiên nhà xuất hiện liên tục như một biểu tượng của không gian đệm, hay
không gian chuyển tiếp giữa phạm vi riêng tư và công cộng. Hầu như ngôi nhà
của mọi nhân vật quan trọng đều có hiên nhà, và nhiều người trong số họ, chẳng
hạn như cô Maudie, bà Dubose và ông Avery, đều dành nhiều thời gian ngồi ngoài
hiên nhà của họ. Do đó, hiên nhà trở thành không gian mà sự căng thẳng giữa
niềm tin cá nhân và diễn ngôn công khai trở nên đặc biệt rõ ràng. Bà Dubose
công khai chỉ trích Atticus từ hiên nhà mình. Hai người đàn ông, Tate và Deas,
đặt câu hỏi về quyết định thụ lý vụ án của Atticus trong khi đứng trên hiên nhà
của mình, và cô Stephanie thông báo về việc những đứa trẻ có mặt tại phiên tòa
trên hiên nhà của cô Maudie. Tất cả những kịch bản này thể hiện sự pha trộn
giữa ý kiến cá nhân và sự kiện thực tế. Có lẽ cảnh hiên nhà quan trọng nhất
xảy ra ở chương cuối của tiểu thuyết khi Scout đưa Boo Radley về nhà. Cô giải
thích với người đọc rằng "chỉ cần đứng trên hiên nhà Radley là đủ" để
biết anh ta thực sự là ai, một người đàn ông, mặc dù vô hình, không bao giờ
quên trông chừng Jem và Scout. Trong trường hợp này, không gian hiên nhà giúp
Scout giải mã mối quan hệ giữa hành động công khai của Boo và cuộc sống riêng
tư của anh ta.
Nhân vật chính
Scout là nhân vật
chính rõ ràng nhất của Giết con chim nhại.
Từ một đứa trẻ đánh giá mọi người dựa trên địa vị, bề ngoài của họ. Scout
trưởng thành hơn và có thể nhìn sâu vào bên trong mỗi người. Vào cuối cuốn tiểu
thuyết, Scout đã học cách nhìn xa hơn những quan niệm cố hữu của mình về Boo
Radley và suy nghĩ về thế giới theo góc nhìn của anh ấy. Theo một số cách,
chính lúc quyển sách kết thúc là lúc Scout lần đầu bước vào thế giới của riêng
mình với tư cách là nhân vật chính. Mặc dù sự giản dị và lòng tốt của Scout
khiến cô trở thành một nhân vật chính thú vị, nhưng nhận thức của cô về các vấn
đề chủng tộc vẫn còn đơn giản và trẻ con, mặc dù phù hợp với nhân vật nhưng có
thể không làm người đọc thỏa mãn hoàn toàn.
Một nhân vật chính khác là Atticus. Trong suốt cuốn sách, mục tiêu quan trọng của
Atticus là nuôi dạy con cái đánh giá mọi người mà không có định kiến, trong một môi trường bị bủa vây bởi nạn phân biệt chủng tộc và không có sự
khoan dung. Để theo đuổi mục tiêu này, ông nhận một vụ án mà ông biết mình sẽ
thua, với hy vọng sẽ làm gương tốt cho con cái mình. Cản trở Atticus trong mục
tiêu này là Bob Ewell và những thành viên phân biệt chủng tộc khác trong cộng đồng,
cũng như chính hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết. Với tư cách là một nhân vật,
Atticus không thay đổi nhiều trong suốt cuốn tiểu thuyết, ông là một người cha
lý tưởng, kiên quyết và khôn ngoan vào đầu cuốn tiểu thuyết, và kết thúc với những
đặc điểm tương tự còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhận thức của Scout và Jem về
Atticus thay đổi trong suốt cuốn tiểu thuyết, khi họ nhìn thấy những khía cạnh khác
của người cha mà họ không biết, chẳng hạn như ông là một tay súng xuất sắc, hoặc
ông biết cảm thông với người hàng xóm độc ác và phân biệt chủng tộc của họ, bà
Dubose.
Nhân vật phản diện
Những kỳ vọng mang tính định kiến của xã hội
thị trấn Maycomb là kẻ thù của Giết con chim nhại. Phần lớn người dân Maycomb trở nên thù địch
với Atticus và các con của ông vì Atticus đã chọn cách cư xử ngoài mong đợi của
họ, hầu hết họ mong đợi duy trì nguyên trạng phân biệt chủng tộc. Ngay cả bản
án kết luận có tội và cái chết của Tom Robinson cũng là kết quả của hành động
ngoài mong đợi của xã hội Maycomb. Xã hội Maycomb mong đợi Mayella Ewell không
quan hệ tình dục với một người đàn ông da đen. Mayella thà buộc tội một người
đàn ông vô tội về tội hiếp dâm còn hơn thừa nhận cô đã có hành vi tình dục với
một người không cùng chủng tộc. Xung đột của Scout gặp phải là kỳ vọng của cha
cô về cách cô nên cư xử như một người con gái, kỳ vọng của giáo viên về cách cô
nên cư xử như một học sinh, kỳ vọng của dì cô về cách cô nên cư xử như một cô
gái, kỳ vọng của Jem và Dill về cách cô nên cư xử như một người bạn.
Mặc dù Maycomb là đối
thủ của Scout theo nhiều cách, thị trấn này không hoàn toàn đóng vai trò phản
diện. Chắc chắn, có những khía cạnh phản diện đối với thị trấn này, nhưng
Maycomb cũng là công cụ mà Scout có thể tìm hiểu về thực tế của thế giới. Trong
các mối quan hệ của mình với Boo Radley, bà Dubose, Calpurnia, Walter
Cunningham, và những người khác, Scout học cách đồng cảm với những người xung
quanh, ngay cả khi hành vi và động cơ của họ có vẻ lạ lẫm với cô bé. Trong cuộc
đấu tranh chống lại kỳ vọng của những người trong cộng đồng của mình, Scout học
cách nhìn nhận quan điểm của người khác. Trong quá trình trải qua phiên tòa, qua
bản án bất công và cái chết của Tom Robinson, Scout chứng kiến tận mắt những
tác động tàn khốc của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Mặc dù thị trấn Maycomb cố
gắng ngăn cản mục tiêu nuôi dạy con cái không định kiến của Atticus, Atticus
vẫn chiến thắng và đã dạy Scout và Jem đặt câu hỏi về những kỳ vọng xã hội mà
họ tin là bất công.
Phong cách của Giết con chim nhại
Giết con chim nhại có phong cách hài hước và mang tính đàm thoại, nhưng nó cũng đánh lừa
người đọc một cách tinh vi, nó là sự kết hợp giữa cách kể chuyện đơn giản và những
ý tưởng phức tạp. Bởi vì cuốn sách được đóng khung như hồi ức của người kể chuyện,
những trang mở đầu sử dụng ngôn ngữ phức tạp, khi người kể chuyện đã trưởng
thành hơn. Sau khi người kể chuyện thiết lập bối cảnh, cô quay lại với cách kể
chuyện trẻ con, kết hợp những ẩn dụ nhẹ nhàng với những lời nói thẳng thắn.
Ngôn ngữ và lời nói đóng vai trò quan trọng trong suốt cuốn sách. Scout và Jem
sử dụng sai từ ngữ, đoán ý nghĩa của những từ mà họ không hiểu, nhận xét về
cách diễn đạt của cha họ và những câu văn của cô Maudie. Ngôn ngữ vừa tiết lộ vừa
che giấu. Sự tương phản giữa những gì họ nói và những gì họ muốn
nói được thể hiện rõ qua phong cách của câu chuyện, ẩn chứa những chủ đề người
lớn trong câu chuyện có vẻ đơn giản của trẻ em.
Trong tiểu thuyết, Scout thường có xu hướng
tóm tắt - đôi khi không chính xác - quan điểm của người lớn mà cô bé không hiểu
hết, cung cấp cái nhìn sâu sắc về các nhân vật khác. Thông thường, những điều Scout mô tả không chính xác lại vạch trần một sự thật ẩn giấu, như khi cô bé mô tả
về dì của mình.
Xuyên suốt tác phẩm,
Scout tự giới thiệu mình có phần mỉa mai, hoài nghi, quen với việc bị người lớn
hiểu lầm và giữ bí mật với họ. Ngoại lệ cho điều này là mối quan hệ với người
đọc, người mà cô ấy coi là người bạn tâm giao đáng tin cậy. Nhiều người lớn
trong tiểu thuyết được miêu tả là bối rối trước Scout và trẻ em nói chung. Tuy
nhiên, phong cách của cuốn sách lại ấm áp và mang tính tâm giao. Phong cách kể
chuyện thân mật, mang tính tự sự này tạo nên bầu không khí tin tưởng và đáng
tin cậy ở người kể chuyện. Nó cũng xây dựng Scout là một nhân vật trẻ tuổi, có
phần ngây thơ, người nhìn nhận những người lớn trong thế giới của mình theo
cách đơn giản, cường điệu.
Tiểu thuyết cũng bao
gồm rất nhiều phương ngữ miền Nam nước Mỹ như "ain't", "I
reckon" và "yonder" để chỉ cách các nhân vật đều thuộc về cùng
một cộng đồng, nhưng lại chiếm các vị trí khác nhau do giai cấp và trình độ học
vấn. Gia đình Finch có xu hướng sử dụng các từ dài (như
"provocation"), biểu thị trình độ học vấn của họ, trong khi Calpurnia
nói giống như gia đình Finch ở nhà, nhưng lại sử dụng nhiều phương ngữ hơn
ở nhà thờ của cô. Những nhân
vật ít học nhất không thể thay đổi phong cách nói theo cách này. Khi Mayella
Ewell làm chứng, Lee sử dụng các từ viết tắt và ngữ pháp không chính xác để thể
hiện rằng Mayella không có học thức. Nhìn chung, lời nói bản ngữ phù hợp với
nội dung của tiểu thuyết để giúp chúng ta hiểu được bản sắc và vị trí của từng
nhân vật trong cộng đồng. Tuy nhiên, chính điều này cũng khuyến khích chúng ta đánh giá các nhân vật dựa trên trình độ
học vấn, chủng tộc và giai cấp của họ trước khi chúng ta hiểu về con người họ.
Quan điểm
Giết con chim nhại được viết theo ngôi thứ nhất, Jean Scout Finch vừa là người kể chuyện vừa
là nhân vật chính của tiểu thuyết. Bởi vì Scout chỉ mới sáu tuổi khi tiểu thuyết
bắt đầu, và tám tuổi khi kết thúc, cô bé có một góc nhìn khác thường đóng
vai trò quan trọng trong ý nghĩa của tác phẩm. Theo một số cách, vì còn quá trẻ,
Scout là một người kể chuyện không đáng tin cậy. Sự ngây thơ của cô bé khiến cô
bé hiểu lầm và diễn giải sai nhiều thứ. Người đọc thường phải tự diễn giải để
hiểu các nhân vật thực sự đang nói về điều gì, hoặc đánh giá mức độ nghiêm trọng
của một tình huống. Đồng thời, sự ngây thơ của Scout khiến cô bé đáng tin cậy
hơn so với một người lớn kể chuyện, vì cô bé thiếu sự toan tính để định hình
câu chuyện hoặc che giấu thông tin vì lợi ích của riêng mình.
Trong khi Scout vẫn là
người kể chuyện trong suốt cuốn sách, sự tham gia của cô vào các sự kiện mà cô
mô tả đã thay đổi khi phiên tòa xét xử Tom Robinson trở thành trọng tâm. Vào thời
điểm này, Scout trở thành người quan sát nhiều hơn. Mặc dù có một số khoảnh
khắc cô đóng vai trò tích cực trong các sự kiện, chẳng hạn như cảnh cô và Jem
ngăn chặn đám đông xông vào nhà tù trước phiên tòa, nhưng phần lớn nhân vật
chính của những cảnh này là cha cô, Atticus.
Trong suốt phiên tòa,
những đoạn văn dài như một đoạn hội thoại. Không giống như những đoạn tóm tắt
trước đó mà Scout sử dụng để mô tả các sự kiện, ở đây câu chuyện chậm lại để
theo dõi từng câu một của phiên tòa. Chúng ta không có lý do gì để tin rằng
Scout đang hiểu sai các sự kiện, bởi vì những mô tả của cô bé về hành động này
rất trực tiếp và phần lớn là trực quan. Dấu hiệu duy nhất cho thấy Scout không
thể hiểu được các sự kiện là niềm tin của cô về việc cha cô sẽ chiến thắng ở
phiên tòa. Vào cuối tiểu thuyết, khi Bob Ewell tấn công Scout và Jem ở lễ hội
Halloween, Scout một lần nữa trở thành trung tâm của các sự kiện.
Việc sử dụng người kể chuyện là trẻ em giúp người đọc có thể nhìn nhận hành động qua con mắt mới mẻ, nhưng độ tuổi của Scout cũng hạn chế câu chuyện, đặc biệt là trong cách xử lý vấn đề chủng tộc. Mặc dù hiểu rằng bản án của Tom là không công bằng, về cơ bản Scout vẫn chấp nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã được thể chế hóa của thị trấn.
Harper Lee đưa ra
những quan điểm khác mà không có nhận xét, bình luận gì. Vì không có sự tách
biệt giữa người kể chuyện và nhân vật chính, nên rất khó để xác định liệu Lee
đang chỉ trích hay ủng hộ quan điểm của Scout về các sự kiện. Chúng ta biết rằng cuốn tiểu thuyết đến với công chúng vào những năm 1960, trong
khi nhiều khía cạnh trong cách Lee thể hiện chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn
còn phù hợp đến ngày nay, thì những khía cạnh khác đã lỗi thời và cần được
xem xét thêm.
Giọng điệu
Giọng điệu của Giết con chim nhại thay đổi trong suốt tiến trình của cuốn tiểu thuyết, từ chuyện phiếm và
ngây thơ đến căng thẳng và trưởng thành, khi Scout mất đi một phần sự ngây thơ
của mình. Vào đầu cuốn tiểu thuyết, khi Scout kể lại một loạt giai thoại mô tả
quá trình lớn lên ở một thị trấn nhỏ ở miền nam, giọng điệu nhẹ nhàng và hoài
niệm. Giọng điệu tình cảm này tạo nên một bức tranh mơ hồ về miền nam nước Mỹ
thời kỳ Đại suy thoái, bức tranh này sẽ bị phá vỡ bởi thực tế khắc nghiệt hơn về
những căng thẳng trong nửa sau của cuốn sách.
Sau đó, câu chuyện chậm lại để tập trung vào
phiên tòa xét xử Tom Robinson, và giọng điệu trở nên nghiêm túc và căng thẳng.
Những nhân vật có vẻ vô hại như bà Dubose và ông Cunningham trở nên đáng sợ,
khi quyết định bảo vệ Tom Robinson của Atticus kích động định kiến phân biệt chủng
tộc của họ. Khi Scout và Jem quan sát phiên tòa xét xử Tom Robinson, giọng điệu
trở nên nghiêm trang và câu chuyện chủ yếu tập trung vào các thủ tục xét xử, với
rất ít nhận xét từ Scout. Giọng điệu hồn nhiên trẻ con được thay thế bằng góc
nhìn thực tế hơn, bi quan hơn về thế giới. Phần cuối của cuốn sách, khi Bob
Ewell tấn công Scout và Jem, có một số ám chỉ hài hước, nhưng cuộc tấn công được
mô tả bằng giọng điệu đáng sợ và kịch tính. Sau khi Bob Ewell bị giết, giọng điệu
của câu chuyện vẫn nghiêm túc, u sầu hơn là hoài niệm, khi Scout và Jem đã học
được những sự thật về một thế giới đầy những khó khăn.
Cái kết của Giết con chim nhại
Sau khi Bob Ewell tấn
công Scout và Jem, Boo Radley cứu hai đứa trẻ và giết chết Bob. Atticus và cảnh
sát trưởng Heck Tate nói chuyện với nhau về cách giải quyết tình huống này, và
Scout đưa Boo về nhà. Cuộc trò chuyện giữa Atticus và Heck nói về hai điều khác nhau. Atticus tin rằng Jem là người
đã giết Bob, nghĩ rằng Heck muốn che giấu sự thật để bảo vệ Jem. Atticus kiên
quyết phản đối việc nói dối để bảo vệ Jem, vì điều này sẽ làm suy yếu mối quan
hệ của Atticus với các con và mọi thứ mà ông đã dạy chúng. Tuy nhiên, Heck nhận
ra người giết Bob Ewell là Boo, và muốn che giấu sự thật để bảo vệ Boo. Boo không
có tội nhưng hành động anh hùng của Boo khi được công bố rộng rãi sẽ hủy hoại sự
riêng tư và ảnh hưởng xấu đến cuộc đời của Boo.
Atticus phản đối việc
che đậy sự thật nếu nó liên quan đến Jem, nhưng ông chấp nhận điều này khi nó
liên quan đến Boo. Sự mâu thuẫn này là một khoảnh khắc quan trọng để hiểu rõ về
Atticus và động cơ của ông. Atticus là một người đàn ông có nguyên tắc cao, coi
trọng luật pháp và công lý, ông cũng rất coi trọng mối quan hệ của mình với các
con. Atticus sợ nếu làm điều gì đó giả tạo, nó sẽ hủy hoại mối quan hệ của
ông với các con. Atticus thà để Jem gặp phải thách thức, chứ không làm trái
những quy tắc mà ông đã dốc hết tâm huyết để dạy dỗ các con mình. Atticus không
có mối quan hệ như vậy với Boo, và thực tế Atticus còn nợ Boo mạng sống của hai
đứa con mình, vì vậy Atticus sẵn sàng chấp nhận việc nói dối để bảo vệ Boo.
Một khía cạnh quan
trọng khác của đoạn kết tiểu thuyết là cảnh Scout đi bộ về nhà cùng Boo. Boo đã
yêu cầu Scout đưa mình về nhà, đây là câu thoại duy nhất của Boo trong toàn bộ
tiểu thuyết. Đoạn này cho chúng ta thấy, Boo vốn là nỗi sợ hãi của rất nhiều
người dân trong thị trấn, thực ra cũng có nỗi sợ của riêng mình. Khi chứng kiến nỗi sợ hãi của Boo, Scout đã muốn bảo vệ và giữ phẩm giá của Boo. Scout nắm lấy cánh tay Boo để trông giống như Boo
là người đang dắt cô đi dạo trên phố. Để bảo vệ phẩm giá của Boo và đồng cảm
với nỗi sợ hãi của Boo, Scout đã đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ
về thế giới theo góc nhìn của họ, đúng như Atticus đã dạy dỗ cô. Những câu
thoại cuối cùng của Atticus, rằng hầu hết mọi người đều có những mặt tốt khi
bạn nhìn thấy con người thật của họ, nhấn mạnh quá trình trưởng thành của Scout
từ một đứa trẻ thành một người lớn có khả năng nhìn nhận Boo như một con
người.
Công lý là một chủ đề
quan trọng trong Giết con chim nhại. Sự thật từ
cuộc sống ở thị trấn Maycomb đã giúp Scout rút ra những bài học. Những bài học
này đặc biệt quan trọng khi cô phát hiện ra rằng hệ thống pháp luật không phải
lúc nào cũng đưa ra phán quyết đúng về mặt đạo đức.
Khi mọi người mang
định kiến của mình vào tòa án, họ không thể đưa ra quyết định một cách công
bằng. Mặc dù Atticus cho rằng tòa án nên là thành trì của công lý, nhưng việc
hệ thống pháp luật không đem đến một phiên tòa bình đẳng cho thấy các
nhân vật phải tìm những cách khác để đạt được công lý. Học cách đối phó với bất
công là cuộc đấu tranh liên tục đối với các nhân vật chính của cuốn sách, những
người phải tiếp tục đấu tranh cho công lý ngay cả khi họ nhận ra khó khăn trong
nhiệm vụ của mình.
Giết con chim nhại cũng chú trọng phân biệt giữa công lý và
trả thù. Trong những phần đầu của cuốn sách, Scout và Jem tập trung vào sự trả
thù. Khi anh họ của họ đưa ra một nhận xét tiêu cực về Atticus, Scout phản ứng
lại gay gắt; khi bà Dubose sỉ nhục Atticus vì đã đại diện cho Tom Robinson, Jem
đã nhổ hết bụi hoa trà của bà. Tuy nhiên, Atticus dạy bọn trẻ rằng những hành động
trả thù này thực sự không đạt được công lý. Thay vào đó, ông yêu cầu Jem xin lỗi
bà Dubose và chuộc lỗi bằng cách đọc cho bà nghe mỗi ngày. Lời xin lỗi và sự
sám hối của Jem đã bù đắp cho việc phá hủy những bông hoa của bà Dubose, điều
này cho thấy rằng công lý được thực hiện khi người có tội thực hiện sự sám hối,
chứ không phải đáp trả hành động tiêu cực như một sự trả thù. Những nỗ lực trả
thù của Bob Ewell đã mang lại kết quả trái ngược với mong muốn, góa phụ của Tom
Robinson được bảo vệ, thẩm phán không bị thương, Scout và Jem thoát chết. Trớ
trêu thay, Bob Ewell là nhân vật duy nhất thực sự đau khổ vì mong muốn trả thù
của mình, ông đã bị Boo giết khi tấn công bọn trẻ.
Nạn nhân lớn nhất của
sự bất công là Tom Robinson, người bị kết án oan tội cưỡng hiếp Mayella Ewell.
Mặc dù Atticus hy vọng vào đơn kháng cáo của mình, Tom đã bị bắn chết khi cố
gắng trốn thoát khỏi nhà tù. Cái chết của Tom là một cách Lee để ngỏ cho phần
kết của cuốn tiểu thuyết, Tom sẽ không bao giờ nhận được sự công bằng thông qua hệ
thống pháp luật. Mặc dù nhiều người ở Maycomb chống lại Tom, nhưng cũng có một
số người coi bản án và cái chết của anh là sự vi phạm công lý. Mặc dù phiên tòa có thể đã thay đổi suy
nghĩ của một số người ở Maycomb, nhưng công lý cho Tom, cũng như các nhân vật
da đen nói chung, vẫn chưa đạt được.
Câu hỏi liệu công lý
có được thực thi trong cái chết của Bob Ewell sau khi Boo Radley giết anh ta vẫn
còn là một ẩn số. Theo một nghĩa nào đó, cái chết của Bob là hình phạt cho tội
ác tấn công Scout và Jem, và cho trách nhiệm của anh ta trong cái chết của Tom
Robinson. Với cái chết của Bob Ewell, mặc dù một số
vấn đề của cuốn tiểu thuyết được giải quyết và đảm bảo rằng Bob bị trừng phạt
vì hành động của mình, nó cũng làm người đọc bị đánh lạc hướng khỏi bi kịch mãi
mãi không được giải quyết về bản án oan của Tom Robinson. Mặc dù cái chết của
Bob Ewell có thể đem lại cho người đọc một chút cảm giác thỏa mãn nào đó, nó vẫn
hoàn toàn không giải quyết được vấn đề công lý cho Tom.
Giết con chim nhại ngụ ý sự phức tạp của vấn đề công lý và cách giải quyết nó, như những bông hoa của bà Dubose và cái chết của Bob Ewell, nơi các phương pháp thực thi công lý chính thống không được áp dụng, nhưng các bên có tội phải đền tội cho tội ác của họ. Tuy nhiên, công lý không đến với Tom bằng bất cứ cách nào, đó là một sai sót trắng trợn của hệ thống luật pháp và không bao giờ được khắc phục. Kết quả là, mặc dù một số hình thức công lý đạt được thông qua sự đền tội hoặc trả thù. Nhưng trong Giết con chim nhại, sự bất công đối với Tom không bao giờ có thể sửa chữa. Đó là một vấn đề còn để ngỏ của Giết con chim nhại.
0 comments:
Post a Comment