Lost Generation - Thế hệ lạc lối là gì?

The Lost Generation- Thế hệ đã mất, thế hệ lạc lõng hay thế hệ lạc lối là thế hệ đầu tiên được định danh. Thuật ngữ này dùng để chỉ một nhóm nhà văn Mỹ sống tại Paris, Pháp trong những năm 1920 và cũng được dùng để gọi tên cả một thế hệ đã trưởng thành trong Thế chiến thứ nhất.

Hemingway bên bức tranh Stein do Pablo Picasso vẽ năm 1905

The Lost Generation là gì? Nguồn gốc của cái tên

Thế hệ lạc lối gắn liền với một nhóm các nhà văn Mỹ như Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, EE Cummings, Archibald MacLeish, Hart Crane và nhiều nhà văn khác sống và hoạt động văn học tại Paris, Pháp vào những năm 1920. Cụm từ “thế hệ lạc lối” mô tả sự vỡ mộng, lạc lối của nhiều người, đặc biệt là giới trí thức và sáng tạo, sau khi bước ra từ Thế chiến thứ nhất. Họ đã chứng kiến cái chết và cảnh tàn sát trong cuộc chiến. Mất niềm tin vào các giá trị và lý tưởng đương thời. Họ trở nên nổi loạn, mất định hướng, lạc lối và sa vào cuộc sống của chủ nghĩa khoái lạc để bù đắp, lấp đầy sự trống rỗng đó. Sự hoài nghi và vỡ mộng này đã định hình bối cảnh văn học và sáng tạo của những năm 1920.

Thế hệ lạc lối sau này được dùng rộng rãi hơn, nó áp dụng cho nhóm nhân khẩu học sinh ra khoảng năm 1883 đến 1900, đạt đến tuổi trưởng thành trong Thế chiến thứ nhất hoặc những năm 1900 và là thế hệ đầu tiên trưởng thành vào thế kỷ 20.

Thuật ngữ “Thế hệ lạc lối” xuất phát từ câu nói của nữ nhà văn Gertrude Stein: “Tất cả những người trẻ tuổi đã phục vụ trong chiến tranh… Các bạn đều là những con người lạc lối”. Bà đã nói câu này với Hemingway sau Thế chiến thứ nhất, khi ông còn trẻ và ông đã dùng nó làm lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, tác phẩm The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn mọc, 1926), đó là một cuốn tiểu thuyết khắc họa thái độ sống chán nản, nghiện ngập của một nhóm thanh niên xa xứ, tác giả đã khắc họa hình ảnh thế hệ lạc lối một cách sinh động và trần trụi nhất dựa trên chính trải nghiệm cuộc đời mình. Nhiều năm sau, trong tác phẩm A Moveable Feast (Hội hè miên man, 1964), Hemingway đã kể lại nguồn gốc thật sự của thuật ngữ “Lost Generation”.

Gertrude Stein cũng là một nhà văn Mỹ xa xứ sống tại Pháp vào thời gian đó, nhưng bà lớn hơn Hemingway cả một thế hệ. Thuật ngữ “thế hệ lạc lối” không phải do Stein sáng tạo ra và chính bà cũng đã xác nhận điều này. Cụm từ “thế hệ lạc lối” được nhắc đến lần đầu tiên bởi một ông chủ gara tại Pháp, nơi Stein đang bảo dưỡng chiếc xe của mình. Khi một nhân viên trẻ tuổi của gara sửa chữa chiếc xe một cách chậm chạp, người chủ đã quát cậu ta rằng: “các cậu đều là một thế hệ lạc lối”. Đó là một lời khiển trách của ông chủ gara về thái độ làm việc lề mề của cậu nhân viên. Lời nói của Stein với Hemingway ở trên cũng là một lời chỉ trích tới ông và bạn bè về thái độ sống buông thả khi đó. Đó chưa phải là cụm từ để thể hiện sự đồng cảm với những chấn thương và mất mát mà Hemingway và những thanh niên khác cùng thế hệ ông đã phải chịu đựng trong Thế chiến thứ nhất.

Khi đó Stein đang sống tại khách sạn Belley’s Hotel Pernollet trên đại lộ d’Alsace- Lorraine. Monsieur Pernollet là chủ khách sạn kiêm đầu bếp, một cựu binh trở về từ Thế chiến thứ nhất. Pernollet cũng đã sử dụng thuật ngữ “thế hệ lạc lối” để giải thích cho Stein về những chàng trai trong độ tuổi 18 đến 25 bị tước đi cơ hội trở nên hiểu biết hơn vì phải tham gia chiến đấu.

Stein đơn giản chỉ là người nhắc lại cụm từ này và đưa nó vào trong câu chuyện nói với bạn bè. Bà là người đã dịch nghĩa của cụm từ “une generation perdue” trong tiếng Pháp thành “lost generation” trong tiếng Anh. Stein có thể được coi là người đầu tiên định danh cho thế hệ này, nhưng người làm cho tên gọi đó trở nên phổ biến là Hemingway.

Đặc điểm của thế hệ lạc lối

Sau cuộc cách mạng công nghiệp, xã hội phương Tây nơi thế hệ lạc lối lớn lên có khoa học kỹ thuật và kinh tế phát triển chưa từng có. Họ cũng có xu hướng duy trì các giá trị truyền thống lâu đời. Những người đàn ông vừa lớn lên của thế hệ này đã tham gia vào Thế chiến thứ nhất, có hơn 70 triệu thanh niên đã được huy động ra chiến trường, trong đó có khoảng 8,5 triệu người đã thiệt mạng trên chiến trường, khoảng 2 triệu người đã tử vong do bệnh tật sau cuộc chiến và 21 triệu người bị thương trong cuộc chiến.

Chiến tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người sống sót, khiến nhiều người trong số này gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý và tàn tật về thể chất. Chiến tranh cũng làm lung lay ý thức hệ của nhiều người, những người tham gia cuộc chiến với niềm tin rằng chiến đấu cho sự cứu rỗi và vĩ đại. Khi trải qua những đau đớn và mất mát dường như không mang lại nhiều lợi ích cho một tương lai tốt đẹp hơn, nhiều người đã rơi vào tâm trạng trống rỗng, lạc lối một cách sâu sắc.

Sau đó họ cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch cúm Tây Ban Nha và trở thành động lực thúc đẩy nhiều thay đổi về văn hóa, đặc biệt là ở các thành phố lớn trong những năm 1920. Tiếp theo, khi ở giữa cuộc đời, họ phải trải qua những tác động tiêu cực về mặt kinh tế của cuộc Đại suy thoái, sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát xít và một lần nữa chứng kiến con cái của mình trải qua Thế chiến thứ hai, nhiều người lại một lần đau đớn vì sự mất mát.

Thế hệ lạc lối trong văn học

Lost Generation là một thế hệ được khắc họa đậm nét trong văn học, trong đó hai nhà văn nổi tiếng nhất thuộc thế hệ này là Hemingway và Scott Fitzgerald đã có những tác phẩm kinh điển mô tả về nó. Với Gatsby vĩ đại, Fitzgerald trở thành nhà biên niên sử vĩ đại về những năm 1920, khi đã khắc họa một cách chân thực đời sống, xã hội và giấc mơ của con người ở thời đại này. Xu hướng nội dung chủ yếu trong văn học thế hệ đã mất là sự suy đồi của xã hội, của đạo đức; sự bất lực của các nhân vật, vai trò của giai cấp, định kiến; và cuối cùng là đề cao những giá trị truyền thống, lý tưởng hóa những điều đẹp đẽ trong quá khứ.

Thế hệ lạc lối đã lùi xa vào quá khứ. Nhưng tên gọi hẳn sẽ gợi cho chúng ta, những con người của ngày nay nhiều tò mò. Mặc dù đã không còn, sự lạc lõng, không có định hướng, khó khăn đi tìm chính mình, những đặc điểm của họ, là điều mà hầu hết chúng ta sẽ phải trải qua, trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời.

VnTimeless

VnTimeless cảm ơn bạn đã ghé thăm website! Mời bạn để lại dưới đây một comment!
    Comment

0 comments:

Post a Comment